main billboard


Nhưng nghề gì để nuôi sống được gia đình mà không ngửa tay ra xin đến đồng tiền trợ cấp an sinh của Bộ Xã Hội đây...

long me
Bây giờ là tháng Sáu, ở đây trời đất âm u một cách khác thường, từng cơn mưa tưởng chừng như kéo dài không dứt. Khiến cho Mẹ cảm thấy mệt mỏi chán chường, khi nghĩ tới mỗi buổi sáng tinh sương phải thức dậy để sửa soạn cơm nước đi làm. Mặc dầu sở làm của mẹ rất nhỏ bé đơn sơ, chỉ vỏn vẹn có hơn 10 chiếc máy may với hơn 7 cái bàn ủi tay và 3 bàn ủi dập. Nhưng ở nơi đó đã cho mẹ một đời sống rất giản dị bình thường, có thể nói chưa khi nào sợ đói lo toan, nếu Mẹ biết chịu khó cặm cụi làm ăn theo đường kim mũi chỉ của mình, với những tháng ngày dài nhọc nhằn để xây dựng một mái ấm gia đình trên đất lạ.

Rồi ngày tháng qua mau, mới đó mà hai cô con gái cưng của mẹ đã lớn xộn lên rồi. Kim Thanh thì hình như giống Ba như khuôn đúc, khiến cho Mẹ cưng quá đi thôi, nhứt là mỗi khi đói bụng rất dễ nuôi, cơm nguội hay bánh mì gì cũng đều ăn được cả. Còn Kim Châu con của Mẹ thì ngược lại rất kén ăn, hay kiếm cớ khất lần khất hồi những chén cơm do bà Ngoại nuông chiều lừa cơm vẽ cá. Mấy khi đó thì làm cho Mẹ cảm thấy sung sướng bồi hồi, khi nghĩ tới ngày mai nầy hai cô con gái của Mẹ sẽ trở thành hai cô thiếu nữ ngây thơ, mỗi ngày phải tự mình đi đón xe Bus đến trường, với những bước chân son rộn ràng trong nắng sớm.

Chính trong những giờ phút suy nghĩ bâng quơ như vậy, đã giúp cho Mẹ có một nghị lực vững mạnh phi thường, mới làm tròn bổn phận một cô thợ chủ hãng may, mà khi xưa ông bà ngoại của tụi con không bao giờ nghĩ tới. Có những lúc Mẹ phải giao thiệp nhận hàng với những người Tây, miệng Mẹ nói mà tay Mẹ quơ, như vậy mà tụi Tây nầy cũng hiểu. Cho nên gia đình phải xây dựng trên mồ hôi nước mắt của mình, nhưng không bao giờ Mẹ dám cất tiếng than. Bởi vì bên cạnh đó còn có hai cô con gái cưng của Mẹ đang nũng nịu đòi quà, mà trong lứa tuổi ấu thơ ngày xưa Mẹ đã từng trải qua, nên bây giờ Mẹ rất là nhạy cảm.

Có những đêm trường khi trời trở lạnh, gặp lúc hàng may của Mẹ đã trễ ngày giao, nên Mẹ đã thức gần suốt cả đêm dài, để mong may cho xong những lô hàng đúng hạn. Còn hai con thì mải vui chơi rồi cặm cụi học bài, đâu có bao giờ chia xẻ những nỗi cơ cực đó đâu, vậy mà mỗi khi nựng con lòng Mẹ đã tiêu tan hết bao phiền muộn. Thì ra gương mặt trẻ thơ nào cũng có ẩn dấu thuốc thần, để xoa dịu bớt bao nỗi gian truân, cho những bà Mẹ làm nghề lao động chân tay, hay những người Cha trong những khi vất vả! Nhiều lúc trên đường đến hãng, Mẹ lại cứ lo xa là một lát nữa đây hai cô con gái cưng của Mẹ thức dậy, có quýnh quáng lên khi nhìn thấy ánh nắng ban mai xuyên qua cửa sổ. Nên lo sợ trễ học không kịp đánh răng, rồi hai chị em hối hả nhét cặp Sandwich vào trong Schoolbag vội vã đến trường. Ôi những bước chân sáo đó sẽ rộn ràng dưới nắng ban mai, đã đem lại cho Mẹ một niềm vui bất tận, khi Mẹ nghĩ tới hai cô con gái cưng của mình đang nhí nhảnh chạy giỡn trước sân trường, với chùm tóc cột đuôi gà trông rất là dễ thương và lanh lợi...

