main billboard

 

Thực vậy, Tự do quí giá nhất cuộc đời mỗi người, mất Tự do chết sướng hơn như đôi chim uyên ương tôi đã nuôi!...


VitTroi
 Có lẽ đã lâu lắm, hồi tôi mới khoảng mười, mười một tuổi, đang sống với gia đình êm ấm trong một làng quê thuộc tổng Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Bắc Việt.

 Bố tôi là một Nhà Nho bất đắc chí, khi ông học xong tứ thư, ngũ kinh, lều chõng đi thi Hương - con đường độc đạo để tiến thân lúc đó - thì vừa đúng lúc người Pháp bãi bỏ khoa thi Hương (khoảng 1911 hay 1912), cũng là các khóa thi chữ Nho ở nước ta thời đó vì có đậu thi Hương mới được phép vào kinh thi Hội và thi Đình.

Cái học đó đã bị bức tử, bị chích thuốc cho trụy thai, như những lời than thở cay đắng của ông Tú Vị Xuyên trong bài “Cái học Nhà Nho”:

      Cái học nhà Nho đã hỏng rồi

      Mười người đi học chín người thôi

      Cô hàng bán sách lim dim ngủ

      Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi...

Những sĩ tử như bố tôi lúc đó có bốn con đường để chọn lựa, làm việc và kiếm ăn. Đó là Nho, Y, Lí, Số.

Nho là làm thầy đồ dạy trẻ ở thôn quê (thành phố học tiếng Pháp). Dạy không (free) chứ không có học phí, tiền bạc gì. Học sinh mỗi năm một vài kì, vào ngày mùa, lễ tết chẳng hạn, có mấy đấu gạo mới, vài nải chuối trong vườn hay con cá đi cất vó được, đánh ở ao lên, đem biếu thầy để gọi là lòng biết ơn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nếu có dịp, tôi sẽ đi sâu vào đời thầy đồ và học sinh thời đó mà chính bố tôi đã làm thầy đồ còn chính tôi đã theo học chữ Nho, ngoài bố tôi còn một thầy đồ khác, ông Tú mền hay thầy đồ Uyển, ở trong làng, tôi cũng đã theo học một thời gian.

Lí là làm thầy địa lí, coi phong thủy nhà cửa, đất cát, nơi an táng người chết cho thân chủ. Trong lãnh vực này, dân gian thường nhắc đến cụ Tả Ao, một thầy địa lí nổi tiếng ở Việt Nam thời xưa. Nhưng không phải thầy địa lí nào cũng có căn bản học hành và có thiên khiếu với nghề như cụ Tả Ao. Có những ông thầy chỉ học lóm được chút ít, kiến thức không bao nhiêu, căn bản Hán tự không có để tra cứu sách vở đa phần là của người Tàu, nhưng lại có tài khoác lác một tấc đến trời, vỗ ngực tự xưng là thầy phong thủy, thầy địa lí có thể kiếm đất cát, hướng nhà, chỗ đặt mồ mả cho thân chủ trở nên giầu sang phú quí, danh vọng huy hoàng.

  Sống vì mồ vì mả, đâu có sống vì cả bát cơm!

  Nhiều người dân nước ta, vốn dân trí thấp, rất dễ bị dối gạt, lại có máu tham sẽ mau làm giầu, con cháu mau hiển đạt làm quan nên mất bộn với những ông thầy này mà tiền mất tật mang.

Chịch chịch thôi lại cheng cheng

Con gà sống thiến để riêng cho thầy

 Đơm xôi thì đơm cho đầy

 Đơm mà vơi đĩa là thầy chẳng ưa! (Ca dao)

 Có hỏi sao mả chưa phát thì được trả lời phải kiên nhẫn, phải chờ đợi, có thể năm, mười, vài chục năm long mạch mới kết được, lúc đó thì cứ ngồi mà hưởng. Có quá nhiều thầy địa lí vô lương tâm như thế, ngay thời nay ở trong Cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ hay Âu châu, nên mới có câu:

Hòn đất nó biết nói năng

Thì thầy địa lí hàm răng chẳng còn.

Số là làm nghề tướng số, tử vi, bốc dịch; đoán tiền vận, hậu vận của một con người xem hung kiết ra sao, tình duyên gia đạo thế nào, biết trước được những tai nạn có thể xẩy ra để phòng ngừa v.v...Nhiều người không tin vào những việc thiện mình làm để hưởng phúc, để yên tâm, nhưng lại tin vào những ông thầy bói chuyên sờ mu rùa, chuyên nhìn cẳng gà, bài tây bài ta, đoán bậy đoán bạ, cốt làm vừa lòng thân chủ đặng thân chủ đặt tiền hay tặng tiền cho mình kha khá trong khi nhiều ông chỉ đoán mò đoán mẫm, nói theo:

Số cô chẳng giầu thì nghèo

 Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông

Số cô có vợ có chồng

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai!(ca dao)

 Trong ba nghề vừa kể trên, chỉ có nghề dạy học là cao quí hơn cả vì giáo hóa, giáo dục bao giờ cũng cần thiết cho con người nhất là giới trẻ. Nghề dạy học, ông thày khi xưa không bao giờ cầm đồng tiền bất chính, không lương thiện nên luôn luôn ông thầy giáo trong xã hội là gương mẫu (role model) cho mọi người nhất là giới thanh thiếu niên.

Bố tôi cũng đã có thời gian dạy trẻ:”chi, hồ, giả, dã”, suốt ngày cùng môn đồ nghiền ngẫm tứ thư là các cuốn Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử và ngũ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu. Ai đã học sách Đại học ắt không thể quên câu đầu của sách ấy, nó là kim chỉ nam cho người quân tử, nó là hướng đi phải đạt cho vua quan, cho các người cai trị:

“Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”

Giải nghĩa sơ lược: “Cái đạo đại học (của người quân tử) là ở chỗ làm sáng thêm mãi ra cái đức sáng, ở chỗ cùng nhân dân thân thiết (như ruột thịt) và chỉ dừng lại ở cái cung cách toàn thiện, hoàn toàn tốt lành mà thôi.”

