main billboard

So với tôi hồi nhỏ, con tôi còn ngoan hơn thiên thần

thanh duong

Sau khi tôi ra khỏi dòng tu (tu xuất) năm 17 tuổi, họ hàng xa gần, ai gặp tôi cũng phải công nhận: Tôi đã đổi tính đổi nết, hiền lành ngoan ngoãn khác hẳn hồi nhỏ.
Tự tôi cũng thấy mình thay đổi, cám ơn dòng Don Bosco.
Sau này nhiều lúc đang hăng say răn đe con cái, tôi bỗng khựng lại với ý nghĩ, so với tôi hồi nhỏ con tôi còn ngoan hơn thiên thần.

Miền Bắc mù mờ

Ông bà cụ tôi thường ngạc nhiên khi thấy tôi không nhớ gì ngoài Bắc, lúc di cư vào Nam (tháng 3 năm 54) tôi đã 4 tuổi rưỡi.

Một chuyện duy nhất tôi nhớ về miền Bắc là ở nhà nào đó (sau mẹ nói là nhà bà ngoại) có một “tượng chịu nạn” (bức tượng Chúa Giêsu bị bị khổ nạn), lớn như người thật, đầu đội vòng gai, máu me cùng khắp thân thể.
Để con nít khỏi sợ người lớn đã che bức tượng bằng một tấm vải, đám con nít chúng tôi hay rủ nhau tới dở tấm vải ra, hét lên sợ hãi rồi bỏ chạy.

Trại Di Cư 

Tôi đã bắt đầu hơi nhớ khi vào Nam, gia đình tôi lang thang ở mấy trại định cư hình như Trung Chánh, Hốc Môn, Bà Điểm, Vườn Xoài  gì đó.
Có hai chuyện tôi nhớ (sau khi được người lớn nhắc tuồng) trong giai đoạn này.

1- Chuyện mổ bụng:

Trong trại định cư gia đình tôi ở chung với gia đình người cậu, tôi chơi với Dũng, người em họ cùng tuổi nhưng chắc nhỏ con hơn nên tôi bắt nạt nó hoài.
Bà mợ tôi có tính rất tếu, bữa đó tôi đánh Dũng khóc inh ỏi, bà mợ chỉ mặt tôi nói:
 -A thằng này du côn du kề. Chúng mày đâu, đưa dao tao mổ bụng nó ra.”
 Tôi không sợ còn leo lên bàn, nằm ra thách:
-Tôi đây này, bà dám mổ không.
 Bà mợ cầm hai con dao mài vào nhau xẹt xẹt, tôi cởi cúc áo phanh bụng thách tiếp:
- Bụng đây, giỏi bà mổ đi.
 Nói nào ngay bố mẹ tôi sanh một hơi ba người con gái, đến phiên tôi con trai chắc ông bà cũng hơi chiều – Bà mợ thấy tôi ương ngạnh, mắt bà nhìn xuống phía dưới bỗng reo lên:
-A tao không mổ bụng mày nhưng tao xẻo của quý của mày.
 Không biết sao tôi không sợ mổ bụng nhưng nói đến của quý tự nhiên tôi lấy hai tay bụm lại. Bà mợ biết được yếu điểm của tôi, bà cười khà khà:
- A thằng này sợ mất giống, đã vậy tao nhất định phải xẻo!
 Tôi sợ quá nhảy xuống bàn chạy ra cửa la:
 -Bà không dám mổ bụng thì thôi đi, không được cắt của quý của tôi.
 Tôi nghe tiếng cả nhà cùng phá ra cười .

2- Ông giáo thối mồm:

Vào Nam vài tháng bố mẹ bắt tôi đi học lớp mẫu giáo trong trại, tôi ghét lớp học này vô cùng. Chắc tôi nghịch phá, thích đánh nhau nên bị đòn liên miên.
 Gần nhà tôi ở một gia đình người Nam có thằng con trai cũng trạc tuổi tôi. Tôi còn nhớ hắn tên Son (tôi hay gọi Soong), người đen thui, đầu hớt trọc, chúng tôi mau chóng đánh bạn.
Một bữa tôi hỏi hắn:
-Mày đi học có vui không? Chỗ tao đi học bị đánh hoài.
Hắn vui vẻ khoe:
-Tao đi học vui lắm, được chơi thả giàn còn được ăn kẹo, ăn bánh bích quy nữa.

