main billboard

 

Gia đình Trung trốn đi với giấy tờ giả mà cha anh đã nhiều đêm âm thầm vào căn phòng quây thóc để khắc con dấu, chế ra...

 

ben giong nuoc

Thành phố trở lạnh thật nhanh, dù trời mới chớm vào thu. Vài tuần lễ trước, mọi người còn ăn mặc mong manh, và hơn tám giờ tối, đường sá vẫn đông, mặt trời mới bắt đầu lặn. Đầu tháng mười, ngày đột nhiên ngắn hơn và ra đường, người ta phải co ro vì những cơn gió lớn. Hình ảnh khách bộ hành trong bộ áo mùa lạnh bước nhanh trên hè phố gây cho Trung sự so sánh. Giờ này ở Việt Nam là một khung cảnh khác. Có lẽ ra đường người ta vẫn phong phanh với chiếc áo ngắn tay và tản bộ trên những con đường đầy bóng mát. Bất giác chạnh lòng, chàng có ý nghĩ so sánh mình với loài cây vùng nhiệt đới bỗng một ngày bị bứng gốc đem trồng ở vùng giá băng khiến nó bị héo sầu, ủ rũ. Hơn nửa đời và trọn tuổi thanh xuân với những thói quen, kỷ niệm và sự ràng buộc tinh thần với quê hương, để rồi khi tàn cuộc chiến tranh, bị ném vào một cảnh đời hoàn toàn xa lạ, với những người dị cếhủng và một môi trường khác làm chàng hụt hẫng. Mười mấy năm sống tại thành phố xa hoa, văn minh, được coi là thủ phủ của cả Âu Châu càng khiến Trung thấy mình ngày một lạc lõng hơn. Trong gia đình, nhiều khi cả ngày chàng không nói. Ở sở làm, Trung chỉ mở lời khi thật cần thiết, khác hẳn với các đồng nghiệp người địa phương nói cả ngày, từ các việc trên Ti-Vi đến những việc nghỉ hè, chuyện nắng mưa.

Buổi trưa thứ sáu, nhân bữa ăn trong căng-tin ở sở, nghe mấy người bạn bàn bên cạnh nói về một nhà văn kiêm nhà xuất bản người Pháp vừa chết ở tuổi 70, Trung chợt nhớ đến lá thư của mấy ông chủ bút của các tạp chí Việt ngữ xin bài cho số báo cuối năm. Nhận thư từ mấy tuần qua, chàng vẫn để đấy. Về văn nghệ, chàng không biết phải viết gì vì thật ra, Trung không nghĩ rằng mình không thuộc về bộ môn này và chàng ngại ngùng khi có người gọi mình là nhà văn. Đúng ra, nếu dịch chữ écrivain là nhà văn, thì những người viết lách có tính cách chuyên nghiệp được gọi như thế cũng không sai. Nhưng người Việt Nam thường gọi những người viết truyện, có tác phẩm là truyện dài hay truyện ngắn là nhà văn, chứ ít khi gọi họ là tiểu thuyết gia như người Tây phương. Không chính thức sinh-hoạt trong lãnh vực ấy, nên chàng rất khó chịu khi bị người đồng hương gọi mình bằng danh xưng đó. Trung là lớp người sống bằng sự chính danh, không muốn vay mượn bất cứ ai, bất cứ cái gì mà mình không có. Một vài truyện ngắn có kết cuộc nửa chừng, gợi óc tò mò của người đọc, Trung viết đã mấy năm, thỉnh thoảng có người đòi chàng viết tiếp hoặc hỏi về các chi tiết ở đoạn sau, nhưng Trung chỉ cười trả lời rằng truyện chỉ có thế thôi. Trung biết chắc rằng mình không thể là người viết truyện được, vì chàng không có óc tưởng tượng và khả năng để hư cấu.

Cuối tuần, Trung có thói quen dậy từ 5 giờ sáng. Ngồi hàng giờ một mình, yên lặng nhìn qua cửa sổ vào lúc khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh, khu xóm không một bóng người, Trung thấy mình thoải mái và hạnh phúc trong thế giới riêng biệt, cô quạnh của mình… Qúa khứ lắng đọng và khuôn mặt những người thân quen như những khúc phim đứt đoạn trở về trong trí nhớ. Những bận tâm về đời sống, về tương lai được đem ra cân nhắc bên cạnh thân phận héo hon của mình và nỗi bận-tâm về phần đất mà mình đã bỏ ra đi… Không ai hiểu được Trung, kể cả vợ con. Dưới mắt mọi người, chàng là người khó khăn, khô cằn, quyết tâm và nóng tính. Tất cả đều sai. Trung nghĩ thế. Trung thế nào, chỉ một mình chàng biết. Xem một nhạc cảnh về cuộc vượt thoát của thuyền nhân, chàng đã khóc. Những năm 78, 79 đi dự buổi lễ kỷ niệm ngày mất nước, khi quốc ca trổi lên, chàng đã khóc… Không ai hay những việc đó xẩy ra và mọi người vẫn cho rằng chàng là người dữ dằn, đanh thép…

