Sự tàn khốc của chiến tranh trong phim không được thể hiện qua những cảnh bắn giết đẫm máu, nhưng người xem vẫn cảm nhận được nó, rất rõ.
Bế mạc ViFF lần VI
IRVINE (NV) - “War Witch” (Phù thủy chiến tranh) của đạo diễn người Canada gốc Việt, Kim Nguyễn, từng được đề cử vào chung kết Oscar 2013, hoàn toàn thuyết phục người xem khi chiếm được giải Trống Đồng trong Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần VI (Vietnamese International Film Festival-ViFF).
Đây cũng là bộ phim cuối cùng được trình chiếu trong khuôn khổ ViFF, trước khi khép lại một “tiệc phim thịnh soạn” diễn ra từ ngày 7 Tháng Tư đến 14 Tháng Tư.
“War Witch” (Phù Thủy Chiến Tranh)
“War Witch” (Phù thủy chiến tranh) có tựa gốc tiếng Pháp là “Rebelle” (Nữ chiến binh) của đạo diễn Kim Nguyễn bắt nguồn từ một câu chuyện về hai đứa trẻ song sinh 9 tuổi có tên là Johnny và Luther Htoo được tôn làm “người lãnh đạo thần thánh” của một nhóm phiến quân Myanmar mà Kim Nguyễn tình cờ đọc được.
Đạo diễn Kim Nguyễn (giữa) đến từ Canada và các thành viên trong ban tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần VI. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cuộc chiến tranh đẫm máu giữa quân chính phủ và quân phiến loại. Những đứa bé chưa kịp lớn đã bị bứng khỏi gia đình, ném vào môi trường của súng ống, của chém giết, của sự sinh tồn. Nhưng vượt lên tất cả sự dã man và nỗi thống khổ là cái nhìn nhân bản, hồn hậu, sức sống bền bỉ của con người. Đó là những gì người xem có thể cảm nhận được từ trong “War Witch.”
Truyện phim có thể tóm tắt từ những lời tự sự của một bà mẹ trẻ 14, 15 tuổi nói chuyện với bào thai trong bụng mình về cuộc đời của cô, vì sao cô trở thành chiến binh, vì sao cô được xem là “phù thủy chiến tranh.”
Komona, tên người mẹ-trẻ con đó, vừa mới còn trong vòng tay chăm sóc của mẹ, được mẹ thắt cho những bím tóc trên đầu, thoắt cái, quân phiến loạn tràn vào làng, ấn vào tay cô khẩu súng trường, với mệnh lệnh hoặc cô tự bắn chết cha mẹ mình, hoặc họ sẽ bị kẻ phiến loạn trừng phạt tra tấn sống dở chết. “Hãy làm theo lời bọn chúng,” cha mẹ Komona lên tiếng. Nước mắt lăn dài, cô bé nổ súng. Khi đó, cô 12 tuổi.
Cùng với những đứa trẻ khác trong làng, Komona bị bắt đưa vào rừng để được huấn luyện thành những chiến binh, được dạy rằng từ nay khẩu súng mới chính là cha là mẹ của chúng. Không biết có phải do ảo giác từ loại “sữa ma thuật” bị ép uống hay không mà Komona có thể nhìn thấy được những bóng ma trong rừng, trên cây, kể cả bóng ma của cha mẹ cô, để được họ cảnh báo tránh được sự tấn công của quân chính phủ. Điều này giúp Komona được tôn vinh làm “phù thủy chiến tranh” của nhóm phiến quân và nhận được sự bảo vệ tối đa.
Bị thuyết phục bởi lý lẽ “phù thủy chiến tranh” cũng sẽ bị giết chết nếu thần lực không còn, Komona bỏ trốn cùng Magicien, người bạn duy nhất của cô trong đám chiến binh.
Từ đây, một thế giới khác hơn, mở ra trước mắt người xem. Vẫn là đất nước đang chìm trong nội chiến đó, vẫn đói nghèo và lạc hậu đó, nhưng nụ cười tươi tắn, rộn rã của tình yêu, của sự hồn nhiên, của những điều nhân bản trong mỗi người trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Bộ phim kết thúc sau khi Komona trở về làng cũ thực hiện công việc chôn cất cha mẹ mình để linh hồn họ được siêu thoát và cô ẵm đứa con bé bỏng mới sinh quá giang xe tìm đường trở về ngôi nhà của người cậu Magicien, người sẵn sàng đón nhận, chăm sóc xem cô như con gái của ông.
