main billboard

 

Trời ơi! Hoá ra là em! Hèn gì lúc nãy bọn trẻ con nhìn thấy xem thì xôn xao hẳn lên...



01 CO GIAO

Hình như hồi gần sáng có mưa? Giấc ngủ  nông sờ  rối bời mộng mị, cơn mưa như có như không.  Một buổi ban mai đùng đục màu tro đến từ chốn nào còn chờ đợi bên ngoài. Trời đất  chỉ mới mơ hồ hứa hẹn bình minh.  Ánh mai tê tái luồn qua những khe nứa oải mục len lỏi vào lán trại. Tôi chưa tỉnh hẳn, đầu óc còn ngập  ngụa trong chốn mông muội về thực tại. Cái màn tuyn hoa huệ trắng trong ngần từ trên đinh rủ xuống phơn phớt ánh hồng đèn ngủ đâu  rồi, tấm nệm mút dày cả tấc bọc sa tanh láng lẩy mát rợi ở nơi nào mà dưới lưng tôi cảm thấy thô ráp, ê ẩm, rắn đanh như phải ngả lưng trên đá, lại còn tiếng kẽo kẹt nghiến răng tre nứa trong một buổi ban mai hoang  vắng lạnh lùng kì dị này? Còn nữa, cái bàn phấn đặt cạnh xửa số, ban đêm hồng ánh điện, ban ngày xanh bóng lá, tấm gương soi lớn trong vắt, sạch bong bày đủ  dụng cụ trang điểm. Bao nhiêu son phấn cho ngày, cho đêm, cho dạ hội, cho pát-ti, bao nhiêu cuộc chơi bời phất phơ biến đi đâu? Đúng rồi, không phải còn ở phòng ngủ nhà mình nữa.  Đã vừa xảy ra cuộc “cách mạng” không mấy dễ chịu chút nào trong đời. Thôi từ nay vĩnh biệt chăn êm nệm ấm xa hoa. Vĩnh biệt những năm những tháng hoang phí tuổi thanh xuân, thả bay theo gió dại vẩn vơ, nhạt thết.

        Tất cả bắt đầu từ một  quyết định điên khùng, lại  nhiễm hơi hướng lãng mạn, bay bổng, bốc đồng. Tôi, một cô gái hai mươi lăm tuổi, một tiểu thư khuê các, một thứ yểu điệu thục nữ, mà trước đây  chỉ mới thấy núi rừng trong  sách vở phim ảnh, lại chịu xung phong làm “Cô giáo miền cao”!

        Cũng không phải tất cả đều là ngẫu nhiên. Tôi đã kiếm việc làm liên tục mấy năm, thực hiện cái hoài bão lý tưởng tuổi trẻ làm tốt cho đời. Thế nhưng cái bằng Cao đẳng Sư phạm, cộng với kết quả cuộc thi công chức hạng cao, bon chen với bao nhiêu sĩ tử bốn phương vẫn không thể nào cho tôi hiên ngang cầm  cái quyết định đường hoàng bước vào cổng ngôi trường nào trong thành phố. Tới đâu cũng chỉ một điệp khúc buồn, lạnh lùng: đủ giáo viên, không cần, không có  chỉ tiêu. Cuối cùng cũng có nơi cần giáo viên, còn chỉ tiêu, mới nghe đừng vội mừng, rõ khỉ, còn, nhưng chỉ tiêu ở huyện miền núi! Chán ơi là chán! Thế là tôi lại tiếp tục lao vào cuộc rong chơi vô bổ với một lũ trai gái thất nghiệp ở thành phố.  Cho đến một hôm, đã quá khuya, nhọc nhằn, chán nản, bên “anh” , tôi thốt giọng bất cần  đời: “Miền núi thì miền núi, sợ gì!”. Anh không ngăn cản, không thúc giục, chỉ mỉm cười. Tôi biết anh không hào hứng việc này, không tin tưởng gì nơi tôi, ấy là một sự coi thường, xúc phạm đáng ghét và thế là bắt đầu cuộc tấn công định mệnh, dấn thân ngang bướng của “tiểu thư”. Đêm qua là thử thách đầu tiên, kết quả trò liều lĩnh của tôi. Tôi mà dám ngủ trong cái làn trại  cất tạm bên sườn núi, núi cao rừng thẳm thứ thật chứ không phải cảnh trong xi nê, nơi có thể có cả cái con mà sau này học trò bày cho tôi là con ay môn ( con cọp), chỉ mới nghĩ thôi đã nổi gai ốc rợn người. Nơi đó vừa là chỗ ở của giáo viên và là phòng học.

