main billboard

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui ... Chuyện đời như nước chảy hoa trôi ... Lợi danh như bóng mây qua cửa ... Chỉ có tình thương để lại đời…


canada in sochiCanada là đất thể thao, mùa hè có môn mùa hè, mùa đông có môn mùa đông. Quanh năm mở đài TV ta đều thấy các trận đấu cũng như các trận biểu diễn thể thao. Kỳ Thế Vận Hội muà đông vừa qua ở Sochi, phái đoàn Canada đông tới 200 người. Ngày chung kết có trận thi môn ‘ khúc côn cầu’ hockey giữa hai đội nữ Canada và Hoa Kỳ. Trận đấu lịch sử này đã làm sôi động cả nước. Cụ Tổng thống Obama của Hoa Kỳ và Cụ Harper thủ tướng Canada đã đánh cuộc rằng đội nước mình sẽ thắng. Cuối cùng đội Canada thắng và Cụ Obama đã phải dâng một thùng bia cho Cụ Harper . Phe liền ông các nhà quân tử trong làng tôi đứng xem trận đấu mà ai cũng hồi hộp hết sức. Chỉ còn 5 phút nữa là mãn cuộc, đội nữ Hoa Kỳ đã cầm chắc chiến thắng trong tay với tỷ số 2-0, nào ngờ đội Canada đã vùng lên vào phút chót và đánh bại Hoa Kỳ 3-2 ! Qúy cụ đã thấy các nữ cầu thủ Canada ngon lành chưa. Tiếng còi chấm dứt trận đấu vừa thổi, dân Canada ai cũng hò reo , tiếng reo ầm lên từ miền Vancouver bên Thái Bình Dương sang tới tận Halifax miền đông bên bờ Đại Tây Dương. Trận đấu này gay cấn qúa. Trong các quán rượu có TV màn hình lớn thì đều đầy nghẹt các vị cổ cồn cà vạt, đây là những công tư chức các sở lớn, họ đã công khai bỏ nhiệm sở ra quán ngồi coi cho đã mắt. Các nghị viên thành phố đang họp cũng phải ngưng lại để các nghị viên được theo dõi những giây phút lịch sử này.

Ông Từ Hoè hội viên viễn cư đã về làng ăn tết từ ngày tiễn ông táo về trời. Mọi khi ăn tết xong tới ngày hạ cây nêu thì ông về lại miền tây với gia đình chú em. Năm nay vì có Thế Vận Hội Sochi bên Nga trùng vào dịp này nên ông đã ở nán lại thêm ít ngày để coi chung các trận đấu với chúng tôi. Ông bảo xem thể thao cũng như xem kịch cần phải có bạn. Xưa nay phe các nhà quân tử chúng tôi xem các trận đá banh đều la hét đến sụp nhà, năm nay thêm cụ Từ Hoè nên không khí ồn ào vang ầm một cõi. May mà các nhà quân tử đều kéo ra quán cà phê Starbucks ở ngã tư để coi màn hình lớn cho đã mắt. Các môn thể thao mùa đông là các môn sở trường của phe da trắng xứ lạnh, họ hiểu luật hiểu cách chơi hơn phe Mít chúng tôi nên họ la hét còn dữ hơn nữa. Lúc đội nữ Canada vừa ghi bàn thắng vào giây phút cuối, phe da trắng vừa hò hét vừa đập bàn đập ghế, rung chuyển cả cửa sổ lẫn cửa ra vào. Nếu ai hỏi tôi người đàn ông khi cực sướng thì mặt mũi ra sao thì tôi xin thưa chính là lúc này, ở đây, chứ không phải ở trên giường.

Tối hôm bế mạc Thế Vận Hội Sochi, làng tôi họp nhau ăn cơm. Suốt bữa toàn bình luận chuyện Thế Vận Hội. Cụ Từ Hoè và Cụ ODP hứng khởi quá, có lúc phát ra cả tiếng Đức, may mà các cụ kịp thời xin lỗi và rút lại. Đêm đó, làng tôi ai cũng ngủ ngon hết sức. Phe các bà đang lần lần mê thể thao, các cụ ạ. Môn khiêu vũ trên băng, môn trượt băng sườn núi đang đi vào lòng các bà. Anh John bảo tôi : Phe liền ông chúng ta đang mang hạnh phúc đến cho họ.

