“Dù rằng sống ở Tây phương, người Việt chúng tôi vẫn giữ được truyền thống, cái bản sắc ngày cổ truyền của nước Việt Nam."
Các cháu bé mặc áo dài cổ truyền vào ngày Tết. RFA
Mỗi năm, vào dịp Tết đến, người Việt trong cũng như ngoài nước đều nô nức đón Xuân. Mỗi quốc gia nơi có người Việt cư ngụ đều cố gắng đón Tết theo các nghi thức cổ truyền. Từ Pháp, thông tín viên Tường An ghi nhận sinh hoạt đón Xuân của người Việt tại một số quốc gia ở Âu Châu.
Người Việt tại Âu châu nói chung và tại mỗi quốc gia nói riêng sinh sống rãi rác khắp nơi chứ không tập trung như vùng Little Sài Gòn của California hay khu Cabramata của Sydney. Do vậy, sinh hoạt của người Việt , nhất là tại các thành phố ít người Việt cư ngụ cũng bị tan loãng vào các sinh hoạt của người bản xứ. Điều đó một mặt giúp cho sự hội nhập dễ dàng hơn, nhưng mặt khác, những phong tục, tập quán của người Việt trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp cũng dần dần bị lãng quên. Do vậy, việc gìn giữ bản sắc dân tộc, nhất là những phong tục cổ truyền của người Việt trong những ngày lễ Tết đòi hỏi những nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng tại mỗi quốc gia.
Dù rằng sống ở Tây phương, người Việt chúng tôi vẫn giữ được truyền thống, cái bản sắc ngày cổ truyền của nước Việt Nam.Bên Đức này thì bà con Phật tử cũng đến chùa Hannover để xin xăm, vái lạy Phật, cầu nguyện cho vong linh.
Ông Nguyễn văn Rị
Cộng Hoà Đức
Cộng Hoà Đức gồm 16 tiểu bang, được sát nhập từ Tây Đức và Đông Đức, nơi có khoảng 120.000 người Việt sinh sống là một cộng đồng với những sinh hoạt đều đặn và đa diện.Ông Nguyễn văn Rị, chủ tịch cộng đồng thành phố Moechengladbach cho biết dù thời tiết mùa đông khá khắc nghiệt, nhưng người Việt tại đây cũng tổ chức ăn Tết trong gia đình với đầy đủ phong tục, tập quán cũng như thức ăn cổ truyền ngày Tết:
Những em nhỏ đi múa lân . RFA
“Dù rằng sống ở Tây phương, người Việt chúng tôi vẫn giữ được truyền thống, cái bản sắc ngày cổ truyền của nước Việt Nam.Bên Đức này thì bà con Phật tử cũng đến chùa Hannover để xin xăm, vái lạy Phật, cầu nguyện cho vong linh. Dù rằng bên đây, thời tiết rất là lạnh lẽo, tuyết đỗ, người Việt cũng vẫn cố gắng đi nhưng siêu thị Việt Nam mua lá chuối, gạo nếp gói bánh chưng , bánh tét để về thờ cúng ông bà mời bạn bè, gia đình thân thuộc đến dùng những bữa cơm Tất niên rồi mình nhớ đến quê hương mình, dùng handy ( điện thoại cầm tay) gọi điện thoại về chúc tuổi cho những người còn ở lại bên quê nhà.”
Tết ở Pháp
Người Việt tại Pháp là một cộng đồng lâu đời nhất Âu châu, với hơn 200.000 người Việt sống khắp nơi trên nước Pháp với nhiều siêu thị bán thức ăn Á Châu, do vậy việc có được một bữa ăn Tết truyền thống không phải là một điều khó khăn. Cô Mỹ Linh cho biết trên bàn ăn mùng một Tết gia đình cô cũng có đầy đủ những món ăn đặc trưng của miền Nam.
« Gia đình con ăn Tết thì cũng như ở Việt Nam, con nghĩ vậy. Trên bàn có bánh chưng, bánh tét, thịt kho, dưa giá, canh khổ qua hầm, tôm kho, củ kiệu, heo quay…. »
Tết ở Cộng hoà Sec
Cộng hoà Sec, một quốc gia có hơn 65.000 người Việt hình thành một công đồng Việt khá đặc thù với đa số cư dân ra đi từ miền Bắc. Phần lớn, người Việt tại đây, nếu có điều kiện hoặc không bận công ăn việc làm thì họ về Việt Nam ăn Tết. Nhưng những người còn ở lại cũng cố gắng tìm một chút Việt Nam trong những ngày Xuân lạnh lẽo ở xứ người qua cây đào, cành mai, bánh chưng, bánh tét. Anh Quang, một người đã sống ở đây hơn 30 năm cho biết mâm cơm truyền thống của người Bắc tại đây gồm có:
Ba vị lão niên áo dài khăn đóng dâng hương bàn thờ Tổ Quốc. RFA
Tết Nguyên đán, nếu vào những ngày cuối tuần thì người ta tổ chức chỉnh chu hơn một tí, nếu nó vào những ngày thường thì hầu hết các gia đình người ta cũng làm một mâm cơm, cúng ông bà, tổ tiên cuối năm.