Rồi Mẹ cũng đã bắt đầu lo âu khi Kim Thanh lên lớp 6; cuối năm học nầy con sẽ từ giã ngôi trường tiểu học Harrington Public School yêu dấu một thời. Mẹ không biết phải chọn trường nào cho con học tiếp nữa đây, nên Mẹ lo chở con đi học kèm thêm vào những ngày thứ bảy, với ước vọng Kim Thanh sẽ đậu vào trường Selective Sefton High School. Vì ngôi trường đó liên tiếp trong 10 năm qua đã tạo nên một con số kỷ lục học sinh trung học đậu điểm cao để ra trường, nhưng ước mơ là một chuyện, còn thành đạt hay không là do sự may mắn của mình. Nhưng Mẹ vẫn cố gắng bằng tất cả một niềm tin, trong khi đó thì ngày thứ bảy cuối tuần, mọi người cùng chồng con đi dạo phố. Chỉ có riêng Mẹ thì chở hai con đi về hướng Bankstown, để gởi hai con vào một lớp dạy kèm, rồi Mẹ đi ra ngồi trong xe đọc sách, nhờ vậy mà thời khắc cũng qua nhanh, nên Mẹ cũng không có gì gọi là sốt ruột.

Ngày tháng đó cứ lần lượt trôi qua trong tuổi thơ hồn nhiên trong trắng của hai con, mãi cho đến một hôm nào đó Mẹ không còn nhớ rõ vì bởi vô tình; Kim Thanh con gái cưng của Mẹ đã tới tuổi dậy thì, khi nhìn thấy giọt máu kinh nguyệt đầu đời đã sợ hãi thất thanh, kêu Mẹ chạy vào rồi ngồi rưng rức khóc, là khi đó Mẹ đã hiểu hết sự tình, nên Mẹ mỉm cười rồi giải thích với con. Nhưng Mẹ biết chắc con chưa hiểu được gì, bởi tuổi đời vùn vụt lớn nhanh nên con ngây thơ đâu có chuẩn bị kịp điều gì, khi thân thể của con người đã tới thời kỳ thay đổi.

Kể từ ngày hôm đó con gái cưng của mẹ đã tới tuổi dậy thì, giọng nói lại bể ra và biết mắc cỡ khi soi gương chải tóc. Đồng thời lúc ấy trên gương mặt cũng nổi vài nốt mụn cám thật đáng yêu, để gọi là kỷ niệm một thời của con gái khi mới lớn, điều đó Mẹ cũng đã trải qua, cho nên đôi lúc nhìn con rồi bỗng dưng lòng Mẹ bồi hồi xúc động.

Rồi con bắt đầu trổ mã mái tóc dài phủ xuống bờ vai, nhưng con vẫn còn ngây thơ như con nít. Chỉ có khác một điều là bây giờ con đã cao hơn Mẹ gần một cái đầu, nên đi đâu hai Mẹ con mà người ta cứ tưởng lầm là hai chị em ruột thịt. Còn Kim Châu thì mỗi ngày càng thêm liến thoắng, cái miệng nói lẻ nói sự rất đáng yêu, làm cho ông bà ngoại con cưng yêu như trứng mỏng.

Nhưng rồi đời sống và nơi cư trú của Mẹ không còn bình yên như thuở trước, cho nên Ba Mẹ phải tính tới chuyện dời nhà như bà Mạnh Tử ngày xưa, để mong tìm cho được một chỗ tương đối ít tiếng xấu thị phi, vì ở ga xa lửa Cabramatta dạo nầy khi chiều xuống, thì những người buôn bán xì ke và hút chích họ đón mời khách một cách công khai, nhưng muốn dời nhà đi ra khỏi một nơi mà Ba Mẹ đã lập nghiệp ở đó hết 15 năm trời cũng không phải dễ. Vì thế mà Ba Mẹ phải đành chấp nhận mắc nợ nhà băng, có thể sẽ trả đến suốt đời nhưng lòng Ba Mẹ lúc nào cũng đầy vui sướng, khi nghĩ đến một nơi chốn mới không có cái cảnh chào đón ma túy dọc đường, là lòng Ba Mẹ đã cảm thấy một trời yêu thương hạnh phúc.