Hai đứa con của Trung đều sinh ở Pháp. Chúng không thể hiểu lý do nào đã khiến người bố lúc nào cũng băn khoăn, bận tâm về nơi mà cha chúng đã bắt buộc phải bỏ đi đến thế. Tuổi 15,17 của những đứa bé sống ở đây khó cảm thông được những xót xa, quay quắt của lớp tuổi cha ông không quên được quá khứ. Cuộc ra đi năm 54, và mười năm lao đao, vui buồn trong cuộc chiến đã khiến Trung nghĩ rằng mình sống chết với phần đất còn lại tại vùng Nam vĩ tuyến. Hai lần ra đi là hai lần tay trắng. Cha mẹ, anh em và giòng tộc bị gông cùm, lao lý. Tuổi trẻ không nghĩ đến những gì đã qua. Tuổi trẻ ở đây được dạy dỗ để nhìn về tương lai và quên đi khá khứ! Điều an ủi là hai đứa con của Trung giống cha ở chỗ chúng tin chắc chắn rằng bất cứ cái gì của cộng sản cũng dở, tồi, sai lầm và nhảm nhí; bất cứ là cộng sản nào: Nga, Tầu, Đông Âu, Việt hay Cuba gì cũng thế. Các con của Trung buồn vì không bao giờ thật sự được nhìn thấy ông bà của nó, bởi cha mẹ Trung đã chết đau đớn ở Việt Nam khi chúng chưa đủ trí khôn để biết yêu thương, gần-gũi.

Nghe những người địa phương cùng sở hoặc kẻ di trú đến từ các nước Trung Đông nói về những dự tính về quê thăm nhà trong những dịp hè, Trung chợt thấy lòng mình chùng xuống. Mười mấy năm làm chung, chưa bao giờ ai nghe Trung đề cập đến việc trở về quê cũ. Nhiều người ngạc nhiên hỏi lý do. Trung buồn rầu giải thích là người Việt Nam luôn luôn ràng buộc với phần đất họ được sinh ra. Trong các thế kỷ trước đây, dù nghèo khổ, họ cũng không rời khỏi thôn làng nơi họ sinh sống vì đó là sự sỉ nhục và đau lòng ghê gớm. Và dĩ nhiên, trong tinh thần đó, không ai muốn rời đất nước mình để ra nước ngoài tìm sinh kế như người Trung Hoa hay các sắc tộc di dân khác. Trung nói cho họ hiểu về sự cô dơn, nhục nhằn và đau đớn của những người như chàng khi phải ra đi biệt xứ. Đồng nghiệp khuyên chàng về thăm nhà vì dù sao bây giờ đã đổi khác qua những điều họ loáng thoáng nghe được trên Ti-Vi hoặc qua báo chí. Trung giải thích cho họ hiểu rằng chàng quan tâm và theo dõi những sự việc đó hàng ngày, vì đấy là nỗi bận tâm vô cùng của chàng trong đời sống. Tất cả chỉ là sự ngụy tạo, là lớp áo che đậy các âm mưu sâu-xa và đầy dự tính… Dĩ nhiên, những điều ấy họ chẳng hiểu gì. Trung kết luận rằng chàng ra đi không phải là chỉ tìm một đời sống tự do cho chính mình mà còn là kẻ lưu-vong để rồi sẽ trở về như tướng  De Gaulle đã sang Anh Quốc khi đất Pháp bị quân của Hitler chiếm đóng. Ra đi vì lý do chính trị, chàng chỉ trở về khi chế độ này không còn nữa…

Một vài người Việt quen biết tình cờ gặp lại, thỉnh thoảng cũng có người hỏi Trung đã về thăm nhà chưa, chàng chỉ lắc đầu không nói, để rồi thấy xót xa cho quê hương mình trước kia đã cưu mang những người con như thế. Tự đáy lòng, chàng ân-hận vì đã có một thời gặp-gỡ hoặc đã sơ giao với những người thay lòng, đổi dạ và suy-tư kiểu ấy…Trung hài lòng với sự lựa chọn ra đi của mình và trung-thành với sự quyết-định đó.

Những khuôn mặt một thời quyền uy, bỗng một ngày hiện ra là bọn xu thời hèn nhát. Những người cứng cỏi hôm qua, hôm nay thoắt trở cờ chạy theo con bài rách nát của đối phương. Trung thầm so sánh sự nhiễu nhương bây giờ với buổi giao thời khi người Pháp mới đặt nền móng cho chế độ thuộc địa của họ tại Việt Nam cuối thế kỷ trước. Ngày xưa, Việt Nam còn có Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Thủ Khoa Huân… Ngày nay tìm đâu ra những người con như thế? Nhiều khi Trung muốn sống một mình, cách biệt với mọi người, không tìm biết những đổi thay đau lòng chung quanh để còn giữ được chút ít niềm tin, để khỏi phải u sầu bất mãn, để chính mình đủ can đảm một mình lầm lũi đi tiếp con đường dù cô đơn, dù tuyệt vọng đã đeo đuổi từ mười mấy năm qua. Rất nhiều lần, Trung cố đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị đối phương hành hạ cả chục năm trong tù, bị sỉ nhục, cướp của, vợ con bị đày đọa, mất mát mà khi thoát ra được bên ngoài, lại có thể quên hết được và ngược lại, họ chịu làm công cụ cho kẻ thù. Họ rộng lượng và cao cả quá chăng? Họ đã nhìn ra được cái "chính nghĩa" của đối phương sau những năm tháng được cải tạo (!) hay thời gian ấy đã làm họ kinh hoàng, bạc nhược cả tinh thần lẫn thể xác? Không ai đòi hỏi họ phải thù hận hoặc dấn thân, nhưng không ai tin rằng họ đầu phục kẻ thù và tự phản bội mình phũ phàng đến thế…