   *

 

       Tôi chợt nhớ lại tất cả. Tôi giờ đây thực sự đã dấn thân với tất cả cái nghĩa phiêu lưu mạo hiểm, lao đã phóng, chẳng thể dừng lại được nữa rồi. Ông trưởng phòng Giáo dục huyện, một người đàn ông đứng tuổi, khắc khổ, phong cách rặt nông dân có cái họ lạ lùng là “Mấu” gốc dân tộc Raglai, gặp tôi trưa hôm qua. Sau này tôi biết, đừng xem thường, ông ấy là người có học vị cao, một nhà nghiên cứu văn hoá các dân tộc ít người, có tiếng cả nước chỉ riêng về lĩnh vực sưu tầm Khan (Sử thi). Ông mãn nguyện với vị trí Trưởng phòng nhỏ nhoi nơi thâm sơn cùng cốc này, cũng là một cái gương cho tôi noi theo.  Ông chỉ cho tôi thấy tấm bản đồ  lớn, lồng kính treo trên tường, một bức tường loang lổ, màu xanh rêu, màu gạch đỏ, mường tượng tranh siêu thực. Bản đồ huyện Khánh Vĩnh, một huyện heo hút chen vào giữa lòng thành luỹ bạt ngàn rừng mưa nhiệt đới phía đông Trường Sơn.  Ông cầm cây thước kẻ chỉ vào một điểm hình vuông màu đỏ cạnh con đường, nói như giảng bài:

            -  Huyện lị mà mình đứng là chỗ này. Còn đây, trường học của buôn Liêng Sang, nhiệm sở mới của cô.

       Tôi chăm chú nhìn cái địa điểm  cái trường mà mình gắn bó, nó chìm ngập trong bạt ngàn xanh. Nơi sẽ cầm chân tôi trong những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời, mới chỉ nghĩ đến thôi đã thoáng ngậm ngùi xót xa. Tôi không hỏi ông xa hay gần, nhìn bản đồ ước tính khoảng năm cây số. Thôi cũng đành, đã là huyện miền núi thì  làm gì có chỗ nào gần, tiện nghi xe chạy dăm ba phút  như thành phố nữa. Mình đòi hỏi gì hơn. Cuốc bộ, có chậm, tiếng rưỡi cũng xong. Thấy tôi có vẻ tần ngần, ông bảo ở đây chẳng có xe cộ gì, dù có xe cũng chưa có đường, lên đây tất cả đều cuốc bộ. Ông nói tiếp với giọng ngao ngán:

            -  Tôi tin cô, hy vọng cô không như cái cô giáo tóc ngắn, có cái tên gì đó nghe lạ tai lắm mà tôi không nhớ, mới lên vài hôm thì có quyết định điều về xuôi. Ai cũng chọn nơi sướng, chỗ khổ phần ai?

       Thì tôi cũng đang nghĩ thế . Con bé nào cắt tóc ngắn, đẻ bọc điều, tốt số thế? Tôi xách chiếc va li du lịch sang trọng nhỏ  nhắn xinh xinh như đồ chơi lên, chào ông toan bước đi. Ông trưởng phòng nhìn cái túi bé con, ngạc nhiên hỏi:

            -  Cô có hành lí gì nữa không?

            -  Không, giang sơn chỉ có chừng này, vài thứ linh tinh. Thôi xin chào ông, có gì  tôi sẽ nhờ điện thoại xã gọi về Phòng.

            -  Xã chưa có điện thoại, điện chiếu sáng còn chưa có  nữa là.

            -  Ừ nhỉ!

     Tôi kịp giữ lại  lời than: “Nơi gì mà nghèo nàn lạc hậu thế này?”. Tôi cúi chào đi ra khỏi cái nơi gọi là “Phòng Giáo dục”. Khác hẳn trong tưởng tượng của mình.

