Mục đích của cuộc triển lãm này là nhằm ghi lại một giai đoạn lịch sử của Thuyền Nhân Việt Nam và đặc biệt là lịch sử di dân Úc nói chung.
Nghĩa trang Thuyền Nhân tại Khu F ở đảo Bidong đã được trùng tu. Courtesy VKTNVN
Từ thứ Năm ngày 19 tháng 9, cuộc triển lãm về Thuyền Nhân Việt Nam sẽ diễn ra tại Thư Viện Hội Đồng Thành Phố Liverpool thuộc bang New South Wales ở Úc, và kéo dài trong một tháng.
Giai đoạn lịch sử cần ghi nhớ
Nhà báo Lưu Dân, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm tại Sydney và đại diện cho Văn Khố Thuyền Nhân VN ở Sydney, New South Wales, cho biết đây là cuộc triển lãm lưu động toàn quốc, do Viện Bảo Tàng Hàng Hải Quốc Gia Úc thực hiện, phối hợp với Văn Khố Thuyền Nhân VN; TP Liverpool được chọn làm địa điểm triển lãm khởi đầu, vì nơi đây tập trung khá đông người Úc gốc Việt định cư. Nhà báo Lưu Dân cho biết mục đích và ý nghĩa của cuộc triển lãm:
Mục đích của cuộc triển lãm này là nhằm ghi lại một giai đoạn lịch sử của Thuyền Nhân Việt Nam và đặc biệt là lịch sử di dân Úc nói chung. ( -Nhà báo Lưu Dân)
“Mục đích của cuộc triển lãm này là nhằm ghi lại một giai đoạn lịch sử của Thuyền Nhân Việt Nam và đặc biệt là lịch sử di dân Úc nói chung trong tiến trình phát triển của nước Úc. Cuộc triển lãm sẽ trình bày nhiều hình ảnh tiêu biểu về suốt cuộc vượt biển, vượt biên của người tỵ nạn Việt Nam từ cuối thập niên 70 cho tới cuối năm thập niên 80, tức là qua một quá trình dài khoảng 20 năm. Do đó, cuộc triển lãm bao gồm những hình ảnh và câu chuyện tiêu biểu về Thuyền Nhân Việt Nam, trong đó, có sự đóng góp của nhiều nhà báo, nhiều ký giả quốc tế cũng như những chứng nhân trực tiếp của cuộc vượt biển, vượt biên của người Việt.”
Nhà báo Lưu Dân cho biết thành phần tham dự triển lãm có nhiều vị đại diện dân cử của chính phủ Liên bang Úc cũng như của các cơ quan quốc tế đặc trách về người tỵ nạn. Đặc biệt có sự tham dự của rất nhiều hội đoàn, đoàn thể trong Cộng đồng Người Việt ở tiểu bang New South Wales. Thời gian của cuộc triển lãm tại Liverpool sẽ kéo dài khoảng một tháng trước khi cuộc triển lãm được chuyển tới những địa phương khác, trong đó có những thành phố lân cận như là Fairfield, Bankstown – là nơi có thể được coi như thủ phủ của người tỵ nạn Việt Nam tại Úc.
Trong khi đó, công tác trùng tu mộ phần Thuyền Nhân ở vùng Đông Nam Á, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tại Úc thực hiện, đang tiếp diễn. Chúng tôi được biết cho tới năm 2013 này, thì Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đang trong giai đoạn 2 của công tác trùng tu. Ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam ở Úc cho biết:
Trùng tu nghĩa trang Thuyền Nhân tại Khu F ở đảo Bidong. Courtesy VKTNVN.
“Trong giai đoạn thứ nhất từ 2005 tới 2011, chúng tôi đã trùng tu mộ phần Thuyền Nhân Việt Nam trong đất liền của Malaysia từ Bắc xuống Nam, hoàn tất công tác trùng tu cho mộ phần của khoảng một ngàn thuyền nhân được mai táng trong đất liền Malaysia, từ bốn bang của nước này. Và trong giai đoạn 2012-2013, chúng tôi nỗ lực gây quỹ. Với số tiền thu được khoảng 100.000 đô la trong năm 2012, chúng tôi đã dồn cho tất cả công tác trùng tu tại 2 nơi lớn nhất, đó là tại đảo Bidong gồm 4 nghĩa trang Thuyền Nhân ở Khu C, Khu E, Khu F và Khu G. Nghĩa trang Khu G thì chúng tôi mất khoảng 7 năm mới tìm ra được còn đường đi đến nghĩa trang này. Tại Malaysia, trong năm 2012-2013, chúng tôi hoàn tất được 70% công tác trùng tu. Hiện giờ còn 30% nữa, chúng tôi sẽ thực hiện vào năm 2014. Và tại Galang ở Indonesia, nơi có khoảng 500 mộ Thuyền Nhân, chúng tôi cũng đã hoàn tất được 2/3 công trình trùng tu, và sẽ tiến hành công tác còn lại.”
