Mục đích chuyến đi hai ngày là để tìm hiểu lịch sử người tị nạn Việt Nam và phỏng vấn các cựu quân nhân VNCH về kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam.
Từ trái, bốn sinh viên sĩ quan Mỹ gốc Việt hiện theo học Trường Võ Bị West Point, Tina Lê, 21 tuổi, cư dân San Jose, sắp ra trường; Austin Nguyễn, Đào Quốc Khánh, và Vũ Minh An, cả ba đều 20 tuổi, học năm thứ ba, cùng từ Dallas, Texas. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Phái đoàn Trường Võ Bị West Point Hoa Kỳ, trong đó có bốn sinh viên sĩ quan gốc Việt, vừa đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mục đích chuyến đi hai ngày là để tìm hiểu lịch sử người tị nạn Việt Nam và phỏng vấn các cựu quân nhân VNCH về kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam.
“Ngày đầu hôm nay chúng tôi, gồm ba sĩ quan và sáu sinh viên sĩ quan, thăm viện bảo tàng này. Ngày tiếp theo chúng tôi phỏng vấn một số cựu quân nhân VNCH và thăm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Sau đó, chúng tôi trở về New York,” Trung Tá David Siry, giám đốc Chương Trình Lịch Sử Truyền Khẩu của Trường Võ Bị West Point, hướng dẫn phái đoàn, nói với nhật báo Người Việt.
Ông còn cho biết: “Các sinh viên sĩ quan cũng sẽ đến các trường trung học địa phương để kêu gọi các bạn trẻ, mọi sắc tộc, tham gia theo học Trường Võ Bị West Point nổi tiếng của Hoa Kỳ.”
“Tôi tốt nghiệp West Point năm 1994, và cũng muốn phỏng vấn một sĩ quan gốc Việt trước theo học Võ Bị Đà Lạt. Đó là ông Phạm Minh Tâm, tốt nghiệp West Point năm 1974, nếu biết được địa chỉ.”
Austin Nguyễn, sinh viên sĩ quan năm thứ ba Trường Võ Bị West Point, thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Lực VNCH, trước bức họa Đức Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Tàu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Bác Sĩ Nguyễn Hoàng Quân, một trong những sáng lập viên viện bảo tàng, cùng cựu Hải Quân Trung Úy Nguyễn Ngọc Bạch và anh Quang Lê, một tình nguyện viên, cũng có mặt để hướng dẫn phái đoàn xem các hình ảnh, kỷ vật từ chiến trường Việt Nam.
Lá hiệu kỳ của Sư Đoàn 18 Bộ Binh được sự chú ý vì danh tiếng của trận đánh An Lộc do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.
“Tôi nhớ tôi đã có dịp phỏng vấn thiếu tướng sư đoàn trưởng, và một số sĩ quan cao cấp khác,” Trung Tá Siry nói.
Các sinh viên sĩ quan tủa ra tứ phía để chia nhau xem các kỷ vật trưng bày, từ chiếc nón sắt, lưỡi lê, nón kết và quân trang, quân phục của các binh chủng QLVNCH, để ghi chú và học hỏi.
Trong bốn sinh viên gốc Việt, ba người nói được tiếng Việt. Chỉ có một người nói được ít tiếng Việt.
Phái đoàn sĩ quan và sinh viên sĩ quan do Trung Tá David Siry, giám đốc Chương Trình Lịch Sử Truyền Khẩu của Trường Võ Bị West Point, hướng dẫn thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Lực VNCH tại Little Saigon. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cô Tina Lê, 21 tuổi, một nữ sinh viên sĩ quan, cư dân San Jose, cho biết cảm tưởng: “Cháu xem các hình ảnh mà vẫn nổi da gà. Cha cháu là người tị nạn, vượt biên đến trại Bataan ở Philippines trước khi đến Mỹ định cư. Cháu chọn trường West Point vì cha cháu nói thích trường võ bị này, giống Trường Võ Bị Đà Lạt của Việt Nam khi xưa.”
