main billboard

Điều đọng lại là những người con Việt Nam, dù sống ở bất kỳ nơi đâu, làm bất cứ ngành nghề nào cũng đều cố gắng gìn giữ nét đẹp, văn hóa của người Việt, đặc biệt là với chiếc áo dài.


aodai vn 1
Các em nhỏ và người thân chụp hình lưu niệm tại Thương xá Phước Lộc Thọ trong dịp Tết Mậu Tuất. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Tết vừa qua là lần đầu tiên tôi được tham dự nhiều buổi họp mặt tất niên và tân niên mừng Xuân Mậu Tuất của nhiều Hội đồng hương, thân hữu ở Little Saigon. Điều đọng lại là những người con Việt Nam, dù sống ở bất kỳ nơi đâu, làm bất cứ ngành nghề nào cũng đều cố gắng gìn giữ nét đẹp, văn hóa của người Việt, đặc biệt là với chiếc áo dài.

Có rất nhiều Hội đồng hương của nhiều tỉnh, thành của Việt Nam tại Little Saigon, đặc biệt là các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam, Việt Nam. Hằng năm các Hội đều tổ chức họp mặt tất niên hoặc tân niên, với sự chuẩn bị rất kỹ càng, từ các nghi thức làm lễ chào cờ, dâng hương tổ tiên, mặc niệm tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho dân tộc, tri ân những người đóng góp cho cộng đồng, tặng quà cho các vị cao niên hay những tiết mục văn nghệ cũng được chuẩn bị nghiêm túc.

Nhưng điều gây nhiều cảm xúc nhất trong tôi là hình ảnh chiếc áo dài hiện diện khắp nơi. Thật vậy, trong các buổi họp mặt Hội đồng hương, phụ nữ nào cũng mặc áo dài, mà là áo dài truyền thống chứ không phải áo dài cách tân. Kể cả các em nhỏ sinh ra lớn lên ở Mỹ cũng rất thích thú với chiếc áo dài. Có lẽ các em được phụ huynh khuyến khích mặc, cũng có lẽ các em nhìn thấy nét đẹp trong chiếc áo dài nên tự nguyện mặc.

Mà đâu riêng trong các buổi họp mặt như thế này. Chiếc áo dài Việt Nam còn tung bay khắp nơi từ các buổi diễn hành Tết, hội chợ, đi xem ca nhạc và trong rất nhiều các chương trình lớn, nhỏ ở Little Saigon. Đó là chưa kể hằng năm có nhiều cuộc thi chọn người mặc áo dài đẹp nhất, dành cho nhiều nhóm tuổi, từ 5 tuổi cho đến trên 60 tuổi. Rồi giám khảo, MC, ca sĩ, kể cả nhiều khán giả trong những cuộc thi như thế này cũng mặc áo dài. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng quả thật, chiếc áo dài hiện diện trong các sự kiện cộng đồng ở Orange County, nơi có khoảng 180,000 người Việt sinh sống, có lẽ còn nhiều hơn ở Việt Nam.

aodai vn 2
Một em nhỏ mặc áo dài đi Hội chợ Tết, thích thú mang thử quang gánh chụp hình. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam thực sự rất đẹp, kín đáo nhưng cũng rất gợi cảm, tôn vinh được đường cong của người phụ nữ. Chiếc áo dài đủ sang trọng, quý phái để mặc trong những sự kiện quan trọng nhưng cũng đơn giản để mặc trong những dịp bình thường. Có thể mặc đi tiệc ban ngày, ban đêm. Người già hay trẻ, vóc dáng thế nào, cũng đều đẹp trong chiếc áo dài. Chiếc áo dài còn được làm đồng phục cho học sinh, công sở. Đây là điều đặc biệt mà có lẽ, hiếm có một trang phục dân tộc của một quốc gia nào khác trên thế giới có được. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao phụ nữ Việt Nam cũng cảm thấy tự hào khi mặc áo dài.

Mà đâu chỉ riêng phụ nữ mặc áo dài, người sống ở Little Saigon còn quen thuộc với hình ảnh nhiều người đàn ông mặc áo dài khăn đóng trong các buổi họp mặt Hội đồng hương, thân hữu. Nếu không mặc áo dài, các vị khách nam cũng đều mặc áo vest, thắt cà vạt (cravat) rất trang trọng, lịch sự, thể hiện sự tôn trọng dành cho ban tổ chức cũng như khách mời.

Bên cạnh chiếc áo dài, các nghi thức khác trong các buổi họp mặt Hội đồng hương, thân hữu… cũng khiến tôi xúc động, như nghi thức chào cờ, dâng hương tổ tiên, mặc niệm. Phần chào cờ bao giờ cũng là chào cờ, hát quốc ca Việt Nam trước rồi đến chào cờ, hát quốc ca Mỹ. Tất cả đều được thực hiện trang nghiêm. Thậm chí trong một buổi ra mắt sách, các nghi thức này cũng được thực hiện, ngoại trừ phần dâng hương.

aodai vn 3
Khách tham dự buổi họp mặt mừng Xuân Mậu Tuất của Hội Thân hữu Bình Thuận. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Những lúc như vậy, đôi khi tôi tự hỏi liệu có quá lạm dụng việc chào cờ, dâng hương, mặc niệm? Bởi ở Việt Nam không bao giờ có những nghi thức như thế này trong những chương trình tương tự; kể cả người Mỹ họ cũng chỉ chào cờ trong những sự kiện quan trọng hay trước những trận thi đấu trong thể thao.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, khi mình đi xa, quê hương, cội nguồn là điều gì đó thiêng liêng lắm mà mình luôn muốn gìn giữ, bảo vệ. Mà khi mình còn cố gắng gìn giữ, bảo vệ, nghĩa là mình còn yêu quê hương. Chỉ sợ một ngày nào đó, những nghi thức này không còn nữa, chiếc áo dài cũng không còn được vinh danh, rồi mọi thứ sẽ chìm vào lãng quên.

Rồi tôi nghĩ vẩn vơ, nhiều năm nữa, khi thế hệ người Việt thứ nhất, thứ hai trên đất Mỹ ra đi, liệu các thế hệ tiếp theo có còn tiếp nối các sinh hoạt cộng đồng như hiện tại? Có lần ông Trần Đường, Hội trưởng Hội đồng hương Quảng Ngãi, trong lúc trò chuyện với tôi, cũng băn khoăn về việc này. Nhưng rồi ông nói, ông tin vào tình yêu quê hương đất nước, cội nguồn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Khi các cháu lớn lên, các cháu sẽ tự động tìm về cội nguồn, bởi cho dù có đi đâu về đâu, lớn lên trong hoàn cảnh nào thì mình cũng là người Việt Nam. (Trúc Linh)