Chỗ ở mới nầy tương đối ít tiếng ồn, nên Mẹ với Ba rất là vừa bụng. Nhưng bên cạnh đó còn biết bao nhiêu sự lo âu, bởi nơi nầy phần đông những người hàng xóm của nhà mình đều là những người Anh Cát Lợi cố cựu, không biết trong đầu óc của họ nghĩ gì, khi thấy một gia đình tỵ nạn như mình đây lại dọn về sống chung với họ, mà trên gương mặt của họ lúc nào cũng khó đăm đăm, đó là một nỗi lo lắng vô hình mà Mẹ vô phương bày tỏ.

Nhưng rồi vào những đêm khuya, Ba Mẹ nhìn thấy phòng học của hai con còn thức để đèn. Những khi ấy thì Ba Mẹ lại nghe tiếng gõ của bàn phím Computer lạch cạch, là Mẹ đã biết hai con còn thức để làm bài. Ôi sung sướng làm sao, Mẹ không thể nào nói ra cho hết được, nên Mẹ không còn cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc mệt nhọc ở hãng may, mà Mẹ nhanh nhẩu thức dậy với cõi lòng vui sướng tràn đầy, rồi Mẹ đi xuống bếp lo nấu cho con một tô súp, để cho con lót lòng vào những cơn khuya, cũng như bà ngoại của hai con khi xưa đã lo cho Mẹ trong cảnh đời nghèo khó!

Không biết người Úc bản xứ ở nơi đây họ nuôi nấng con cái như thế nào. Chớ còn phần đông người Việt Nam thì họ nuôi con cũng giống như Mẹ thôi, có nghĩa là nuôi con đâu quản thân cò lặn lội nơi quãng vắng. Lòng Mẹ ước ao là tụi con mai kia sẽ làm được cái gì để rạng mặt tổ tông, để cho ông bà ngoại của tụi con hãnh diện. Vì có nhiều lúc trò chuyện, Mẹ đã nghe những tiếng thầm thì từ nơi đáy mắt của ông ngoại vọng ra, là Kim Thanh, Kim Châu cháu cưng của ngoại, phải ráng học để sau nầy trở thành một người hữu dụng cho xứ sở sau nầy. Có nhiều lúc Mẹ đã nghe ông ngoại con nói ra những ước vọng thầm lén của mình, là Kim Thanh thì học ngành y khoa, còn Kim Châu thì học ngành luật. Vì đó là hai ngành rất thiết thực trong đời sống, mà xã hội và nhân loại rất cần. Nếu đời sống mà thiếu hai ngành đó, thì con người sẽ bị bịnh tật hoành hành, và sự bất công có thể chà đạp lên nhân phẩm!

Nhưng khi đó thì Kim Châu con gái cưng của mẹ, lại cãi bướng lên rằng con không thích học ngành luật đâu ngoại ơi, mà con chỉ thích học ngành Design fashion thôi hè; vì cái nghề luật sư dễ bị đồng tiền mua chuộc. Họ có thể mướn mình cãi từ một cái tội sát nhân, qua cái tội trở thành ngộ sát hay vô tội. Mấy khi đó Mẹ cứ tưởng rằng ông ngoại sẽ chịu thua, nhưng ngoại của tụi con lại kiên nhẫn một cách hiền từ, để giải thích cho con hiểu thế nào là trách nhiệm của một nhà luật học. Vì thế mà đã chinh phục được con, nên con đã có ý hướng để nuôi mộng để trở thành một người luật sư như ông ngoại thường hay mong ước!

