main billboard

 

Vợ thấy chồng ra vườn, tính hỏi trời còn lạnh và tối đi đâu ?...

ngam canh hoang hon
Năm nay sang thu mới có mấy hôm, đã rét, đêm giãn nở rộng ra ngày co ngắn lại. Chiếc đồng hồ Westminster gõ năm tiếng, bản nhạc thời gian cũ kĩ muộn màng, vào hạ mặt trời giờ này đã như con thuyền mũi cong chở đầy lửa trôi lên ngoài khơi biển Nha Trang bên cạnh Hòn Tre, một hải đảo nằm dọc, trông giống như con cá sấu nước mặn, nổi một nửa trên mặt biển, một phần chìm trong đường chân trời bằng nước, một con đương cong vĩ đại mơ hồ, mỏng manh. Sáng nay đôi chích choè trống mái, ngủ trong bụi tre gai nhà ông cụ Giảng đã bay ra đậu nơi nhánh tre đầu giàn mướp và nhả tiếng hót trong veo như những hạt cườm tung lên nền trời đen và trong như tranh sơn mài .

Đêm qua anh ngủ rất khó, anh động đậy cả đêm, anh không dám làm vợ mất ngủ, anh xoay trở nhẹ nhàng. Và như thói quen, mọi buổi sáng anh dậy sớm tới bàn làm việc. Anh ngồi xuống, mở đèn bàn, cái lưng to bè che ánh sáng cho vợ ngủ. Thỉnh thoảng anh xoay người lại xem mắt vợ có bị chói không ? Đêm qua chị cũng ngủ rất ít, đêm thu đã dài, người có tâm sự thấy càng dài hơn, chị đã lặng lẽ thức cùng anh, không ai dám gợi chuyện, sợ người kia mất ngủ. Chị biết những đêm như thế này cái viên đạn còn kẹt trong cột sống nó tha hồ hành hạ anh. Chị đã có dịp trông thấy đầu đạn rồi, trận đánh ấy anh bị thương hai chỗ, người ta gắp ra một viên, còn viên kia khó quá không dám gắp. Họ nói đạn M16, có khi còn kêu là AR 15, đầu đạn nhỏ và nhọn như một đoạn bút chì, bọc lớp đồng thau sáng loáng, có vết trầy theo chiều dọc. Lần ấy chị hỏi về vết trầy trên lớp đồng thau, chị xót xa tưởng nó trầy là vì chạm phải xương bả vai chồng. Họ nói không phải, ấy là dấu vết đường khương tuyến trong lòng súng. Chị hỏi “khương tuyến” là gì. Họ nói ấy là con đường xoắn ốc trong lòng súng để viên đạn khi thoát ra bay theo đường xoắn xa hơn, mạnh hơn, tàn phá ghê gớm hơn, đầu đạn bay xoắn như mũi khoan xuyên vào mọi thứ kể cả sắt thép. Hình ảnh viên đạn như mũi khoan còn lại mãi mãi trong tâm tưởng cả hai vợ chồng. Hai người đều biết hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây cái mũi khoan tròn bằng thép bọc đồng ấy tiến dần vào cột sống anh, các bác sĩ tránh nói đến khi nó chạm bó dây thần kinh thì anh liệt toàn thân, tạo ra nhiều biến chứng, sau đó cuộc sống kết thúc. Chị hỏi sao viên đạn này bé thế ? Một anh lính nói :“ Cần gì to, chừng ấy cũng đã đủ kết liễu sinh mạng một con người, chị đã trông thấy vết thương đạn M16 chưa ? Lối đi vào chỉ là một lỗ nhỏ, làn da gần như bít nó lại. Thế nhưng nơi thoát ra là một cái miệng sâu, toang hoác da thịt tơi cả ra, kinh khủng lắm ! ” Đừng tưởng nó nhỏ, không phải người, con voi to trúng viên đạn bé tí ấy cũng ngã. Khuynh hướng chế tạo vũ khí bây giờ là gọn nhẹ. Người lính ra trận có thể mang theo cùng một lúc hai ba cơ số đạn, chị không biết “cơ số” là gì? Chị hỏi, anh lính nói, còn tuỳ binh chủng…

