main billboard


Bác làm than, một đống than đồ sộ, cháu đã tìm thấy kim cương trong đó.

than va kimcuong


Mấy tháng nay vợ tôi không còn ngồi trước gương trang điểm nữa. Đã ba mươi năm qua, kể từ khi về chung sống với nhau, không sáng nào cô ấy chẳng bỏ ra cả giờ cho việc làm đẹp. Điều thay đổi quan trọng này lẽ ra tôi phải chú ý ngay từ đầu, thế mà tới lúc này tôi mới chú ý . Tôi thật là con người vô tâm, cũng may lần này vợ tôi không trách . Tôi còn nhớ sau ngày lấy nhau, mười năm đầu nàng trang điểm để làm lộng lẫy hơn cái nhan sắc sẵn có, mười năm kế tiếp thì việc trang điểm chỉ có mục đích giữ lại vẻ đẹp của mình, mười năm sau cùng, cố trang điểm để che lấp tuổi già. Còn ngày nay thì nàng buông trôi tất cả để cho tuổi già cuốn nàng đi như con thuyền thả trôi trên dòng nước. Tôi nghĩ tới tuổi này, khi mà những nếp nhăn nhanh chóng xuất hiện ở đuôi con mắt, quanh khoé miệng, khi mà son phấn không còn che lấp được vẻ héo hắt của làn da, thì người đàn bà không còn hơi sức đâu mà níu kéo tuổi xuân lại . Thời gian thực là tàn nhẫn .

Tôi thương cảm cho nàng mà lại xót xa cho mình. Chính tôi lúc này cũng đang muốn buông xuôi tất cả, không còn lòng dạ nào chống lại qui luật của tạo hoá nữa. Tôi cũng sẽ thôi son phấn, nhường chỗ cho người khác khoác vương miện giai nhân, thế mà lòng tôi không ngớt xót xa, tiếc nuối cho thời vàng son của mình . Mấy tháng qua, giống như vợ tôi không đá động tới son phấn, tôi không cầm tới cây bút nữa. Một nhà văn tên tuổi, có một sự nghiệp văn chương đồ sộ như tôi, tự nhiên gãy ngang tất phải có một lý do gì ghê gớm lắm. Đằng này tôi mất cả năng lực sáng tạo, mất cả sự tự tin, và nhất là tắt ngấm niềm kiêu ngạo ngự trị suốt thời gian qua, tất cả chỉ vì cái truyện ngắn của một kẻ vô danh gửi đến cho tôi .

Thực đúng với nghĩa của từ truyện ngắn, nó chỉ dài có năm trang giấy viết tay, kèm theo truyện là bức thư của một cậu thanh niên nào đó, hắn gọi tôi bằng bác và xưng là cháu. Xem thư tôi thấy hắn là một kẻ hết sức cẩn thận và nhút nhát. Thay vì cầm tới cho tôi đọc và nghe một vài lời khuyên qua loa thì hắn lại không đến . Hắn nói hắn sợ làm phiền tôi một cách bất ngờ và hắn cẩn thận tới nỗi hẹn một tháng để tôi đọc năm trang giấy . Tôi chưa vội đọc . Kinh nghiệm cho tôi biết chẳng mong chờ cái gì hay ho trong những câu chuyện loại này. Tôi ngỡ đọc xong năm trang giấy tôi sẽ quên mất những gì viết ở bên trong. Đây là cái lầm đầu tiên phát xuất từ sự xem thường văn chương kẻ khác . Vậy mà không thể tưởng tượng nổi, truyện của hắn viết, một lần đọc chưa chắc suốt đời đã quên được !

