main billboard


Người ta nói tang vợ chỉ để một năm. Lão vì thương vợ quá, vợ chết hơn ba năm rồi lão chưa tính chuyện vợ con...

chieu-buon
Lão Canh 51, tuổi Thìn, mạng kim. Người ta nói : “ canh cô mậu quả” và lão thấy nó ứng vào cái số lão rất đúng. Lão luôn luôn chịu cảnh cô đơn. Không ai bắt lão sống thế song đã nói ấy là cái số thì phải chịu. Lão lấy vợ lần đầu, chị Sen, nhỏ hơn lão bảy tuổi, tuổi Tý. Người ta ai cũng nói Thân Tý Thìn tam hạp. Được cả hào của lẫn hào con. Song chị ta vắn số, mới lấy nhau chưa giáp năm chị ta đã sinh, sinh khó, ở nhà quê xa xôi, đem về thành phố thầy thuốc nói, chậm quá. Lão Canh nói, không cứu được con thì cứu mẹ. Bác sĩ nói không cứu được cả mẹ lẫn con. Lão Canh than khóc liền một tháng. Người ta thường nói “ khóc hết nước mắt ” sao lão khóc cả tháng rồi, mà hễ cứ nghĩ tới là không cầm được nước mắt. Lão còn phải khóc nhiều hơn nữa. Nước mắt chứa ở đâu mà nó cứ còn mãi ? Khóc riết hai con mắt sưng vù, mí mắt mọng đỏ cay như chà ớt. Thấy lão khóc cả tháng, có người rủ lão lên chùa nghe kinh cho khuây khỏa. Xưa nay lão không hề ăn chay, lên chùa, mà còn chê bai việc tu hành. Ai nói đến sư lão dè biểu, gọi là mấy thằng đầu trọc ve mấy con mụ góa. Lần này lên chùa, lão thấy người chung quanh làm gì lão cũng bắt chước làm theo.

Sư ông ngồi gõ mỏ tụng kinh, quay lưng lại, chẳng thấy một lão chưa già nhưng hình hài tiều tụy ngồi trong xó. Hôm nay sư ông giảng đến cái gọi là “nghiệp” sát sinh. Sư ông dạy, mấy người giết hại súc vật, vừa mới tắt hơi đã có con ngạ quỉ cầm cái phướng câu hồn tới bắt đi qua cây độc mộc kiều, làm bằng một cây gỗ dài trăm trượng, bắt từ dương thế xuống âm phủ. Oan hồn mấy con thú ở dưới sông than khóc níu kéo hồn kẻ mang nghiệp sát sinh rơi xuống dòng sông máu đầy rắn rết. Lão Canh thấy sư ông không quay lại nhìn tại sao lại biết lão đi chùa nghe kinh, mà đem cái nghiệp sát sinh giảng để răn nghề đồ tể của lão, hay sư ông có con mắt thứ ba nằm sau ót. Lão nghe thiên hạ nói, mấy người tu hành đắt đạo có linh nhãn, biết việc xảy ra sau lưng. Lão Canh làm cái nghề lái heo, đi mua heo về làm thịt bỏ mối cho mấy chị hàng thịt chợ đầu cầu. Rõ ràng là sư nói về lão…

Sư tiếp:“ Mà có qua được con đường đọan trường thì cũng lọt vào thập điện diêm vương. Ở đó bọn quỉ đầu trâu mặt ngựa, cưa xẻ, xay giã , nấu dầu, muôn vàn đau đớn. Phật khuyên hãy lìa bỏ cái nghiệp sát sinh, chay tịnh để thân, tâm, thường an lạc. Lão nghĩ sư nói bậy, tuy là nghề nghiệp ác, song bỏ nghề lấy chi mà sống ? Vả lại vật dưỡng nhân. Trời đất sinh con vật ra là để nuôi sống con người, dùng nó làm đồ ăn, chẳng tội lỗi chi cả. Nghĩ thế lão đứng lên tính đi về. Có ai đó níu tay lão lại, bảo ngồi xuống nghe thầy giảng tiếp bài kệ này hay lắm. Mọi Phật tử hưng bái mấy lần và rồi ngồi xuống xếp bằng yên lặng nghe bài kệ…“không tức thị sắc. Sắc tức thị không”… Lão chẳng hiểu gì cả, cứ thấy thiện nam tín nữ chốc chốc thành kính kêu lên:“Nam mô A-Di-Đà Phật”, xít xoa cúi lạy. Lần này lão ngồi yên, ngồi xếp bằng xem thiên hạ lạy. Mụ Ba Thu, bán cháo lòng. Sáng nào cũng tới lò mổ của lão hốt huyết ứ về nấu cháo huyết bán cho bọn thợ thuyền xưởng đóng tàu Song Thủy, quì một bên, nhắc: Anh Năm chịu khó lễ tạ cho bớt cái nghiệp sát sinh đi, chỗ mô không hiểu tui giảng lại cho. Và mụ giảng thầy nói :“ có cũng như không, không cũng như có…lẽ đời có không là chuyện thường, con vợ chú Năm là người bề trên, hiện đến kiếp này sống với chú đôi năm, hết nghiệp duyên trở về tiên cảnh, sướng hơn sống với chú nhiều, chú mà thương vợ thiệt tình thì nên vui chớ nên sầu não khóc lóc mãi. Cái đó là sắc sắc không không…” Lão ờ, thầm phục con mụ nhà quê một chữ cắn đôi không biết sao lại sành chuyện kinh kệ khó hiểu đến thế, nói nghe có lí, thôi mình cũng chẳng đau buồn nữa. Nhân nói chuyện Diêm vương, ông thầy nói về cái tội buôn gian bán lận. Tội nầy chết xuống âm phủ bị tra khảo tùng xẻo, thầy dặn :“ Quí đạo hữu, ra phía chái sau chính điện mà coi bức họa đồ thập điện diêm vương thì biết cảnh âm phủ ghê gớm thế nào mà cố tu hành cho tinh tiến, tránh xa nghiệp chướng…” Nghe kinh xong lão Canh lần ra sau xem bức họa đồ thập điện diêm vương, in trên tờ giấy lớn rất dài dán từ đầu trù phòng (nhà bếp) cho tới cây cột gỗ lim chạm trổ rồng mây. Riêng cái tội nói láo với tội buôn gian bán lận vẽ sau cùng. Tội nhân bị bọn đầu trâu mặt ngựa treo ngược lên cây sà nhà, bên dưới là một rừng gươm giáo cắm tua tủa. Lão coi xong cười thầm. Dọa con nít với dọa mấy ông già bà cả nhà quê, người như ta đâu có sợ!