        Vừa ra khỏi huyện lị, con đường tiện nghi,  dấu tích văn minh cuối cùng, đã từ giã tôi. Nó ngập ngừng đứng lại  phía sau rồi mở ra con đường đất đỏ với vô vàn lồi lõm nhiêu khê, vết tích không chối cãi được của mùa mưa rừng hung bạo vừa đi qua vùng này. Gió lên, bụi hồng đất đỏ  ba dan  thổi tung mờ mịt. Tôi tự trào, đúng là một cõi hồng trần , đi về chỉ một mình ta. Bụi hồng nhuốm đầy cây lá hai bên đường hoá thành khu rừng phong  lá đỏ. Con đường nhỏ dần nhỏ dần, khúc khuỷu, cuối cùng chỉ là lối mòn len lỏi giữa vô vàn cây cối bờ bụi sỏi đá bất tận. Mặt đường chẳng còn phẳng phiu nữa. Lục cục nhấp nhô những đá và cuội. Tôi chợt liên tưởng đến bài hát về một nỗi buồn lặng lẽ… Như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi… Khúc nhạc Trịnh thở  than quằn quại mới tối nào ở cà phê “Mây” bên anh, trong khói thuốc ngọt ngào, nồng nàn hơi thở anh, thương mà oán làm sao! Thôi chẳng còn gì để giận hờn nhau nữa nhé anh! Thế là giờ đây đã “thân gái dặm trường”. Một vài giọt nước bò nhồn nhột trên má. Mồ hôi hay nước mắt? Tôi cắn răng, quyết không để rơi một giọt buồn, thói nữ nhi thường tình. Cố cười, song tiếng cười pha lẫn âm hưởng nức nở.

         Chẳng thể  đùa cợt hay khóc lóc. Đau chân quá. Đôi guốc gỗ sơn mài với mấy chiếc quai nhỏ xinh xinh thắt nơ bướm, gắn vào  chỉ với mục đích mỹ thuật, gót cao cả tấc, niềm kiêu hãnh chết tiệt của lũ con gái, đang ra sức hành hạ đôi chân “sen ngó đào tơ”, bước cứ trật lên trẹo xuống. Một lần anh khen tôi có dáng đi đẹp,  gợi tình. Anh nói trông cái lưng uyển chuyển uốn lượn như rắn bò, ấy là kiểu “xà hành”. Và anh nói, nghe như ngâm nga: “Xà hành  tước bộ” là cái tướng của người con gái đa tình, tuyệt lắm. Của đáng tội, đàn ông các anh không biết chứ bất cứ cô gái nào cũng biết, dáng đi đẹp là nhờ đôi guốc  gót cao, càng cao càng tốt. Song giờ đây nó đang cứa, đang tra tấn tôi. Tôi ao ước sao cho mất cái gót cao đáng nguyền rủa lộn tiết  này.  Không cần “xà hành tước bộ”, tôi có thấp xuống năm mười phân, có lùn tịt, có xấu xí cũng chẳng sao.

     Làm sao bây giờ? Gió từ phía trước thổi tới, ôi  mát, gió rừng đến  bất ngờ dễ chịu quá. Có mùi thuốc lá khét trong gió. Mấy thanh niên và thiếu nữ  người dân tộc đi tới. Hình như là một chuyến săn về.  Một con mễn (loài nai nhỏ chân cao) nằm vắt ngang trên vai như choàng khăn. Họ nhìn tôi  ngạc nhiên, trông tôi hiện ra lạc loài ẻo lả như ma quái đến đây. Còn tôi thì mừng thầm, đã có bạn  đường. Trong bọn có người đeo lủng lẳng cái rựa bên hông, như đeo thanh trường kiếm. Tôi nói:

            -  Làm ơn cho mượn cái rựa.

    Anh ta ngơ ngác có vẻ không hiểu. Tôi chỉ cái rựa.  Tôi tưởng anh không nói  được tiếng Kinh. Không ngờ anh hỏi lại giọng rất chuẩn:

           -  Cô mượn làm gì?

    Anh ta tháo “thanh trường kiếm” ra trao cho tôi. Tôi ngồi xuống vệ  đường cầm chiếc guốc kê lên đá cố chặt bỏ cái gót, loay hoay mãi không xong. Anh ta làm giúp. Anh ta chỉ vung tay một cái, đôi guốc sơn mài đã thành hai mảnh gỗ mỏng. Cả bọn trai gái hồn nhiên.