Hai đứa con gái cưng của Mẹ mỗi ngày mỗi lớn như hai trái cà chua, da vẻ càng hồng hào trổ mã thì lại càng làm cho Mẹ lo âu khó tả, nhưng Mẹ cũng không hiểu rằng mình đang lo sợ chuyện gì. Khi xung quanh Mẹ đang có những cuộc hôn nhân dị chủng xảy ra, nên Mẹ bắt đầu lo sợ nếu như con đem lòng yêu thương một người khác giống, đến lúc đó không biết Mẹ có đủ quyền để cản ngăn, hay Mẹ phải buồn bã âm thầm chấp nhận. Đành rằng ai cũng biết việc hôn nhân là quyền tự do quyết định của một con người, nhưng đâu có một người Mẹ nào sung sướng, hay hãnh diện khi thấy thằng rể của mình là một người da trắng mũi lõ tóc vàng. Nhưng Mẹ đâu biết làm sao, trong khi đó hằng ngày trong trường học con đã giao tiếp với nhiều sắc dân, nói nhiều ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình, liệu rồi đây trên bước đường đời của con sẽ gặp được nhiều may mắn. Hay là đời sống văn hóa vật chất ở xứ người sẽ ảnh hưởng đến con, rồi con xem việc thay đổi hôn nhân cũng rất dễ dàng, cũng như người ta nhàm chán một chiếc xe cũ đi tìm thay một chiếc xe mới khác!

Rồi cho đến một chiều kia trong lúc nhàn rỗi Mẹ dạy dỗ con rằng: con gái ăn cơm xong thì phải phụ Mẹ lo rửa chén lau nhà. Nhưng con lại mỉm cười một cách thơ dại trả lời rằng, "Sao Mẹ không biểu Ba mà lại biểu con? Con nghĩ trong gia đình ai cũng phải biết làm công chuyện, đàn ông hay con trai cũng có thể rửa chén quét nhà, và ngược lại con gái hay đàn bà thì cũng có quyền đi Look job và cũng có thể làm bộ trưởng..."

Ôi lời nói ngay thẳng ấy từ cửa miệng của một đứa con gái mới bắt đầu ở cái tuổi dậy thì, làm cho Mẹ cảm thấy lo xa khi đã nhìn thấy con bắt đầu bị chi phối bởi hai nền văn hóa. Bởi con làm sao hiểu được bổn phận của một người con gái hay đàn bà Việt Nam, trong bốn ngàn năm văn hiến. Mẹ cũng không muốn khư khư ôm giữ một quan niệm lỗi thời, là người đàn bà phải lo tần tảo lặn lội nuôi con, còn ông chồng thì tối ngày phong lưu ngồi uống rượu, hoặc tiếp đãi bạn bè thù tạc dưới ánh trăng. Nhưng hình ảnh một người đàn ông, hay một người chồng đứng rửa chén trong chái bếp, hoặc giặt đồ giặt tã cũng cảm thấy rất chán chường, nên từ trước đến nay Mẹ đã miễn cho Ba con làm những công chuyện đó. Lâu dần rồi trở thành một thói quen, nên Mẹ không còn cảm thấy thắc mắc hay phàn nàn gì nữa cả. Thỉnh thoảng Ba con cũng siêng năng phụ Mẹ, nhưng đó là tinh thần tự nguyện mà thôi, chớ Mẹ không thể phân công xem đó như là phận sự.

Ngày hôm nay tình cờ Mẹ đã nghe được từ cái miệng của con gái cứng nói ra điều đó, làm cho Mẹ rất đỗi ngạc nhiên nhưng phải âm thầm chấp nhận. Có lẽ đời sống ở xứ nầy họ đã có một nền văn hóa khác biệt với văn hóa Việt Nam, cho nên họ rất công bình trong cuộc sống, ngay đời sống trong gia đình mà họ cũng đã phân công rất là rành mạch. Như vậy thì hình ảnh một người chồng, người cha có còn đủ mạnh để làm cột trụ gia đình, hay nó sẽ bị lung lay theo từng cơn gió lốc, khi có một chuyện gì đó xung đột xảy ra, thì ai sẽ là người có đủ quyền lực để đứng ra thẩm định rồi hòa giải.

Cũng có thể cảm nghĩ của Mẹ sai lầm từ bấy lâu nay, nhưng Mẹ vẫn sung sướng âm thầm chấp nhận. Có lẽ cũng do tánh máu mủ truyền thống của bà ngoại truyền sang, nên Mẹ cứ xem đó là những công chuyện trong bổn phận của mình, ngoài những lúc Ba con phụ mẹ trong tinh thần tự giác. Chớ Mẹ chưa bao giờ xem đó là một việc thường xuyên, bởi vì Mẹ đã nghĩ khi tạo hóa đã nặn ra một người đàn bà, thì cũng đã dành sẵn cho những công chuyện làm trong bếp núc.

