main billboard


Đấy chị cứ theo dõi mà nghiệm xem, cái con đầm chuồn này là đứa có nhan sắc lại có của nữa chứ chẳng vừa đâu.

boi-toan

Thế là Tết đã qua rồi, mồng 7 Tết rồi còn gì nữa đâu, mà sao bà Mã không thấy việc gì xảy ra như thầy Năm đã gieo quẻ cho bà hôm trong Tết. Bà Mã cứ trông chờ, ngong ngóng cái hoạnh tài mà thầy Năm chắc chắn với bà là nó sẽ đến trong những ngày Tết. Cái buổi chiều ở nhà thầy Năm, bà Mã ngồi đợi vì thầy đang coi cho một thân chủ nữa ở phòng trong cách nhau bằng tấm vải đỏ phủ dài tận đất, căn phòng bà ngồi đợi toàn những bàn thờ, những ngọn nến leo lét cạnh những cây nhang lập lòe làm những bức tượng Quan Công, mặt đen, mắt lồi trông dữ dằn thêm, bức hình bà chúa mấy chục cánh tay chờn vờn làm bà rờn rợn cả xương sống, một tấm hình bàn tay to tướng đầy những chữ tàu treo một bên vách, trông như bàn tay của đức Phật chuẩn bị chụp đè lên người của Tôn ngộ Không, và cũng như đe dọa cả bà nữa, phía dưới là bàn thờ thần tài ngồi phễn bụng trắng như đang cười với bà, quanh đây cái gì cũng kỳ bí, âm u làm cho bà Mã như bước vào một thế giới cõi âm. Thầy Năm là người mới đến xóm này vài tháng nay, hay ăn nhậu với nhóm công an phường nên thầy làm ăn tại nhà, dù không có bảng hiệu nhưng tin đồn chẳng mấy chốc ai ai cũng biết.

Tiếng thầy Năm nói oang oang ra tận đến bên ngoài
- Đây nhé, chị thấy cái con đầm chuồn này không ? Nó đứng cạnh cái thằng bồi cơ đây này, hai đứa nó quay mặt vào nhau đấy, quẻ ứng thế nào thì tôi nói chị thế đấy, chị về cứ để ý xem chồng chị có thay đổi, đi sớm về trễ không, nó có chải chuốt khác hàng ngày không, còn chị đây này bên cạnh là con ách bích thế này là chuyện buồn nó đến với chị, nó vận vào chị rồi, chị phải cẩn thận.
- Thưa thầy, chồng con nó chạy hàng chợ trời thì có giờ giấc nhất định gì đâu cơ chứ, ăn mặc thì lúc nào nó chẳng ăn mặc đàng hoàng, nó bảo buôn bán mà lùi xùi quá ai mà tin, không lẽ...
- Đấy chị cứ theo dõi mà nghiệm xem, cái con đầm chuồn này là đứa có nhan sắc lại có của nữa chứ chẳng vừa đâu.
- Thưa thầy bây giờ phải làm sao hở thầy ?
- Hay cái chị này, bài hiện ra sao tôi nói thế, chuyện riêng gia đình chị làm sao tôi giải quyết được.
- Con phải đi ngay thôi, giời ơi ! Nợ ơi là nợ, khổ thân tôi thế này.

Bà Mã thấy vụt ra cửa một người đàn bà, tay cầm chiếc nón lá mặt tái xanh, hớt hải chạy nhanh ra khỏi nhà, chẳng nhìn ai. Bà Mã nhận ra là chị Tư rau, chị là người bán rau sống ở chợ.
- Mời bà vào trong này
Bà Mã giật mình đứng dậy, thầy Năm đang vén màn cửa nhìn bà.
- Mời bà ngồi, hôm nay bà muốn xem gì đây , tình duyên gia đạo …
- Duyên gì nữa thầy, nhờ thầy coi giùm tôi một quẻ về gia đạo coi thằng cháu tui ra sao mà không có tin tức gì ráo trọi.

