main billboard

 

Chúng đã từng gian manh to tiếng nguyền rủa ông trời gọi là “thằng trời” kia, “thằng trời” nọ mà...

sung go

Tháng Tư Đen 1975. Ngày quốc hận của toàn dân Miền Nam, ngày tang tóc máu lệ khắp nơi. Tôi không may bị kẹt dưới chế độ bần cùn nghiệt ngã xã hội chủ nghĩa suốt tám năm. Sau thời gian thấm thía với chủ trương và đường lối lật lưng cướp của dân lành của cộng sản, tôi quyết định ra khơi tìm sự sống trong cái chết. Vì tôi nghĩ thà chết trong tự do còn hơn sống đời trâu ngựa hay kiếp ăn lông ở lỗ của thời đồ đá hái lượm.

Tin tức bạn bè tới tắp đưa về sau khi họ đến miền đất hứa giúp tôi thêm phấn chấn, tự tin mạnh bước kiếm tìm con đường giải thoát, dù con đường hạnh phúc ước mơ đó đắc giá với những nguy hiểm không lường trước được. Tôi lặn lội khắp các tỉnh thuộc vùng duyên hải, những nơi tôi từng đặt chân khi còn mang quân phục. Cũng may một buổi sớm mai nọ, tôi lần mò đến bến bắc Rạch Miễu Mỹ Tho, không dè lần đó thay đổi hẳn vận mệnh hẩm hiu tối mò của tôi.


Hôm ấy khách qua bắc không đông, trừ những người đàn bà khắc khổ buôn gánh bán bưng, đôi mắt dáo dác láo liên để sớm phát hiện bóng dáng bọn công an áo vàng hầu trốn lánh kịp thời. Tôi giả dạng lầm lũi trên con đường ngắn ngủn dẫn xuống bến bắc, con đường nầy tôi rất quen thuộc những lần hành quân tiểu trừ Việt cộng trong phong trào “đồng khởi” ở Bến Tre. Bao nhiêu kỷ niệm của một thuở súng gươm hào hùng với lớp lớp bạn bè nay kẻ mất người còn xiêu lạc bốn phương trời vụt đến với tôi trong ngẩn ngơ tiếc nuối.

Chiếc bắc ngày xưa đang đậu lạnh lùng nơi cầu nổi, dường như cũng buồn lây với vận nước buổi ngã nghiêng đổi đời tai hại. Tôi bỗng dưng đứng khựng lại, trố mắt nhìn trân trân một người đang thư thả đi về hướng đối nghịch với tôi. Chỉ trong một phút định thần, tôi nhận ra ngay người bạn cùng chung một trại tù với tôi.

Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong niềm vui gặp lại tình cờ. Cũng đã vài năm từ ngày hai đứa chúng tôi được cộng sản trả tự do, chúng tôi chưa một lần đối diện nhau. Bạn tôi trước đây là trung úy đồng ngũ với tôi ở Sư đoàn 7 Bộ binh, đến ngày cờ đỏ lên ngôi trở thành người bạn qua nhiều trại tù của cộng sản. Cùng kham khổ đói khát và lao động khổ sai, chúng tôi kết nghĩa thủy chung sống chết có nhau.
Bạn tôi nắm chặt tay, kéo lôi tôi vào một quán nghèo nơi vỉa hè trên con đường dẫn xuống bến bắc để hàn huyên. Cái quán nghèo nói là quán cho có vẻ phong lưu để nhớ nhung những ngày tháng huy hoàng xa xưa.

Trên bàn trống trơn, chỉ có hai tách cà phê đen đang bốc hơi uể oải, một màu thê thảm cũng như số phận chúng tôi đong đầy tâm sự, không buồn để ý hương vị của hai tách cà phê lạnh lùng trước mặt. Câu chuyện dây dưa đưa đẩy chúng tôi vào đề tài thời sự nóng bỏng:
- Hôm nay tao qua Mỹ Tho tìm mua vài bộ phận của máy Yamaha. Bây giờ tao sống với cái nghề bất đắc dĩ là đánh cá ngoài khơi. Đi biển thời buổi nầy đa số chỉ nuôi trong lòng thời điểm sơ hở của cộng sản để vượt biên. Chẳng qua những chuyến ra khơi chỉ là những lần thực tập cho quen với sóng gió và tập tành tìm phương hướng mà thôi.

