"Rồi nhiều cháu cứ lần lượt được đưa về đây, từ 800 nấm mộ vào cuối năm 2009 đến nay lên đến 8,000 nấm mộ.”
Ông Hùng chăm chút từng ngôi mộ thai nhi ở nghĩa trang Tín Thác. (Hình: báo Phụ Nữ Sài Gòn)
LÂM ÐỒNG (NV) – Ông Trần Ðình Hùng, 62 tuổi, ngụ xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, người đã 8 năm âm thầm làm công việc đi nhặt, chôn cất và chăm mộ cho các hài nhi bị mẹ chối bỏ.
Một bài phóng sự của báo Phụ Nữ xuất bản ở Sài Gòn đã mô tả về đời sống và việc làm lặng lẽ nhưng đầy tinh người của ông Trần Ðình Hùng.
Bài báo viết: “Khi ngón tay chạm khẽ vào đôi môi bé xíu, ông chép miệng thở dài: ‘Giá mà mẹ cháu suy nghĩ lại thì vài tháng nữa thôi, đôi môi này có thể mỉm cười như bao đứa trẻ khác rồi!’”
Ðêm ở thành phố Bảo Lộc khá lạnh. Mặc trên người chiếc áo phông, khẽ nhúng chiếc khăn mềm vào thau nước ấm, ông Trần Ðình Hùng nhẹ nhàng lau từng ngón tay, ngón chân, ngực và bụng của thai nhi xấu số.
Nhìn ông, nếu không biết trước, sẽ nghĩ người đàn ông này đang chăm cháu, càng… ớn lạnh hơn khi công việc này được ông thực hiện ngay trong căn phòng ngủ của vợ chồng ông.
Nhiều người không khỏi rùng mình khi biết ông có một quy tắc, nếu nhận các bé trước 0 giờ, ông sẽ mang ra nghĩa trang chôn cất, sau 0 giờ các bé sẽ được mang về nhà, thắp nhang cho ấm áp, đợi đến sáng ông sẽ mang ra nghĩa trang.
“Không là gì cả, vợ tôi bảo các cháu thiệt phận, mang về nhà cho ấm áp, cũng có đêm hai-ba cháu được mang về phòng này.” Ông Hùng nói.
Giữa màn sương lạnh lẽo, men theo con dốc, ông đến nghĩa trang Tín Thác, nơi an nghỉ của hơn 8,000 thai nhi từ 4 đến 7 tháng xấu số trong nghĩa trang, thắp nén nhang, đốt mớ lá khô để xua tan rét mướt.
Ông Hùng kể: “Ngày 19 tháng 1 năm 2009, nghĩa trang được thành lập do soeur Nguyễn Thụy Hường làm trưởng nhóm. Do cảm thương các cháu bị mẹ mang bỏ bên gốc thông, bờ hồ, khe suối lạnh lẽo, chúng tôi mang các cháu về tắm rửa, quấn khăn bông, chôn cất và nhang khói. Rồi nhiều cháu cứ lần lượt được đưa về đây, từ 800 nấm mộ vào cuối năm 2009 đến nay lên đến 8,000 nấm mộ.”
Và những đứa trẻ mồ côi được cứu sống đang ăn ở tại ở mái ấm Tín Thác. (Hình: báo Phụ Nữ Sài Gòn)
Nói đến đây, giọng ông chùng xuống: “Tôi đã bỏ dở cuốn nhật ký vì không còn chỗ để viết, nhưng có lẽ trong đời, tôi không bao giờ quên buổi sáng ngày 5 tháng 5 năm 2009.”
Ông Hùng kể tiếp, mới 5 giờ sáng, ông nhận được điện thoại từ một bệnh viện biểu đến mang các cháu về. Nhận hai “gói quà” là hai bọc thai nhi, ông treo ở hai móc xe. Vừa rời bệnh viện, lại nhận cuộc điện thoại bảo ông đến bờ hồ nhận tiếp hai thai nhi. Trên đường mang các cháu về, ông lại tiếp tục nhận một cuộc điện thoại nữa. Ðến nơi, ông bàng hoàng khi bệnh viện trao một thai nhi quá lớn, nặng đến 2.8kg. Biết đặt cháu ở đâu bây giờ?
