“Sức khỏe con người tùy thuộc vào lưng và chân. Ngực là để ‘lấy le’ thôi.”
Ông Sơn tập tạ 220 lb. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
SANTA ANA, California (NV) – “Tôi vẫn tập tạ để giữ sức. Có tuổi rồi, bổn phận của cha mẹ là giữ sức khỏe để không làm phiền con cái,” ông Nguyễn Ngọc Sơn, cư dân Santa Ana, nói.
“Có gì đâu. Nhiều người tập lắm mà. Nhưng tập tạ thì phải tập đều hàng ngày thì mới có hiệu quả,” không quen nói về mình, ông Sơn, 70 tuổi, lúng túng cho hay. “Tập tạ thì mình có sức khỏe, còn chạy bộ thì có sức dẻo dai.”
Hiện giờ, tập tạ nằm (bench press), ông đang tập với trọng lượng 220 lb.
Để phát triển cơ bắp, ông tập mỗi động tác chỉ từ tám đến 10 cái. Chỉ tập được dưới tám cái, nghĩa là tạ nặng quá, nên bớt xuống. Nếu tập được trên 10 cái, nghĩa là tạ nhẹ quá, phải tăng sức nặng của tạ lên.
Tuổi 70 nhưng sức khỏe không thua trai tráng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông nói: “Hàng sáng, tôi đến 24 Hour Fitness ở đường Center, phía sau khu Bella Terra, Huntington Beach, tập tạ từ 3 giờ rưỡi đến 5 giờ. Mỗi tuần năm ngày.”
Nhưng ông luân phiên thay đổi bắp thịt. “Thứ Hai, tôi tập ngực và lưng, Thứ Ba, tôi tập tay, vai và chân. Bụng thì nên tập hàng ngày,” ông chia rõ.
Ông cười rồi nói: “Sức khỏe con người tùy thuộc vào lưng và chân. Ngực là để ‘lấy le’ thôi.”
Ông tập đều đặn như vậy hơn 10 năm nay.
Từ lúc nghỉ hưu, ông luôn tâm niệm sẽ làm mọi việc để giữ gìn sức khỏe để sau này con cái không phải hầu hạ hay lo lắng cho mình.
Để giữ sức khỏe thể chất, ông chú trọng đến hai phần, tim mạch và bắp thịt.
Ông cho rằng tim mạch phải tốt để làm nền tảng. “Bắp thịt có khỏe đến đâu thì cũng không thể lâu bền nếu tim mạch yếu,” ông nhận xét.”
Đó là lý do ông tập trên máy chạy (treadmill) ba ngày một tuần. Ông nói: “Mỗi lần nửa tiếng là đủ rồi. Tập nhiều hơn nữa thì cơ bắp không nảy nở được.”
Ăn uống là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của ông. “Ở tuổi tôi, ăn uống phải tùy thuộc vào việc vận động thân thể. Ăn không đủ thì không có sức tập, ăn nhiều thì dễ mập,” ông giải thích.
Ở tuổi 70, về ăn uống ông không phải kiêng cữ gì cả vì ông có bệnh tật gì cả.
Sở dĩ ông được như vậy vì ông có một bí quyết về cách ăn uống mà ông vẫn tuân theo từ xưa đến nay. “Buổi sáng, tôi ăn uống như một ông vua. Buổi tối thì tôi ăn uống như một người ăn mày,” ông chia sẻ.
Ông dặn dò: “Nhớ là nên ăn bữa tối càng sớm, càng tốt. Trễ nhất là phải trước ba tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ.”
Bắp thịt nào cũng quan trọng cho sức khỏe. (Hình:Đằng-Giao/Người Việt)
Nhưng không phải cứ ăn uống thích hợp và tập cho thân thể tráng kiện là đủ. Muốn khỏe mạnh, người ta phải biết rằng quan trọng nhất là phải giữ cho đầu óc thanh thản, an hòa. Ông nói: “Tôi luôn giữ cho mình trái tim nhân ái. Đừng hay trách móc hay phê phán người khác.”
Cho ví dụ, hồi còn đi làm, ông bị một người muốn ông bị đuổi việc nên hay dèm pha, nói xấu ông sau lưng nhiều lần, nhưng ông không để chuyện này làm mình phiền lòng.
Ông tâm sự: “Tôi không quan tâm nhiều đến việc này. Tôi cứ để công việc của mình chứng minh cho sự làm việc của mình. Mình đúng, mình sai, mình tốt, mình xấu, tự thành quả công việc của mình nói lên tất cả.”
Ông có một công thức rất dễ nhớ để biết mỗi ngày, cơ thể ông cần bao nhiêu nước. “Lấy trọng lượng mình chia đôi, đó là bao nhiêu ‘ounce’ nước mình cần trong ngày.”
Ông cho thí dụ, một người nặng 16 lb. Thì cần 80 oz. nước, nghĩa là khoảng 2 lít 3 mỗi ngày.
Ông Sơn và môt số bạn hữu tại phòng tập. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Để gìn giữ cho tinh thần minh mẫn, ông vẫn phải tập luôn cả bắp thịt trí não. Ông luôn học hỏi những điều mới lạ để đầu óc không bị trì trệ.
“Gần đây nhất, tôi vừa học cách tự thành lập cho mình một website tên ‘cactusson.com’ cho vui. Mới tập làm nên chưa được chuyên nghiệp lắm. Nhưng điều quan trọng là nên có những công việc mới lạ thường xuyên cho trí óc hoạt động đều đặn,” ông nhấn mạnh.
Trước 1975, ông Sơn là thông dịch viên cho cố vấn Mỹ.
“Tôi xuống tàu hải quân đi Mỹ đúng ngày 30 Tháng Tư, 1975, rồi chờ tới năm 1984 thì bà xã tôi mới đưa ba đứa con vượt biên qua tới Mỹ,” ông kể.
Bây giờ, hàng ngày đi tập tạ là một thói quen không thể thiếu được của ông. “Ông nói: “Suốt 10 năm nay, tôi chưa bỏ tập ngày nào. Tới giờ mà chưa đi kịp là người tôi nó bứt rứt rất khó chịu.” (Đằng-Giao)