Người ta nói tang vợ chỉ để một năm. Lão vì thương vợ quá, vợ chết hơn ba năm rồi lão chưa tính chuyện vợ con. Mấy mụ đàn bà khen lão chí tình. Khen xong rồi chọc :“ Con Khuê, bạn hàng , bán thịt heo chợ đầu Cầu cũng mới chết chồng. Thôi anh chị cùng nghề cặp với nhau cho tiện ” Con Khuê thua lão gần hai mươi tuổi, nhân việc qua lại mua bán, muốn cặp bồ với lão để được mua hàng rẻ, có khi nó tìm cách tới nhà lão rất sớm, hồi gà gáy giúp lão làm thịt heo. Có khi trời tối mới đến giao tiền, tìm cách ở lại. Lão Năm Canh thương vợ lắm nhưng bị con nhỏ tấn công nhiều quá nên yếu lòng không từ chối được, để cho con Khuê ở luôn nhà mình, thành vợ chồng kiểu rổ rá cặp lại, không lễ lạc trầu cau chi cả. Người ta khen lão để tang vợ ba năm chừng nào, chê con Khuê chồng mới chết rồi rằm tháng tám năm ngóai, mới giáp năm, cỏ trên mộ chồng chưa xanh đã đi bước nữa. Khuê tuổi tuất, năm đó mới ba mươi, chịu lấy ông lão đáng tuổi cha. Cuộc tình không được lâu, hai người ăn ở với nhau chưa giáp năm hàng xóm láng giềng không nghe tiếng kình cãi chi cả, chỉ thấy con Khuê, miệng cười rất tươi, cay cầm cái nón lá Huế mới mua, mặt mày có ngấn nước mắt song miệng lại tươi cười tất ta tất tưởi đi ra ngỏ, mấy người đi chợ hỏi đi đâu? Nó nói đi chợ. Ai cũng tưởng thiệt, hóa ra tối trước, vợ chồng làm ăn ra răng mà sáng con nhỏ bỏ đi, mấy con mụ bán thịt ác khẩu nói :“ Lão Canh ốm yếu ho hen quá, con nhỏ chết chồng lại phây phây, chịu sao nổi, nó bỏ đi là phải” Canh không nói một lời. Thì ra con Khuê tối trước đi coi hát đình về khen mấy thằng kép đẹp trai, đầu đội kim khôi, mình mặc ngân giáp, chân mang hài, uy nghi lẫm liệt, nói năng văn hoa văn vẻ, thằng nào cũng văn võ song tòan . Lão canh nghe thế chỉ góp một câu:“ Ôi ba cái đồ võ hát bội đó mà ăn thua chi. Lão bầu xếp sòng bọn kia ra chợ trả giá thêm bớt sao đó bị mây con bán cá vác đòn gánh rượt chạy có cờ, võ nghệ cái chi?” Có lần trời mưa dầm , cả gánh hát không diễn được, đói meo, chủ gánh phải vô xóm mượn gạo nấu cháo. Con Khuê thấy thương rủ cả ban hát gồm vua chúa, hòang hậu thế tử công chúa về nhà đãi một bữa. Đang ăn, có thằng mò xuống bếp, nghe tiếng cười giỡn rúc rích, tiếng la “đừng!” Năm Canh chạy xuống, không bắt được tại trận song thấy mặt mày con Khuê đỏ lòm, hỏi , nó nói đứng cạnh bếp lửa nóng nên mặt đỏ. Hỏi vết son trên cổ áo, con Khuê bực mình thét:“Bộ ông là công an sao tra hỏi tui mãi ?” Năm Canh sợ xấu hổ với hàng xóm nhịn không nói gì, lên nhà trên, đàm tiệc đầu heo đã mãn. Ra về một thằng khác xỏ chân đôi dép Lào. Năm Canh bực quá không dừng được giáng cho con vợ một cái tát, con Khuê la: “ Tao hận mày, thằng lái heo!…” xách nón ra đi.

Lần này lão Canh, nhận phần lỗi về mình, lão than, chồng già vợ trẻ khó sống quá. Người ta nói:“Chồng già vợ trẻ là tiên” Lão cãi :“Tiên cái chi ? Người ta trẻ ưng chuyện trai gái, mình già rồi hết ham. Nghĩ sống như rứa tội nghiệp con nhỏ. Thôi cho nó ra cặp với thằng ngang tài ngang sức, còn tui đầu hàng” Vậy là sau hai lần lập gia đình, lão vẫn là người cô độc. Thầy bà nói đúng thiệt ! Lão thề, từ giờ về sau quyết chẳng nghĩ tới chuyện vợ con. Một thân một mình cho khỏe, đèo bòng làm chi ? Lão nhớ lại một lần ông thầy Sáu Đậu có sách Thọ mai nói:“Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, tứ hành xung, vợ chồng làm sao ăn đời ở kiếp với nhau được?”

