Xin giới thiệu bài viết nhà văn, cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG/VNCH Ngô Viết Trọng.
Trong những năm gần đây cái tên Ngô viết Trọng đã trở nên quen thuộc trong giới văn học Hải Ngoại. Chỉ trong vòng trên dưới mười năm ông đã cho ra đời 11 tác phẩm. Đây là một kết quả tuyệt vời, hiếm có một tác giả nào đạt nổi, kể cả những nhà văn chuyên nghiệp trong nước.
Ngô Viết Trọng đã vươn lên từ tăm tối bằng sự cần mẫn và lòng đam mê của chính mình. Vì thế tên ông được người ta biết đến bởi tài năng đích thực mà không cần kinh qua quảng cáo tự đánh bóng mình như một số cây viết đương thời
Công bằng mà nói, cái tên Ngô Viết Trọng thực sự chỉ gắn liền với những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử. Giống như khi nghe I Will Always Love You, người ta nghĩ ngay đến giọng ca của nữ danh ca da mầu Whitney Houston, thì đọc những: Lý Trần Tình Hận, Công Nữ Ngọc Vạn, Dương Vân Nga, Trần Khắc Chung, Chế Bồng Nga v.v, người ta cũng nghĩ ngay đên nhà văn Ngô Viết Trọng, và quả thực ông đã độc tôn trên lãnh vực này suốt nhiều năm.
XƯA VÀ NAY, cuốn sách mới nhất của Ngô Viết Trọng không nằm trong sự trông đợi của độc giả. Khác với Vết Hằn Mùa Xuân, khác với Ngõ Tím khác với Lãng Đãng Hồn Xưa, Thăm Thẳm Trời Xanh, ngoài một truyện ngắn Dải Lụa Bích Liên ra thì rất ít có bóng dáng của những triều đại lịch sử trong tác phẩm này. Người đọc dường như có chút hụt hẫng và như thiêu thiếu một điều gì đó.
Cuốn sách ra đời có thể làm thất vọng một số vị độc giả khó tính. Nhưng đối với người viết thì lại khác, XƯA VÀ NAY chính là những đặc thù của ông, hay nói đúng hơn chính là những mảnh vụn tâm tư, chứa đầy tình người, tình yêu quê hương, mà tác giả đã gom lại thành một chúc thư khiêm tốn, ít nhất là dành cho bằng hữu. Ngay trong lời mở đầu, nơi phần kết, tác giả đã tha thiết bày tỏ một cách thật lòng: “Rất mong tập sách nhỏ này ngoài việc giúp độc giả giải trí, nó có thể gợi được chút ý tưởng hữu ích nào cho những ai nuôi chí cứu nước giúp đời!”
Cuốn sách gồm 2 phần Xưa và Nay. Người viết chỉ muốn đề cập đến phần Nay của Ngô viết Trọng. Chính phần này mới là tấm gương phản chiếu thực sự hình ảnh và giá trị tâm hồn của một người cầm bút. Trải qua gần hai thập niên rời bỏ quê hương, ông đã nghiệm ra được rất nhiều điều trong đời sống như: tình bạn, tình chiến hữu và tình người. Với tình bạn, ông thủy chung với tất cả những khuôn mặt thân quen, ít nhất cũng đã hơn một lần đến với ông trong phạm vi văn nghệ. Ông nhắc đến tên từng người và từng trường hợp quen biết một cách trang trọng. Đặc biệt một người bạn lớn tuổi mà ông coi như một người anh tinh thần đáng kính cho ông ngưỡng mộ:
“...Với tôi, tôi coi cuộc gặp gỡ anh Dương như một sự may mắn kỳ diệu của đời mình. Nếu không gặp gỡ anh Dương, không có sự khuyến khích, cổ động, giúp đỡ tận tình của anh, chưa chắc tôi đã đủ can đảm dấn thân vào việc viết nên những thiên tiểu thuyết lịch sử như quý độc giả đã thấy......” (trang 32)
Người ta thường bảo: “Cái khó nhất của người nghệ sĩ là biết khiêm nhường”, và tác giả đã gần như đạt được cái khó nhất đó. Sự khiêm nhường và thật thà dường như lộ hẳn ra cái bề ngoài của tác giả, người viết cho rằng đó cũng chính là cái nét bẩm sinh đáng quý của nhà văn. Trong Mười Năm Ôn Lại Thuở Đầu Viết Văn, Ngô viết Trọng đã chẳng ngại ngùng thố lộ:
“…Mỗi lần gởi thơ cho báo Mõ, tôi rón rén cầm sẵn bao thư đựng bài thơ viết tay vào văn phòng chờ lúc không có ai bỏ đại xuống bàn rồi rút êm……”
Cái hình ảnh tội nghiệp đó ông viết ra một cách tự nhiên, không nề hà mặc cảm. Người viết biết chắc rằng hình ảnh này rất quen với đa số tác giả, nhưng chỉ một số ít người trong đó có Ngô Viết Trọng là dám tự chụp chân dung tầm thường của mình trưng bày giữa phố đông, dù cái chân dung đó chẳng khoác áo vét-tông, đeo cà-vạt.