Tôi nghe bạn vừa kể xong câu chuyện, trong lòng mở cờ. Cuộc gặp gỡ tình cờ mở cho tôi một hướng đi tràn đầy ánh sáng hy vọng. Có thể đây là con đường vững tin nhứt đối với tôi. Tôi ngỏ ý muốn tham gia tháp tùng với bạn trong dự định phiêu lưu nầy. Không ngờ bạn tôi quá tốt bụng:

- Mình từng sống chết, giúp đỡ nhau trong lao tù để bảo toàn sự sống. Bây giờ chẳng lẽ tao tìm đường sống cho tao lại đành để mầy và gia đình chịu chết trong xứ tù nầy hay sao? Mầy hãy tin nơi tao. Tao hứa… Bây giờ mầy lo chuyện riêng của mầy còn tao trực chỉ vào chợ Mỹ Tho tìm mua bộ phận tăng cường cái máy Yamaha. OK.
Chúng tôi siết chặt tay nhau giã từ trong luyến tiếc, chưa nói hết nỗi lòng. Trong ánh mắt long lanh đỏ hoe của chúng tôi phản phất tình bằng hữu vừa thấm thiết, vừa cao đẹp của truyền thống dân tộc lâu đời.


**
Chiếc ghe đánh cá mang số đăng ký B.T (Bến Tre) từ từ lướt sóng trực chỉ hướng thẳng về đất liền. Bạn tôi đứng sau lái, miệng không thôi hò hét, thúc hối đôn đốc mọi người, chẳng khác chi cái thuở xa xưa anh chịu trách nhiệm chỉ huy một đại độ tác chiến của sư đoàn 7 Bộ Binh.


Chúng tôi nôn nóng muốn sớm trở về Bình Đại, sau cả tuần lễ hơn, ngày đêm vất vả lênh đênh ngoài biển khơi lúc nắng lúc mưa bất thường. Bây giờ trông chúng tôi rất rắn rỏi, sạm nắng. Chúng tôi đã làm quen với nghề mới, đi đứng gọn gàn và ăn uống bình thường những lúc ghe chồng chành nhồi lên hụp xuống không ngưng. Nhưng quan trọng hơn hết là mục tiêu của chúng tôi đã đạt. Chúng tôi biết định hướng, biết chấm tọa độ, biết trông sao trời rành rẽ ban đêm giữa biển khơi.

Hôm nay ông Năm Rồng, chú ruột của bạn tôi tổ chức giỗ cha mình. Mời mọc lời qua tiếng lại không ngớt cũng nhờ vào một mớ bộn bàng cá tôm to lớn, tươi rói, có con còn nhảy soi sói vừa đánh bắt ngay sáng sớm hôm nay do bạn tôi mang đến, trước để cúng dâng ông nội mình, sau làm mồi hấp dẫn đánh chén cũng xôm. Câu chuyện dần lân lang qua nhiều đề tài thời sự chung quanh cuộc đổi đời. Thừa lúc mọi người ăn uống vui vẻ, ông Năm gọi tôi bước tréo qua chái hiên nơi vắng người để tâm sự. Từ ngày tôi chà lếch ở đất Bình Đại, mọi người đều xem tôi như trong thân thuộc ruột rà.

