main billboard

Rồi người khác thấy việc anh làm đáng quý bèn góp tay; có người được sửa giúp đã noi gương, cũng tự nguyện đi sửa xe cho người khác. Cứ như thế, một “nhóm người tình nguyện” thành hình, cùng nhau làm việc phước thiện cả năm nay.


Khi đọc báo hàng ngày, chắc quý vị cũng nhận thấy phần lớn các tin tức đều là tin xấu, hết thiên tai lại tới những vụ bắn giết, hay những người bị bắt vì ăn hối lộ. Trong nghề báo người ta vẫn nói với nhau: Không có tin mới tức là một tin tốt.

Trong tuần qua, chúng ta thấy trên báo Người Việt cũng đăng vài “tin tốt,” đặc biệt là mấy tin rút từ báo chí trong nước. Một bản tin kể chuyện có một “Nhóm thợ sửa xe gắn máy miễn phí ở Sài Gòn.” Đọc câu chuyện này cảm thấy ấm lòng. Trên con đường đường Lê Văn Lương, đi qua hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức trong huyện Nhà Bè, mỗi lần mưa là ngập lụt, lái xe gắn máy đi qua dễ bị chết máy. Một người biết sửa xe, anh Lê Tấn Thương, đã giúp sửa miễn phí cho các người gặp nạn. Rồi người khác thấy việc anh làm đáng quý bèn góp tay; có người được sửa giúp đã noi gương, cũng tự nguyện đi sửa xe cho người khác. Cứ như thế, một “nhóm người tình nguyện” thành hình, cùng nhau làm việc phước thiện cả năm nay.

nhomtho suaxe 3
Nhóm thợ vui vẻ sửa những chiếc xe gắn máy bị ngập nước. (Hình: Người Lao Động)

Nghe câu chuyện cảm thấy ấm lòng vì thấy người Việt mình vẫn giúp đỡ lẫn nhau. Chắc chắn đây không phải là một hoạt động giúp ích duy nhất. Còn ở nhiều nơi khác nữa, vì dân Việt mình vốn sẵn lòng từ thiện. Có những người đã mở quán cơm từ thiện giá mỗi bữa 2,000 đồng (mười xu nếu tính ra Mỹ kim) cho các thực khách túng thiếu. Có những người đi khám bệnh miễn phí. Có những người nhận nuôi các em bé bị cha mẹ bỏ rơi. Trong nước Việt Nam không thiếu gì những người hảo tâm.

Câu chuyện trên chỉ đặc biệt vì hiện tượng “một nhóm người tình nguyện” cùng nhau làm việc thiện, và họ làm một công tác khá lâu dài. Không phải là những việc từ thiện có tính cách cá nhân, vì động lòng, trong chốc lát.

Đúng là một “tin tốt.”

Nhưng khi đọc một “tin tốt” như vậy, người ta mới thấy có điều gì thiêu thiếu. Cái thiếu ở đây là trong nước Việt Nam bây giờ hiện tượng những “nhóm người tình nguyện” họp nhau lại làm việc thiện như thế hiếm hoi lắm. Việc thiện do từng cá nhân làm đã thấy nhiều, nhưng việc thiện làm với tính cách tập thể, như “nhóm người tình nguyện” sửa xe giúp bà con, còn hiếm lắm. Chính vì hiếm hoi, cho nên mới được viết thành một “bản tin” để đăng báo!

Bốn chữ “nhóm người tình nguyện” đáng được chú ý. Bởi vì khi nhiều người cùng chí nguyện giúp ích có cơ hội gặp nhau, có thể tổ chức công việc cùng làm với nhau, thì khả năng giúp ích của họ sẽ tăng lên gấp bội. Xã hội nào cũng cần những “nhóm người tình nguyện” như vậy để cùng tiến bộ. Những “nhóm người tình nguyện” này không nhất thiết chỉ giúp người khốn khó, mà còn giúp cho cả xã hội cùng tiến bộ nữa.

Vào thế kỷ 19, một triết gia người Pháp đi thăm nước Mỹ đã nhận xét rằng một đặc điểm của quốc gia mới thành lập này là có rất nhiều “nhóm người tình nguyện.” Khi nhiều người cùng thấy có một vấn đề chung cần phải lo, mà một hay hai người làm không thể giải quyết được, họ bèn kêu gọi nhau họp lại, bàn bạc, tìm giải pháp chung. Alexis de Tocqueville đã ghi nhận hiện tượng này ở nước Mỹ, khác hẳn lối sống của người Pháp, người Anh thời đó, trong cuốn ông viết về “Nền Dân Chủ Mỹ Châu.” Ông thấy hiện tượng “những nhóm người tình nguyện” này là một nền tảng xây dựng nên chế độ dân chủ.

Nếu quý vị đọc tiểu sử ông Benjamin Franklin thì thấy ông là một người Mỹ tiêu biểu thời lập quốc. Khi Franklin thấy con đường trước cửa nhà in của ông nhiều ổ gà và rác rưới nhơ bẩn, ông đã viết thư gửi cho các chủ tiệm trên cùng con phố, mời họ họp. Khi gặp nhau, họ thấy phải cùng nhau quét rác cho cả con đường, vì nếu chỉ một hai tiệm quét trước cửa nhà mình thì đường phố không thể nào sạch được. Những người này lập thành một “nhóm người tình nguyện” cùng lo vấn đề vệ sinh cho con phố. Sau cùng, họ góp tiền với nhau, thuê một người chuyên lo quét rác và đổ rác.

