main billboard

Đại sứ Mérillon cho biết hôm đó Đại sứ Martin đã "lưỡng lự rất nhiều rồi mới nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam".

usa martin kissinger fordGraham Martin (left) during a meeting at Oval Office with President Gerald Ford,
General Frederick C. Weyand and Henry Kissinger

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã phúc trình với Ngoại Trưởng Kissinger rằng "có tin đồn một số tướng lãnh đang dự định lật đổ Tổng Thống Thiệu một khi mà Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ bổ túc cho VNCH. Trong phúc trình, Đại sứ Martin viết:Tôi (Đại sứ Martin) tin tưởng rằng nếu có một cuộc thương thuyết thì sự hiện diện của Tổng Thống Thiệu sẽ là một trở ngại và trừ khi Ngoại trưởng (Kissinger) không cho phép, tôi dự định sẽ nói chuyện thẳng với ông Thiệu rằng vai trò của ông Thiệu trong lịch sử sẽ được nhớ đến một cách tốt đẹp hơn với những thành quả mà ông đã làm, trái lại nếu ông ta còn ngồi lại quá lâu thì ông ta sẽ bị xem như là người đã thất bại, người đã ngăn cản những nở lực nhằm cứu vãn phần đất còn lại của Việt Nam còn có được một phần nào tự do. Tôi sẽ nói rõ ràng như pha-lê với TT Thiệu rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, như là "một người bạn luôn luôn chỉ muốn nói sư thật" và sẽ kết luận một cách rất khách quan rằng nếu ông Thiệu không làm điều này thì các tướng lãnh của ông sẽ ép buộc ông phải ra đi." Trong ngày 18 tháng 4, quốc hội Hoa Kỳ thông đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, dù có còn tồn tại, VNCH cũng không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa.

Đại Sứ Graham Martin sau này cho biết ngày 18 tháng 4 năm 1975 Ngoại trưởng Henry Kissinger đã chỉ thị ông rằng "TT Ford đã chấp thuận để cho Đại sứ Martin đề nghị với TT Thiệu là ông ta nên từ chức". Theo cựu đại sứ Bùi Diễm thì sau khi ông về đến Sài Gòn vào trung tuần tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã nói với ông rằng: "Ông phải nói sự thật với ông Thiệu." Cái sự thật mà Đại sứ Martin muốn nói là ông Thiệu đã hết thời rồi và nếu cần thì chính ông Martin sẽ đích thân nói với ông Thiệu điều đó, tuy nhiên ông Martin muốn nhờ ông Bùi Diễm vào gặp và nói với ông Thiệu như vậy và yêu cầu ông Diễm cho ông ta biết sau khi đã chuyện với ông Thiệu về vấn đề này . Đại sứ Bùi Diễm không gặp được Tổng Thống Thiệu, đến ngày thứ sáu 18 tháng 4 thì ông gặp Đại sứ Martin, rồi qua ngày hôm sau thứ bảy 19 tháng 4, lại nói chuyện điện thoại lần nữa với ông đại sứ Mỹ. Đại sứ Diễm cho ông Martin biết rằng ông đã nhắn với TT Thiệu qua Đại tá Chánh Văn Phòng Võ Văn Cầm và cả cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng ông Thiệu vẫn chưa trả lời. Đại sứ Graham Martin nói với ông Bùi Diễm rằng: " Được rồi, như vậy thì tôi phải đích thân vào gặp ông ta."

Ngày Thứ Sáu, 18 tháng 4, theo hồi ký của cựu Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon thì tối 18 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Martin gọi điện thoại cho ông và lần đầu tiên Đại sứ Mỹ đã nói rõ với ông về ý định của Hoa Kỳ đối với Miền Nam Việt Nam. Theo Frank Snepp, tác giả cuốn Decent Interval thì trong những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam Việt Nam, hai ông đại sứ Hoa Kỳ và Pháp đã có những mối liên lạc vô cùng mật thiết. Tác giả cuốn sách này cho biết Đại sứ Mỹ Martin đã ra lệnh phá một phần bức tường ngăn đôi hai tòa đại sứ và xây một cánh cửa để hai bên liên lạc với nhau mà người ngoài không ai hay biết, đồng thời ông đại sứ Pháp cũng gắn thêm một điện thoại riêng ở trong phòng à vệ sinh để liên lạc với đại sứ Martin vì ông không muốn ngay cả nhân viên trong tòa đại sứ biết việc ông tiếp xúc gần như thường trực với ông đại sứ Mỹ.