“Cháu hiện đang học năm năm thứ tư, sắp ra trường. Cháu thích ngành pháo binh, yểm trợ hỏa lực,” cô nói thêm.
Sinh viên sĩ quan Vũ Minh An, 20 tuổi, cho biết được sanh ra ở Long Khánh, cha mẹ ở Dallas, Texas, cho biết: “Ba cháu không ở trong quân đội nhưng chú cháu là cựu quân nhân. Cháu chọn West Point vì học được nhiều hơn đại học thường.”
“Cháu thấy tám tuần huấn nhục cũng thường, nhưng cháu nghe nói không cực khổ bằng Võ Bị Đà Lạt như chú. Ra trường cháu sẽ chọn lái trực thăng, giúp nước,” anh nói.
Khách thăm chú ý đến hiệu kỳ của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đơn vị do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Sinh viên Đào Quốc Khánh cho biết cũng sẽ chọn lái trực thăng. Anh năm nay 20 tuổi, cũng là cư dân Dallas, Texas, hiện theo học West Point năm thứ ba.
“Cháu thích West Point vì lục quân có sự tương tác với binh sĩ nhiều hơn,” chàng sinh viên đẹp trai nói.
Một sinh viên sĩ quan khác, Austin Nguyễn, 20 tuổi, sanh ra ở Seattle, tiểu bang Washington, chia sẻ: “Vào West Point, cháu học được đủ thứ. Cháu là người đầu tiên gia nhập quân đội. Ba cháu là bác sĩ y khoa và mẹ cháu là dược sĩ. Gia đình kể cho cháu nghe về lịch sử người Việt tị nạn, cháu thấy phấn khởi và hãnh diện là người Việt.”
Sau cùng là một kinh nghiệm thú vị với một người Mỹ tốt nghiệp sĩ quan trừ bị ở Michigan, nhưng nói tiếng Việt thông thạo. Đại Úy Nathan Clason cho biết ông từng đến Việt Nam, ít nhất là bốn lần, trong các công tác tìm kiếm phi công Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, từ Lạng Sơn đến Đà Lạt. Ông khoe có tên Việt là “Cửu Long, chín con rồng.”
Phái đoàn nghỉ trưa và giải khát tại một tiệm nước Việt Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông mở đầu, trả lời phỏng vấn: “Chúc phát tài nho những ai có thể nghe được giọng ‘lạc’ (không sõi) của tôi.”
Ông Clason cho biết học tiếng Việt mỗi ngày sáu tiếng đồng hồ, trong suốt một năm tại trường sinh ngữ Lục Quân ở Michigan. “Sau khi thăm viện bảo tàng, Thứ Bảy sẽ phỏng vấn một số cựu quân nhân VNCH tại Little Saigon. Chủ Nhật chúng tôi trở lại New York.”
“Điều gì tôi thích nhất ở Little Saigon? Phải nói là đồ ăn ở Cali ngon hơn cả đồ ăn ở Việt Nam!” ông Cửu Long nói.
“Trong số các sinh viên sĩ quan hôm nay, có người gốc Việt, người gốc Phi Châu, và người gốc Latino. Trường West Point chủ trương đa dạng chủng tộc!” ông nói thêm.
Được thành lập vào năm 1802, Trường Võ Bị West Point được gắn liền với lịch sử của đất nước Hoa Kỳ. Tọa lạc gần 50 dặm về phía Bắc của thành phố New York, dọc theo bờ sông Hudson, cơ sở thể thao và giảng đường học tập của học viện cung cấp một địa thế hoàn hảo cho môi trường địa hình phong phú, được sử dụng để huấn luyện quân sự cho các sinh viên sĩ quan.
Các sinh viên sĩ quan được học viện đào tạo để sống một cách danh dự, với đạo đức kiên quyết tìm thấy nơi các sĩ quan Quân Đội Hoa Kỳ phục vụ đất nước. (Linh Nguyễn)