main billboard

 

Bố của anh Thao mặc dù đã qua đời rất lâu vẫn còn được anh nhắc nhở...

tro bui nhoc nhan
Bố của anh Thao mặc dù đã qua đời rất lâu vẫn còn được anh nhắc nhở. Tôi rất khâm phục những người con hiếu thảo như anh. Tôi còn nhớ mỗi khi nói chuyện với bạn bè. Thao vẫn thường đem chuyện bố mình ra kể. Anh xem ông cụ là tấm gương tốt cho lớp hậu sinh vươn tới tìm công danh sự nghiệp. Hôm đó tôi đến nhà Thao, anh dẫn tôi lên nhà trên. Chỗ này vừa là phòng khách, vừa là nơi đặt bàn thờ. Giữa phòng tôi thấy có cái bàn thờ rất lớn. Ngày trước tôi vẫn tới đây, nhưng ngày thường thì trướng rũ màn che. Hôm nay hình như mới kỵ giỗ nên bức rèm vén lên, đèn đuốc sáng trưng. Tôi thấy có nhiều tranh ảnh của những người đã qua đời, lại có tượng Phật to toả hào quang. Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là tấm ảnh một người đàn ông trạc năm mươi, trông phương phi bệ vệ. Người này mặc theo lối quan lại thời xưa, áo gấm chữ thọ, khăn đóng, ngực trái có đeo bài ngà. Thấy ông hơi giống Thao, tôi hỏi, anh đáp :

- Ông cụ thân sinh tôi đó. Cụ đã mất được hơn mười năm rồi. Cụ thọ tám mươi mốt tuổi.

Tôi nói :

- Thật là quý hoá, trông cụ uy nghi có dáng quan lại, không biết sinh thời cụ làm quan những đâu ?

Thao nói :

- Chuyện về cuộc đời bố tôi, phải viết thành tiểu thuyết, tôi tiếc mình không có văn tài để làm chuyện đó. Bố tôi có một cuộc đời rất đặc biêt, sôi nổi, thăng trầm ghê gớm. Cụ làm quan rồi làm dân, làm giàu rồi lại làm nghèo. Bắt người bỏ tù rồi lại bị người cho vào tù. Lao đao lận đận suốt một đời. Để tôi lấy an-bom giở cho anh xem .

Nói xong Thao mở tủ lấy quyển an- bom lớn. Anh đưa tôi xem, anh ngồi một bên giảng giải cho tôi biết lai lịch từng tấm ảnh . Thực là một quyển tự truyện bằng hình rất sinh động .
***

Trang đầu tiên tôi thấy một tấm ảnh cũ màu giấy ố vàng, nhiều chỗ đã bị nổ, góc có ghi “1932”. Trong ảnh là một ngôi nhà tranh lớn, làm theo kiểu vỏ cua ba gian hai chái, trước có sân gạch sau có vườn cây .

Thao nói :