Hôm sau tôi theo Soong đến trường của hắn, thì ra Soong học trường Tin Lành còn tôi học trường đạo trong trại. Trường Tin Lành vui thật, tôi không bị đánh còn được chơi đủ trò, nào cướp cờ, u mọi, đá banh . . .

Hằng ngày tôi vẫn cắp sách đến trường nhưng thay vì đi học trường Công Giáo tôi quẹo sang trường Tin Lành. Bố mẹ tôi vẫn không biết vì thấy bài tập của tôi luôn được điểm tốt, ở nhà mẹ đã dậy cho tôi tập viết, đánh vần, cửu chương nên vào lớp tôi hơn hẳn những đứa cùng tuỗi.

Cho đến một ngày mẹ thấy quyển tập đọc của tôi mang về rất lạ, ngoài bìa in “Hội Thánh Tin Lành”, bà tá hỏa. Tuy gần tối bà cũng nhất quyết kéo tôi lên gặp cha xứ, bà la lên với cha:
 - Cha biết không, ông giáo Cảnh đã dậy con con những thứ như vầy.
Sau một hồi mới vỡ lẽ, ông giào Cảnh không dậy sai nhưng tôi đã đi học sai trường.
Về nhà, cà nhà tôi ngồi quanh chiếc bàn gỗ, mẹ tôi hung dữ xỉa vào mặt tôi:
 - Tại sao mày dám bỏ Chúa mà theo đường tà như vậy?
 Tôi sợ quá, chưa bao giờ thấy mẹ gọi tôi bằng “mày” như bữa đó, tôi ấp úng:
- Con không muốn học ông giáo Cảnh vì ông ấy… thối mồm.
Từ bửa đó mỗi khi tôi đi học luôn có ba bà chị theo sau, đợi đến khi tôi vào hẳn lớp các bà mới bỏ về lớp mình.

Lên Xứ Sương Mù

Lang thang trong trại định cư mấy tháng bố mẹ tôi cũng chưa biết phải làm gì để sinh sống, may quá có mấy người em họ của bà nội tôi tìm đến thăm.

Bà nội con ông cố Thông, những người em họ đến trại thăm con ông cố Phán - ngày xưa chỉ gọi chức tước nên tôi không nhớ rõ tên các cụ. Hai anh em ông cố đều rất giầu có, danh tiếng ngoài Hà Nội, ông cố Thông chỉ có mình bà nội là con gái gả chồng miền quê, ông cố Phán có năm người con đều cho đi du học Pháp, những người này sau khi về nước đều thành danh và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám Đốc đài phát thanh SG, Giám Đốc sở Thú Y…

Trong những người con cụ Phán, ông Đốc Hoàng Huy Tuần có lẽ thương bà tôi đặc biệt nhất. Ai đã từng ở Đà Lạt chắc đều nhớ nhà thuốc Tây kỳ cựu mang tên ông trên đường “hình như” Lê Thánh Tông.

Bà Tuần, một Công Tằng Tôn Nữ nổi tiếng tài sắc trong giới du học Pháp (mẹ tôi nói thế) nguyên ái nữ cụ Nguyễn Đệ đổng lý văn phòng của cựu hoàng Bảo Đại. Con cụ Tuần sau này cũng có vài người khá nổi tiếng như thi sĩ và GĐ đài phát thanh ĐL, H.A.T... Lúc tôi lên ĐL, H.A.T, Hoàng Ngọc Lan… vẫn còn bên Pháp.

Thấy gia đình chúng tôi đang bơ vơ trong các trại di cư, ông Đốc cho người đến mang chúng tôi lên chỗ ông.

Biệt thự của ông Đốc tuyệt đẹp, ngay góc đường Yersin đối diện với “nhà thờ Con Gà”. Một dinh cơ nguy nga giữa những vườn hoa đủ mầu rực rỡ, những rặng mimosa lúc nào cũng ươm hoa vàng thơm ngát.

Ông Đốc vì thương bà chị họ và đám cháu đã đón đại gia đình tôi (gần mười người) lên Đà Lạt, nhưng sau đó ông không biết cách nào kiếm việc hợp với khả năng của các cháu (bố tôi và hai ông chú).
 Lý do đơn giản là “các cháu” học hành dở dang, ai cũng chỉ có cái “Elementaire” (sơ học yếu lược) hay “Primaire” (tiểu học) rồi phá ngang đòi cưới vợ, lại còn tuy dân nhà quê nhưng chưa ông nào từng bước chân xuống ruộng!