Bố tôi là người coi thì giờ rất trọng; “thì giờ là vàng bạc” đối với ông nên khi ông vừa học thuốc ông lại cố bỏ giờ ra dạy học cho đám hậu sinh vì ông yêu mến tuổi trẻ cũng có mà vì có nhiều phụ huynh con em trong làng, trong tổng yêu cầu bố tôi bớt thì giờ dạy dỗ con họ cũng có chứ làm thầy đồ thực là không đủ gạo ăn nếu mẹ tôi không có đôi bồ hàng xén đi bán, buôn khắp mọi ngôi chợ trong vùng. Chẳng thế mà Cao Chu thần đã phải than thở, cám cảnh cho cái nghề làm Giáo thụ (thầy đồ) ở Quốc Oai:

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi!”

Dù sao, đã đến lúc bố tôi phải bái biệt cái nghề “gõ đầu trẻ” để đi sang một ngành nghề khác có lẽ cấp thiết với xã hội  lúc đó: nghề Đông Y sĩ còn khá hiếm người học và hành nghề “cứu nhân độ thế”.

 Sau sáu năm tầm sư học đạo, cụ Đông Y sĩ Lê sĩ Mùi nổi tiếng khắp vùng là sư phụ của bố tôi, một vị Hán học và Nho, Y, Lí, Số đều tinh thông, đã đậu Hương thí năm 20 tuổi nhưng không thích đi làm quan chỉ muốn sống nơi điền dã (khi có dịp tôi sẽ viết về cụ để bạn đọc thưởng lãm).  Bố tôi, theo sự chỉ bảo của cụ, đã nhiều phen lên núi tìm, hái dược thảo đem về pha chế phục vụ bệnh nhân, ông đã hoàn mãn nghề thuốc rồi nghe lời thầy dạy, ông hạ sơn, đem sở học xoa dịu nỗi đau thân xác của các bệnh nhân, chỉ dẫn cách sống, cách ăn cách ở, thực hiện hoài bão “Lương y như từ mẫu”, vị thầy thuốc có lương tâm, hiền đức thì không khác người mẹ nhân từ trông sóc đứa con. Từ đó, bệnh nhân mỗi ngày mỗi đông thêm, bố tôi không còn thì giờ để dạy học nữa mà chỉ chuyên chú vào Y dược để giúp đời, giúp người. Lẽ dĩ nhiên, mỗi thang thuốc trao cho bệnh nhân, bố tôi cũng được hưởng một chút thù lao, thù lao ấy cần thiết để nuôi ông thầy sống mà tiếp tục làm việc nhưng tuyệt nhiên bố tôi không “bắt chẹt” bệnh nhân và làm những điều ác đức bao giờ. Ngay chuyện phá thai, nhiều cô con gái nhà lành lầm lỡ trao thân cho những thằng Sở Khanh, vì danh dự gia đình phải trục cái thai ra. Họ đến nói với bố tôi, nếu bố tôi cho một thang thuốc là họ mãn nguyện nhưng không bao giờ bố tôi làm, dù nhiều cha mẹ cô gái đưa tiền nhiều và năn nỉ. Trái lại, bố tôi khuyên họ nên giữ cái bào thai vì nó đã là một con người, giết nó là phạm tội sát nhân, chưa kể đến những điều răn các tôn giáo cấm. Nếu ông nói mãi họ cũng không nghe thì ông bảo họ đi đâu kiếm thầy thì đi chứ nhất định bố tôi không làm điều thất âm đức đó.

Từ thuở hạ sơn, đầu tiên, bố tôi mở một phòng thăm bệnh ở Hải Phòng, lấy tên hiệu là Đông A Y Sinh, nghĩa là phòng chữa bệnh của ông thầy họ Trần (chữ Đông và một bên của chữ A ghép thành chữ Trần). Bệnh nhân của bố tôi không chỉ ở Hải Phòng mà còn lan qua Kiến An, Quảng Yên, Đồ Sơn, cả những người từ Nam Định hay Hà Nội, nghe tiếng bố tôi mát tay, không quản đường xá xa xôi tìm đến nhờ bố tôi chữa bệnh. Tôi nhớ đã có những người phải mướn nhà ở lại Hải Phòng để bố tôi săn sóc, chữa trị cho đến khi khỏi mới về.

Vì nghề nghiệp, bố tôi ở miết Hải Phòng, chỉ về thăm quê và gia đình năm vài kì: mùa hè ông ở một tuần khi chúng tôi được nghỉ hè và cuối năm vào dịp Tết Nguyên Đán, hai tuần. Năm nay ông đánh điện tín về nói mãi 28 Tết ông mới về đến nhà.

Còn mẹ tôi, trước đây cũng ở Hải Phòng với bố nhưng mấy năm sau này, phần vì nhà có mấy mẫu ruộng cho cấy rẽ, mùa màng gặt hái, phần vì bố mẹ tôi có đến 6 cô con gái mà các chị đều lấy chồng ở quê (tôi là con út, bố tôi sinh tôi lúc đã 40 tuổi còn mẹ tôi khoảng 36), xung quanh làng tôi chỉ khoảng 15km trở lại nên các chị muốn mẹ ở nhà quê với con, cháu cho gần gũi và giúp đỡ các chị khi cần có những ý kiến về công ăn việc làm hoặc khi cần phải đối xử với nhà chồng v.v..... Mẹ tôi, vi vậy, chỉ đi thăm bố tôi mỗi vài, ba tháng và ở chơi Hải Phòng năm mười ngày rổi lại trở về quê. Bà cũng có đôi bồ hàng xén đi bán khắp các chợ, chị Qui là người mẹ tôi mướn nuôi trong nhà, gánh đôi bồ này đi chợ mỗi ngày, mẹ tôi chỉ ngồi bán và đi chợ tỉnh mua thêm hàng hóa. Khi nào mẹ tôi ra Hải Phòng với bố tôi thì chị lớn, chị Thuận thế mẹ đi bán.

Bữa đó đã 25 tháng chạp âm lịch, tôi đã được nghỉ học từ ngày 23 tiễn ông Táo về trời.

