Quả thật gần một nửa các bức ảnh khổ lớn được trưng bày trong phòng là những bức, thoạt nhìn, người thưởng ngoạn có cảm giác như đang đứng trước một họa phẩm lập thể hay ấn tượng của các họa sĩ nổi tiếng.
WESTMINSTER - “Nhiếp ảnh nghệ thuật của hội PSCVN (Photographic Society of California for Vietnamese) đang xóa dần ranh giới với hội họa.” Ðây có thể là cảm nghĩ đầu tiên của người thưởng ngoạn nghệ thuật nhiếp ảnh khi bước chân vào phòng triển lãm Ảnh Nghệ Thuật của hội PSCVN vào sáng 14 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Một trong những bức hình giống như tranh lập thể. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Quả thật gần một nửa các bức ảnh khổ lớn được trưng bày trong phòng là những bức, thoạt nhìn, người thưởng ngoạn có cảm giác như đang đứng trước một họa phẩm lập thể hay ấn tượng của các họa sĩ nổi tiếng.
Khai mạc buổi triển lãm, đại diện ban tổ chức là nhiếp ảnh gia Sĩ Huỳnh sau khi ngỏ lời chào mừng quan khách tham dự cùng các hội viên có mặt, đã giới thiệu Bác Sĩ Hội trưởng Nguyễn Quang Ban ngỏ lời nhân dịp cuộc triển lãm ảnh lần này. Bác Sĩ Ban cho biết đây là cuộc triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh khổ lớn của các hội viên trong hội. Ông nói: “Tuy có nhiều khuôn khổ, màu sắc khác nhau, điểm chính trong buổi triển lãm này là những tấm lòng của các hội viên với nhau. Nó nói lên tình bạn thắm thiết qua những chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh với nhau và cũng vì thế mà tình thân hữu trong hội cứ tăng tiến mãi.”
Kế đó hội trưởng trao tặng kỷ vật đến 5 nhiếp ảnh gia trong hội đã có công đóng góp vào sự phát triển của hội, cả về tinh thần đồng đội lẫn những kinh nghiệm quí báu về nhiếp ảnh. Ðó là các nhiếp ảnh gia Daniel Phạm, Diana Thái, Huy Ngọc Nguyễn, Hoa Viết Hồ và Lê Tấn Quý.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Bác Sĩ Bân cho chúng tôi biết: “Hội được nữ nhiếp ảnh gia Vi Vi Trần thành lập từ 15 năm nay. Mới đầu, hội lấy tên là Venus, chỉ toàn là phụ nữ, các bà các cô bạn hữu, khách hàng của Vi Vi Trần trong những lớp học nhiếp ảnh của Vi Vi Trần mở ra cho chị em phụ nữ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các ông đưa vợ con đến học, thấy hay cũng ghi tên theo học và vào hội nên hội đã phát triển thật nhanh chóng. Theo ước tính của hội thì hiện nay số hội viên chính thức trên Web của hội có đến trên 2 ngàn. Trên thực tế, hội viên thường gặp gỡ nhau sinh hoạt tại Nam California thì có hơn 100 hội viên.”
Ðề cập đến sinh hoạt của Hội, Bác Sĩ Ban cũng cho biết, hoạt động chính của hội là mở những lớp về nhiếp ảnh kỹ thuật số. Thời gian là một năm cho mỗi lớp, chia làm ba giai đoạn. Thứ nhất là cách dùng các loại máy ảnh digital, những nguyên tắc căn bản về ánh sáng, khẩu độ. Kế đến là giai đoạn học về bố cục và kỹ thuật trong photoshop. Sau cùng là đi sâu hơn vào lãnh vực photoshop. Lớp được tổ chức miễn phí tại Hội Cộng Đồng Người Việt, Santa Ana. Cứ một buổi học lý thuyết lại có một buổi đi thực hành trong suốt khóa học. Học viên sau khi chụp sẽ đem đến lớp để nghe kinh nghiệm của các buổi training và bạn đồng khóa.
Bác sĩ Hội trưởng PSCVN Nguyễn Quang Ban (người mặc complet) cùng các nhiếp ảnh gia trong Hội được trao tặng bằng tưởng lục. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Bác Sĩ Ban cũng cho chúng tôi biết: “Nghệ thuật nhiếp ảnh số không cần thiết phải có những máy tốt lắm, đắt tiền. Trung bình một máy có độ phân giải từ 6 megapixel trở lên là có thể dùng được. Cái chính trong nghệ thuật mà hội muốn truyền đạt cho các hội viên là kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật. Riêng phần nghệ thuật, hội chỉ góp ý mà không hướng dẫn vì lãnh vực này là do hoàn toàn từ mỗi cá nhân, mỗi nhiếp ảnh gia. Ðể có được một bức ảnh đạt được cả ba phương diện kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật, nó đòi hỏi nhiều yếu tố lắm. Bên cạnh sự bền bỉ, kiên nhẫn khi săn hình còn phải có con mắt nghệ thuật, mỹ thuật cộng với tâm hồn nghệ sĩ trong mỗi con người. Cái đẹp sẵn có trong thiên nhiên thì ai cũng nắm bắt được. Nhưng để đưa được thiên nhiên vào trong ý tưởng của mình rồi truyền đạt ý tưởng ấy đến người xem là cả một khổ công trong bố cục, trong kỹ thuật sử dụng ánh sáng, tốc độ và mầu sắc cả trong thiên nhiên lẫn trong Photoshop.”
Cũng đề cập đến điều này, nữ nhiếp ảnh gia Hoa Viết Hồ cho biết: “Cũng vất vả lắm. Phải thức khuya dậy sớm để rình được cái ánh sáng thích hợp, cái khung cảnh như ý, cái chuyển động chớp mắt của sự vật. Thường là phải bỏ ra cả buổi chỉ để nắm bắt được cái khung cảnh mà mình chọn lựa. Sau đó là phần kỹ thuật, sửa đổi, o bế làm sao cho mầu sắc hài hòa, nơi đậm nhạt để làm nổi rõ những khía cạnh của thiên nhiên tùy theo thời gian và thời tiết bốn mùa. Với tuổi trẻ việc sử dụng Computer không gặp nhiều trở ngại lắm nhưng với các bác, cô chú lớn tuổi cũng có phần nào khó khăn.”
Trở lại với những tác phẩm nhiếp ảnh trong phòng triển lãm lần này, người thưởng ngoạn thấy được hai nét nổi bật. Thứ nhất là hầu hết các bức ảnh, các nhiếp ảnh gia đã đạt được kỹ thuật cao trong ánh sáng, mầu sắc và độ phân giải tuyệt hảo. Thứ hai là mầu sắc trong bức ảnh đã phải theo ý tác giả khiến nhiều bức giống như một bức tranh vẽ.
Khoảng cách giữa một bức tranh và một bức ảnh, xưa nay thường được phân cách bởi sự chân thực trong ảnh và sự thăng hoa trong tranh thì nay, với những nhiếp ảnh gia của PSCVN trong lần triển lãm này nó chỉ còn là mong manh.