Cũng thế, trong Ông Nhà Văn - Thằng Bỏ Báo, Ngô Viết Trọng đã tỉ mỉ mô tả cái nghề mà tác giả đã hành suốt nhiều năm. Cái nghề người đời thường gọi là “Thằng” bỏ báo. Chúng ta hãy nghe ông tâm sự, cái tâm sự cười ra nước mắt của một người lính thất trận, sống trên quê hương không phải của mình, đành thân kiếm sống bằng một nghề, tuy lương thiện, nhưng không xứng với khả năng,
“…..Lại một lần khác, tôi bị đau bụng bất ngờ. Trong khu vực route báo tôi không quen nhà nào nên không biết đi tiêu nhờ ở đâu. Chạy về nhà thì xa quá. Đành phải liều nín nhịn để tiếp tục lo công việc. Nhưng rồi không may tức nước vỡ bờ…..”
Đối với người viết, thì Ông Nhà Văn - Thằng Bỏ Báo là một tự truyện hay nhất của tác giả. Nội dung có đầy những hỷ nộ ái ố của đời ông nói riêng, và của đời thường nói chung.
Bởi ảnh hưởng nhiều nho học dù tuổi của tác giả đã qua cái thế hệ, đọc sách, ê a, thiên là trời, địa là đất. Thế nhưng trong thời gian bị giam cầm trong nhà tù Cộng Sản trong nước, tác giả đã đi ngược thời gian, thay vì học tiếng Anh, tiếng Pháp, thì tác giả lại đi nghiên cứu chữ Hán, nên vô tình tác giả đã ảnh hưởng rất nhiều những tư tưởng người xưa; để có những nụ cười đầy mỉa mai trong hầu hết những tác phẩm của ông:
“…Hồi còn bị tù giam ở trong trại giam Tân Hiệp Biên Hòa, rồi khám đường Bà Rịa, rảnh rỗi quá nên tôi đã bắt đầu tự học tiếng Hán. Ở trong tù gặp nhiều thầy giỏi như các vị tu sĩ Phật Giáo….”(trích trong Nhân Vật Lịch Sử Dương Vân Nga)
Văn phong Ngô Viết Trọng thật giản dị mà chua xót làm sao, khi ông vẽ ra một hình ảnh dở khóc dở cười của chính ông, hay của chúng ta, “của lũ người sinh nhầm thế kỷ” mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã một thời ngửa mặt lên trời ta thán.
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.
Thế nên sự giản dị, thành thật và khiêm nhường qua bút pháp không bay bướm của ông, đã tạo thành những tác phẩm sống thực, dễ làm cho người đọc thẩm thấu được những nhân sinh quan của ông. Bởi vậy khi đọc văn ông người ta mới cảm nhận hết ý nghĩa của câu thơ: “Cười là tiếng khóc khô không lệ”
“…..Tôi đang khốn khổ với cái quần dơ dáy, cố gắng bỏ cho xong những tờ báo cuối cùng thì một khách hàng nữ vừa ra hiên lấy báo vừa gọi vói theo tôi:
-Boy, boy come here…….. “Boy tôi” lúc bấy giờ đang ở hàng ngũ sáu bó, thuộc lớp “boy ông nội rồi” ……”
Hẳn độc giả không khỏi mỉm cười và xót xa khi tưởng tượng đến một ông già 60 tuổi được gọi là boy, dù đó chỉ là một sự ngộ nhận rất bình thường, nhưng qua ngòi bút của tác giả chúng ta thấy được cái nỗi đau âm ỉ của một kiếp người không tổ quốc. Sống ngu ngơ giữa một dân tộc không cùng văn hóa.