Đã có nhiều người tìm đến trao đổi với tôi về những điều họ viết. Tôi luôn luôn làm bộ niềm nỡ,. Giả vờ nhún nhường, làm ra vẻ chú ý lắng nghe ý kiến người khác. Tôi hà tiện lời khen, tôi tiếc từng lời động viên, nhưng thực là lạ, càng tỏ ra khó tính bao nhiêu, tôi lại càng được người khác tìm đến hỏi han nhiều bấy nhiêu. Những điều tôi nói ra, dù tầm thường vẫn cứ được người khác xem như khuôn vàng thước ngọc trong nghề văn . Họ tin tôi tới mức sùng bái. Còn tôi thì khác, tôi dùng cơ hội gặp họ để nói về mình nhiều hơn là nói về tác phẩm của họ. Tôi thuyết giảng cho người khác nghe về những quan điểm văn học, về sự uyên bác bắt buộc phải có của người viết văn, về cái vốn sống mà làm như trên đời chỉ có tôi là có, về những đức tính cao quý của nghề văn . Cuối cùng tôi dành cho họ một vài nhận xét mơ hồ, có chừng mực, có tính toán giữa khen và chê . Thường thường tôi thành công trong việc làm cho kẻ khác kính nể mình. Tôi thấy khi đứng lên cảm ơn từ biệt tôi ra về , không có kẻ nào tỏ ra phấn khởi cả. Người thì thể hiện trên nét mặt mình một sự hy vọng mong manh về bản thân. Người thì hoang mang về những nhận xét của tôi về những điều họ viết. Người thì cố gắng dấu tận đáy lòng sự thất vọng sâu xa về những điều tôi nhận xét về văn chương của họ. Tôi nghĩ thầm : hoang mang, thất vọng hay hy vọng , mặc kệ, miễn sao họ nể nang mình là được ! Không hiểu sao trong suốt cuộc đời , với kiểu cách này tôi đã giết bao nhiêu mầm non văn nghệ .

Bây giờ hồi tưởng lại tôi phát rùng mình . Tôi đã suy nghĩ, đã sống, đã tiến lên phía trước bằng cách đó. Nếu tôi vấp ngã, tôi sẽ không còn hơi sức đâu đứng lên đi tiếp . Quả nhiên là thế, hoàng thiên hữu nhãn, ông trời thật công bình , tôi đã phải trả giá. Bây giờ tôi đã vấp ngã chỉ bởi một viên cuội nhỏ bé – thật là oái oăm – cái truyện năm trang giấy của một kẻ vô danh .

Hôm đó đối với tôi là một ngày xảy ra đại hoạ . Tôi sắp kết thúc chương cuối cùng của một bộ sách mà tôi tin nó sẽ là tác phẩm để đời. Thực là một bộ sách vĩ đại. Tôi tin về sau những người biên khảo văn học sử sẽ xem nó là biểu tượng văn học hoành tráng của những năm cuối thế kỷ hai mươi. Quyển sách đồ sộ của nhiều ngàn trang giấy, tôi dựng lên bao nhiêu là nhân vật trong một giai đoạn dài của lịch sử . Giờ đây tôi có cái sung sướng sắp đặt cây bút vào dòng cuối cùng. Tôi mở ngăn kéo tìm thuốc . Hết thuốc tôi sai thằng con đi mua. Trong khi ngồi chờ đợi, tình cờ tôi nhặt cái truyện ngắn lên xem. Đối với loại bản thảo của những cây bút mới như thế này, tôi thường có cái tật đưa mắt liếc xem vài dòng đầu, vài dòng cuối, tìm chỗ hỏng để có cớ mà không đọc nữa . thực là bất ngờ, cái truyện này gây chú ý cho tôi ngay từ dòng đầu, nó hứa hẹn một cuộc thám hiểm kỳ thú vào cõi văn chương. Tôi đọc một mạch, tôi đọc lại và đọc lại lần nữa. Một cảm giác choáng ngợp về một sự tráng lệ không thể tưởng tượng được của một thứ văn chương đích thực, một thứ văn chương không cần dụng công, chẳng cần làm dáng. Tôi thở gấp, nhiều cảm xúc lẫn lộn nảy Tôi so sánh hắn với tôi rồi tôi chán ngán sâu xa về những điều tôi đã viết mà lâu nay tôi cho là hay ho. Niềm kiêu ngạo trong tôi phút chốc lịm tắt, chỉ còn lại sự hỗ thẹn. Nếu có phép màu cho tôi trở lại tuổi hai mươi, tôi sẽ chẳng bao giờ làm nghề viết văn. Nếu tôi làm thợ mộc chẳng hạn, những chiếc bàn chiếc ghế tôi đóng ra, người ta dùng một thời gian rồi hư nát, thế là họ quên. Còn những quyển sách dở chẳng làm sao xoá đi được. Cho tới lúc này khi đã bơi quá xa trong văn nghiệp tôi mới thấy sự hiểm nghèo của nó. Lâu nay tôi đã sống trong thứ hào quang giả mà tôi chẳng hay .