Bây giờ cái viên đạn có thể gọi là định mệnh, người khách không mời đã đến và ở lại cùng anh gần năm năm rồi. Thường thì nó ngủ. Nhưng cũng có khi nó không để cho anh yên, nhất là những lúc mà người ta gọi là “trời động”. Nó hành hạ anh đủ kiểu, có khi đầu nhức như đinh đóng, nhiều lúc chẳng đi đâu hai chân cũng mỏi nhừ. Lại có khi chẳng duyên cơ gì suốt đêm không chợp mắt lấy một phút. Anh đến nhiều viện quân y hỏi về viên đạn kẹt trong cột sống. Nơi đâu cũng cho chụp X Quang, hội chẩn và kết luận: Đầu đạn nằm ở vị trí rất khó can thiệp, không khéo nguy hiểm tính mạng hay chịu cảnh tê liệt toàn thân. Anh hỏi tỉ lệ sống chết khi phẩu thuật để còn liệu, người ta nói năm mươi năm mươi. Tạm thời nó yên thì thôi, chưa nên nghĩ đến chuyện gắp ra, sau này… Anh nói, nó đâu có để yên cho tôi, nó hành đủ điều… Cuối cùng bệnh viện đẩy qua cho anh cái trách nhiệm nặng nề và tàn nhẫn là kẻ gieo con quay số mệnh đời mình , ra mặt đen, mặt đỏ nào đó là định mệnh. Nghĩa là họ để cho anh định đoạt số phận bằng giấy trắng mực đen. Bệnh viện hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Và cuối cùng thì anh cũng ngả sang hướng: Tạm thời thì chờ, hãy cố chịu đựng những đau đớn khó khăn không thể tránh khỏi, cho đến lúc không còn chịu đưng nổi nữa.

Trong buổi sáng mùa thu yên tịnh có tiếng ai mài dao rựa trên hòn đá mài xanh màu cua đồng, võng như cái yên ngựa, cạnh giếng. Người ấy mài một lúc, dừng tay . Không phải vì mỏi mà hình như dừng lại để ướm thử con dao đã bén chưa ? Một lúc sau tiếng mài dao ngừng hẳn và có tiếng vật nặng rơi xuống sân đất. Không phải âm thanh quả dừa lửa rơi từ ngọn xuống cái sân lót gạch, nó kêu nhẹ hơn. Anh ngẫm nghĩ, và kinh nghiệm nhiều năm qua cho anh biết đã tới giờ thằng Tạo, cháu nuôi bà cụ Giảng hàng xóm bê cái đòn ra sân chẻ củi. Thay vì cúi xuống thì nó đứng thẳng ném cái đòn gỗ xuống sân .

Cụ Giảng ông thất lộc từ lâu, cụ bà năm nay đã hơn tám mươi, mấy năm trước cụ còn ra và, qua nhà hàng xóm ngồi ăn trầu, nói chuyện. Riêng năm nay thu đến sớm, trời rét , nhiều ngày liền không thấy cụ ra khỏi nhà. Mấy ngày qua mưa, mưa lê thê, dầm dề rả rích, khắp nơi ẩm ướt. Giường chiếu chăn màn đều ẩm mốc . Người già như cụ chắc lạnh lẽo khó chịu lắm. Mỗi buối sáng cụ kêu thằng Tạo chẻ củi nấu nước, pha trà cúng Phật, cúng ông bà, đốt cái lò sưởi bưng lên đặt cạnh giường.

Anh quay lại nhìn vợ, thấy vợ đã thức giấc, dịu dàng hỏi :

- Nhà còn củi không em ?

Vợ :

- Còn, hỏi làm gì ?

- Nhiều ít ?

- Ít thôi. Mai mốt mua thêm .

Rồi vợ nói giọng rền rĩ :

- Thời buổi củi quế gạo châu …

Anh đứng lên bỏ đi. Ánh sáng từ cây đèn bàn bị cái chao đèn che lại đổ xuống thành một khoảng sáng tròn trên mặt bàn đầy giấy tờ, những bản thảo, bài thơ mới của anh, bài ngắn, bài dài, có bài chỉ mới đôi dòng đã bị anh vo tròn bỏ đi.

