‘Hãy thỏa thuận về vĩ tuyến 17...’’
Cuộc chiến tranh Việt-Pháp, sau gần chín năm tàn phá điêu linh với tổn thất khoảng một triệu người bị chết và bị thương, đã được các cường quốc kết thúc ở Hội Nghị Genève ngày 20 Tháng Bảy 1954 bằng việc cắt nước Việt Nam làm đôi với hai chính thể hoàn toàn đối lập ở hai miền Nam, Bắc.
Quang cảnh một phiên họp tại Hội Nghị Geneva, 1954.
Thật ra, Hiệp Ðịnh Genève chỉ thỏa mãn được yêu cầu cấp thiết của Pháp là vấn đề ngưng bắn trong khi không có khả năng bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, vì Quốc Gia Việt Nam (được đổi tên là Việt Nam Cộng Hòa kể từ 23 Tháng Mười, 1955) không chịu công nhận hiệp định này.
Trước tình hình nguy ngập về quân sự sau trận Ðiện Biên Phủ, các nhà lãnh đạo Pháp đều chỉ mong đạt được một thỏa hiệp đình chiến với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) trong khi tiếp tục duy trì QGVN trong khối Liên Hiệp Pháp. Ðể đạt mục đích ấy, Ngoại Trưởng Georges Bidault và Thủ Tướng Joseph Laniel đều không bỏ lỡ một cơ hội nào có thể hù dọa đối phương về khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Việt Nam nếu Hội Nghị Genève thất bại. Ngay cả sau khi chính phủ Laniel sụp đổ vì không thể thuyết phục được chính quyền Eisenhower công bố ý định tham gia cuộc chiến ở Ðông Dương, Thủ Tướng Mendès France vẫn không quên nhắc nhở Liên Xô và Trung Quốc về hiểm họa quốc tế hóa chiến tranh Ðông Dương với sự tham gia không thể tránh được của Hoa Kỳ.
Khi ấn định thời hạn một tháng để đạt được thỏa hiệp tại Hội Nghị Genève, Mendès France không phải chỉ ra một “tối hậu thư cho chính mình” mà luôn cho cả phe đối thủ. Quyết định này không phải do bồng bột hay muốn được nổi danh mà chính là kết quả tính toán rất kỹ lưỡng của một chính trị gia dày kinh nghiệm đã theo dõi rất sát và chống đối cuộc chiến ở Ðông Dương trong nhiều năm. Vị thủ tướng Pháp gốc Do Thái đã nhắm đạt tới những mục tiêu chính sau đây:
• Thuyết phục Mát-scơ-va và Bắc Kinh - vốn không muốn trực tiếp đối đầu với Washington và đang theo đuổi những mục tiêu ưu tiên riêng - ép buộc Cộng Sản Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện thỏa hiệp, trái với kết quả mong đợi của phe đang thắng thế trên chiến trường;
• Thuyết phục Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy quân sự cộng sản đình hoãn mọi dự định tổng công kích vào Hà Nội và đồng bằng Bắc Việt, vì những hoạt động quân sự này sẽ có ý nghĩa phá hoại những nỗ lực tại Genève trong “ba mươi ngày thương thuyết hòa bình;”
• Thuyết phục đồng minh Anh và Mỹ đồng ý về sự cần thiết của một thỏa hiệp ngưng chiến tức khắc ở Ðông Dương trong khi tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị lâu dài cho toàn vùng.
Mendès France đã hoàn thành được cả ba mục tiêu này. Thắng lợi lớn nhất của ông là đã được sự hợp tác của tất cả các phe liên hệ, ngay cả những phe chống đối ông trong Quốc Hội Pháp cũng không còn có chọn lựa nào khác.
Trong suốt thời gian Hội Nghị Genève, Chu Ân Lai và Molotov “đi đêm” rất kỹ với phái đoàn Pháp, đến khi họ Chu hội kiến với Mendès France ở Berne, Thụy Sĩ, ngày 23 Tháng Sáu, 1954, thì mọi thỏa thuận đã gần xong. Ngày hôm sau, Jean Chauvel Ðại sứ Pháp tại Genève thông báo cho Ðại sứ Mỹ tại Pháp Douglas Dillon kết quả của phiên họp trong đó “Chu đã nói gần hết hai tiếng đồng hồ của phiên họp kể cả phiên dịch,” đưa ra những ý kiến mà Mendès France rất vừa ý:
1. Về vấn đề Lào và Cam-bốt: Quân đội ngoại quốc, kể cả Việt Minh, phải rút hết ra khỏi toàn thể lãnh thổ Lào và Cam-bốt. Chính phủ của hai nước này sẽ giải quyết chuyện chính trị trong nội bộ của họ theo ý nguyện của đa số dân chúng. Chu không phản đối việc hai nước này duy trì chế độ quân chủ và cũng không chống lại việc họ ở lại trong khối Liên Hiệp Pháp, nếu họ muốn. Chu chỉ nhấn mạnh vào điều kiện không có căn cứ quân sự Mỹ ở Lào hay Cam-bốt.
