“Chế độ ăn uống rất quan trọng với trẻ tự kỷ. Thức ăn và nước uống có thể giúp các em 'hiền' hơn, bớt phá, ngủ ngon, hay ngược lại, làm các em càng hiếu động, dễ mất kiểm soát nhu cầu sinh lý về sau này.”
WESTMINSTER-(NV) Hội thảo về “Chế độ ăn uống cho bệnh nhân tự kỷ” do Hội Trái Tim Bác Ái tổ chức thu hút sự tham gia của khoảng mười lăm gia đình gốc Việt có con em bị chứng bệnh này. Chương trình diễn ra vào sáng Chủ Nhật, 13 Tháng Mười, tại hội trường Nhật Báo Người Việt.
Những người đến từ sớm trong buổi hội thảo “Chế độ ăn uống cho bệnh nhân tự kỷ”. (Hình: Thiên An/Người Việt)
“Chế độ ăn uống rất quan trọng với trẻ tự kỷ. Thức ăn và nước uống có thể giúp các em 'hiền' hơn, bớt phá, ngủ ngon, hay ngược lại, làm các em càng hiếu động, dễ mất kiểm soát nhu cầu sinh lý về sau này.” Ông Quí Trần, thiện nguyện viên Hội Trái Tim Bác Ái và trưởng ban tổ chức, nói.
Buổi hội thảo là một trong những sinh hoạt thường xuyên mà Hội Trái Tim Bác Ái tổ chức cho các gia đình gốc Việt có con em bị tự kỷ, “vừa để phụ huynh học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa là dịp để họ chia sẻ tâm sự, xả lòng mình ra.”
Hội trường mở cửa từ 9 giờ sáng. Một số người đến sớm thăm hỏi nhau trước, và kể về những đứa con của họ. Sau đó, ông Bảo Cao, người phụ trách nội dung buổi hội thảo, bắt đầu chia sẻ những kinh nghiệm quản lý chế độ ăn uống của con. Người tham dự, một số từ xa đến hay đi một mình cẩn thận ghi chú và thu âm lại chương trình.
“Nên tránh những thức ăn khiến trẻ thêm hiếu động như đường, tinh bột, nước ngọt. Các hoá chất gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh như bột ngọt và màu phẩm sẽ gây hại cho trẻ.” Ông Bảo nói. Ông khuyên phụ huynh chỉ cho trẻ ăn thức ăn nhà nấu, tránh cho trẻ đi ăn các tiệm thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ. Bản thân vợ chồng ông chuẩn bị bữa trưa cho con, không cho ăn tại trường, và báo cho nhà trường về nhu cầu dinh dưỡng của con.
Những thức ăn tốt cho các trẻ bình thường chưa hẳn là tốt cho trẻ bị tự kỷ. Sữa là một ví dụ. Các sản phẩm từ sữa như yogurt có thể bất lợi cho việc kiểm soát nhu cầu sinh lý của trẻ về sau, hay trong một số trường hợp tự kỷ nặng, não bộ các em sẽ chống lại một số chất trong sữa, từ từ dẫn đến bại não.
“Tự kỷ có nhiều cấp độ khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng mỗi em mỗi khác. Tránh các chất ngọt là lời khuyên chung cho mọi người. Những thức ăn khác có thể không hợp với em này, nhưng em khác lại dùng được. Quý vị nên tìm gặp bác sĩ chuyên môn để phân tích khả năng tiêu hoá cho các em.” Ông Bảo nói.
“Quý vị khi nghe được kinh nghiệm của người khác, phải ráng thử áp dụng.” Ông Quí Trần nói thêm vào. “Có rất nhiều yếu tố trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ. Thương con, quý vị nên thử các biện pháp mà người ta đã thấy tốt cho trẻ tự kỷ. Thử một hai tuần, trẻ có thể thay đổi hoàn toàn.”
Tuy gọi là buổi hội thảo với các hàng ghế được xếp sẵn dàn ngang dưới sân khấu, chương trình không khác gì một buổi gặp mặt để các phụ huynh đồng cảnh cùng nhau tâm sự. Ghế được quây lại thành một vòng tròn nhỏ phía trái hội trường. Thuyết trình viên ngồi lẫn vào người nghe xung quanh. Khác với một buổi họp mặt bạn bè thông thường, người tham dự chưa từng được biết nhau trước đó. Họ, những người xa lạ từ khắp nơi đến, mở lòng chia sẻ về những đứa con có khi đã 9, 10 tuổi nhưng vẫn đang tập ăn, tập nói.
Ông Quí Trần (bìa phải) hỏi thăm phụ huynh và các em tự kỷ. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Không khí có khi căng thẳng cao độ với các thông tin chuyên môn, có khi vui hơn những buổi họp mặt bạn cũ với những tràng cười thân thiết.
Người tham dự trầm đi khi lắng nghe người khác chia sẻ các khổ tâm , để rồi nói “con tui cũng vậy,” và cùng bàn về cách giải quyết vấn đề. Càng về sau, người tham dự càng cởi mở hơn, mạnh dạn nói lên ý kiến, và cắt ngang phản đối những lời họ cho là không hợp lý cho con mình.
Bên cạnh các khó khăn, họ cũng chia sẻ những “thành tựu viết sách được” khi dạy con biết nói, biết nghe cha mẹ. Với phụ huynh trẻ tự kỷ, dạy con nói được, gọi được hai chữ “ba”, “mẹ” cũng đã là một thành công “mừng đến té ghế,” nguyên văn lời ông Lợi Vũ tâm sự.
Ngoài những cách thức trong việc rèn trẻ tự kỷ nghe lời cha mẹ ăn những món tốt, buổi trò chuyện thỉnh thoảng đi vượt ra ngoài chủ đề, bàn về cách cho con ngủ ngon, không nghịch phá giữa đêm, hay cách khéo léo theo dõi con cái ở trường, và bảo vệ quyền lợi của chúng giữa bạn bè, thầy cô.
Các phụ huynh có người đến sớm, có người đến trễ vì công việc riêng, nhưng tất cả đều ở lại đến cuối giờ. Chương trình kết thúc với số người tham dự đông hơn so với lúc khai mạc. Tiếng người trò chuyện lớn hơn, rộn hơn.
“Tôi rất mừng, và phục khi thấy những ông bố tham gia các buổi hội thảo này. Các bà mẹ thường lo cho con, và không phải bà nào cũng được chồng mình hỗ trợ.” Ông Quí Trần cho biết. “Các phụ huynh Việt Nam cần mở rộng hơn. Đừng cô lập, mặc cảm, tội các em. Trẻ tự kỷ cần cơ hội để học khi giao tiếp với bên ngoài. Hãy tham dự các buổi họp mặt của phụ huynh tương tự như buổi hôm nay để học thêm từ những người đồng cảnh, đi trước.”
“Phụ huynh trẻ tự kỷ ở Quận Cam may mắn vì có rất nhiều chương trình hỗ trợ các em.” Ông Bảo Cao nói. Đó cũng là lý do ông từ tiểu bang Georgia về lại gần Little Saigon.
Trước khi ra về, người tham dự trao đổi số điện thoại để sau này liên lạc. Mười gia đình gốc Việt có con tự kỷ, từ lạ đã hoá quen thân.