Trong thính phòng Viện Việt Học đầy ắp người thưởng thức, chỗ được giữ trước và không còn một ghế trống nào cho những người đến sau, vẫn còn đứng thưởng thức cho đến giờ phút cuối chương trình.
Toàn thể ca nhạc sĩ trong đêm nhạc ‘Giấc Mơ Của Chiều’ diễn ra tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Với chủ đề ‘Giấc Mơ Của Chiều’, một chương trình tiên phong của Viện Việt Học giới thiệu dòng nhạc mới của ba nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, Hồng Tước, và Võ Tá Hân vừa ra mắt công chúng vào lúc tối Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một, tại Viện Việt Học thuộc thành phố Westminster.
Trong thính phòng Viện Việt Học đầy ắp người thưởng thức, chỗ được giữ trước và không còn một ghế trống nào cho những người đến sau, vẫn còn đứng thưởng thức cho đến giờ phút cuối chương trình.
Cái độc đáo và lạ ở đây là sự pha trộn những giai điệu, ca từ dường như ít người biết đến đã mang đến một sắc thái mới cho dòng nhạc này. Những giai điệu trẻ sôi động, tha thiết trong tình yêu và nổi nhớ, hoặc thấm đậm tính Thiền trong đời sống tâm linh, hoặc hùng tráng trong tình tự quê hương, tất cả hòa quyện trong một không gian rất chiều thơ mộng.
Ba nhạc sĩ tâm tình cùng khán thính giả. Từ trái: Võ Tá Hân, Hồng Tước, Kim Ngân (GĐ Viện Việt Học), và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Chương trình với 25 tiết mục được trình bày với sự phối hợp của guitarist Phương Thảo, pianist Nguyên Thảo, âm thanh Nguyễn Thái, thiết trí sân khấu Anh Trúc, cùng các ca sĩ Kim Khuê, Ka Lăng, Vũ Đan, Bích Thủy, Vương Lan, Mai Phương, Ngọc Tuyết, Tóc Mây, Quỳnh Hoa, Nhóm Ca Hương Thiền, Tứ Ca Hương Xưa, đã làm nên một đêm nhạc tuyệt vời.
Nhạc phẩm “Dấu Yêu” của Nguyễn Ngọc Phúc qua tiếng hát Anh Tài được chọn mở màn đêm nhạc.
Tiếp theo là bài “Thu” thơ Cao Nguyên, nhạc Võ Tá Hân do Ngọc Quỳnh trình bày.
Qua phần mở đầu với dòng nhạc mới của 3 nhạc sĩ, thính giả thưởng thức các giai điệu và ca từ trải ra trong một không gian đầy kỷ niệm, qua phong cách trình diễn của các ca sĩ, đã mang lại những ấn tượng đẹp với tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng.
Với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc thì: “Chiều là những người đã qua tuổi thanh xuân, nhưng chưa đến buổi tối. Khi chúng ta còn thở, suy nghĩ rung động và mơ tưởng, thích thú đọc các vần thơ lãng mạn, còn đắm đuối say mê nhìn các màu sắc tuyệt vời, và lâng lâng khi nghe các giai điệu mượt mà thì chiều vẫn còn có một giấc mơ. Đêm nhạc này chính là Giấc Mơ Của Chiều, giấc mơ trong tỉnh thức.”
Nhạc sĩ Hồng Tước thì cho rằng: “Cùng những thú vui như vẽ, chụp ảnh, ca hát thì âm nhạc là những cảm xúc của một người phụ nữ rất đời thường, được viết ra trong những giây phút xúc động, nhẹ nhàng thoáng qua trong tâm tưởng và hình thành nên giòng nhạc. May mắn được sống trong một gia đình âm nhạc nên nhạc đến thật tự nhiên, và tôi sáng tác cũng nhẹ nhàng trong thoáng phút giây cảm xúc thôi.”
“Chiều hôm nay từ sự tò mò đến nghe dòng nhạc mới, thưởng thức rồi hòa nhịp cùng tâm tình nhạc sĩ, đó là sự thành công mà người sáng tác rất hạnh phúc khi nhận được sự đồng cảm của khán thính giả,” Hồng Tước tâm sự.