Cụ Chánh thủ lãnh của làng xin ông Từ Hoè tóm tắt về Thế vận Hội. Ông Từ Hoè cho đây là một danh dự đặc biệt nên ông vui vẻ nói ngay:

Đây là một biến cố thể thao quốc tế, đầy mầu sắc huy hoàng, đầy tình thân ái và đoàn kết nhưng quá tốn kém. Nga đã chi ra hơn 50 tỷ đô la. Ông Tổng thống Putin rất thành công trong tài lãnh đạo đất nước rộng lớn này. Ông đang cố chứng minh rằng Nga là một cường quốc vô địch, không phải chỉ về quân sự, mà còn về kinh tế, về thể thao. Trong buổi lễ khai mạc cũng như lễ bế mạc, ông đã cho trình diễn những nét văn hóa và lịch sử to lớn của Nga. Phái đoàn thể thao 2.800 người của 88 quốc gia tham dự đều vui vẻ gặp nhau, tranh tài với nhau. Tôi nghĩ 3 khẩu hiệu của Thế Vận Hội thì Sochi đã đạt được : ‘Nhanh hơn, Xa hơn, Cao hơn’. Cái nét đẹp nhất là trong lễ bế mạc, tất cả các tham dự viên đã cùng nắm tay nhau chạy vào vận động trường một lúc chứ không đi theo từng nước như lễ khai mạc. Trong 16 ngày tranh tài, mối quan tâm đặc biệt của mọi người là vấn đề an ninh. Tổ chức khủng bố vùng Caucasus đã de dọa phá hoại, thế mà mạng lưới an ninh của Nga đã khống chế được bọn này.

Về thành tích của đoàn Canada thì thật đáng ca ngợi. Canada dân số chỉ có 34 triệu mà trong bảng xếp hạng, Canada đã đứng thứ ba, chỉ sau Nga và Na Uy xét về huy chương vàng, và xếp hạng thứ tư xét về tổng số huy chương : Nga, Mỹ, Na Uy, Canada…

Nhân bàn đến thể thao, ông ODP có đem 1 thắc mắc sau đây để hỏi cả làng. Làng tôi tiếng là ngon lành lắm mà cũng không giải được, vậy xin trình các cụ khắp nơi. Xin các cụ góp ý. Đó là tiếng liên hệ tới thể thao : ATHLETE . Trong tự điển cũng như báo chí VN đều dịch athlete là lực sĩ, hay là vận động viên. Tôi thấy không ổn. Xưa nay khi nói tới lực sĩ thì ta tưởng tượng ra một người lực lưỡng, bắp thịt cuồn cuộn, Còn trong thế vận hội, những người thi các môn khiêu vũ, trượt băng, chơi hockey, chạy thi… đâu có hình dáng của một lực sĩ bắp thịt cuồn cuộn. Rồi tiếng Vận đông viên nghe cũng không ổn chút nào. Xưa nay ta hiểu ‘vận động viên’ là những người chạy hành lang vòng ngoài để lo cho một người khác. Một ông bạn tôi bảo rằng người Tàu gọi athlete là vận động viên, nên ta bắt chước Tàu mà nói như vậy. Lại càng không ổn nữa! Tàu hiểu theo lối Tàu, mặc xác nó !VN mình phải hiểu theo lối Việt chứ.

Vậy theo các cụ thì những người thi đấu trong các môn thể thao thì có tên là gì cơ? Athlete phải dịch ra sao cơ ? Tôi không thích chữ ‘lực sĩ’ hay ‘vận động viên’!