2. Về vấn đề Việt Nam: Chu nhìn nhận có hai chính phủ ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chu đồng ý với Pháp về việc giải quyết vấn đề Việt Nam qua hai giai đoạn: thứ nhất là giải pháp quân sự, cần thỏa thuận sớm hiệp định đình chiến; thứ nhì là giải pháp chính trị sẽ cần thời gian lâu hơn. Chu cho biết sẵn sàng thảo luận về việc chia vùng của hai bên nếu Mendès France muốn. Giải pháp chính trị sẽ do hai chính phủ ở Việt Nam trực tiếp điều đình và thỏa thuận với nhau. Chu nói thêm là Pháp có thể giúp đỡ trong tiến trình này, và không thấy có lý do gì mà nước Việt Nam thống nhất sau này lại không ở trong khối Liên Hiệp Pháp.
Về vấn đề chia vùng cho mỗi bên, Mendès France trả lời là ông chưa chuẩn bị chi tiết nên muốn dành đề tài này cho các phái đoàn ở Genève. Về vấn đề hai phe Việt Nam thảo luận với nhau về giải pháp chính trị, ông nhận xét rằng sau tám năm chiến tranh, dân chúng cần có đủ thời gian và cơ hội cho các tình cảm sôi động lắng đọng và tâm hồn được bình thản, vì vậy cần phải chờ đợi một thời gian lâu trước khi tổ chức bầu cử. Chu không phản đối đề nghị này. Sau hết, Mendès phàn nàn rằng phía Việt Minh trong vòng mười ngày qua đã làm chậm cuộc đàm phán ở Genève. Ông yêu cầu Chu thúc giục phái đoàn Việt Minh tiến hành mau hơn. Chu nhận lời làm việc này.
......
Như vậy, những điều thỏa thuận tại hội nghị Genève đã được Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc thu xếp với nhau trong những buổi họp riêng, không có sự tham dự của VNDCCH. Trưởng đoàn Phạm Văn Ðồng đã chỉ được họ Chu báo tin và khuyến cáo chấp nhận. Thật là một nỗi đau đớn bất ngờ và một sự sỉ nhục đối với Ðảng Lao Ðộng Việt Nam. Phái đoàn Phạm Văn Ðồng sang Genève dự hội nghị trong tư thế của một kẻ chiến thắng, và ngay trong ngày đầu tiên đã đưa ra những đòi hỏi rất rõ rệt: Pháp phải thỏa thuận vô điều kiện về việc rút quân theo lịch trình ấn định và Việt Nam phải được thống nhất. Việc Trung Quốc và Liên Xô sắp đặt sẵn với Anh, Pháp một giải pháp cho Việt Nam đã làm mất hiệu lực của chiến thắng Ðiện Biên Phủ có thể dẫn tới sự thất bại hoàn toàn của Pháp. Cuối cùng, ngày 3 Tháng Bảy, Chu Ân Lai gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở Liễu Châu gần biên giới Việt-Trung để yêu cầu những người bạn đồng minh của mình chấp thuận những điều kiện hòa đàm, với lý do là Hoa Kỳ có thể nhảy vào vòng chiến và trong trường hợp đó, Liên Xô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho Bắc Việt được.
Bản đồ Việt Nam với đường ranh phân đôi tại vĩ tuyến 17 sau Hiệp Ðịnh Geneva.
Chỉ hai ngày sau cuộc gặp gỡ Chu Ân Lai-Mendès France, Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu và Phát Ngôn Viên, Ðại Tá Hà Văn Lâu, lên tiếng phàn nàn với đại diện Pháp rằng phái đoàn VNDCCH không được đối xử bình đẳng như phái đoàn Trung Quốc và không có một đại diện người Pháp nào ở cấp bộ trưởng để đối thoại. Trưởng phái đoàn Phạm Văn Ðồng thì được các quan sát viên mô tả trong cuộc gặp gỡ lần đầu với Mendès France ngày 11 Tháng Bảy là có thái độ mềm dẻo nhưng chưa thật sự hợp tác. Theo Jean Lacouture, có lẽ vào ngày đó Phạm Văn Ðồng vẫn còn bị “sốc” vì thái độ của Chu Ân Lai cho nên “khi bước xuống xe, đã có vẻ bị một cơn xúc động rất khó chịu - làm như bị nghẹt thở. Theo lời kể lại của Claude Cheysson, ông Ðồng dường như 'không thốt được nên lời vì tình huống lịch sử lúc đó làm cho ông bị ‘nghẹn họng.' Nhưng ông đã mau chóng lấy lại được bình tĩnh.”
