“Năm nào họp mặt Tất Niên cũng vui lắm, có múa lân, có pháo, có ca nhạc Xuân và có cả đôi món ăn truyền thống Tết cho bà con tưởng nhớ hương vị Tết ở quê nhà nữa. Năm nay cũng không ngoài khuôn khổ đó”.
Trưa Thứ Bảy tuần này 4 Tháng Giêng năm 2014, nhằm ngày 4 Tháng Mười Hai năm Quý Tỵ, đồng hương Vĩnh Long sẽ có cuộc họp mặt tất niên tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, trên đường Lampson Avenue, thuộc thành phố Garden Grove, CA 92841.
Ban chấp hành Hội Ðồng Hương Vĩnh Long chúc Tết đồng hương trong lần Tất Niên Quý Tỵ 2013. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Theo bà Nguyễn Thanh Tước thuộc ban tổ chức cho biết thì Tất Niên năm nay của Hội Ðồng Hương Vĩnh Long là để nối tiếp sinh hoạt của bà con Vĩnh Long, dâu rể Vĩnh Long, hoặc những ai từng sống và làm việc tại Vĩnh Long trong tinh thần yêu thương đoàn kết, gìn giữ được nếp sống văn hóa truyền thống ngày Tết của dân tộc.
Bà Nguyễn Thanh Tước nói: “Năm nào họp mặt Tất Niên cũng vui lắm, có múa lân, có pháo, có ca nhạc Xuân và có cả đôi món ăn truyền thống Tết cho bà con tưởng nhớ hương vị Tết ở quê nhà nữa. Năm nay cũng không ngoài khuôn khổ đó”.
Cũng như các hội đoàn đồng hương khác, Hội Ðồng Hương Vĩnh Long được thành lập vì tinh thần yêu thương đoàn tụ, cố kết với nhau nơi đất khách quê người. Theo ông Phó Chủ Tịch Ðào Hữu Ngạn thì từ ngày hội có giấy phép hoạt động, thì “Hội chúng tôi nay chính thức có cả ngàn hội viên thường xuyên liên lạc với nhau. Trong những lần sinh hoạt hội ngộ dịp Xuân hay Hè, đồng hương Vĩnh Long tham gia khá đông đảo, trung bình là từ 300 đến trên 500 người”, ông Ngạn cho biết.
Trong những lần hội ngộ, đồng hương Vĩnh Long thường được nhắc nhở đến phần đất quê hương bản quán của mình. Luật Sư Lưu Vĩnh Khương, người con của “đất Long Hồ” (tên cũ của Vĩnh Long khi nơi này là Dinh Long Hồ thời chúa Nguyễn) thường nhắc đến lịch sử của Vĩnh Long trong các buổi họp mặt này để đồng hương đặc biệt là lớp trẻ nhớ đến cội nguồn của mình. Ðó là vùng đất Thủy Chân Lạp thuộc Vương Quốc Phù Nam trước đó, đã mai một đi, được chúa Nguyễn cho di dân vào khai phá và đã trở nên một vùng đất phì nhiêu không chỉ nuôi sống người dân Vĩnh Long mà còn tạo cơ hội cho người dân thăng tiến có cuộc sống sung túc dư giả.
Nhắc đến cây trái, đặc sản của vùng đất này, ông Ðào Hữu Ngạn cũng cho biết: “Vĩnh Long cũng như nhiều vùng đất miền Nam thường có một nền văn hóa ẩm thực đặc biệt. Có một món ăn rất dân dã, đó là Ốc Gạo ở Cù Lao Tân Phong cho ta một hương vị ngọt ngào, giòn tan trong miệng lưỡi mà không nơi nào có. Cũng vậy, món Cá Chấy ở Trà Ôn cũng là một đặc sản trong các nhà hàng lớn nơi Sài Gòn hoa lệ. Ðó có thể gọi là một món ăn thích khẩu cho người sành điệu. Về trái cây thì ai đến Vĩnh Long cũng phải tìm cho bằng được một chùm ‘chôm chôm tróc’ hay chùm nhãn hạt tiêu với dăm ba trái bưởi ‘năm doi’. Nói về lúa gạo thì Vĩnh Long là một trong những kho lúa của miền Nam, không chỉ để nuôi sống cả nước mà còn xuất cảng vào hàng nhất nhì thế giới”.
Khi nhắc đến địa linh nhân kiệt Vĩnh Long, người dân Vĩnh Long thường kể: “Dân Vĩnh Long đã có đến 3 người làm thủ tướng trong hai nền cộng hòa. Ðó là các ông Trần Văn Hữu, Trần Văn Hương và Nguyễn Văn Lộc. "
Giới nghệ sĩ, Vĩnh Long cũng có được những đứa con cưng trong làng nghệ thuật như Út Trà Ôn, Lệ Thủy...
Theo bà Nguyễn Thanh Tước cho biết thì đồng hương Vĩnh Long tại Nam California có nhiều người làm ăn phát đạt trong các ngành nghề và có được con cái hội nhập thành công trong xã hội mới. Bà Tước nói: “Nhà báo hỏi tên là những ai thì xin được miễn nêu tên vì hầu hết đều cho rằng, so với các cộng đồng khác, mình được gọi là thành công cũng là chỉ đủ lo cho gia đình, con cái được ăn học đến nơi đến chốn mà không phải sống nhờ vào các quỹ an sinh xã hội, bớt cái gánh nặng cho người dân Hoa Kỳ đã giang rộng vòng tay đón người tị nạn Việt Nam mình.”