main billboard


Nghị là người cuối cùng cởi bỏ quân phục. Anh xếp chúng lại ngay ngắn, trân trọng đặt chúng xuống bên vệ đường,...

Tuong niem quoc han 30-4

Loan lật đật thu góp một ít đồ đạc thật cần thiết cho hai mẹ con nhét vào túi ba lô của chồng, rời doanh trại tiểu đòan. Chị không kịp đóng lại cánh cửa ngay sau lưng văn phòng tiểu đòan trưởng.

 

Loan đã theo chồng lên sống ở đây từ ít lâu nay, kể từ ngày Nghị được vinh thăng thiếu tá về nhận tiểu đòan mới sau chiến công oanh liệt ở Bến Sắn. Tuy có nguy hiểm vì vị trí đóng quân của trung đoàn trừ bị cho căn cứ Lai Khê có thể bị hứng pháo bất kỳ lúc nào ; nhưng được ở gần chồng để chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho Nghị trong một giai đọan căng thẳng, khi cuộc chiến đã có dấu hiệu đổi chiều cũng làm chị an tâm hơn. Loan cảm thấy mình đã làm được chút gì hữu ích, khích lệ nâng đỡ tinh thần chiến đấu của chồng trong ngỏ cụt của chiến tranh, mà cuộc bại trận thảm khốc đã thấy chớm hiện chung quanh, khi những tin tức bất lợi vẫn bay về hậu phương này từng ngày, từng giờ.


Nơi doanh trại này, tương lai những người vợ binh sĩ càng mù mịt hơn. Loan gạt nước mắt cho con ăn rồi bắt đầu thu xếp hành trang gọn nhẹ. Loan không biết được chính xác mình đang làm gì. Chuẩn bị những gì còn thu góp được chờ chồng về hay chính mình phải xoay xở lấy số phận ? Nàng xếp ngay ngắn những kỷ niệm, đồ vật riêng tư của nàng, của Nghị, của những êm đềm chung sống đáng trân trọng, cho vào tận đáy xắc ba lô. Sau đó là vài thứ thực phẩm, quần áo cần thiết cho con, cho vợ chồng nàng…


Bản tính Loan cứng cỏi, thường tỏ ra nghiêm khắc với những quan điểm riêng của mình. Nhưng vẫn là một người đàn bà tình cảm. Đối với Nghị nàng luôn dịu dàng. Vì đó là một mẩu người đàn ông chín chắn với tuổi tác, hợp với sở nguyện của nàng. Biết chăm chú nghe người khác, biết quan tâm đến mọi ước muốn của vợ, trầm tỉnh và cân nhắc trong mọi quyết định. Chừng ấy đặc điểm của chồng tuy lớn tuổi hơn nhiều, đã làm cho Loan thỏa nguyện trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có điều chàng đóng quân khá xa. Vài ba tuần hoặc có khi cả tháng mới tạt được về Sài Gòn thăm vợ con. Nghị vẫn luôn luôn cố làm vui lòng nàng tuy nhiệm vụ nặng nề vẫn trói buộc chàng với những cuộc hành quân gian khổ. Nhìn hàm râu lởm chởm biếng cạo, gò má cóp đi vì ăn uống thất bác, Loan đau lòng.


Kể từ khi sinh thằng cháu Toàn, Loan xin thôi việc thư ký trong một Tổng Nha, ở nhà chăm sóc con. Thằng bé nay đã khá vững chắc, đã biết đi và bắt đầu tập nói. Loan quyết định dọn về đơn vị ở với chồng. Trại gia binh không còn chổ, nên Nghị phải thu vén nới rộng văn phòng và nhà ở tạm dành cho tiểu đòan trưởng, cho mẹ con nàng thêm chút tiện nghi trong sinh họat hàng ngày.


Chiếc camion tăng phái cho tiểu đòan đã rồ máy, chờ những bà vợ binh sĩ chậm chân. Lệnh rút bỏ Lai Khê đã làm cho trại hoảng lọan từ sáng sớm hôm nay. Tiểu đòan hành quân chưa về, các bà vợ lính thuộc bộ chỉ huy phải tự lo liệu. Người thượng sĩ thường vụ tiểu đòan quyết định chở các bà vợ sĩ quan, binh sĩ trong trại gia binh di tản về Phú Cường. Lợi dụng lúc tình hình còn chưa ngả ngũ với lệnh đầu hàng, người hạ sĩ tài xế trong bộ quần áo dân sự đã về được đến Xóm Chùa mới bị những tóan vũ trang cách mạng chận lại. Loan và những người đàn bà vợ lính khác bị đuổi xuống xe. Họ tịch thu chiếc camion như một chiến lợi phẩm !


