main billboard

 

- Nề đường nà để cho người đi nại! Không được buôn bán ở đây!

da lat ngay xua

Hôm sau, hai bố con ra bến xe đi Đà Lạt. Chuyến đi khởi đầu bằng việc người tài xế nhồi nhét thêm hành khách không mua vé, nhưng trả tiền thẳng cho tài xế. Hành khách đi xe kiểu này rẻ hơn vì không phải trả trọn tiền vé. Chiếc xe có thể chở được mười sáu người, bây giờ hơn hai chục. Sự bực bội của tôi vì cái viễn ảnh bốn, năm tiếng đồng hồ trên băng ghế chật chội lại càng tăng thêm vì kiểu chạy xe bạt mạng của người tài xế trẻ. Tôi tự trách đã tự mình đem giao sự an toàn của mình và con vào tay anh tài xế lái ẩu. Tôi không đi bằng máy bay vì phi trường Liên Khương khá xa trung tâm thành phố Đà Lạt. Những ý tưởng hắc ám về những tai nạn xảy ra vì xe đò không được bảo trì đúng mức, chẳng hạn thắng xe quá cũ bị hư, bánh xe nổ vì đã quá mòn, v.v… cứ ám ảnh tôi. Phải, ngay bên Canada, vấn đề xe vận tải vi phạm luật lệ an toàn từng được đặt ra, huống chi ở đây vấn đề thanh tra chắc chắn rất sơ sài. Nếu chỉ một mình tôi, tôi còn có thể tha thứ cho sự ngu xuẩn của mình, nhưng đàng này còn con tôi… Tôi định nói người tài xế ngừng lại giữa đuờng để tìm xe quay lại Nha Trang rồi đi bằng máy bay, hay bằng một cách khác. Tôi càng tức bực thêm khi trông thấy trên băng ghế chật chội phía trước cạnh tài xế, gã đàn ông kia cứ dí sát cái miệng vào má người tài xế để nói qua tiếng ồn của xe, của gió, trong lúc người tài xế nhấn ga phóng xe như không có ngày mai. Tôi đưa tay vỗ mạnh vào vai gã đàn ông dằn giọng:
- Này ông! Để cho anh ta chú tâm lái xe đi ông!

Người đàn ông hơi giật mình, quay lại nhìn tôi, rồi cũng ngưng nói, nhìn thẳng ra phía trước. Xe đi qua Cam Ranh, rồi Phan Rang, rồi bắt đầu đi lên đèo Ngoạn Mục. Qua đèo không nguy hiểm như tôi đã trông đợi, vì xe phải chạy chậm trên con đường rất chật, nhưng thỉnh thoảng, ngưiờ tài xế vẫn lái văng mạng, không thèm giảm tốc độ ở những khúc quanh, hay những chỗ đỉnh dốc, không trông thấy được xe chạy ngược chiều. Đường đèo quanh co, có những chỗ từ trên cao nhìn xuống trông như cảnh trí của một hòn non bộ, nhưng tôi chẳng có tâm địa nào để ngắm. Ngọn đèo vẫn như trong trí nhớ tôi của lần đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt một Tết năm xưa, lâu lắm rồi bằng xe anh Vương, anh của tôi. Không khí càng lúc càng mát mẻ dễ chịu, rồi xe đến Bảo Lộc, đến núi Voi, làm tôi hồi tưởng lại ngày còn bé cả nhà đi thăm một nông trại của một gia đình ông bạn của ba tôi, với những món thịt hươu nai, heo rừng, thỏ, gà mà ông ta săn được. Xe đến Liên Khương, rồi cuối cùng Đà Lạt. Xe vào đến bến, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Tôi nhìn quanh cái bến xe xơ xác với cảnh buôn gánh bán bưng, kể cả cái lồng tre to thường dùng đựng gà, trong đó là những con chó con bị nhồi nhét chặt cứng, nghoẹo đầu, nghoẹo chân, mắt trợn lồi vì ép sát vào lồng, không cựa quậy được. Những con vật tội nghiệp có lẽ sẽ là những dĩa thức ăn trong mấy quán nhậu đặc biệt. Nỗi thống khổ của một loài thú gần gũi nhất với loài người nói lên nỗi thống khổ của những con người xung quanh chúng. Cái cảnh đầu tiên tôi được chứng kiến khi đặt chân xuống thành phố cũ của thuở ấu thơ là thế đó.

Sau hơn hai tuần lễ ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc, và Nha Trang, tôi đã thấy nhiều công trình kiến trúc mới, những khu giải trí, thiết kế theo khuôn mẫu tây phương, nhằm lôi kéo du khách, trong khuôn khổ của kỹ nghệ du lịch, một ngành kỹ nghệ chính của kinh tế Việt Nam. Người ta tiếp tục xây cất những trung tâm giải trí mới ngay cả ở hòn đảo còn đầy vẻ nông thôn mà tôi đã viếng. Đà Lạt cũng không rơi ra khỏi trào lưu phát triển đó. Những công trình đầu tư lớn lao, vượt xa những kiến trúc sơ sài của ba mươi năm trước. Nhưng những khu giải trí tân kỳ ngày nay có cái vẻ quen thuộc đến nhàm chán của những khu tương tự bên trời tây, nên thăm viếng những nơi đó không để lại cho tôi một chút hứng thú nào. Nghĩ cho cùng, khi mục đích của chuyến đi là đi tìm kỷ niệm, thì những gì mới lạ sau này, sẽ rất nhạt nhẽo đối với tôi. Tôi còn nhận ra rằng, ngay cả khi tôi về những nơi đầy ắp quá khứ, dù có con tôi bên cạnh, một nỗi khắc khoải, không nguôi ngoai, một nỗi cô đơn cứ bám lấy tiềm thức.

Hôm thứ hai sau khi đặt chân đến Đà Lạt, tôi tìm đến khu cư xá cũ trường Trần Hưng Đạo, khung cảnh đầy kỷ niệm ấu thơ của tôi.

Trong cơn gió lành lạnh, vang tiếng cười rộn rã của những đứa trẻ cùng lứa, H xúng xính trong chiếc áo len ca-rô nâu và đen, cổ rộng, bên trong là chiếc áo, may theo kiểu riêng của mẹ H, cổ cao như kiểu cổ áo dài, “để gió khỏi làm lạnh ngực, rồi ho”, bên ngực trái của áo là một phần quan trọng, không thể thiếu của bất cứ chiếc áo nào mẹ H may, đó là cái túi “để mày đựng lạc rang, con ạ!”. Cái cảm giác ấm nóng, đến độ gần như muốn bỏng da, của những hạt lạc mới rang xong trong cái chảo gang đựng cát, chưa tróc vỏ, chỉ trong chốc lát, trở thành hơi ấm toả ra thật dễ chịu, thấm qua lớp vải áo, thấm vào làn da ngực. Một túi đầy ắp lạc rang cũng kéo dài được bốn năm cuộc chơi đi trốn đi tìm.