Làng xóm rộn rịp đón Xuân trong bầu không khí thật vui vì năm nay được mùa. Khỏi phải nói, ai cũng biết, được mùa có nghĩa là mưa thuận gió hòa suốt vụ cấy và vụ gặt, lại không có chuột bọ, sâu rầy phá lúa, nước mưa và nước sông có đủ để cung cấp cho cây lúa phát triển đều hòa, tươi tốt, trổ những bông lúa mập mạp nặng trĩu khiến số thu hoạch dồi dào, như ý.

 Tiếng trẻ nít trửng giỡn ở sân điếm canh. Chúng khoe với nhau sẽ được mặc quần áo mới, một điều rất hãnh diện ở thời đó, được ăn bánh chưng, xôi vò, chè đậu, giò, nem v.v...những món đặc biệt chỉ ngày Tết mới có.

Người lớn gọi nhau ơi ới để đi đánh đụng lợn hoặc trâu, bò. Thường rất ít nhà dám một mình mổ một con lợn vì tốn phí và ăn không hết nên người ta rủ nhau bốn gia đình chia một con gọi là đánh đụng. Nhà nghèo thì hai người chia nhau một đùi. Có khi họ chung góp cám bã, tiền bạc để nuôi con lợn giống chỉ  bằng ba nắm tay từ tháng hai, tháng ba. Sau gần một năm chăm dẵm, rồi vỗ cám những tháng sau cùng, con lợn nay đã to lớn khoảng bảy, tám chục kg, có khi cả tạ, bây giờ mới là lúc những người hùn hạp được hưởng những gì cả bốn gia đình đã mong mỏi từ gần năm nay.

Riêng về trâu bò, chỉ những con bị què hoặc quá già yếu không cày bừa được nữa thì mới dám ngả thịt. Trâu bò khoẻ mạnh đang làm mùa được không có ai điên hạ thịt bao giờ mà nếu có xẩy ra chuyện ấy thì nhiều làng ra lệ là phạt vạ chủ trâu bò vì đã phí phạm “nhân công”. Trâu bò không có để cày bừa thì người phải thay trâu chứ ai vào đó?

Nhạc khúc thớt tấu lên thật vui, rổn rảng khắp xóm, khắp làng. Người ta băm nhân tiết canh để đánh ra những bát tiết canh đỏ tươi, đông cứng vì trời quá lạnh, những miếng gan lợn mầu nâu nhạt nằm rải rác trên mặt bát xen lẫn mấy hột lạc đâm nhỏ và mấy ngọn húng quế, ngò gai. Người ta cũng băm sườn non lẫn với thịt, kho mặn lên với chút đường làm món ăn cho các cụ già và trẻ nít; dân quê cho rằng ăn  thế nó lành.

Khi phải làm dồi, người ta cũng băm thịt lẫn mỡ và các thứ rau thơm trộn chung với huyết, với gia vị rồi nhồi đầy vào những khúc ruột đã ken, rửa thật sạch, bịt hai đầu lại xong đem luộc cho chín. Vì thế, những ngày Tết và giáp Tết, hình như chỉ có cái thớt của mỗi nhà là bận rộn nhất. Nếu thấy thớt kém bận rộn, nằm trơ thổ địa, ấy là năm đó mùa màng thu hoạch không khá, Tết kém vui.

Chú Tứ, chú út, em ruột bố tôi, thấy tôi đi lởn vởn trong sân gạch, bèn gọi tôi bảo:

“Vũ, cháu có muốn đi lưới vịt trời với chú không?”

Nào có việc gì chú Tứ xướng xuất ra mà tôi từ chối bao giờ! Nhưng thiệt tình tôi không biết lưới vịt trời là thế nào. Tôi ngây thơ hỏi chú:

“Dạ, muốn chú. Nhưng lưới vịt trời là làm sao, hả chú Tứ?”

“Cứ theo chú khắc biết. Nhưng nếu buồn ngủ hoặc bệnh cũng phải ráng ngồi không được đòi về đấy nhé!” chú Tứ giao hẹn, “Vũ hứa với chú không?”

“Cháu hứa.” Tôi trả lời một cách quả quyết.

“Vậy bây giờ chú cháu mình phải sửa soạn dụng cụ để tối mai đi.”

 Tôi theo chú xuống cái nhà ngang năm gian. Nhà ngang ở miền quê lúc đó là cái nhà phụ thuộc với nhà chính, thấp và nhỏ hơn nhà chính. Nhà ngang có công dụng nhiều trong việc xay thóc, giã gạo hoặc làm những việc thủ công trong nhà. Căn nhà ngang năm gian của bố mẹ tôi làm toàn bằng gỗ soan đã ngả mầu vàng, bóng và đẹp, mái lợp bổi, khác với ngôi nhà chính làm bằng gỗ lim, mái ngói âm dương đỏ au. Phía đầu nhà, thím Tứ và hai chị gái tôi đang giã gạo. Cái chầy giã gạo, theo nhịp nện bằng chân của ba người đàn bà, lên xuống đều đặn xen lẫn với những tiếng cười dòn dã của thím Tứ và các chị. Đôi khi nhìn những cô thôn nữ giã gạo, tôi chợt có ý nghĩ, có phải nhờ những cối gạo này mà chân các nàng thôn nữ bao giờ cũng săn cứng, rắn chắc hơn đôi chân của các cô gái thị thành? Cũng tương tự, nhờ cái cối xay lúa mà bộ ngực cô nào cũng nở nang, tròn trịa, rắn chắc và đôi tay khoẻ khoắn chứ không yếu xìu như gái thành thị. Quả thực, nhiều cô gái thành thị trông quá ẻo lả, gió thổi đổ bởi phần nhiều các cô không vận động thân mình bao giờ, cũng không có thể dục thể thao như các cô gái thành phố Âu-Mỹ.

Thím Tứ thấy chú Tứ và tôi, buột miệng:

“Hai chú cháu rảnh rỗi quá vậy ta? Lên đây dận giúp một cối gạo đi. Thím cháu tôi dận nhừ cả chân rồi.”