Đường về vẫn còn xa tắp, Komona mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Và trí tưởng tưởng của người xem không dừng lại khi đèn phòng chiếu đã bật sáng.
***
Kim Nguyễn mất 10 năm cho việc tập trung suy tưởng về các mối quan hệ kỳ lạ đã đẩy nhân vật vào những tình huống bất thường cũng như tìm kinh phí để thực hiện bộ phim này.
Phim sử dụng yếu tố thần thoại và hoang đường để truyền tải bức tranh lớn hơn về chân dung những chiến binh trẻ con, chúng thực sự là ai. Thế giới tâm linh đặc biệt của người châu Phi với lòng tin tuyệt đối vào linh hồn còn hiện diện sau khi chết cũng góp phần tạo dựng không khí đặc biệt của phim - sự đối chọi giữa một bên là hiện thực đau đớn và một bên là cuộc sống tinh thần như là chỗ dựa.
Sự tàn khốc của chiến tranh trong phim không được thể hiện qua những cảnh bắn giết đẫm máu, nhưng người xem vẫn cảm nhận được nó, rất rõ.
Niềm tin yêu, tình người nhân hậu, không chiến tuyến vẫn vượt lên tất cả qua những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, nhưng sức gợi của nó lại vô cùng.
Phim được quay ở Congo, nơi chính quyền sở tại cấm làm phim trong 25 năm. Một điều khá thú vị, theo đạo diễn Kim Nguyễn, là tất cả diễn viên trẻ em trong phim đều là những đứa trẻ bụi đời ở Congo,
Diễn viên Rachel Mwanza, 14 tuổi, người đóng vai Komona, cũng là một trẻ em đường phố. Bị bố mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ, Rachel sống với bà và bán hạnh nhân rong trên phố. Cô bé không biết chữ. Quá trình làm phim cho cô cơ hội đến trường và học đọc.
Nếu trong “Phù Thủy Chiến Tranh,” Kim Nguyễn quay theo phong cách phim tài liệu, để diễn viên sống đời sống của họ, không nhìn vào ống kính máy quay, thì sự diễn xuất của Rachel Mwanza cũng khiến đạo diễn phải thán phục, “Cô bé không phải là kiểu nghìn người mới tìm được một, mà là kiểu triệu người mới chọn được một người.”
Vai diễn Komona mang lại cho cô bé Rachel Mwanza giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc” tại Đại hội điện ảnh Berlin, Đại hội điện ảnh Tribeca, Giải thưởng điện ảnh Canada và một tấm vé đặc biệt đến dự lễ trao giải Oscar vừa rồi tại Hollywood.
Kim Nguyễn và sự trở lại với ViFF
“Thật là tuyệt vời khi trở lại với ViFF lần này. Vẫn cảnh cũ, người cũ, như 10 năm trước đây, thật là vui, thật là tự nhiên, thoải mái. Nhưng tất cả thành tựu của cả tôi và ViFF làm được trong 10 năm qua đều rất trưởng thành, rất phát triển.” Người đạo diễn có gương mặt vừa cương nghị vừa thân thiện nói một cách cởi mở.
Đạo diễn Kim Nguyễn nhận giải Trống Đồng dành cho phim War Witch (Phù Thủy Chiến Tranh) tại ViFF lần VI. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
10 năm trước đây, trong lần đầu tiên của ViFF, bộ phim “Le Marais” của Kim Nguyễn, với câu chuyện diễn ra ở Ðông Âu vào thế kỷ 19 được đề cử tới sáu giải Jutra - một giải thưởng điện ảnh thường niên cho phim nói tiếng Pháp ở Québec-Canada, cũng được chọn chiếu trong ngày bế mạc.
Nói về ý tưởng hình thành nên bộ phim “War Witch”, Kim Nguyễn cho biết, “Khi làm bộ phim này, tôi không nghĩ về người Việt Nam nói riêng, mà muốn nói chung về con người, lòng nhân đạo giữa con người với con người, về những đứa trẻ bị bắt cóc, bị đẩy vào chiến tranh như thế nào, thì khi xem phim, lòng nhân đạo của mình hiện ra liền.”
Kim Nguyễn sinh năm 1974 tại thành phố Montreal, Canada. Cha anh là một người Việt Nam du học tại Canada từ những năm 1960, hiện làm trong ngành y tế Canada. Mẹ anh là một phụ nữ Canada.
Kim Nguyễn tốt nghiệp Đại học Concordia chuyên ngành sản xuất phim. Anh học thêm nhiếp ảnh, viết kịch bản phim và thiết kế kỹ xảo điện ảnh. Ngoài làm phim, anh còn được mời giảng dạy tại Học viện Sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu đồ họa Canada.