H dắt chiếc xe đạp nhỏ ra khỏi nhà, leo lên đạp đi kiếm thằng Kiên rủ chơi bi. Trên quãng đường lát đá quen thuộc “của mình” mà H vẫn đi qua hàng ngày, từ xa H đã thấy con bé Bích Vân đang loay hoay vẽ vẽ cái gì trên mặt đá. H đạp xe đến, tay bấm chuông liên tục, miệng hét “tránh ra, tránh ra mau!” Nghĩ là con bé sẽ sợ mà tránh sang một bên, ai dè, nó đứng lên gan lì dang hai tay chặn, như muốn… tự tử! H giảm tốc độ, nhưng vẫn đạp tới, và khi đến gần đành thắng mạnh vì Bích Vân vẫn đứng yên! Chiếc xe và H ngã lăn kềnh. Bích Vân bị đụng vào chân, chắc khá đau, rơm rớm nước mắt, đứng lên, tập tễnh đi vô nhà nó. H vừa hối hận, vừa sợ, dựng xe lên, đạp về nhà mình, rồi cất xe, thập thò nhìn sang nhà ông bà Bửu Vũ, ba mạ của Bích Vân. Một hồi lâu, thấy không động tĩnh gì, H từ từ đi ra để nhập vào bọn thằng Kiên, thằng Thạch chơi bi. Còn đang đứng đợi cho tụi nó chơi xong bàn bi, H thấy có người vỗ vai, quay lại thì ra bà Bửu Vũ. Bà nói:

- Con vào đây bác nói cái này…

Biết bà Bửu Vũ gọi mình vô vì chuyện gì rồi, H bẽn lẽn đi theo bà. Qua khỏi cửa, bà Bửu Vũ dịu dàng nói:

- Có phải con đạp xe tông vào Bích Vân không?

Vừa nói bà vừa cúi xuống vén ống quần Bích Vân lên chỉ cho H thấy vết bầm và xước da rơm rớm máu. H ngượng ngùng gật đầu:

- Vâng

Bà Bửu Vũ tiếp:

- Em nó đau lắm đó, con biết không?

H gật đầu lí nhí:

- Dạ biết…

Bà vuốt tóc H rồi nói:

- Lần sau con đừng làm vậy nghe.

H đáp:

- Vâng.

Bà Bửu Vũ đứng lên, H chào bà rồi đi ra, trong đầu còn vang vang giọng Huế dịu dàng của bà . Lần đầu tiên trong đời, một người không phải là mẹ mình gọi mình là “con”, H nghe là lạ. Bà còn gọi Bích Vân là “em” nữa! Xưa nay hai đứa cùng tuổi, học cùng lớp, thỉnh thoảng có việc gì bất đắc dĩ phải nói với nhau trong lớp, chẳng hạn H phải mượn tập vở của Bích Vân để chép bài khi ốm, và mỗi lần như vậy toàn “trò” với “tôi” trong lớp, và… “mày” vơi “tao”, ngoài lớp, trao đổi mấy câu cụt ngủn, chứ có bao giờ nói với nhau được câu nào tử tế đâu, bây giờ bỗng nhiên bà Bửu Vũ gọi nó là “em” với mình, nghe vừa êm tai vừa ngượng nghịu…

Tôi đứng dưới chân dốc nhìn lên ngôi nhà hai tầng, tường vôi loang lổ, mái ngói cũ kỹ nham nhở, mỗi góc cạnh của ngôi nhà gợi nhớ một kỷ niệm ấu thơ. Cái ban-công gỗ đỏ không còn nữa…

Cái ban công là nơi anh Việt cùng Kim, người giúp việc nhà, hay dùng làm “vọng gác” nhìn xuống vườn sau canh chừng những con chó lạ lẻn đến vào ban đêm bắt và ăn thịt những con thỏ nuôi ở góc vườn. Khu vườn sau cũng là nơi mỗi anh em chiếm một ô đất nhỏ trồng mỗi thứ một ít, từ hoa đến rau xà-lách, đến hành, đến cà rốt cho thỏ ăn. Việc trồng trọt khi đó thật dễ dàng. Dường như bất cứ thứ hoa trái, rau cỏ nào cắm xuống đất đều mọc lên rất nhanh. Khó có thể tưởng tượng được nỗi háo hức của H mỗi sáng nghe anh Việt và Kim kể lại việc hai người dùng đá làm “bom”, từ trên ban công, ném đuổi những con chó ăn trộm đêm trước. H thèm được dự vào những cuộc “phục kích” đó lắm, nhưng không đêm nào H chống được cơn buồn ngủ để thức cho đến lúc bóng đen của những con chó lạ vạch hàng rào chui vào, xuất hiện nơi góc vườn, để rồi sáng hôm sau lại ấm ức nghe kể lại diễn tiến của cuộc phục kích đầy hồi hộp của hai người đó, quá nửa khuya đêm hôm trước.

Bây giờ khu vườn đã bị lấp đi bởi mấy mái nhà lụp xụp. Khung cửa kính nhìn xuống vườn sau, nơi ba tôi ngồi đọc báo mỗi đêm, bây giờ trống toang, cũng gợi nhớ một kỷ niệm khác. Lần ấy ba me tôi ra phố và tôi không được đi theo như đã hứa, tôi vừa khóc vừa dùng tay đập vào cửa kính nhìn xuống vườn, không may kính bể toang. Buổi tối ba tôi ngồi đọc báo quay lưng về phía cửa sổ, tôi lo sợ đứng sau cố che đi khung kính vỡ, ba đọc báo thỉnh thoảng rụt vai “quái, sao có gió lạnh thế này!”, sau đó sự việc đổ bể, tôi bị đánh một trận vì làm vỡ kính!

Tôi như còn nghe tiếng gió của một mùa Đông năm nào, rít qua lá thông ngoài trời, trên mái nhà, và ập vào lạnh buốt mỗi khi cửa mở, để cảm nhận được cái ấm áp êm đềm dưới lớp chăn bông trong căn phòng ngủ, tay cầm quyển truyện trẻ con anh Việt mượn hộ ở thư viện công cộng trên đường Yersin, hay lấy từ chính cái thư viện nhỏ của anh ở tầng dưới nhà. Trong cái buồng nhỏ vuông vức phía bên phải cửa ra vào, những quyển sách bọc cùng một thứ giấy dầu, giống nhau, trên gáy ghi số và tựa sách, xếp ngăn nắp trên những kệ đóng dọc theo tường, trông như một cái thư viện công thu nhỏ. Đối diện cửa thư viện là cầu thang đi lên tầng trên, có tay vịn cầu thang bằng gỗ rộng bản, đã bóng lại còn bóng thêm vì hàng ngày được chùi bởi đũng quần của mấy anh em nhảy lên dùng nó như một chiếc cầu tuột.

Trí nhớ tôi đầy những kỷ niệm về hồ Vạn Kiếp ở dưới kia, về những trưa hè theo anh Việt đi câu cá. Nhìn những con cá cơm to bằng đầu ngón tay vùng vẫy nơi đầu cần câu, hay giúp anh Việt làm thịt cá, bứt đầu, moi ruột, lăn bột, rồi chiên là những giây phút hãnh diện và sung sướng nhất của tuổi thơ.