Đại sứ Mérillon cho biết hôm đó Đại sứ Martin đã "lưỡng lự rất nhiều rồi mới nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam". Đại sứ Martin nói thêm rằng "đối với chính trường nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt ngay sau Hiệp định Paris 1973, vấn đề còn lại là giải thể quân đội Hoa Kỳ tại Đông Dương mà thôi"

Đại sứ Mérillon tiết lộ rằng ông Martin muốn nhờ đại sứ Pháp làm trung gian chuyển đạt ý muốn của Mỹ cho phía Việt Cộng và đại sứ Pháp đã trả lời rằng "nếu không có gì trở ngại trong việc liên lạc thì tôi có thể làm thỏa mãn điều ông yêu cầu trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, vì phải phúc trình lên chính phủ Pháp cho nên xin ông đại sứ vui lòng gửi cho tôi một văn thư chính thức ủy thác cho tôi cái nhiệm vụ này". Đại sứ Martin trả lời rằng "điều đó không thể được. Người ta không muốn lưu lại bằng chứng". Đại sứ Mérillon bèn nói với Đại sứ Mỹ: "Như thế thì kể từ giờ phút này, nước Pháp sẽ đảm nhận vai trò tái lập hòa bình cho Việt Nam theo chủ thuyết của Pháp."

Thật ra thì việc chính phủ Pháp dính dáng đến tình hình chính trị tại Miền Nam Việt Nam vào những ngày tháng cuối cùng của VNCH khởi đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Phạm Văn Đồng và Đại sứ Pháp tại Bắc Việt hồi cuối tháng 1 năm 1975. Theo Oliver Todd, tác giả Cruel Avril thì Đại sứ Philippe Richer đến Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 1975. Cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh gọi tắt là ENA, tức là bạn đồng môn với Tổng Thống Pháp Giscard d'Estaing, nhà ngoại giao Richer vốn là tù nhân của Đức Quốc xã trong trại tập trung Buchenwald, cựu sĩ quan trong quân đội Pháp đã từng phục vụ tại Lào và ông ta rất hiểu rõ Cộng sản. Vài tuần trước khi ông Richer đến Hà Nội, Thủ Tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đã nhờ ông Francois Missoffe, sứ giả đặc biệt của chính phủ Pháp tại Á châu, đòi người Mỹ phải áp lực để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Phạm Văn Đồng tiếp đại sứ Philippe Richer lần đầu tiên vào cuối tháng giêng năm 1975 và trong cuộc gặp gỡ này, Phạm Văn Đồng đã nói với tân đại sứ Pháp: " tôi hy vọng rằng ông đại sứ mang đến cho tôi sự trả lời." Đại sứ Richer chỉ trả lời một cách ởm ờ vì ông không hề nhận được chỉ thị rõ rệt nào của chính phủ Pháp về vấn đề này.

Đại sứ Philippe Richer suy nghĩ cặn kẽ và đến hai ngày sau thì ông mới phúc trình việc này về Bộ Ngoại Giao Pháp. Trước đó, vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, trong một cuộc tiếp xúc với Đại sứ Pháp Philippe Richer tại Hà Nội, Thủ Tướng Cộng sản Bắc Việt Phạm Văn Đồng đã nói với Đại sứ Richer bằng một giọng đầy thúc giục Pháp tìm cách lật đổ TT Nguyễn Văn Thiệu . Vì lời lẽ khẩn khoản này của Phạm Văn Đồng, Đại sứ Philippe Richer vội vã bay về Paris để tường trình lên Chính phủ Pháp đề nghị mới này của CSBV. Theo Oliver Todd thì vào ngày 8 tháng 4 năm 1975, sau khi Cộng Sản chiếm Đà Nẵng, Phạm Văn Đồng lại tiếp kiến Đại sứ Philippe Richer và ông ta đã nói với đại sứ Pháp rằng Bắc Việt sẽ cần đến sự hợp tác của các chuyên viên cũng như là các nhà đầu tư người Pháp để giúp cho họ khai thác những mỏ dầu hỏa tại miền Nam thay thế cho các công ty Hoa Kỳ. Tuy được xem như là một người có khuynh hướng thiên tả, Đại sứ Philippe Richer không mấy tin tưởng gì đến những lời của Phạm Văn Đồng và ông ta tin rằng khi chiếm được Miền Nam thì chỉ có đảng Cộng sản nắm quyền và sẽ không có lực lượng thứ hai thứ ba nào khác. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Oliver Todd vào năm 1986 tại Paris, cựu đại sứ Richer đã cho biết rằng trong một trong những bức công điện ông gởi về Bộ Ngoại Giao Pháp đề cập đến những đề nghị của Phạm Văn Đồng, ông có trình bày ý kiến riêng của ông như vậy và do đó mà cả Bộ Ngoại Giao cũng như Tổng Thống Giscard d'Estaing không ưa ông.

Tác giả bài viết: ĐẶNG QUANG
Nguồn tin: Vietstaronline.com
Tân Sơn Hòa chuyển