main billboard

Bà Nguyễn Thị Ái cho biết, sau khi trở thành linh mục, Cha Ba đã qua Việt Nam và học tiếng Việt. Khi có một vốn liếng tiếng Việt, suốt đời Cha Ba phục vụ cho người Việt tại Việt Nam và những trại tị nạn tại Hồng Kông.


SANTA ANA, California (NV) - Lễ mãn tang và cầu nguyện cho Cha Ba được tổ chức trọng thể vào Chủ Nhật, 15 Tháng Chín, tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange, Santa Ana, với nhiều cựu thuyền nhân gốc Việt tham dự.

giochaba 1Linh Mục Nguyễn Khắc Hy chủ tế lễ mãn tang và cầu nguyện cho Cha Ba, tại Trung Tâm Công Giáo. Bên phải là di anh Cha Ba. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chủ tế là Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, giáo sư đại học thần học tại San Antonio, Texas, và Linh Mục Linh Mục Nguyễn Quang Thế.

Ðược biết, Linh Mục Nguyễn Khắc Hy cũng là người tị nạn tại trại cấm Hồng Kông từ năm 1986.

Linh mục nói: “Thực sự tình cảm giữa tôi và Cha Ba, tên thật là Louis Robert, có tính cách cá nhân, nhưng tôi có thể đại diện cho tất cả những người đã sống trong các trại ở Hồng Kông đã thụ ơn ngài. Là một người ngoại quốc, ngài có rất nhiều điều kiện để đến giúp đỡ cho những người tị nạn Việt Nam ở trong thời gian đó. Bởi vì, là người tị nạn, những người như chúng tôi không có tiếng nói, không có quyền hạn gì hết.”

Linh mục nói tiếp: “Và vì thế, với tư cách là một người ngoại quốc và cũng là một linh mục nên ngài có quyền làm những việc mà chúng tôi không làm được như quyền đi lại, quyền tự do nói với chính quyền Hồng Kông lúc đó còn trong thuộc địa của Anh và ngài cũng mang quốc tịch của Canada nữa, thành ra tiếng nói của ngài tương đối mạnh mẽ. Nhờ những uy tín đó, ngài có thể đấu tranh cho chúng tôi về mặt quyền lợi và tinh thần.”

giochaba 2Linh Mục Nguyễn Khắc Hy (giữa), bà Nguyễn Thị Ái (ôm hình Cha Ba) và một số thành viên trong ban tổ chức lễ mãn tang và cầu nguyện cho Cha Ba. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Về mặt vật chất, Cha Ba cũng đến từng trại một để khuân vác, giúp đỡ mua bán, những gì cần thiết trong trại không có thì đều nhờ đến cha. Rồi thư từ trao đổi từ trại này qua trại khác cũng nhờ ngài. Vì thế công ơn của Cha Ba đối với người tị nạn rất lớn, theo Linh Mục Hy.

Linh mục chia sẻ thêm: “Nhưng cái lớn nhất tôi nghĩ đối với những người tị nạn trong các trại Hồng Kông là sự hiện diện của ngài đã đem lại niềm tin, cái hy vọng cho chúng tôi. Bởi vì đôi khi chúng tôi rất tuyệt vọng, khi bị từ chối hoặc những nhân viên trong trại đối xử với mình một cách bất công thì chúng tôi không biết nương tựa ai ngoài ngài.”

Bà Nguyễn Thị Ái cho biết, sau khi trở thành linh mục, Cha Ba đã qua Việt Nam và học tiếng Việt. Khi có một vốn liếng tiếng Việt, suốt đời Cha Ba phục vụ cho người Việt tại Việt Nam và những trại tị nạn tại Hồng Kông.

Sau khi trại tị nạn Hồng Kông đóng cửa, Cha Ba trở về Canada.

Những thuyền nhân tại trại cấm Hồng Kông xem Cha Ba như một người cha tin thần. Sau này, họ được định cư tại Mỹ hoặc những quốc gia khác, khi được tin cha mất ở Canada, họ rất đau buồn, nhưng vì điều kiện sinh sống, họ không thể sang Canada để đưa tiễn Cha Ba được.

giochaba 3Ðông đảo cựu thuyền nhân trong trại cấm Hồng Kông đến dự lễ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Ái nói thêm: “Bây giờ, với một tin thần của người Việt Nam, khi mình đã ăn trái thì phải nhớ đến kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Và cũng theo phong tục của người Việt, mình phải làm cái lễ giỗ để tạ ơn Cha Ba. Chúng tôi đã làm lễ giỗ đầu tiên cho cha tại Nam California, rồi lễ giỗ năm thứ hai tại Bắc California và hôm nay là lễ giỗ cuối cùng cũng là giỗ mãn tang cho cha, để cho phù hợp với tin thần và phong tục của người Việt.”