Đến nghề nghiệp thầy bà cũng nói mình chọn nghề thất sách. Ông thầy Sáu Đậu nói lão tuổi Thìn , mạng Kim, bạch lạp Kim, vàng non. Kim sanh “thủy”, thủy là nước, chọn nghề nào dính dáng đến nước mới khá. Lão hỏi nghề chi ? Ông thầy đưa tra mấy ví dụ về chọn nghề hợp cách . Trước hết là trường hợp thằng cha Tạo, có đồng vốn nào đâu, mới vô làm nghề thương hồ sông nước, lúc đầu chỉ là thằng chạy hiệu cho chúng sai. Nay mới có mấy năm đã cất nhà lầu. Còn anh em nhà Tám Sọan, cũng mạng Kim, sắm được cái xuồng câu nhỏ như cái lá tre, Thằng chồng loắt choắt, như con nhái lấy con vợ úc núc. Tám Sọan chuyên câu cá dìa sông. Mỗi lần xuống thuyền, buông cần, cá ăn, ngồi giật mỏi tay không hết. Mà cái nghề có vốn liếng gì đâu. Cần câu thì chặt cây trúc chỉ sau nhà lão Bá. Mua mấy thước cước hai mươi. Mồi thì lấy cơm nguội quết nhuyễn. Muốn dụ cá tới, rang nhúm cám gạo, rang cho cháy, cho thơm. Bốc nhúm cám rang rải xuống, cám lang trên mặt nước ra khắp nơi, lôi kéo cá ăn trên mặt. Còn muốn câu lòai cá ăn đáy sông thì lấy mắm thối đùm trong miếng giẻ rách, cột nơi đầu cây sào, cắm xuống cát. Con vợ ở nhà sướng như bà hòang, chỉ việc ngồi chờ chồng đem cá về ra chợ đầu cầu ngồi bán . Ăn không ngồi rồi, mập ú như con heo nái đẻ năm sáu lứa. Nói rứa chớ không dễ, nhiều thằng cũng sắm xuồng ngồi câu cả ngày chẳng được con nào. Ông thầy kết luận. Ai làm nghề gì , miển hợp cách là giàu là khá.

Còn lão tuổi Thìn mạng kim, không làm cái nghề gì dính líu sông nước lại đi làm chi cái nghề lái lợn. Thực tình lão không tin việc diêm vương. Lão chỉ óan cái nghề khó nhọc, nghề thất đức, mà chẳng giàu có gì. Nhiều lần lão cũng muốn đổi nghề song chưa biết làm nghề chi, đồng vốn thì eo hẹp, cứ theo lối mòn mà đi, đành theo nghề cũ mà làm. Ban ngày lão lang thang khắp xóm làng, mua heo về làm thịt bỏ mối, kiếm chút sở hụi.

Lão Canh vai vác cái rọ với cây cân đòn đi rong khắp nơi . Lão mới tới đầu làng bọn chó đã xô ra sủa. Hình như người lão phân heo, máu lợn nhiểm vào tới xương tủy, lão đến đâu chó theo sủa từng bầy. Lão rất ghét bọn chó, nhiều khi chúng làm cho lão mắc cỡ với cô bác. Đi một tóan đông người, mấy con chó chỉ nhắm lão mà sủa, có con còn nhăn nanh ra gầm gừ. Lão than:“ Mô Phật, cả đời mình không rớ tới miếng thịt cầy sao bọn chó ghét mình ? Tao nổi xung lôi đầu bọn bây tới cho mấy quán cầy tơ cho chúng làm bảy món, mà sủa! ”

Chó xóm trên sủa đưa lão một đọan đến xóm dưới, bàn giao lão lại cho mấy con chó ở đây sủa tiếp. Chi Tư Bìa đang ngồi thái chuối cây, nghe chó sủa, ngước lên thấy lão Canh vác rọ đi mua heo, chị nghĩ thầm, may quá, mình tính đi kêu lão, thì lão đã dẫn xác tới. Thấy chị Tư Bìa, lão Canh lên tiếng:“ Nhà có heo bán không?” Chị Tư nói:“ Có con heo lứa mua không?” Lão Canh:“Heo gì cũng mua. Nhưng mà sao lại bán heo lứa, không nuôi thêm vài tháng nữa cho đủ tạ bán được đồng tiền hơn?”

con heo
Chị Tư :

- Cũng muốn nuôi đủ tạ, nhưng rau cám mắc quá, bán heo tuổi này tiếc đứt ruột.

Chị Tư dẫn lão Canh ra sau nhà. Có con heo, nằm trong xó chuồng, thấy người tới vẫn nằm yên, lão sợ heo bệnh, bỏ ăn đem về nhà chưa kịp xẻ thịt đã chết. Lão nói:

- Thím Tư hốt cho tui nhúm cám.

- Làm chi?

- Để xem thử con heo ni có bỏ ăn không?

Thím Tư không bằng lòng về cách thử nầy nhưng chị ta cũng muốn nhân cơ hội, cho con heo cám với gàu nước, ít ra khi cân nó cũng tăng lên vài ký lô. Chị vô nhà tính bốc nhúm cám gạo, nghĩ lại mình bán heo rồi để cám làm chi nên chị bưng luôn mủng cám, ra giếng xách gàu nước đầy đổ vô cái máng gỗ nuôi nhiều lứa heo đã cũ sưt mẻ cả, trút mũng cám vô. Con heo nghe tiếng nước ồ ồ , chạy tới cái máng táp xàm xạp . Cuộc thử nghiệm này thắng lợi thuộc về chị. Chị nói, giọng trách móc:

- Con người ta ăn như hạm mà nói heo bỏ ăn. Đồ ác khẩu ! Heo hơi kí bao nhiêu.

Lão Canh không trả lời ngay câu hỏi , nói quanh co một lúc rồi mới nói:

- Giá thị trường lúc này sau tết, heo rớt giá. Rớt thê thảm, hồi tháng chạp, chuẩn bị cho tết heo hơi, mười ngàn, trả hết hơi không chịu bán. Bây giờ có lạy người ta không rớ tới…

- Là bao nhiêu? Nói mẹ đi cho rồi ! Cứ loanh quanh mãi.

- Heo đứng, con trên tạ tám ngàn sáu, dưới tạ tám ngàn tư. Ưng thì cân.

- Sao tui nghe đồn tới mười ngàn lận?

- Mười ngàn, mười rưỡi, thậm chí mười một cũng có nhưng phải là heo hơn tạ hồi tháng chạp. Nhưng như tui nói rồi đó, giờ rớt giá rồi, rớt thê thảm. Nhưng mà thím với tui, chỗ quen biết…

- Quen biết thì sao?

- Trên tạ hay dưới tạ tui cân cho tám ngàn rưỡi…

- Thôi chín ngàn, được thì xúc.

- Tui trả một tiếng nữa. Không chịu thì tui đi luôn.

- Mấy?

- Tám ngàn tám !