Công tác còn lại đó, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam ra sức hoàn tất trong giai đoạn thứ nhì của cuộc trùng tu mộ phần Thuyền Nhân Việt Nam từ năm 2014 tới 2015. Ông Trần Đông cho biết:
Trong năm 2014-2015, chúng tôi cũng sẽ hoàn tất công tác trùng tu cho khoảng 300 ngôi mộ Thuyền Nhân ở 2 khu vực lớn khác – tại vùng quần đảo Anambas và Natuna, Indonesia. ( -Ô. Trần Đông)
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn tất số 30% còn lại của 4 nghĩa trang ở Bidong của Malaysia, đồng thời, hoàn tất trùng tu 30% còn lại cho 500 ngôi mộ ở tại nghĩa trang Galang. Cũng trong 2014-2015, chúng tôi cũng sẽ hoàn tất công tác trùng tu cho khoảng 300 ngôi mộ Thuyền Nhân ở 2 khu vực lớn khác – tại vùng quần đảo Anambas và Natuna ngoài khơi của Indonesia.
Ngoài ra, còn có nghĩa trang lớn khác nữa, đó là nghĩa trang Bataan ở Philippines, nơi có khoảng 300 mộ Thuyền Nhân. Trong giai đoạn 2014-2015, chúng tôi vừa tổ chức gây quỹ vừa thực hiện công tác trùng tu, như vậy là, 3 địa điểm: Bidong (Malaysia)-Galang (Indonesia); Ariya và Kuku ở quần đảo Anambas và Natuna (ngoài khơi Indonesia); và Bataan (Philippines). Tại 3 địa điểm này, chúng tôi sẽ hoàn tất công tác trùng tu vào năm 2015. Và theo dự trù của chúng tôi, thì đến cuối 2015, nhân thời điểm đánh dấu 40 năm định cư của người Việt tại hải ngoại, chúng tôi sẽ hoàn tất công tác trùng tu toàn bộ khu vực nghĩa trang Thuyền Nhân Việt Nam mà chúng tôi tìm thấy trong vùng Đông Nam Á.”
Cần sự hỗ trợ
Theo Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam thì mối lo âu nhất của chúng ta là trách nhiệm của mình đối với những đồng bào, những người bạn, những thân nhân cùng vượt biển, vượt biên, cùng đi tìm tự do với chúng ta nhưng không may phải bỏ thân nơi rừng hoang đảo vắng, thậm chí bị lãng quên trong khoảng thời gian 30-40 năm qua. Do đó, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam mong mỏi rằng:
Trùng tu nghĩa trang Thuyền Nhân tại Khu F ở đảo Bidong. Courtesy VKTNVN.
“Nếu chúng tôi được sự hỗ trợ mạnh mẽ của bà con tất cả mọi nơi để có thể hoàn tất được công tác trùng tu mộ phần Thuyền Nhân Việt Nam tại vùng Đông Nam Á vào năm 2015, thì điều này được coi như là diễm phúc cho những người đã nằm xuống. Đồng thời, chúng ta đã hoàn tất được trách nhiệm của mình đối với đồng bào đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do. Nếu được như vậy thì đây là niềm vui cho cả cộng đồng người Việt của mình – không những cho chúng ta mà còn cho thân nhân tại hải ngoại và tại Việt Nam của những người đã nằm xuống khi những thân nhân ấy không biết mộ phần người thân bây giờ ra sao hoặc ở đâu. Tất cả ngôi mộ đó, dù của người quen hay người không quen, mình cũng đều chăm sóc, bảo quản đầy đủ để hoàn thành trách nhiệm của mình.”
Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cho biết là từ 2016 về sau, tổ chức này sẽ tập trung vào “Công Tác Văn Khố”, qua đó, sưu tập tài liệu, tư liệu, dữ kiện về quá trình vượt biên, vượt biển từ 1975 cho tới 1996 để đưa vào hệ thống Văn Khố, cũng như dự trù thành lập một hệ thống giống như là Encyclopedia để lưu trữ những tài liệu liên quan biến cố Thuyền Nhân của từng nơi, từng đảo một và rồi từng năm một, từng chuyến tàu tại từng địa điểm trong toàn vùng Đông Nam Á. Vẫn theo VKTNVN trụ sở ở Úc, thì có một công tác khác nữa mà tổ chức này đang hướng tới, đó là công tác “Lịch sử Truyền Khẩu – Oral History”, qua đó Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sẽ thực hiện chừng 500 cuộc phỏng vấn để lưu trữ tất cả dữ kiện, những câu chuyện do chính những người đã tham dự, đã trải qua quá trình đi tìm tự do kể lại, để lưu lại kho tàng về Thuyền Nhân cho thế hệ mai sau.