- Bác xem cháu như con cháu trong đại gia đình bác. Bác biết hai đứa bây đang nuôi trong âm thầm cái ngày tốt trời rời khỏi Việt Nam. Phải ra đi thôi vì bác thấy bây không còn con đường nào khác. Ra đi chỉ vì lý do duy nhứt không thể sống chung với đám quỉ ma yêu tinh bít bôi, bần cùn ngu dốt bỗng dưng trở thành lãnh đạo lãnh địa xứ sở mình. Chánh nghĩa quốc gia sáng trưng đã thua trục ác vô thần. Nghĩ có buồn không?

Ngừng một đỗi lấy hơi lên do tuổi già sức yếu, nhưng chắc cũng do quá xúc động khi ông muốn nhắc nhớ cái quá khứ đầm đìa nước mắt chính ông là nạn nhân khốn đốn. Ông muốn nhắc để trút những uất ức u ẩn trong lòng mà cũng có ý nhắc khéo để khuyến khích, thúc đẩy chúng tôi mạnh bước lên đường càng sớm càng tốt:

- Hồi trước, bác làm xã trưởng ở đây. Mọi người đều thương mến trọng nể bác. Ấy thế lúc cộng sản thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam rồi sau đó phất lên đấu tranh võ trang, đánh phá. Tỉnh Bến Tre thân yêu, quê hương của bác có một thời được cộng sản tuyên truyền quá đà, thổi phồng không ngượng mồm ngượng miệng là “xứ đồng khởi”, tiến hành chủ trương “diệt tề phản đế” gây ra biết bao nhiêu tang tóc đổ vỡ.
Ông thao thao rút ruột, khi ký ức tuần tự hiện về:

- Chúng bắt đầu uy hiếp, đêm đêm khủng bố làng xã xa xôi hẻo lánh, những nơi nầy chỉ được bảo vệ vỏn vẹn với vài ba cây súng trường cổ lỗ xỉ của thời thế chiến thứ hai do quân đội viễn chinh Pháp trao lại. Đồn bót thì lẻ loi cách ngăn nhau năm ba cây số, hệ thống phòng thủ vì thiếu phương tiện trở thành sơ sài. Hơn nữa nhân viên trong ban bệ hội tề cùng nghĩa quân đếm trên đầu ngón tay chưa giáp, không được huấn luyện thành thục mà phải tự lực trong nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Ông đăm chiêu:

- Dù khó khăn, bác cương quyết không chấp nhận bỏ nhiệm sở, ích kỷ trốn lánh về vùng an ninh, riêng lo cho bản thân. Bác thương cái xã hẻo lánh buồn tênh, nơi chôn nhao cắt rún của bác. Do vậy, bác tiếp tục đảm trách công cuộc trị an, bình định phớt tỉnh, bất chấp bị bọn du kích cộng sản cảnh cáo nhiều lần. Bác nhớ có một đêm nọ, chúng hăm dọa dán bản án tử hình ngay trước cửa nhà bác. Bây giờ nghĩ lại không biết tại sao lúc ấy bác đặt nặng trách nhiệm như vậy, dù hiểm nguy chập chùng chung quanh mình. Có lẻ lúc đó bác quá trẻ, chưa vợ chưa con quến chân quến cẳng nên không biết sợ hãi chăng? Rồi một đêm tối trời, chúng nó độ năm mười đứa võ trang dao mác gậy gộc đến gõ cửa rồi hầm hừ xông vào bắt trói thúc ké và bịt mắt bác dẫn đi. Sau thời gian giam cầm tra khảo, chúng nó nhứt trí biểu quyết đi đến kết tội bác là “Việt gian ác ôn”. Cái đó mới chết, chẳng khác nào chúng lên án tử hình bác vậy.

Ông mỉa mai:

- Mà có điều nầy bác cần nói thêm để cháu hiểu rõ hơn về cộng sản, một đám gian manh hiệp đảng cùn hung cực ác, trong đầu chỉ biết chém giết tận diệt mầm móng đối lập để nắm độc quyền lãnh đạo xứ sở nầy, đồng thời lập mưu bóc xương lột da, lật lưng không chút tiếc thương người dân hiền hòa. Nhưng chúng nó lẻo mép già mồm lắm, khéo léo tuyên truyền gian dối lật lộng với lời lẽ và giọng điệu đường mật để gạt gẫm người nhẹ dạ đâm ra nghe bùi tai rồi lầm tưởng chúng nó có chánh nghĩa, cứ nhắm mắt đi theo chúng không chút đắn đo suy nghĩ.

