main billboard

Trên sân khấu hát bội, người diễn bắt buộc phải mặc cổ trang, những bộ tịch của hát bội rất quan trọng, khi diễn, người Hát Bội phải ra bộ tịch nhiều hơn là hát cải lương.


SANTA ANA, California (NV) - Mùng 10, 11 và 12 Tháng Tám Âm Lịch hằng năm là những ngày dành cho giỗ tổ của bộ môn hát bội.

Hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Chín, Câu Lạc Bộ Hát Bội thuộc Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hát Bội tại văn phòng hội ở Santa Ana.

Ban tổ chức gồm có họa sĩ Ann Phong (chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị VAALA), cô Lê Ðình Ysa (giám đốc điều hành VAALA), Giáo Sư Ngọc Bày, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên và nhiều anh chị em trong CLB Hát Bội VAALA.

Ðồng hương đến tham dự phần nhiều là gia đình, bạn bè của câu lạc bộ, và nhiều văn nghệ sĩ của những bộ môn nghệ thuật
khác.

caulacbo hatboi 1Giáo Sư Ngọc Bày (phải) và nghệ sĩ Nguyễn Hùng thắp hương trước bàn thở tổ Hát Bội. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Ngọc Bày là người tốt nghiệp môn hát bội tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1964. Sau đó, bà được trường mời ở lại để làm giáo sư dạy bộ môn nghệ thuật này cho đến sau này.

Theo giáo sư, có người gọi bộ môn này là hát bộ, vì họ cho là hát ra bộ tịch. Nhưng thật ra đúng theo bộ môn này phải gọi là hát bội, tại vì những người diễn viên phải đeo, mang quần áo sặc sỡ và trang sức đầy đủ nên người ta gọi là “bội phần” lên để cho nó đẹp sân khấu.

Còn cải lương khác với hát bội là các diễn viên của cải lương không cần phải trang bị quần áo sặc sỡ thì cũng hát được. Trên sân khấu hát bội, người diễn bắt buộc phải mặc cổ trang, những bộ tịch của hát bội rất quan trọng, khi diễn, người Hát Bội phải ra bộ tịch nhiều hơn là hát cải lương.


Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên, cũng tốt nghiệp môn hát bội tại trường Nghệ Thuật Sân Khấu ở Sài Gòn, cho biết, hát bội hay tất cả những bộ môn nghệ thuật nào trên thế giới, những người thưởng thức phải hiểu về nghệ thuật đó thì họ mới thích thú được, và nhiệm vụ của người diễn viên cũng phải diễn đúng với bộ môn nghệ thuật đó. Có nghĩa rằng, mình thích diễn bộ môn nào thì mình phải đi học lối diễn của bộ môn ấy.

caulacbo hatboi 2Tế lễ dâng hương hoa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cho nên việc này không phải là một vài người làm được, mà nó cần sự hợp tác về việc bảo tồn văn hóa của cộng đồng. Ông mong là việc làm của CLB Hát Bội VAALA cũng đóng góp được phần nào cho việc phổ biến để bảo tồn văn hóa của dân tộc Việt.

Nói về sự khác biệt giữa cải lương và hát bội, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên nói: “Theo tôi, hát bội và cải lương nó gần như là giống nhau, cũng đều là diễn một vở tuồng nào đó, nhưng khác là bên cải lương người ta dùng những bài cổ nhạc hoặc những loại nhạc tài tử. Bên hát bội có một loại nhạc xưa hơn nhưng nó cũng thuộc loại nhạc của dân tộc Việt.”

“Những bài nhạc của hát bội cũng có nhiều bài, nhưng vì hát bội ít ai chú trọng tới cho nên người ta không có đặt thêm những bài mới nữa, chỉ xài lại mấy bài cũ thôi. Có những bài nhạc chánh như nói chuyện thông thường thì gọi là 'nói lối,' khi nâng cao lên để diễn tả tâm tình thì có bài 'Nam,' để căng thẳng hơn nữa thì có bài “Khách.” Ngoài ra có những bài bản để diễn tả cho mỗi tình huống thì có rất nhiều dạng nói lối như 'Lối Xuân,' 'Lối Ai,' 'Các Cách,'” nghệ sĩ Trần Tường Nguyên cho biết thêm.

Ðến giờ Lễ Giỗ Tổ Hát Bội, cô Ysa nói với mọi người: “Năm nay cũng không ngoại lệ. Và CLB Hát Bội cũng có mời những anh chị em trong những ngành nghề khác đến tham dự buổi Lễ Giỗ Tổ Hát Bội trong ngày hôm nay. Ðại diện cho ban tổ chức, chúng tôi xin cảm ơn tổ nghiệp đã có những đãi ngộ cho các anh chị em nghệ sĩ tạo ra được nhóm Hát Bội để phục vụ cho khán giả tại hải ngoại, và xin chân thành cám ơn quý vị có mặt trong ngày hôm nay.”