- Đây là từ đường họ Lê. Làng tôi hầu hết dân đinh đều là họ Lê. Ông tôi, bố tôi rồi đến tôi đều là nhánh trưởng tộc Lê. Ông tôi giàu lắm, có tới bảy mươi lăm mẫu sáu sào hai thước ruộng nhất đẳng điền. Tới mùa gặt, xe bò chở lúa về kho lẩm nườm nượp. Bố tôi lúc đó mới mười hai tuổi, được ông tôi cho ngồi ở cửa kho “bẻ cò” đếm lúa. Trai bạn tá điền rất đông, cơm phải nấu bằng chảo đại, loại chảo ở mấy lò nấu đường. Mỗi lần kỵ giỗ phải làm heo bò, thật là một đại gia đình giàu có tột bực trong vùng . Tôi giở tiếp trang sau thấy hình mấy cậu bé con xúm xít trong mái nhà tranh. Thao nói bố anh lúc sinh thời rất quí tấm hình này vì nó là tấm ảnh cũ nhất của ông cụ. Lúc đó bố anh mười tuổi theo thầy đồ đi học chữ nho. Đây là hình ảnh lớp học chữ nho ngày trước. Mấy đứa bé bò lê trên ván tập viết, đứa têm trầu, đứa gắp lửa cho thầy mồi thuốc. Thao nói bố anh học chữ nho tới năm mười hai tuổi thì thôi để học quốc ngữ. Giở qua trang khác tôi thấy mấy cậu thanh niên mặt thì non choẹt nhưng dáng điệu nghiêm trang như mấy ông lão. Họ mặc đồ tây trắng, mũ cối, giày vải đánh phấn trắng, người nào cũng thắt cà vạt ra ngoài cổ áo sơ mi. Thao nói bức hình dó chụp lúc bố anh học nhị niên (lớp bảy) ở trường Quốc học Huế. Học trò thuở ấy khác hẳn bây giờ, họ già dặn và nghiêm nghị hơn mấy cậu bé con lớp bảy ngày nay. Bố anh thi hỏng đíp lôme, không học nữa bỏ đi làm công chức. Chỗ làm đầu tiên của bố anh là Bưu điện Phan Thiết. Tại đây, bố anh bắt đầu lao vào cuộc bon chen đầu tiên trong đời. Thời đó, đi làm ở công sở là một cuộc cạnh tranh ghê gớm. Có người nịnh hót để được lên lương lên chức , lại có thể hại người bằng thủ đoạn để ngồi vào chiếc ghế của họ . Không bao lâu tai hoạ đã giáng xuống đầu bố anh. Không biết có người nào đó thả thư rơi, thư nặc danh tố cáo bố anh thụt két làm mất tiền công quỹ! Tay thanh tra người Pháp đến khám đột ngột. Hắn bắt bố anh mở tủ sắt. Lúc kiểm tra tiền thì không thiếu mà lại dư một đồng sáu hào năm xu. Thằng tây muốn ăn tiền nó hạch hoẹ đủ thứ. Hắn nói :“Làm sao lại dư tiền trong két được? Có phải do kế toán lập lờ man trá không ?” Hắn doạ bỏ tù. Bố anh về nhà rầu rĩ bỏ ăn bỏ ngủ. Mẹ anh phải tức tốc xuôi đò suốt đêm về bên ngoại vay được một trăm. Tờ bạc hình bộ lư được bỏ trong bì thư hối lộ cho thằng Tây. Thằng này đã có tiền lại còn đòi gái. Bố anh phải ra tận cầu kho thuê một con, tắm rửa son phấn cho nó, đưa nó lên chiếc xe kéo gọng đồng tới dâng , thằng Tây mới chịu bỏ qua . Ôi thực là cực và nhục, tốn tiền mà phải chi trong quỹ thiếu tiền cho cam. Sau đó mấy năm, lão chủ sự đồng nghiệp với bố anh hại bố anh bằng cách lén huỷ mấy cái thư bảo đảm. Thế là bố anh bị đổi lên Nam Vang. Vụ này bố anh cũng kịp trả thù lão chủ sự bằng cách gởi thư tố cáo lão hút thuốc phiện. Lão này cũng bị tống lên Savanakhet bên Lào. Nghe nói lên trên đó có mấy tháng lão này bị sốt rét bỏ mạng. Thời gian ở Nam Vang, Thao mới mười tuổi, anh còn nhớ mấy thằng bạn người Thổ (Miên) anh cũng đã bập bẹ nói chuyện với chúng được rồi. Bố anh làm việc thêm mấy năm nữa, nghĩ chán đời công chức, càng ngày ông càng bị áp chế, hồ sơ cá nhân thì xấu không mong gì tiến thân , ông xin thôi trở về đi buôn . Lúc này, gia đình kéo về Sài gòn. Bố anh và mấy người bà con hùn tiền buôn gạo từ Nam ra Bắc. Đi một đoàn gồm ba chiếc ghe tàu rất lớn, loại ghe này phần đáy làm bằng nan, be bằng gỗ, mỗi chiếc chở cả ngàn bao gạo, loại bao tời sọc xanh. Thảo chỉ vào bức ảnh bố anh. Thơì này tôi thấy ông giống như một thương gia người Hoa đứng trên bến cầm can chỉ xuống thuyền. Mấy chuyến đầu rất khá, tháng mười năm đó tính đi chuyến chót rồi về nghỉ ăn tết, ai ngờ năm đó bão sớm. Gia tài sự sản chôn cả xuống biển, may là người không hề hấn gì. Thao nói anh còn nhớ cái cảnh người ta đem tài sản trong nhà anh ra bán đấu giá. Mẹ anh thì ngất xỉu trong nhà, còn bố anh thì leo lầu đòi tự tử. Thời gian đó gia đình anh sa sút ghê lắm. Anh bị gửi cho một người bà con giàu nuôi, tuy có được đi học nhưng lúc về nhà bị sai khiến như đày tớ. Thỉnh thoảng bố anh có gửi thư cho anh, ông nói bóng gió rằng đi buôn thứ khác chắc khá hơn. Không ngờ ông gia nhập hội kín bị bắt ở tù ba năm . Thao chỉ cho tôi xem tấm ảnh phóng to từ một ảnh căn cước. Bố anh đầu cạo trọc, mặc áo tù, mang tấm bảng số 3452. Thao nói lúc sinh thời bố anh rất thích tấm ảnh này. Ông ta phải mua của một tên mật thám lấy cắp ở văn khố phòng nhì. Lúc này bố Thao xuống tới bậc thang thấp nhất. Thế rồi đột nhiên tôi giở sang trang khác lại thấy ông cụ oai phong bệ vệ, lại áo gấm bài ngà, kim khánh. Tôi hỏi, Thao đáp :