Ông lấy tay che miệng đằng hắng:

- Nói là chúng nó giam cầm bác, chứ thực ra chúng nó xác xơ nghèo sặc máu, lấy gì để giam bác. Chúng bèn bán cái theo như lũ cờ gian bạc lận, điếm bảy da ăn lường, cứ đem bác gởi nơi nhà nầy vài ba ngày rồi chuyển sang nhà kia năm bảy ngày… liên tiếp khắp thôn xóm thuộc quyền làm trời làm đất của chúng. Những khổ chủ còn bị chúng nó giao thêm trọng trách để mắt dòm ngó, trông giữ bác từng bước đi sợ bác bỏ trốn, chẳng khác một tên lại ngục không lương.

Đến đây dường như ông đang hồi nhớ một tình huống não lòng đang chợt đến trong tâm trí khiến ông dịu giọng qua nét mặt xương xương, buồn buồn thảm não:

- Một đêm nọ, chúng nó bịt mắt bác dẫn đi băng qua không biết bao nhiêu ruộng gò ruộng bưng ngập nước lấp xấp, chân luôn dẫm đạp lên năn sậy cao hơn đầu gối. Im lặng lạnh lùng, thỉnh thoảng bác nghe thằng chỉ huy thúc hối đồng bọn nhanh bước hơn. Phần bác, bác tưởng tượng một kết thúc bi thảm cận kề. Bác chỉ còn biết cầu nguyện, kêu cứu với Phật Trời. Nhưng lúc ấy tay bác bị trói ghịt đến tê liệt như các lái buôn trói heo trói gà chịu chết, mắt thì bị bịt chặt tối thui tối thủi như những con bò thịt hiền khô ngơ ngác trước lúc bị đập đầu được hưởng một chút ân huệ cuối cùng không cho thấy cái búa tài xồi của tên đồ tể xán mạnh lên trán nó. Bác chỉ biết bám đất lầm lũi đi.

Dường như ông còn dai sức lắm hay sao, mặc dầu đã trọng tuổi lại dầy dạng phong trần nên vẫn chưa chịu kết thúc nhanh chóng câu chuyện. Có lẽ những tình tiết sống thực ông đã trải qua trước đây không cho phép ông bỏ lở dở nửa chừng chăng? Tiếng thở dài của ông khiến cho tôi chú ý hơn:

- Đến một gò đất, cây cối lùm buội chơm chởm, mả mồ san sát ngổn ngang, chúng nó tháo bịt mắt bác. Tuy quờ quạng nhìn ba chớp ba sáng nhưng bác nhận ra là cái nghĩa địa ở xã nhà quá quen thuộc từ thuở bác nhỏ hếu rong chơi khét nắng hôi trâu. Lúc đó, bác ngạc nhiên thấy nhiều người lục tục kéo về đứng dáo dác. Dường như họ bị bọn du kích cưỡng ép tập trung trước khi bác bị đưa đến đây.

Đôi mắt đỏ hoe, ông chau mày cố nén xúc động đang đè nặng trong lòng:
- Chúng nó mở trói, hằn hộc quát tháo, ra lịnh bắt bác đứng thẳng tựa lưng vào mộ bia một mả đá vôi, cái mả khá đồ sộ của vị hương cả đầu đàn trong ban bệ hội tề ngày xưa. Xong, một thằng dõng dạt đọc bản án tử hình bác với lý lẻ vu oan của kẻ nắm trong tay súng đạn và quyền lực. Sau đó, nó hỏi bác tới giờ phút cuối cùng nầy có phục thiện nhìn nhận tội lỗi gây ra không? Bác một mực giữ im lặng. Bác điếc rồi, không biết sợ súng. Đã đến nước nầy, khi đối diện với bọn người sắt đá vô tâm, lạnh lùng tình cảm và tình người, mọi lời bào chữa kêu oan ức chẳng có chút giá trị nào. Chỉ kéo dài thêm sự phẫn uất và đợi chờ nặng nề. Bác thừa biết chúng nó đã quyết định cái chết của bác trước rồi, khi chúng nó kết tội bác là “Việt gian ác ôn”.