Chị Tư đã ưng bụng, song không để lộ ra mặt, giả vờ, nói:

- Thôi đi đi, giá đó tui không bán được mô, lổ chết, tấm cám, rau cỏ lúc này cái chi cũng lên, gạo châu củi quế…

Lão Canh, biết người đàn bà đã muốn bán. Lão cũng gỉa đò xốc cái rọ lên vai, bước mấy bước về phía ngỏ. Chị Tư, kêu:

- Thôi bán đó, kẹt tiền quá, không bán cho ông cũng khó bán cho ai , ông làm tui mất hên rồi. Chớ bán con heo lứa đang sức lớn với giá bèo ai không tiếc.

Cuộc trả giá kì kèo, cuộc đấu trí tới đây đã ngã ngũ, không phân thắng bại. Trước khi lão Canh xắn quần nhảy vô chuồng bắt heo , chị Tư nói:

- Ông chuyên môn, nhắm thử bao nhiêu kí?

- Có cân đây bắt ra cân chớ nhắm nhía cái chi?

- Tui muốn biết bao nhiêu kí, được bao nhiêu tiền, còn tính tóan việc riêng của tui, xem thử đủ không mới bán. Còn không chạy tiền cách khác.

- Thì bắt ra cân cho nó đúng.

- Heo lứa còn nhỏ, còn non, bắt bỏ rọ móc lên cân, lỡ việc mua bán không thành, chết heo tui còn chi?

- Bệnh họan cái chi, đã bắt ra cân thì tiền trao cháo múc, tui không chịu đổi ý thối lui đâu- Lão nói cứng-Nói lại một lần nữa này, giá đó bán không? Còn dùng dằng thì tui về, mua có con heo bằng cái nắm tay mà mất của tui cả tiếng đồng hồ rồi.

- Ừ, thôi bắt đi…

Lão Canh leo vô cái chuồng heo làm sơ sài bằng mấy cây tre đực gác ngang dọc. Lão tóm một chân sau, nhấc bỗng con heo lên, nó kêu thét, tiếng kêu vẫn còn là tiếng kêu heo con. Lão hô chị Bìa, đưa miệng rọ gác lên cây tre thành chuồng, lão cho đầu con heo vô trước, đẩy một cái thực mạnh, con heo tuột vô sâu, giờ đây miệng con heo đã nằm ở đáy rọ. Lão túm miệng rọ lại, lấy sợi lạt, cột sơ sài, leo ra. Công việc bắt heo cho vào rọ chỉ tốn chừng hai ba phút. Chiếc cân đòn có cái vòng sắt, lão hối chị ta lấy đòn gánh xỏ vô vòng. Chị một đầu, lão một đầu giỡ đòn gánh lên, một tay lão xê dịch quả cân. Cái cân này do thợ rèn Ba Câu rèn bằng sắt đường tàu, dùng cũng đã mười mấy năm, chẳng còn chính xác gì cả, ra vào một vài kí cán cân chẳng nhúc nhích. Mặt cân khắc dấu sơ sài, và mấy con số, chỉ có lão là đọc được, mà nay sau nhiều năm cũng đã quá mòn đi, chính lão với cặp mắt kèm nhèm đọc có khi lộn. Lão thả đòn cân ra, đòn cân lên xuống vài cái rồi đứng yên, nằm tương đối ngang. Chị Tư la

- Cân chi mà ác rứa?

- Ác chi?

- Cân già chớ sao? Cán cân chỗng ngược ! Kéo ra thêm mấy kí nữa. Lỗ của tui bao nhiêu kí, một kí thịt heo chớ ít chi, đâu phải cân khoai lang khô, sắn khô mà cân ác rứa?

- Cán cân xuôi xị, vô một hai nấc nữa cũng được, còn đòi chi nữa ? Tui với chị chỗ quen biết ai nở cân già cân non?

Riêng về chuyện cân già cân non, hai bên còn cãi cọ nhau một lúc lâu. Có khi tưởng không giải quyết được. Lão Canh làm bộ giận, nói không mua bán chi nữa, chị Bìa, đòi bắt lại con heo. Song cuối cùng thật ra đây cũng chỉ là trận đấu về tâm lí. Cuối cùng cả hai đều công nhận cái lí “ăn cho buôn so”. Cuối cùng việc mua bán cũng qua. Chị Tư mời lão vô nhà uống nước.

Lão Canh vô nhà, thấy nhà cửa trống trơn. Hỏi anh Tư đâu. Chị Tư lại nhanh chóng mang bộ mặt sầu não, nói trong nước mắt: “ Ổng khuất núi mấy năm rồi!” Lão Canh, than :“Tội nghiệp!” . Cảnh nhà nghèo quá, thậm chí cái chõng tre cũng không có. Không có cốc chén, chủ nhà xuống bếp thổi phù phù một lúc củi lửa không cháy, bưng một bát nước đi lên, bát nước gì không biết, nước màu nâu nâu , lạnh ngắt, uốn vô thấy hôi như mùi nước lá đẻ, lão cố nhắm mắt nốc ừng ực một hơi cho xong. Cuộc mua bán lúc đầu hai bên đều căng nhưng giờ phút chia tay lại rất cảm động. Thấy lão vác cái rọ có con heo bên trong coi bộ rất nặng. Chi Tư nói:

- Sao không đi hai người, xỏ đòn gánh đỡ vất vả hơn.

- Một mình làm còn chưa đủ ăn, tiền đâu thuê mướn người khác. Không sao, con heo chị là heo lứa nhẹ hều. Tui còn vác heo sáu bảy chục cân.

- Hồi còn trẻ nói làm gì. Bây giờ có tuổi rồi. Ỷ sức làm việc nặng, ngã xuống đau thì khốn, làm bao nhiêu cũng không lại tiền thuốc men. Anh Hai có con trai lớn không thì kêu nó đi giúp một tay. Để mình ông già. Tội nghiệp.

- Tui không có con trai, con gái. Tui mồ côi vợ…

- Tội nghiệp! Có ưng không tui làm mối cho. Xóm ni bà giá thiếu gì.