Chú Tứ nhìn vợ và hai đứa cháu gái:

“Chú cháu tôi có công tác đặc biệt. Hừm, mới giã có vài cối đã kêu mỏi chân. Người ta giã liền liền năm, bảy cối thì sao?”

Thím Tứ đâu chịu thua, vẫn vừa giã vừa trả treo:

“Đàn ông khác, đàn bà khác chứ! Thím cháu tôi làm sao bì với chú cháu nhà ông được. Ngày thường không xay, cận Tết xay cả năm, bảy thúng. Giã chết luôn.”

Chú Tứ tiếp:

“Người ta nói sao rồi?

  Ban ngày còn mải đi chơi

           Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay!

Giá rảnh thì chú cháu tôi cũng thương hại mà phụ đấy nhưng chú cháu tôi có việc quan trọng đang phải làm.”

Chị tôi, chị Thuận ngứa miệng cũng chêm vào một câu:

“Việc quan trọng là việc gì, thưa chú?”

“Khắc biết, không cần phải nói bây giờ.”

Nói xong, chú Tứ đi lấy cái thang nhỏ, bắc leo lên “ránh” chỗ gần mái nhà. Chú lục lọi mấy phút xong ném xuống một cuồng lưới gai đã nhuộm đen và mấy cây sào tre luồng (tức tre rừng) cứng, dài, thật thẳng, mỗi cây khoảng 4-5 mét. Chú bảo tôi cùng với chú khiêng những vật dụng này ra sân gạch trước nhà. Hai chú cháu tôi giở dần cả tấm lưới trên sân để xem có chỗ nào thủng thì vá lại.

Chiều hôm sau tức ngày 26 Tết, chú bảo tôi cùng chú ăn cơm tối sơm sớm, xong ngủ một giấc ngắn cho khoẻ để còn thức suốt đêm.

Khoảng 10giờ30, chú đánh thức tôi dậy. Tôi đang say ngủ trong ổ rơm ấm áp, nghe chú động vào vai thì lồm cồm bò dậy, vừa dụi mắt vừa ngáp.

“Đi được không? Hay ở nhà?”

Nghe hai tiếng “ở nhà”, tôi sợ quá, tỉnh ngủ ngay:

“Dạ, cháu đi được. Cháu hết buồn ngủ rồi.”

“Thế thì mặc quần áo lẹ lẹ lên!”

Quần áo tôi đã để kế bên ổ rơm nên quơ tay là xong. Chú Tứ hỏi lại:

“Có rét không?”

Hai hàm răng tôi đánh cầm cập vào nhau như thân hữu giao banh mà tôi vẫn phải trả lời “Không” kẻo chú bắt ở nhà. Khi ra đến sân, tôi hết sức ngạc nhiên thấy thím Tứ cũng cùng đi. Tôi hỏi thím:

“Thím cũng đi bắt vịt trời hả thím Tứ?”

“Suỵt! Không được nói, nói nó nghe nó không vào lưới thì ăn cám. Tuyệt đối im lặng, nghe Vũ!”

Thím Tứ thì thào dặn tôi những lời quan trọng đó với thái độ vừa ân cần vừa khẩn thiết. Lúc đó tôi chỉ biết nghe chứ không thắc mắc rằng vịt trời chúng còn ở đẩu ở đâu chứ có đứng ngay cạnh tôi với thím đâu mà nó nghe để nó không vào lưới; giả sử nó có nghe, làm sao nó hiểu được tiếng người; nhưng thím là người lớn, thím nói là phải đúng!

 Chú Tứ chia cho tôi đeo trên vai một cái lưới nhỏ nhẹ hều; còn chú thím thì mỗi người một đầu khiêng sào, khiêng cọc tre bó chụm vào nhau, ở giữa lủng lẳng cái lưới lớn.

Chúng tôi ra khỏi cổng ngõ lúc 11 giờ, chú thím đi trước, tôi theo sau bén gót như ba bóng ma trong đêm tối vì chúng tôi mặc toàn đồ đen. Hai hàm răng tôi lập cập đánh vào nhau còn mạnh hơn trong sân nhà vì gió heo may luồn xuống cắn vào da thịt như ong chích. Tôi nghiến răng đi theo chú thím, không nói một lời vì lại sợ thím quở. Hôm qua khi nghe chú bảo đi lưới vịt trời, tôi đã cẩn thận hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo:

 “Con chịu không nổi cái lạnh ở giữa đồng không mông quạnh và cái buồn ngủ đâu. Để lớn thêm mấy tuổi nữa đã.”

“Không đâu mẹ. Mẹ cứ cho con đi với chú Tứ một lần. Con chịu lạnh được. Con thức suốt đêm được. Con lớn rồi mà!”

Mẹ tôi cười xòa:

“Ừ, mẹ bảo con không nghe. Con đi một lần rồi con biết.”

Giờ này lẽo đẽo theo sau hai chú thím với hai bàn tay và hai bàn chân tê cóng, cái mũi và hai cái tai cứng ngắc cứng ngơ mà tôi có cảm tưởng chỉ búng nhẹ một cái là nó rời ra tức khắc, có lẽ không biết đau nữa. Trong lỗ tai nghe tiếng ù ù, tôi biết rằng khí lạnh đã rất lạnh có thể đông nước đá, tôi hối hận đã không nghe lời mẹ. Nhưng dù vậy, trí tò mò vẫn mạnh hơn hết thúc đẩy tôi lấy hết nghị lực, cắn răng đi theo chú thím Tứ như một cái bóng.

Để tránh những khu đông nhà chó sủa ầm ĩ, chú Tứ đã chọn đi trên những bờ ruộng chon von bề ngang vừa một bàn chân và chỉ đi một chiều chứ không có chỗ tránh. May ruộng đang khô, có chỗ người ta đang xếp ải giở giang hoặc đang cày vỡ nên đỡ phải lội bùn. Giờ này mà lội bùn thì tôi nghĩ vô phương chịu đựng được.