- Bố tôi về quê chia gia tài được một mớ ruộng, ông quyết đánh bạc với số phận. Ông bán tất cả lấy tiền lo lót. Trước tiên ông lo cho tụi mật thám để làm sạch lý lịch. Sau đó ông lo cho có được cái thế.

Bên phía mẹ tôi chạy cho ông cái bát phẩm, cái kim khánh. Nghe đâu mẹ tôi phải bán cặp kiềng chạm, đôi xuyến, cái vòng ngọc thạch là của hồi môn của mẹ . Tôi hỏi :

- Thế cái hàm bát phẩm, cái kim khánh có giúp gì cho con đường công danh của ông cụ không ?

Thao nói :

- Có chứ ! Nhờ sạch lý lịch, bố tôi lại đút lót vào làm sở Đoan (Douane : quan thuế). Lúc này bố tôi lại chuyên đi bắt rượu lậu, thuốc phiện lậu, gạo lậu, muối lậu. Có lần ông bị dân buôn lậu đánh gãy chân. Làm được năm năm, bố tôi kiếm cũng kha khá, dần dần có lại còn hơn lúc trước nữa. Sau tôi, mẹ tôi sinh thêm năm con. Các em tôi đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Bố tôi thực là một nhà chiến lược, nhưng lại thua ông trời. Hai đứa em kề tôi, một đứa sắp ra bác sĩ, một đứa sắp ra kỹ sư, con chủ bài dành cho mai sau rủ nhau đi tắm sông chết trôi cả. Bố tôi là cháu đích tôn nên mọi chuyện kỵ giỗ trong họ đều phải lo. Ngoài ra trong họ còn có chuyện gì khó xử, bố tôi làm luôn quan toà. Bố tôi thật là một người bận rộn suốt đời. Nếu kể ra phải nói ông làm cả chục thứ nghề, đổi chỗ ở vài chục lần, lên voi xuống chó năm bảy lượt. Cuộc đời thật chẳng êm ả đối với ông .

Cuối quyển an bom là loạt hình đám tang ông cụ. Thao có vẻ hãnh diện vì đám tang này. Trướng liễn treo đầy một gian. Khách viếng toàn là người sang trọng. Bài điếu văn do quan đốc học đọc. Tôi hỏi mộ cụ ở đâu? Thao nói :

- Theo di chúc, bố tôi bảo con cháu hoả táng. Lúc làm việc ở Nam Vang, cụ thấy lối hoả táng của người Miên, cụ thích vì thế mà cụ chọn cho mình cách này .

Thao nói xong gấp an-bom lại. Anh đến trước bàn thờ rồi bê ra cái tiểu sành trên có nắp đậy hình chữ nhật. Anh lấy phất trần phủi bụi rồi mở nắp ra. Tôi nổi tính hiếu kỳ. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được trông thấy di hài của một con người đã bị đốt ra tro. Trong tiểu đựng một thứ tro màu xám sậm, trông giống muối tiêu, có những hạt cát trắng, có lẽ là do chất vôi trong xương người. Lại có những mảnh vụn đen, chắc là than củi lẫn vào. Tôi tính cho tay sờ vào xem thử tro người chết có mịn không, nhưng kịp dừng lại. Tôi hơi tởm. Hình như có mùi khét, chắc là do tôi tưởng tượng. Nhìn mớ tro tàn, tôi bùi ngùi tự hỏi : Một con người to lớn, sống tám mươi năm trên đời, trải bao nhiêu thăng trầm khổ luỵ, không lẽ chỉ có chừng này thôi ư ? Tôi hỏi Thao, anh nói :

- Vâng, chỉ có chừng này. Ông còn đòi hỏi gì nữa ? Ông và tôi chết đi đem thiêu cũng chỉ được chừng này.