Xin được ngưng chuyện Thế Vận để nói sang chuyện nước láng riềng của Nga và Cụ Putin. Đó là nước Ukraine. Nước này ngày xưa bị Nga đô hộ, gần đây mới được độc lập. Nhưng độc lập trong vòng tay của Nga. Ông tổng thống dân bầu hẳn hoi nhưng lại theo Nga vì tham tiền. Dân chúng Ukraine muốn nước mình đi theo khối Âu Châu nhưng ông tổng thống Viktor Yanukovych bị Nga mua chuộc đã không theo ý dân. Nga hứa cho 15 tỷ đô la để vực nên kinh tế dậy, nhưng Nga cấm Ukraine theo Âu Châu. Sóng gió đã nổi lên, dân chúng đã đứng dậy. Tổng thống Yanukovych đã sang chầu Nga hoàng . Trong lúc Vua Putin bận rộn với Thế Vận Hội Sochi thì Chính quyền Ukraine đã dùng công an đàn áp dân chúng. Súng đã nổ. Nhiều người dân đã ngã xuống. Quân đội đứng vòng ngoài không can thiệp. Dân thủ đô Kiev đã tổ chức tang lễ cho những người đã nằm xuống. May thay, công an Ukraine đã nhìn ra lỗi lầm. Ngày 24 tháng Hai vừa qua, họ đã qùy xuống xin lỗi nhân dân. Hình ảnh đoàn công an qùy xuống đường và cúi đầu nhận tội đã được chuyển đi khắp thế giới. Các cụ có thấy những tấm hình lịch sử này không? Ngoài tnhững tấm ảnh đoàn công an qùy xuống xám hối, tôi còn được xem những clip chụp hình dân chúng Ukraine đập phá các tượng Lenin. Báo chí cho biết họ đã kéo đỗ và đập 100 tượng. Nghe nói ông Yanukovych đã chạy trốn sang Nga. Và Nga đã mang quân chuẩn bị đưa vua Lê Chiêu Thống Yanukovych về nước.

Anh H.O. trong làng tôi nghe tới tên Yanukovych thì cười hề hề : Đúng là cái tên tiền định. Rõ ràng cái tên ông ta có chữ ‘gia nô’ đứng đầu !Tôi thấy đất nước Ukraine sao mà giống Việt Nam ta qúa. Bọn cường hào ác bá do Yanukovych cầm đấu đã làm cho đất nước tan hoang và nghèo đi. Hy vọng lần này dân chúng sẽ chỗi dậy trong vinh quang. Nói chuyện người rồi nghĩ đến chuyện mình. Xin tổ tiên phù hộ để bọn VC ở quê nhà mở mắt và nhìn thấy tấm gương Ukraine . Xin tạm ngưng chuyện dài Ukraine.

Cũng tuần trước tôi được người bạn thân chuyển cho coi một đoạn video về một dàn nhạc lớn ở Ukraine hòa tấu bài quốc ca VNCH do nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết hoà âm. Tôi xem đi xem lại đoạn băng này. Dân làng An Lạc của tôi khi nghe và xem băng nhạc hoà tấu này ai cũng xúc động. Dàn nhạc Ukraine hòa tấu, dân làng tôi đã hát theo, Này công dân ơi quốc gia đến ngày gỉải phóng... Hình như mắt ai cũng đỏ hoe.

