main billboard

Những ngày cuối hè, nắng vàng rực rỡ, đẹp tuyệt vời.

Ai cũng cố ra ngoài trời càng nhiều càng lâu càng tốt. Không ai bảo ai, các bà mẹ dẫn con ra chơi ngoài công viên hình như ầm ĩ hơn và vui hơn. Tôi nghe thấy một bà mẹ nói với con : Chơi mạnh đi, vài tuần nữa là hết chơi ở đây, vài tuần nữa là học kỳ mới… Không ai bảo ai, các cụ cao niên đi công viên cũng đông hơn, tập tai chi và phơi nắng hè cũng lâu hơn. Xin cho tôi được ca lại điệp khúc thời gian qua nhanh : Mới đó, mới ngày nào vui mừng khi nhìn thấy cụm hoa lily nhú đầu lên qua lớp tuyết đang tan báo tin mùa xuân đang tới, mới đó, mới ngày nào reo ầm lên khi thấy những hạt rau kinh giới tía tô đã nở lá non, thế mà rẹt một cái, tiệm hoa đầu ngõ đã bắt đầu bày bán hoa cúc. Nàng Cúc báo tin thu đấy các cụ ơi.

Cuối tuần qua, trên đưòng đi uống cà phê với các nhà quân tử trong làng, tôi gặp một em bé hàng xóm cỡ chừng 9 tuổi, tôi hỏi nó có thấy thời gian đi nhanh không thì nó lắc đầu : thời gian đi chậm qúa! Tôi đem việc này trình với các đấng quân tử trong nhóm thì ai cũng gật gù : Thì mình ngày xưa còn bé cũng y như thế, chờ hoài mà không thấy tết đến, chờ hoài mà ngày nghỉ hè vẫn còn xa lắc. Nói gì đâu xa, chính bọn mình đây nè, tháng Tám năm ngoái giờ này đang ầm ĩ hò hét với các trận đá banh bên Âu Châu, thế mà nháy mắt một cái đã một năm . Các cụ còn nhớ phe liền ông chúng tôi có thói quen buổi sáng đi bộ rồi gặp nhau ở quán cà phê Starbucks này chứ.


Trong lúc các triết gia chúng tôi luận về ý nghĩa thời gian thì cái điện thoại cầm tay của ông ODP reo. Các cụ có biết ai gọi không? Thưa, cụ Chánh tiên chỉ làng, cụ mời cả làng đến xơi cơm. Cụ bảo cái vườn rau thơm nhà cụ đang mời gọi chúng ta.

Và bữa ăn vui vẻ và thân ái đã đến. Chị Ba Biên Hòa giúp cụ Chánh làm món bánh xèo đãi cả làng. Đây là món người Nam nên Chị Ba làm rất lẹ và thành thạo. Chị pha bột với nước cốt dừa, đậu xanh đã ngâm nước qua đêm, hành hương xắt nhuyễn, lòng đỏ trứng gà, muối, đường, chút nghệ tươi. Nhân bánh thì thịt bằm, tôm tươi bóc vỏ, củ sắn,, nấm rơm. Chị nêm qua với nước mằm rồi xào chín. Bác chảo lên bếp, quệt một vành dầu ăn, dầu nóng bốc khói thì múc bột đổ vào. Một tiếng xèo phát ra sao mà nghe nó thân yêu làm sao, tiếng xèo này đã được dùng đặt tên cho món này đây. Rồi Chị Ba dàn mỏng lớp bột lên khắp mặt chảo, rồi cho nhân, rồi đậy nắp. Chừng hai phút sau chị gập đôi cái bánh lại, rồi từ từ gắp cái bánh vàng ngậy đang bốc khói ra đĩa. Mời các cụ xơi bánh cho nóng. Xin cụ ăn kèm với các loại rau thơm vườn cụ Chánh nha. Mời cụ chấm với nước mắm chanh ớt tỏi nước dừa. Chao ơi, trong miệng là một tổng hợp các tinh hoa của mùa hè 2013. Sao mà ngon và hạnh phúc thế này. Cụ nhớ nhậu với bia lạnh nha.

Cụ B.95, gốc Bắc Kỳ đặc, được ăn món Nam Kỳ này thì thích lắm. Cụ bảo ăn thật mà như ăn chơi. No bụng mà không thấy nặng bụng, chứ ăn món Bắc kỳ thì bao giờ cũng phải ăn với cơm, ăn no là nặng bụng liền.