Tới một cái gò ở giữa đồng, chú Tứ ra lệnh bỏ đồ trên vai xuống nghỉ. Chú kiếm một bụi tre dầy, mặt đất phẳng phiu, trải một cái chiếu manh lên trên đám lá tre khô lồng phồng bảo để lát nữa vào đó ngồi trú gió. Còn chú thím thì bắt đầu tìm chỗ giăng lưới. Tôi đoán chú Tứ đã ra đây ban ngày quan sát, địa thế tỉ mỉ nên chú thuộc lòng đường đi nước bước xung quanh gò mặc dù đêm vẫn tối mịt tối mùng.

Tôi cũng phụ chú thím một tay cho mau xong vì chú nói phải làm cho xong mọi việc càng nhanh càng tốt kẻo chim tới chúng thấy còn lộn xộn, chúng sẽ tránh.

Khoảng hơn nửa giờ sau, chú thím đã giăng lưới xong. Cái tài tình là chú giăng khá cao khi chú không có thang tre cũng như thang giây. Chú dùng một cây tre cao trong bụi làm một bên cọc và bên kia là những cây sào nối lại với nhau buộc bằng lạt hay giây thừng mà chú đã chuẩn bị chu đáo. Lưới giăng ra bề đứng khoảng 6m, chạy dài 15-20m, đặt ở cao độ hơn phân nửa ngọn tre. Cái lưới nhỏ ngắn và thấp hơn cũng được giăng. Chú nói để tôi tập giăng cho quen và có mó tay vào làm lúc được vịt mới thú.

Coi như xong mọi việc vào khoảng nửa đêm. Chú thím Tứ và tôi bây giờ chỉ còn ngồi rình trong bụi, mong cho một đàn vịt trời đi ăn đêm, loạng quạng bay vào lưới và dính chân, dính cẳng không ra được, chờ cho chúng tôi tới bắt.

Chú thím và tôi chung nhau một cái chăn dạ nhà binh,  chúng tôi ngồi trên mảnh chiếu quàng chăn lên đầu và người chỉ để hở cái mặt để ngó ra ngoài mà gió vẫn luồn vào người lạnh buốt. Tuy nhiên, sức chịu lạnh đã tăng sau hơn một giờ đi và làm việc; chúng tôi im lặng ngồi nghe những tiếng mõ thúc canh, những tiếng tù và thỉnh thoảng rúc lên của tuần đinh canh chừng trộm cướp thời gian giáp Tết, những tiếng côn trùng giun dế ếch nhái kêu than ảo não ngay ở thửa ruộng gần bên, thỉnh thoảng những đốm lân tinh loé lên như ngọn lửa từ xa, ở tha ma mộ địa, người ta bảo lửa đó là từ những ngôi mộ mới chôn. Tôi cũng nhát gan thời gian đó nhưng nhờ có chú thím Tứ, tôi yên tâm ngồi chờ, nhất là trước khi đi, thím Tứ đã khuyến khích, bảo tôi là con trai thì phải mạnh bạo mới được, nhút nhát con gái nó cười!

 Mỗi lần có tiếng vạc ăn đêm kêu “quác, quác” lưng chừng trời là tim tôi đập thình thịch mà trong lòng thì mong sao cho có lấy một con vịt trời đâm vào lưới cũng được cho bõ công vất vả lạnh lẽo. Vả lại, cũng giống như đi câu cá, người ta về thì đầy giỏ còn mình giỏ trống không, buồn tủi lắm, xấu hổ lắm, lần sau không muốn đi nữa.

Cũng có lúc cả một đàn chim đêm lướt đi êm như ru, chỉ nghe vài tiếng đập cánh phành phạch và tiếng vài con lạc đàn bay chậm bị bỏ lại phía sau rụt rè gọi đàn bằng những tiếng kêu thật mơ hồ, xa vắng.

Rình mò trong đêm tối hơn một tiếng đồng hồ có nghĩa đã gần hai giờ sáng mà chưa thấy bóng dáng một con vịt trời nào sa lưới, sự hồi hộp của tôi dần dần giảm đi với thời gian “theo cấp số trừ” nhưng cái lạnh càng tăng lên “theo cấp số nhân” đến nỗi tôi quên cả buồn ngủ. Tôi bảo chú thím Tứ, nói nhỏ nhỏ đủ nghe:

“Chú thím Tứ ơi, cháu lạnh quá đi mất!”

Ngồi giữa tôi và thím, chú an ủi:

 “Đêm mai chú sẽ đưa thêm chăn và kiếm cách chắn gió kĩ càng hơn.”

Tôi nghe tiếng “đêm mai” đã thấy sợ:

“Chú ơi, đêm mai lại đi nữa sao? Lạnh chịu sao thấu?”

Chú cười nhỏ nhỏ:

“Có khi đi liền 5 đêm không được con nào đấy. Vũ phải kiên nhẫn. Lưới vịt trời có tiếng là khó mà. Dễ chứ thiên hạ thiếu gì người đổ xô ra đi lưới vì vịt trời bán có giá. Thịt nó thơm, ngon lắm!”

Tôi lè lưỡi nhưng chú thím Tứ không nhìn thấy dù ngồi cạnh nhau:

“Năm đêm liền không được con nào? Thôi cháu chịu thôi. Vịt chẳng vịt thì đừng. À mà chú, có người lại gọi con vịt trời là con le le phải không chú?”

“Ừ có người gọi nó là con le le đấy. Còn nhiều loại chim trời khác như mòng, két v.v... ở mỗi vùng lại gọi một tên, phải là người đi săn nhiều mới phân biệt được.” Rồi chú nói đùa:

“Được, cháu muốn ở nhà ngủ thì cho cháu ở nhà ngủ. Nhưng hễ chú bẫy được vịt, chú không cho ăn đâu. Nướng chả lên, thịt chim sẻ còn thua xa chứ đừng nói là thịt gà!”

“Thịt vịt trời ngon vậy sao chú?”

“Lúc ăn khắc biết!”