Từ dưới đường nhìn sang phía trái ngôi nhà cũ của tôi là quãng dốc cong dẫn lên cổng cư xá, nơi có nhà ông Bửu Vũ, bây giờ cũng xơ xác không tu bổ, tôi như còn trông thấy bóng con chó nhà nuôi chạy xuống đón xe ba đi đâu về, để rồi phóng theo sau xe cho đến khi xe ngừng hẳn. Khoảng đường cư xá giữa nhà Bích Vân và nhà tôi, xưa kia rộng và quang đãng, bằng hai sân tennis ghép lại, đứng ở đó có thể ngó xuống hồ và tầm nhìn phóng đến tận những dãy đồi khu Mả Thánh xa tít. Bây giờ khoảng trống đó bị thu hẹp lại thành con đường hẻm, vì những túp nhà lụp xụp dựng lên sau này, kẽm gai vây quanh từng nhà. Nhà tôi cũng như hầu hết những nhà khác trong cư xá đều được người Pháp xây cùng một kiểu. Mỗi nhà đều có hai tầng, có lò sưởi củi, nhưng chẳng bao giờ dùng, mái ngói nhọn, một bên dốc, môt bên thoai thoải, đặc điểm của những nhà vùng cao nguyên. Khu cư xá rất rộng dành cho công chức, chiếm cả một vùng đồi thông. Bây giờ khung cảnh cũ đã biến thành một bức tranh bần cùng, buồn rầu. Tầm nhìn rất bao quát, khoảng khoát của thời ấu thơ, bây giờ bị che lấp bởi những chắp vá, rách rưới của những túp nhà gỗ ọp ẹp.

Tôi chỉ cho con tôi những gì còn lưu lại của ngày còn bé của mình, chụp mấy bức hình có lẽ là những hình ảnh cuối cùng về quê hương để mang về bên kia. Hai bố con lên chiếc xe taxi thuê, rời khu cư xá cũ trường Trân Hưng Đạo đi đến trường Bùi thị Xuân, trường tiểu học năm xưa của tôi.

Trước kia trường Bùi thị Xuân gồm hai dãy nhà lầu hai tầng, một ở bên trái, một ở bên phải, giữa là sân cờ. Bây giờ có thêm một toà nhà hai tầng nữa hợp cùng với hai dãy nhà kia tạo thành hình chữ U. Những dãy hành lang nối ba toà nhà với nhau cũng là kiến trúc mới sau này. Thêm vào ba dẫy lớp học hai tầng là một nhà chệt văn phòng nằm trên khoảng sân trống ở giữa. Toàn thể ngôi trường vẫn sơn màu vàng nhạt như hồi xưa. Chiếc cổng trường vẫn y hệt như trong trí nhớ, nơi chị Ngọc và tôi đợi ba đến đón mỗi buổi trưa, buổi chiều. Thực ra trường Bùi thị Xuân là trường nữ trung học, và là trường của chị Ngọc. Trường tiểu học của tôi chỉ mượn tạm dãy lớp học phía bên phải cho bọn nhỏ. Đó là lý do tại sao hai chị em học chung trường, hay nói đúng hơn, trường của hai chị em tình cờ mà ở trong cùng khuôn viên. Những năm học đó tôi luôn luôn một mình một trường vì các em được bố mẹ cho học trường tây với cái tên rất mộc mạc là Petit Lycée.

Tôi lặng lẽ nhìn những dãy hành lang vắng lặng. Những bức tường hẳn đã được sơn nhiều lớp, và mỗi lớp sơn là một lớp thời gian, mỗi lớp sơn là một lớp một lớp thế hệ học trò. Thật sâu bên dưới đó, là lớp sơn thời gian của thế hệ tôi, hằn in những dấu mực để lại từ những bàn tay nhỏ vụng dại. Mỗi niên học có một vị trí nhỏ nhoi của nó giữa hai điểm vô cực âm và vô cực dương của thời gian. Tôi đang sử dụng một thứ “xe thời gian” đưa tôi về những năm tháng ấu thơ. Tôi nhẹ nhàng gỡ đi từng lớp thời gian, làm hiện ra dần dần những hình ảnh, những giọng nói, tiếng cười năm xưa. Năm tháng như một thứ lăng kính càng ngày càng dày, mà ký ức và kỷ niệm lọc qua đó càng ngày càng trở nên tinh khiết.

Cô giáo lớp Hai là cô Linh hiền dịu, dường như không bao giờ biết nóng giận là gì, và không phạt đứa nào bao giờ. Có lẽ bọn tí hon ở cái tuổi học lớp Nhì cũng chưa làm gì nên tội để bị phạt. Lần đó cô chỉ cười mà không mắng khi bắt gặp H đang ngửa cổ mơ màng nhìn những hạt bụi li ti bay bay trong vạt nắng từ cửa sổ chiếu ngang đầu, và đưa tay khuấy cho những hạt bụi đó thêm quay cuồng trong giòng nắng.

Cô Oanh dạy lớp Ba trái lại, vừa dữ vừa đáo để. Dường như cô không khen thưởng đứa nào bao giờ, nhưng phạt thì cô phạt tận tình. H không hề bị cô phạt bao giờ, nhưng H đã sớm nhận thức được cái tàn nhẫn của cô lần cô phạt thằng Tiến. Ở vào cái tuổi mà đa số bọn con trai còn coi con gái như một thứ gì lạ lắm cần tránh xa, thì thằng Tiến không hiểu bị cái gì nhập vào người mà lén dùng phấn viết nguệch ngoạc trên bảng một câu thật rùng rợn: “Em Đoan ơi, anh yêu em nắm”. Đoan, Đặng Minh Đoan, là cháu gọi cô Oanh bằng cô, cũng là học trò của cô, lại ở cùng nhà với cô. Không biết có phải vì vậy mà con này luôn luôn có tên trong bảng danh dự hay không. Thằng Tiến cũng chẳng phải thiên thần; nó vừa du côn, vừa ngỗ nghịch, và có lần H đánh nhau với nó vì thói du côn của nó. Ngoài thói du côn, nó còn là thằng nói bậy vô địch. H nhớ mãi cái dáng nó ngồi xổm chơi bi, hai đầu gối bẹt ra, rạp sát người xuống đất để nhắm cho chính xác, hai tay đưa thẳng ra phía trước, mắt nheo lại, chuẩn bị bắn viên bi, miệng hát một câu thật tục tĩu nào đó. Những thằng nhóc đứng quanh nó đa số nhỏ hơn nó vài tuổi, chưa… đủ trình độ để cười vì nhưng bất hủ đó. Hiển nhiên những câu khẳng định rất trần tục về cái nhân sinh quan của nó chẳng liên quan gì đến ván bi cả.

Nó còn có tật nói ngọng và chính vì tật ngọng chuyển sang cả chữ viết, “anh yêu em nắm”, nên nội vụ mới đổ bể. Khi cô Oanh bước vào lớp học, nhìn thấy giòng chữ đó, cô lập tức trừng trừng nhìn về phía cái thằng Bắc kỳ nói ngọng duy nhất trong lớp là Tiến. Hú vía, H và mấy thằng Bắc kỳ khác không nói ngọng. Thời điểm ấy, lớp H học có khá nhiều Bắc kỳ, kể cả cô Oanh và nhiều thày cô khác cũng là người Bắc. Cô Oanh mang vở của thằng Tiến ra đối chiếu với tuồng chữ nguệch ngoạc trên bảng và xác nhận nó là thủ phạm. Thế là màn hành quyết diễn ra. Đao phủ mà cô Oanh lựa chọn chính là con Đoan, cháu cô, đối tượng tình yêu của thằng Tiến. Cô bắt thằng Tiến nằm dài ra cái bục gỗ cô vẫn đứng trên đó để giảng bài, đưa cái thước dài cho con Đoan quất vào mông thằng Tiến mười roi. Cô Oanh đứng nhìn con Đoan quất thằng Tiến, miệng nói:

- Mới nứt mắt ra mà đã ăn nói bậy bạ.