Ðại Sứ Jean Chauvel trong phái đoàn Pháp cho biết ông có cảm tưởng là “Việt Minh thực sự bị Mat-scơ-va và Bắc Kinh giật dây. Mỗi khi họ (Việt Minh) tiến lên hơi mau quá thì Chu Ân Lai và Vyacheslav Molotov lúc nào cũng có mặt ở đó để kéo họ về một lập trường thích hợp hơn.” Sở dĩ Bắc Việt không chỉ trích Liên Xô nhiều vì Liên Xô ở xa và có trách nhiệm chính ở Âu châu, không nguy hiểm bằng Trung Quốc vốn luôn luôn coi Việt Nam là một nước chư hầu.
......
Mục tiêu chính của Trung Quốc ở Genève là ngăn chặn Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự ở Ðông Dương. Vì vậy, hợp tác với Pháp để giải quyết chiến tranh Ðông Dương sẽ đem lại cho Trung Quốc một vùng đệm an toàn ở biên giới phía Nam. Ngoài ra, việc duy trì tình trạng hai nước Việt Nam sẽ giúp cho Trung Quốc tiếp tục củng cố ảnh hưởng với chính phủ cộng sản ở miền Bắc trong khi lại có thể giao thiệp ngay cả với chính phủ quốc gia ở miền Nam.
......
Giới bình luận thời sự quốc tế hồi ấy cho rằng Trung Quốc đang quan tâm tới vấn đề Ðài Loan, không muốn Hoa Kỳ lập vòng đai bảo vệ Tưởng Giới Thạch và bao vây Trung Quốc, mong muốn gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc và thoát khỏi nạn phong tỏa về kinh tế. Vì những lý do đó, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng trong việc giao dịch với các nước Tây Phương. Nhận xét này đúng nhưng nếu từ đó suy ra rằng Trung Quốc cũng sẵn sàng hy sinh Việt Nam và từ bỏ mục tiêu cách mạng vô sản ở các nước Á Châu thì lại là một sai lầm lớn. Dù không muốn cho Việt Nam thật sự độc lập và cường thịnh để có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của mình, đúng với đầu óc bá quyền sẵn có từ mấy ngàn năm, Trung Quốc vẫn muốn và cần phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với VNDCCH. Khi ép buộc Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Ðồng chấp nhận các điều kiện ở Hội Nghị Genève, ngoài sự biểu thị uy quyền của một nước đàn anh, Chu Ân Lai đã thực tình muốn thuyết phục các đồng chí đối tác của mình về bước lùi chiến thuật, phù hợp với lời dạy của Lenin: “Chính trị là tiếp tục chiến tranh bằng những phương cách khác.” Khi cần đến, Trung Quốc lại sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam cộng sản chiến đấu tới cùng như trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ và VNCH những năm về sau.
Về phía Liên Xô, quan hệ đối với VNDCCH đơn giản hơn nhưng cũng không ngoài mục tiêu “lợi ích dân tộc” của mình như Trung Quốc. Georgi Malenkov, lãnh tụ thừa kế Stalin, chủ trương xoa dịu tình trạng căng thẳng với các nước Tây Phương. Mối quan tâm hàng đầu của Liên Xô lúc đó là tình hình ở Châu Âu trước những nỗ lực của Mỹ xây dựng Cộng Ðồng Phòng Thủ Châu Âu (European Defense Community - EDC). Dù không nhấn mạnh đến việc thuyết phục Pháp từ chối gia nhập EDC để đổi lấy cuộc ngưng chiến ở Ðông Dương, Liên Xô vẫn muốn khai thác mâu thuẫn Pháp-Mỹ về sự hiện diện của Ðức trong EDC và đã tỏ rõ thiện chí đối với Pháp tại Hội Nghị Genève. Với tư cách đồng chủ tịch hội nghị (cùng với Anthony Eden), ngoại trưởng Mikhai Molotov lúc đầu hỗ trợ cho những đòi hỏi của Phạm Văn Ðồng, nhưng sau khi chính phủ Laniel bị đổ và Georges Bidault mất chức bộ trưởng Ngoại Giao thì Molotov lại thiên về quan điểm của Mendès France. Con người nổi tiếng trong giới ngoại giao với biệt danh là “Mr. Niet” (Ông Phủ Quyết) nay đã trở thành một nhà trọng tài có vai trò quyết định với những giải pháp dung hòa vào giờ phút cuối cùng. Chẳng hạn, chỉ sáu tiếng đồng hồ trước cuối thời hạn cam kết của Mendès France là 12 giờ đêm ngày 20 Tháng Bảy, Molotov đã chấm dứt mọi chuyện bàn cãi về đường giới tuyến bằng câu: “Ta hãy thỏa thuận về vĩ tuyến 17...”, rồi chỉ vài chục phút sau đó lại đưa ra đề nghị hai năm để kết thúc những cuộc tranh luận gay go giữa Phạm Văn Ðồng và Mendès France về thời hạn tổ chức tổng tuyển cử.
(Trích từ “Việt Nam 1945-1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử” - Lê Xuân Khoa)