- Tui nói rồi, một mình nuôi còn không nổi nữa, đâu dám đèo bòng…

Chị Tư không nói gì cả, bỏ đi ra sau một lúc trở lại cầm cây đòn làm bằng cây tre đực, dùng lâu đã lên nước. Lão Canh không hiểu, hỏi:“ Thím lấy đòn làm chi? ” Chị Tư chẳng nói rằng ra giếng, tháo sợi dây gàu vô, đưa cho Lão Canh ,nói :“ Cái rọ heo đầy phân, ai vác vai nặng quá đi xa sao được, vác là thất sách, khiêng tiện lợi hơn nhiều…Anh Hai lấy dây cột, xỏ đòn hai người khiêng không tiện hơn hay sao” Lão Canh , ngần ngại :“Ai mà thím nói hai người?” Chị Tư mắc cỡ, lí nhí : “ Thì tôi với anh chớ ai ?” Thấy mới quen biết, lại mới gây gổ nhau, kì quá, chị nói giỡn:“ Tôi khiêng giùm anh tới nhà, anh trả công cho tui…” Lão Canh không hiểu ý người đàn bà la lên:” Tui vác quen rồi. Tui không dám mướn thím đâu, mua bán lời lỗ không bao nhiêu tôi không có tiền mô…” Thím Tư cười:“ Nói giỡn chơi cho vui chớ công cán chi, tui làm giúp ! với tui cũng muốn đưa con heo về, như người ta đưa dâu. ”

Hai người khiêng con heo lên. Chị Tư nói :“Anh cao đi sau, tui thấp đi trước.” Đi một đọan, chị Tư thấp, sợi dây cứ tuột về phía chị, như thế phần nặng về phía người đàn bà. Anh Năm cứ dừng lại kéo dây về phía mình. Chi Tư nói:“Tui trẻ khỏe hơn anh Năm, tui lảnh phần nặng, anh cứ để dây lấn về phía tui một tí cũng được.” Hai người gánh con heo tòon ten đi. Giờ này đã trưa, đường rất vắng. Đi một lúc, thấy bọn trẻ con chơi bên lề đường. Bọn này đang chơi trò vợ chồng. Chúng đồng thanh hát :“Cô dâu chú rể đập bể bình bông…” Chơi và cười đùa, thấy hai anh chị khiêng heo tới, bọn chúng đổi lời bài hát :“ Cô dâu chú rể khiêng một con heo…” Cười đùa rất vui. Chị Tư nói vừa đủ cho anh Năm nghe:“Bọn trẻ con chọc mình đó anh nghe không?” Lão Canh:“ừ nghe, kệ tụi quỉ con ”. Đi một chốc đã tới bến đò Ghềnh. Hai người đặt con heo xuống, ngồi nghĩ trong bóng mát bờ tre. Gió sông thổi lên mát rượi. Hồi mua bán cò kè thêm bớt, còn là người xa lạ, không thấy dị, mắc cỡ ra đây, bến sông vắng chỉ còn hai người, anh chị tuy là người lớn song vẫn cứ mắc cỡ, ngồi im thin thít, người hay miệng như chị Tư cũng ngậm câm. Một lúc sau chị lên tiếng trước, một câu hỏi vu vơ :“Biết chừng nào đò qua hè?” Lão Canh :“ừ , chờ chút, chắc thằng Thêm lái đò về nhà ăn cơm.” Một lúc sau có thêm mấy người nữa cùng tới bến đò. Cả bọn ngồi thành hai nhóm. Nhóm kia tưởng hai người là vợ chồng. Có người nhìn con heo, hỏi :“ Ông bà mua con heo lứa này ở đâu, bao nhiêu cân, bao nhiêu tiền?” Nghe người kia lầm mình với lão Năm là vợ chồng , chị Tư mắc cỡ lí nhí. Lão Canh lấy làm lạ, đờn bà chừng nớ tuổi rồi còn ham chuyện vợ chồng quá sá. Con đò lão Thêm cặp bến. Năm Canh và Tư Bìa ì ạch khiêng con heo xuống đò. Lão Thêm, nói:“Hai ông bà ngồi ra sau, để con heo phía mũi, chổng mũi dễ chèo” Năm Canh, Tư Bìa nghe lão Thêm gọi “ hai ông bà” biết lão ta tưởng là vợ chồng. Tư Bìa nhìn anh Năm, nói: “Người đời lạ thiệt, cứ thấy đờn bà đờn ông đi với nhau là tưởng vợ chồng.” Năm Canh nói:“Thây kệ thiên hạ, họ nói chi cũng được”. Con đò ra giữa sông, gió rời rợi, nhìn con sông loang lóang bạc, và mặt trời sắp sửa rụng xuống phía sau hòn Chiêng. Năm Canh nói:“ Về tới nhà chắc cũng đỏ đèn” Tư Bìa:“Nhen lửa nấu nước làm heo luôn hả anh Năm?” Năm Canh nói:“ Không gấp gáp chi, nhốt lại sáng sớm mai làm cũng được” Tư Bìa nghe tới chữ “ ngày mai ” phân vân, thấy thẹn. Đêm nay mình ngủ đâu, về thì trễ, ở lại làm sao? Chị không dám hỏi anh ta câu này. Con đò cặp bến. Năm Canh nhảy lên bờ trước, chân lão dẫm chỗ bờ sông đất bùn, lão chới với suýt ngã. Lấy lại thăng bằng, lão đưa tay nắm tay Tư Bìa. Chị ta xốn xang. Nhiều năm rồi chưa đụng đến da thịt hơi hám đàn ông nào, nay tay trong tay hồi hợp làm sao. Tư Bìa xuống đò, chợt tưởng đến chuyện người đời coi con gái lấy chồng là sang sông. Hôm nay chị cũng đang sang sông với một người đàn ông khác đây. Không biết cuộc đời sẽ ra sao? Mình còn trẻ quá, không lẽ nằm không mãi. Nhưng còn bao nhiêu điều trở ngại. Với lại chị còn sợ miệng tiếng thế gian. Chồng chị lên núi, tiếng là đi củi nhưng kì thực là đi theo mấy người làm cách mạng, gọi là “ nhảy núi” sáu năm không về, chẳng tin tức gì, chết là cái chắc rồi. Song lại không phải chết, không quan quách đem chôn. Chị nghĩ, phải chồng chết còn có năm tháng để tang, xong tang chồng ba năm đi bước nữa chẳng ai trách, đàng này…Lão Thêm cho con đò vào sát bờ, lườn con đò nan cạ sàn sạt vào đáy sông cát. Nam Canh lại leo vào thuyền , xỏ đòn vô sợi dây cột cái rọ . Tư Bìa xốc cây đòn lên vai. Hai người gánh con heo lên dốc đất sét, mùa này còn đỡ, mùa mưa rất khó đi, đi không khéo, sẽ bị chụp ếch, té như chơi. Dốc cao, nhiều chỗ gần như thẳng đứng rất khó đi, đi thường còn khó huống chi gánh gánh nặng. Cuối cùng cả hai cũng đưa hai con heo lên tới đầu dốc. Hai người ngồi lại thở. Tư Bìa nói:“Hai người khiêng còn vải đái huống chi một mình anh Năm.” Chị nói câu nầy để cho lão ta thấy chị cũng biết săn sóc cho lão ta. Năm Canh, chỉ ừ hử cho qua chuyện.