Ông rung động nói chẫm rãi hơn:
- Lúc ấy không biết sao bác bình tỉnh lắm. Bác thoáng nghĩ, con người có sanh có tử, ai cũng một lần chết. Chết già cũng chết, chết trẻ cũng chết. Chẳng may số trời đã định phải chết nơi cái gò hoang vu nầy thì cũng chết. Quan trọng là tư cách của mình. Bác cũng là con người với đầy đủ đức tính và tật xấu. Trong lúc bác nghĩ sự sống chung cuộc chẳng ra gì, nhưng đồng thời lại tiếc nuối không có gì bằng sự sống cả. Coi có mâu thuẫn không?

Ông tỏ ra càng cân nhắc thận trọng từng lời ăn tiếng nói:
- Một phát súng chát chúa rồi bác không còn biết gì nữa. Đến khi bác tỉnh dậy thì trời cũng bắt đầu mờ mờ với ánh sáng yếu ớt nhưng được điều kiện thuận lợi là ráo hoảnh, giúp bác dễ dàng định hướng đi. Bác cố gắng lần mò, lếch thếch đi khó khăn từng bước một về đến nhà. Gia đình hoảng hồn mất vía, xúm nhau băng bó vết thương chờ đến tưng bửng sáng nhờ hai đứa cháu lực lưỡng võng bác ra tỉnh lộ đón chuyến xe đò sớm đi qua Mỹ Tho săn sóc.

Gương mặt ông giờ đây bỗng loé lên một niềm vui vừa chợt đến:
- Tại bệnh viện Mỹ Tho, người ta chuyển bác lên tận nhà thương Chợ Rẫy ở Chợ Lớn. Tình người ở phía quốc gia mình bao la như vậy đó cháu. Nó cao đẹp thiêng liêng biết dường nào. Nó tôn trọng sự sống, trong khi bọn cộng sản không gớm tay chém giết bừa bãi người vô tội. Bác sĩ quyết định không thể giải phẫu, vì nếu giải phẫu sẽ nguy đến tánh mạng. Viên đạn nằm quá cận kề tủy sống. Bác sĩ đề nghị cứ để nó nằm y nguyên ở vị trí như thế, chỉ chú tâm chữa trị cho mau chóng lành vết thương. Bác sĩ còn quả quyết để bác an tâm là sau khi lành bệnh, bác vẫn sống và làm việc bình.

Ông chúm chím cười sản khoái, còn nheo nheo đôi mắt hóm hỉnh:
- Hiện bác còn giữ như một kỷ vật là tấm phim cho thấy rõ viên đạn nằm chúi mũi nơi xương sống. Cũng may cho cái mạng bác, đám cóc keng nhóc con du kích cứ ngỡ một khi được nắm trong tay cây súng là xem thiên hạ như cỏ rác, vênh vênh lên mặt muốn làm gì thì làm. Tưởng là xử tử bác nhưng bác sống nhăn, trong khi mấy thằng tiểu yêu lênh tênh làm “cách mạng”, phá làng phá xóm để “cứu quốc”, chỉ không đầy một năm sau đều rã đám tan bèo, không còn sót một con đỏ.