Thằng Tiến có lẽ là con nhà nghèo, theo như sự quan sát của H về lối ăn mặc không lành lặn của nó, hẳn đã được cô Oanh dạy cho một cách rất tường tận bài học về sự khác biệt giai cấp giữa nó và con Đoan, cháu cô. Cô đã vạch cho nó thấy cái lằn ranh thật rõ rệt giữa giai cấp bần cùng của nó và giai cấp thượng lưu của cô. Không biết sau này nó có thù ghét cô không hay cũng rất có thể nó là một đứa hời hợt, phổi bò không hề để tâm chuyện đó.

Một lần H và thằng Tiến đánh nhau. H đang chạy bị nó ngáng chân té nhào rồi nó còn đứng chống nạnh hất mặt một cách khiêu khích, ra cái điều “tao làm mày té đó, coi mày dám làm gì tao cho biết!”

H đứng lên phủi quần, xừng xộ:

- Mày muốn gây sự hả mày?

Nó nói giọng du côn:

- Ờ đã sao chưa?

H vừa tức vừa hồi hộp, tim đập thình thịch, nhưng tự ái không cho phép bỏ qua, nói:

- Mày muốn đánh nhau hả mày?

Nó ưỡn ngực tiến lại. H ước lượng tình thế thật nhanh và nhận thấy thằng quỉ này tuy hõn H vài tuổi nhýng coi bộ ốm nhách không ðáng sợ, liền túm áo nó vật nó xuống ðất. Ngay lập tức H cảm thấy cái gầy guộc yếu ðuối của nó, và dý sức ðè ðýợc nó nằm dýới. Dùng cánh tay chặn cổ nó, H hỏi:

- Mày chịu thua chưa?

Nó càng vùng H càng đè mạnh, cuối cùng nó đành nói:

- Rồi! Buông tao ra!

H thận trọng thả nó ra, đứng lên gườm gườm, đề phòng nó đánh lén, nhưng nó chỉ phủi quần áo lẩm bẩm một câu gì đó rồi bỏ đi. Sau lần đó, nó thỉnh thoảng lại hỏi mượn bài vở của H như không có chuyện gì xảy ra, và H cũng không thấy ghét nó nữa, mà chỉ thấy thương hại. Nghĩ cũng buồn cười cho nó. Đã ngọng còn viết bậy để bị lộ tẩy, đã yếu còn gây sự đánh lộn.

Tuổi học trò lớn lên, con trai thường không tránh khỏi những vụ đánh lộn như thế. Lan, em gái H có lần chứng kiến H đánh nhau với một thằng bắt nạt các em mình. Về nhà Lan kể lại cho mọi người nghe rồi cười hí hí ra vẻ thích thú lắm. Dường như con gái có một cái nhìn rất bình thản đến kỳ lạ về việc bọn con trai đánh lộn. Đối với con gái, đó là một điều đương nhiên phải có của bọn con trai, và có vẻ khôi hài nữa, nhưng có biết đâu mỗi lần bất đắc dĩ phải đánh nhau như vậy, H hồi hộp lắm chứ có phải trò đùa đâu.

Những năm tiểu học của H, hình như cứ cách một năm lại có thày giáo hiền, một năm lại có thày giáo không hiền. Sang đến năm lớp Nhì, cô giáo của Huy là cô Linh, vừa đẹp vừa hát hay. Không hiểu cái gì đã khiến H nghĩ cô Linh đẹp, nhưng ấn tượng về cô lúc đó và về sau luôn luôn là như vậy. Ông T dạy lớp Nhất, tức là lớp cuối của bậc tiểu học, đối vơi H, là người khó hiểu và qua năm tháng, H vẫn có nhữngnhận xét của riêng mình về ông thầy này. Ông ta, miệng luôn mím chặt, nói toàn những câu nghiêm túc, nhưng mắt thì hấp háy con bé Trang, trưởng lớp xinh xinh, học giỏi. Con bé này lớn hơn hầu hết các bạn cùng lớp vài tuổi, nghĩa là khi ấy nó khoảng mười ba, cái tuổi trổ mã của con gái, cao nghều, ra dáng thiếu nữ, trong lúc lũ con trai còn ngây ngô, lem luốc.

Nhìn những dãy hành lang vắng lặng, tôi tự hỏi những đứa bạn ấu thơ bây giờ ở đâu. Thằng Kiên “ghẻ”, thằng Thạch “đùn”, con Đoan, con Thi, con Bích Vân, “chúng mày” bây giờ ở đâu? Bây giờ một lũ già gặp lại nhau chắc không thể “mày tao” như trước.

Cũng chiếc taxi thuê bao đó đưa hai bố con đi đến đồi Mộng Mơ, một khu giải trí mới. Khung cảnh thiên nhiên tươi mát chen lẫn những kiến trúc nhân tạo ngoạn mục, những vườn hoa, những suối nước, những nhà sàn mái nhọn kiểu Thượng, và cả một đoạn Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ. Đồi được chia ra nhiều khu, mỗi khu được đặt tên của một thi sĩ hay một cái tên thơ mộng nào đó. Tôi chọn cái vườn mang bảng Hàn Mặc Tử để chụp một bức hình. Nhìn những cảnh đẹp kia, tôi không thể tìm ra điều gì đáng chê, nhưng đó là cái đẹp mà tôi nhận biết bằng trí óc, mà không cảm thấy bằng tâm hồn.

Rời Đồi Mông Mơ, xe đưa hai bố con đến Thác Cam Ly. Tôi và Thiên leo lên lưng hai con ngựa ốm o, chụp qua loa vài cái hình, ghé vào mấy cái quán bán đồ lưu niệm rồi ra về, giã từ con thác nhỏ và cái mùi nước cống rất nặng đó. Tổng cộng thời gian ở thác Cam Ly chỉ chừng hai mươi phút.

Tôi yêu cầu ông tài xế taxi đưa đến Dinh Bảo Đại, xưa kia là nơi nghỉ mát của vị vua cuối cùng của Việt Nam. Bầu không gian bên trong ngôi dinh thự đem lại cho tôi một cảm giác vừa an bình vừa ngậm ngùi. Khách sảnh, văn phòng của vua Bảo Đại, phòng đọc sách của Nam Phương Hoàng Hậu, phòng họp mặt buổi tối của gia đình, phòng của các công chúa, phòng của hoàng tử Bảo Long, lầu thưởng nguyệt, từng phòng, từng phòng, dư âm của một thời vương giả như còn vang vọng đâu đây. Năm xưa, có lẽ cũng một buổi chiều tĩnh mịch như chiều nay, bầu không gian đã được rót đầy bởi những cung nhạc thánh thót từ chiếc dương cầm cổ kính kia, hay được đong đầy bằng những tiếng cười trong trẻo, vô tư của bầy trẻ vương giả. Tuổi ấu thơ luôn luôn nhiệm mầu dù vây bọc bởi vàng bạc, nhung lụa, hay ấp ủ trong mái tranh nghèo đồng quê. Cũng qua khung cửa kính viền màn trắng mỏng này, những trú nhân hoàng gia khi xưa đã nhìn xuống vườn hoa, lối sỏi dưới kia và hẳn cũng nghe hồn lắng xuống như người khách từ phương xa tìm về cố hương này. Hồn người xưa như còn phảng phất đâu đây bên những di vật cũ kỹ, những bức ảnh xưa màu xám u buồn. Những con người vương giả đó hẳn đã trải qua bầu không khí ảm đạm của buổi hoàng hôn một triều đại, niềm xôn xao của buổi giao thời, trạng huống bất an của vận nước đổi thay. Cũng là con người như hàng triệu con người khác, họ cũng không thoát khỏi sự chi phối của cái lẽ vô thường.