Với nhạc phẩm “Khi Em Yêu” tác giả Hồng Tước cho biết đây là sáng tác đầu tay của mình, khi nhìn thấy mấy người bạn cùng làm việc bận rộn lắm. Đến một hôm bỗng thấy họ mắt sáng môi hồng mặt tươi hẳn lên, chị nghĩ rằng phải có một biến chuyển lớn trong tâm hồn họ mới có những biểu hiện ra bên ngoài. Thế là ý và nhạc ra đời trong tâm cảnh như vậy. Và Hồng Tước say mê hát cùng với tiếng đàn của pianist Nguyên Thảo.
Nhóm ca Hương Thiền trong bài ‘Gió Hát Thiền Ca’ thơ Thanh Trí Cao, nhạc Võ Tá Hân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp theo là “Khúc Thu Ca” do Hồng Tước phổ thơ của Nga Lê Trọng Nguyễn, nói về nỗi nhớ người chồng là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lời tự tình trong nỗi nhớ, cùng với lá mùa Thu rơi, tiếng chim hót cô đơn trong mùa Thu lá rơi vàng lối nhỏ, qua nhạc đệm của guitarist Phương Thảo, ca sĩ Hồng Tước hát lên tất cả nỗi lòng của người vợ nhớ chồng.
Nhạc sĩ Võ Tá Hân, người được biết đến với nhiều ca khúc ra đời đã lâu, với sự đa dang và phong phú trong thể loại, từ tình ca cho đến nhạc Thiền. Ông cho rằng mọi người ít nghe nhạc mới vì với dòng nhạc cũ đã quen thuộc bao lâu rồi, dễ nghe dễ hát, gợi lại nhiều kỷ niệm.
“Chiều là bởi vì những sáng tác gần 30 năm trước tôi viết rồi để đó, bây giờ mới có một số bài được ra mắt. Đặc biệt là tôi chuyên phổ nhạc người theo thơ người khác. Đêm nay có 25 bài nhạc mới được viết sau này. Mong rằng những ca khúc này sẽ mang lại cho khán thính giả một đêm nhạc với nhiều giấc mơ trọn vẹn.”
Đêm nhạc lên đến cao trào với bài “Việt Nam Ngàn Năm Biển Hát” của Nguyễn Ngọc Phúc, qua hợp ca Ngọc Phúc, Anh Tài, Thùy Dung, Kim Huệ, và Xuân Thúy.
Nội dung bài hát cũng chính là tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc: “Quê hương tôi đã mất từ 1975 nhưng vẫn còn mãi trong tim từ đó đến nay. Một quê hương vĩ đại với lịch sử oai hùng ngàn năm, bên cạnh đó còn có một quê hương nhỏ bé là xóm Bàn Cờ, Sài Gòn yêu dấu, nơi có xóm làng yên vui thanh bình. Hoài niệm về quê hương to lớn và nhỏ bé đó sẽ được giữ mãi. Giấc mơ được trở về quê hương ngày tháng cũ tự do và hạnh phúc sẽ giữ vững niềm tự hào là người Việt Nam. Chừng nào biển còn gầm thét được tiếng sóng vang là tôi còn giữ được nỗi ước ao đó.”
Ông Lê Hữu Quế, cư dân Santa Ana, nhận xét: “Biết nói thế nào là nhạc cũ hay mới. Mỗi thế hệ viết nhạc theo tâm tình của từng giai đoạn mà họ đang sống. Điều quan trọng là bài hát đó được cảm nhận như thế nào để gọi là ‘có hồn’ hay không.”
Nhà văn Nguyễn Quang nhận xét: “Đêm nhạc thật tuyệt vời, với dòng nhạc mới, các nhạc sĩ đã thành công trong việc đưa người nghe đến nhiều cảm xúc. Viện Việt Học thật đáng biểu dương khi nghĩ đến chương trình giới thiệu dòng nhạc mới này đến với công chúng.”
Cô Phùng Thị Kim Cúc, cư dân Garden Grove cho rằng: “Nhạc mới hay như thế này thì cũng nên khuyến khích lắm chứ. Nó mang đến một luồng không khí mới thổi vào lòng người yêu nhạc, nhất là những tâm hồn mang nặng tình yêu đời, yêu người và quê hương dân tộc. Mong rằng dòng nhạc mới sẽ bay xa hơn nữa đến những phương trời đẹp đầy sức sáng tạo và tình người.” (Văn Lan)