Tôi mải kể chuyện Thế Vận Hội và nước Ukraine mà quên chưa khoe các cụ bữa ăn mà ông Từ Hoè nấu trước khi về lại miền Tây. Sau tết, cả làng tôi đêu ngấy thịt, thịt bò thịt heo thịt ngựa đều sợ hết. Bây giờ dân làng mê đồ biển. Ông Từ Hoè đã thay món ăn cho chúng tôi. Hôm qua ông nấu món cá sauce chua ngọt. Ông này tay có thần. Ông tự đi chợ, không cho một ai đi theo. Ông mua một lúc 3 con ‘cá tilapia’. Cá này bán rất nhiều ở chợ VN. Tên tiếng Việt là ‘ cá rô Phi’. Không biết Phi ở đây có phải là Phi Luật Tân hay không? Chỉ biết rằng cá này rất phổ biến. Thịt cá thơm và ngon. Ông đem về rửa với nước gừng, rồi ướp với muối với tiêu, và để ráo. Ông chuẩn bị nấu sauce với ớt chuông và trái dứa bỏ lõi thái hạt lựu, cần tây , hành lá và thì là xắt khúc. Tất cả trộn với giấm, đường, ketchup, ớt và nước mắm. Dân làng ngồi vào bàn rồi ông mới bắt đầu nấu. Ông bảo đồ biển mà, rẹt một cái là chín. Cá phải ăn nóng. Ông nấu hai chảo một lúc. Một chảo ông chiên cá, một chảo ông làm sauce chua ngọt. Con cá chín, thơm và vàng ngậy. Ông bỏ cá vào đĩa, ba đĩa lận. Chảo sauce cũng vừa xong, ông đổ hỗn hợp sauce này lên con cá. Tất cả bốc khói xèo xèo, thơm điếc mũi. Mời dân làng cầm đũa. Cá nóng chua ngọt này ăn với cơm trắng Nàng Hương, ngon quên chết, các cụ ạ. Đó là món chính. Sang phần tráng miệng, ông không cho ăn bánh ngọt mà cho ăn trái cây chấm với sauce chocolate. Cụ dùng xiên nha. Cụ xiên miếng dứa, miếng chuối hay trái dâu rồi cụ chấm vào đĩa chocolate lỏng. Đĩa này ông làm cũng công phu lắm. Ông dùng thỏi chocolate có 35% cocoa, thêm sữa, thêm Kalua, thêm crème de menthe, thêm chút đường, thêm chút corn syrup. Để lửa liu riu chừng 5 phút, thấy sôi là được. Cụ xơi trái cây chấm chocolate xong, xin mời cụ nhâm nhi một tách trà nóng. Thật là một bữa ăn ngon khoái khẩu, phải không cơ ?

Sau bữa ăn, Cụ B.95 đòi nghe tin thời sự. Anh John phụ trách phần này. Anh nói ngay :

Tin thứ nhất là tin về những thành công to lớn của Canada trong kỳ Thế Vận mùa đông Sochi. Cụ xem TV thi chắc cụ đã biết rồì.

Tin thứ hai là tin Canada được Tổ Chức Phát Triển Quốc Tế, OECD, xếp hạng nhất sau khi xét trình độ học thức của người dân trong 168 nước trên thế giới. 5 nước được xếp hạng đứng đầu là : Canada ( 50% dân số có bằng đại học, Do Thái (45%) , Nhật Bản (44% ), Hoa Kỳ (41%), Tân Tây Lan (40%). Đó là về trình độ học thức cao. Còn xét theo phẩm chất đời sống vùng Bắc Mỹ ( 2014 Quality of Living), cơ quan quốc tế Mercer đã xét 460 thành phố và đã công bố 5 thành phố tốt nhất : 4 thành phố ở Canada : Vancouver, Ottawa, Toronto và Montréal, và 1 thành phố ở Hoa Kỳ : San Francisco.

Đây là tin vui thứ 3 : Giáo Hội Công Giáo Canada vừa có thêm một vị Hồng Y. Đó là Đức Tổng Giám mục Gérald C. Lacroix ở miền Québec. Như vậy, Canada hiện có 4 Hồng Y.

Tin thứ 4 là tin di dân. Hiện nay Canada là nơi mơ ước của nhiều dân trên thế giới. Đứng đầu là dân Phi Luật Tân, rồi Ấn Độ, rồi Trung Quốc. Những đại gia Trung Quốc đều muốn đem tài sản sang Canada và chọn sống ở miền Vancouver. Theo cục di dân thì hiện nay có hơn 57 ngàn đơn xin di cư sang Canada của các triệu phú Tàu còn ứ đọng ở toà Tỗng Lãnh Sự Hong Kong. Sau Phi Luật Tân, Ấn Dộ và Trung Hoa là dân Hoa Kỳ và dân Anh. Theo thống kê thì chỉ riêng năm 2010 đã có hơn 10 ngàn người Mỹ và người Anh xin sang Canada. Lý do chính : Canada là đất thanh bình, người già không phải lo về bảo hiểm y tế.