Tần ngần mãi cuối cùng ông xin mấy cái khăn bông để quấn cháu lại. Chưa an tâm, ông cởi luôn chiếc áo khoác quấn một vòng nữa rồi đặt cháu phía sau xe. Chiếc xe chạy hơn chục cây số, băng qua nhiều dốc đồi mà chỉ dám nhích từng chút một, nhẹ nhàng lách qua từng ổ gà vì ông sợ làm đau các cháu. Cứ thế, có ngày ông chạy tới 100 cây số, khi sáng sớm, lúc nửa đêm để kịp mang những thai nhi về nhà cho ấm áp.
“Thật kỳ lạ, đứa bé này trước khi mang về đây đã khiến tôi nghe tiếng nó nói, nó cười và xin được thắp hương, cắm hoa. Thai nhi là gái hơn bảy tháng nằm ở mộ số 16 cũng cho tôi thấy rõ hình ảnh nó. Thai nhi này được mẹ lén lút mang bỏ ở nghĩa trang trong ba lớp bọc ni lông,” ông điềm nhiên nói, như đã quen rồi, như ngồi xuống cạnh các cháu đang hiện hữu, đang vui chơi trên cõi đời này.
Trên những nấm mộ bé xíu còn đó những cây kẹo mút, hộp sữa và rất nhiều giỏ hoa tươi xinh xắn mà ai đó đã âm thầm mang đến, lặng lẽ ngồi khóc và rời đi…
Mời độc giả xem video: Bốn người bị thương trong “chuyến bay địa ngục” từ Sài Gòn
Nghĩa trang Tín Thác sau 8 năm thành lập nay đã gần kín mộ, sắp tới phải phát thêm ba sào rẫy cà phê để có chỗ đón các cháu về. Ðể có ba sào rẫy cà phê này, ông Hùng phải thế chấp giấy tờ nhà đất, vay ngân hàng 400 triệu đồng. Vậy mà mọi sự cứ ổn dần, “sổ hồng” ông đã lấy ra nhờ rất nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Chưa kể, tiền phát rẫy, san lấp nền cho kế hoạch sắp tới cũng đã có người ủng hộ…
Ðiều kỳ diệu nhất trong hành trình thầm lặng này của ông và nhóm thiện nguyện có lẽ là 81 mầm sống đang dần lớn lên trong mái ấm Tín Thác, xã Lộc Thanh. Ðó là kết quả của những lần tư vấn, thuyết phục các mẹ giữ lại thai nhi thành công.
Ðó là các bé Giang Ân, Hồng Ân, Bảo Ân, Gia Ân,… những đứa bé đầu tiên đến mái ấm này nay đã bảy-tám tuổi, rồi đến Cà Rốt, Khoai Tây, Su Su, Mãng Cầu, Súp Lơ… vừa bi bô tập nói. 81 đứa trẻ ở đây là 81 hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nghịch cảnh là bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh ra và hiếm hoi lắm mới có trường hợp được mẹ mang về nhà nuôi.
“A, ông về!” Ðám trẻ tụ lại quanh người đàn ông đi xe thồ, đội nón cối, trên xe lỉnh kỉnh đồ ăn. Ông cười tươi khoe: “Hôm nay có cải thảo, cá tươi và mớ su hào, đổi món cho các cháu nhé!,” ông Hùng nói với phóng viên báo Phụ Nữ Sài Gòn.
Men theo con dốc, nhà ông cách mái ấm chừng 500 mét. Ngôi nhà khang trang, rộng lớn. Trước sân nhà, bà cụ 87 tuổi, mẹ ông Hùng, đang ngồi phơi thóc. Bà nói với phóng viên báo Phụ Nữ Sài Gòn: “Cậu Hùng đi vào rẫy cà phê rồi, mừng vì cà phê đặng, hứa hẹn mùa bội thu.”
Mong cho ông nhiều sức khỏe, công việc ổn định để tiếp tục đồng hành cùng 81 bé ở mái ấm Tín Thác và nghĩa trang tình người. (Tr.N)