Đó là một trong những “nhóm người tình nguyện” đầu tiên ở nước Mỹ, họp với nhau cùng giải quyết một vấn đề chung. Về sau, chính quyền mới bắt chước, làm theo sáng kiến này. Ông Franklin (xin coi hình ông trên tờ giấy $100) là thủy tổ đặt ra thứ “thuế đổ rác” ở các thành phố Mỹ bây giờ! Ông cũng là thủy tổ của các thư viện công cộng, mà lúc đầu chỉ lập ra vì một “nhóm người tình nguyện” thích đọc sách, họ góp sách lại một nơi, để cùng chia sẻ một thú vui tao nhã. Rồi ông lại kêu mọi người cùng hùn tiền xây dựng một trường học cho con em lối xóm, sau này trở thành một đại học nổi tiếng ở Pennsylvania!

Những “nhóm người tình nguyện” được lập ra để giải quyết các nhu cầu (như quét rác), các ước nguyện chung (như đọc sách) ngày càng nhiều hơn, đã tạo nền móng cho xã hội tự do dân chủ ở nước Mỹ. Sau này, người ta gọi tên chung các tổ chức, hiệp hội đó là “xã hội công dân,” (civil society). Từ “civil society” được báo Nhân Dân của đảng Cộng Sản Việt Nam dịch là “xã hội dân sự,” làm giảm bớt ý nghĩa nguyên thủy. Ý nghĩa quan trọng nhất của “xã hội công dân” là “con người sử dụng quyền công dân của mình, tình nguyện đứng ra lo giải quyết các vấn đề chung, giải đáp cho các ước nguyện chung, không cần xin phép hay chờ đợi và nhờ vả chính quyền lo hộ cho mình.”

Khi đọc bản tin về “nhóm chín người thợ sửa xe gắn máy ở huyện Nhà Bè” tình nguyện giúp đồng nào gặp nạn, chúng tôi nhớ lại những “nhóm người tình nguyện” mà chính tôi đã tham gia khi còn sống ở Sài Gòn.

Tổ chức đầu tiên tôi gia nhập là phong trào Hướng Đạo. Hồi 1954, 1955 ở Sài Gòn có nhiều vụ hỏa hoạn. Mỗi lần nghe xe vòi rồng hú còi là bọn trẻ chúng tôi mặc đồng phục Hướng Đạo vào, đạp xe chạy tới nơi có đám cháy, lo cứu cấp. Những thiếu sinh, tuổi từ 12 tới 18, được các anh lính cứu hỏa tin cậy, các anh giao cho công việc lăn những cuốn vòi nước, cầm vòi xịt nước, hoặc giúp các gia đình mang đồ đạc chạy ra ngoài ngọn lửa. Mỗi lần có đám cháy là cảnh sát phải canh gác, cấm người ngoài ra vô, đề phòng bọn hôi của. Nhưng các em mặc quần áo Hướng Đạo thì được hoan nghênh, cho chạy ra chạy vô tự do. Sở Cứu Hỏa Sài Gòn đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện cho các thiếu sinh chúng tôi, để giúp ích có hiệu quả hơn.

Sau năm 1963, một chế độ cởi mở xuất hiện ở miền Nam. Thanh niên chúng tôi được tự do lập hội. Chỉ cần hai người trưởng thành đứng tên, làm thủ tục ghi danh (đăng ký) tại Bộ Thanh Niên, là có một hội đoàn, một tổ chức chính thức ra đời! Trong những năm 1964, 1965, không biết bao nhiều hiệp hội thanh niên đã xuất hiện, tất cả đều là những “nhóm người tình nguyện” muốn giúp ích xã hội.

Cuối năm 1964 bão lụt lớn ở miền Trung, sinh viên, học sinh ở Sài Gòn đã được Bộ Xã Hội nhờ đem các món đồ cứu trợ đi phân phối ở các tỉnh từ Quảng Nam vào tới Bình Định. Mọi thanh niên tham dự đều tình nguyện và tự túc, không ai dùng một đồng nào của ngân sách quốc gia. Và đám học trò này bảo đảm đồ cứu trợ đưa đến tay những nạn nhân thiếu thốn đích thực – không có cảnh vợ ông trưởng thôn nào ăn tranh của dân nghèo.

Phong trào thanh niên tình nguyện lên cao nhất với “Chương Trình Công Tác Hè 65” khi hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh, đi công tác giúp đồng bào trên gần 40 tỉnh ở miền Nam hồi đó.

Xã hội nào cũng cần những “nhóm người tình nguyện” như thế. Quốc gia càng nghèo càng cần hơn. Không những họ làm các công tác xã hội, giúp ích, làm việc từ thiện, chính những hoạt động tình nguyện này còn giúp nền móng cho xã hội tự do dân chủ, như bài học mà Tocqueville đã nhận thấy ở nước Mỹ vào thế kỷ 19.

Câu chuyện “nhóm người tình nguyện” do anh Lê Tấn Thương, thợ sửa xe ở xã Nhơn Đức, Nhà Bè, khởi xướng, là một bông hoa nở trong đất nước chúng ta bây giờ. Nếu khắp nước nơi nào cũng có những “nhóm người tình nguyện” như thế, chắc chắn tương lai dân Việt sẽ tốt đẹp hơn. Họ sẽ không chỉ lo sửa xe, mà sẽ còn lo giúp các gia đình nghèo đói, những trẻ em không được đi học, những người bệnh tật chưa được chữa trị, biết bao nhiêu người cần được giúp đỡ khác. Những “nhóm người tình nguyện” này sẽ tạo thành một xã hội công dân đưa nước Việt tiến lên.

Một yếu tố cần thiết cho xã hội công dân phát triển là quyền tự do lập hội. Khi nào đảng Cộng Sản chấm dứt độc quyền cai trị, thì xã hội công dân mới phát triển được. (Ngô Nhân Dụng)