Tôi còn nhớ trong một bữa cơm, ông Đốc nhăn nhó hỏi bà tôi:
- Các cháu ở ngoài Bắc không làm gì cả à?
 Bà tôi thủng thỉnh trả lời:
 - Thì cậu tính, ở nhà quê hơi có việc gì là dân làng, canh điền đầy tớ kéo đến chật nhà, các cháu có muốn làm cũng chẳng có gì mà làm. Còn ruộng nương cha ông để lại nếu các cháu không phá thì có bao giờ sợ hết.
Ông Đốc hất hàm hỏi “các cháu”:
 - Cả ngày chỉ ở không! Các cháu cũng phải làm cái gì chứ.
Ông An (ba Lan) nhanh nhảu:
- Dạ thưa cậu, chúng cháu cũng bận lắm chứ ạ. Như anh Hữu (ông bác rể) đang làm lý trưởng, anh Trạch (ba tôi) vừa lấy vợ xong, năm 19 tuổi đã phải làm phó lý, cháu tuy chưa vợ cũng đã làm thư ký làng. Chúng cháu rất bận rộn việc công, lúc nào rỗi chúng cháu tụ lại đánh bài, cái gì chứ tổ tôm, xóc đĩa, chắn cã, tài bàn nguyên cái xứ Trực Ninh, Nam Định không ai qua mặt được chúng cháu!
Ông Đốc chán nản lắc đầu:
- Cái nghề lý toét, xã xệ của các cháu chỉ hợp với miền quê ngoài Bắc thôi, vào đây không được việc gì.

Bà cô búp bê

Ngày đó tôi hơi biết về nỗi ưu tư của bố mẹ đối với công ăn việc làm và tương lai gia đình.
Một lần nghe mẹ thở dài than:
 - Ông bà Đốc có cả chục người làm, giá mà ông bà để mình làm bồi bếp cho ông bà cũng được.
 Bố tôi gạt đi:
 - Đời nào ông bà chịu, không lẽ mang con cháu lên đây để làm đầy tớ. Nói nào ngay, nếu ông bà có muốn mình làm bếp, làm vườn cho ông bà, mình cũng đâu có biết làm.

Chắc tôi thừa hưởng được tính vô tư của bố, tính lạc quan của mẹ nên ngay từ nhỏ và mãi đến bây giờ, mỗi ngày đối với tôi là một trải nghiệm kỳ thú, tuy hơi biết về mối lo của người lớn nhưng tôi chẳng hề bận tâm.

Không gian và niềm vui của tôi lúc đó là khu vườn rộng thênh thang của ông bà Đốc.
 Hằng ngày tôi lẽo đẽo theo đuôi hai ông làm vườn ra tỉa hoa, bắt sâu, nhổ cỏ, nhưng cũng chỉ được một lúc tôi chán bỏ đi kiếm dâu, đào, mận ăn hay tìm dế bắt đá.

Ngoài ra còn một sinh hoạt đặc biệt trong ngày khiến tôi say mê: Cứ ăn cơm trưa xong, tôi ra ngồi dưới gốc cây “cày” chờ trái chín rụng xuống để lượm, có ngày tôi nhặt được cả chục trái.
 Cây cày to lớn, cao chót vót nên tôi không dám trèo, trái cày hơi giống trái trứng gà nhưng mầu xanh và chỉ lớn bằng trái đào, phần thịt mềm bên ngoài ăn bùi bùi, sau này ra khỏi vùng Đà Lạt tôi chưa có dịp gặp lại loại cây này.

Hôm đó sau khi đã nhặt được hai ba trái, tôi ngồi dựa vào gốc cây, đưa một trái chùi vào quần cho sạch đất cát, đang định ăn bỗng có tiếng con nít la: “Đừng ăn!” Tôi quay lại, à ra cô bé “Châm búp bê”.

Ông Đốc có hai đời vợ, con bà trước lúc đó đều còn đang du học bên Pháp, con bà sau chỉ có cô Châm cỡ tuổi tôi hay nhỏ hơn một chút, thực ra cô tên H. N. Trâm nhưng giọng Hà Nội gọi Châm nên tôi tưởng cô tên này.

Có lẽ nhờ khí hậu Đà Lạt, cô Châm da trắng như hột gà, mắt đen như hột nhãn, tóc quăn quăn, má hồng môi đỏ, nhìn giống hệt một búp bê (1).