Anh Quang
“ Một mâm cơm truyền thống thường thường là có bánh chưng, bánh tét, có xôi, có giò, có củ hành, củ kiệu, miến, nem…tuỳ mỗi nhà nhưng thức ăn truyền thống của Việt Nam mình hầu hết là phải có bánh chưng. Tết Nguyên đán, nếu vào những ngày cuối tuần thì người ta tổ chức chỉnh chu hơn một tí, nếu nó vào những ngày thường thì hầu hết các gia đình người ta cũng làm một mâm cơm, cúng ông bà, tổ tiên cuối năm. Ở Praha có một khu chợ khá lớn, gọi là chợ Sapa, ở đó thì người Việt Nam mình đổ các loại hàng hoá khác nhau. Ngoài ra còn có những người Việt Nam chở xe đi bán lẽ khắp các thành phố, ai mà không mua được ở chợ Sapa thì mua lại của các người Việt Nam này. Những nhà có điều kiện thì người ta gói bánh chưng, bánh tét, những nhà không có điều kiện thì người ta mua trên các chợ Việt Nam về làm một mâm cơm truyền thống cúng ông bà tổ tiên.”
Nhưng cũng vì tính đặc thù đó, mà ở hơn nửa vòng trái đất, hương vị ngày Tết của người Việt tại đây cũng vương vấn đâu đó chiếc vòng kiềm toả của chế độ. Anh Quang cho biết có một phong tục mà họ cũng mang theo từ Việt Nam, đó là bệnh thành tích:
“Người Việt bên này hình thành các nhóm, hội người Việt nam, các địa phương, rồi có Trung ương hội Việt Nam . Cái hội này thì thật ra cũng là cái hội thân cận với bên sứ quán và cũng có sự chỉ đạo nhất định bên sứ quán, người ta cũng có tổ chức Tết cho cộng đồng, thì người Việt Nam mình cũng đến đó ca nhạc, trò chuyện. Đối với người dân thì đây cũng là một dịp gặp đông đủ bạn bè trò chuyện. Còn đối với hội người Việt Nam thì đây cũng là dịp để nói lên thành tích của mình, báo cáo với bên trên, sứ quán chẳng hạn: đó, chúng tôi có quan tâm đến tất cả mọi người như thế. Cả hai bên đều có lợi”
Quý chị nhóm Bà Mẹ (Bác Ái Vinh Sơn) phụ vụ đồng hương. RFA
Tết ở vùng Bắc Âu
Xa hơn nữa, ở vùng Bắc Âu, nơi gần như quanh năm tuyết phủ, Na Uy, đất nước của giải Nobel, là quốc gia với khoảng 20.000 người Việt. Ngày Tết được tổ chức trong nhà thờ, chùa chiền hoặc cộng đồng với đầy đủ phong tục ngày Xuân như lì xì, múa lân, bầu cua cá cọp để nhớ đến quê hương. Bánh dày, bánh chưng được gói bằng giấy bạc thay vì lá chuối, lá dong. Từ Bergen, nơi chỉ khoảng 1000 người Việt sinh sống, anh Sơn thay bánh tét bằng bánh in để ăn Tết năm nay:
Ở vùng Bắc Âu, nơi gần như quanh năm tuyết phủ, Na Uy, đất nước của giải Nobel, là quốc gia với khoảng 20.000 người Việt. Ngày Tết được tổ chức trong nhà thờ, chùa chiền hoặc cộng đồng với đầy đủ phong tục ngày Xuân như lì xì, múa lân, bầu cua...