Ông ODP ăn xong hai điã bánh và uống cạn một ly bia rồi mới lên tiếng. Rằng ông mới đọc được một câu chuyện nhiều ý nghĩa trên báo. Không biết ai là tác giả. Bài viết hay lắm, nó nói lên cái giá của đồng tiền luân lưu. Đọc xong thì ông biết đây là phép lạ của đồng tiền. Rõ ràng nó là 100 được trả cho bao nhiêu dịch vụ, nhưng không ai cầm được nó và bỏ nó vào túi cất đi. Chủ nó lấy ra, rồi chủ nó lấy lại, bỏ vào túi, rồi ra đi.

Chuyện bắt đầu thế này : Ở một thị trấn đìu hiu bên bờ Biển Đen, trong một thời kỳ khó khăn, ai cũng nợ nần, mua vay bán chịu. Bỗng có một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn. Ông móc túi lấy ra tờ 100 mỹ kim đặt lên bàn rồi đòi lên lầu chọn phòng. Chủ khách sạn liền cầm ngay tờ 100 đi trả nợ cho anh hàng thịt. Anh hàng thịt đem trả ngay cho ông nuôi heo. Ông nuôi heo đem trả ngay cho hàng bán thực phẩm và chất đốt. Ông thực phẩm đem trả ngay cho cô điếm mà ông vẫn nợ. Cô điếm đem trả ngay cho ông chủ khách sạn về những lần mướn phòng tiếp khách. Ông chủ khach sạn cầm tờ 100 để lại chỗ cũ. Đúng lúc đó, ông du khách từ trên lấu xuống. Ông lắc đầu vì ông không chọn được cái phòng nào ưng ý. Ông du khách cầm tờ 100 lên, bỏ vào túi, ra xe, rời thị trấn.

Ông ODP đọc xong bài báo thì hỏi mọi người: Đây là tiền thật hay tiền ma?

Anh John trả lời : Tôi cũng có nghe chuyện này. Mấy nhà bình luận kinh tế bảo đây là phép mầu của đồng mỹ kim mà Hoa Kỳ đang xài trên khắp thế giới.

Phe các bà thốt lên : Rõ ràng tờ 100 đã xóa được bao nhiêu nợ nần rồi nó biến mất, nghe hấp dẫn mà chúng tôi không hiểu gì cả.

Bà cụ B.95 lên tiếng : các bác thông thái như vậy mà không hiểu thì lão già nhà quê Bắc Kỳ này làm sao hiểu nổi. Thôi, anh John đâu, anh kể chuyện thời sự đi, chuyện thời sự là chuyện có thực, vừa xảy ra nên tôi hiểu.

Anh John bèn kể ngay, nghề của chàng mà.

happy canada dayChuyện thứ nhất là Canada đang chuẩn bị đặt ống dầu từ tỉnh bang Alberta miền tây sang tới tỉnh bang New Brunswick miền đông, dài 3 ngàn cây số. Chắc các cụ còn nhớ mấy năm trước người ta khám phá ra những bãi cát mênh mông ở Alberta là loại cát chứa dầu. Cứ cho cát này vào máy là xăng dầu chảy ra. Hoa Kỳ ban đầu đã muốn mua loại cát dầu này và đã có kế hoạch dẫn cát từ Alberta xuống tới Vịnh Mexico. Nhưng rồi các cố vấn tối cao của tổng thống Obama chê, không biết chê về giá cả hay về chất lượng nên dự án này bị dẹp. Canada bèn cười bảo không sao, rồi thay vì chuyển dầu cát này xuống Mỹ thì bây giờ Canada cho chuyển sang miền đông, tới tận bờ Đại Tây Dương. Nơi đây sẽ lọc dầu rồi bán cho khối Âu Châu và Á Châu. Kế hoạch đặt ống này tốn 12 tỷ đô la, mỗi ngày chở được 1 triệu thùng cát. Đường ống này tạo ra bao nhiêu việc làm và thu vào ngân sách quốc gia bao nhiêu là tiền.