Thế là bà kể lể câu chuyện nào là bà ở một mình trong một cái chái nhà mà bà đã thuê bao năm nay trong khu xóm nghèo nàn chật chội này, ngày trước bà ở với đứa cháu nội của bà, người thân ruột thịt duy nhất trên đời này còn lại với bà, thằng Long mà bà đã nuôi nó từ ngày bố nó đi cải tạo và chết ở trong tù, cái ngày bà được giấy của phường thông báo là con bà đã bệnh chết, bà đã như điên như dại, bà đã bỏ cả buôn bán đến 3 ngày, bà đau buồn quá vì không nhìn được mặt con lần cuối cùng, và điều dằn vặt bà luôn là không đem xác con về trong Nam để gần gũi bà còn nhang khói trong những ngày giỗ chạp chứ giờ đây con bà đã vùi thây nơi tận miền Bắc xa xôi nơi mà bà chưa từng nghe nói đến từ thủa bé đến giờ, đó cũng là ước nguyện của bà khi có tiền sẽ hốt cốt con về chôn cạnh bố nó.

Mọi tình thương giờ đây bà đổ hết vào thằng Long, bà tảo tần hàng ngày với quang gánh trầu cau kiếm cơm đủ 2 bữa qua ngày cho hai bà cháu. Thằng Long rong chơi lêu lổng với các bạn bè cùng xóm, không học hành gì cả, bà Mã không dám la mắng nó chỉ sợ nó bỏ đi bụi đời thì bà lại bơ vơ, thôi thà mặc kệ nó hàng ngày tối về còn thấy mặt cháu cũng như bà thấy được con bà vậy, đó là sự an ủi sau ngày mệt mỏi buôn bán ở chợ. Nhưng rồi những ước muốn của bà nó cũng tan biến, thằng Long đi biệt tích không một lời giã biệt, bà đã nghỉ mất mấy ngày chợ để đi tìm nó, thăm hỏi những đứa trong xóm dần dà bà biết được nó đi "canh me" một chuyến vượt biên và có lẽ thoát rồi vì nó đã đi chung với một vài đứa bạn và gia đình họ đã có tin con đến đảo. Buồn thì buồn đấy nhưng nếu thằng Long vượt biên được thì bà mừng cho nó, dẫu sao nó vẫn có tương lai hơn là ở lại cái đất nước nghèo khó này, ngày càng buôn bán khó khăn, bà cứ phải chạy chỗ luôn vì sợ đóng thuế chợ, lời chẳng có bao nhiêu mà đóng thuế thì có mà đói, chẳng phải riêng bà, những người buôn thúng bán bưng cũng đều chạy mặt những tay thu thuế chợ, nhiều lúc bị bắt giành giựt nhau quang gánh làm đổ tung các hàng ra đường phố và cuối cùng để khỏi mất hàng thì phải đóng tiền phạt tốn hơn cả đóng thuế, nhưng ai trốn được ngày nào cứ việc trốn.

Sau ngày đưa ông Táo về trời, nhìn căn phòng lạnh tanh không có gì trong nhà để biết được là Tết sắp đến, lòng bà Mã thắt lại khi nhớ đến thằng Long không biết giờ này nó như thế nào nên đến đây nhờ thầy Năm xem cho một quẻ ra sao.
- Mời bà đặt lễ Tổ, rồi xóc bài 7 lần và khấn nguyện điều bà muốn xem nhá.
- Bao nhiêu hả thầy ?
- Gia đạo thì 20.

Thầy Năm vừa che miệng ngáp vừa trả lời. Từ sáng đến giờ mới có hai thân chủ, nhìn ra phòng ngoài chẳng thấy có ma nào nữa, lại phải ngồi nghe chuyện khổ của mỗi người thầy thấy nhàm chán lắm rồi, nhưng phải có cái khó, cái khổ người ta mới đến thầy, mới bám víu vào thầy, thầy là niềm hy vọng để đem đến cho họ giải quyết những bế tắc trong cuộc sống. Thầy Năm sau ngày mất nước cũng chỉ là một tư chức, thư ký đánh máy cho một hãng buôn ở Đà Nẵng, không phải đi lính vì thầy có tật ở một bên chân phải đi cà nhắc, bù vào đó thầy nói chuyện rất khéo, nói năng như rót mật vào tai, thầy lại hay đọc sách về bói toán, chính nhờ ở miệng lưỡi thầy và vài kinh nghiệm bói toán cầm tay các cô gái nhẹ dạ nói tâng bốc những tương lai huy hoàng cô nào mà chẳng mê tít. Nhờ thế mà ở Đà Nẵng thầy có đến 3 cô bồ, và cũng chính cái tài năng của thầy đã làm cả 3 cô tin tưởng trao hết cái quý giá của mình cho thầy và cả 3 cô cùng mang bầu, thầy phải bỏ xứ chạy để giữ lấy thân.