 Tôi nhớ chúng tôi thường ăn sẻ cặp chả. Sẻ bắt được hàng đàn, đem cắt tiết, vặt lông, moi ruột, rửa sạch sẽ, bôi trong ngoài chút xíu muối, tiêu, hành giã nhỏ. Xong kẹp vào thanh tre tươi hơ trên than hồng. Khi thịt nóng, vài giọt mỡ xèo xèo nhỏ xuống đám than hồng. Rồi mùi thơm bốc lên, cái mùi chim nướng không lẫn với bất cứ mùi gì khác. Nó thơm ngát mũi. Nó ngon đặc biệt không thứ sơn hào hải vị nào bằng. Tự nhiên tôi thấy nước miếng trong miệng ứa ra, tự nhủ thầm, cách gì cũng phải đi với chú Tứ cho đến khi chú bắt được một mẻ vịt trời không chú thím lại nói thằng cháu non gan. (Sau này, khi tôi vào vùng Quảng Ngãi, được thưởng thức chim mía nướng trên than, cũng ngon tuyệt. Chim mía nhỏ hơn sẻ một chút, thường kiếm ăn ở các ruộng mía khi mía trổ hoa.)

Đột nhiên cả ba chúng tôi đều nghe tiếng chim vỗ cánh rất gần, ngay trên đầu. Tôi lại hồi hộp, nhưng không ăn thua gì. Cả đàn bay cao chỉ có một con bay thấp sa vào lưới nhưng khi chú Tứ cầm cái đèn pin ra tới nơi thì nó cũng rớt cái bịch xuống đống rạ rồi lủi vào đâu mất tiêu. Thím Tứ và tôi cứ tiếc hùi hụi nhưng chú Tứ cười bảo:

“Lưới vịt trời chỉ mong bắt một, hai con thì thà ở nhà nằm ổ rơm ngủ sướng hơn.”

 Thím Tứ mới lấy chú được vài tháng nên không biết cái vụ vịt trời, vịt đất gì, thím đồng ý với tôi:

“Thế bao nhiêu mới là đáng cơm, đáng công? Thím cháu tôi chỉ cần bắt được vài, ba con ăn Tết cũng là mãn nguyện lắm rồi. Chả hơn không có...”

Chú Tứ bảo:

“Ở đây cấm nói chuyện, tôi chỉ vắn tắt, đã có lần hồi bé tôi đi với mấy anh lớn con bác Cả Quỳnh một đêm bắt được 108 con. Nhưng chưa đâu, một người ở làng Vóc năm kia được một mẻ hơn 300 con. Chưa thấy ai quanh vùng này bắt được nhiều hơn ông ta.”

Thím Tứ và tôi cứ ngồi trầm trồ nho nhỏ:”Sướng quá nhỉ! Thích quá nhỉ! Như vậy mới gọi là đi lưới!”

Bỗng chú Tứ suỵt một cái. Chúng tôi đều nghe một đàn vịt bay trên trời. Chúng bay khá thấp, chỉ ngang tầm lưới nhưng thay vì bay hướng đông tây chúng lại bay hướng bắc nam, dọc theo lưới. Đàn chim khá đông, phải kể cả trăm, mấy trăm con chứ không ít. Tiếng kêu “quác, quác”" nho nhỏ cùng với tiếng “phạch phạch” vỗ cánh và lào xào khi chúng bay sát nhau quá phải hơn nửa phút mới chấm dứt. Với tốc độ bay nhanh như thế và bề ngang giang rộng đến vài chục cánh chim, nửa phút kéo dài có thể đủ cho dăm, bảy trăm con lướt qua một điểm cố định. Khi đàn chim đã dứt, chú Tứ mới giải thích cho thím Tứ và tôi hiểu:

“Đàn vừa bay qua ước lượng không dưới 500 con. Có lần tôi đã bị một đàn đông hơn thế này vào lưới. Chúng phá tung lưới mà chỉ bắt được vài chục con. Lưới rách thủng xổng ra rất dễ.”

Tôi còn tiếc ngẩn, tiếc ngơ:

“Hoài của, cái đàn vừa rồi trúng lưới mình thì tha hồ ăn Tết, hả chú!”

Chú Tứ thong thả đáp, giọng tự tin:

“Còn đi lưới thì còn gặp. Lo gì!”

Trời dần dần sáng. Chú Tứ cùng thím hạ lưới xuống, gấp lại. Chú bảo:

“Khi không dùng nữa thì phải cuốn lưới, xếp lại để đêm mai dùng. Không nên treo suốt ngày đêm làm chim sợ, chim xa lánh.”

 Chúng tôi lại khiêng đồ đạc về. Chỉ có chú là vui vẻ và bình tĩnh như không, còn tôi với thím, tuy không nói ra nhưng có vẻ buồn hơn chấu cắn!

Về tới cổng ngõ, chú bảo tôi:

“Vũ đi ngủ một giấc cho lại sức để tối nay lại đi!”

Thức gần như suốt đêm, tôi vào ổ rơm cuộn chăn ngủ một giấc dài đến hơn 12 giờ trưa khi mẹ tôi gọi dậy để ra đầu làng đón bố tôi từ Hải Phòng về.

Khoảng 1 giờ 30 bố tôi về tới. Mẹ tôi và các con, các cháu nội ngoại đi đón bố tôi cả mấy chục người chưa kể lối xóm, người trong họ, trong làng khi nghe bố tôi từ Hải Phòng về ai nấy đều vui mừng đi đón. Không phải họ mong được quà tỉnh nhưng họ quí mến, nhất là lâu ngày gặp lại, bố tôi sẽ kể cho họ nghe một ngàn câu chuyện trên tỉnh mà họ chưa từng biết bao giờ. Những câu chuyện ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội bố tôi sẽ kể đêm này qua đêm khác cho tới khi ông rời làng trở lại thành phố.

Mười giờ đêm hôm đó, khi chú Tứ đứng xin phép bố tôi cho tôi đi với chú tiếp tục lưới vịt trời thì mẹ tôi ngồi đó. Mẹ tôi bảo chú Tứ:

“Thôi, chú thím đi đi. Ở ngoài đồng ban đêm lạnh lắm, tôi không muốn cho Vũ đi kẻo nó bệnh.”