Hoặc trong cơn thập tử nhất sinh khi lọt vào tay Công Sản trong Hồi Ức Thoát Chết Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tác giả cũng khá hài hước mỉa mai khi viết về cái đần độn của bọn cán binh CS một cách buồn cười:
“…Tôi đi vệ sinh xong gã bộ đội cho tôi uống một chén nước lá rồi trói lại như cũ. Trước khi đi, gã đứng tuổi dặn tên bộ đội giữ tôi:
-Chú mày đừng có quên bọn sĩ quan ngụy toàn là những bọn võ giỏi tay không đánh chết người đó! nó kêu buồn tiêu buồn tiểu chi mặc nó, nó có ỉa ra đó cũng mặc, nhất định không được mở dây!
Tôi hơi tức cười vì tấm thân gầy guộc ốm yếu của mình cũng làm bọn VC e sợ đến thế…”
Không những tác cảm thấy tức cười mà bạn bè ai đã từng nhìn thấy Ngô Viết Trọng ( dù hiện giờ đã tăng lên dăm bẩy pound), cũng tức cười, khi nghe tên VC cảnh cáo đồng bọn, coi chừng tác giả tay không đánh chết người. Cái khôi hài mỉa mai của các nhà nho ngày xưa đã hoàn toàn ảnh hưởng Ngô Viết Trọng, trong hầu hết những mẩu truyện ngắn của ông là như thế.
Trở lại trong tự truyện Ông Nhà Văn - Thằng Bỏ Báo , ông mô tả cái biên giới giữa Ông và Thằng thật gần gũi. Tác giả dùng chính bản thân mình làm người mẫu, để đời vẽ lên một chân dung tương phản của Ông nhà văn Ngô viết Trọng, và Thằng bỏ báo Trọng Ngô. Tác giả tự nhìn hình ảnh mình cùng bằng hữu nhếch môi cười. Nụ cười của đời thường, xem ra chua xót, nhưng lại là những tiếng thở dài của chính tác giả và những người thấu hiểu ông.
“Tôi vẫn nhớ mãi những hình ảnh trái nghịch ngộ nghĩnh trong những lần ra mắt sách của chính mình. Buổi khuya tôi là một anh bỏ báo lôi thôi lếch thếch, lượm từng cái lon hoặc ngửa tay nhận vài đồng tiền tip, buổi chiều tôi lại thành một nhà văn mặc veston, trịnh trọng đóng vai chính trong một buổi sinh hoạt văn nghệ này! Cũng truyền thông báo chí phỏng vấn, cũng văn nghệ ca nhạc rềnh ràng như ai! Cảnh đó lâu lâu lại tái diễn một lần. Vì vậy các đồng nghiệp của tôi vẫn hay gọi đùa tôi là; “ông nhà văn – thằng bỏ báo”………”(Trang 45)
Như người viết đã từng nói, với cái nhân dáng giản dị gần như quá hiền hậu bên ngoài, Ngô viết Trọng thường bị chìm lỉm trong đám văn nghệ môi son má phấn, khăn đóng áo thụng. Nhưng nếu đi sâu vào những tác phẩm của ông, và gần nhất Xưa Và Nay thì thấy ông đã vượt ra khỏi cái tầm thường bề ngoài của mình bằng cái chân dung thật chững chạc của một kẻ sĩ có nhiệt tâm với cộng đồng và đất nước. Trong đôi mắt tinh tế của một nhà văn đích thực, Ngô viết Trọng đã nhìn ra được những sự phân hóa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nên đành mượn câu chuyện Lạn Tương Như ngày xưa để than thở:
“………..Thế mà không hiểu sao vẫn còn vài thế lực chính trị cùng chiến tuyến quốc gia ở hải ngoại, một mặt hô hào đấu tranh giải phóng dân tộc, một mặt lại cố tình báng bổ bôi bác lẫn nhau để tranh dành ảnh hưởng trong cộng đồng……..”(trang 107)
Trong mẩu chuyện Võ Đài & Văn Đài , nhà văn đã thực sự nhìn thấy rõ những bộ mặt thật của những tổ chức thời cơ, tận dụng lòng yêu nước của đồng bào để kêu gào đóng góp, làm giầu cho cá nhân và gia đình. Với võ đài, theo tác giả, nó còn có một chút ưu điểm; Cái ưu điểm đó là dù có bịp bợm xảo quyệt đến mấy chăng nữa thì muốn nhảy lên võ đài cũng phải biết múa may vài đường quyền mới dám nhảy lên võ đài. Còn văn đài thì khác, không cần một chút tài năng, chỉ cần mặt dầy mặt dạn, khéo qua mặt mọi người bằng thủ đoạn hèn hạ, cũng có thể phóng lên đài khua môi múa mỏ mà không sợ bị thương tích.