Câu chuyện giữa ông Năm Rồng và tôi cứ tuần tự tiếp diễn không nhàm chán, trái lại là khác, trong khi mấy bàn nhậu vẫn dây dưa chưa tàn. Dường như ông Năm còn hậm hực ấm ức trong lòng sao đó nên níu kéo tôi ở lại thêm giây phút nữa:
- Bác đoán mò hai đứa bây chắc sẽ rời cái đất Bình Đại nầy vài ngày tới. Thiên thời đã thuận lợi rồi. “Tháng ba bà già đi biển”! Bác lợi dụng những ngày cuối cùng bên nhau để gởi gấm một ít cảm nghĩ của bác. Bác mong rằng một khi đến được bến bờ tự do, cháu hãy viết lên phơi bày sự thật, sự thật lịch sử chớ không cải sửa hay xuyên tạc theo nhu cầu chính trị đen tối của cộng sản. Cháu cố gắng ghi lại những gì bác sẽ trình bày hầu banh đôi mắt, vạch con ngươi, ngoái hai lỗ tai những kẻ còn u mê ngu muội mãi vọng tưởng hướng về cộng sản, biến họ thành kẻ đánh mất lương tâm và lương tri, a dua xua nịnh, đồng lõa với trục ác.

Ông hớp một ngúm trà nóng do mấy đứa nhỏ vừa châm vào bình:
- Hồi bác còn làm xã trưởng, bác nhớ có một lần bác tiếp một ký giả ở Sài Gòn. Ông nầy đến Bình Đại làm phóng sự. Ông có nói một câu, bác nhớ mãi đại ý:
“Ở đời con người có can đảm là phải biết cố gắng tìm hiểu sự thật, dù phải đối đầu với hiểm nguy và nhứt là phải mạnh dạng dám nói lên sự thật đó”.

Ông nói tiếp:
- Cháu dám vượt cả một đại dương, bác biết là cháu có thừa can đảm. Bác tin tưởng ở cháu nên ký gởi câu chuyện nầy. Hồi đó Việt cộng phát động “chiến dịch đồng khởi” vào cao trào những năm 1959-60. Lúc đó, chúng nó chủ trương “diệt tề phản đế”, đêm đêm ám sát, bắt cốc, thủ tiêu hay xử tử hình với bản án nguệch ngoạc như cua bò cài trên thi thể nạn nhân khốn đốn. Mà nạn nhân hàng đầu là những xã trưởng ở những làng nhỏ vùng sâu như bác. Mục đích của chúng là làm tê liệt những hoạt động của chính quyền ở hạ tầng cơ sở và gây khủng khiếp trong dân lành. Mà hồi mới ngốc đầu dậy, lực lượng chúng nó có là bao. Ở xã bác chỉ có vài thằng du kích cóc keng, ban ngày trốn chui trốn nhủi dưới hầm bí mật chờ đến đêm tối chui ra xách động dân chúng thế cô, quấy phá tháo gỡ ván cầu, đào đường đắp mô gây trở ngại giao thông…

Ông cười khinh bỉ:
- Thỉnh thoảng chúng phối hợp với một tiểu đội cơ động cấp tỉnh, nói cấp tỉnh nghe cho sướng hai cái lỗ tai, nhưng thực tình chỉ le ngoe vài tên đến phục kích, bắn lẹt xẹt các đồn bót nghĩa quân lẻ tẻ, sau khi rúng ép dân làng vô tội tập họp đánh mõ làng, đập thùng thiếc, đốt pháo tre rồi la ó xung phong nhưng chẳng thấy xung phong, làm như chúng nó đông đảo lắm.