Chuyện thứ hai là chuyện Caribana. Đây là chuyện rất đặc biệt. Các cụ biết ở Trung Mỹ có một hệ thống quần đảo rất lớn, gồm rất nhiều quốc gia lớn nhỏ, dài hơn 3 ngàn cây số. Nơi này quen gọi là Caribbean Islands hay West Indies, ban đầu đây là đất của dân Da Đỏ. Thế kỷ 18 và 19, dân da trắng Âu Châu sang chinh phục và họ bắt dân da đen nô lệ ở Phi Châu sangđây khai thác mía và dừa. Dân toàn vùng gồm da trắng pha với Da Đỏ pha với da đen nên da của họ nói chung có màu nâu nhạt, và máu của ho nhiều chất nhảy múa. Vì quần đảo Trung Mỹ này gồm nhiều quốc gia nên họ không biết chọn nơi nào thích hợp để họp nhau múa hát. Họ đi tìm và cách đây ít lâu họ đã quyết định chọn thành phố Toronto của Canada làm nơi tổ chức đại hội hàng năm. Đại hội này mang tên Caribbean Carnival, hay tên vắn là Caribana. Năm nay là Caribana lần thứ 46. Dân Trung Mỹ kéo lên Toronto gần một triệu người. Tuần lể đầu tháng 8 vừa qua, thành phố Toronto đã đầy người Trung Mỹ. Nước da họ nâu nhạt, họ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Ngày khai mạc, đoàn diễn hành dài gần 4 cây số. Các cụ mở Google lên mà coi. Chao ơi là đông, là đẹp, là mầu sắc, là ầm ĩ. Liền ông liền bà con nít đều vẽ khắp người những hình xanh đỏ tím vàng, y phục hở vai hở bụng. Họ đội những cái mũ to vành kết bằng lông chim sặc sỡ. Họ đeo những đôi cánh khổng lồ như cánh chim.

Caribana đã thu hút bao nhiêu là du khách khắp thế giới. Các cụ muốn biết văn hóa Trung Mỹ, xin mời các cụ tháng Tám sang năm, giữa hè, đến dự lễ hội truyền thống này nha.

Còn ở Monteral miền tây của Toronto, đầu tháng Tám cũng ồn ào náo nhiệt lắm. Ngày 3 tháng 8 có Đại Hội Thời Trang, The Montreal Fashion & Design Festival, thu hút hơn nửa triệu du khách. Cả thành phố biến thành những diễn đài trưng bày thời trang Canada và thời trang thế giới. Ban tổ chức cho biết đã có 75 thương hiệu tham dự, và có 50 xuất biểu diễn lớn nhỏ. Khu đường McGill College Avenue luôn luôn đầy nghẹt người. Đó là đầu tháng Tám. Cuối tháng Tám sang đầu tháng Chín là Đại Hội Phim Ảnh Thế Giới, Festival des Films du Monde, với 80 nước góp mặt. Đại hội này sẽ phát 3 giải thưởng lớn : phim hay nhất do khán giả chọn, phim tài liệu giá trị nhất, phim ngắn Canada hay nhất.

Thánh Tám là tháng văn hóa ngoài trời, khắp nơi. Toronto và Montreal mới chỉ là 2 nơi điển hình mà thôi.

Nhân nói tới chuyện văn hóa, anh H.O. bèn khoe với cả làng : Tôi ở Canada hơn 30 năm mà nay mới vừa tìm ra thần tượng ca nhạc của tôi ngày xưa. Tôi nghe bác ODP bảo cần tin gì thì cứ mở Google là có hết. Tôi đã mở, đã tìm và đã thấy thần tượng của tôi. Xin cám ơn Bác ODP, xin cám ơn Google. Cách cụ biết ngày xưa, hồi đầu thập niên 1960, tôi mê tiếng hát của ai không? Thưa tiếng hát Lệ Thanh. Lúc đó đã có Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ngọc, nhưng tôi không mê bằng Lệ Thanh. Cứ tối thứ Bảy là tôi có mặt ở phòng trà Anh Vũ đường Bùi Viện Saigon. Sao mà tiếng hát cô Lệ Thanh hay đến thế. Nghe nửa bài đầu thì tôi mở to mắt nhìn cô, nửa bài sau thì tôi nhắm mắt để chỉ tập trung vào tiếng hát. Chao ơi, tôi đã bị hớp hồn. Tiếng hát của cô có nét rất đặc biệt, có chút gì như nghẹt mũi, bị cảm. Cô đang làm nhiều người say mê như vậy thì đùng một cái cô ngưng, cô lấy chồng và dứt khoát thôi hát. Cô đã làm bọn tôi hụt hẫng. Tưởng là mất tiếng hát của cô vĩnh viễn, ai dè, qua Google tôi tìm ra cô. Các bài hát của cô ngày xưa có ghi vào đĩa nhựa, nay đã được đem ra. Chao ơi là sung sướng. Không ngờ cô hát nhiều bài như vậy. Ngày xưa ở Quán Anh Vũ, bọn cây si chúng tôi chỉ được nghe có mấy bài , như Viễn Du, Ai lên xứ hoa dào, Lên xe tiễn em đi… Xin chào mừng thần tượng Lệ Thanh.

Ông ODP cho biết ; Ngày xưa ông cũng thích tiếng hát Lệ Thanh. Nghe đâu hiện nay cô đang sống ở Montreal, Canada. Nghe nói chồng cô là một bác sĩ. Cô đã con đàn cháu đống rồi. Ông ODP bảo anh H.O. không được kêu là Cô Lệ Thanh nữa mà là Bà Lệ Thanh hay Cụ Lệ Thanh nha.

Rồi ông còn mách thêm : Anh khỏi mất công tìm kiếm. Hễ lên Montreal thì tìm gặp BS Trần Văn Dũng. BS Dũng rất nổi tiếng ở miền đất nói tiếng Pháp này, ông là người rất tha thiết với các sinh hoạt cộng đồng, nhất là với giới y sĩ. Cứ hỏi BS Dũng là có thể tim ra cô Lệ Thanh. BS Dũng cũng là một MC tầm cỡ ở Montreal. Ông rất nhiều máu tếu. Báo Y Sĩ vừa qua đã đăng một chuyện cười của BS Dũng, như sau : Ông có một người bạn thân lâu ngày mất liên lạc. Rồi tự nhiên do duyên may ông tìm ra. Khi biết được số điện thoại của người bạn là 254-3508 thì ông gọi ngay và câu đầu tiên ông bảo bạn : Sao mày ở dơ dáy như vậy? Người bạn kinh ngạc hỏi lại : Sao mi nói thế ? Bác sĩ Dũng trả lời ngay : Thì con số điện thoại của mày bảo tao như vậy. Này nha, con số của mày là 254-3508 thì ai cũng đọc là ‘2 năm bón, 3 năm không tắm.’ Đúng không nào? Ông vui và tếu thế đấy các cụ ạ.

Ai nghe câu chuyện này cũng phá ra cười. Chị Ba Biên Hoà gốc Miền Nam thì cười ngặt nghẽo mãi mới thôi.

Nhân nói tới Hội Y Sĩ VN ở Montreal, bồ chữ ODP kể tiếp : Tôi là độc giả thường xuyên của Báo Y Sĩ. Báo này rất trí thức. Tôi quen cả ban biên tập, trong đó có BS Dũng vừa nói, lại có cả BS Trần Mộng Lâm, BS Nguyễn Thanh Bình, hai cây bút tếu nhất của tờ báo. Mấy tháng trước, BS Lâm đã viết một bài bàn về tương lai của con cháu chúng ta, tác giả lo lắng không biết rồi đây chúng còn có trái tim và tâm hồn VN nữa không. BS Lâm nói tới cây tre, chúng ta là cây tre, nhưng liệu cây tre già có sinh ra măng non không hay là đẻ ra cây chuối, vì cây chuối mới sinh ra trái chuối. mà trái chuối thì vỏ bên ngoài màu vàng ruột bên trong màu trắng. Con cháu chúng ta hiện nay là trái chuối. Da chúng màu vàng, nhưng lòng chúng màu trắng, màu Canada tuyền. Làm sao bây giờ? Đây là một câu hỏi lớn, phải không các cụ.

Nghe tới đây, ông ODP thấy cả làng im lặng. Ông sợ sự im lặng này. Ông sợ rồi bà cụ B.95 sẽ lên tiếng than nhức đầu. Ông bèn mang tiếng cười đến cho làng ngay. Phục ông này quá. Ông nói với anh John :

- Bữa trước anh nêu thắc mắc về quả trứng trong tiếng Việt. Quả trứng có lòng trắng và lòng đỏ. Theo anh, ta nói ‘ lòng đỏ’ là ta nói sai, phải nói ‘lòng vàng’ mới đúng, Xưa nay lòng trứng bao giờ cũng vàng tươi chứ có đỏ như cờ VC bao giờ đâu!

