Hai câu thơ chào mừng cho cuộc hội ngộ kỳ V là “Boston Hiền Hữu Đáo, Đất Trời Như Nở Hoa.”
Ngày cuối tuần đầu tiên của tháng Năm thời tiết Boston thật lý tưởng cho các sinh hoạt hội họp. Cuộc họp mặt hàng năm của khóa An Lộc 4/71 kéo dài trong 3 ngày từ thứ Sáu 3/5/2013 đến Chúa Nhật 5/5/2013.
Boston thành phố lịch sử của tiểu bang Massachusetts, nơi đây vào năm 1620 có hơn 50 người tị nạn đến từ Anh Quốc trên chiếc tàu Mayflower, và mũi Cap Town, bán đảo Cap Code hàng năm thu hút nhiều du khách đến viếng. Các cựu SVSQ An Lộc 4/71 chọn Boston cho kỳ hội ngộ lần thứ V.
Ngày cuối tuần đầu tiên của tháng Năm thời tiết Boston thật lý tưởng cho các sinh hoạt hội họp. Cuộc họp mặt hàng năm của khóa An Lộc 4/71 kéo dài trong 3 ngày từ thứ Sáu 3/5/2013 đến Chúa Nhật 5/5/2013. Vào ngày thứ Sáu 3/5/2013 đã có nhiều gia đình của 4/71 đã đến Boston. Hai câu thơ chào mừng cho cuộc hội ngộ kỳ V là “Boston Hiền Hữu Đáo, Đất Trời Như Nở Hoa.”
Chiều thứ Sáu 3/5/2013 vào lúc 4:00pm là buổi tiệc “tầy trần” Tiền Hội Ngộ được tổ chức tại nhà hàng Sài Gòn Seafood 280 Adam St, Dorchester với khoảng hơn 100 người hiện diện cùng thân nhân gia đình. Trên sân khấu một tấm bích chương mang dòng chữ Khóa 4/71 An Lộc, Hội Ngộ Kỳ 5-Chào Mừng Đồng Môn, và một huy hiệu của khóa 4/71, hình tròn, đường kính 1m có huy hiệu của khoá, và một giá cờ có ba lá cờ Mỹ, Việt, và cờ Trường Bộ Binh Thủ Đức. Đặc biệt trên tấm bích chương căng ngang sân khấu có nhiều chữ ký kỷ niệm của hàng trăm SVSQ đã dự các cuộc hội ngộ trước.
Mở đầu là lễ chào quốc kỳ Việt Mỹ khai mạc, và một phút mặc niệm tưởng nhớ tiền nhân dựng nước, giữ nước, tưởng nhớ các đồng môn đã vị quốc vong thân. Sau đó, ông Huỳnh Văn Chính, trưởng Ban Tổ Chức, chào mừng các đồng môn và gia đình về tham dự. Ông cho biết “Tiếp theo 4 kỳ hội ngộ vào năm 2009, các cựu SVSQ Boston nhận trách nhiệm tổ chức kỳ V…” Ông ngỏ lời chào mừng và chúc cuộc hội ngộ thành công. Sau đó là cuộc họp khóa với nội dung tường trình các hoạt động trong năm qua như trợ giúp các đồng môn gặp cảnh khó khăn, tương trợ các đồng môn TPB đang còn sống tại quê nhà, các cuộc thăm viếng Quan, Hôn, Tang, Tế …chúc mừng, hoặc chia buồn các gia dình đồng môn khắp nơi. Phần quan trong của cuộc họp là chọn thành phố, tiểu bang cho buổi hội ngộ lần thứ VI. Thành phố Houston, Texas đã có vinh dự được tất cả chấp thuận. Ông Huỳnh Văn Chính làm lễ bàn giao trách nhiệm, trao quyển sổ “gia phả” cho cựu SVSQ Phạm Tuấn Dũng nhận trách nhiệm trước đồng môn trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Cuối cùng là vinh danh các phu nhân, con dâu An Lộc đã cùng phu quân vượt qua gian khổ dể xây dựng cuộc sống mới tại quê người.
Kết thúc Tiền Hội Ngộ là buổi tiệc mừng họp mặt cùng thưởng thức chương trình văn nghệ do chính các cựu SVSQ An Lộc, phu nhân cùng trình diễn…Những bài tình ca, những ca khúc về lính được trình bày. Tiệc chấm dứt lúc 9:30PM.