caulacbo hatboi 3Hoạt cảnh trong vở tuồng “San Hậu.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Ngọc Bày đã ngoài 80, nhưng bà còn rất nhiều nét nghệ sĩ, tuổi nghề, phong nhã, và điềm đạm. Bà cho mọi người biết, theo truyền thống, Lễ Giỗ Tổ Hát Bội gồm có hai lễ. Lễ thứ nhất là “Lễ Dâng Hương Hoa” do nhóm học trò lễ “đào thày” trong sắc phục của Hát Bội ra diễn lớp dâng hương hoa và trà rượu trước bàn thờ tổ để tế thần thánh. Lễ thứ hai, CLB Hát Bội sẽ diễn một lớp Hát Bội với nhan đề “Ðổng Mẫu Di Chí Yêu Nước Cho Con Mình” để chống lại kẻ thù phản quê hương, đây là một trích đoạn trong vở tuồng nổi tiếng “San Hậu.”

Phần tế lễ do nghệ sĩ Nguyễn Hùng đọc văn điếu và đánh trống.

Sau đó, Tiến Sĩ Lê Phước Sang lên diễn đàn bày tỏ sự yêu thích môn Hát Bội và chúc Giáo Sư Ngọc Bày thành công trên bước đường gầy dựng để bảo tồn bộ môn hát bội tại hải ngoại.

Nữ nghệ sĩ Trúc Minh lên ngâm bài thơ “Ghi Ơn Tiền Nhân Hát Bội” của thi sĩ Trần Ý Thu.

Cuối cùng CLB Hát Bội diễn một trích đoạn trong vở tuồng “San Hậu.” Vở trích đoạn này được Giáo Sư Ngọc Bày dàn dựng. Khi Ðổng Mẫu bị bắt, có những nhân vật như nghệ sĩ Trần Tường Nguyên vai Tạ Ôn Ðình, Giáo Sư Ngọc Bày vai Ðổng Mẫu, nghệ sĩ Hồ Ngọc Ân vai Ðổng Kim Lân, Minh Thy vai Cai Cọp và Ý Thu vai quân sĩ.

Sau đó, họa sĩ Ann Phong lên diễn đàn tỏ lời cảm tạ Giáo Sư Ngọc Bày và anh chị em trong CLB Hát Bội của VAALA và quan khách đến tham dự.

Họa sĩ Ann Phong nói: “Hôm nay có những giây phút với CLB Hát Bội của VAALA, cũng như quý vị biết rằng, những ngành nghệ thuật rất là hiếm quý, nhưng nếu chúng ta không có trân trọng thì nó sẽ bị mất đi theo thời gian. Vì thế đó, VAALA tổ chức những buổi này. Chúng tôi rất hãnh diện là có một tụ điểm để bảo tồn nghệ thuật Hát Bội của Việt Nam. Hy vọng sau này ngành Hát Bội được mãi lưu truyền trong nhân gian, đó là sẽ có những nghệ nhân vẫn còn thích thú theo học ngành Hát Bội của Việt Nam.”

Cô Lê Ðình Ysa kể rằng, cách đây vài năm, VAALA có tổ chức lớp Hát Bội do Giáo Sư Ngọc Bày hướng dẫn, cho đến nay thì giáo sư đã gầy dựng được một nhóm Hát Bội cho chị em yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Hàng năm, giáo sư đều có làm một ngày giỗ tổ, và VAALA dàn dựng để giúp cho giáo sư có một chỗ để làm lễ.

Ðây cũng là một tập tục cổ truyền rất có ý nghĩa đối với các nghệ sĩ Việt Nam, coi như một cách bày tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn đến tổ nghiệp của mình, cũng như cầu mong cho tất cả mọi thứ được “thuận buồm xuôi gió” trong năm, nghề nghiệp của các văn nghệ sĩ càng ngày càng tấn tới để cống hiến cho khán giả nhiều màn hay hơn nữa.

Khi mới xem Hát Bội, người ta cũng dễ lầm tưởng đây như là một nghệ thuật của Trung Hoa, nhưng khi chúng ta xem kỹ lại thì mới biết đúng là môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Âm nhạc của Hát Bội chính là tiền thân của Cải Lương sau này.
Và có rất nhiều những điệu ngâm của Hát Bội rất là thuần túy của Việt Nam xưa, không có lai một ít gì của Trung Hoa cả, kể cả những vũ đạo, những điệu múa cũng không giống như điệu của Trung Hoa. Vì thế đó, VAALA cũng muốn giữ lại những tinh túy của nghệ thuật Việt Nam.

Cô Ysa tâm sự: “Chúng ta có thể không đào tạo được một người nghệ sĩ Hát Bội như Giáo Sư Ngọc Bầy, vì đây là nơi đất khách quê người nên việc đào tạo một nghệ nhân như giáo sư rất là khó khăn. Nhưng hy vọng những nghệ sĩ trẻ hơn trong những ngành nghề khác, họ thấy được cái hay của bộ môn Hát Bội, họ học hỏi thêm để áp dụng vào nghệ thuật của họ. Như vậy, hoặc một cách nào đó thì bộ môn Hát Bội sẽ được sống hoài. Ðó là hy vọng của Ysa cũng như các anh chị em ở trong VAALA.”