Cái truyện ngắn này thật là đặc biệt. Nó được viết ra dễ dàng làm sao, trong khi những truyện tôi viết thường phải đùng nước mắt để kêu gọi nước mắt, nụ cười để gợi ra những nụ cười. Truyện của hắn bên trong không có một giọt nước mắt, không có một tiếng cười thế mà ngươi đọc không cầm được nước mắt, tiếng cười. Tôi thì phải dụng công bỏ ra hàng trang giấy kín cả chữ để mô tả con người, thế mà nó vẫn cứng ngắt, loè loẹt, bất động như đồ hàng mã , còn hắn chỉ cần vài câu mà nhân vật sống như đang ở cạnh ta. Tôi viết ra bao nhiêu trường đoạn lê thê tả tình tả cảnh, lý giải sự đời thế mà cuộc đời trong tiểu thuyết của tôi giống như có cảnh giả trên sân khấu . Còn cuộc đời trong tác phẩm của hắn sống động như ta đẩy cửa sổ nhìn ra đương phố . Tôi ra sức đào bới tâm hồn con người nhưng cũng chẳng nhặt nhạnh được cái gì mới lạ còn hắn tìm được những cái rất tầm thường trong ngóc ngách tâm hồn nhưng xưa nay chưa có ai đề cập .

Khi đọc, tôi thấy sao hắn viết dễ dàng đến thế. Hắn không bị ràng buộc gì cả. Hắn ngồi xuống, cây bút bay bổng theo cảm khoái. Còn tôi thì mang nặng bao nhiêu là xiềng xích, những trói buộc không hẳn là nghệ thuật. Tôi phải viết cái gì đây? Phải đem cái gì to tát tầm cỡ vào trong truyện, rồi văn phong văn thái, rồi phải đua đòi theo trào lưu này , trường phái nọ, rồi còn phải nghĩ tới những cây bút phê bình văn học .

Tôi chưa bao giờ thấy được viết là sung sướng. Khi viết tôi thở gấp, mệt nhọc và cố gắng. Tôi không khoái cảm thì làm sao truyền khoái cảm cho người đọc được. Tôi chỉ có một thích thú là uống no nê, bơi lội nhởn nhơ trong cái bể hư danh phù phiếm . Giờ đây tôi là một cây đèn hết dầu lịm tắt , còn hắn như một ngôi sao toả sáng.

Tôi ngồi thừ ra bàn nghĩ ngợi lo âu. Lần này tôi không thể dùng cái phương cách thông thường như trước đây tôi vẫn sử dụng để giết các mầm non văn nghệ. Tôi nghĩ kẻ đã viết được cái truyện kiểu này tất phải biết giá trị của nó. Một cảm nghĩ đố kỵ chán ngán tràn ngập lòng tôi. Tôi lấy chiếc cà vạt cũ cuộn tròn đống bản thảo mà mới đây tôi còn tự hào về nó thành một bó rồi nhét dưới gầm giường.