Buổi tiệc chính thức cho cuộc họp mặt được tổ chức vào lúc 6:00pm ngày thứ Bảy 4/5/2013 tại nhà hàng Chow Chau Cty tọa lạc tại 83 Essex St, trung tâm thành phố Boston. Một đoạn đường trước nhà hàng chiều hôm đó rực rỡ hơn, sinh động hơn; đường phố nổi bật màu áo hoa rừng, sóng biển của cựu quân nhân VNCH trong bộ quân phục các binh chủng: Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, quân phục của trường Bộ Binh Thủ Đức, quân phục của các sư đoàn, quân khu, tiểu khu xen lẫn trong những chiếc áo dài, áo đầm.
Bên trong nhà hàng tràn ngập tiếng cười, tiếng nói. Khoảng gần 400 quan khách đến tham dự. Có các cựu quân nhân, nhân sĩ, đại diện các đoàn thể tại địa phương: Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, TS Hà Văn Hải, các vị dân cử của tiểu bang và thành phố, một số quân nhân Hoa Kỳ. Có các hội đoàn người Việt: Cộng đồng Người Việt Lowell, Hội CSQG, ND, KQ, Trung Tâm Sinh Hoạt CĐ Boston, GĐ/SĐ 18 BB, và một số cơ quan truyền thông báo chí…v.v.
Lễ chào quốc kỳ Việt Mỹ mở đầu bằng lễ rước quốc quân kỳ vào vị trí hành lễ do các cựu SVSQ trong bộ đại lể đảm trách, SVSQ Phó Hòa làm sĩ quan nghi lễ, và hai hàng quân danh dự do các đồng môn của khóa dàn chào. Với đầy đủ lễ nghi quân cách, toán quốc quân kỳ đều bước trong tiếng nhạc quân hành trong khi đó tất cả quan khách nghiêm trang đón chào.
Sau lễ chào quốc kỳ khai mạc, toàn thể các cựu SVSQ khóa An Lộc cùng hợp ca bài Liên Khúc Quân Hành 4/71 để chào mừng quan khách và thân hữu. Liên khúc theo nhịp điệu quân hành đầy phấn kích, rộn rả, thúc giục, là tập hợp 4 bài ca Xuất Quân, Biệt Động Quân Hành Khúc, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và 4 câu thơ
“Khóa 4/71 An Lộc sử ghi chiến tích
Khóa 4//71 An Lộc vị quốc vong thân
Khóa 4/71 vang lừng nghìn năm ghi dấu
Khóa 4/71 mong một ngày mai sáng tươi” do SVSQ Võ Hữu Hòa soạn hòa âm.
Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo và trưởng ban tổ chức SVSQ Huỳnh Văn Chính đặt vòng hoa tưởng niệm trước lễ đài. Sau đó, thay mặt BTC, người điều khiển chương trình, Mũ Xanh Trần Trung Ngôn giới thiệu về khóa 4/71 An Lộc. Tiếp theo sau đó, cựu SVSQ Huỳnh Văn Chính ngỏ lời chào mừng quan khách, cảm tạ sự hiện diện đông đảo đồng môn An Lộc 4/71 và phu nhân, cảm tạ thân hữu. Ông cho biết Khóa 4/71 ra trường vào thời gian sôi động nhất của cuộc chiến, hơn 1,500 sĩ quan đã không có ngày phép như các khóa khác. Những sĩ quan trẻ được đưa thẳng ra đơn vị. Điều đặc biệt của khóa có một sĩ quan hy sinh anh dũng ngay trong những ngày đầu tiên, và tên anh đã được vinh dự đặt cho khóa đàn em 4/72 là khóa Phạm Lê Phong.
Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được mời phát biểu. Ông cho biết rất vui khi tham dự một sinh hoạt của các cựu quân nhân. Ông để cập đến tình hình VN hiện nay CSVN bán đất, dâng biển cho Trung cộng, cướp đất của dân, kinh tế suy sụp, tham những, đàn áp đồng bào… theo ông, nhiệm vụ của người cựu quân nhân là đoàn kết, giúp cho con cháu biết phụng sự quê hưong…v.v.