Tới nhà, đúng là đỏ đèn. Cho con heo vào chuồng, Tư lấy gàu xách nước đổ cho heo uống. Tư Bìa hỏi, gạo, nồi anh Năm để mô? Lão Canh, hơi phân vân, đáp :“ở trong bếp…” Tư Bìa lui cui trong bếp một lúc nói vọng ra :“Hộp quẹt ở chỗ mô ? Thắp đèn, nhen lửa?” Năm Canh: “ Có Cái hộp quẹt để trên giàn bếp, quẹt không cháy đưa đây tui quẹt giùm cho.” Rồi lão than, không có chút xăng chế hộp quẹt, đổ dầu lửa mà mấy con mụ bán dầu còn tham pha thêm ba cái thứ dầu cặn kêu là ga-doan vô khó cháy lắm…’’Lão ở nhà trên nghe tiếng xòen xoẹt dưới bếp, biết chị ta quẹt không được, lão đi xuống bếp. Trong bếp tối thui, ánh lửa xanh lè bật lên rồi tắt, nhiều lần, lão lấy hộp quẹt, tháo nắp ra thổi phù phù, quẹt một cái đã bắt lửa. Một ngòn lửa vàng quạch, đầy khói, không chiếu sáng nổi cái gian bếp treo đầy nồi niu đất đen thui bồ hóng. Tư nhen bếp rơm. Trong bếp đã sáng hơn. Lão ra sân, nhìn mấy cây cau lão ốm nhom, cao lêu đêu xiu vẹo trong gió. Trên trời có mặt trăng, trăng mười ba, trăng non chưa đầy, mặt trời chưa lặn trăng đã qua khỏi bờ tre. Lão quay lại trong căn nhà bếp tối đã le lói ánh lửa hồng. Lão thấy vui vui, ít nữa có một người đàn bà sống chung cũng còn hơn thuở con Khuê mới bỏ đi theo trai nhà cửa vắng tanh, vắng ngắt. Nhiều bữa lão chẳng buồn nấu ăn, ra quán ăn tô gì đó cho qua bữa. Tư Bìa nhen đỏ lửa hỏi gạo nấu cơm, cử chỉ tự nhiên như một người vợ đã sống với chồng nhiều năm. Nấu cơm cho người xong, sẳn lửa chị ta bắt nồi cháo heo lên. Chi hỏi:“Ăn chi anh Năm ?” Năm Canh đáp:“ăn tạm. Có rau cỏ chi hái luộc ăn tạm, mai làm thịt heo để giành vài kí mà ăn ” Tư Bìa nhìn vào cái chạn thấy mấy hủ, đựng gì không biết, thấy đen đen, mở nắp lá chuối ra ngửi nghe mùi nước mắm kho, một lọ có mùi tương. Tư Bìa than :“Nhà cửa không đàn bà phát ớn” chị xách rổ ra sân hái một mớ dền tía, ngó qua bên kia thấy mấy vồng cải cay, chị nhổ thêm hai ba cây cải. Chị ta nhớ câu hát ru :“Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay” Hay thiệt, đúng với cái số phận hẩm hiu của mình từ khi chồng chị là lão Sâm đi củi trong núi Cấm, không về, đến nay cũng đã hơn năm năm…Buổi cơm chiều dọn ra ngòai sân, trải chiếc chiếu trên đất ngồi ăn dưới ánh trăng non. Chị hỏi:“Anh Năm thấy cảnh này giống chi không?” Năm Canh :“Cảnh chi ? ”. Tư nói:“Cảnh vợ chồng son, mâm tơ hồng…” Năm cười: “Già khú đế rồi còn son trẻ chi nữa”. Tư Bìa cũng thấy lạ. Mới đây giữa hai người rất căng với nhau về chuyện mua bán, sau lại thân thích cũng nhờ chuyện khiêng con heo, cảm tình nẫy nở trong chuyến đi từ làng Thượng qua làng Trung rồi cùng chung một chuyến đò. Ăn xong, Năm Canh lên tiếng trước:“ Bây giờ răng?…”Tư bìa hỏi lại: “Răng là răng? ” Là thím muốn dìa nhà tui đưa dìa. Tư Bìa nói: “Đường xa quá, đêm hôm, qua đò giang, không dám làm phiền anh Năm đưa đón. Thôi…” Chị ta muốn nói :“ Thôi tôi ở lại đây anh năm một đêm cũng được” Nhưng chị ta nói trớ thành ra ý:“Anh Năm đêm nay có làm heo không, tôi ở lại nấu nước sôi phụ một tay?” Năm Canh, không ừ hử gì cả, như thế là lão ta bằng lòng.

Tối lại, hai anh chị kê cái chõng tre ngòai sân. Hai người còn mới quá, chưa dám lên giừờng nằm cùng nhau. Nhường qua nhường lại mãi, Tư Bìa mới chịu phủi cẳng lên giường, chưa nằm vội, chỉ ngồi. Lão Canh ngồi chò hõ dưới đất. Trời đã tối, đêm có trăng non nền trời không đen, lờ mờ, ở chỗ mặt trăng, có mấy đám mây, ánh trăng chiếu tới đám mây sáng như bạc. Thấy Năm Canh ngồi dưới đất mình ngồi trên giừờng, coi không được, Bìa ngồi dậy, tuột xuống đất ngồi sát anh Năm, vẫn chưa dám tựa vào người đàn ông. Năm Canh thở dài não nuột, than:“ Thiệt tình…” Tư hỏi :“Thiệt tình cái chi anh năm?”