Anh John gật đầu và có vẻ sung sướng vì có người hiểu mình. Ông ODP nói đến đây rồi cười hà hà :

- Anh chủ trương quả trứng có lòng trắng và lòng vàng. Nếu theo lập luận của BS Trần Mộng Lâm trên đây, con trẻ VN ở Canada rồi đây sẽ là những trái chuối, ngoài vàng trong trắng, thì tôi thấy anh là quả trứng, rõ ràng ngoài trắng trong vàng.

Cả làng nghe đến đây thì cười và vỗ tay ầm lên. Anh John như bị choáng váng. Chị Ba Biên Hòa thì gật đầu lia lịa.

Cụ Chánh lúc này mới lên tiếng. Hình ảnh quả trứng, ngoài trắng trong vàng, chỉ anh John thì đúng qúa và ý nghĩa qúa. Cái công biến anh John ra quả trứng chính là công của Chị Ba Biên Hòa vợ anh. Làng lại vỗ tay nữa. Anh John chạy vội đến ôm Chi Ba. Du dương thế đấy, các cụ thấy chưa.

Thôi, xin ngưng chuyện trẻ em VN ở hải ngoại là quả chuối, và anh John bạn chúng tôi là quả trứng. Đây là một đề tài dài, chúng ta sẽ bàn về sau.

Tưởng là xong việc này mà lại chưa xong. Anh H.O. giơ tay xin góp thêm chuyện . Anh kể từ lúc nghe Ông ODP bảo anh John là quả trứng thì chữ ‘trứng’ ấy cứ lảng vảng trong đầu, chỗ nào cũng thấy trứng. Tôi cầm tờ tuần san Thời Báo rồi mắt hoa lên, sao lại có bài về trứng nữa thế này. Nhưng không phải, tôi bị ám ảnh nên hoa mắt, tên bài không phải là trứng mà là Trưng, bài viết về Hai Bà Trưng, tác giả là nhà văn Song Thao. Nhưng không sao, cũng tốt thôi. Bài của nhà văn viết phiếm ở đất Montreal sao mà hay thế, lại hợp với luận điệu của ông Trà Lũ nhà mình. Các cụ đã đọc bài phiếm ngày 15/8 này chưa? Nhà văn Song Thao viết về Hai Bà Trưng, viết về cuộc khởi nghĩa đất Mê Linh của hai bà năm 40 đầu dương lịch. Bà Trưng làm vua được 3 năm thì giặc Tàu đem đại quân sang tái chiếm nước ta. Con cháu Hai Bà bèn trốn giặc Tàu, đã vượt biển xuống phía nam, đã đến miền eo biển Malacca thuộc đất Indonesia ngày nay. Và các thuyền nhân con cháu của Bà Trưng đã định cư ở đây, đã sinh sôi nảy nở ở đây. Họ mang tên là Minangkabau. Họ đâu có thể ngờ được rằng, hai ngàn năm sau, những thuyền nhân VN chạy giặc CS cũng đã ghé vào đây, đảo Galang. Anh em cùng tổ VN, xa nhau 2 ngàn năm, gặp nhau mà không nhận ra nhau…

Cũng theo nhà văn Song Thao, các bảng quảng cáo ngành du lịch cũng đã xác nhận việc này. Họ viết rằng nguòi Milangbakau ở đây chính là người Việt cổ, họ đã tới đây bằng thuyền, cách đây mấy ngàn năm…

Ông ODP bèn ngắt lời anh H.O. : Tôi xin bổ túc : Tổ tiên ta gốc từ Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Con mẹ Âu Cơ thì lên phía bắc, một số con đã sang tới Canada và mang tên là Da Đỏ. Còn con của Cha Lạc Long Quân xuống phía nam, một số đã dùng thuyền mà sang tới Trung Mỹ, tới trước Columbus. Họ cũng được thế giới gọi là người Da Đỏ, người của miền West Indies mà anh John đã nói tới khi kể tin đại hội Caribana ở trên.