« Thành phố của em thì bên Công giáo hoặc bên Phật giáo họ đi lễ chùa hoặc lễ nhà thờ đầu năm, rồi sau đó họ có cái tiệc ở tại nhà thờ hoặc là ở chùa, văn nghệ rồi bánh bánh này, bánh nọ rồi những món ăn của Việt Nam, chơi bầu của tôm cá, chơi thả chuột. Mỗi lần Tết đến thì em cũng nao nức để chuẩn bị đón Tết, Tết năm nay thì tự nhiên em thèm bánh in thì không biết làm cách nào, mua bột mua đường về làm thử nhưng thử mấy lần đều bị hư hết »
Một mặt duy trì truyền thống ông bà cho thế hệ sau, một mặt diễn dương cho người dân bản xứ thấy những phong tục đặc trưng của người Việt. Hội nhập mà vẫn duy trì được bản sắc dân tộc luôn luôn là một trong những hoài bão của người Việt ở xứ người. Giới thiệu phong tục Việt Nam cho người bản xứ còn là một hình thức giao lưu văn hoá, nối vòng tay với quê hương thứ hai. Ông Nguyễn văn Rị nói:
“Cộng đồng chúng tôi thì nằm sát biên giới Hoà Lan, Bỉ, Pháp cũng như Luxembourg, rồi Đức này nữa quy tụ về để chúng tôi tổ chức một buổi Tết Cộng đồng hơn 1000 người đến tham dự. Chúng tôi cũng mời thị trưởng thành phố, có dân biểu liên bang, tiểu bang đến tham dự, họ cũng theo nghi thức của chúng tôi , thắp hương để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Có những đoàn thể văn hoá như Vovinam, ca hát vũ nhạc kịch . chúng tôi cũng mời chính quyền Đức đến để tự họ lì xì cho mấy cháu nhỏ. Những gian hàng thì chúng tôi có sổ xố Tombola, có những trò chơi cho các cháu, rồi có những gian hàng bánh tét, bánh chưng, những món an đặc sản của quê hương”
Bảo tồn phong tục tập quán
Chị Thy Như, có chồng là người Pháp, chị tập cho chồng là anh Jean-Pierre những phong tục cử kiêng ngày Tết. Trước giao thừa, anh Jean-Pierre đã phải hút bụi để khỏi quét nhà trong 3 ngày Tết. Niềm vui của Jean-Pierre là giới thiệu các phong tục hay, lạ của quê vợ cho bạn bè của anh. Chị Thy Như kể về ông chồng Pháp rất Việt Nam của chị:
Thế hệ sanh bên đây là thế hệ trái chuối đó: bên ngoài nó vàng mà bên trong nó trắng bóc. Nó không biết phong tục Việt Nam cho nên con thấy rất là quan trọng là thế hệ sau phải biết mình là ai, phải nắm vững nguồn gốc của mình cho nên con thấy rất là quan trọng khi mà có Tết để cắt nghĩa cho các em hãnh diện về lịch sử Việt Nam
Chị Thy
“Jean- Pierre thì cũng như mình, cũng như mọi năm, cũng mua bánh tét, bánh chưng cúng ở nhà. Mẹ Như người Bắc, bố như người Huế, Như sanh ở trong Nam nên coi như là có đủ hết: vừa bánh chưng, vừa bánh tét, cũng thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Jean-Pierre mua cho Như mấy tờ giấy đỏ, viết câu đối để đi thăm các Bác luôn nữa. Cái ngày đó thì có bao phong bì lì xì sẵn, lì xì cho những người lớn tuổi, trong nhà thì tụi này lì xì cho nhau.Trước ngày giao thừa thì Jean-Pierre cũng đưa Như đi mua trái cây, bày bàn thờ đàng hoàng tử tế. Giao thừa Jean- Pierre cũng đi hái lộc như thường. Chẳng những vậy mà còn kể cho những gia đình người Pháp biết phong tục của người Việt Nam mình là cúng Giao thừa. Cái gì đẹp của nước mình phải khoe chứ ! Mùng một thì cũng rất kiêng cử, không quét nhà, tiền tài nó ra ! Thì Jean-Pierre cũng theo như vậy : không quét nhà, không gây lộn. Bữa đó không faire la gueule (gây gỗ), không faire la tête (giận dỗi) Mấy cái đó chắc là Jean-Pierre cũng phải thuộc lòng hết rồi”
Gìn giữ đã khó, truyền lại cho thế hệ sau còn khó hơn nữa. Những nổ lực và cố gắng của các bậc Cha Mẹ để con cháu mình giữ được phong tục tập quá ông cha ngày càng nặng nề bởi sự tan loãng nền văn hoá Việt vào văn hoá bản xứ, nhất là ở những nơi ít người Việt sinh sống.Tuy vậy, cô Mỹ Linh, mặc dù được sinh ra tại Pháp, cô vẫn luôn hướng về cội nguồn và mong muốn giữ được những điều tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cho con cái mình. Cô chia sẻ những khó khăn của thế hệ nối tiếp mà cô gọi đó là « thế hệ trái chuối »
« Thế hệ sanh bên đây là thế hệ trái chuối đó : bên ngoài nó vàng mà bên trong nó trắng bóc. Nó không biết phong tục Việt Nam cho nên con thấy rất là quan trọng là thế hệ sau phải biết mình là ai, phải nắm vững nguồn gốc của mình cho nên con thấy rất là quan trọng khi mà có Tết để cắt nghĩa cho các em hãnh diện về lịch sử Việt Nam, lịch sử của bánh dày, bánh chưng. Áo dài mình rất đẹp, mình phải hãnh diện mặc, và con cũng cắt nghĩa cho cách mặc đồ của người Việt Nam và phong tục của áo dài. Con có 4 đứa con trai, mỗi đứa phải lựa tìm một cái áo dài , mỗi đứa thích một màu khác nhau, phải tập nó mừng tuổi ông bà ngoại, ông bà nội, con giải thích cho nó mấy cái phong tục Việt Nam : tại sao mình làm Tết, ý nghĩa của bánh chưng, bánh tét…Ba Má mình cũng thích khi thấy mấy đứa con muốn giữ phong tục của quê hương »
Trong năm, mọi người đều quay cuồng trong cơn lốc của đời sống, mọi nhớ nhung như chìm lắng. Chỉ đến những ngày lễ, Tết, tiếng gọi cố hương mới vọng về. Và cũng chỉ vào những thời điểm thiêng liêng đó, người ta mới thấy được sự gắn bó với cội nguồn của những kẻ xa quê