Mới gặp cô lần đầu tôi đã thấy ngay, tôi không chơi với cô được vì cô không thuộc “týp” của tôi. Cô luôn sạch sẽ tươm tất trong các bộ đồ đầm, tóc kết nơ đi dầy đen bóng, trong khi tôi ăn mặc lếch thếch, chân thường đi đất, chỉ khi đi lễ hay lên nhà trên mới phải xỏ vào những đôi giầy cũ quá khổ của ai đó cho mẹ.
 Chắc chắn cô sẽ không nhảy dây hay ngồi bệt xuống đất đánh chuyền, đánh chắt như đám con gái tôi thường chơi với trong các trại di cư.

 Búp bê còn có tật khó ưa, lúc nào cũng cong cái mỏ đỏ chót ra nhõng nhẽo với “măng” của cô: “Châm không thích cái này đâu, Châm thích cái kia cơ.”, thỉnh thoảng lại đưa cái mỏ đó hôn “măng” chùn chụt, xổ ra vài câu tiếng Tây.

Có bữa mưa phùn, tuy đã được ông tài xế che dù cho, Búp bê vẫn bắng nhắng: “Chú Sáu ơi, giầy của Châm dơ rồi này.”
Tôi nghe mà ngứa cả tai, chỉ muốn nhéo cho Búp bê một phát.
Nghe Búp bê nói đừng ăn tôi ngạc nhiên:
 - Sao không ăn?
Búp bê xua tay:
- Không ăn được.
Tôi bật cười:
 - Sao không ăn được? Tao ăn mãi rồi.
 Đưa một trái cho Búp bê, tôi rủ: “Ngon lắm, ăn thử đi.”
Búp bê cầm trái cày nhưng đã không ăn còn thẳng tay liệng xuống đất: “Dơ!”
Tôi tức ứa gan, tính thoi cho Búp bê một cái nhưng kềm lại kịp.
Thấy tôi trợn mắt Búp bê lùi vài bước, đến bực cửa cô bé đứng lại vẫy tay:
- Muốn ăn không?   Thấy tôi vẫn hầm hầm cô bé nói tiếp:
- Vào đây.
Tôi tò mò đi theo Búp bê vào phòng ăn, đến trước đĩa xoài cô cầm một trái đưa lên hỏi:
-  Ăn không?
Nhìn trái xoài vàng ươm, tôi thèm quá, ngày thường sau bữa ăn người bếp đưa món xoài ra mẹ chỉ cho tôi dùng xiên cắm một miếng nhỏ xíu.

Thấy tôi nuốt nước bọt gật đầu, Búp bê đặt trái xoài vào đĩa, dùng dao xẻ hai miếng má bỏ vào một đĩa khác đưa tôi nói:
- Lấy cùi dìa ăn đi.
Tôi lắc đầu chỉ miếng còn lại:
 - Thích ăn khúc giữa hơn.
 Búp bê tròn mắt:
- Ăn hột hả?
Tôi cười:
 - Chứ sao. Xoài phải ăn khúc ruột mới ngon.
 Trước vẻ ngơ ngác của Búp bê tôi đến nhón khúc hột mang ra ngồi dưới gốc cây nhâm nhi . . .

Sau bữa đó tôi không có dịp nói chuyện với Búp bê, có lúc thấy cô đứng thập thò sau cửa nhìn ra, chắc cô một mình cũng muốn có bạn nhưng tôi thấy cô khác mình quá, đã vậy còn…khờ khờ nên không có ý định rủ cô chơi chung.

Một ngày tôi lượm được con chim sẻ chết dưới gốc cây, tôi kiếm bao thuốc lá không làm hòm và đào lỗ chôn, đang loay hoay đào lỗ Búp bê từ đâu đến gần hỏi:
 - Làm gì vậy? 
Tôi chỉ con chim chết để trong bao thuốc lá vẫn còn lòi một khúc đầu ra:
-Chôn chim.
 Thấy vẻ chăm chú của Búp bê tôi rủ:
- Muốn chơi không?
 Cô bé gật đầu. Tôi phân công:
- Bây giờ mày đi hái hoa về cắm chung quanh mộ, tao vào nhà kiếm dây tô-la và bình nước phép. Tao sẽ làm cha còn mày giúp lễ, mình sẽ làm phép chôn cho con chim này được lên thiên đàng.
Búp bê có vẻ rất hào hứng. Một lúc khi tôi từ nhà ra, mình khoác chiếc khăn vuông của mẹ làm dây tô la (stola), tay mang theo ly nước và một nhánh cây, Búp bê đã bẻ được rất nhiều hoa “bất”, một loại hoa rừng mọc tràn lan trên Đà Lạt.
Tôi vui vẻ đưa ly nước cho Búp bê dặn:
- Mày là cậu . . à cô giúp lễ cho cha là tao, sau khi tao vảy nước phép xong tao sẽ đọc kinh cầu xin, tao đọc gì kệ tao nhưng khi tao đọc đến khúc xì xồ cà tum cà tà thì mày phải thưa A men nghe chưa?
 Búp bê nhăn mặt:
- Xì xồ ca tum là gì?
Tôi bực mình:
- Tiếng la tinh chứ gì, mày không cần biết, cứ thấy tao…cà tum cà tà là mày thưa A men cho tao.

Thấy mặt mày cô bé hơi bí xị, không cho cô bé hỏi thêm tôi vảy nước thánh rồi chấp tay lâm râm khấn nguyện, lúc bằng tiếng ta, lúc bằng tiếng “la tinh”. (Trong trại di cư cũng có lần cha xứ thấy tôi nhanh nhẹn muốn dậy tôi giúp lễ, nhưng ngày đầu tôi đã chọc một thằng khác trong phòng áo nên bị cha kéo tai đuổi ra ngoài, dù sao tôi cũng đã học được một vài chiêu.)
Tôi “cà tum cà ta” lâu rồi mà cô giúp lễ vẫn chưa “A men”,
Bực mình tôi quay lại gắt:
- A men đi.
Mặt Búp bê càng xưng to thêm, tôi tức mình quát:
- Mày không A men làm sao Chúa nhận lời! Làm sao con chim được lên thiên đàng… Mày ngu quá.
Đột ngột Búp bê òa lên khóc, liệng bình nước thánh xuống đất rồi chạy vào nhà. Tôi giận như điên hét lớn:
 - Con khờ này, mày dám vất bình nước phép xuống đất vậy à?
 Đang định chạy theo không biết có dám tát cô không nhưng ít nhất cũng phải làm cô sợ, ông Sáu tài xế và mẹ nghe tiếng chạy ra, mẹ kêu:
- Tuấn, Tuấn việc gì vậy?
Tôi phân bua:
 - Con ngố nó giúp lễ cho con mà dám vất bình nước phép xuống đất.
Mẹ la át:
- Sao dám gọi con này con kia, phài gọi cô Châm chứ. Lại còn làm cho cô khóc, xin lỗi cô ngay.
Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, Búp bê nước mắt lưng tròng nhưng thấy được gọi bằng cô cũng dừng lại nơi tam cấp, mẹ giục:
 - Xin lỗi cô đi.
Tôi ú ớ: “Xin lỗi.”
Mẹ nói rành rọt:
- Nói cháu xin lỗi cô.
Tôi ráng một lần nữa:
- Ứ xin lỗi cô.
  Búp bê có vẽ khoái chí, nở nụ cười kín đáo quay vào nhà . . . (1)

(1) Mười lăm năm sau, mùa hè năm thứ hai, trong khóa QSHĐ một anh thiếu úy dậy địa hình kéo tôi ra gặp riêng, anh ta hỏi:
- Thứ Bảy vừa rồi ở SG, trên đường Pasteur cậu đứng nói chuyện với một cô rất đẹp, cậu với cô ta liên hệ làm sao vậy?
Tôi đang phân vân ráng nhớ, anh ta nhắc:
- Trước căn nhà 181 đó.
- À! Tôi nhớ ra rồi đó là bà cô tôi đó, bà tên Ngọc Trâm.
Anh thiếu úy mừng rỡ:
- Tớ không ngờ cậu có bà cô hoa nhường nguyệt thẹn như vậy. Nhà tớ cách đó mấy căn, thấy bà cô cậu về đã vài tháng nhưng chưa có dịp làm quen, cậu giới thiệu tớ đi.
 Tôi lắc đầu:
- Nếu tôi là anh tôi không làm quen cô Trâm làm gì, chỉ vài ngày nữa cô đi du học Pháp rồi.
 Anh TU thở dài thất vọng, kể ra nếu cô Búp bê không đi du học, tôi làm mai cho anh chàng Trung này cũng được, anh ta tốt nghiệp Văn Khoa, hai ban, ăn nói rất duyên dáng, về sau đến dậy văn lớp 12 cho trường trung học Văn Lang.

(Còn tiếp)