main billboard

“Anh đã biết đánh vần chữ chanh. Chờ… anh chanh!”

Cay Chanh
Cô bảo làm lại ngôi vườn đi. Cây lá xơ xác lắm rồi.
Cô đưa cho anh tên vài loại hoa, loại cây trong đó có cây chanh ngọt!

Phía sau căn gác một phòng đất đâu có nhiều. Cô nói thêm:
“Làm gì thì làm cũng phải có cây cuối cùng. Chanh!”
“Ờ chanh. Mà trồng cây đó để làm gì?”
“Em thích.”
Cô lại đòi thêm một cây như thế để trồng ở nhà.

Người yêu hoa yêu trái theo mùa đã làm anh khốn đốn, chạy tới chạy lui những vườn bán cây để tìm mua cho được.
 Đến khi anh mang về, cô nhìn tên loại cây anh vừa tìm ra, đinh ninh là “chanh ngọt” rồi nhăn mặt: “Không phải. You trồng đi!”
 “Cái gì. This hybrid is thought to be a cross between a lemon and a mandarin or orange… mà không phải thì cây gì phải?”
Cô giận bỏ về.

Giờ anh không còn ở căn gác nhỏ đó nữa. Cây cối anh cũng quên luôn vì chẳng hứng thú gì để đụng đến. Con đường cũ anh đã không còn qua lại.
Phần cô, biết cô có quên? Lâu rồi hai người không nói chuyện bình thường, nhắc gì đến hoa và trái! Ngay cả những khóm lan quý có thời gian cô nâng niu và tốn bao công sức. Một lúc cô đã bảo:
“Ê you, mua hết lan của em đem về trồng đi! Hồi nào có hoa em lấy.”

Anh làm theo như một đứa bé ngoan. Mua lại hết. Biến cái phòng khách của căn gác thành một green house nho nhỏ. Vài ngày trong tuần tốn thời giờ để mong lan ra hoa.
Cũng như cây chanh, anh lẩm bẩm một đôi lần khi tưới nước: “Chờ ra quả. Lạy trời chanh ngọt như nhà vườn ghi trong giấy. Coi đứa nào đúng.”

Cô cứ bảo anh hay cãi. Anh sinh ra ở cái xứ gì mà thích cãi. Không nghe lời cô nên cô phật ý. Cô nghỉ chơi coi đứa nào chết.
Chẳng biết, nhưng cây trái hoa quả anh trồng chết là cái chắc. Lúc di tản, một đứa xong trung học. Đứa kia còn đâu lớp tám. Tuổi nhỏ qua rồi nhưng mà sao con nít tệ. Anh chơi với cô vài năm rồi nhiễm tính.

Cách cư xử đôi khi “nghe sao sao” mà hai đứa không biết. Những ngày còn vui:
“Sáng nay mấy giờ you đi làm?”
“Như thường lệ. 8:30 rời nhà.”
“You ghé ngang Bolsa mua bánh hình con bướm cho em được không? Đừng mua bánh mì. Để đến trưa ăn khô lắm.”
“Em thích nước cam anh lấy thêm. Chiều nay đi học. Phải không?”
“Ừ. Đừng vào chỗ làm việc. You đậu xe bên ngoài. Gọi em qua điện thoại.”

Mới gặp đó nhưng vào sở anh lại bốc phone lên:
“Bánh ăn được không? Ê, điện thoại gì bận quá! Rồi lại nói chuyện với ai mà phone busy.”

Hỏi hoài cô bực mình:
“Không phải chuyện của you!”
“Okie!”

Anh tức không gọi nữa nhưng hình như quen rồi. Ngồi làm việc mà đầu óc đâu đâu.
Cái mạch điện đang vẽ kiểu để làm board. Chết bà phải coi lại. Sao cái đường 5 volt lại dính với ground! Chạm điện là cái chắc.

Về nhà anh nằm thừ người. Bụng đói nhưng nằm luôn để coi cô có thương! Không nghe ai gọi anh bốc điện thoại lên.
Gọi đến nhà cô mọi hôm đã hồi hộp lắm. Hôm nay ngực anh đánh như trống làng. Có tiếng con nhỏ:
“Hello! Hello!”
Bên này:
“Hello…”
Cô nhận ra giọng anh:
“Không nói chuyện được. Má đang ở đây!’
Ngưng máy. Anh nằm buồn thiu. Thế nên lan không được chăm sóc và vườn cây thiếu nước. Cây “chanh ngọt” cũng èo uột theo mà sống.