Dinh Bảo Đại là nơi cuối cùng tôi muốn đi thăm trong những ngày ở Đà Lạt. Tôi yêu cầu người tài xế taxi đưa hai bố con đi về trung tâm thành phố rồi tôi sẽ trả tiền cho ông ta đi về, mặc dù còn thừa thì giờ. Khách sạn cũng nằm gần đó và hai bố con có thể đi bộ được. Tôi nói với Thiên:

- Khi đến khu Hoà Bình, bố sẽ chỉ cho con cửa tiệm cũ của bà nội.

Hôm trước, Thiên hỏi tôi:

- Bố nói hồi trước nhà bố nghèo hơn nhà mẹ, vậy bà nội có phải buôn bán như thế này không?

Vừa nói nó vừa đưa hai cánh tay ngang vai như người cử tạ. Khi thấy tôi tỏ ra chưa hiểu, nó giải thích:

- Bà nội có phải bán hàng từ hai cái rổ như thế này không?

Nó làm lại động tác “cử tạ” mà bây giờ tôi đã hiểu nó muốn tả người gánh hai thúng bằng đòn gánh. Tôi cười vì cách diễn tả của nó:

- À, bố hiểu rồi. Không con ạ, hồi đó ông nội làm công chức như bao nhiêu công chức khác, tuy không giàu, nhưng cũng không túng thiếu. Khi bố học lớp Ba, bà nội nắm lấy cơ hội làm đại lý buôn gạo sỉ, lúc đó còn ít cạnh tranh. Nhưng nếu năm 1975 nhà mình không “đi” được, chắc mình cũng khó thoát khỏi cảnh bần cùng như bao nhiêu gia đình khác, và chắc cũng phải buôn gánh bán bưng cực nhọc mà thôi.

Chỉ là một thắc mắc giản dị của nó, nhưng tôi chợt nhận ra là từ trước đến nay, tôi đã thiếu sót trong việc nói cho nó biết những điều thông thường về nguồn gốc gia đình mình mà ai ai khi đến một tuổi nào đó cũng muốn biết.

Đến khu Hoà Bình, xe thả Thiên và tôi xuống một hè phố. Tôi đưa mắt tìm kiếm và nhận ra cửa tiệm cũ của nhà nằm giữa khu phố đối diện chợ Hoà Bình. Cái tên Yên Sơn cũ, dĩ nhiên chẳng còn. Hồi đó cửa tiệm là nơi cả gia đình tôi lui tới ban ngày. Mấy anh chị em đi học, ba tôi đi làm, buổi trưa ghé về đó nghỉ ngơi, ăn uống trên lầu. Ban đêm, khi tiệm đã đóng cửa, thường thường, cả nhà quay về nhà ở khu cư xá trường Trần Hưng Đạo. Nhưng mỗi khi mấy anh em được ba me cho phép ngủ lại tiệm, đứa nào cũng khoái vì được thức khuya và tha hồ tung hoành trên lầu trên! Tôi chỉ cho Thiên cái ban công tầng trên của tiệm, kể cho nó nghe kỷ niệm những đêm trời lạnh, khi các bác của nó hay buộc giây vào một cái ca bự thả xuống hè phố mua bánh mì nóng ròn của những thằng bé bán bánh mì dạo. Làm như vậy để không phải chạy xuống tầng dưới mở cửa tiệm để mua bánh. Những cái bánh mì nóng hổi vì được ủ kỹ trong cái bị dày, vác trên vai của thằng bé bán dạo, khi lấy ra, toả mùi thơm phức. Mùi bánh mì năm xưa như đã ăn sâu vào trí nhớ riêng của khứu giác. Sau này mỗi khi đi ngang lò bánh mì hay tiệm bánh ở bất cứ đâu, mùi bánh mì mới ra lò bao giờ cũng đưa tôi về những kỷ niệm năm xưa. Khứu giác cũng tương tự như thính giác, có trí nhớ riêng của nó. Một bài nhạc nào đó có thể trở nên gắn liền với một quãng đời đã qua, để rồi mỗi khi tình cờ nghe lại, một cảm giác bồi hồi của riêng một thời quá khứ lại trở về.

Đà Lạt bây giờ đông vui tấp nập, nhưng cái nét thanh lịch thường được gán cho Đà Lạt năm xưa, không còn nữa. Thay vào đó là một đời sống vội vàng, bươn bả, đem lại sự giàu có cho một lớp người mới, mà tiền bạc của họ chỉ làm nổi bật thêm sự thiếu thốn văn hoá. Hai bố con đi bên nhau, hiển nhiên là Thiên tò mò và đang làm quen dần với khung cảnh và sinh hoạt xung quanh nó, nhưng chính tôi cũng cảm thấy mình đang bước những bước lạc lõng.

Từ những món ăn uống, tôi cũng không tìm được một sự quen thuộc nào. Các món ăn dường như chỉ mang cái tên quen thuộc, nhưng mùi vị thật lạ lùng. Bước vào một tiệm bánh lớn, với đủ mọi thứ bánh trông rất ngon, nhưng nếm thử ba bốn thứ khác nhau, tôi không nhận ra một mùi vị quen thuộc nào. Cái bánh nhân tôm thịt, bột dính dính và trong, mà mẹ tôi gọi là bánh quai vạc, tôi mua về khách sạn, cắn vào khô lăn khô lóc, chán ơi là chán. Cái bánh pâtéchaud trông đẹp mắt lắm, cắn vào có mùi lạ lạ. Còn vài món giản dị khác nữa, mà món nào nếm thử tôi cũng thấy không quen. Các tiệm ăn mà tôi ghé vào thì tiệm nào cũng làng nhàng, không thể bằng những tiệm Việt Nam bên Canada. Những món ăn ở nhà hàng lớn nhất, tôi quên mất tên, nằm trên chỗ đỉnh cao, nơi du khách đến mua vé đi xe cable băng ngang núi ngắm cảnh Đà Lạt, các món ăn không có gì đặc biệt, nhưng dầu sao cũng hơn những nơi khác ở chỗ thiếu cái mùi tanh tanh đến từ mặt bàn, và ngay cả từ trong nhà bếp. Khi mà các món ăn đặc biệt về cá, như lẩu cá, gỏi cá chẳng hạn, được kêu, thì khứu giác của tôi lại càng bị tấn công dữ dội bởi cái mùi cá. Thiên nhà ta thì lúc nào cũng lịch sự có thừa lúc có bạn bố ở đó, món cá nào dọn ra cũng nói ô kê, nhưng tôi biết cu cậu cố gắng hết sức để khỏi làm mất lòng bạn của bố. Nó là thằng không ăn thịt, chỉ ăn cá, nhưng không thể chịu đựng nổi các món ăn có cá vớt ra từ cái nồi nước dùng đun sôi, bốc mùi tanh thay vì mùi thơm, quấn chung với những thứ rau bờm xờm trong cái bánh tráng, lóng nga lóng ngóng, chấm vào cái thứ nước chấm màu tím tím, đục đục, có cái mùi mà nó không biết phải so sánh với mùi gì. Bố nó dĩ nhiên đã quen thuộc lắm với những món mắm nêm, mắm tôm, chứ nó thì chắc đang trải qua một cú khủng hoảng… văn hoá! Trong một tuần lễ ở Đà Lạt, chỉ có hai lần tôi ăn ngon, đó là lần ăn phở vào buổi sáng hôm sắp đi Sài Gòn, và một lần ăn bánh giò của bà cụ người bắc trên đường Phan Đình Phùng. Những cái bánh giò bên Canada chưa bao giờ được như vậy. Còn một tiệm bán bánh bao ngon nổi tiếng cũng nằm trên đường Phan Đình Phùng thì tôi đến hơi trễ một chút, người ta đã bán hết. Chỉ là một khía cạnh của chuyến đi, dĩ nhiên về thăm quê hương chẳng phải để ăn.