Nghe đến đây thì Ông ODP xin góp thêm ý : Theo nhiều nguồn tin thì các đại gia ở VN cũng đang tìm cách mang tài sản sang Canada. Bước đầu là gửi con sang đây du học, rồi kết hôn, rồi bảo lãnh. Tuần qua tôi đi xe điện ngầm, không ngờ ngồi bên 2 cô gái VN rất đẹp. Tôi nghe hai cô nói chuyện mà giật mình. Hầu như câu nào cũng có chữ ĐM. Hai cô này không nói chữ ‘không’ mà toàn nói chữ ‘đéo’ ! Cái gì cũng đéo. Nói tỉnh bơ, coi chữ tục này là ngôn ngữ bình thường. Bây giờ du học sinh từ VN sang đây du học đông lắm. Có người hỏi tôi làm sao nhận ra các du học sinh và các thân nhân của họ, tôi bảo việc này dễ lắm. Cứ nghe họ nói chuyện là biết liền. Đa phần họ nói rất tục. Họ thường không biết nói hai tiếng cám ơn và xin lỗi…

Tin thời sự thứ 5 là thành phố Toronto của làng An lạc chúng ta đang mừng lễ sinh nhật 180. Toronto ngày xưa mang tên là York, và thời lập quốc đã là thủ đô của Province of Canada (1849-1852), tiền thân của quốc gia Canada. Thủ đô này đã từng bị quân đội Hoa Kỳ lên đốt phá trong cuộc chiến 1812. Nhât báo Toronto Star số ra ngày 1.3.2014 đã dành hẳn 16 trang báo lớn vinh danh 180 danh nhân Canada đã đóng góp xây dựng thành phố Toronto thân yêu này. Đứng đầu danh sách là Đức Giám Mục John Strachan (1778-1867) của Giáo Hội Anglican. Ngài được nổi tiếng về lòng yêu người Da Đỏ và chống việc Hoa Ky lăm le xâm lăng Canada. Người Việt hiện sống ở Canada vào khoảng 200.000 người, riêngToronto có tới 80.000 nguòi, tức là thành phố đông người Việt nhất Canada. Sau Toronto là thành phố Montreal phiá bên đông và thành phố Vancouver phiá bên tây.

Anh John vừa tuyên bố xin hết phần tin thời sự thì anh H.O. lên tiếng ngay. Anh bảo anh John đã quên phần bình luận về danh xưng Toronto. Theo lập trường của Cụ Trà Lũ thì người Da Đỏ ở Canada có gốc Việt Nam. Người Da Đỏ chính là con cái Mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo mẹ lên núi, rồi lên đến cực bắc, rồi theo eo biển Bering mà tiến xuống Canada. Người Da Đỏ ngày xưa nói tiếng Việt-cổ. Danh xưng Canada là do cái tai nghễnh ngãng của nhà thám hiểm da trắng tiên phong tới đây vào năm 1535, ông tây Jacque Cartier này nghe người Da Đỏ nói ‘Kanata’, ông ghi vào sổ là Canada. Người Da Đỏ vừa chỉ mấy cái lều của họ vừa nói Kanata. Kanata rõ ràng là tiếng Việt- cổ chỉ ‘cái nhà ta’ . Rồi danh xưng Toronto, cũng là tiếng Da Đỏ, nghĩa là ‘nơi hội tụ’, rõ ràng bởi tiếng ‘Tổ Rồng To’ mà ra. Vì là Tổ Rồng nên con cháu Rồng Tiên VN mới tụ họp về đây sinh sống đông là thế.

Anh H.O. ăn phải bùa mê của Trà Lũ nên còn nói dài lắm. Xin gác chuyện này lại ở đây, vì Cụ B.95 vừa giơ tay xin nói. Cụ bảo hình như lần trước các bác còn nói chưa hết chuyện năm ngựa nói chuyện ngựa. Cụ Chánh tiên chỉ cũng giơ tay xin nói. Cụ bảo dân làng nói chuyện ngựa đã đủ rồi, bây giờ để thay đổi không khí, để chuẩn bị đón chào mùa xuân đang tới, xin dân làng nói chuyện văn chương.