Từ ngày dọn về nhà mới đến giờ, Mẹ biết ông bà ngoại con nhớ con quay quắt không nguôi. Riêng ông ngoại con thì lại lo xa, không biết Ba Mẹ có đủ sức để dạy dỗ hai con hay không, hay là vì được nuông chiều thái quá rồi hay con học hành không đến nơi đến chốn. Cũng có nhiều lúc ông ngoại đã nói với Mẹ rằng, đời sống của con người sự giàu nghèo hơn thua với nhau ở xã hội văn minh nầy không đáng kể, mà sự hơn thua nhau về trí thức học vấn mơi đáng kể mà thôi. Sau câu nói đó thì Mẹ đã thấy đôi mắt của ông ngoại con đã nhìn về một chốn xa xăm diệu vợi, mà ở nơi đó ngoại của con đã khôn lớn thành người, nhưng phương tiện học hành phải đổi bằng những giọt mồ hôi rất là khổ cực.

Còn hai tuần lễ nữa thì Kim Châu của Mẹ sẽ thi vào trường Selective, ở một vùng biển nổi tiếng của nền học vấn nầy, nên Mẹ lo lắng quá đi thôi. Ngày thứ bảy người ta rủ nhau đi Shopping mua sắm, còn riêng Mẹ thì phải chở con đi đổ ngược về miệt Campsie, để cho con học gạo thêm. Nhiều lúc thấy gương mặt của con hồn nhiên rạng rỡ, Mẹ có cảm tưởng rằng con gái yêu của mẹ sẽ thi đậu vào trường tuyển nầy chẳng chút khó khăn. Cũng như cách nay 3 năm về trước; chị Kim Thanh của con thi vào trường Selective High School ở Sefton, đang lúc hãng may của Mẹ bị chủ Tây người ta hối thúc, nên Mẹ đâu có thời giờ để đưa đón con đâu, chỉ có ông ngoại con đi rước trễ, trong lúc đó thì con đang đứng lầm lũi ở trên lề đường. Vừa thấy mặt con thì ông ngoại con hỏi "Sao bài vở làm có được không con?" Con cười để lộ cái răng khểnh ra ngoài rồi đáp "Dạ được ngoại, bài thi cũng dễ chớ không khó như người ta tưởng đâu..."

Thế rồi con đậu thiệt, lại đậu trong nỗi vinh quang của một đứa da vàng, khiến cho Ba với Mẹ rất đỗi vui mừng mà không biết bày tỏ với ai. Vì thế mà Mẹ cứ len lén nhìn con mỗi khi ngồi học, những khi đó thì Mẹ đã quên hết bao nỗi nhọc nhằn, để hồi tưởng lại một dòng đời tỵ nạn vừa qua. Có vài người bạn thân họ gọi điện thoại lại nói vài lời chúc tụng, Mẹ cũng không biết phải trả lời sao. Vì sợ người ta hiểu lầm cho rằng mình có được con ngoan rồi quá ư tự phụ. Bởi vì trong quá trình giáo dục, nó là một sợi mắt xích kéo dài; nếu không có công khó nhọc của ông bà ngoại con, thì một mình Mẹ làm sao kham nổi. Nhưng công lao khó nhọc đó, liệu sau nầy con có biết hay không, hay là con vẫn vô tư quên đi những cội rễ của mình, để tháp đôi cánh thiên thần bay vào trong vòm trời rộng bao la bát ngát, mà ở nơi đó con người phần đông đều chạy theo quả lắc của chiếc đồng hồ, để tạo cho thêm nhiều vật chất tiện nghi, trong khi đó thì đời sống về mặt tinh thần mỗi ngày thêm khô cạn!

