“Nó (công ty) giống như vợ bé của tui vậy đó. Rảnh là chạy ra đây. Cuối tuần xưởng không có ai đi làm, ngoài mình tui.” Ông Trần Đức nói giọng người Nam kỳ. Nếu tinh ý, người nghe vẫn có thể bắt gặp vài từ ông Đức phát âm đúng kiểu người Hoa.
Kỳ 1: Đặt chân vào thị trường Hoa Kỳ
IRWINDALE (NV)- Thân người lọt thỏm sau hệ thống máy xay ớt cao cỡ tòa nhà ba tầng lầu của công ty Huy Fong Foods, ông Trần Đức loay hoay kiểm tra từng bộ phận kỹ thuật. Người triệu phú Việt gốc Hoa này đang chuẩn bị cho công ty trước mùa thu hoạch cuối Tháng Tám. Khi lên tàu vượt biên hơn 30 năm trước, ông Trần Đức “không thể tưởng tượng được” là những giờ múc từng muỗng ớt rót vào chai lại là bước đầu cho hành trình tạo dựng cơ nghiệp trị giá hàng chục triệu đô trên xứ người.
Tương ớt hiệu con gà thường được các chợ Châu Á đặc biệt trưng phía ngoài. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Sản phẩm của công ty Huy Fong Foods, nhất là chai tương ớt sriracha mà người Việt hay dùng ăn phở, từ độ chục năm nay đã không còn xa lạ với người dân Hoa Kỳ. Hình ảnh con gà, biểu tượng công ty cũng là tuổi ta của ông Trần Đức, xuất hiện không chỉ tại các trang mạng xã hội với hàng trăm ngàn người “like”, mà còn được họ thiết kế trên bao điện thoại, chai nước, hay thậm chí xâm lên vai, lên bắp tay.
Vượt ra khỏi các tiệm ăn trong cộng đồng gốc Á, tương ớt con gà dần hoà vào văn hoá ẩm thực của các sắc dân bản xứ. Từ tiệm mì Momofuku Noodle Bar ở New York miền Đông, đến nhà hàng hạng sang Lalime's ở California miền Tây, các đầu bếp bậc nhất Hoa Kỳ quen dần với chai tương đỏ nắp xanh Huy Fong.
“Xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng danh tiếng là bước đầu tiên trong quá trình chiếm lĩnh thị trường.” Bà Kara Nielsen, nhân viên định hướng phát triển của CCD Innovation, cho biết.
Điều này phần nào giải thích cho lợi nhuận tăng gần 20% mỗi năm của Huy Fong Foods.
Ông Trần Đức với chiếc bao điện thoại mua trên mạng có biểu tượng công ty Huy Fong Foods. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Danh tiếng
Tuy chẳng bao giờ quảng cáo, tên tuổi công ty Huy Fong nhiều lần xuất hiện trên phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Báo chí Mỹ thường dùng tên David Trần để nhắc đến vị “triệu phú tương ớt,” hơn là cái tên Việt Nam trên giấy khai sinh của ông.
Tờ Bloomberg Businessweek có bài phóng sự nói “ đây là một trong những công ty thực phẩm phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ” và “có nhiều loại tương sriracha, nhưng chỉ có một tương con gà mà thôi.” Tờ báo này cũng đề cập đến bức hình NASA chụp hai phi hành gia cùng chai tương sriracha Huy Fong trôi vô trọng lực bên bàn ăn của phi thuyền không gian.
New York Times có bài “Hot Stuff in a Squeeze Bottle” sau khi đến thăm ông Trần Đức và người con trai Wiliam Trần, nay được giao chức vụ giám đốc công ty Huy Fong. Một bài phóng sự khác của Los Angeles Times liệt kê một loạt các điểm chính xoay quanh công ty như lịch sử hình thành và các đối thủ cạnh tranh. The Huffington Post hay Chicagoist thi viết về bộ phim tài liệu và cuốn sách dạy nấu ăn từ tương sriracha con gà nổi tiếng.
Còn nữa nhiều ví dụ khác.
Sản phẩm
Bắt đầu từ Los Angeles và Houston, nay Walmart, hệ thống bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ, có gần 3000 chi nhánh bán loại tương ớt này.
Công ty Huy Fong Foods không phải là công ty duy nhất tại Mỹ giàu lên nhờ kinh doanh thực phẩm. Chai tương ớt sriracha ăn phở cũng không phải là sản phẩm duy nhất được sản xuất tại đây.
Công ty nghiên cứu thị trường IBIS World nói ngành sản xuất tương là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ, lợi nhuận hơn $1 tỉ vào năm 2012. Riêng tại Huy Fong Foods, mỗi năm có 20 triệu chai tương ớt được thành khẩu, tổng trị giá khoảng $50 triệu.
Công ty Huy Fong Foods có thể không là công ty lớn nhất trong ngành, nhưng là công ty duy nhất do một thuyền nhân- di dân làm chủ.
Một góc xưởng Huy Fong Foods với các thùng phi trữ ớt để bán quanh năm. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Huy Fong Foods có tổng cộng ba sản phẩm: ớt tỏi xay, tương ớt sambal oelek theo mùi vị Indonesia, và tương ớt sriracha theo mùi vị Thái Lan. Công ty ban đầu hướng vào khách hàng người Đông Nam Á tại Mỹ. Tỏi ớt xay của Huy Fong có thể dùng để pha nước mắm. Sambal oelek có màu và hương vị hơi lạ, nhưng cũng là ớt và tỏi xay. Tương ớt sriracha tuy có tên Thái nhưng chính là loại tương đỏ, hơi lỏng và có mùi tỏi và hơi chua ngọt, mà người Việt thường dùng chấm khô mực, bò viên…
Loại tương sriracha là sản phẩm mấu chốt đưa tên tuổi của Huy Fong tiến vào thị trường Hoa Kỳ, một thị trường mà tỉ lệ khách hàng gốc Á ngày càng tăng. Tuy cùng phổ biến song song với món phở, tương ớt hiệu con gà nay được các sắc dân khác chế biến đủ kiểu tùy theo khẩu vị. Cuốn sriracha còn hướng dẫn pha tương ớt với thức uống có cồn.