Chị Ba xin nói chuyện văn chương ngay. Rằng Cụ Chánh vừa xin thôi chuyện ngựa nhưng tôi xin nói một chuyện ngựa cuối cùng vì nó liên hệ tới văn chương. Đó là hai câu thơ trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của dịch giả Đoàn Thị Điểm. Nhiều người bảo bản dịch của Bà Đoàn Thị Điểm văn chương hoa mỹ và hay hơn bản gốc chữ Hán của Đặng Trần Côn. Tôi thích nhất hai câu thơ này. Hãy nghe người chinh phụ tả về chồng của mình :

…Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.

Người chiến sĩ mặc áo giáp đỏ, cỡi con bạch mã xông ra chiến trường, nào có hình ảnh nào đẹp và nên thơ như vậy !

Các cụ có thấy Chị Ba Biên Hòa nhận xét đúng không cơ? Tôi cho là rất đúng và phục tài quan sát của Chị Ba qúa. Câu thơ quả là hay. Kỵ binh măc giáp đỏ, cỡi ngưa lông trắng chạy như bay ra chiến trường. Ra chiến trường để đánh giặc nào ? Thưa, thuở ấy dứt khoát là giặc Tàu rồi. Ngày xưa ta chỉ có giặc phương bắc này mà thôi.

Đọc hai câu thơ rồi bình luận đôi chút về con ngựa trắng của người chiến sĩ xong thì Chị Ba Biên Hòa quay sang ông Từ Hoè, hỏi ông về văn chương. Rằng trong cổ văn, ông thích bài nào nhất? Ông Từ Hoè nãy giờ ngồi gật gù tán thưởng cái nhận xét đầy thẩm mỹ của Chị Ba, bây giờ được Chị Ba hỏi liển đáp ngay :

- Trong văn chương, tôi thích nhiều thứ lắm. Về mặt cổ văn tôi thích nhất bài Bình Ngô Đại Cáo của Cụ Nguyễn Trãi. Bài này hay cả ý cả lời. Đọc xong ta thấy hãnh diện về tổ tiên oai hùng của mình. Đại thần Nguyễn Trãi, cũng là một đại văn hào của dân tộc đã viết thay lời Vua Lê Thái Tổ Lê Lợi bố cáo với quốa dân về việc đã dẹp tan quân Minh xâm lăng. Văn bằng chữ Hán nhưng qua lời dịch xuất thần của hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, ta cảm thấy được cái hùng hồn, sắc bén, và bất khuất của dân tộc ta. Bài này dài lắm, xin trích mấy câu nói về sự đại thắng của quân ta và nói về lòng đại nhân từ của vua Lê :

…Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội,

Thế lòng Trời bất sát, ta cũng mở đườnhg hiếu sinh.

Mã Kỷ Phương Chính, cấp cho 500 chiếc thuyền,

ra đến bể chưa thôi trống ngực…

Vương Thông Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi…

Lão không thuộc cả bài, xin hẹn một ngày đẹp trời nào đó sẽ đem ra ngâm nga toàn bài để cả làng thưởng thức.

Rồi ông Từ Hoè quay vào ông ODP : Bàn về văn chương thì không ai dám qua mặt tiền bối. Xin tiền bối cho các đàn em biết tiền bối thích bài văn nào nhất của người xưa. Ông ODP nãy giờ ngồi yên nghe bàn chuyện văn chương chắc cũng đã hứng khởi nên ông phát biểu ngay :

- Lão già này bây giờ quên nhiều thứ lắm rồi, bị bác hỏi bất chợt, lão xin nói cái gì mà hiện còn nhớ nha. Bài mà ngày xưa lão đã thích và bây giờ vẫn còn thích vì thấy rằng nó qúa hay. Đó là bài ca dao Nụ Tầm Xuân, lời như thế này :
Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em lấy chồng anh tiếc lắm thay…

……..

Tiếc gì một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu !

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra…

Bất cứ ai đọc xong 10 câu thơ này thì đều hiểu ngay rằng đây là lời của 2 kẻ yêu nhau mà không lấy được nhau. 4 câu đầu là lời chàng trai tiếc đã không lấy đựọc cô gái. 6 câu sau là tâm sự của cô gái, cô trách sao anh đã không hỏi cưới em ngay lúc đó, bây giờ em trót lấy chồng mất rồi, mọi sự đã lỡ.