Vợ thấy chồng ra vườn, tính hỏi trời còn lạnh và tối đi đâu ? Chưa kịp hỏi thì anh đã đi khuất. Bên ngoài ngôi nhà âm u, bình minh còn mơ hồ lắm, nó nằm đâu đó ở chân mây. Anh không ra vườn ngắm hoa mà nhìn qua sân đất quét rất sạch nhà cụ Giảng, đúng như anh đoán, thằng Tạo chuẩn bị chẻ củi .

Anh kêu khe khẽ vừa đủ cho thằng nhỏ nghe :

- Tạo, khoan chẻ tấm bảng gỗ, chờ tao một chốc .

Anh đi thẳng vào bếp nhà mình, cúi xuống nơi chứa củi, ôm một mớ đem ra, trao cho thằng Tạo, nói nhỏ chỉ vừa đủ cho nó nghe:“Lấy củi vô nhà nhóm lửa cho mệ. Đưa miếng ván ấy cho tao, giữ bí mật, đừng nói cho ai biết nghe không !”

Thằng Tạo ngạc nhiên không biết ông hàng xóm lấy tấm ván làm gì? Nó nhỏ quá, chẳng đóng bàn ghế gì được. Hay ông tính làm cái chuồng chim? Hắn cầm tấm ván lên xem, và trong làn ánh sáng mơ hồ của một buổi bình minh mùa thu, lưng ván dính đầy mực đủ màu lưu cữu, mặt kia lồi lõm, hiện lờ mờ hình khắc con lợn. Cũng không giống con lợn nhà nó nuôi mấy. Lợn gì mà lưng bụng hiện lên mấy cái vòng tròn xoắn trôn ốc. Đó là bản khắc gỗ in tranh con lợn. Ở làng Đông Hồ này ai cũng biết nghề làm tranh. Song ấy là chuyện ngày xửa ngày xưa, thời trước chiến tranh, thời đất nước còn thanh bình. Như thơ tết Đoàn Văn Cừ :“Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ. Tìm đến chỗ đông người bày ra bán…” Cái ngày mà cha nó bằng tuổi nó bây giờ, chạy lon ton theo cha đi bán tranh. Cả làng chuyên làm tranh in trên giấy dó, cuốn lại cho vào đôi bồ gánh xuống đò ngang, qua sông Đuống, lên Hà Nội bán tết. Trong những năm chiến tranh. Cùng với phong trào rầm rộ hợp tác hoá, ruộng đồng riêng tư dồn chung lại, cày bừa chung, cấy chung, gặt hái chung, ấy là cuộc thí nghiệm vĩ đại, lâu dài, thất bại đau đớn. Bao nhiêu làng nghề thủ công của cả nước như loài thú quý hiếm đang trên con dốc tuyệt chủng. Ai cũng bỏ nghề, chạy theo kiếm công điểm, vẫn không đủ sống.

Mỗi bức tranh in bao nhiêu màu phải có bấy nhiêu bản in. Thành ra có hàng trăm bản để in những bức tranh nổi tiếng như cá chép hoá long, hái dừa, đánh ghen, đám cưới chuột, đô vật, bầy gà, thầy đồ cóc. Những năm chiến tranh và phong trào hợp tác hoá vô cùng khó khăn ấy dân quê thiếu chất đốt, kể cả rơm rạ cũng không được cắt về nấu cơm, người ta đã phải đau đớn chẻ những bảng khắc làm củi. Riêng nhà ông cụ Giảng, vì ông cụ quá yêu nghề, yêu tranh, yêu đến nỗi không nở chẻ những bản in. cụ nói :“Thà tháo cột nhà, rui mè, sập gụ tủ chè ra mà đốt còn hơn đốt bản in tranh!”. Cụ giữ chúng cho đến hết đời cụ. Khi còn sinh thời có người hỏi ông :“Giữ làm gì cái đồ cổ hủ lạc hậu ấy. Tranh Tây tàu bây giờ in bằng máy móc, rẹt cái là xong cả chục bức tranh giấy láng trắng tinh màu tươi rói, đẹp mà lại nhanh, giá rẻ. Tranh mình làm thủ công bì sao nổi ?” Ông cụ nói :“Ừ thì cố giữ cái nghề tổ tiên được ngày nào hay ngày nấy. Đừng có phụ nghề. Cái làng tranh này đã nhờ nó mà nuôi sống bao nhiêu thế hệ rồi. Tuy làm tranh không giàu có hơn ai nhưng cũng là cái nghề nhẹ nhàng tấm thân, lương thiện. Mấy bảng khắc này truyền lại đến đời tôi là đời thứ ba. Từ đấy in ra biết bao nhiêu vạn bức tranh dân gian cống hiến cho đời. Tôi thấy người làng mình chẻ tranh ra nấu cám lợn, đau đớn xót xa quá !”.