BTC cho chiếu một đoạn phim ngắn tường trình các sinh hoạt của các cựu SVSQ khóa 4/71 trong những năm vừa qua với 4 lần hội ngộ tại các thành phố Washington DC, San Jose, Atlanta, Nam California.
Tiếp theo sau đó, các vị dân cử tiểu bang, thành phố đã có lời phát biểu và trao tặng những văn bảng ghi nhận sự đóng góp của người Việt tại địa phương, đặc biệt cộng đồng người Việt trong đó có các cựu sĩ quan khóa 4/71 đã đóng góp xây dựng sự phồn thịnh của thành phố, tiểu bang. Đáp lại, BTC mời TT Lê Minh Đảo trao tặng vị dân biểu tiểu bang một huy hiệu VNCH và một lá cờ Vàng. Cũng nhân dịp nầy, BTC giới thiệu thế hệ thứ hai của khóa, một hậu duệ là sĩ quan đang phục vụ trong binh chủng TQLC Hoa Kỳ.
Cũng nhân dịp nầy, BTC đã vinh danh những người vợ lính, những người phụ nữ VN sắt son chung thủy cùng chồng qua những giai đoạn khó khăn sau năm 1975 và hiện nay chung tay xây dựng đời sống mới cho con cái. Mỗi người vợ được trao tặng một chiếc khăn choàng lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Cuối cùng quan khách tham dự phần dạ tiệc và dạ vũ, cùng thưởng thức một chương trình văn nghệ do SVSQ Trần Đình Lộc điều khiển, với sự tham dự của các phu nhân 4/71, và các ca sĩ tại địa phương trình diễn.
Mặc dù là một thành phần nhỏ trong hàng trăm ngàn sĩ quan được đào tạo từ Trường Võ Khoa Thủ Đức, các sĩ quan 4/71 cũng đã có những sự hy sinh trong cuộc chiến. Những đồng đội hiện sống rải rác khắp nơi không bao giờ quên các bạn đồng môn Thương Phế Binh. Nhân dịp hội ngộ, BTC kêu gọi sự giúp đỡ, và bán đấu giá những kỹ vật, những bức tranh của một thời chinh chiến. Số tiền thu được sẽ dành tặng các TPB của khóa đang còn khó khăn tại quê nhà.
Buổi tiệc tiếp tục trong tình huynh đệ chi binh. Trong số những người tham dự, một phu nhân phát biểu cảm tưởng trong lần đầu tiên tham dự Hội Ngộ khóa: “Các anh từng là bạn thân, đã từng sống chết có nhau, đã từng chia sẻ những thống khổ nhất khi cuộc đời bế tắc...Sau bao nhiêu năm thăng trầm, giờ đầu đã bạc, các anh mới có cơ hội gặp lại nhau như ngày hôm nay, cho nên các anh rất quý trọng nhau và rất trân trọng những giây phút trùng phùng này. Cuộc hội ngộ của các anh không vụ lợi, không phân chia đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo....Cuộc hội ngộ đơn giản chỉ là TÌNH BẠN, một thứ TÌNH BẠN chân thành một cách tuyệt đối, một thứ TÌNH BẠN sưởi ấm thêm cho tâm hồn già cổi khi tuổi về chiều.” Một quan khách, ông Nguyễn Đức Phẩm, cho biết “Ngày các anh đi vào cuộc chiến em còn nhỏ tuổi. Bây giờ được nhìn lại các anh, nghe chuyện của các anh, em cảm phục lắm và sẽ không quên các anh. Em sẽ tham dự tất cả những sinh hoạt của các cựu quân nhân.”
Tưởng cũng nên biết thêm, khóa 4/71 hiện nay đã tìm gặp lại nhau khoảng gần 300 người, họ sống rải rác tại Canada, Úc Châu, và đông nhất tại Hoa Kỳ. Sau 37 năm kể từ năm 1972 đã tìm lại nhau và bắt đầu những cuộc gặp mặt hàng năm. Khóa 4/71 không thành lập hội, không có tổ chức chỉ huy, họ gặp nhau trong tình đồng đội, cùng góp tay tổ chức các cuộc hội ngộ tại Hoa Kỳ, và giúp đỡ các bạn đồng môn khi gặp khó khăn. Câu châm ngôn họ thường dùng khi đến với nhau là “Tình Đồng Môn An Lộc Bất Diệt.”