Ông phân tách thêm:
- Nhưng chuyện bác sẽ nói sau đây mới là quan trọng và hi hữu, có một không hai. Khi lực lượng Việt cộng còn yếu thế như trường hợp những tháng năm đầu của “chiến dịch đồng khởi”, chúng dựng đứng, tưởng tượng phịa ra những câu chuyện đâu đâu nhưng nhứt loạt phải là những chuyện giựt gân, thu hút tính hiếu kỳ của người nghe. Chúng làm cho quần chúng nhân dân cứ ngỡ là chuyện có thật, rồi từ cửa miệng người nầy chuyền sang người khác lan tỏa sâu rộng một cách tai hại. Do vậy chúng đạt được mục tiêu làm tê liệt phần nào ý chí đấu tranh của những lực lượng võ trang và hành chánh địa phương, đồng thời người dân đâm ra hoang mang trở nên thụ động, chưa nói đến một số thiếu ý thức chẳng ngần ngại từ bỏ gia đình thoát ly theo chúng. Tỉnh Bến Tre tiếc thay là tỉnh trội hẳn ở miền Nam nhun nhúc cán bộ cộng sản.

Đến đây trông ông phẫn nộ trước những sự việc nóng hổi làm như vừa mới xảy ra đầu hôm sớm mai:

- Bác kể một thí dụ điển hình mà một thời bác đã trả một cái giá quá đắc là viên đạn còn nằm gọn hơ trong cơ thể bác. Tụi Việt cộng những năm đó chỉ le hoe vài đứa làm sao đủ lực lượng và nhân sự để phát động sâu rộng phong trào, một khi chúng nó chỉ có vài vây súng trường cổ lỗ rĩ sét vừa đào lên hồi chôn giấu vũ khí mai phục sau ngày tập kết năm 1954. Cái hay và cũng là cái gian manh của chúng là biết dùng áp lực cưỡng bách, huy động một số không nhỏ dân chúng vùng chúng kiểm soát về đêm. Dưới ánh trăng lờ mờ và qua vài ngọn đuốc bập bùng như ma trơi, dân chúng phần thì lo sợ bị pháo kích, phần thì chắc cũng không tha thiết cho lắm, miễn sao cái trò hề nầy sớm chấm dứt để họ vững tâm ra về an toàn. Họ chỉ thấy vài thằng cán bộ nồng cốt mang kè kè mấy khẩu súng trường, súng thật cứ nhởn nhơ tới lui, lượn qua lượn lại làm như chúng nó đông cả vài chục vậy. Trong khi một đám cảm tình viên mang những khẩu súng cây sơn đen đứng lố nhố xa xa làm cảnh. Chúng còn đôn đốc hô hào dân chúng đào hầm hố cá nhân, càng nhiều càng tốt. Ấy vậy đến sáng hôm sau, bọn cảm tình viên của chúng đồng loạt bung ra đồn rùm trời rùm đất là đêm qua Việt cộng kéo về xã biểu dương lực lượng đến cả tiểu đoàn trang bị đầy đủ vũ khí. Tiếng đồn từ đó tung ra khắp làng xã, tỉnh quận qua cửa miệng của những người vô trách nhiệm.


Ông còn muốn nêu lên nhiều thí dụ khác nữa nhưng không biết nghĩ sao ông lại thôi, sau khi thuật một việc động trời:

- Có việc nầy bác không thể không nói ra. Làm như bác có bổn phận nào đó đối với cháu, một người sắp từ bỏ thôn ổ xóm làng dấn thân vào con đường chết để tìm sự sống. Mà bác tin tưởng những người ăn hiền ở hậu như cháu không thể chết tức tưởi được. Cháu phải sống, sống để nói lên một sự thật lịch sử. Hồi thời “đổng khởi” ở Bến Tre, cháu đã nghe Việt cộng huênh hoang tuyên truyền về “cây súng ngựa trời”. Thật không gì lố bịch cho bằng. Cây súng đúng là cây súng không giựt chúng dùng để giết người, chớ thêm hai chữ “ngựa trời” là cái quái quỷ gì. Lại tuyên truyền gian dối, không hơn câu chuyện bé Lê Văn Tám hay những chiến sĩ tiên tiến, bộ đội anh hùng như Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Út Tịch, Nguyễn Thị Định v.v… mà ai cũng biết là những chuyện phịa một trăm phần trăm hoặc phóng đại lý lịch ma hay thành tích tưởng tượng. Thực ra chúng khéo léo nghi trang rồi những đêm tụ tập biểu tình, chúng hè hụi đẩy tới đẩy lui làm cảnh. Trong khi đó đồng bọn hổ trợ hà hơi rĩ tai, hết lời cường điệu để thiên hạ tin bằng lời là cây súng dị hợm nầy có thật.