Theo ban tổ chức cho biết, Linh Mục Louis Robert sinh ngày 28 Tháng Tư, 1932, tại Mexico. Ngài là con thứ hai trong một gia đình hai anh em và mang hai dòng máu Pháp và Mexico, vì ông cố là người Pháp còn bà cố là người Mexico.

Năm 1945, linh mục được gia đình gởi qua Montreal, Canada, du học.

Năm 1953, ngài đã hoàn tất chương trình trung học với các linh mục Dòng Tên tại Montreal. Cũng năm đó, ngài được nhận vào tập viện của Dòng Tên. Năm 1960, ngài đến Sài Gòn và bắt đầu học tiếng Việt.

Năm 1962, ngài được thuyên chuyển ra Huế để giúp và linh hướng cho sinh viên đại học Huế cũng như thực hành tiếng Việt.

Năm 1963, Thầy Louis Robert sang Philippines để hoàn tất chương trình đào tạo linh mục. Ngày 17 Tháng Tư, 1966, ngài được thụ phong linh mục tại Mexico.

Sau đó, Linh Mục Louis Robert trở lại Philippines để theo học chương trình hậu học viện. Năm 1968, linh mục trở lại Việt Nam trong tâm tình như một quê hương thứ hai để bắt đầu công việc phục vụ tại Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ phụ tá Trung Tâm Truyền Hình Ðắc Lộ, Linh Mục Louis Robert còn đảm trách nhiệm vụ quản lý.

Ðang khi công việc phục vụ của linh mục diễn ra rất suôn sẻ, thì hoàn cảnh đất nước lại đổi thay!

Tháng Bảy, 1976, Linh Mục Louis Robert cùng ba linh mục khác của Dòng Tên bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Trở về Canada, linh mục sống trong nỗi buồn và thương nhớ vì phải xa mọi người, xa mảnh đất Việt Nam thân thương mà ngài từng trân trọng, yêu thương và gắn bó.

Năm 1978, linh mục bắt đầu hành trình đi tìm những người thiếu may mắn. Sau khi khảo sát tất cả các trại tị nạn ở Ðông Nam Á, Linh Mục Louis Robert quyết định ở lại Hồng Kông, giúp người Việt tị nạn, và bắt đầu tìm kiếm cũng như kêu gọi các quốc gia trên thế giới giúp đỡ và nhận thuyền nhân Việt Nam trong các trại cấm ở Hồng Kông.

Trong suốt 15 năm, kể từ năm 1978 đến năm 1993, Cha Ba liên tục lăn lộn với biết bao khó khăn để mang đến cho thuyền nhân Việt Nam biết bao niềm an ủi cả về tinh thần lẫn vật chất và niềm tin.

Bấy nhiêu năm phục vụ cho thuyền nhân Việt Na, hành trang quen thuộc của Cha Ba chỉ là vài chiếc ba lô và cái túi xách loại lớn để mang những nhu yếu phẩm cơ bản vào giúp cho các trại. Nhỏ nhất là từng hạt muối, lọ mắm, các thực phẩm cần thiết cho trẻ em và phụ nữ. Trang phục của ngài là chiếc quần Jean và chiếc áo ka ki bạc màu, sờn hết cả hai vai và rách cả hai đầu gối cùng với đôi giày cũ đã quá bạc màu sương gió.

Ðối với thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông, ngài còn là một đại ân nhân mà Chúa đã ban cách riêng cho bà con trong những tháng ngày điêu linh đầy thất vọng. Cũng chính vì thế, sau những năm sống và làm việc phục vụ tại Việt Nam, năm 1975, linh mục được bà con miền Nam đặt cho một cái tên rất dễ thương là “Cha Ba.” Danh xưng này, theo cách gọi của địa phương, họ xem ngài là cha từ Thiên Chúa và là ba tinh thần của họ trong gia đình.