Ngày đó Mẹ cũng không biết ăn mừng bằng gì, để cho xứng đáng với công lao học tập thức khuya dậy sớm của con, nên Mẹ và Ba đồng đứng ra tổ chức một bữa tiệc BBQ, gọi là một chút kỷ niệm cho con từ giã sân trường của thời thơ ấu, đó là ngôi trường tiểu học Harrington thuộc vùng Cabramatta West hiện giờ. Trong bữa tiệc của ngày hôm đó cả gia đình mình vui thiệt là vui, ông ngoại con cứ thủ sẵn máy hình, lo đi chụp hình tụi bạn bè con để làm kỷ niệm.

Thời gian mới đó mà đã ba năm, bây giờ con là một cô thiếu nữ với tuổi 15 tóc dài buông xõa. Có những buổi sáng mùa thu rỗi rảnh, Mẹ cùng hai con mỗi người một chiếc xe đạp chạy ở công viên, Mẹ nghe có một niềm hạnh phúc âm thầm đang nhỏ xuống trong tâm mà gần 40 tuổi đời bây giờ mới gặp, thì ra hạnh phúc là một cái gì cũng có thể ở gần, mà cũng có thể rất xa, nếu may mắn trong đời thì bất cứ sang hèn gì cũng có. Còn nếu chẳng may bất hạnh gặp bất trắc rủi ro thì không biết tìm kiếm nó ở đâu, thiệt đường đời của con người không ai đoán trước.

Mẹ thầm cám ơn Trời Phật đã cho mẹ có được hai đứa con gái trắng da dài tóc, nhưng cuộc sống mỗi ngày lại gặp khó khăn, nghề may gia công của Mẹ bây giờ gặp phải thuế khóa mới họ tự do hoành hành sát phạt, nên Mẹ vừa bàn với Ba con chắc phải đổi nghề. Nhưng nghề gì để nuôi sống được gia đình mà không ngửa tay ra xin đến đồng tiền trợ cấp an sinh của Bộ Xã Hội đây, đó là một câu hỏi mà Mẹ phải thao thức hằng đêm để tìm câu giải đáp. Bởi vì thời đại văn minh bây giờ, mọi thứ mưu sinh đều phải trông cậy vào tấm văn bằng, trong lúc đó thì Mẹ với Ba tay trắng làm nên sự nghiệp bằng sự thức khuya dậy sớm của mình. Bây giờ gặp lúc khó khăn thì biết xoay chuyển ra sao, cuối cùng Ba Mẹ cùng quyết định tập trung vốn để mở một cái nhà hàng. Nhưng từ xưa tới nay tuy Mẹ đã nổi tiếng nấu ăn ngon trong gia đình, giờ đây đảm đang một cái nhà hàng nằm ở một vùng biển để phục vụ cho đủ mọi thành phần sang trọng khách du lịch ở đây, liệu Mẹ với Ba có thành công để có đủ tiền nuôi hai con ăn học, như một niềm ước mơ của Mẹ hằng ắp ủ.

Rồi Mẹ với Ba quyết định sang lại nhà hàng của một người Tây. Ba Mẹ phải cầu viện đến ông ngoại con đi ra tận ngoài đó để cho ý kiến. Quả thật trí tuệ thông minh của ông ngoại con làm cho Mẹ kinh ngạc đến tột cùng. Sau một vòng quan sát chung quanh khu phố, Ông ngoại con gật đầu nói "được, hai con cứ mạnh dạn mà làm, không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con". Nhưng Mẹ và Ba cứ lo xa nên hỏi lạilà cách đây mấy căn có một cái nhà hàng Tàu ở đó rất lâu đời, liệu rồi đây nhà hàng mình có khả năng chia khách với họ không?

Ông ngoại của con vẫn cười rất là hiền hậu nói "Chính cái nhà hàng đó sẽ tạo ra cơ hội thuận tiện cho tụi con. Vì địa thế nhà hàng con tốt hơn, nằm sát biển hơn, sẽ cho thực khách một phong cảnh hữu tình, thì việc họ vào ăn nhà hàng con là một điều hợp lý."