         Tôi nói cảm ơn, cả bọn lại cười.  Ôi những con trai con gái với nụ cười hoang sơ hồn nhiên đẹp làm sao! Đúng là nụ cười sơn  cước đầy chất lãng mạn xanh… một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trong, một vòng sáng long lanh, với nụ cười nàng quá xinh…  Thôi rồi anh ơi, “ xà hành tước bộ” của anh bây giờ đây lạch bạch như con vịt bầu trên con đường trần ai cùng với những con trai con gái của huyền thoại Đăm San!

Tôi bước như chạy theo họ, mặt mày đỏ lửng, tóc tai rũ rượi, lượt thượt kéo cái va li có bánh xe – loại va li của khách du lịch trên những phi trường sang trọng không thích hợp tí nào trong cảnh này. Tội nghiệp, giờ nó  lấm lem bụi đất đỏ, tả tơi, cơ khổ như chủ của nó. Người thanh niên thấy không chịu được, dừng lại đỡ cái va li lên, thấy nhẹ như cầm món đồ chơi trẻ con. Tôi vượt lên đi cạnh anh ta, nhưng anh ta không chịu đi ngang với tôi mà lùi lại phía sau. Tôi muốn có  người nói  chuyện, nên cố bước nhanh cho kịp cô gái. Cô ta cũng lùi lại đi phía sau, thật là kỳ quái.  Hay họ ghét bỏ tôi? Không, về sau tôi mới hiểu người vùng cao không có thói quen đi hàng hai hàng ba, chuyện trò như dân thành thị mà chỉ đi theo một hàng dọc. Nay đi trên con đường mòn ngoằn ngòeo, tôi mới thấy cách đi ấy là đúng. Họ đi hàng dọc như thế từ ngàn đời nay đã thành tập quán rồi. Bây giờ tôi đã trở thành người đi đầu dẫn đường. Sau lưng tôi là người thanh niên. Hình như anh ta là người duy nhất trong bọn biết tiếng Kinh. Anh ta hỏi tôi đi đâu, sao lạc vào chốn này. Tôi nói lên đây dạy học. Bây giờ tôi đã có cây cầu ngôn ngữ. Anh ta tên là Y Mlô Niê. Anh ta cho biết trước đây cũng  có một cô giáo, lên đây được mấy ngày thì có giấy của tỉnh gọi về. Dân làng cho con cháu đi học,  trường không có cô giáo, phải ở nhà. Dân làng buồn lắm, họ sợ không có người lên đây dạy học nữa.  Bây giờ nghe cô lên thay, lũ làng mừng lắm. Tôi phân vân, tôi đã nghe ông Trưởng phòng Giáo Dục huyện nói về cô giáo này. Không biết cái cô gái tốt số đó đã  chạy thoát khỏi cái ngục tù bạt ngàn màu xanh heo hút sơn cùng thuỷ tận này để tôi trở thành hình nhân thế mạng  hay cô ấy cũng thuộc nòi lãng mạn, cứng đầu cứng cổ như mình hăng hái lúc đầu, thấy gian khổ quá không trụ nổi, đã sớm quy hàng? Còn tôi trụ  được bao lâu?  Tôi không mấy tin tưởng ở bản thân. Nhưng tôi đã quyết không đầu hàng trong cuộc thử thách  với chính mình. Đi thêm một giờ nữa, bên cánh rừng có mái nhà lợp tranh, thấp lè tè, trông tệ hại như cái chuồng trâu. Y Mlô Niê cho tôi biết đó là trường học của buông Liêng Sang. Nhìn căn chòi như cái tổ chim cheo leo trên sườn núi, tôi nhủ thầm: đây là “nhiệm sở” của ta, nơi ta sẽ “nhậm chức”. Không có dấu hiệu của sự sống, mái tranh nghèo đã bị bỏ hoang từ lâu. Chắc bên trong đầy phân trâu bò.

         Y Mlô Niê đưa tôi đến nhà trưởng thôn, một người đàn ông gầy gò, nhăn nheo và đen đúa như cây chà rang trong mùa đốt rẫy. Ông ta đánh vần từng chữ cái  quyết định của Phòng Giáo dục huyện, dừng lại săm soi khá lâu con dấu đỏ. Ông hoang mang không biết phải làm gì, chưa có chỗ ăn chỗ ở cho cô giáo người Kinh. Tôi nói chỉ cần chỗ ngủ tạm. Trưởng thôn nói tiếng Kinh khá sõi. Ông nhíu mày, lớn tiếng kêu: “Anăc! Anăc!” (Con gái! Con gái!). Kêu đôi ba lần mới thấy con bé chừng mười lăm ở ngoài rừng chạy về. Anac của ông tên đầy đủ là Hơ Đam Êban. Ông bảo Hơ Đam và tôi đi theo. Chúng tôi ngược lại con đường vừa qua. Chúng tôi phải vẹt cây cối đi vào cái gọi là  nhà trường, Bên trong còn lại mấy dãy bàn ghế làm bằng cây rừng, đóng xuống nền đất, cỏ đã lan vào mọc ngay trong lớp. Mặt bàn là những tấm ván cưa vội, thô ráp, mà đêm qua tôi đã tưởng nằm trên đá. Ông để con gái ngủ với tôi cho vui.

          Những sự việc to lớn bất ngờ  mới xảy ra  hôm  qua còn ngổn ngang. Thôi không mơ mộng nữa, xắn tay áo lên dấn thân, bước đi kế tiếp là gì?  Đã có cô giáo, đã có ngôi trường. Cô giáo giờ đây phải làm tất cả, phải bước tiếp, tự tin, một mình đi, không ai cầm tay, không ai dẫn đường, không ai “chỉ đạo”. Thôi vĩnh biệt quá khứ, đừng nghĩ đến nữa, từ giã phấn son ăn diện, từ giã những cuộc rong chơi  vớ vẫn vô bổ của bọn con gái, con trai nhà giàu phố thị, những cuộc bát phố, những chat room thâu đêm với những kẻ bên kia bờ đại dương, những cái nick names lạ hoắc. Thôi từ biệt những tháng ngày gieo neo đạp xe xin việc mỏi mòn, hết trường này đến trường khác, hi vọng rồi thất vọng triền miên. Dù sao thì nay cũng có công ăn việc làm chính đáng, không cần phải chạy vạy đâu nữa.

           Tôi vùng dậy mở va li, như thói quen cố hữu, lôi cái hộp phấn son trang điểm lỉnh kỉnh của bọn con gái thị thành. Tôi chợt dừng, mỉm cười, rõ ngớ ngẩn làm sao, trang điểm cho ai ở cái  chốn khỉ ho cò gáy này? Hơ Đam Eban đứng bên cạnh tò mò nhìn. Tôi trao hết cho cô gái rừng xanh mới lớn và nói lúc nào rỗi sẽ chỉ cho cách dùng. Cô gái cười e lệ,  ngượng ngùng, sung sướng. Tôi rửa mặt qua loa, cùng Hơ Đam chạy tới nhà Trưởng thôn hỏi công việc khai giảng. Trưởng thôn chẳng biết. Tôi hỏi nhà xã trưởng, trưởng thôn nói: “Nó cũng không biết cái trường dạy học đâu. Thôi ăn ngủ tạm ở trường đó, dạy học vài ngày bà con chúng nó vào rừng đốn cây cất nhà cho. Ta cho con Hơ Đam ở với mày, dạy nó học cái chữ”. Tôi nhờ trưởng thôn thông báo với bà con cho con em đi học.

          Tôi định ngày mai, thứ hai khai giảng. Chao ôi khai giảng cái gì đây! Chỉ một con bé thành phố với cái chuồng trâu mà con đường đến trường gập ghềnh loằng ngoằng luồn lách vạch cây lá ra mà đi.  Hôm nay tôi thức dậy sớm đợi các cháu. Mặt trời lên cao, ánh bình minh, dòng mật vàng óng sền sệt lênh loang trên những quả đồi bát  úp chạy mãi đến chân trời đẹp như tranh. Vắng lặng quá, chỉ có tiếng chim rừng ảo não làm thêm  hoang vu trống trải. Chẳng có tiếng trẻ, tôi mở cửa, không một bóng người. Tôi chạy đến nhà trưởng thôn, thấy lão cùng với mấy người nữa đang ngất ngưởng bên vò rượu cần. Bọn họ đều ngập ngụa hơi men trong cữ rượu sáng. Tôi vỡ lẽ, trưởng thông bận nhậu chưa thông báo bà con cho con em đến trường. Trưởng thôn mở đôi mắt say đục lờ lờ như nước vo gạo, rất tự nhiên đưa cái vòi trúc cong cho tôi, nói uống đi, rồi ta đi báo cho bà con. Nghĩ sao, lão nói, giờ này không có chúng nó đâu, tối lũ làng làm rẫy mới về, thôi cô giáo ngồi xuống đây nhum lắc (uống rượu cần), bọn đàn bà, con gái ở đây, năm được mùa rẫy, uống từ lúc mặt trời nhô lên từ đỉnh Hòn Dù đến lúc mắt trời rụng sau núi Ông Voi vẫn không say. Chờ mổ (vợ) ta về nấu cơm ăn. Tôi do dự không chịu cầm cái cần trúc uống cong nhúng vào ché rượu cần, trên miệng nổi đầy vỏ trấu. Tôi sợ cây cần trúc đã qua bao nhiêu cái miệng, song lại nghĩ, mình cần hoà đồng để sống, để làm việc. Hơ Đam cầm lấy trao cho tôi, nói ngon lắm, nai (cô giáo) uống thử đi. Tôi hút một hơi, thấy rượu chua chua, phảng phất mùi rượu nếp dưới xuôi. Mấy người đàn ông ngồi xung quanh nhìn tôi tò mò thích thú, tất cả đều cười. Họ nói nai nhum lắc giỏi lắm. Ché rượu vơi, một người ra sau nhà đem lên ống bương đựng đầy nước suối rót vào ché. Tôi nói, không sợ rượu nhạt sao? Hơ Đam nói, không,  rượu cần làm bằng ngô, khoai sắn, men bằng nhiều loại lá rừng, ủ chua, uống hết châm nước vaò, nhiều lần mới bỏ đi. Tôi uống mấy hơi chất men rừng, đầu óc lâng lâng, bước chơi vơi, thấy cái nhà sàn như bồng bềnh trong sơn lam chướng khí mây tràn.

           Hôm sau đã có học trò, trẻ con,  và thanh niên thiếu nữ, kể cả những con bé  chừng  mười mấy tuổi cũng địu con đi học. Đúng là một lũ học trò chẳng giống ai. Tội nghiệp tụi nhóc, không có cái áo lành lặn mặc đến lớp trong ngày khai giảng “trọng đại” này.  Học trò và nai đều ra dấu như  người câm. Tôi lộn tiết chửi, con ranh tóc  ngắn nào đó lên trước tôi chắc đã thấy cái cảnh trường lớp quaí gở này nên ngán ngẩm nhanh chân bôn tẩu, để lại cho tôi cái gia tài chết người này. Thôi không nói về “con ranh” đó nữa, chán rồi. Tôi lên danh sách. Tên bọn chúng khó nghe, khó viết, tự tôi phiên âm tàm tạm. Nhưng nói chung nam bắt đầu bằng chữ Y, như Y Mốc, Y Tlor, Y Khắp Niê…Còn nữ bắt đầu bằng chữ Hơ, như Hơ Ring, Hơ Lia, Hơ Nhum… Còn tuổi thì rất là đại khái, người dân tộc hầu hết đều không có khai sinh, không biết tuổi. Đơn vị thời gian là mùa rẫy. Thấy tôi lúng túng về ngôn ngữ. Hơ Đam nói sẽ dạy tôi tiếng Eđê. Từ đó Hơ Đam vừa là học sinh vừa là thầy tôi. Tôi cũng có cuốn vở và ngay đêm đầu tiên dưới ánh sáng cây đèn dầu trảu, ngọn lửa trộn khói đen sì chập chờn, tôi cũng đã căng mắt ra ê a bài học vỡ lòng chữ Êđê: hră là sách, man là vở, hderoẽm là học trò, nai là thầy cô.. thời nay bao người chen chúc đến trường học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hoa… ngôn ngữ của những nước văn minh giàu có để kiếm việc, kiếm tiền. Tôi đi học thứ tiếng kì quái này. .. Ba tôi ngày trước là một nhà giáo, ông nói bọn Tây thực dân thằng nào làm việc ở vùng cao cũng học tiếng Thượng, thằng nào biết tiếng bản địa được tăng lương, lên chức. Giờ đây tôi cũng bắt chước Tây thực dân phải cố học nhưng không phải để tăng lương, lên chức mà để dạy cho lũ trẻ con miền heo hút tội nghiệp này. Bọn trẻ con đứa nào bụng cũng ỏng, lúc nhúc giun sán, làn da vàng vàng tái tái như như con nhái, đặc trưng của bệnh sốt rét ngã nước kinh niên. Hầu hết gầy rạc, dấu hiệu của suy dinh dưỡng kéo dài. Tóc tai nhiều ngày không cắt, dài quá vai, cháy nắng, vàng râu ngô, móng tay móng chân không khi nào cắt, để dài như móng vuốt. Trai gái từ bé đến lớn  dứa nào cũng phì phèo điếu thuốc quấn bằng cả lá thuốc xanh vàng to như ngón  tay cái, thở ra khói khét lẹt. Mấy đứa con gái mười mấy tuổi địu những đứa con nheo nhóc khóc eo éo như mèo kêu. Nạn tảo hôn thật nghiêm trọng phổ biến ở vùng cao. Cần phải dạy chữ, đồng thời phải chữa bệnh, phải làm vệ sinh, cắt tóc, móng tay, tắm rửa, may vá, phải thổi làn gió văn minh vào nơi này, phải làm sao cho tối thiểu cũng ra cái trường, cái lớp…

         Mấy tháng sâu, cô giáo đã có thể nghe hiểu và bập bẹ vài câu : nao e (đi lấy nước), nao sang chơ (đi chợ) mtôhroẽm (đi dạy học), kao khắp klei ho đip phung cư chan (tôi yêu núi rừng). Cô giáo đã cả gan  xuống ca hnõ (suối) tắm, bắt con akan (cá), theo học trò leo núi bắt con chêm (chim), không còn sợ ông mjâu (thầy mo), con aymôn (cọp), con gâu (gấu). Cô giáo cũng đã biết sử dụng cây kéo, chiếc tông đơ thiện nghệ  như thợ cắt tóc, biết cầm cây kim sợi chỉ may vá, biết dùng thuốc chữa bênh như một “bác sĩ” làng… Và bọn học trò cũng đã chập chững đánh vần. Những bàn tay chai sạn chỉ quen cầm xà gạc (rựa) phát rẫy, chọc tỉa, nay cũng đã bớt lóng ngóng  cầm bút nắn nót viết cái chữ khá đẹp. Trẻ con đã xẹp cái bụng chữa giun sán, nhờ mấy viên thuốc chữa sốt rét kí ninh mà nay làn da trở nên bóng nâu hồng,  mái tóc ngắn gọn gàng và những thân thể khoẻ mạnh rắn chắc. Những bà mẹ tí hon cũng đã biết cách chăm sóc con.  Không còn thấy cái cảnh đau lòng: mẹ địu con sau lưng giã gạo, cái đầu bé tí lúc  lắc liên tục theo nhịp chày. Bọn con gái có cặp mắt sâu, màu nâu to long lanh, hàng mi dài cong, với cái nhìn êm như nhung, xà rông đen, áo thổ cẩm hoa văn đỏ vàng, hình ảnh của những hậu duệ người đẹp huyền thoại Hơ Nhị, người yêu của anh hùng Đăm San. Bọn con trai có khuôn mặt chữ điền, hình tượng dũng sĩ Xinh Nhã, vẻ đẹp tượng đồng rắn  rỏi,  hàm vuông, góc canh. Trai gái đều mang đặc trưng rất rõ  của chủng tộc Inđonésien… Đến lúc ấy tôi mới dám chắc mình trụ dược ở đất này. Tôi đã quên không còn cay cú với “con ranh” tốt số nữa.

Thỉnh thoảng tôi có “hạ san” thăm nhà, thăm phố. Bấy lâu nay tôi quay mặt với phố phường, nơi có ánh đèn đô thị tráng lệ, mặc cảm mình là người rừng xuống phố. Lâu nay tôi bận bịu trường lớp quá, không hề soi  gương, tôi biết dung nhan mình đen đủi xấu xí . Tôi cảm thấy lạ lẫm , xấu hổ  với những thú say mê một thời. Nhóm bạn cũ nay lưu lạc mỗi đứa một nơi, một số phận. Nghe nói “anh”, niềm đam mê tế tái, vẫn miệt mài rong ruổi, chấp chới với  những bóng hồng mê muội khác. Tôi đã quên anh từ lúc “đăng sơn”. Vết thương lòng lúc đầu tưởng sâu nặng, không  ngờ chỉ là đốm lửa lập loè, không còn vết sẹo nào.  Nay tôi sống mộc mạc hồn nhiên cũng với lũ học trò của mình, tôi là ama (cha), là ami (mẹ), là nai (cô giáo) của bọn nhóc.