Anh H.O. xin nói thêm về người Minangkabau ở Galang có gốc VN. Rất nhiều bài nghiên cứu về sắc dân này cho biết họ theo mẫu hệ, làm nhà mái cong, làm ruộng trồng lúa, múa hát thì đội mũ lông chim giống y như người Việt cổ mà mặt trống đồng đã ghi. À, người Minangkabau còn có truyện cổ về chọi trâu phảng phất chuyện cổ VN. Rằng thuở xưa người Milangbabau có chuyện xích mích với dân bản xứ, hai bên đã mang trâu ra chọi để tìm phải trái. Trâu người bản xứ thì to như con voi, còn trâu của dân Milangkabau thì nhỏ xíu như con dê. Khi lâm trận thì chú trâu con đã chúi vào bụng con trâu lớn. Vì đầu trâu con đã được gắn giao nhọn nên trâu con đã chọc thủng bụng trâu bự và toàn thắng. Chuyện chọi trâu này giống y như chuyện chọi trâu của Trạng Quỳnh với trâu của sứ Tàu. Trâu của Trạng Quỳnh bé nhỏ mà hạ được trâu của sứ Tàu to kềnh. Những dữ kiện này rõ ràng chứng minh người Minangkabau ở Indonesia có gốc VN.

Cụ Chánh nghe đến đây thì cười hà hà. Cụ bảo nghe các bác các chú nói thì lão thấy ai cũng có lý hết và thấy dòng giống VN thật là vĩ đại. Một số con Mẹ Âu Cơ thì tiến sang tới Canada, từ mạn bắc rồi tỏa xuống phía nam, một số con Cha Lạc Long thì sang tới Trung Mỹ rồi toả lên phía bắc. Khi tới Mỹ Châu thì con cháu VN đã mang tên là Da Đỏ. Còn theo nhà văn Song Thao thì con cháu Bà Trưng, cũng là cháu chắt của Mẹ Âu Cơ, có tỏa xuống phía nam, nhưng không có đi quá xa tới Mỹ Châu mà chỉ xuống tới nước Indosenia rồi ngửng lại và phát triển ở vùng này. Đó là các chuyện ngày xưa. Ngày nay người VN vẫn tiếp nối truyền thống tỏa đi kháp nơi của tổ tiên. Sau 1975, hơn 3 triệu người Việt cũng đã tỏa ra khắp thế giới. Theo nguồn thống kê đáng tin cậy thì hiện nay mấy triệu người VN đang có mặt ở ít nhất 60 nước trên địa cầu. Người Do Thái xưa nay được tiếng là có mặt khắp nơi, nhưng so với người VN thì người Do Thái thua xa. Lão nhớ là hình như ngày xưa có một nhóm học giả đã gọi người VN là ‘người Do Thái da vàng’.

Nóí đến đây rồi cụ Chánh hỏi anh John : Anh đã thấy cái gốc VN quê vợ của anh vĩ đại chưa?

Anh John đáp ngay : Cháu đã thấy từ lâu rồi, chính vì thế cháu mới để cho vợ cháu biến màu trắng bên trong của cháu thành ra màu vàng VN là vậy.

Làng tôi vỗ tay râm ran và đều hoan hô qủa trứng John.

Cụ B.95 lên tiếng : Anh John ơi, hôm nay là ngày anh hạnh phúc qúa nha. Bây giờ tới phiên anh chia cho chúng tôi chút hạnh phúc, nào chuyện cười của anh đâu?

Hình như hôm nay anh John không chuẩn bị nên khi nghe cụ xin thì anh ra tỏ ra lúng túng. Chị Ba Biên Hòa bèn tiếp cứu ngay : Anh không cần phải suy nghĩ tìm kiếm gì, anh cứ việc kể chuyện học tiếng Việt ngày xưa là đủ làm cho cả làng cười rồi. Thế là anh có chuyện nói ngay: Hồi trước khi cháu bắt đầu học tiếng Việt, cháu thấy nhiều chỗ buồn cười lắm, bây giờ cháu nhớ gì kể nấy nha. Chẳng hạn :

- Tiếng ĂN. Lần trước cháu đã nói rồi, riêng cái kiểu nói bắt ‘ăn hình phạt’ thì buồn cười qúa, như “tao cho mày ăn cái bạt tai, ăn cái đá đít bây giờ”. Hoặc chửi ai thì bắt họ ăn cái ấy của mình, hoặc đồ dơ của mình…

- Tiếng CÀ : cà lăm, cà chớn, cà nhắc, cà khịa, cà rịch cà tàng… Tiếng cà ở đây không có lien hệ gì tới trái cà cả !

- ĐI CẦU là đi toilet chứ không có liên hệ gì tới việc đi qua cây cầu bác ngang con sông con rạch cả.

- HAI VỢ CHỒNG là một cặp gồm 1 vợ và 1 chồng, chứ không phải 2 bà một ông

- NHÀ TÔI, ngoài nghĩa đen là cái nhà vật chất của mình, còn chỉ người phối ngẫu. Tiếng này làm tôi thấy tiếng Việt thâm trầm qúa.

Mấy tiếng Việt mà tôi vừa trích dẫn đã làm tôi buồn cười, nhưng đến khi tôi học về văn chương, thì tôi thấy cái ‘đình làng VN’ là một hình ảnh đẹp vô cùng. Nó là bối cảnh cho tinh yêu đôi lứa khi đang chớm nở. Chỉ ở VN mới có cái đình là nơi hội họp lễ tết cho cả làng, cái đình bao giờ cũng ở một địa thế thơ mộng và đẹp nhất làng. Ở Canada này cũng có nơi hội họp gọi là các Community Centres, nhưng các trung tâm này ít khi ở vào các địa điểm đẹp. Cái đình VN trong các câu ca dao này thật là đẹp thơ mộng :

- Trúc xinh trúc mọc đầu đình.
Em xinh em đứng một mình cũng xinh

- Đôi ta đứng trước sân đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu

Thấy anh John như đã mệt, Chị Ba Biên Hoà liền tiếp cứu nữa. Chị bảo buổi họp làng lần trước, Cụ Chánh đã cho nghe một câu chuyện thật cảm động về ‘lòng mẹ’. Hiện chị cũng có một câu chuyện thật ngắn mà chị cho là hay thấm thía. Nói đến đây rồi chị rút trong ví ra cuốn sổ tay. Chị đọc câu chuyện về lòng mẹ. Đề bài là ‘Mẹ một mình’ như sau:

… Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ cô độc dắt đàn con lánh nạn khắp nơi. Hoà bình. Bố không trở về. Mẹ khóc ngày đêm. 5 năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ, ảnh của bố được để lên.

Me tiếp tục tần tảo nuôi một đàn con. Nhưng rồi bệnh ung thư quái ác cướp mẹ đi. Hôm bức ảnh của mẹ được đưa lên bàn thờ để bên cạnh ảnh của bố, bất ngờ bố về. Cả nhà khóc òa. Bức ảnh của bố được lấy xuống. Trên bàn thờ mẹ lại tiếp tục một mình.

Nghe xong câu chuyện Chị Ba đọc, Cụ Chánh chủ nhà lên tiếng : Nhân chuyện bà mẹ chết, lão cũng vừa đọc được một bài viết tựa là ‘ Chuyện Ông Tư chết mà vui’. Lão thấy hay và muốn bắt chước . Chuyện như sau :

… Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn 6 tháng. Ông bình tĩnh chờ cái chết và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Nếu có ai ái ngại cho ông thì ông cười vui mà an ủi họ, chứ không phải họ an ủi ông, rằng :

-Nếu tin theo đạo Chúa thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết?

-Nếu theo đạo Phật, thì khi chết cũng về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao lại bi ai?

-Và nếu nói theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì cái xác thân ở trần gian có thể ví như bộ quần áo ta mang. Khi nó đã sờn cũ xấu xí, rách rưới mục nát rồi thì nên bỏ đi, mang bộ quần áo khác, đại ý nói đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn..

Bởi vậy ông Tư bình tĩnh đón chờ cái chết cận kề.

Mỗi sáng thức dậy, ông ca hát nhạc vui, nói chuyện khôi hài cùng vợ con. Ông cố làm đẹp lòng mọi người, vì ông nghĩ rằng, sau khi ông nằm xuống, dù có muốn tử tế với người thân thương cũng không còn làm được nữa…

Có người nói cho ông nghe về kinh nghiệm của những kẻ đã chết thật rồi mà sống lại được nhờ sự mầu nhiệm nào đó. Rằng khi chết thì thấy mình đi vào một vùng ánh sáng lạ, rất hân hoan sung sướng…

Con người nào rồi cũng trở thành cát bụi. Đó là luật Vô Thường, không ai thoát khỏi. Kính chúc các cụ có được cái tâm như ông Tư, như Cụ Chánh.