- Nghĩ sự đời thiệt tình…

- Mà anh “thiệt tình” chuyện chi?

- Chuyện đờn bà chớ chuyện chi

- Đàn bà mô anh Năm

- Con Khuê vợ tui, nó bỏ tui đi ngon ơ, không một lời phải quấy.

- Hay tại anh Năm ăn ở tệ bạc với người ta?

- Thề có trời đất, tui đối đải với nó như bát nước đầy

- Con đờn bà mô mà tệ bạc rứa anh Năm ?

- Con Khuê chớ ai ?

Tư Bìa không biết Khuê là ai, thắc mắc lắm, hỏi:“Chắc con nhỏ trẻ đẹp lắm phải không?” Năm Canh gật gù:“ ừ…trẻ thì có trẻ, đẹp thì có đẹp nhưng tệ bạc…” Tư an ủi :“ Thôi anh năm đừng buồn nữa. Cũng có người thế này người thế khác chớ anh Năm. Không chừng nay mai anh Năm gặp được người khác trẻ đẹp hơn, tốt lành hơn. Tui mong anh Năm được sung sướng, hết cảnh cô độc như phận tôi…”Tư muốn Năm hỏi về mình. Song Năm ngậm câm, bộ còn giận đờn bà con gái lắm.

Hai người nói chuyện hồi lâu, mặt trăng khi tỏ khi mờ, suơng xuống uớt đầm áo hai người. Tư Bìa ngồi một lúc mỏi, leo lên giường nằm xuống, kêu nho nhỏ :“ Lên đây ngã lưng một chút đi anh Năm. Làm lụng khiêng vác cả ngày…” Tư Bìa nằm xích vô trong chừa một khỏang giường trống. Năm Canh leo lên. Chiếc giường tre lâu năm, tre đã yếu, chịu sức nặng của hai người, mấy cái mộng rộng ra, kêu kẽo kẹt. Hai người nằm yên. Tư Bìa xoay người sang, ôm Năm Canh, nói :“ Ngủ nghe?”

Năm Canh:

- Ư ngủ

Tư Bìa:

- Ngủ suông nghe?

- Ngủ suống là ngủ làm sao ?

- Là mạnh ai nấy ngủ

- ừ !

Đang ngủ Chị ta nghe tiếng chuông chùa boong boong, giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn chung quanh, thấy giừờng chiếu lạ hoắt, không phải nhà mình. Và mình đang ôm người đàn ông nào đây? Một lúc sau chị nhận ra tất cả, nhớ lại hồi xế trưa hôm qua, thằng cha mua heo, việc trả giá, chuyện cân kéo, chuyện hai anh chị khiêng con heo toòn teng trên con đường làng, bọn trẻ con hát “cô dâu chú rể”, chuyện qua sông. Chuyện tới nhà, nấu cơm , ăn chung , tâm sự, ngủ chung, ngủ suông. Dù hai người đàn ông đàn bà, chỉ mới quen biết nhau trong một dịp mua bán heo mà đi chung, ăn chung, ngủ chung, ngó dị òm, vô duyên quá. Thiên hạ biết họ cười cho mà chết. Cười chi? Trai không vợ gái không chồng, có gìanh giựt chồng vợ ai đâu mà cười. Chỉ có điều hai bên đã trộng tuổi mà làm như con gái con trai mới lớn, gặp là xáp vô với nhau…

Năm Canh cũng vừa thức dậy, lão ta thấy cánh tay người đàn bà quàng ngang qua ngực, nằng nặng êm êm nhè nhẹ dễ chịu làm sao ! Lão nhè nhàng gỡ ra, nhẹ nhàng đặt xuống chiếu. Và trong giây phút lão nhớ lại tất cả. Tự nhủ, đàn bà lạ thiệt, không biết có phải cái mà ông thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai nói là duyên tiền định hay không? Không biết nó có thương yêu mình thiệt không hay tưởng cái nghề lái heo giàu có, mà mới đó thành vợ thành chồng, dễ dàng nhanh chóng như qua một chuyến đò. Không biết có được bền bĩ hay cũng như con Khuê, có cưới hỏi hai họ đàng hòang mà mới ba bảy hai mươi mốt ngày rã đám. Con nhỏ đó tệ thiệt. Tư Bìa thấy anh ta nhẹ nhàng giữ giấc ngủ cho mình cảm động lắm , song lại bật cười rúc rích, hỏi :“Nằm với ai đây biết không?”

- Biết, bà chủ con heo lứa, buôn bán, hắc ám…Ngủ được không?

- Ngủ một giấc từ hồi mặt trăng lên tới đỉnh trời, cho tới nghe tiếng chuông chùa. Chùa nào đó anh Năm?

- Chùa Thiên Trúc, đầu làng, chùa ở trên gò cao, tiếng chuông trong buổi ban mai thanh vắng đi xa. Bên chùa mấy sư cô thức khuya dậy sơm làm lụng, tu hành siêng năng lắm, tội nghiệp. Thím còn buồn ngủ cứ ngủ thêm chút nữa đi. Tui làm heo xong thức dậy ăn cơm cũng được.

- Ngủ ngáy gì nữa, sáng trưng sáng trật rồi. Nằm ngòai sân , người qua lại ngó vô dị òm . Anh có tính làm heo không tui nấu nước?

- Ư, làm, thím gánh ra chợ bỏ cho bạn hàng giùm tui. Tui trả công cho.