Đây là lần đầu tiên trong đời Mẹ với Ba dốc túi ra làm ăn, nên Mẹ bắt đầu lo lắng, Mẹ không còn có nhiều thời giờ chăm sóc cho hai con. Nhưng Mẹ cũng cảm thấy an tâm một phần nào, khi nhìn thấy hai con càng ham học để không thua sút bạn bè, rồi ngày thi vô trường tuyển Selective High School Sans Suci của Kim Châu cũng đến. Lần nầy Ba Mẹ cảm thấy quá lo xa, nên vặn đồng hồ báo thức ở đầu giường, rồi thức giấc ngồi uống café trông cho trời sáng. Nhưng khi nhìn thấy đứa con gái cưng của Mẹ vươn vai ngồi dậy, như một con chim non đang nhịp đôi cánh lông mềm để chào đón bình minh, là khi đó trong lòng Mẹ cảm thấy vui tươi quên hết bao chuyện lo lắng nhọc nhằn. Sau khi lo cho hai con ăn sáng xong, là Mẹ canh đồng hồ để chở con ra đến trường không trễ nải. Nhìn bàn chân con bước vào lớp học, Mẹ cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ tới một lát nữa đây, con gái cưng của mẹ sẽ ngồi lọt thỏm vào trong lớp học, mà từ ông thầy giáo cho tới tất cả thí sinh, họ đều là những người Tây phương rất là dạn dĩ. Còn con liệu có đủ sức khôn ngoan để kịp làm bài, hay là con phải lo sợ cuống cuồng rồi quên trước quên sau, mà lẽ ra những đề thi nầy đối với con không có gì là khó cả.

Lần nầy Ba với Mẹ đưa con đi thi xong không ai muốn về nhà, bởi thời khắc bữa nay vô cùng quan trọng. Tội nghiệp cho ông ngoại của con, đã điện thoại ra động viên tinh thần biểu Mẹ đừng lo, vì ngoại của con đã biết rõ dòng máu của con đang mang trong người, là ít nhiều đã có cái (Gene) di truyền của ngoại truyền sang. Rồi buổi chiều lại đến, Ba Mẹ hồi hộp lái xe đi đến cổng trường để đón con. Vừa thấy mặt con xa xa từ nơi sân cỏ - không biết con đang nói gì với những đứa kia - nhưng nét mặt của con vô cùng hồn nhiên rạng rỡ, không một chút vương vấn lo sợ điều gì. Mặc dầu con vừa mới thi xong bước ra khỏi lớp, mà trên mặt còn vương lại nét ngây thơ, khi con đang cặm cụi làm bài, chớ không có điều chi sợ hãi.

Đợi cho con vào ngồi yên trong xe, Mẹ nắm tay con hỏi khẽ "Sao, bài thi làm có được hôn hở con gái cưng của mẹ?". Con liến thoắng trả lời "Được chớ mẹ, bài thi cũng đâu có gì khó lắm đâu, con làm xong trước giờ ấn định mà..."

Trong khi đó thì Ba con quay đầu lại mỉm cười, rồi mở bản nhạc Lòng Mẹ cho cái máy cassette hát lên, dường như Ba đang muốn tặng Mẹ một bài hát đó, khiến cho lòng của Mẹ tràn ngập nỗi vui mừng; thì ra hạnh phúc hay thiên đường Mẹ chẳng tìm kiếm đâu xa, mà Mẹ đang ngồi trong xe cũng có. Trong cơn hạnh phúc bồng bềnh đó, Mẹ lại nhớ đến bà ngoại con quá đỗi con ơi! Bởi cả đời của bà ngoại con là hình ảnh thân cò nơi quãng vắng, mới nuôi được một bầy con nên vóc nên hình, và giờ đây chính dòng máu ấy đã lưu truyền lại cho Mẹ đây. Mẹ hy vọng rồi đây sẽ noi gương theo bà ngoại để nuôi dưỡng hai cô con gái cưng của mẹ nên người, cho dù trên đời nầy có bao nhiêu sự cực khổ Mẹ cũng xin đưa tay ra gom hết. Để cho hai cô con gái cưng của Mẹ có được tuổi hồn nhiên, mà khi xưa vì ông bà ngoại nhà nghèo nên Mẹ chỉ thầm mong mà không bao giờ có được!