Về mặt văn học sử thì có người bảo đây là bài thơ nói về hiền tài Đào Duy Từ. Ông Từ sinh ra ở ngoài Bắc, vì là ‘con nhà xướng ca vô loài’ nên không được đi thi, nên không có cơ hội tiến lên giúp nước, giúp Chúa Trịnh. Ông Từ đã bỏ Chúa Trịnh mà vào trong Nam giúp Chúa Nguyễn. Ông đã được Chúa Nguyễn tiếp rước và coi ông như một khai quốc công thần. Đọc bài thơ, 4 câu đầu là lời Chúa Trịnh, coi như muốn chiêu hồi Đào Duy Từ. 6 câu sau là lời Đào Duy Từ thông cảm với Chúa Trịnh, nhưng vẫn giữ một lòng trung với Chúa Nguyễn, vì cá đã cắn câu, chim đã vào lồng.

Ta thấy cả nghĩa đen cả nghĩa bóng đều hay thấm thía. Mọi sự đã lỡ, đã trễ.

Cái hay đặc biệt nổi bật của 10 câu thơ này là toàn bài đều thuần nôm thuần Việt, rất đơn sơ, rất chân thành, trừ chữ Tầm Xuân đầu bài. Nhưng hai chữ này cũng có cái hay của nó. Tầm là tìm. Xuân là mùa xuân.Ai đi tìm ai ? Ai là mùa xuân của ai?

Các cụ phương xa đã thấy ông thần văn chương của làng tôi cao ngất chưa?

Cuối tiệc, mọi người quay vào Cụ Chánh tiên chỉ. Cụ biết mình thế nào cũng phải nói lời kết nên phát biểu ngay :

- Tuần qua lão đọc báo thấy có câu chuyện về đề tài ‘đổ rác’ hay quá. Rằng có một người đi taxi. Xe vừa chạy đến ngã tư thì gặp xe khác vượt đèn đỏ xém đụng vào taxi. Ông lái xe này lỗi hoàn toàn nhưng ông không cho mình là có lỗi. Ông quay sang chửi anh tài xế taxi, chửi rất dữ và rất tục. Anh tài xế chỉ cười rồi vẫy vẫy tay . Xe chạy được một quãng rồi người khách mới hỏi ông tài xế taxi : Sao anh hiền qúa vậy? Nó lỗi hoàn toàn và hỗn láo, mà anh không thèm đáp một câu, là sao? Ông tài xế taxi đã trọng tuổi, quay sang nhìn ông khách rồi thủng thẳng đáp :

- Cái anh đó đang đi đổ rác đấy mà. Chắc ở nhà anh ta vừa cãi nhau với vợ, ở sở chắc vừa cãi nhau với chủ hay với bạn cùng làm, chắc anh ta vừa dánh bạc thua… anh ta như xe đổ rác. Anh chạy vòng quanh mang theo đầy rác, tức là đầy bực dọc, đầy nóng giận, anh ta đang chở rác đì đổ. Anh ta đổ rác vào mình, mình mỉm cười, vẫy chào, không nhận rác, là xong. Mình mà đáp trả là mình lấy rác của người đó rồi mang về nhà… Hãy mỉm cười với người đổ rác. Ta không mang rác và không xả rác cho người khác.

Cả làng vỗ tay khen ý hay. Cụ Chánh nói tiếp :

- Nhân nói tới mỉm cười, lão cũng vừa nhớ tới mấy câu thơ thật hay của Thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương. Bài thơ dài lắm, lão thích mấy câu này :

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây qua cửa

Chỉ có tình thương để lại đời…

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười

Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi

Cho hương thêm ngát, đời thêm vị

Cho đẹp lòng tất cả mọi người…

Nghe đến đây thì bà cụ B.95 và Chị Ba Biên Hòa chắp tay lại rồi vái cụ Chánh một cái thật sâu, rồi thưa : Mô Phật. Amen.