Trở về khách sạn, tôi bắt đầu thấy khó chịu, nôn nao, triệu chứng giống như Thiên lúc ở Nha Trang. Chỉ cần nghĩ đến bất cứ món ăn hay thức uống gì cũng đủ để tôi cảm thấy những gì còn lại trong dạ dầy muốn dâng lên cổ. Chỉ mới ngày thứ hai ở đây mà đã thế này rồi thì còn làm ăn gì. Tôi mang vài thứ thuốc mang theo ra uống rồi nhấc phôn gọi cho Cát, anh chàng bác sĩ, bạn của em tôi trước kia, xưa nay vẫn nổi tiếng đẹp trai như… Mạc Đĩnh Chi. Anh chàng chắc sẽ trách mình sao không gọi ngay khi đến.

Cát đến, vẫn khuôn mặt khắc khổ, và dĩ nhiên già hơn xưa. Cát hỏi han, chẩn bệnh, và cho biết có lẽ tôi bị ngộ độc vì ăn món bánh mì hôm trước trong đó có mayonnaise mà họ nói là bơ. Mayonnaise họ tự làm bằng trứng là thứ rất dễ gây ngộ độc. Cát cho tôi thứ thuốc than đen xì, nhai nuốt để chất than hút đi những chất độc trong ruột. Từ xa về thành phố lạ, lại có người quen cũ là bác sĩ, không có gì làm cho mình an lòng hơn. Cát cho biết mấy hôm nữa sẽ đi Sài Gòn thăm một bệnh nhân và hỏi tôi có muốn đi cùng xe của Cát không. Dĩ nhiên tôi đồng ý vì tôi thấy ở chơi Đà Lạt năm sáu ngày là đủ rồi. Ngoài Cát ra, tôi đâu có ai quen ở Đà Lạt, nên đi hay ở, không bị ràng buộc gì. Những ngày sau đó, mỗi khi ở bệnh viện về, Cát đưa hai bố con đi chơi tối, đi ăn chỗ này chỗ kia. Ban ngày tôi và Thiên cũng chỉ đi quanh trong thành phố, chứ không đi đâu xa nữa. Rốt cuộc, kiểm điểm lại, ngày thứ hai sau hôm đến Đà Lạt là ngày hai bố con đi nhiều nơi nhất. Và sau khi nhận thấy rằng ngoài những nơi có dấu vết thời ấu thơ, ngôi nhà cũ, mái trường xưa, không còn gì làm tôi thích thú nữa, tôi bắt đầu chú tâm vào những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Tại sao tôi cứ mãi hướng về những kỷ niệm xưa, mà quên đi rằng người bạn đồng hành, Thiên, con tôi, đang nhìn những gì xảy ra xung quanh như những điều hoàn toàn mới lạ, có thể rất là thú vị, hào hứng? Tại sao tôi không nhìn bằng một cặp mắt mới mẻ như nó?

Những hoạt cảnh độc đáo, mà một đứa sinh ra ở một xứ vùng Bắc Mỹ như con tôi, chưa bao giờ chứng kiến, hẳn vô cùng thích thú. Cảnh chợ cá, vừa tanh vừa lầy lội, nhớp nháp, cảnh những “quán” lề đường, những xe hủ tíu, những tiệm ăn, tiệm bán hàng, cách ăn mặc ấm áp, áo len, áo dạ (trong lúc hai bố con phong phanh cái T-shirt), cảnh tượng các cô gái bịt mặt khi ra đường (biết đâu người nước ngoài không nghĩ đó là những phụ nữ Hồi giáo), cảnh sinh hoạt Internet cafe khắp nơi, với những bàn ngăn ô, những cái đầu chúi vào màn ảnh, hay đeo headphone, gợi nhớ những lớp học Anh văn Hội Việt Mỹ ngày xưa. Những hình ảnh đó chắc chắn sẽ rất đặc biệt đối với nó, và sẽ in sâu vào tâm trí nó. Khi ra đường, con thì lênh khênh, trầm lặng, pha chút ngơ ngác, bố cũng chẳng hơn gì; một bourgeois lạc lõng. Thiên kể có lần nguời ta tưởng nó không phải nguời Việt, nói với nhau sau lưng nó điều gì đó nó không hiểu, nhưng nó nghe đuợc câu “cái thằng Nhật kia”!

Những sinh hoạt ngộ nghĩnh mà hai bố con có thể chứng kiến ngay tại cái khách sạn ở gần khu Hoà Bình có lẽ còn hào hứng hơn cả những thắng cảnh mà tôi và nó chỉ thờ ơ khi đi thăm. Một tối, hai bố con đang nằm chèo queo coi truyền hình trong phòng, nghe tiếng ồn ào vọng lên từ duới đường, dù cửa đóng kín, Thiên mở cửa ra ban công nhìn xuống đường xem chuyện gì. Một lát sau, tôi cũng theo nó ra ban-công. Dưới kia, một bà quần đen, áo bà ba, giọng vang vang một dãy phố. Bà vừa đi vừa chửi từ đầu phố này đến đầu phố kia, không rõ về chuyện gì, nhưng có một vẻ khôi hài đủ khiến hai bố con trên này cười thích thú. Ánh đèn đường vàng vọt, hầu hết các cửa tiệm đều đã đóng cửa, chỉ trừ những sinh hoạt lề đường như bán quần áo, bày ra trên những tấm bạt to trải trên lề, hay những gánh sữa đậu nành. Bà kia đang chửi rủa thì có hai gã thanh niên chở nhau trên chiếc xe scooter chạy đến, một gã nhảy xuống có vẻ hung hăng doạ dẫm, rồi lại leo lên xe chở nhau phóng đi. Tới đầu đường, hai gã, như đổi ý, vòng trở lại chỗ người đàn bà, rồi gã ngồi sau lại nhảy xuống. Bà ta lùi lại nhưng vẫn to tiếng. Hai bên còn đang cãi cọ, bỗng nhiên một xe scooter khác, trên xe là hai người đàn ông chở nhau từ xa chạy đến và ngừng lại ngang chỗ đám cãi lộn, rồi một người nhảy xuống, tiến lại, rồi đột nhiên vung tay đấm một trong hai gã đang có thái độ hung hăng với bà già, rồi túm lấy gã vật xuống đường, miệng hằn học:

- Chúng mày muốn “nàm noạn” hả?

“Bộp”, “Bộp”! Từ trên cao hai bố con cũng nghe được tiếng thụi! Người thứ hai cũng dựng xe, tiến lại phía gã còn đang ngồi trên xe, một tay túm áo, một tay vung lên bợp gã mấy cái đàng sau gáy! Thế rồi người đàn ông thứ nhất lôi gã kia đứng dậy rồi ra lệnh:

- Đi! Đi về ty!

Vừa nói, tay anh ta vừa thoi thêm mấy cái. Thì ra họ là công an. Hai gã kia, riu ríu làm theo, một dắt xe scooter, một bị túm áo điệu về phía cuối phố, mà đàng sau khúc quanh là ty công an, tôi thường đi ngang lúc ban ngày.

Từ khi trở về, mỗi khi gặp chuyện không được hài lòng, chẳng hạn những lừa đảo lặt vặt khắp nơi, khách sạn, taxi, nơi buôn bán, có sự hiện diện của Thiên, tôi có thói quen đưa một tay lên hô nho nhỏ vừa đủ cho nó nghe: “Đả đảo…”, bất kể là hai bố con đang ở ngoài phố hay ở trong khách sạn. Mỗi lần như vậy, Thiên lại bật cười. Lần đầu khi nghe tôi nói vậy, Thiên hỏi:

- Đả đảo tiếng English là gì hả bố?

- Là “down with…” con à! Ê nhưng mày đừng có ra ngoài đường mà nói vậy nghe mày! Big trouble nghe mày!

Tôi vừa cười vừa nói với nó. Nó cũng bật cười trả lời:

- Chắc họ sẽ nói “cái thằng Nhật kia muốn nàm noạn” hả bố!

Hai bố con cùng cười vang vì câu khôi hài của nó! Đêm hôm sau, cũng từ trên ban công, chúng tôi lại chứng kiến một hoạt cảnh khác. Lần này là màn công an tịch thu hàng hoá bán trên lề đường. Chúng tôi đang đứng ngó bâng quơ xuống đường thì thấy một chiếc xe giống kiểu xe pickup, hai bên có thành ngăn như hàng rào, màu rêu, mà ban ngày tôi thường thấy, từ đầu phố chạy lại. Thế là các người bán hàng hốt hoảng, túm lấy bốn góc tấm bạt bó lại thành một cái bị to, kéo xềnh xệch vào sát mái hiên của cửa tiệm hay nhà đã đóng cửa gần đó. Ai có người giúp thì làm nhanh hơn trong việc dọn dẹp những hàng bán bất hợp phát trên lề đường, ai không có người giúp thì chỉ kịp kéo vào sau hơn một chút dưới mái hiên, rồi đứng chịu trận ở đó. Cũng có người may mắn, có lẽ đã dàn xếp trước với người chủ nhà hay chủ tiệm ngay cạnh đó, nên được họ mở cửa cho mang túi hàng vô dấu cấp kỳ, đợi công an đi khỏi lại ra đánh du kích, hay nói đúng hơn, bán hàng du kích! Thấy cảnh hào hứng, hai bố con xỏ dép phóng xuống đường tìm cảm giác lạ! Khi ấy công an đã chộp được bị hàng hoá to tướng của một chị bán hàng, mở tung, hàng vãi tung toé, những cái quần, cái áo được thảy lên xe bởi người tài xế mặc thường phục, dưới sự giám sát của một công an mặc đồng phục màu rêu, đội nón kết viền đỏ. Người tài xế quăng lên mớ quần áo nào, chị kia nhào đến giựt lại mớ đó! Người công an, hai tay khoanh ra sau lưng, đứng nghiêm, nhìn thẳng về phía trước như không trông thấy ai, tiếp tục quát tháo:

- Nề đường nà để cho người đi nại! Không được buôn bán ở đây!

Vừa giựt lại hàng hoá của mình, chị bán hàng vừa cố đưa ra một lý lẽ yếu ớt:

- Em đâu có bán ngoài đường! Chủ nhà này cho em nhờ mái hiên nhà họ mà!

Hai tay ôm khư khư những món hàng và túi đồ trong tay, chị cố gắng bảo vệ vốn liếng của chị. Một cảnh vừa buồn cười vừa tội nghiệp! Buôn bán như thế, phải là người kiên cường lắm mới làm được. Nỗi đe doạ bị bắt bớ gần như thường trực hiện diện, nhưng phải chấp nhận vì miếng cơm manh áo. Hai mươi chín năm trước, biết bao người vợ, người mẹ, sau cuộc đổi đời, cũng lâm vào cảnh thế này đây, khi không còn cách nào khác để sinh nhai. Cuối cùng, xe công an cũng nhượng bộ, bỏ đi, không biết chị bán rong có bị mất gì nhiều tối hôm đó hay không.

Quay về khách sạn, thấy chị bán sữa đậu nành, với gánh hàng nóng hổi, và vài cái bàn, cái ghế nhựa thấp, trước khi công an đến còn bày ra lề đường, bây giờ đã được bê hẳn vào để nhờ trong phạm vi khách sạn, tôi mua cho hai bố con tôi mỗi người một ly. Ly sữa đậu nành thật thơm, ngon trong cái không khí lành lạnh ban đêm.

Hai hôm sau, vào lúc sáng sớm, Cát và một người mà Cát gọi là “đệ tử” có tên là Vũ, đem xe đến đón hai bố con tôi để cùng đi Sài Gòn. Cát để cho Vũ lái vì trước kia Vũ từng làm tài xế xe đò, nên “lái rất vững” theo lời Cát. Tôi ngồi trước cạnh Vũ, Cát ngồi sau với Thiên. Chiếc Toyota trắng còn khá mới Cát đã dùng đưa hai bố con đi chơi trong những hôm trước, đã nhiều lần là phương tiện cho Cát đi đi về về giữa Sài Gòn và Đà Lạt. Cát đưa mọi người đến tiệm phở ăn sáng, và đó là lần đầu tiên kể từ khi về Việt Nam, tôi ăn phở. Phở là món ăn rất dễ làm cho ngon, và lần này cũng không phải ngọai lệ. Không khí lành lạnh của buổi sáng Đà Lạt khiến cho tô phở và ly cà phê sữa nóng như ngon hơn. Những nơi đã đi qua, Phú Quốc, Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang khí hậu đều nóng bức, tôi không nhớ ra được một lần nào dễ chịu như buổi sáng hôm đó.