Rồi cái nhà hàng của Mẹ sắp khai trương mở cửa, Mẹ phải lo lắng cuống cuồng. Nào là phải chưng dọn làm sao khi thực khách bước vào để có một cái nhìn thẩm mỹ, rồi tới bàn ghế phải màu gì, thậm chí tới một tấm ra trải bàn mà khiến Mẹ mất ngủ cả đêm. Bởi vì ở vùng biển nầy phần đông là khách du lịch nhàn du, cho nên họ có một cái thói quen sang cả, mấy khi tẩn mẩn làm những công chuyện lặt vặt như vậy, làm cho Mẹ thấy xót thương cho dân tộc của mình, ở thôn quê bây giờ cầu có cơm ăn cho khỏi đói là may, chớ còn nói chi đến chuyện khung cảnh trữ tình, trong lúc đang ngồi nói chuyện vui chơi hay là ăn uống!

Trong lúc lo lắng như vậy, cũng may là Mẹ còn có hai con để an ủi trong những cơn mệt nhọc, mặc dầu hai con chưa có chia xẻ được nhiều, nhưng mỗi khi Mẹ nhìn hai con hồn nhiên cười nói, hoặc giận hờn hay cãi vã với nhau trong những khi ngồi học. Mấy lúc đó thì Mẹ mới cảm thấy một người đàn bà có con thật là hạnh phúc, còn những người đơn lẻ chắc hẳn cô độc một mình, cho dẫu có danh vọng bạc tiền thì cũng không bao giờ mua được nụ cười của những trẻ thơ, hay những nụ hôn ngọt ngào thơm tho mùi sữa.

Rồi Ba con bàn với Mẹ là mình phải đi bỏ quảng cáo từng nhà, để cho cư dân ở đây biết được ngày nhà hàng sắp sửa khai trương, chớ còn quảng cáo trên một tờ báo địa phương thì sợ không hiệu quả. Nhưng công việc nầy Mẹ chẳng biết phải nhờ ai, nên cuối cùng Mẹ phải nhờ đến hai con chạy đi bỏ quảng cáo giùm sau giờ tan học.

Nhìn hai con đang chuẩn bị đội nón an toàn, rồi thót lên yên xe đạp với vẻ tự tin như hai tay cua rơ đang rời mức, lòng của Mẹ thật sự xúc động bồi hồi khi nghĩ tới cảnh hai con của mẹ sẽ rụt rè bên cạnh những thùng thơ, rồi chậm rãi nhét vào trong đó những tờ quảng cáo của nhà hàng Việt Nam Lan’s Restaurant, như hai chú chim non lần đầu tiên xa rời tổ ấm, để sung sướng vỗ đôi cánh non mềm rồi bay vào bầu trời rộng bao la, mà không ngờ có những trận cuồng phong đang rình rập.

Ngày tháng lần lữa qua mau, ngày khai trương nhà hàng đã tới. Mẹ thầm cầu nguyện Trời Phật độ trì cho Mẹ mua may bán đắt, để nền kinh tế gia đình đủ sống nuôi con ăn học thành tài, cho nên Mẹ phải làm thêm những công việc của nhà hàng nặng nhọc, có lúc phải thức dọn dẹp tới khuya mà chưa được nghỉ. Nhưng liệu sau nầy hai con có bao giờ hiểu được điều đó hay không, hay là hai con vẫn vô tư bên gòng đời xuôi chảy, trong khi đó thì lòng Mẹ phải chịu úa xào, khi nghĩ tới cảnh già nua, để xách một túi đồ đi vào nhà Dưỡng Lão! Đó là một nền đạo lý bất thành văn, mà kiếp nhân sinh nào rồi cũng phải đi qua bằng con đường đó. Liệu rồi đây hai con có hiểu được lòng mẹ hay không, hay tụi con cứ vẫn vô tư như một con chim vừa rời tổ. Khi ngước mỏ nhìn vào bầu trời rộng bao la, đã vội quên đi cái tổ chật hẹp của mình, nên bay mất biệt không còn nhớ ra nguồn cội.

Tới chừng đó thì Mẹ cũng phải đành chịu vậy thôi, vì mỗi thế hệ đời sống của con người đều đổi khác, nhưng sao Mẹ vẫn lo âu, Mẹ ao ước được sống cận kề bên con như lúc còn trẻ dại, để được chăm sóc cho con từ miếng ăn giấc ngủ như hiện giờ, nhưng liệu rồi đây Mẹ có níu giữ được cánh chim non, hay phải đứng ngậm ngùi nhìn hai cánh chim đang bay vào trong cơn giông bão.