Hắn đến rất đúng hẹn. Có tiếng gõ cửa rụt rè rồi một cậu hanh niên bước vào. Tôi đoán hắn chỉ chừng hai mươi tuổi và mới rời ghế nhà trường. Tôi than thầm : thủ phạm giét chết sự kiêu ngạo của ta là kẻ này đây ư? Hắn có vẻ gì là một người viết văn đâu ?Tôi vẫn thấy những kẻ như hắn hay chạy theo quả bóng ở ngoài công viên . Tôi hỏi hắn vài câu . Tôi rất ngạc nhiên vì cậu ta không học trường chuyên văn. Tôi lại còn kinh ngạc hơn nữa vì cậu ta chẳng có kiến thức gì về văn học thế giới và trong nước. Tên tuổi những nhà văn quen thuộc cậu này còn lờ mờ lắm. Cuối cùng tôi hỏi :

- Thế anh thường đọc tác giả nào ?

- Cháu chỉ đọc sách của bác !

Tôi kinh ngạc tới độ sững sờ. Hắn chỉ vào chiếc tủ kính sau lưng tôi, trong tủ có hàng trăm cuốn sách của tôi, bản đặc biệt đóng bìa da gáy mạ chữ vàng :

- Nhà cháu cũng có một tủ sách như thế này, cũng gần đày đủ tác phẩm của bác. Chỉ có điều sách của cháu là bản thường không được bọc da như thế này. Sách của cháu đều cũ cả vì ngày nào cháu cũng đem ra nghiền ngẫm. Cái truyện của cháu chắc bác cũng thấy cháu đã lượm lặt từ những điều bác đã viết.

Trời ơi, thế mà sau khi đọc xong cái truyện của hắn tôi nhìn vào sự nghiệp văn chương đồ sộ chứa đầy một tủ kia mà hổ thẹn Rồi cậu ta kể vanh vách tên những tác phẩm của tôi. Hắn bình phẩm với một vẻ đầy thán phục về những điều tôi đã viết. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ngồi yên nghe người khác kể chuyện văn chương. Suốt cả buổi chiều hắn nói với tôi đủ thứ xoay quanh những quyển sách của tôi. Càng nghe hắn nói, tôi càng kinh ngạc. Những điều hắn phát hiện rất lạ, mấy tay phê bình văn học không thấy nói đến mà chính tôi là tác giả mà cũng hết sức bất ngờ và thú vị. Ôi bây giờ cũng chính hắn, cái kẻ dập tắt nhiệt tình trong tôi lại thắp lên cho tôi ngọn lửa sáng tạo mới . Chưa bao giờ tôi thực với người khác cũng như thực với lòng mình như khi tôi nói với hắn câu này :

- Bác làm than, một đống than đồ sộ, cháu đã tìm thấy kim cương trong đó. Than và kim cương cùng một nguồn gốc. Không có những hòn than đen sì sẽ không có những viên kim cương sáng ngời. Công việc chọn và luyện từ than thành kim cương thuộc những người như cháu…

Thằng bé hớn hở ra về. Tâm hồn tôi trở lại thanh thản. Tôi bổng dưng nghe sau lưng tôi vang tiếng cười của vợ tôi và một giọng cười trẻ trung khác. Tôi quay lại. Vợ tôi và một cô gái trẻ đang ngồi trước gương. Cô gái là con của một người bạn chúng tôi. Vợ tôi đang dùng son phấn của mình trang điểm cho cô gái để đi dự dạ hội. Vợ tôi rất mãn nguyện với tác phẩm của mình. Trong gương dần dần hiện ra một giai nhân tuyệt đẹp. Cô gái cảm ơn, vợ tôi chúc nàng một buổi tối vui vẻ. Cô gái đi rồi vợ tôi ngồi lại trước gương. Lần này tôi thấy vợ tôi nhìn chăm chú vào mấy nếp nhăn trên khuôn mặt mình và mỉm cười .

Tại sao tôi không bằng được vợ mình ? Tôi lấy giấy bút ra viết bài giới thiệu cái truyện ngắn năm trang giấy học trò của cậu bé. Lần này tôi chẳng tiếc lời khen ngợi . Tôi lấy nhan đề bài viết là “ THAN VÀ KIM CƯƠNG ”