 Nhưng bố tôi nói:

“Đã đi giở giang, phải đi cho đến chót. Bà đừng sợ nó bệnh. Để nó xông pha mưa nắng nó mới dạn dày sương gió, sau này mới làm việc được.”

Bố tôi xưa nay vẫn thế. Người con trai với bố tôi là phải hùng tâm dũng chí, việc lớn việc nhỏ phải quán xuyến, xông pha không bao giờ từ nan, không sợ khó, không sợ khổ và những lúc cần, không sợ cả cái chết. Những kẻ quá dư thừa, chỉ sống trong tháp ngà, không bao giờ biết thông cảm với người khác, nhất là những người kém may mắn hoặc nghèo khổ. Những kẻ đó suốt đời chỉ ỷ lại, sống ích kỉ, hưởng thụ mà không có ích cho nhân quần, xã hội. Bố tôi gọi những kẻ đó là những kí sinh trùng hay những cây chùm gửi ăn bám xã hội, mặc dù trước mắt mọi người, họ có ruộng sâu, trâu nái, nhà ngói, cây mít hoặc thế lực, quyền hành! Bố tôi rất coi thường những kẻ như vậy!

Đêm nay không phải khiêng nhiều vì cây, sào chú Tứ đã cấy giấu kĩ trên gò mả, nay lấy ra dùng. Chúng tôi lại giăng lưới xong vào gốc cây trên gò dùng một tấm liếp chắn gió và ngồi quấn chăn. Vì đã có định kiến, chú Tứ giăng lưới cao hơn đêm đầu và hướng lưới về hướng chênh chếch Bắc Nam chứ không hoàn toàn Đông Tây như đêm trước.

 Tôi ngồi lọt thỏm trong bụi tre mà cứ tiếc hùi hụi một buổi tối xum họp gia đình có nước trà Tàu hay trà mạn sen thật thơm do bố tôi tự tay mua hoa sen về ướp lấy, rồi kẹo lạc, kẹo gương, kẹo bột, kẹo mạch nha, kẹo vừng, bánh khảo, bánh gai, bánh đậu xanh Hải Dương bố tôi mua từ Hải Phòng. Còn nữa, quần áo mới bố tôi mua cho mẹ tôi, các con và các cháu, ai cũng có phần quà của mình và sau cùng là những câu chuyện ý nhị bố tôi dụng công kể (cho đến nửa đêm) để mọi người nghe cho vui và học thêm một bài học luân lí, đạo đức nào đó.

Đêm khuya dần. Tiếng mõ tự xa báo hiệu cầm canh để trộm cướp biết rằng có những người đang làm nhiệm vụ canh gác cho dân làng ngủ yên. Chớ có liều mạng đi ăn cướp mà không xong  đâu! Từ bụi tre phía chân trời, có vài đốm sáng di động có lẽ là những bó đuốc của những người có việc cần đi ban đêm  hay đuốc của những người đi soi ếch.

Lúc hơn 1 giờ khuya, chúng tôi phỏng chừng thế, một đàn chim bay qua lưới của chúng tôi tuy nhiên chúng bay quá cao, cách đầu lưới cũng khoảng mấy mét. Thím Tứ phàn nàn với chú:

“Phải anh treo cao tí nữa thì dính rồi!”

“Em phải hiểu,” chú Tứ giải thích tường tận,”Chim phải tìm tới người thì mới bắt được nó chứ không phải người tìm tới chim mà được đâu. Chim trời cá biển mênh mông vô tận, lưới giăng chỉ có một khoảng nhỏ xíu vậy nếu nó không tự tìm tới, chúng ta không làm gì được. Phải bình tâm, kiên nhẫn.”

Cái lạnh đổ xuống càng lúc càng dữ dội, làm như đêm nay lạnh hơn đêm qua nhưng mới học được một bài luân lý giáo khoa thư từ bố tôi, tôi không dám kêu ca gì mà chỉ suýt soa nho nhỏ.

 Đột nhiên cả chú thím Tứ và tôi nghe những tiếng chim kêu trên đầu, hẳn là một đàn chim đông lắm. Chú Tứ bật lên như cái lò so mặc dù vẫn không gây tiếng động, chú bảo nhỏ thím và tôi lom khom bò theo chú ra sát bìa gò. Những con chim tru tréo lớn hơn ngay tại lưới. Chú thím Tứ nhổm hẳn lên phóng mình chạy lại lưới. Tôi đuổi theo sát nút. Chú chiếu đèn pin vào lưới. Chao ơi, vịt trời ở đâu mà nhiều thế, con dính chân, con dính cổ vào lưới không ra được nhưng chúng đập cánh phành phạch, giẫy dụa loạn xà ngầu, kêu chiêm chiếp. Thím Tứ và tôi, đã được chú dặn trước, hạ một đầu lưới xuống sát đất, dùng một cái lưới phòng hờ bên ngoài chụp lên trên cho chắc ăn xong gỡ từng con bỏ vào lồng gà, loại lồng đan bằng tre, mắt nhỏ để chim không chui ra được. Miệng lồng nhỏ, có đặt một cái hom như hom dùng cho lờ đánh cá, chỉ đi một chiều, nghĩa là đẩy cho con chim chui vào lồng xong nan hom khép lại, chim không thể đi ngược trở ra, rất tiện lợi.

Vịt trời quá nhiều, con nào con ấy mập ú, thím Tứ và tôi chỉ lo nhặt, gỡ khỏi lưới và bỏ vào lồng, trong lòng hân hoan vô tả, có lẽ trúng số độc đắc thời nay cũng chỉ sung sướng đến thế. Còn chú Tứ thì nhanh tay dùng những hòn đất lớn chận đầu lưới vì chim vừa sa lưới chúng còn khoẻ lắm, cứ tung lưới, giẫy, đạp đủ cách để trốn ra.

Chú Tứ đã mang sẵn đi một cái đèn khí đá. Chú dùng bật lửa châm lửa cho cây đèn. Áng sáng xanh đèn khí đá giúp chúng tôi làm việc dễ dàng hơn.