Những băn khoăn, bực bội đó, Trung viết thẳng ra. Người thương cũng có, kẻ ghét cũng đông. Kết quả là người thương thì ở xa, kẻ ghét thì gần, họ chiếm số đông hơn và chủ trương đánh phá. Trung đã cô đơn lại càng cô đơn hơn. Trung tự ví mình như kẻ một mình lên đường trong một chuyến đi. Một chuyến đi băng qua sa mạc, nhìn rõ cái chết vì đói khát và tuyệt vọng của mình, nhưng vẫn phải đi, vì lương tâm, nghĩa khí và liêm sĩ của chính mình. Ra đi không phải vì tự tin, mà vì phẫn hận tha nhân, vì cay đắng cho sự phản phúc của con người. Cô đơn, tuyệt vọng vẫn đấu tranh. Đấu tranh ngay cả với sự yếu đuối của lòng mình. Đấu tranh trước sự ngoảnh mặt của mọi người, và quan trọng hơn cả là trước tất cả sự đe dọa và đòn phép của đối phương. Trung vẫn chấp nhận, vì chỉ như vậy Trung mới nhận ra được đúng nhân dáng của mình.

Từ ngày bắt đầu nghiệp viết Trung vẫn tự nhủ rằng ngòi bút của mình phải phục vụ cho lẽ phải, cho công lý để tuyên dương sự thật và Chân-Thiện-Mỹ. Nó không dùng cho mục đích ngoại giao như một loại văn chương hiếu hỉ, phù phiếm nhằm bơm bốc bạn bè để người cầm bút đi đến đâu cũng được đãi đằng, thù tiếp.

Một người bạn văn điện thoại hẹn gặp Trung sáng chủ nhật tại khu chợ Tầu để biết thêm về những gì xẩy ra tại Việt Nam và các hoạt động của các tổ chức người Việt khắp nơi trong thời gian vừa qua. Từ quán café lạc lõng của người Pháp nằm lọt giữa khu khách qua đường, phần lớn là người Á châu, Trung lơ đãng nhìn người qua lại. Những tia nắng yếu ớt buổi sáng tại  Paris không đủ làm ấm không gian quyện sương mù và gió lớn. Những khuôn mặt năng động của lớp trẻ Á châu, thế hệ thứ hai sống ở đây xuất hiện xen kẽ với nét ưu tư, cằn cỗi của những người đồng hương lớn tuổi nói lên sự khác biệt không thể phủ nhận được về cách sống và sự suy tưởng của đôi bên. Điều đó đáng buồn hay đáng vui? Trung băn khoăn về ý nghĩ này. Năm, bảy năm nữa, những đứa trẻ này biết gì, nghĩ gì về sự mong đợi của những người phải ra đi biệt xứ như cha ông chúng trước đây. Chắc chẳng còn gì! Sự hội nhập sẽ tẩy dần những cái "Á châu" còn sót lại trong đầu óc của những đứa trẻ chưa từng nhìn thấy phần đất của quê hương. Trung chạnh lòng nghĩ đến hai đứa con. Mười năm nữa, nếu còn sống ở đây, chúng có đủ sức để chống lại sự đồng hóa tự nhiên vào xã hội này hay không. Chúng sẽ kiếm đầm, lấy tây và con của chúng sẽ chẳng còn nghĩ gì đến Việt Nam, chẳng dính líu với những gì liên quan đến tổ tiên và cũng chẳng biết vì sao chúng sống ở đây! Dù đau lòng khi hình dung tới hình ảnh ấy, nhưng Trung nghĩ: nếu không thay đổi được tình thế ở Việt Nam thì, thà rằng chúng mất gốc vẫn bớt đau lòng hơn là chúng trở về khi quê hương vẫn do chế độ này quản chế. Miên man với ý nghĩ phiền muộn trong đầu, Trung chưa nhìn ra người hẹn đã tới. Khang cười, đập nhẹ vào vai bạn:

- Đang mơ tới bà nào vậy? Mới buổi sáng mà sao mặt mũi đã nhăn nhó thế kia?  Độ này ra sao, hoặc có tin tức gì mới mẻ không?

Trung bắt tay bạn, cười nhẹ với cử chỉ bâng quơ vô nghĩa:

- Có gì mới bây giờ!  Cũng thế thôi. Mỗi ngày một hỏng!

Khang cười xòa, an ủi:

- Đừng bi quan! Đâu còn có đó. Độ này sao hăng quá vậy?

- Ông muốn nói gì?

Kéo ghế ngồi xuống, Khang trả lời thật nhỏ:

- Đọc báo thấy ông viết nhiều bài tả xung hữu đột nên hỏi vậy thôi. Nhưng được lắm. Rất cần người điếc không sợ súng như ông!

Trung nghiêm mặt phản đối:

- Tại sao lại cho thế là điếc không sợ súng. Từ ngữ ấy ám chỉ kẻ không biết trời đất cao dầy là gì nên mới dám làm. Tôi không phải là loại người ấy, tôi cũng không phải là kẻ lạc quan. Tiên liệu cả sự khó khăn và các tác hại sẽ xảy ra mà tôi vẫn làm. Điều đó khác hẳn kẻ điếc không sợ súng. So sánh như thế là điều sỉ mạ đối với tôi.

Khang cười xòa:

- Ừ, phải gọi là Triệu Tử Long mới đúng. Thái độ đó can đảm lắm. Không điểm mặt bọn ấy thì mình hèn. Biết mà không nói tức là đồng lõa.