Kim Nguyễn kể về kỷ niệm mình từng có với quê cha một cách hào hứng, “Năm 1996 tôi trở về Việt Nam, đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, đi ra những vùng phía bắc như Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Hà. Tôi nhớ kỷ niệm lái xe gắn máy đi từ Sapa lên Bắc Hà, khi đó không cần đội nón bảo hiểm. Có một chuyện làm tôi thấy rất là thú vị là lần tới một vùng núi thấy có một người đàn ông và một người đàn bà đi ra chợ, người đàn bà thì dẫn theo một con lừa, người đàn ông thì đi tay không. Ra đến chợ, thì người đàn bà ngồi xuống bán hàng, còn người đàn ông thì uống rượu, rồi xỉn. Người đàn bà bỏ người đàn ông lên con lừa để kéo về nhà cho khỏi mất ổng.” Kim cười sảng khoái cho điều mình từng được chứng kiến.
Trả lời câu hỏi, “Với những gì đã nhìn thấy khi về Việt Nam, anh có nghĩ đến một lúc nào đó anh sẽ làm một bộ phim về con người Việt Nam, phong cảnh đất nước Việt Nam không?” người đạo diễn gốc Việt này cho rằng, “Tôi sinh trưởng ở Canada nên thân phận người Việt Nam trong nước hay ở hải ngoại tôi chưa biết nhiều. Tôi chưa chuẩn bị đủ cho mình những cảm xúc cần có, những gì cần có để có thể làm phim. Tôi vẫn còn phải tiếp tục làm thêm, hy vọng sau này sẽ có dịp sẽ thực hiện.”
ViFF 2013 - thành công lớn
“Quá nhiều phim hay trong ViFF lần này” gần như là lời nhận xét đầu tiên của những ai tham dự ViFF từ đầu đến cuối.
Chỉ riêng sự xuất hiện của hai đạo diễn gốc Việt có phim từng được đề cử Oscar tại ViFF lần 6, là đạo diễn Trần Anh Hùng với Mùi Đu Đủ Xanh, và Kim Nguyễn với War Witch, cùng với sự tham dự của rất nhiều đạo diễn, diễn viên và nhà phát hành đến từ nhiều nước, cũng đủ chứng tỏ được sự thành công và uy tín của ban tổ chức ViFF.
69 phim được trình chiếu trong 8 ngày diễn ra ViFF từ tổng số 107 phim gửi đến từ nhiều nơi trên thế giới đã thật sự mang lại cho khán giả cái nhìn mới mẽ, hy vọng và tự hào hơn nhiều cho những ai có niềm đam mê với nghệ thuật thứ bảy, đặc biệt có sự ưu tư trăn trở với những gì gắn liền với nguồn gốc Việt.
Nữ tài tử Kiều Chinh, đồng trưởng ban giám khảo cho biết, “Chúng tôi trong ban giám khảo đã rất vất vả trong việc chọn lựa phim để trao giải năm nay. Mỗi phim, mỗi tài tử, mỗi đạo diễn, đều đưa đến khán giả những câu chuyện, những góc nhìn, và phong cách rất riêng biệt.”
“Ðặc biệt đề tài của những cuốn phim chính năm nay rất phong phú,” Giáo Sư Erin Khuê Ninh, đồng trưởng ban giám khảo, nhận xét. “Các phim chính này cho thấy sức mạnh đang phát triển của điện ảnh Việt từ Việt Nam, Hoa Kỳ, và toàn thế giới.”
Vượt qua, “Beyond the Mat,” “Lấy Chồng Người Ta” và “Ngọc Viễn Ðông,” bộ phim “War Witch” được trao giải Trống Đồng cho thể loại phim truyện (Feature).
Giải Trống Đồng cho thể loại phim ngắn thuộc về phim “Picture Perfect” của đạo diễn Winston Titus Tao.
Diễn viên Thái Hòa trong phim “Lấy Chồng Người Ta” và Ngô Thanh Vân trong “Ngôi Nhà Trong Hẻm” đoạt giải nam nữ tài tử xuất sắc.
Giải Ðạo Diễn Hình Ảnh (Cinematography) được trao cho Nguyễn K' Linh với phim “Thiên Mệnh Anh Hùng.”
Giải Khán Giả Bình Chọn thuộc về phim “Stateless” của đạo diễn Đức Nguyễn và “Mr. Cao Goes To Washington” của đạo diễn S.Leo Chiang.