“……nhưng còn may, võ đài có một ưu điểm tự nhiên để chính nó tự giới hạn bớt những kẻ muốn lạm dụng nó: đó là thực tài. Dù chính hay tà, thiện hay ác, kẻ muốn thượng đài ít nhất cũng phải có chút thực tài tương đối. Những kẻ bất tài, dù lưu manh láu cá tới mức nào cũng không dám léng phéng dự vào chốn đua tranh ấy….” (trang 116)
Nhưng buồn thay thời nay võ đài không thích hợp nữa. Sự tiến bộ của xã hội phát triển không ngừng, càng ngày nền văn minh của loài người càng đi lên, nên võ đài thực sự chỉ là một trong những trò giải trí. Văn đài đã chính thức lên ngôi và phổ thông trong quần chúng. Chính nơi đây đã là đất tung hoành của một bọn người, theo như Ngô Viết Trọng mô tả:
“ có không biết bao nhiêu kẻ xôi thịt lợi dụng thời cơ nhảy ra xưng tài xưng tướng mưu đồ trục lợi cho riêng mình. Chúng ta vẫn thấy cái cảnh “trung sĩ y tá” ngày nào đột biến thành “trung tá y sĩ” trên quê người hôm nay“
Hoặc là;
“Những người biết suy nghĩ sâu xa rất sợ chuyên ném chuột bị bể đồ, xấu hổ vì chuyện tranh dành nội bộ nên cố tránh, cố nhịn. Trong khi đó những kẻ lộn sòng được đà diều gặp gió, cứ khoe dối, hư trương thế lực để củng cố cái vỏ bọc ngoài, cứ vung vít múa men cho thỏa chí với cái lý lịch mới của mình. Thế là cộng đồng ta cứ nát như tương....”
Cộng đồng của chúng ta quả là một mớ bòng bong, trên văn đài thỏa sức cho bọn bịp bợm đeo mặt nạ hiền nhân diễu võ, và niềm ưu tư của tác giả cứ như thế đã dàn trải trong suốt tập truyện,
Thưa quý độc giả, Xưa và Nay, tập truyện dày 240 trang bìa Ngọc Danh, nội dung gồm 17 đoản thiên, chia làm 2 phần như tựa đề cuốn sách. Mỗi một đoản thiên của tác giả đều hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc, nó không đơn thuần mang tính cách giải trí, mà là một tài liệu để người đọc rút ra được rất nhiều bài học giá trị về cuộc sống và con người. Cuốn sách như một giòng sông, hướng dẫn người đọc phiêu du qua khắp bến bờ, mỗi phong cảnh phù hợp với một cá nhân. Người viết không thể phiêu du trên khắp giải sông dài, chỉ tạm thời ghé một bến nhỏ của phần đầu giòng sông, để giới thiệu quý độc giả. Dẫu biết rằng càng đi xa thì càng có nhiều khám phá mới lạ. Phần cuối của giòng sông hay nói đúng hơn phần Xưa của cuốn sách xin dành cho quý độc giả yêu văn học. @@
Lưu Trần Nguyễn
Quí độc giả muốn mua sách xin liên lạc với tác giả: