main billboard


Có lẽ đã quá mười giờ tối. Trinh đoán thế...

Tranh-loa-the
Có lẽ đã quá mười giờ tối. Trinh đoán thế. Hai chân mỏi nhừ, cặp mắt nặng trĩu, buồn ngủ ghê lắm, thế mà vẫn chưa đóng cửa quán được. Còn mấy người khách ngồi lì trong quán, chưa chịu về. Trong số này nàng sợ nhất là anh chàng Tình. Anh tới quán từ năm giờ rưỡi chiều, anh làm việc ở cơ quan uỷ ban huyện cả ngày hè nóng nôi, vừa tan ca, chắc khát nước lắm liền tới quán gọi nước chanh giải khát. Anh là cán bộ gương mẫu, lại là nhà thơ, anh không phải là dân nhậu. Anh thường bi các đồng sự chọc quê về việc không biết nhậu. Lần này anh kêu nước chanh. Anh uống thong thả từng hớp một, thật lâu mới sực nhớ làm một hớp. Hết cốc nước cũng hết một giờ. Anh ngồi trầm ngâm một lúc, tự thấy ngồi mãi không kêu gì, chiếm bàn chiếm ghế của quán, chướng quá nên kêu thêm li cà phê đá, uống xong lại mất thêm một tiếng đồng hồ nữa. Cuối cùng dù anh không muốn nhậu anh cũng phải gọi một xị rượu.

Lúc này quán đã hơi vắng khách. Mỗi lần Trinh đến gần, anh nhìn cô, ánh mắt là một lời van xin. Khi anh kêu cà phê, nước chanh, đều là thứ rẻ tiền, Trinh, cô chủ quán mang đến rồi bỏ đi ngay. Khi anh gọi xị rượu với chục nem chả Ninh Hoà, thì cái phiếu tính tiền đã lên kha khá, Trinh ghé lại ngồi với anh một chốc cho phải phép. Anh chỉ đợi có thế. Anh bắt đầu nói chuyện thơ.

Trinh biết anh Tình này là thủ kho Hợp tác xã. Đã có lần Trinh đến kho, thấy anh ta cắm cúi làm việc, mặt mày khó đăm đăm. Nàng còn phải xếp hàng chờ nhiều người tới trước, nhìn lên thấy có dán tờ báo tường. Để giết thì giờ Trinh đến xem. Có một bài thơ, nhan đề” mùa lúa mới” dưới kí tên Trần Tình. Trần Tình là đích thị anh chàng thi sĩ này đây! Bây giờ Trinh đang khổ vì bài thơ ấy, một bài thơ tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp và nhiều bài thơ khác. Anh đọc hết bài này đến bài khác tưởng như bất tận.

Anh làm thủ kho. Ngoài cái kho vật tư nông nghiệp mà nhiều hơn cả là phân hữu cơ. Phân hữu cơ thường là phân xanh, phân chuồng, nông dân tự làm lấy không nơi nào bán, cũng không ai chứa trong kho. Nhưng vùng này nông dân trồng nhiều lê-guym, thường dùng phân xác mắm. Xác mắm là xương cá còn lại sau khi người ta đã lấy hết nước mắm, cũng gọi là phân hữu cơ. Phân xác mắm, ướt át hôi hám, thường đựng trong bao nhưng vẫn để chảy ra ngòai dòng nước đen. Sống suốt ngày trong bầu không khí ô nhiểm ấy anh đã quen, nên vẫn phóng bút làm thơ tình dài dài được. Trinh là người mới đến rất khó chịu. Trinh thấy người thủ kho này, ngoài mấy bao xác mắm ra anh còn có cả một kho thơ đồ sộ. Đứng quan sát anh làm việc một lúc Trinh thấy anh là một cán bộ rất nghiêm khắc và cũng rất nguyên tắc. Anh ta hết giở công văn này, chỉ thị kia để từ chối cấp phân cho xã viên. Nhưng về thơ anh lại xuất kho một cách vô nguyên tắc, vô tội vạ và rất hào phóng, thoải mái.

Ngồi nghe nhà thơ nói chuyện một lúc Trinh thấy hết chịu nổi. Nàng còn phải dọn dẹp, quét nhà cửa, ngủ một giấc để ngày mai có sức mở cửa hàng.

Trinh là chủ nhân một cái quán cà phê ở trước cửa uỷ ban huyện. Nói là quán cà phê song Trinh bán đủ thứ bia rượu, đồ nhậu. Trinh làm bà chủ và còn là người giúp việc cho mình, nàng chẳng thuê mướn ai. Trinh ba mươi hai tuổi, chồng chết để lại đứa con trai mười hai tuổi học lớp bảy. Nàng cư ngụ trong ngôi nhà của bên chồng. Cha mẹ chồng cho nàng ở căn nhà này để mua bán nuôi con. Trinh có nhan sắc mặn mòi. Nơi đây nếu mở cuộc thi hoa hậu chắc nàng chiếm vương miện. Nàng hấp dẫn bọn đàn ông từ những lão năm sáu mươi, đến mấy cha sồn sồn và cả bọn choai choai mười tám đôi mươi.

Anh Tình ngồi coi kho, thời gian rảnh rất nhiều, viết hàng trăm bài thơ tình tặnh cho nàng chủ quán. Hôm nay nhờ chất rượu gạo nước nhất pha nước dừa xiêm giúp cho hồn thơ anh thêm tung cánh. Nó còn giúp cho anh thêm can đảm để nói lên lời đề nghị sau cùng: rằng, đêm nay cho anh ngủ lại !

Khi nghe anh nói, Trinh im lặng, nét mặt không biểu lộ cãm xúc nào, không đồng ý cũng chẳng từ chối. Cô đứng lên đi ra sau. Anh Tình tưởng cô chấp nhận “lời đề nghị khiếm nhã ”. Anh ngâm nga vài câu cảm tác ngay trong cái thời khắc cực kì hứng khởi này.

Trinh không ra sau mà vô phòng, khép cửa hờ. Nàng cởi bộ đồ xoa bông ra, mặc cái quần lãnh đen, chiếc sơ mi trắng vào. Quơ vội lược chải dăm ba cái lên mái tóc tém. Tất cả những động tác này không mất đến mười giây đồng hồ, rồi vội vàng bước ra, thực đúng là một kỷ lục đáng ghi vào sách Guiness về việc thay đổi xiêm y. Trinh đi quanh mấy bàn, lấy thêm quả chanh, cục nước đá, rồi tới bàn anh Tình. Tình nhắc lại đề nghị. Trinh nói:

- Bữa nay em kẹt rồi …

Tình hỏi:

- Kẹt gì?

Trinh cười:

- Đồ mù…bộ không thấy người ta mặc quần đen đây sao ?

Tội nghiệp nhà thơ, cả một sự đổi trắng thay đen như thế mà anh không biết. Giờ đây sự thực đen tối làm cho hồn thơ anh đang ngự trên cao chín tầng mây rơi ập xuống. Anh Tình, tuy làm thơ rất dở, nhưng anh quả là một tâm hồn thơ chính hiệu. Sự thay đổi từ bộ đồ xoa bông sang cái quần lãnh đen áo trắng đột ngột quá anh khônh kịp nhận ra. Thương thay, ngọn lửa thơ trong anh cũng tắt ngấm theo cái màu đen u ám đó. Anh đứng lên, trả tiền đi về. Lẫm bẫm câu thơ” Đêm nay lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?...”Trinh rất mừng, nhủ thầm: Đồ khùng! Uống hết thì bình khô, còn đòi say với ai? Thằng cha này dai như giẻ rách. Không có cách đó hắn ngồi đến sáng!

Trinh dọn dẹp, đóng cửa quán xong, đúng mười hai giờ khuya. Trinh vừa chợp mắt đã nghe tiếng gõ cửa. Tiếng gõ rụt rè, nhưng trong đêm khuya nghe rất rõ. Tiếng gõ cửa hai tiếng nhặt, một tiếng khoan là ám hiệu quen thụôc của tay Mười Dư ở xóm trên. Lão này có lò ép bún, nuôi mười hai con heo nái, nấu rượu. Lão Mười Dư và Trinh là một liên minh trời sinh. Lão nấu rượu, nàng bán rượu. Mười Dư trưa nào cũng lén chờ mụ vợ già ru thằng cháu nội trên võng. Cháu chưa ngủ, nội đã ngủ. Lão ra lò lén rót lít rượu gạo nước nhất, vô cái chai nhựa, cột nơi bắp chân, mặc quần tây dài vô, không ai thấy, đem đến tặng cho người yêu. Trinh pha lít ruợu gạo với nước hai trái dừa xiêm thành ba lít rượu bán cho bọn nhậu.

Đêm nay anh Mười đến, người ân nghĩa không thể từ chối một cách sỗ sàng được. Lão lại gõ cửa, lần sau to hơn lần trước. Trinh giả vờ ngủ, nhưng lão này dai quá, gõ không xong lão gọi:

- Trinh ơi, em Hai ơi, dậy đi !

Trinh sợ hàng xóm nghe. Nàng ngồi dậy đưa chân tìm dép. Nghe tiếng dép lê trong nhà, Mười Dư rất mừng. Trinh tới bên cửa, không mở cửa cũng không mở đèn, hỏi vọng ra:

- Anh Mười đó hả?

- Ừ, mở cửa cho tui vô.

Trinh nói:

- Không được đâu.

- Tại sao?

- Thằng Lắm ( Con riêng của Trinh với người chồng trước ) chưa ngủ…

Sự thật thằng bé này ngủ từ hồi tám giờ. Trinh tiếp:

- Hắn đau răng khóc cả đêm, mới cho uống mấy viên thuốc APC, đã đỡ nhưng chưa ngủ. Nó mà thức thì không được. Nó biết chuyện, mét bên nội, lấy lại cái nhà này thì nguy to!

Ngoài cửa yên lặng, Trinh mừng thầm. Mười Dư nghĩ: Người ta tin ra ngõ gặp đàn bà xui, thiệt đúng. Lúc mình mới bước ra cửa, tưởng đêm khuya thanh vắng không người, ai dègặp phải con mụ bán bánh canh gánh cái gánh không đi về. Quả nhiên tới gặp thằng nhỏ đau răng. Sao không đau lúc khác?

Lão bước xuống sân, chân lạo sạo trong sỏi. Bên trong vọng ra tiếng an ủi rất dễ thương của Trinh:

- Thôi chịu phiền, để khi khác nghe anh Mười…

Trinh vô nhà leo lên giường thầm nghĩ, không biết có được yên thân không? Mấy con muỗi đói vo ve. Trinh tốc mùng lên, lấy tờ báo cũ quơ đuổi, bỏ mùng xuống tính ngủ, lại nghe tiếng muỗi vo ve, nàng nghĩ, thôi mặc kệ, cứ ngủ. Vừa nghĩ tơi đó lại có tiếng gõ cửa. Lần này một chậm hai nhanh. Trong cơn chập chờn Trinh cũng biết ai tới tìm mình. Đây là ám hiệu của anh Khanh cán bộ. Anh ta có tám con, trai có gái có, lại được cử làm cán bộ kế hoạch hoá gia đình. Người đầu tiên anh vận động là vợ. Chị ta nói:” Tui triệt, ông cũng triệt. Để một mình ông lôi thôi hả?”

Anh nói:

- Triệt sản một người thôi, cần chi cả hai ?

Anh nghe bọn thanh niên nói, triệt sản xong thằng đàn ông ngó như con gà trống thiến chỉ được cái tốt mã, hết cả khí phách gà trống, con gà con đuổi cũng chạy. Suốt ngày lúc thúc kiếm ăn trong vườn. Lần này anh nói láo với vợ.

- Ừ, muốn triệt thì triệt! Lỡ có gì thì đừng có trách tui…( ý anh muốn nói từ nay anh không mần ăn gì được thì đừng trách )

Trinh đứng trong nhà nói vọng ra:

- Khanh phải không ?

- Ừ, anh đây, mở cửa vô tí coi.

Trinh giọng sành sõi:

- Làm cán bộ mà chẳng biết gì cả…

Khanh:

- Biết gì?

Trinh:

- Đêm nay công an đi kiểm tra hành chính!

Khanh:

- Sao em biết?

Trinh:

- Quán nhậu mà chuyện gì chẳng biết ? Anh không nghe chó sủa xóm trên xóm dưới đó sao, nhìn ra bờ sông thấy ánh đèn pin lấp lóa !

Trinh nói láo, đứng trong nhà làm sao thấy ánh đèn ở ngoài ? Nhưng vì lính quýnh anh Khanh không nhận ra điều phi lí. Anh vội vàng đi như chạy, chỉ kịp hẹn:” Thôi tối mai nhé” Trinh ừ hử cho qua chuyện, đó chỉ là cái kế hõan binh. Tối mai sẽ có kế khác, tam thập lục kế mà.

Trinh lên giường, chưa chi lại nghe tiếng gõ cửa. Nàng lên tiếng:

- Ai?

- “Long thuỷ lợi” đây !

Xã tuy nhỏ nhưng có tới hai anh cùng tên Long. Một là “Long thuỷ lợi” giữ cái trạm bơm nước nhỏ. Và một là” Long thương nghiệp” trưởng cửa hàng bách hoá tổng hợp. Gọi thế nghe cho oai chứ cửa hàng chỉ có mấy chai nước mắm hạng ba, mấy cây chổi đót, xã viên múôn mua cũng không đơn giản tí nào, phải xin được cái phiếu với hai ba con dấu cùng chữ kí của chủ nhiệm, chủ tịch.

Tại quán nhậu này đã có lần Long thuỷ lợi tát tai Long thương nghiệp vì cái tội Long thương nghiệp nói xấu anh về việc để trộm rinh máy bôm nước phải làm bảy bản kiểm điểm. Hai con rồng này vốn chẳng ưa gì nhau, nên “choảng” nhau là chuyện không thể tránh, song lần đó đã làm bễ bốn cái ly cối lơn của Trinh. Hai bên cùng móc tiền ra đền. Long thuỷ lợi ngầm khinh Long thương nghiệp nên khi nào phải xưng danh anh đều thêm cái ”hậu tố thuỷ lợi” để thiên hạ không lầm anh với thằng ở dơ nhất xã là Long Thương nghiệp.

Trinh chưa tìm ra lí do gì để từ chối anh chàng khách không mời thứ tư đến quấy rối này. Song đầu óc nàng vốn rất nhanh nhạy đối phó với những vấn đề khó khăn kiểu này. Trinh vội vàng quơ ve dầu gió đầu tủ, nhỏ mấy gịot vào bàn tay, xoa xoa. Trong đêm khuya mùi dầu lan toả rất nhanh. Trinh than :

- Từ chiều tới giờ em trúng gío, toàn thân đau nhức. Hai vai không gồng gánh gì mà mỏi nhừ. Cổ cũng đau, nuốt nước bọt đau lắm. Em ra chợ đầu cầu hỏi đại lý thuốc mua mấy viên “bi” ( bipénicillin) uống rồi, chưa thấy đỡ.

Long thủy lợi nghe mùi dầu gó tưởng nàng bệnh thật, thấy thương, nói:

- Tội nghiệp em Hai. Mai anh dẫn y sĩ Bảy đến bắt mạch cho toa, tới bệnh xá lấy thuốc về uống, ra chợ mua phải thuốc dỏm uống không hết đâu.

Long thuỷ lợi thấy “đối tác” bệnh kiểu này không thể làm gì được, bỏ về. Khi đi qua nhà mụ Bốn Hoà, đầu óc anh nghĩ đâu đâu, bỗng con chó xô ra sủa khiến anh giật thót mình, rủa thầm:” Mẹ cha mầy! Bọn câu chó đâu không tới kéo cổ đi cho rồi!”

Trinh leo lên giường. Con gà cồ bác Bá cất tiếng gáy. Mấy con gà trong xóm bắt chước gáy theo. Tiếng gà sôi lên xóm trên xóm dưới. Trinh nhủ thầm: “ Sáng rồi còn ngủ ngáy gì nữa? Thôi dậy nhen lò than nấu nước sôi pha cà phê bán cho bọn đi xe sớm “

Bên kia hàng rào nhà bác Bá. Ông cụ dậy sớm xô chiếc cửa gỗ lớn lâu ngày không tra dầu kêu ken két. Ông cụ ra sân nhìn thấy Trinh ngồi quạt lò, đêm qua ông cụ cũng thức cả đêm tụng cho hết bộ kinh Địa Tạng, ông biết hết mọi việc xảy ra bên nhà Trinh. Cụ nhủ thầm :” Tội nghiệp, bọn đàn ông rậm rật bất nhơn khiến con nhỏ thức trắng đêm, lại dậy sớm làm lụng nuôi con. Đêm của người ghê gớm thật “./.