Anh đem tấm bảng khắc vô nhà, lấy tờ giấy báo gói cẩn thận lại, cho vào rương đựng bản thảo thơ cất dưới giường.

Sáng hôm sau cảnh cũ lại tái diễn, việc lấy củi đổi bản in chỉ có anh và thằng Tạo biết. Hôm sau và hôm sau nữa, anh có thêm hai bảng, rồi anh cứu được thêm nhiều tác phẩm nữa. Nhưng giờ thì nhà anh hết củi rồi, cả sau lẫn trước chẳng còn một thanh gỗ, cọc hàng rào cũng đã bị nhổ. Chỉ còn cây rơm khô. Song không lẽ lấy rơm khô sang đổi lấy ván của bà cụ. Anh đã nghĩ ra cách khác: lên núi đốn củi. Mùa đông đã đến, bà cụ cần nhiều củi sửi ấm hơn. Mùa đông là mùa mà viên đạn trong cột sống của anh thức giấc. Mỗi đêm anh ngủ được vài tiếng. Anh hỏi vợ :

- Cái rựa cán dài của nhà mình đâu ?

Vợ :

- Lâu nay thấy bỏ lăn bỏ lóc, bọn trẻ con xách đi chơi, hôm lão Cầu đên hỏi mượn phát bờ. Lão nói mượn ba ngày. Em nói đùa. Cho ông mượn luôn ba mươi ngày. Nói là nói chơi. Lão tưởng thật, tháng sau đem trả. Lão bỏ công ra làm chiếc cán mới, mài rất bén, mài bay biến cả mấy nơi sứt mẻ. Lão cảm ơn rối rít. Em cười , nói :

- Tui nói giỡn với chú đó. Chú đã bỏ công ra tra cán lại, mài bén, chú cứ để đó mà dùng luôn đi. Khi nào cần chú cho tui mượn lại .

Nghe thế anh rất mừng, nói :

- Em qua nhà Ba Cầu mượn lại cho anh đi.

Vợ :

- Mượn về làm gì ?

Anh :

- Lên rừng kiếm phong lan …

Vợ :

- Mùa đông rồi, lan nào nở ? Đợi xuân vê hoa nở, rừng ấm lên, vào núi cũng kịp. Dạo này sức khoẻ anh thấy thế nào? Lại dám một mình lên rừng. Kiếm phong lan làm gì ?

Anh :

- Kiếm phong lan về trồng, chơi, bán. Tết lại triển lãm …

Vợ :

- Thời buổi cơm gạo không đủ ăn, ai dư tiền chơi hoa ?