Xe đi dọc theo đường Phan Đình Phùng, tôi nhìn lại lần cuối những nhà cửa, những khung cảnh mà tôi còn nhận ra được vài nét quen thuộc. Rạp xi nê ở chân dốc Duy Tân vẫn còn đó. Rạp hát có bà chủ rạp mặt mũi khó đăm đăm, đích thân sóat vé, vì không tin cậy những người làm cho bà ta. Tôi nhìn lần chót ngôi nhà thờ Tin Lành ở quãng cuối đường Phan Đình Phùng, nằm trên vùng dốc cao, và nhớ lại thời đó ba tôi còn theo đạo Tin Lành, hay đưa tôi đi lễ ngày chủ nhật. Tôi nhớ những lần mẹ tôi dặn dò: “Nếu Ba bắt rửa tội, thì đừng rửa nghe không!” Lúc đó danh từ “rửa tội” đối với tôi rất cụ thể: rửa có liên quan đến nước và xà bông, và tôi hỏi lại mẹ tôi tại sao không được rửa ráy ở nhà thờ, thì câu trả lời của mẹ tôi cũng chẳng làm tôi hiểu rõ hơn. Bây giờ nghĩ lại thì thấy mẹ mình cũng hơi bất công, đòi hỏi mình phải dự vào việc giằng co tôn giáo của hai người sinh ra mình, mà lẽ ra hai người phải tự giải quyết với nhau. Nếu ba tôi có bắt tôi rửa tội, tôi cũng chẳng thể nào dám lên tiếng phản đối. Cũng may là mấy năm sau đó, sự giằng co chấm dứt. Ba tôi đột nhiên quay trở về với đạo Phật, tức là đạo mà ông nội tôi vẫn theo từ trước, quay về một cách rất thuần thành cho đến mãn đời. Hồi đó, mỗi đêm, tôi phải theo khoá lễ do ba tôi hay mẹ làm chủ lễ, có lúc ngủ gật, gật lên gật xuống, theo nhịp mõ, tiếng chuông.

Xe đi trên đường Đào Duy Từ, con đường xưa kia tôi hàng ngày đi bộ đến trường. Con đường mang một kỷ niệm thơ dại ăn sâu trong trí nhớ một cách lạ lùng.

H xách cặp lầm lũi đi dưới ánh nắng trưa. Con đường Đào Duy Từ ngắn ngủi, chẳng có gì đáng để ý, trừ tiệm chè và bánh ngọt mà mẹ rất thích và cứ gọi là “tiệm xôi vò chè đường”. Đi hết con đường này, chỉ một quãng nữa sau nhà thờ Tin Lành là đến trường. Ai như con bé H (phải, nó cùng tên với H) học cùng lớp đang đi phía bên kia đường. H nhìn qua, hai ánh mắt chạm nhau, H nhìn thẳng về phía trước, tiếp tục bước. Lạ thật, con bé như cười với H, rồi băng ngang đường đi về phía H. H đoán nó sang bên này cho đỡ nắng. Con bé nổi bật trong đám bạn gái, qua nét vui tươi trong sáng trên khuôn mặt, một cái vẻ rất “neat”, thế nhưng cũng như đối với hầu hết những đứa con gái khác, H chưa hề nói chuyện với nó bao giờ. Con gái vẫn… muôn đời là con gái, thọ thọ bất tương thân mà! Tụi nó là một thứ sinh vật lạ lắm, phải luôn luôn đề cao cảnh giác! Tưởng con bé sang đường để tránh nắng, nhưng không phải! Rõ ràng nó cứ nhìn H chăm chăm, mà còn mỉm cười nữa! Nó chặn H lại, vẫn nụ cười trên môi, hỏi:

- “Trò” tên H phải không?

H gật đầu, lí nhí “phải”, mắt thì gườm gườm như thể “nó” sắp tung ra một đòn gì bất ngờ. Con bé tiếp tục tươi cười:

- Chiều nay được nghỉ mà.

H khựng lại nhớ ra lời cô giáo dặn là không có lớp chiều nay! Không sao nói cho hết được cái “quê” của mình lúc đó, H ngượng nghịu quay về, hình như quên cả cám ơn con bé cùng lớp, bạo dạn và tốt bụng hay không nữa!

Con đường cong dẫn qua trường cũ. Phía bên trái là những thửa ruộng, đi nữa sẽ đến trường Trần Hưng Đạo và đến cái hồ mang tên Vạn Kiếp, tôi theo anh Việt đi câu những buổi trưa hè. Hồ bây giờ cạn nước, và bị lấp gần hết, một phần trở thành ruộng dâu. Thật đúng là tang điền, thương hải. Không, thửa ruộng không biến từ biển xanh mà từ một cái hồ. Nhưng sao thật ngậm ngùi.

Chuyến trở về Sài Gòn, Vũ cũng lái xe ẩu như người tài xế xe đò lần trước. Lái nhanh không phải là vấn đề, nhưng Vũ qua mặt những xe khác ở những khúc quanh hay lúc lên dốc, khi không thể trông thấy được xe ngược chiều. Chỉ cần một xe đi ngược chiều đúng vào lúc đó, chắc chắn tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Tôi ngồi cạnh hắn, bực mình lắm, nhưng không muốn chạm tự ái của một kẻ háo thắng, vì nó có thể sẽ lái bừa bãi hơn. Thay vào đó tôi khen Vũ:

- Vũ lái vững lắm. Sang bên Mỹ hay Canada lái xe sẽ thấy dễ lắm. Nhưng không cần phải vội vàng làm chi, đi nhanh tưởng sẽ tiết kiệm được thì giờ, nhưng nếu cứ làm một con tính sẽ thấy ngay là mình về đến Sài Gòn có lẽ chỉ sớm hơn chừng nửa tiếng chứ không nhiều đâu. Thay vì bốn tiếng rưỡi thì năm tiếng tới nơi cũng chẳng sao.

Lái xe ở Việt Nam rất giản dị, vì không có luật lệ lưu thông rắc rối gì để phải bận tâm. Luật lái xe và đi đường là “đừng có tôn trọng luật lệ gì cả”. Không luật lệ gì cả chính là luật vậy. Chỉ cần biết chút căn bản lái xe, biết cầm được tay lái, là người ta cứ thế cắm đầu cắm cổ chạy, như muốn hoàn tất một xứ mạng kamikaze. Đường xá chật chội, đông đảo, xe bấm còi inh ỏi, muốn quẹo trái quẹo phải, đổi chiều, cứ làm tự nhiên, những xe khác sẽ dạt ra. Thậm chí nếu cần đi ngược đường một chiều, người ta cũng đi! Người đi bộ không bao giờ được xe nhường, dù đi ở chỗ dành cho người đi bộ. Muốn băng ngang đường mà đợi xe nhường mình ở chỗ ngã tư thì sẽ không bao giờ qua được, mà phải liều mạng bước đi, không ngưng lại giữa đường, xe cộ sẽ dạt, lách tránh mình. Ngồi cạnh Vũ, tôi kể hết chuyện này sang chuyện khác với Vũ và Cát, mục đích làm cho cậu ta vui câu chuyện, bớt vội vàng. Bắt đầu là chuyện xe cộ, chuyện những chiếc xe cũ kỹ ở Việt Nam, nếu mang được sang bên Mỹ sẽ thành đồ cổ, hiếm (!), đến chuyện sinh hoạt đời sống bên Âu Mỹ. Có lúc tôi đã định dành lấy tay lái để phóng nhanh cho Vũ thấy lái nhanh chẳng phải là điều khó khăn, nhưng rồi thấy cậu ta đã vui câu chuyện và thong thả hơn một chút, tôi lại thôi.

Xe đi qua khu Bảo Lộc, nơi có một hàng quán khá rộng lớn cho du khách uống trà miễn phí, rồi một lần nữa xe lại đi qua đèo Ngoạn Mục, lần này đổ dốc xuống phía Sài Gòn. Khí hậu càng lúc càng nóng nực, và khi xe đến Biên Hoà, ngưỡng cửa của thành phố, cái nóng cộng thêm cảnh xe cộ ồn ào, ngược xuôi không tạo cho tôi chút hứng thú nào cho viễn ảnh những ngày còn lại.