        Một hôm đang buổi học, lũ trẻ nhốn nháo đứng cả lên. Lớp học xôn xao, tôi không hiểu gì. Nhìn ra thấy một cô gái  đi tới. Nhìn kỹ cô ta, ủa lạ làm sao! Đó chính là cái bóng, cái bản photocopy của tôi vào ngày đầu, ứa nước mắt trên con đường trần ai lên chốn cùng trời cuối đất này. Cũng khuôn mặt đỏ rần, tơi tả, cánh phù dung trong gió, mồ hôi bết tóc, phấn son nhoè nhoẹt, kéo theo chiếc vali có bánh xe lượt bượt trên con đường đất đỏ nhấp nhô. Cô tên Lê Thị Ai Khanh. Cái tên đầy vẻ vương giả, quyền quý. Nghe cái tên vẽ  vời ấy, tôi ngầm giễu cợt, cơ khổ, lên chốn này thì ái khanh của trẫm đã bị thất sũng đày lãnh cung rồi! Còn đâu ơn mưa móc thánh thượng…

       Sau khi để cô gái ngồi thở, tôi hỏi:

            -  Em mới ra trường, không xin được chỗ dạy ở xuôi đành xung phong nhận làm “giáo viên vùng cao” phải không? Bây giờ em thấy tận mắt vùng cao là thế nào rồi đó. Bao nhiêu gian khổ chờ đợi phía trước. Chắc em cũng đã nhận được lời hứa hẹn quen thuộc “lên đó dạy vài năm rồi điều về”? Hứa liều đó, không đúng thế đâu, ai cũng được hứa thế và ai cũng chôn chân chốn này, không biết đến đời nào. Em liệu  trụ  được lâu không?

           -  Không, em đã dạy được hơn nửa niên khoá ở một trường tiểu học khang trang  dưới xuôi…

      Đúng là con khùng!

          -  Thế sao không ở nơi sung  sướng ấy? Lên đây làm gì? Hay có khuyết điểm bị đày?

          -  Không, không khuyết điểm gì cả. Em công tác tốt, không bị đày. Chỉ tại em không thích chỗ dạy cũ, muốn  thử thách, muốn tự khẳng định…Tôi nghe “khẩu khí” con bé giống tôi quá, một kiểu người hùng tiểu thuyết chăng? Trươc tôi vẫn hoài nghi những ý tưởng điên rồ lãng mạn bay bổng loại này. Con bé là tôi đây sao? Không, hoàn cảnh hai chúng tôi có khác chứ, tôi bì sao được. Tôi chạy việc mòn đường nát cỏ mấy năm không  được, mới chịu “xung phong”. Con bé có gan cóc tía lì lợm hơn cả tôi, đang ở chỗ sung sướng mà lại bỏ đi, quái thật. Con bé hơn tôi quá rõ. Tôi bồi thêm,  cố ý làm cho con bé mất tinh thần:

           -  Gian khổ lắm, coi chừng kham không nổi,  ở không được mà đi không  xong. Đã có một cô lên đây  đầu hôm sớm mai rút lui có trật tự…

           -  Dạ em biết... cô gái ấy.

           -  Em biết cô ta? Cô gái ấy “chạy thuốc” gì mà đầu hôm sớm mai được kéo từ chỗ đèo heo hút gió về chốn phố thị hào hoa?

           -  Em không rõ, việc ấy là của người lớn, cha mẹ sợ con gái lên đó hoài tuổi xuân đi, làm sao kiếm tấm chồng xứng đáng, vả lại gia đình cũng có đủ điều kiện. Và thế là vài ngày sau, từ chỗ núi rừng heo hút, cô giáo ấy đã bay một mạch về ngôi trường tiểu học khang trang nhất thành phố.

           -  Em có vẻ rành chuyện người khác nhỉ?

           -  Thưa chị, vì em chính là… cô gái ấy!

      Tôi há hốc miệng thốt lên với tất cả kinh ngạc rụng rời:

           -  Trời ơi! Hoá ra là em! Hèn gì lúc nãy bọn trẻ con nhìn thấy xem thì xôn xao hẳn lên. Ôi, hoá ra  cái “con ranh” ám ảnh tôi bấy lâu nay đây sao? Lại là con bé yếu đuối nhỏ nhắn dễ thương, liễu yếu đào tơ , mình hạc xương mai mà bản lĩnh   vững như bàn thạch, khiếp thật!