Từ đó mỗi sáng chị thức dậy sớm nấu cơm, hai vợ chồng ăn no, lấy khăn vắt cơm, nén lại, cắt thành nhiều mẩu nhỏ để vào mo cau thêm một ít thịt cá kho khô, mặn dành ăn trưa. Chị ra chợ mua bán, chiều chạng vạng mới về, chị chẳng chú ý gì công việc chồng. Anh đi vào vùng có nhiều cây cối là chân núi thơm, một khu rừng mưa. Chiều nào nhìn lên đây cũng thấy ánh chớp, nghe tiếng sấm xa. Rừng nhoà trong mưa, như nét vẽ bằng mực tàu loang trên giấy bản, mây phủ kín chân núi, thấy núi như mọc lên từ mây, ngọn núi thần tiên. Vào nơi đây cũng không dễ. Xưa có con đường xe trâu, lâu quá chẳng còn ai vào núi, con đường chìm trong cỏ dại cây rừng, mất dần, rừng lại thành rừng, vết tích cuối cùng cũng chẳng còn. Anh lần mò với cây rựa cán dài mở ra cho mình một con đương lên núi mới. Trưa anh ghé vào bóng mát bụi bờ mở cơm ra ăn, nằm trên đống lá khô chộp mặt được một lúc, anh thường nằm mơ thấy những giấc mơ ngắn mà vui, và về sau là những giấc mơ huyễn hoặc, anh biết ấy là biến chứng do viên đạn đồng nhả chất độc làm nhiễm độc hệ thần kinh . Có điều sau những đoạn mơ ngắn, thức dậy thấy khoẻ khoắn trong người. Anh lại vung cây rựa cán dài, chặt cây mở lối. Chiều lại, khi ông mặt trời đi ngủ rụng xuống “vực mây ngủ” sau núi Thơm cũng là lúc anh xuống núi . Con đường anh đã mở buổi sáng, những thân cây, dây leo, bị chém đứt phơi mình, ngã rạp. Anh hạ sơn, vừa đi vừa nhặt những cành cây, bó lại thành bó, đoạn cây rừng vót nhọn hai đầu xỏ làm đòn gánh, quảy đi ngâm nga :

Một gánh càn khôn quảy xuống ngàn

Hỏi rằng chi đó gửi rằng than …

Là một người làm thơ anh thấy mình ngâm vịnh cảnh này là không ổn . Ở đây không gánh than mà gánh “củi” không điệp vận “an”. Anh sửa câu thơ trong bài thơ người đốt than đầy khẩu khí đế vương của vua Lê Thánh Tôn thành :

Một đoá hoa xanh trẩy xuống ngàn

Hỏi rằng chi đó thưa là lan!

Ước gì có đóa lan xanh. Nhưng phong lan đâu ? Vừa nghĩ đến lan bỗng có làn hương lạ lẫn trong gió thoảng qua . Anh nhìn lên cây cổ thụ, lan rừng bám đầy, một giò lan nở ra đoá hoa lớn, đài hoa màu xanh ngan ngát như bàn tay chụm lại che chở bên trên, lòng hoa lè ra chiếc lưỡi màu tím nhạt, màu hoa cà lấm tấm đen. Đó là một đoá cách-lan-hương (cattleya) rất quí. Anh mừng lắm. Đặt gánh củi xuống, trèo lên. Cây cũng dễ leo, có nhiều nhánh nhỏ cho anh đặt bàn chân. Mùa đông qua mưa dầm dề, lê thê, trời đất u ám, nặng nề như chì và rừng ướt như mái tóc vừa gội xong . Trên mình cây có một thứ meo màu xanh nõn chuối mọc đầy. Meo trơn như mỡ. Anh cố gắng leo lên càng cao meo càng nhiều càng trơn trợt. Anh chợt rùng mình, rung động tâm can, hình như “ngày đã đến” cũng là lúc anh phải “về”, anh cảm thấy trong chốn sâu thẳm cái đầu đạn hình mũi khoan nó đã xoáy vào bó dây thần kinh trung ương, nằm giữa những đốt sống và nó đã chơi xong trò chơi của mình, toàn thân lạnh giá. Anh muốn níu cành song tay chân anh đã hoá thạch, và anh thấy mình rơi, không như một hòn đá rơi theo chiều dọc mà như chiếc lá bay ngang hơi chênh chếch lên phía đỉnh núi, anh nương theo làn hương, la đà quấn quít, bụi cỏ chòm cây, không nỡ rời ngọn núi thân yêu, từ đó có thể nhìn thấy nhà mình… Từ đó không ai thấy anh .