Tôi nói :

- Thế mà tôi tưởng phải là một cái gì ghê gớm lắm, hay ít ra thì cũng phải nhiều một chút, nghĩa là cỡ một thúng.

Thao cười ngất :

- Ông thì lúc nào cũng ham hố, thực là một kẻ tham lam .

Tôi nói :

- Ông liệu có được ba lạng tro không ?

Thao đáp một cách lơ đểnh .

- E không tới ba lạng .
***

Ngồi chuyện trò thêm với Thao một chốc nữa, tôi ra về. Lúc này đường phố chật những người vì đúng giờ tan sở. Người ngược kẻ xuôi tấp nập. Phút chốc tôi thấy mình tách hẳn ra với mọi người . Bây giờ tôi nhìn mọi người bằng cặp mắt khác. Tôi thấy sắc mặt của những con người diễn qua trước tôi toát ra cái tâm trạng của họ . Người thì lo lắng bồn chồn, kẻ u sầu tư lự. Người vội vã hấp tấp, lại có kẻ nhàn du thư thả. Tôi bật cười chỉ vì ý nghĩ : Cả một chuỗi ngày dài dằng dặc bon chen bận rộn một kiếp nhân sinh, cuối cùng cái còn lại không tới ba lạng !

Vừa đi vừa suy nghĩ, tới nhà lúc nào không hay. Tôi trở về đúng bữa cơm. Vợ và các con tôi đang đợi. Trong khi ăn nghĩ lại chuyện buổi chiều hôm nay ở nhà Thao, tôi bật cười. Vợ tôi hỏi :

- Bộ ông đi nhậu với ai sao lại bỏ cơm ?

- Đâu có .

Vợ tôi nói :

- Ông có nhậu rồi, tôi thấy ông cười mãi, ông có cái tật mỗi khi rượu vào lại phơi phới yêu đời.

Tôi cãi :

- Chán đời thì có .

- Ông mà chán, lúc nào ông cũng hồn nhiên vô tư lự.

Tôi đứng lên thay áo quần, xem tivi một lúc rồi lên giường ngủ. Tôi mới thiu thiu thì vợ tôi lay dậy nói :

- Dậy bàn chuyện nhà chớ hết ăn rồi ngủ, vô tâm vừa vừa chớ. Tôi tính ông nên ghi tên học tiếng Anh. Nay mai người nước ngoài vào đầu tư may ra kiếm được việc làm, lảnh lương bằng đô la không sướng sao ? Mấy tháng nay tôi giấu ông, tôi chơi một bát huê tháng này hốt, kiếm ít tiền lo cho ông ăn học .

Cô ấy nói cái kiểu giống như mẹ lo cho con , tôi gắt :

- Việc của tôi thì để tôi lo !

Vợ tôi nhỏ nhẹ:

- Hay là tôi tính tôi về bên bố mẹ kiếm ít tiền chạy cho ông cái ghế gì trên tỉnh. Không lẽ cứ chôn chân làm anh cán bộ quèn nơi cái xó xỉnh này mãi ?

Tôi nói :

- Không ai mượn bà toan với tính!

Vợ tôi tỏ ra hết sức nhẫn nại :

- Hay là ông muốn đi lao động hợp tác nước ngoài thì để tôi lo. Tôi có bàn với chị Loan, chỉ nói chỉ có quen với một người, họ nói hết độ một cây. Mất một cây mà kiếm năm bảy cây thì còn gì hơn. Ở đây suốt đời cũng chẳng có .

Tôi lại gắt :

- Không chạy chọt gì cả, bon chen cho lắm bất quá còn lại cũng không tới ba lạng!

Vợ tôi há hốc mồm tròn xoe mắt ra nhìn, cô ta tưởng tôi nói nhảm. Cô ta toan hỏi, tôi nói :

- Thôi, để cho người ta ngủ, khuya rồi !