Cô bớt lui tới căn gác với nhiều lý do. Bận học. Bận đi làm. Bận chuyện nhà. Cuối cùng cô bận tham gia biểu tình.
Anh bảo: “Biểu tình là tình biểu! Ông già làm thơ tán em cũng có đi biểu tình đó. Thấy cái mặt mà ghét.”
“None of your business!” Rồi cô ngưng điện thoại.

Bên này anh bực mình vất cái điện thoại xuống thảm. Cà chớn ơi là cà chớn.
Nằm trong căn gác anh nghe tiếng loa léo nhéo ngoài phố. Cảnh sát lấy nguyên sân cỏ gần trường trung học sát nơi anh ở làm bộ chỉ huy.
Có cả phi cơ trực thăng hạ cánh xuống đó.
Một đại đội nhân viên công lực trấn đóng khu vực này là ít.
Mấy góc đường đưa đến chỗ biểu tình đều có bản chận cấm xe chạy vào.
 Cư dân muốn về nhà phải đưa bằng lái xe để chứng minh. Cảnh sát không muốn đám tham dự biểu tình lớn mạnh thêm.

 

Họ đóng đường gần nơi biểu tình để người ta không có chỗ đậu xe, nản mà bỏ về.
Ở nước có chiến tranh, đóng như đám cảnh sát Mỹ thế này đặc công nó nhào vào đánh bộc phá thì thí mẹ. Tổ Quốc ghi ơn liền!

Có buổi chiều đi làm về anh ra Bolsa nhập vào đám đông biểu tình, nhân tiện đi tìm cô.
Người đông quá không tìm ra… Anh cũng chẳng biết cô đang ở đâu. Nhà mình? Nhà bà ngoại?
Cả tuần rồi không gặp anh nhớ cô quay quắt.

Một lúc anh thấy căn gác quen thuộc quá trống trải. Chiều ăn cơm nhà mẹ anh không muốn về nơi mình ở. Anh nán lại chơi với các em đến khuya.
Mệt quá, ngủ trên xa lông đến sáng về nhà thay đồ đi làm.
Qua hai tuần như thế những cây những hoa anh trồng cho cô ngoài hiên sau càng xơ xác như anh.
Cô nhất định không trở lại nơi từng đến vì cô giận. Cô giận thì phải biết như giờ anh đang biết.

“You biết you ngu lắm không?”
“Em đã bỏ gần hết để theo you mà you không biết. Lúc nào cũng Irvine, Irvine trong đầu!”
Một lần trước khi giận cô đã nói vậy.

“Chữ chanh đánh vần làm sao. You đánh vần thử em nghe.”
“Dễ ẹc. Mấy chục năm trước anh đã biết rồi. C-H-A-N-H chanh.”
“Không đúng. Nghe nay này ‘Chờ… anh’ chanh.
Cô giáo em dạy vậy. ‘Chờ… anh’ chanh. You nghe rõ chưa?”

Cô nhắc đến lần thứ nhì chữ ‘chờ…anh’ thì anh giật mình, biết mình ngu thật ngu như cô từng nói.
Quen bao lâu rồi mà anh không rõ… Anh làm cô buồn. Chanh, cây chanh ngọt cô thích một lúc, bắt anh kiếm cho ra mang về trồng thì cũng là chanh.
Chanh, chờ… anh chanh! Khổ thật! Sao cô không nói thẳng.

Hơn năm sau anh làm việc ở Fremont. Một buổi trưa nhớ cô anh gọi về Santa Ana. Cô nhận ra giọng, mừng run!
“Em mới làm được cái này cho you. Nghe không?”
“Gì vậy?”
“Nghe thử qua điện thoại long distance đi.”
Anh lắng tai nghe cô đọc thơ. Những bài thơ tình anh viết ngày nào cô còn giữ, đọc với giọng Bắc Kỳ sinh trong Nam như anh vẫn đùa nghe hay tuyệt.

“Em làm cho you đó. Hồi nào về dưới này em đưa.”
“Anh về mỗi tuần. Tối Chủ Nhật lái lên San Jose lại.”
“Mà biết gì không? Cây chanh, chanh ngọt mẹ săn sóc giùm đã có trái. Nhớ cây chanh em đòi phải có mới được?”

 

Cô im lặng. Anh chợt nhớ thời gian vui lúc trước:
“Anh đã biết đánh vần chữ chanh. Chờ… anh chanh!”
“Now you know. Chờ… anh chanh… Mà you ngu thật!”