Chị đã làm cái giỗ thứ ba cho anh, sư bà trên chùa xuống làm lễ đoạn tang, nỗi đau cũng đã nguôi ngoai phần nào. Chị còn trẻ, còn nhan sắc song lòng đã băng giá, chị thấy trên đời này không ai tốt đẹp như anh. Mỗi chiều, nhớ anh chị thường nhìn núi Thơm nhạt nhoà trong mây. Trong làn gió chiều thổi từ hòn núi thần tiên xuống có bàn tay anh ve vuốt mềm mại dịu dàng, chị rùng mình , trong đó có cả cái mùi của ngàn đêm vợ chồng ngà ngọc. Chị tự trách đồ ma mị, làm gì có chuyện huyễn. Thế sao dân gian có câu :

Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Cá thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.

Rõ ràng là cái mùi thân quen, không thể nào lầm lẫn được. Hồi hôm gần sáng trong mơ, có ánh chớp vàng, lâu lâu loé lên một cái, có điều không rõ nó phát ra từ đâu ? Hình như dưới thấp, sát mặt đất. Mà cũng có thể không có thật, chỉ là ảo ảnh. Khi vừa chợp mắt chị nghe mùi trầm hương quyện với khúc nhạc thiền. Chị định mai kéo chiếc rương của anh ra xem. Khi anh còn làm thơ, chị không dám động vào thế giới thi ca riêng tư của anh. Lúc anh mất, chị cũng không đủ can đảm khám phá chiếc rương. Nay chị lo lũ chuột chui vào cắn phá bản thảo thơ anh. Lâu nay chị để dành nhưng chưa đủ tiền in cho anh tập thơ. Hôm sau chị mở rương ra. Trời ơi! Dưới những tập bản thảo là là hàng trăm bảng in, mới tinh. Bao nhiêu vết mực in lưu cữu bay biến đâu cả, những nét khắc sắc sảo tinh khôi như mới được bàn tay nghệ nhân điêu luyện khắc hôm qua . Chất gỗ thơm lừng mùi hương trầm, và chìm trong thớ gỗ có những mạch gân màu nâu sậm, ấy là trầm đã kết tinh thành chất kì nam, quí giá hơn vàng. Và một bức thư của anh viết tự thuở nào, bảo chị trao lại tất cả cho gia đình cụ bà, cố gắng phục hồi làng tranh .

Nhiều năm sau thời thế thay đổi. Những giá trị đích thực, dù bị chìm trong lớp bụi quên lãng của thời gian, hay bị dìm xuống tận đáy sâu của thói lai căng, cũng đã phục sinh, vàng qua bao nhiêu lửa vẫn cứ là vàng. Người ta lại phát hiện cái đẹp của tranh xưa. Làng nghề tranh hồi sinh mạnh mẽ. Những nghệ nhân len rừng tìm cây dó bầu, dó niệt, một loài cây gỗ nhẹ, mềm không nứt, cong vênh, sớ rất mịn, thường dùng đẽo guốc hay khắc con dấu, bảng in . Những nghệ nhân lớp sau lại khắc bảng in tranh Đông Hồ, song nói chung những bản khắc đều thiếu cái hồn dân tộc, cái không khí cũ kỹ muộn màng, hồn nhiên như mấy câu trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên : Người của muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ ? Tranh mới làm ra trông “sang trọng” quá, “đẹp” quá.

Thời kỳ này gia đình bà cụ Giảng một gia đình nhiều nhân khẩu toàn đàn bà trẻ con, thiếu lao động chính, cơ cực vô cùng. Bà cụ gần trăm tuổi cùng với con cháu và dân làng nhận lại bảng in, lập tổ hợp tác, phục hồi nghề tranh Đông Hồ .

Sau này người nghe chuyện cười cợt, cho đây chỉ là huyền thoại. Song cũng có người lại nói , con người bình thường, bằng da bằng thịt, xuống nước không bơi nhanh như cá, tung lên tròi không bay được như chim, con kiến cắn cũng đau, con người với đầy đủ sự khinh miệt của đấng tối cao “mày trần mắt thịt” ấy , chỉ với lòng tốt có thể đoạt quyền thượng đế thần linh, phóng tay làm phép lạ. Gỗ mục hoá trầm hương chính là kỳ tích cực kỳ tráng lệ của cái tâm con người .