Tư nghe nói trả công, chị buồn lắm. Hóa ra anh ta chỉ coi mình là người làm công. Người sao bệ bạc, hèn chi mấy con vợ trước chúng nó bỏ đi. Chị ta tính nói :“Anh với tui công cán chi” Chưa kịp nói thì đã nghe Năm nói:“ Bán còn miếng nào đem dìa nấu ăn, ăn một bữa cho đã thèm. Nấu kiểu kho tàu, ăn với dưa giá chua, bớt ớn. Mỡ cũng đừng bán rẻ, được giá mới bán, còn dư đem về thắng đổ vô chai để qua mùa lạnh, chiên cơm…” Tư nghe thế đỡ tủi thân. Như thế là anh ta còn muốn ăn cơm với mình nhiều ngày nữa, ăn chung tới mùa lạnh. Tư:“Dạ” tiếng dạ nho nhỏ nghe mới ngoan hiền làm sao. Chị ta leo xuống đất ra phía sau nhà quơ mấy cành tre khô, nhóm bếp ngòai sân. Lửa đỏ chị ta lấy cái thùng, lọai thùng ngày tết nấu bánh chưng, ngày thường nấu nước trụng heo cạo lông. Nước chưa sôi thì Nam Canh đã chọc huyết con heo lứa xong, đặt heo lên cái giàn cây gần giếng, lấy cái gáo tra cán dài múc nước sôi, tưới đến đâu cạo lông đến đó. Mặt trời còn nằm giữa bụi tre thì công việc làm thịt heo cũng xong. Anh sả ra thành từng miếng lớn, xếp vô thúng, đậy tàu lá chuối hột. Chị Tư gánh ra chợ. Anh chỉ nói một câu: “Liều liệu buổi chợ mà bán. Bán xong sớm thì về sớm. Nấu cơm ăn trước đi đừng chờ tui. Bữa ni tui đi rảo xóm dưới mua heo.” Khi trước chưa có chị Tư , anh Năm chỉ việc làm heo xong thì mấy mụ bạn hàng tới cân. Giá cả mắc rẻ là tùy buổi chợ.

Chưa đứng bóng thì Tư Bìa đã gánh cái gánh không về. Mới bước chân vô nhà đã thấy một cô gái phấn son lòe loẹt, áo quần sang trọng, sợ dơ cái quần xoa trắng ngồi ghé bên giừơng.

Cô gái hỏi:

- Bạn hàng thịt hả ? Rồi cô ta tự giới thiệu:“Tui là Hai Khuê vợ ông chủ lò đây”

Tư Bìa giật mình, nghĩ, à chị ta là người anh Năm nói đây. Tư Bìa quảy gánh không vô nhà, nghĩ, cô ta trẻ quá, đẹp quá, nó bỏ ông Năm là phải. Nghe người kia hỏi về thân phận mình. Tư Bìa phân vân, trả lời sao đây, nói là vợ ông năm không được. Nói là bồ bịch cũng không xong. Ai lại đi bồ bịch với một người đàn bà, nghèo khó, quê mùa như mình. Thôi nhân việc cô ta tưởng mình là bạn hàng, cứ nhận luôn cho xong. Tư Bìa đặt gánh xuống, lấy chiếc nón không còn lành lặng nữa quạt. Nói với cô gái:

- Tui buôn bán với ông Năm đã lâu, nay mới được gặp mặt bà xã của ảnh. Ai ngờ anh Năm lấy được bà xả trẻ đẹp thế này. Tui lãnh thịt đem bán giùm ông Năm, bán xong đem tiền về giao.

Cô gái:

- Không có ông Năm thì giao tiền cho tui cũng được, ổng về tui đưa lại.

Tư Bìa giao hết số tiền bán thịt. Cô gái lấy tiền không cần đếm, bỏ vô cái ví đầm, thứ mấy cô thành thị thường dùng đựng gương lược son phấn. Tư Bìa đứng xớ rớ một lúc, không nghe cô gái hỏi gì, chị ta quảy cái gánh không, con dao cái thớt ra ngỏ, đi một mạch không ngó lại. Đến đầu làng, dưới gốc cây gạo, chị ta thấy có cô gái đứng một mình, cô gái uốn tóc bom bê úp vô, tới gần chi Tư thấy không phải cô gái, một người đàn ông đã trộng tuổi, tóc dài, ăn mặc theo kiểu thành phố đứng hút thuốc, ngó mông lung ra cánh đồng trơ gốc ra. Anh ta không ngó đến chị, chị gánh đi một đọan xa, ngồi xuống cỏ vệ đường, lấy ống quần lên lau hai con mắt vừa rơm rớm, tự nhủ, cũng may đêm rồi mình và anh ta chỉ mới “ Ngủ suông”, chớ có gì duyên nợ ràng rịt thêm nữa lại càng khổ. Rồi chị khóc, sau lại nghĩ, khóc lóc mà làm chi, chắc là kiếp trước mình với anh ta chỉ nợ với nhau có một đêm ngủ suông, trả xong rồi thì thôi. Người ta đã có gia đình rồi… Xa xa bóng lão Canh vác cái rọ nặng đi tới, hai người đang trên một con đường làng. Lão Năm không ngờ, Tư bìa rẻ vô ngỏ nhỏ tránh mặt, vẫn lén dòm trộm, xuyên qua mấy tàu lá chuối, cái dáng lom khom vác nặng, nghĩ đáng đời, phải có mình xỏ đòn khiêng đỡ cho. Xong chị nghĩ, đỡ dần gì nữa, duyên nợ chỉ một đêm “ Ngủ suông” trả xong rồi thì hết nợ hết duyên, đường đời mạnh ai nấy đi.

Ngồi một lúc cô gái cũng bỏ đi. Cô nghĩ, con mụ bán thịt nào mà dễ tin như vậy, mình mới nói sơ sơ là vợ ông Năm, không bằng chứng gì mà dám đưa hết số tiền bạc triệu, người nhà quê thật thà thiệt. Đỡ quá, lúc này mình đang kẹt. Chị ta mang cái ví đầm lên vai, guốc cao gót bước mấy bước trong căn nhà nền bằng đất nện, ngó quanh, không thấy cái gì đáng giá, ra ngỏ đi thẳng. Tới đầu làng Hạ thấy người đàn ông tóc bom bê, hắn ta chạy lại. Cùng lúc đó là cái dáng lom khom của lão Năm vác con heo đi về, chị ta dẫn người đàn ông kia lánh mặt trong đám mía, dòm theo lão Năm Canh, nghĩ, trời ơi số khổ thì phải chịu. Mình mà theo lão thì giờ này chắc cũng chiếc đòn gánh trên vai, hai đầu hai thúng thịt rong ruổi xóm này qua xóm khác như con mụ kia. Người đàn ông tóc uốn hỏi, có gì không ? Chị ta nói, đến nhà không thấy lão, đang bực mình có con mụ bạn hàng dẫn xác đến giao tiền thịt, em lấy luôn. Kệ mẹ, lão ta về nhà biết chuyện có chửi thì mình đã đi xa rồi./.