“Cộng đồng chúng ta cần có tiếng nói đại diện.”
MORROW, Georgia (NV)- Hằng Trần, 27 tuổi, vừa chính thức trở thành nghị viên gốc Việt đầu tiên tại thành phố Morrow sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, 5 tháng Mười Một.
Hằng Trần, 27 tuổi, nghị viên gốc Việt đầu tiên tại thành phố Morrow, Georgia. (Hình: Hằng Trần)
Morrow là một thành phố nhỏ của Clayton County, thuộc tiểu bang Georgia với khoảng 7,000 cư dân. Tại đây, cứ năm người thì có một người Việt Nam, nếu căn cứ theo số liệu của U.S. Cencus. Tuy vậy, trong lịch sử Morrow, trước cô Hằng Trần, chưa một người Việt nào đứng ra tranh cử vào hội đồng thành phố.
“Mới đầu thấy tên ghi danh tranh cử, đồng hương Việt Nam tại đây cứ tưởng tôi là đàn ông. Khi người dân thấy hình tôi trên các biển hiệu vận động dọc đường và trên các tạp chí địa phương thì mọi người ngạc nhiên lắm.” Cô Hằng cười, kể. “Tuy có định kiến và đánh giá nhưng sau đó thấy tôi có khả năng và tâm huyết nên quý đồng hương chuyển sang ủng hộ.”
Cô Hằng Trần có gương mặt sáng, mái tóc dài để buông tự nhiên, và nụ cười thân thiện thường thấy trên môi. Cô đến Mỹ theo diện H.O vào năm 1992 khi được sáu tuổi, theo học tại trường tiểu học và trung học của Morrow trước khi gia đình chuyển đến Jonesboro. Cô theo học ngành hoá học tại Đại học Georgia State University, tốt nghiệp bằng cử nhân và cao học.
Cô chuyển về sống tại Morrow với chồng là Toàn Phạm. Hai người cưới nhau hồi Tháng Bảy, 2010 và nay có một bé trai nhỏ 16 tháng tuổi. Về công việc, cô hiện là nhân viên phân tích hoá chất của Trung Tâm Kiểm Dịch Hoa Kỳ (CDC).
Tuy bận rộn, cô Hằng quyết định ra tranh cử chức nghị viên thành phố vì “Từ lúc tôi còn nhỏ sống tại Morrow cho đến nay, tôi thấy nơi đây có nhiều thay đổi. Nhớ khi đi học trong lớp chỉ có mình là Việt Nam, nay thì cộng đồng mình đã chiếm đến 20% số cư dân. Vì thế, Chúng ta cần có một tiếng nói đại diện trong hội đồng thành phố.”
“Và, tôi tin rằng đây là một cơ hội lớn cho những ý tưởng mới, cách nhìn mới, và một sự thay đổi thực sự cho thành phố Morrow. Là một người vợ và một người mẹ, tôi khao khát thấy được Morrow trở thành một thành phố tốt hơn nữa cho con em mình mai sau.” Cô nói thêm.
Trong cuộc vận động bắt đầu từ Tháng Tám, cô cùng chồng, có khi đẩy xe đẩy chở theo con trai và các tinh nguyện viên đã đến gõ cửa hầu như từng nhà trong số hơn 2,000 gia đình của thành phố để giới thiệu về bản thân và kêu gọi moi người đi bỏ phiếu. Tình nguyện viên ủng hộ cô là đông đảo các sinh viên và các nhân vật lớn trong cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam.
Kỳ bầu cử hôm Thứ Ba nhằm thay thế hai ghế nghị viên theo thể thức hai nhóm và chọn người cao phiếu nhất mỗi nhóm. Hằng Trần và ông Jeff Detar thuộc nhóm Một, ông Chris Mill và ông Randy Anderson thuộc nhóm Hai.
Kết quả, cô Hằng Trần thắng với tỉ lệ áp đảo, 352: 180, và ông Chris Mill thắng với tỉ lệ thấp hơn, 302: 205 .
“Chiến thắng này không chỉ của riêng tôi. Nó có ý nghĩa chung cho cả cộng đồng. Từ nay chúng ta bắt đầu có tiếng nói trong thành phố.” Cô Hằng chia sẻ.
Cô cho biết cô hy vọng thực hiện được ba thay đổi trong Morrow: tăng cường an ninh để người dân có thể yên tâm sinh hoạt; đảm bảo bình đẳng cho tất cả mọi người, từ sinh viên tại trường học đến các tiểu thương làm buôn bán nhỏ; phát triển kinh tế thành phố bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho giới thương mại hoạt động và cho giới trẻ tìm kiếm công ăn việc làm.
Ngoài ra, cô thổ lộ một mong ước cô dành riêng cho cộng đồng người Việt Nam tại đây: xây dựng một tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ ngay tại Morrow.
“Cũng như nhiều gia đình khác tị nạn tại Hoa Kỳ, gia đình Hằng có bố từng phải đi tù Cộng Sản. Nhờ có họ hy sinh mà lớp trẻ như Hằng được đến sống và học hành, thành đạt tại Mỹ. Tôi hy vọng vận động để xin phép được xây dựng một tượng đài tưởng niệm, cám ơn sự hy sinh lớn lao của cha ông chúng ta cho thế hệ hôm nay.”
Cô nhắn gửi thêm với lớp trẻ: “Gia đình các bạn, có lẽ cũng như bố và các chị của Hằng, đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta có cơ hội được thành đạt tại Mỹ. Khi đã thành đạt rồi, chúng ta có trách nhiệm phải giúp lại cộng đồng, tạo ra cơ hội tốt hơn cho các thế hệ sau này.” Cô cũng hy vọng chiến thắng của cô trong đợt bầu cử này có thể khuyến khích giới trẻ gốc Việt tại Mỹ tham gia tích cực hơn vào chính trị và xã hội.
Kết thúc buổi trò chuyện với phóng viên, cô Hằng Trần xin nhắn gửi lời cám ơn đến tất cả những người đã ủng hộ cô, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam tại địa phương. “Chắc chắn tôi đã không thành công nếu không có sự ủng hộ của đồng bào.” Cô nói.