Hai người trao đổi với nhau tin tức về việc các trại tỵ nạn sắp đóng cửa, về nỗ lực kêu cứu của cộng đồng Việt Nam và về một vài nhóm đấu tranh tại Pháp cũng như tại Hoa Kỳ đã nhân cơ hội Mỹ bỏ việc phong tỏa kinh tế Việt cộng để thay đổi lập trường và hy vọng được Mỹ yểm trợ hay dùng đến trong tương lai. Một nhóm khác được môi giới đem từ Mỹ qua Âu châu để vận động đoàn kết, nhưng chẳng gây được sự chú ý của ai vì họ được đánh giá là kẻ xu thời và có tư tưởng hòa hoãn, muốn bắt tay với địch.

Việc Hà Nội gởi các văn công mà một thời đã gây sự quan tâm của giới văn nghệ hải ngoại sang Pháp để hoạt động trong thời gian mới đây, khiến các văn nghệ sĩ trở cờ khắp nơi xum-xoe chào đón, cũng được hai người bàn đến và phân tích song song với sự kiện liên quan đến thái độ xin làm thân với Việt cộng của người đứng đầu một tổ chức văn giới hiện nay.

Cuối cùng Trung kết luận:

-   Biết là không cản được sự khuynh loát của đối phương, biết là cô đơn nhưng mình không thể nhắm mắt làm ngơ. Biết là các đám trở cờ đang dắt mọi người vào cạm bẫy mà không báo động thì không được. Nói ra thì người ta cho rằng mình bôi xấu người quốc gia. Đàng nào cũng kẹt, nhưng cuối cùng, mình vẫn phải làm vì chẳng có lựa chọn nào khác hơn.

Hai người lặng lẽ chia tay khi trời bắt đầu đổ mưa và trận cuồng phong ập tới. Kéo cao cổ áo mưa, lầm lũi trên vệ đường dầy đặc lá cây sũng nước, Trung đi ngược lên khu Đại Học trên đường Tolbiac và xa dần khu thương mại của người Á châu. Cộng đồng Việt ở đây, có lúc Trung thấy gần gũi thân thương, cũng có khi chàng đau buồn chán ngán. Cơn mưa tầm tả kéo dài làm Trung ao ước được ngồi một mình ở một nơi vắng vẻ, không bị khuấy động bởi những kẻ xung quanh, để nhìn sinh hoạt bên ngoài qua cửa kính. Mưa gió khiến cho nhịp sống dường như chậm lại, bớt xô bồ và ít vội vã hơn. Riêng với Trung, hình như nó còn khiến cho chàng có ý nghĩ được cách biệt mọi người và cảm thấy an toàn hơn. Ý nghĩ đó vô tình dẫn Trung vào thư viện nằm ở ngã tư đường cách đó không xa. Mấy chục năm tách khỏi thế giới sách vở bút nghiên,Trung cảm thấy lạc lõng bên cạnh những khuôn mặt trẻ chỉ bằng tuổi cháu, con. Mượn một quyển sách, tìm một nơi thật vắng, Trung lơ đãng ngồi bên cửa kính nhìn mông lung xuống đường phố dưới chân với đầu óc trống trải, rỗng không. Từng đám sinh viên bước nhanh dưới mưa hoặc vui đùa với nhau làm chàng nhớ về quãng đời của mình ba chục năm về trước

Ngày ấy, ở tuổi hai mươi, lớp trẻ Việt-Nam không hồn-nhiên và vô-tư như ở đây. Thời đó, chàng đã băn khoăn về tương lai và cuộc sống. Mọi người ở lớp tuổi Trung đã phải tự lựa chọn con đường quyết định phải đi để vạch một tương lai phải sống. Định lầm hướng đi, chậm trễ vài năm, Nha Động Viên chờ đón và đời sống đi hẳn sang một con đường nghẽn lối. Trung thương cảm cho chính mình, và cho tuổi trẻ Việt Nam ưu tư cằn cỗi. Cũng nhờ đó, cùng một tuổi, nhưng những người như Trung già dặn, chững chạc, và hiểu giá trị của đời sống hơn tuổi trẻ Tây phương cùng trang lứa.

Ngày tàn cuộc chiến, khi cộng quân tràn ngập Đà Nẵng vào cuối tháng 3 năm 1975, bằng một quyết định cấp thời và liều lĩnh, Trung một mình tìm đường về Sài Gòn, vì tất cả những người thân của chàng đều ở đấy. Suốt ba tuần lễ không được bất cứ tin tức gì và gia đình Trung đã hầu như tuyệt vọng, thì đúng vào giờ giới nghiêm ở Thủ Đô, Trung đã vượt gần một ngàn cây số về tới Sài Gòn như một người trở về từ cõi chết.

* * *
Đầu tuần sau, Trung bị cảm luôn mấy mấy hôm và được nghỉ bệnh trong một tuần lễ. Hai đứa trẻ đi học và Thu đi làm nên Trung quanh quẩn ở nhà một mình với chồng sách báo bừa bộn chất đống ở đầu giường. Những cơn sốt buổi chiều, khiến chàng lạnh run, chui vào chăn, trùm kín cả đầu. Những lúc ấy, Trung mới chợt thấy mình bắt đầu già. Năm mươi rồi còn gì! Ngày xưa, cha Trung vào tuổi ấy, anh em Trung đã xem cha mình là già lắm! Nghề mô phạm đã khiến cụ già trước tuổi chăng? Sự liên tưởng dẫn chàng đi ngược dòng ký ức, trở về với tuổi ấu thơ của mình vào những năm 1951, 1952 tại một địa danh thuộc tỉnh Ninh Bình cách Hà Nội gần một trăm cây số về phía Nam. Tuổi thơ và kỷ niệm của chàng gói trọn trong ngôi làng nhỏ, hiền hòa bên giòng sông Đáy.

 Trung không sinh ra ở đấy, nhưng ông cụ đã về đây sau khi tiệm buôn của gia đình trên tỉnh bị bom trong thời Nhật Pháp đánh nhau. Về nơi có nhiều đất đai, cụ trông coi việc canh tác, bỏ hẳn việc bán buôn. Dân cư ở trong vùng đất mới miền ven biển trù phú này không đông lắm. Nhà nọ cách nhà kia hàng nửa cây số, nên mấy anh em Trung sau giờ học, chỉ quanh quẩn trong nhà với nhau, hoặc ra vườn xem mấy người làm cuốc đất trồng hoa hay đứng nhìn người quản gia và chị bếp cho đàn gà lên chuồng, xem đàn trâu đang thảnh thơi nhai cỏ ở cuối sân. Cuộc sống bình lặng lập đi lập lại mỗi ngày không một chút đổi thay. Ông Phan, cha của Trung là người ít nói. Ông nghĩ gì trong đầu, không ai đoán biết vì hầu như không bao giờ ông thổ lộ với ai. Có chăng là thỉnh thoảng có gì không vừa lòng, ông nói với mẹ Trung. Những lần như thế, anh em Trung bị gọi lại và mẹ anh nhỏ nhẹ báo tin:

- Thầy chúng mày đang buồn lắm đấy. Cố mà học, đừng để ông ấy xấu hổ vì các con thua kém con của người khác.

Những lần ấy, anh em Trung coi như những lời cảnh cáo nặng nề, nghiêm khắc vì mỗi năm chỉ xẩy ra vài ba lần như thế.

 Trong sáu đứa con, Trung là người gần cha nhất. Ngày còn ở ngoài Bắc, có lần ông cụ có việc lên Hà Nội cả tuần, Trung nhớ cha, cáo bệnh không đi học nằm trong phòng, lấy chiếc khăn mouchoir của bố đắp lên mặt, nằm khóc một mình. Đứa em gái tình cờ biết được mách mẹ, mọi người đều hay và Trung xấu hổ vì tính mít ướt của mình đến cả mấy năm.

 Hơn bốn chục năm sau, nằm nhớ lại chuyện xưa một mình trong căn phòng yên tĩnh, trung thấy như thật gần, như mình còn nhỏ dại của ngày xưa đầm ấm trong cuộc sống bình lặng đã qua. Nghĩ về cha, chàng ngậm ngùi muốn khóc. Những hồi tưởng ấy, đối với chàng là niềm hạnh phúc hiếm hoi của đời sống và là dịp để nhìn lại nhân dáng mình đã bị bỏ quên trong nhịp độ đưa đẩy của những diễn tiến xung quanh.

Vào Nam, Trung càng thương bố hơn. Với sự long đong của gia thế, ông cụ ngày càng ưu tư, ít nói hơn. Ruộng vườn không thể mang theo. Những tháng cuối năm 1954, trước khi trốn đi, ông cụ còn bỏ tiền ra mua thêm năm mẫu ruộng, làm văn tự trước bạ với ủy ban hành-chính kháng chiến xã để bọn Việt Minh nghĩ rằng cụ nhất định ở lại, nên thờ ơ trong việc canh gác hơn.

 Vào giữa khuya, một đêm không trăng sao, cả nhà xuống thuyền ra Phủ Lý tìm đường trốn vào Nam. Trước đó mấy tháng, dù mới mười tuổi, Trung đã nhìn ra  tai họa của gia đình ập xuống. Nhóm canh điền và đám người làm bỏ hết, về quê. Những người cày mướn, cấy thuê ở gần thỉnh thoảng còn đến mời thầy mẹ Trung đi họp ở đình làng khi trời sẩm tối. Những đứa bé như anh em Trung được lùa đến sân đình để bộ đội dạy nhảy hòa bình hoặc ca hò, múa hát. Những người làm ngày xưa khiến mẹ Trung lo lắng, dù mấy người trong số ấy đã được gia đình Trung cứu sống trong nạn đói tháng ba năm Ất Đậu 1945. Việt Minh vừa về, họ trở mặt ngay. Từ ngày bị gọi đi họp hành, kiểm thảo giữa đêm, cha Trung càng im lìm, đăm chiêu và ít nói hơn. Không khí trong nhà không còn vui vầy, huyên náo như xưa. Mọi người đều cảm thấy bao trùm sự đe dọa bất ngờ, nặng nề đến độ khủng khiếp. Căn nhà xây, tường dầy hai chục phân, nhưng khi chuyện trò ai cũng nghĩ rằng có người áp tai vào vách lắng nghe để ghi chép. Thầy mẹ Trung nói với nhau cũng chỉ là những tiếng thì thầm sát bên tai, khiến cho anh em Trung càng ngại ngùng lo lắng hơn. Hai đứa em gái Trung ê mới bốn, năm tuổi cũng được dặn dò phải trả lời ra sao khi bị bất cứ ai hỏi đến. Mãi về sau Trung mới hiểu ra là gia đình anh thỉnh thoảng nhận được tin tức của những người thân ở Thanh Hóa  thuộc Liên khu Bốn gởi ra. Cuộc đấu tố Cải Cách Ruộng Đất đang xẩy ra và rất nhiều người bị chết.

Từ đó, mỗi đêm sau khi đi họp về vào nửa khuya, cha Trung một mình vào căn phòng quây thóc chỉ có mấy cót lúa, chiếc bàn và một cái ghế nhỏ để ở đó suốt đêm, trong hơn một tuần lễ. Thắc mắc, nhưng Trung không dám hỏi mẹ, vì biết rằng mẹ anh cũng sẽ chẳng nói ra dù ngay cả với con.

* * *
Gia đình Trung trốn đi với giấy tờ giả mà cha anh đã nhiều đêm âm thầm vào căn phòng quây thóc để khắc con dấu, chế ra. Trên đường đi từ Ninh Bình qua Phủ Lý ra Hà Nội, gia đình Trung cải trang là người nhà quê, ăn mặc lam lũ với giấy phép giả là đi Hà Nội khuyên người thân về vùng "giải phóng" đừng theo "thực dân" di cư vào vùng Nam vĩ tuyến. Vàng và tiền Đông Dương gom góp của gia đình, được nhét vào giữa gót giầy bằng crêpe rồi dán lại. Một số khác khâu vào cạp quần, gấu áo hay bện vào giữa cán chổi rơm mang theo, nói là làm quà cho thân nhân ở thành phố. Anh em Trung phải học thuộc lòng những câu trả lời, để đối phó với sự hạch sách, vặn hỏi thường xuyên của đám công an trong suốt chuyến đi. Nhiều gia đình có giấy di chuyển hợp lệ, nhưng mang theo trẻ con đi theo, bị công an giữ lại, viện cớ là trẻ con đi theo cực khổ, nên chính phủ đã sắp sẵn người để giữ hộ và cấp giấy chứng nhận để khi trở về mọi người sẽ lãnh lại con. Nhiều người đã phải ở lại vì sợ mất con!

Tới Sài Gòn, cuộc sống mới làm ông Phan ngỡ ngàng mất mấy năm và gia đình sa sút. Những người quen vốn ganh tỵ từ xưa hả hê về sự sa sút của gia đình đã làm ông Phan đau xót. Đứa bé mười tuổi mang mối hận trong lòng của cha và nhất định không nhìn mặt những kẻ đã vui mừng trên niềm đau thương của cha nó. Sở học mười mấy năm chữ Tây ở trường dòng Frères Saint Jean Baptiste de la Salle trước kia giúp ông Phan tìm ra lối thoát. Nghề giáo dạy Pháp văn làm gia đình ông ổn định hơn. Ký ức về sự đắng cay của cuộc đổi đời đã để dấu ấn trên cách suy nghĩ của Trung. Hơn mười tuổi đầu, anh đã hiểu sự hơn thua, tranh giành nghiệt ngã của đời sống. Với sự thật ở cha, anh được dạy dỗ rằng mọi thứ đều có thể mất, nhưng vốn liếng nằm trong óc của mỗi người là cái học thì không thể mất được. Dù thất bại đến đâu, sẽ có ngày người ta vẫn có thể mài chữ ra để sống. Trung hiểu đó là trường hợp của cha, và tự ái của đứa bé trong một gia đình bị tuột thang giai cấp khiến nó nghĩ bằng mọi giá phải leo lên. Nó cắm cổ học, không đàn đúm bạn bè, không đùa giỡn với ai, để đến một ngày nhận thức ra rằng chính mình đã đánh mất tuổi thơ. Ý chí vượt thắng đã biến đứa bé thành kẻ nhìn đời bằng nhãn quan e dè, thủ thế với tha nhân. Trung thành công bằng chính sự cố gắng của bản thân, để rồi chính chàng lại là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mấy chục năm về trước. Trung bỏ đi biệt xứ khi kẻ thù năm xưa từ bên kia lằn ranh tràn tới.

Soi rọi lòng mình vào tuổi năm mươi, như khi ông Phan ra đi từ đất Bắc, Trung thương cha và hiểu rằng xưa kia thầy anh đã vô cùng đau đớn. Sự nín lặng của ông và sự quay quắt của Trung bốn chục năm sau là hai trạng thái tinh thần chồng khít lên nhau. Nét mặt trầm lặng và đôi mắt nghiêm nghị của cha trở về trong trí nhớ như một hình ảnh thật gần gũi thân thương khiến Trung thấy cay sè trong mí mắt.

 Ngày 30/4, mười chín năm trước, ông Phan lần đầu tiên trong đời đã khóc khi ôm Trung và giục chàng tìm đường bỏ trốn. Giọt nước mắt của người cha già kiệt sức làm Trung không thể kìm được khỏi khóc. Kinh nghiệm của họ hàng ở Liên Khu Tư trước đây cho ông thấy rằng những người ở phía bên kia không khi nào để Trung sống sót. Không biết đi đâu, Trung lần ra đường phố và tình cờ con tàu Trường Xuân lao đao đã đem chàng vượt thoát. Mười một năm sau, ông Phan qua đời trong cảnh khó khăn, nghèo đói, rồi bà Phan cũng theo chồng năm 1991. Anh em Trung mỗi người tứ tán một nơi và hai mươi năm chưa bao giờ gặp lại…