Ông nói thẳng:

- Việt cộng tôn thờ chủ nghĩa tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Gia đình của chúng là đảng cộng sản, tổ quốc của chúng là xã hội chủ nghĩa, còn tôn giáo của chúng là lý thuyết Mác-Lê nin. Đối với những người yêu chuộng tự do, tôn trọng tình người và sự thật, gia đình là nên tảng vững chắc không thể phũ nhận được, tổ quốc thiêng liêng tiêu biểu niềm tự hào dân tộc và tôn giáo là lãnh vực tâm linh hướng dẫn con người phân biệt phải trái, ác bạo và nhân nghĩa. Đối với bác, người ít học, tròn trèm chữ nghĩa vừa đủ để làm làng và cũng vì nhận thức như trên nên bác từng dấn thân, mạnh dạng làm tròn vai trò của mình đối với xã hội suýt bỏ mạng. Nhưng để tranh thủ tâm lý và khích động lòng yêu nước của người dân, cộng sản luôn luôn khai thác những sự kiện lịch sử nào có lợi cho chúng. Chúng thừa biết người dân luôn tôn thờ, kính trọng trời phật. Chúng khoát cho cây súng hai chữ “ngựa trời” chẳng qua là khai thác tinh thần trong sáng ngàn đời của dân tộc mình. Trong thực tế, chúng là kẻ vô thần làm gì mà tin tưởng, đừng nói chi thờ phượng trời phật. Chúng đã từng gian manh to tiếng nguyền rủa ông trời gọi là “thằng trời” kia, “thằng trời” nọ mà.

Ông từ từ tháo gỡ cái vỏ bọc sắc màu hực hở, hấp dẫn quyến rủ bên ngoài để phơi trần chất độc hại ẩn giấu bên trong

- Lúc đó chúng muối mặt đề cao “ông trời”, có lẽ chúng đã nghiên cứu tường tận tích xưa Phù Đông Thiên Vương sau khi đánh thắng giặc Ân, Ngài cởi ngựa sắt trực chỉ biến mất trên trời cao. Giờ đây chúng có “cây súng ngựa trời”, nhứt định phần thắng sẽ về với phía chúng. Nực cười cho “cây súng ngựa trời”, nhưng một thời cũng đã gây điêu đứng cho chánh quyền địa phương. Đau đớn thay một thời kỳ đáng tiếc.

**

Bạn tôi và tôi đã thành công đến được bến bờ tự do, dù đã trải qua hơn tuần lễ lênh đênh trên biển khơi sóng gió. Riêng tôi, tôi luôn ghi nhớ những lời ký gởi của lão nông Năm Rồng kính mến ngày xưa. Ông từng bảo:

“Thói thường, oán hận để đi đến trả thù dưới mọi hình thức là một hành động bỉ ổi đáng chê trách, nhưng một khi nó có mục đích chánh đáng và cần thiết thì mình phải chấp nhận, xem như một sự công bằng”.
Lời nói đó hẳn là động lực thúc đẩy chấp cánh cho tôi. Không phải để thể hiện tấm lòng quả cảm của mình như có lần ông Năm Rồng nhắc nhở, mà chính là bổn phận đối với ý nguyện của ông là phải mạnh dạng nói lên một sự thật lịch sử nhằm góp sức nhóm lên ngọn đuốc hy vọng giữa những mùa xuân tươi sáng. Dù muộn màng, có còn hơn không. Và cũng qua đó để tôi hồi hướng tưởng nhớ một bậc trưởng thượng có lòng, nay đã nằm yên đâu đó trên quê hương Bình Đại của ông.