Thầy đã về đây trú ngụ, nhờ vào môi miệng mềm dẻo thầy đã làm vừa lòng cô chủ nhà đã chịu nâng khăn sửa túi cho thầy và bọn công an phường khóm không làm khó dễ và thầy đã khuếch trương tài năng của thầy thành một nghề kiếm ăn được mọi người nể sợ. Thầy Năm biết rõ tâm lý của những người bình dân khách hàng của thầy, chỉ cần nói những chuyện chung chung về quá khứ chẳng hạn như bảo rằng tháng vừa rồi bà bị xui xẻo nhưng nhờ có người âm trong gia đình theo phù hộ nên không bị nặng lắm. Ngẫm ra trong xã hội này ngày nào chẳng xẩy ra trăm ngàn cái không tốt đến với người dân nghèo, còn người âm thì ai mà chẳng có thân nhân đã chết. Về tương lai thì cứ dò theo câu chuyện mà nói theo chiều ý của khách, đôi khi mập mờ bí ẩn để còn kéo khách đến những lần tới nữa, nếu khách cứ cố tìm hiểu thầy chỉ cần phang ra một câu là "Thiên cơ bất khả lậu" thế là chả ai dám hỏi thêm nữa mà lại còn vui vẻ móc cạn túi những đồng lẻ còn sót lại để cúng tổ và tạ ơn thầy.
- Thằng cháu bà nó vẫn bình an, nó vẫn nhớ tới bà đấy, đây này con bồi cơ đây nó quay mặt về phía bà đấy, quanh nó có nhiều cô gái theo đuổi đấy, tuổi trẻ mà bà ! làm sao tránh được, nhưng mà con mười chuồn đây nó đi chung với con ách rô mà lại nằm giữa bà và cháu bà thì thế nào bà cũng nhận được một hoạnh tài ở xa đến trong những ngày sắp đến.
- Thưa thầy, thế có kịp tết không ạ ?
- Cũng gần thôi không trước thì sau lo gì.

Bà Mã mơ màng nghĩ đến thằng Long chợt mỉm cười, bà thầm nghĩ cái thằng sao mà tính tình giống bố nó thế, lúc nào cũng gái chung quanh, thế nào bà cũng có đứa cháu gọi bằng cụ cho mà xem. Bà thấy vui khi nghe đến có hoạnh tài, thì thế nào thằng cháu chả nhớ đến bà, cũng đỡ khổ tuổi già. Thầy Năm còn nói thêm về những khó khăn, hoạn nạn bà vẫn phải gánh chịu nhưng hậu vận thì sáng sủa, làm bà thơi thới trong lòng ra về chờ đợi.
Đấy là những ngày trước Tết, bây giờ qua hẳn Tết rồi sao vẫn chẳng thấy tăm hơi gì cả thế này , bà Mã sốt ruột với cái nón lá rách, đút vội miếng trầu vào miệng rồi bước về phía nhà thầy Năm để hỏi thăm xem chừng nào cái hoạnh tài nó tới. Bà nóng lòng ăn ngủ không yên. Từ xa bà đã nhìn thấy đông người nhốn nháo, ồn ào trước cửa nhà thầy Năm, càng đến gần, bà càng nghe rõ tiếng chửi có vần có điệu, giọng quen quen bà Mã vẫn chưa nhận ra ai vì đám con nít vẫn tụm quanh, bà chận hai đứa đi ngược chiều lại hỏi thăm
- Nè, chuyện gì mà lu bu đằng đó vậy mấy đứa bay

Hai đứa tranh nhau nói như là đứa nào cũng chứng kiến câu chuyện giật gân xảy ra ngay từ phút đầu
- Anh Đông chồng chị Tư rau dộng thầy Năm một cú chảy máu mũi
Đứa khác chen vào ngay
- Ảnh chửi thầy Năm phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh móc thêm cú nữa mà thầy Năm né được dọt tuốt vô nhà đóng cửa lại
- Tới phiên chị Tư rau đang chửi lung tung.
- Chỉ bị anh Đông uýnh cho một trận ở nhà tơi bời vì thầy Năm coi bói gì đó mà...
Hai đứa nói xong kéo nhau đi để lại bà Mã một mình đứng thẫn thờ nhìn về phía đám đông trước cửa nhà thầy Năm thở dài.