main billboard

Đi vào cái không gian này tự nhiên thấy “đời mình như những quán không” mà hiu hắt buồn vì cảm nhận rõ nét thời gian đang qua mau mà bao dự tính vẫn chưa làm được.


chohoa 30tet 1
Chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ đang được dỡ bỏ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Khi nhìn thấy những túp lều chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ được hạ xuống vào trưa ngày Ba Mươi Tết, có lẽ không ai là không có một nỗi ngẩn ngơ như vừa đánh mất một cái gì.

Cái gì? Khi chợt nhớ, lại sắp qua một năm nữa. Thời gian có chờ cho chúng ta hoàn tất được điều mong ước thực hiện không. Quê hương, nỗi nhớ, những mất còn trong đời!

Nhìn những nhát búa nện vào những cây cột lều của những người công nhân, bỗng dưng cảm thấy như những người công nhân này cũng nhẹ tay đi để cho việc dỡ bỏ không làm kinh động quá mức đến nỗi niềm của những người đang chứng kiến.

Nhưng số người chứng kiến hình như không có ai. Mọi người còn đang tất bật làm nốt những việc cho xong trước giờ Giao Thừa. Không ai muốn công việc phải dở dang kéo từ năm cũ qua năm mới.

Nên cả cái chợ hoa Tết chỉ còn là dăm bẩy người công nhân làm công việc hạ lều. Những lều nào chưa được hạ xuống thì giơ ra cái trống hoác, không có một thứ gì, kể cả một cọng rác. Cảnh ấy đã toát ra một trống vắng cho chiều Ba Mươi Tết, một cái đang chấm dứt, một cái gây sự tiếc nhớ mông lung không rõ rệt.

Ôi, mới chỉ hôm qua thôi, nơi đây kẻ bán người mua rộn ràng háo hức. Tiếng hát đón xuân của những ca nghệ sĩ ham vui góp mặt thiện nguyện cũng thu hút được không ít thính giả vây quanh một sân khấu ở đầu chợ. Niềm vui trong lòng mọi người đang dễ dàng tràn ra.

chohoa 30tet 2
Cảnh hủy bỏ hoa ế ở Việt Nam. (Hình chụp lại từ YouTube)

Đâu rồi, những cành mai rừng vàng nắng Cali. Đâu rồi, những trai thanh gái lịch vui vẻ dạo quanh vòng chợ Tết phô nét xuân tươi. Nhiều nam nữ mặc những bộ quốc phục gấm hoa vui mắt. Lại những chiếc áo dài năm nay đổi kiểu trở lại kiểu áo của thời gian áo dài, tay Raglan, quần Path ống rộng của thời bán thập niên 60. Nhớ quá! Đó là khoảng thời gian đã mất trong đời. Có còn chăng là những khúc nhạc xuân của thời chinh chiến đang vẳng ra từ một vài gian hàng Tết.

Nhớ đến những năm xưa, cũng tại chợ Tết quanh chợ Bến Thành. Chiều Ba Mươi Tết, các gian hàng bánh mứt cho ngày Tết cũng dẹp bỏ, trơ ra những khung gỗ ngổn ngang để những công nhân thu dọn cho sạch sẽ trước giờ Giao Thừa, giờ khắc giao thoa giữa Cũ và Mới mà ai cũng mong cái Mới sẽ tốt hơn cái Cũ.

Ở Sài Gòn có một con đường mang tên Hiền Vương trước năm 1975, ở đoạn cuối gần với đường Lê Văn Duyệt, vào những ngày cuối năm cây hai bên đường đổ lá vàng đầy lòng đường. Không hiểu sao vào những ngày cuối năm đoạn đường này lại thường vắng ngắt trong khi cách đó không xa là con đường Lê Văn Duyệt thì xe cô, người ta đi lại tấp nập. Đi vào cái không gian này tự nhiên thấy “đời mình như những quán không” mà hiu hắt buồn vì cảm nhận rõ nét thời gian đang qua mau mà bao dự tính vẫn chưa làm được.

Cái cảm giác ngơ ngẩn ngày nay trong chiều Ba Mươi Tết ở Little Saigon cũng đồng dạng với cảnh chiều cuối năm ở cuối con đường Hiền Vương Saigon. Lại nhớ nữa! Nhớ đến da diết. Nhẩm hát một câu nhạc xưa “rồi đời mình cũng sẽ qua” để mà tiếc nuối sao mình đã hoang phí thời gian tuổi trẻ.

Ngày Mùng Một Tết, nỗi ngẩn ngơ chiều Ba Mươi Tết vẫn chưa qua được khi đọc một bản tin trên báo Người Việt về cảnh các chợ hoa Tết bị các nhà vườn dẹp bỏ hoa ế. Bản tin không gây xúc động mấy cho đến lúc được nhìn thấy cảnh dẹp chợ hoa trên mạng truyền hình. Những người có máu “thương vay khóc mướn” có lẽ không nên xem những hình ảnh này. Người ta đã “tàn nhẫn” với hoa. Hoa ế không bán hết, các chủ nhà vườn muốn giữ giá cho năm sau, đã không “bán đổ bán tháo” mà thuê người đập nát hết các loại hoa còn thừa, dù dân nghèo vây quanh xin mua rẻ. Nhìn những công nhân ra sức đập nát những cành hoa tươi, đủ loại mai, đào, cúc, quất… đều phải tan nát “như hoa giữa đường”, người “thương hoa tiếc ngọc” khi nhìn thấy cảnh này không khỏi ngẩn ngơ tiếc nuối.

Những chủ nhà vườn này đã học được cách làm ăn của “tư bản nước ngoài”. Để giữ giá thị trường, hàng không bán hết, họ thường hủy đi. Nhưng hủy hàng của giới tư bản có khác là họ hủy đi bằng cách tái chế chứ không hủy diệt.

Một năm mới đang tới, một thời gian mới đang mở ra để cho những nỗi ngẩn ngơ tiếc nuối cuối năm sẽ thúc đẩy chúng ta tận dụng được thời gian, không còn phí phạm để rồi lại ngẩn ngơ tiếc nuối.