* * *
Mỗi năm vào dịp hè, Trung vẫn đưa gia đình sang Đức thăm người cô và ông chú ruột mới định cư ở đấy để thấy cuộc đời bớt trống trải hơn. Những người em họ trước đây mười mấy tuổi, bây giờ đã có vợ con khiến chàng thấy mình già hẳn đi. Người cô và ông chú ruột bây giờ đã 80. Anh em của cha Trung còn lại chỉ có thế. Đến một tuổi đời nào đó, dù bay nhảy tới đâu cũng có lúc người ta phải nhìn nhận rằng tình cảm và đời sống tinh thần là cần thiết. Hai đứa con của Trung, ngay khi gặp cô, chú của bố lần đầu như đã cảm nhận được sự thân quen, gần gũi. Sự liên hệ máu mủ dường như khiến con người dễ tìm đến với nhau, Trung liên tưởng rằng trước khi qua đời, nếu được đứa con ruột nào đó nắm tay trìu mến, chắc thầy mẹ Trung vui lòng lắm. Nếu không có sự chia ly thì đó là việc tự nhiên, bình thường đã xẩy ra, cần chi phải ao ước. Đây là sự chua xót của kẻ lưu vong dứt khoát tách biệt với nơi, chỉ hai chục giờ bay là khoảng cách. Đó là cái giá của lòng liêm sì và về tiết tháo của con người mà Trung phải trả, nhưng chưa bao giờ chàng mảy may hối tiếc. Vào những dịp rảnh rỗi cuối năm, ngồi ôn lại những buồn vui của đời sống, Trung chạnh lòng về nỗi gian truân mà gia đình đã trải qua, về tuổi trẻ ưu tư, cằn cỗi của mình và về thân phận nổi trôi của những người đồng cảnh ngộ, để rồi tự hỏi không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao? Gần hai chục năm đã qua đi, quay quắt tại xứ người để thấy thực tế đau đớn này. Ánh sáng ở cuối đường hầm như mỗi ngày một xa! Kẻ lữ hành mỗi ngày một cô đơn, sầu héo hơn.

Ngày lễ nghỉ đầu tháng mười một năm nay tiếp theo hai ngày cuối tuần nên Trung được ở nhà mấy ngày liên tiếp. Mưa lâm râm và trời âm u như buồn thương cho những người đã chết. Khung cảnh lạnh lẽo bên ngoài làm tâm hồn Trung càng buồn rầu và dễ cảm xúc hơn. Để bớt trống trải vì không biết làm gì, Trung gọi điện thoại cho một người bạn ở ngoại ô cách Trung hơn năm chục cây số, mời Văn đến chơi để trao đổi với nhau về một vài chuyện mới xẩy ra trong tập thể người Việt lưu vong ở Pháp.

Buổi chiều cuối tuần đối với người bản xứ, người ta rủ nhau về quê để sum vầy với gia đình, làm vườn hoặc đi câu để quên đi đời sống bận rộn ở thủ đô. Nhưng, với những người đã mất quê hương như Trung, nó trở thành những ngày dài lê thê, vô nghĩa vì không biết làm gì cho hết thời giờ. Trung thường tìm một vài người bạn hiếm hoi còn bận tâm tới niềm đau tha hương để tâm sự, hoặc bàn bạc với nhau về các toan tính của những người đang lăng xăng quanh bọn tay chân ngầm của đối phương mà không tìm ra lối thoát.

 Trung đang chăm chú đọc bài của cựu đại tá Mai viết về lập trường của nhóm ông nhân ngày Quân Lực thì ông Văn đến. Trung đứng lên bắt tay, trao cho bạn bài tham luận của người đứng đầu nhóm cựu quân nhân, lắc đầu, chán ngán;

 - Ông coi đấy. Đại tá Mai vừa gửi bài này cho các hội đoàn và một số người tai mắt tại Paris. Ông ta từ mấy năm nay vẫn tranh đấu để mọi người chấp nhận Việt cộng và ngồi chung với đảng Cộng Sản trong sinh hoạt chính trị tương lai ở Việt Nam. Bây giờ, ông ta lại chính thức đứng ra đòi chúng ta giành chỗ đứng cho chúng nó, để gọi là thể hiện tinh thần dân chủ đa nguyên. Tôi không còn có thể hiểu được con người của ông ta nữa.

Văn đỡ lấy tập giấy, cười, nhún vai:

- Mấy anh này thì biết gì! Chỉ nói như con vẹt. Tông tông bảo sao thì lập lại nguyên văn. Vừa dốt, vừa đần, vừa hèn nhưng vẫn nhi nhô…

Sau khi yên lặng đọc hết bài viết, Văn nhấp tách nước trà, nói tiếp:

- Mấy tay "Việt kiều yêu nước" viết thế này thì mình hiểu được. Ba ông "tướng tá Cộng Hòa" ngày xưa mà lại đi giành chỗ cho Việt cộng thì khốn nạn quá. Phản ứng của những người nhận được bài viết này ra sao?

- Còn ra sao nữa! Người ta yên lặng, nín thinh chứ làm sao! Sự ù lì, thờ ơ của mọi người nhiều khi làm mình nổi nóng. Ngày mai, nếu có ai cầm cờ Việt cộng đi ngờ ngờ tại khu Việt Nam ở quận 13, có lẽ người ta cũng chỉ lấy mắt nhìn lơ, chứ chẳng ai phản ứng. Thời mạt vận nên con người lơ là, đổ đốn!

Ông Văn chán nản, lắc đầu:

- Thế thì chịu thôi! Uổng công hàng triệu người đã chết. Tranh đấu để đồng bào chấp nhận Cộng Sản thì ra đi để làm gì? Các ông ấy cứ ở lại Việt Nam rồi xin Cộng Sản cấp phương tiện đi từ Nam ra Bắc, đến từng địa phương khuyên đồng bào hợp tác với nhà cầm quyền thì Việt cộng đỡ phải dùng tới cán bộ của họ. Tại sao phải chạy ra đây dụ dỗ những người lưu vong? Nói là đấu tranh nhưng việc các ông ấy đang làm là việc lẽ ra cán bộ cộng sản phải làm mới đúng. Việt cộng khỏi phải trả lương, khỏi phải tuyển mộ… mà kẻ cựu thù cũng quay ra phục vụ chúng.