Ngoài đại lý tại khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, các công ty xuất nhập khẩu ở một số nước khác cũng ghi danh xin bán tương ớt hiệu con gà của Huy Fong Foods, như Lybian, Qatar hay Dubai. Tuy nhiên, không phải lúc nào công ty cũng có đủ hàng cung cấp.
“Trước giờ cũng vậy, lúc nào cũng không có đủ ớt để bán.” Ông Trần Đức nói.
Được khách hàng đón nhận, công ty Huy Fong Foods liên tục phát triển trong suốt 33 năm hoạt động. Từ xưởng rộng 2,500 sq ft (thước vuông) tại North Springs với năm người trong nhà cùng làm bằng phương pháp thủ công, Huy Fong nay có xưởng đặt tại Irwindale , rộng gần 700,000 sq ft với máy móc hoàn toàn tự động.
Hình của khách hàng của tương ớt sriracha hiệu con gà, chụp từ máy tính. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Chủ nhân
Người “triệu phú tương ớt” bước qua tuổi 68. Ông nhỏ con, da nhăn có chút đồi mồi, đầu trọc để lộ đôi tai lớn so với khuôn mặt. Phong thái ông nhanh nhẹn không thua gì thanh niên, nếu không muốn nói là có phần trội hơn. Một ngày làm việc của ông bắt đầu khi mặt trời mọc, và có thể, kết thúc khi mặt trời lặn.
“Nó (công ty) giống như vợ bé của tui vậy đó. Rảnh là chạy ra đây. Cuối tuần xưởng không có ai đi làm, ngoài mình tui.” Ông Trần Đức nói giọng người Nam kỳ. Nếu tinh ý, người nghe vẫn có thể bắt gặp vài từ ông Đức phát âm đúng kiểu người Hoa.
Tuy gia đình là người Hoa và sống tại Mỹ hơn nửa đời người, ông nói Tiếng Việt chuẩn, vì sinh ra và lớn lên tại Ba Xuyên (nay là Sóc Trăng). Mười sáu tuổi, ông cùng gia đình chuyển lên Long Bình, khi đó là ngoại ô Sài Gòn, làm nghề trồng ớt.
Sau 1975, gia đình ông Đức bắt đầu làm và bán sa tế Tiều Châu cho các nơi ở Sài Gòn. Năm 1979, người thân và bạn bè ông lần lượt lên tàu vượt biên theo diện bán chính thức cho người Hoa. Mỗi người nộp 10 lượng vàng cho chính phủ. Gia đình ông Đức gom góp tiền bạc, chia thành bốn đoàn, lên tàu đi. Vợ ông cùng con trai đi trước, đến Indonesia. Ông đi sau, đến Hồng Kông. Ông học nghề đầu bếp trong mấy tháng ở đây, trước khi đoàn tụ với vợ con tại Boston.
Theo lời ông Đức, những ngày đầu đặt chân tới Mỹ , cũng như nhiều người khác, ông Trần Đức chỉ mong tìm được một công việc đủ nuôi vợ, nuôi con. Khi vẫn đang tìm việc tại Boston, ông nghe người nhà nói ở California có trồng đượt ớt đỏ. Lập tức, ông mang gia đình chuyển đến tiểu bang ấm áp này sinh sống.
“Khó nhất là phải có nguồn ớt đỏ,” ông Đức nói. Nông dân Mỹ thường hái ớt khi còn xanh để giữ được lâu. Ớt đỏ rẻ giá hơn, khi bán ra là đã gần hư, sắp đổ.
Ban đầu, ông và người nhà cứ đi khắp các chợ tìm mua ớt. Mang về, họ dùng máy xay thịt để xay, trộn. Những người em vợ ông múc ớt bỏ vào chai, rồi đóng nhãn. Họ dùng một chiếc xe van đi giao ớt các nơi, thu nhập mỗi tháng vài ngàn đồng.
“Có ớt làm, là có người mua. Chỉ sợ những lúc không có ớt để làm.” Ông nhớ về những buổi đầu lập nghiệp ở Mỹ.
Kinh nghiệm trồng ớt, làm ớt ở Long Bình, và cả bí quyết học được từ ẩm thực của người Việt giúp ông Đức giải quyết được vấn đề trữ được ớt để bán quanh năm, dù mùa ớt chỉ kéo dài ba tháng.
33 năm làm việc không ngừng nghỉ, ông Đức trở thành triệu phú Mỹ chỉ với món tương ớt ăn phở. Tuy từ lâu đã giao chức vụ giám đốc công ty lại cho hai người con, ông Đức vẫn ra xưởng mỗi ngày. Ông tự tay thiết kế toàn bộ hệ thống máy móc và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
“Nói là nghỉ hưu mà lúc nào cũng ra đây hết.” Ông Đức cười.
Ông mở máy, cho xe cart chạy, tiến về góc xưởng nơi có một vòi nước có lẽ bị rò, đang cần người kiểm tra.
--
Đón xem kỳ 2: Đằng sau “may mắn”. “Triệu phú tương ớt” nói mình nhờ “may mắn” mà thành. Ông kể về quãng thời gian trồng ớt ở Sài Gòn, lợi ích không ngờ của ba tháng đi biệt động quân VNCH, lần đầu tiên đi mượn ngân hàng ở Mỹ… Mọi thành công đều có giá phải trả?