Tôi nhìn những con vịt trời mập ú, nhỏ chỉ bằng một phần ba con vịt nhà, lông vằn từa tựa lông vịt nhà nhưng có phần đẹp hơn, chân thấp xủn, mỏ ngắn, mình tròn trịa tựa con vịt Nhật người ta thường nuôi trong các công viên ở Mỹ. Con đực có một cái vòng xanh biếc ở cổ, trông đẹp hơn con mái. Vịt trời người Tàu gọi một con trống, một con mái là uyên ương, có đặc tính là khi đã thành đôi thì đi đâu, đậu ở đâu cũng có nhau, sống chết không rời. Chúng trung thành với nhau cho đến khi một con vì lí do gì đó mà chết, con kia mới đi kiếm bạn mới. Trái lại có một loại chim trời to như con cò trắng của ta, mỏ hồng, chân hồng, chúng thay chồng đổi vợ rất nhanh, từ đó suy ra, cũng y như người, bá nhân bá tánh không sai vậy.

Uyên ương trong thơ văn tượng trưng cho tình yêu giữa trai gái bền vững, dài lâu và tha thiết. Trong Chinh phụ ngâm có nhắc tới nó:

Chàng có thấy chim uyên ở nội?

Hoặc    Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng!

Người dân quê gọi nó là con le le, ban ngày không bao giớ thấy nó vì nó rất nhát người, chỉ xông ra đi ăn về đêm mà thôi, mà không đi lẻ tẻ, phải đi hàng đàn.

Số chim bay ra xổng mất cũng bộn vì thím Tứ và tôi hơi chậm tay khiến chú Tứ cứ nhắc, phải thế này, nên thế kia. Ấy là chú Tứ đã dự phòng sẵn cái lưới thứ hai để úp chụp  lên cái lưới chính mà chim đang dính không thì xổng gần hết. Một mình chú Tứ đảm đương quá nhiều việc, tay năm tay mười không kịp; còn tôi và thím Tứ thì nhỏ, yếu và lớ ngớ như ngỗng đực khiến chú phát cáu lên.

Bốn cái lồng nhốt đầy vịt trời, chúng lúc nhúc ở trong, kêu chiêm chiếp như tiếng gà con, đặc biệt là tiếng kêu của chúng rất nhỏ vì vậy khi chúng ta ở trong nhà, ban đêm, cả đàn hàng trăm con bay qua nhưng chúng ta không nghe gì hết. Chú Tứ buộc ba cái lồng vào giữa sào để chú thím khiêng, tay chú hãy còn xách thêm một cái vì bốn cái thì quá nặng, thím không khiêng nổi. Chú phải ra một chuyến nữa vì sào và lưới hãy còn nhiều, chưa khiêng hết được. Chú chia cho tôi xách một cái lồng nhỏ sáu con, vai vác cái lưới nhỏ. Cái lưới này chỉ trúng được có hai con, một  trống một mái.Tôi bảo chú Tứ để cho tôi nuôi. Chú nói nó quen ở ngoài thiên nhiên, đồng nội, nay nhốt lại, nó không chịu ăn, lâu ngày rồi cũng chết.

Mà đúng thế, đôi uyên ương vịt trời tôi nuôi trong một cái lồng lớn, cho thóc, gạo, nước tử tế nhưng chỉ sau dăm ngày bỏ ăn và buồn bã, chúng lăn ra chết trong chuồng. Chúng không quen ở với người như những con vịt nhà. Sống thiếu tự do, chúng không tồn tại được. Ngày nay, viết lại chuyện này, tôi chợt nhớ câu danh ngôn của nhà tư tưởng Hoa Kỳ, Patrick Henry:

Give me Liberty or give me death!

    Cho tôi tự do hay là giết tôi đi!

Thực vậy, Tự do quí giá nhất cuộc đời mỗi người, mất Tự do chết sướng hơn như đôi chim uyên ương tôi đã nuôi!

Sáng hôm sau, chú Tứ bắt từng con ra đếm, được cả thảy 43 con. Vịt mới ăn thóc ngày mùa mập ú, những thịt là thịt. Đặc biệt nó ít mỡ chứ không như vịt nhà.

Mẹ tôi, thím Tứ và các chị tôi quay vào làm thịt vịt, làm đủ món như vịt hơ chả trên than, vịt quay, vịt nấu miến, vịt luộc, vịt xào sả ớt v.v...nhưng tôi chỉ thích món hơ chả ăn với rau diếp xanh tươi vừa hái từ vườn nhà vào, trộn dầu dấm.

Hơ chả tức là làm theo kiểu chim sẻ, tức cắt tiết cho vịt khỏi thâm thịt, vặt lông, mổ bụng moi hết lòng ruột, rửa sạch sẽ, xoa trong ngoài bằng chút muối, tiêu, hành giã nhỏ, để một lúc cho thấm xong kẹp vào que tre tươi, nướng trên than hồng, từ từ cho chín. Vịt trời chỉ to hơn con bồ câu nên  mau chín. Mùi thịt từ món hơ chả bay ra thơm ngát mũi khiến những người đứng gần phải hít hà nuốt nước miếng.

Tết đó, món thịt vịt là món chính trong mâm cỗ Tết của gia đình tôi mặc dù vẫn có những món ăn cổ truyền như bánh chưng, giò thủ, giò lụa, thịt mỡ (thịt lợn) dưa hành, dưa cải, rau cần xào thịt bò.... Tôi và thím Tứ đem hai đôi uyên ương nhốt trong một cái lồng nhỏ nhỏ xinh xinh biếu ông bà nội, còn ông bà ngoại tôi thì ở xa quá, mãi tận Thái Bình không thể đi ngay đuợc. Chú Tứ cũng mang cho họ hàng, bà con, xóm giềng, bạn hữu mỗi người một, hai con ăn cho vui, hết hơn phân nửa số vịt bắt được.

Sau này tôi cũng còn dịp về thăm quê và gặp lại chú thím Tứ nhưng không còn dịp đi lưới vịt trời lần thứ hai. Quê hương tôi không còn thanh bình như xưa để tôi cùng chú thím Tứ đi lưới vịt trời nữa.