 Trung mỉm cười cay đắng. Mười năm trong quân ngũ, Trung có bao nhiêu cấp chỉ huy như thế? Trí khôn dạy con người xa lánh kẻ bất nhân. Lương tâm dạy con người lên án kẻ sát nhân. Lương tri của con người kia để ở đâu khi họ khuyến dụ chúng ta ngồi chung với tội đồ của dân tộc. Họ tranh đấu cho tự do, quyền sống của người dân hay cho sự sống còn của CSVN? Càng nghĩ càng thấy ngao ngán cho nghĩa khí của những người nhân danh là đứng trong hàng ngũ chống cộng trước đây.

Hai người dùng cơm tối. Trong bữa ăn, Trung chợt nhớ đến một điều suýt nữa anh bỏ quên:

- A, ông có nghe đài RFI phỏng vấn Chủ tịch Văn Bút việt Nam Hải Ngoại về giao lưu văn hóa Quốc Cộng không?

Văn lắc đầu. Trung nói tiếp:

- Tháng tám vừa qua, trong cuộc phỏng vấn phát thanh về Việt Nam, người đứng đầu một tổ chức văn nghệ sĩ việt Nam hải ngoại nhắn với Việt cộng rằng Do thái và Palestine  ngồi chung với nhau trong Văn bút Quốc tế được, thì tại sao văn nghệ sĩ Việt Nam trong và ngoài nước không thể xóa bỏ hàng rào ngăn cách để đến với nhau. Thái độ cởi mở, khoan dung và hòa hoãn giữa các dân tộc có mối thù truyền kiếp với nhau là khuôn mẫu để cho những người Việt Nam vốn có nhiều mẫu số chung phải noi theo. Theo ông, sự xung đột hiềm khích vì ý thức hệ cần phải tháo bỏ vì nó đã làm phí phạm công sức và tài năng của chúng ta.

Cả hai yên lặng. Nỗi phiền muộn xoay quanh trong đầu làm Trung có cảm tưởng mệt mỏi như sắp đổ bệnh đến nơi. Mỗi người như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng, buồn bã. Như vừa nhớ đến một điều có chủ trương trùng hợp, Trung nói thật chậm:

- Ông ạ, chuyện Do Thái chung sống với Palestine đang được Việt cộng thổi vào đầu óc các ông Quốc Gia mà chính các ông ấy vì vô tình nên không biết. Mấy ông đang vận động kết hợp các tổ chức Quốc Gia vừa ra đời ở Mỹ cũng dùng gương của Nam Phi, của Do Thái và Palestine và của Căm Bốt để hy vọng giải quyết vấn đề Việt Nam. Nói chung, người ta đang xin chung sống với Việt cộng vì trước đây họ đã lầm lỡ bỏ nước ra đi!

Suy nghĩ thật lâu, ông Văn tâm sự:

- Khi nói chuyện thương thảo, nhượng bộ lẫn nhau để chung sống thì điều kiện căn bản là lực lượng đôi bên phải tương đương hay gần như cân bằng với nhau. Kẻ nắm quyền chỉ chịu nói chuyện khi đối thủ có sức mạnh đủ để làm họ nao núng mà thôi. Ở Nam Phi, người da đen chiếm đa số, gây náo động từ mấy chục năm. Người Palestine khủng bố quấy phá gần nửa thế kỷ qua khiến Do Thái ăn ngủ không yên. Ở Căm Bốt, phe Son San, phe Sihanouk và  Khmer Đỏ gây khốn đốn cho nhà cầm quyền trước đây. Họ nhượng bộ vì không muốn bị lật đổ. Không có điều kiện ấy, thì dù khóc lóc, lạy van cũng bằng vô ích. Hơn nữa, mục đích của chúng ta khi ra đi không phải là đấu tranh để xin sống chung mà là phá bỏ chủ nghĩa và chế độ mà mình đã biết là không thể sống được. Làm chính trị mà không hiểu được điều sơ đẳng đó thì chỉ làm khổ dân mà thôi.

Đêm đã khuya, Trung đưa bạn xuống đường về. Một mình đi trên đoạn đường vắng, Trung tìm đến một quán nước mở cửa suốt đêm cách đó không xa. Tách  café thật đậm kiểu Ý, tê trên đầu lưỡi làm chàng thấy thoải mái hơn. Vài cặp tình nhân âu yếm thủ thỉ với nhau khiến Trung mỉm cười một mình khi nghĩ đến lúc họ lấy nhau để rồi vài ba năm sau kéo nhau ra tòa ly dị, thương lượng, trả giá với nhau từng đồng quan tiền cấp dưỡng. Con người và đời sống ở đây như những màn kịch. Vội vàng. Giả tạo. Trơ trẽn!... Bao giờ tôi sẽ trở về để khỏi thấy cô đơn? Để in dấu chân trần trên đám cỏ ướt đẫm sương mai? Để đi tìm lại con đường mà tổ tiên tôi đã dày công bồi đắp.

Trung đem nỗi mộng mơ kia vào giấc ngủ muộn chập chờn khi trời đã quá nửa khuya và không gian vẫn lạnh lẽo, vô tình như khơi thêm niềm đau của người lưu vong sống khắc khoải trên đất khách quê người …