Loan ôm con đi bộ về đến thị trấn Phú Cường rồi xin qúa giang xe về Sài Gòn xế chiều ngày 30 tháng tư. Thủ đô đang lên cơn sốt. Súng nổ khắp nơi. Thật sự chiến tranh đã chấm dứt vào 10 giờ 30 sáng. Nhưng sau những giờ phút kinh hỏang, con nít và cả người lớn vô công rồi nghề đổ ra đường, tinh nghịch với súng đạn Việt nam cộng hòa vất vương vải đầy đường phố. Người ta tò mò lượm chúng lên, vô tư bắn chơi như một thứ qùa tặng chiến tranh để lại. Một số khác chớp thời cơ, vào những doanh trại quân đội và cơ sở chính quyền cũ, các kho bãi khí tài lục lạo, cướp bóc. Thời hổn quan, hổn quân là dịp bằng vàng cho những bọn đầu trộm đuôi cướp trục lợi riêng tư. Chính quyền mới chưa được thiết lập. Bộ đội cũng chưa vào hết được trong Sài Gòn để giữ gìn an ninh trật tự.


Loan hoảng sợ, ôm con nằm nép trong một góc nhà bên vệ đường, tránh những lằn đạn vương vãi khắp nơi. Người đổ ra đường ngày càng nhiều. Lúc đầu người Sài gòn còn sợ hãi Việt cộng, trốn kỷ trong nhà. Nhưng rồi chẳng thấy mấy ông vi xi xuất hiện, họ yên tâm đổ ra đường nghe ngóng tin tức, rồi tự động theo chân đòan người hôi của đang nhào về phía những công ốc, nhà vô chủ bỏ lại đập phá, vơ vét những đồ qúi giá. Người chậm chân thì ôm xách bằng tất cả những phương tiện sở hữu, khiêng đi cả những bàn, ghế, tivi, máy lạnh, tủ giường… tạo một họat cảnh sinh động cười ra nước mắt. Loan nghĩ thầm « đúng là cảnh chợ chiều giải phóng ! »


Chị ngao ngán thở dài, chứng kiến cảnh cướp giật hỗn mang cho đến chiều tối, khi người ta đã no cơn say cuồng lọan, và những đồ vật đáng giá không còn gì nữa. Chị ôm con lần mò ra đường, xin quá giang xe về đến khu Nhà thờ ba chuông.


Mẹ già mở cửa ra ôm chòang lấy mẹ con Loan mừng tíu tít trong nước mắt đầm đìa. Bà vẫn trông ngóng từ sáng đến giờ, lo sợ những rủi ro chiến trận khốc liệt nơi vùng đóng quân thiếu an ninh.


Ba nàng cũng vừa ở sở Bưu điện về đến nhà không lâu. Cũng như Loan, ông kẹt lại ở vùng trung tâm Sài gòn vì nạn súng ống nổ bừa bãi và cướp bóc. Ông lật bật xách về một túi khá lớn, vất vào xó phòng khách rồi ngồi thừ người ra suy nghĩ.


Mẹ lặng lẽ pha cho ông một ấm trà. Ông chậm rãi chiết trà ra chén tống chén quân như thói quen hàng ngày. Nhưng hôm nay ông lập lại những lễ tiết trà đạo ấy như một chiếc máy vô hồn. Mắt ông đờ đẩn, dại hẳn đi, dán vơ vẩn vào trần nhà. Có một cái gì thất vọng pha lẫn đau đớn trong đôi mắt lạc thần của người cha già mà Loan yêu thương hết mực. Mẹ nhiều khi còn nghiêm khắc theo cung cách của một người đàn bà tôn nữ, hòang phái. Tính tình Loan lại cởi mở, đôi khi có vẻ tự do thóang đạt. Mẹ biết Loan có cứng rắn như nam nhi, quyết đóan, nhưng rất tình cảm và đôi khi có vẻ buông thả. Mẹ thương con, có lúc cũng rầy rà, và thẳng thắn uốn nắn con gái theo cách nghĩ cổ điển Nho giáo, rập khuôn phép của bà. Loan biết mẹ thương mình, không trách, nhưng cũng bực, nghĩ mẹ siết chặc nhiều khi vô lý quyền tự do suy nghĩ của mình. Ngược lại ba Loan tỏ ra hiểu biết, đằm thắm. Lúc nào ông cũng im lặng nghe Loan tỏ bày, phân giải. Và thường khi lại tán đồng những suy nghĩ và cung cách hành động có hơi mới của Loan. Mẹ nàng giảy nảy, trách chồng có hơi nuông chìu con gái, sợ hư. Trong lòng gia đình mẹ tuy là người quyết định, nhưng phong cách con nhà gia giáo không bao giờ cho phép mẹ đi quá trớn, vượt quá cương vị một người vợ.


Tuy biết chồng có hơi thiên vị và bênh vực con gái, nhưng bà cũng chỉ trách nhẹ :

- Rồi ông thấy, con bé Loan sẽ hư cho mà xem !


Ông chỉ cười nhỏ nhẹ đáp :

- Mẹ mày đừng qúa lo ! Tôi hiểu tính tình và tư cách của con mà bà ! Bảo đảm với bà là con bé Loan còn lâu mới hư theo lối gái tân thời như bà nghĩ. Tôi đánh cuộc với bà đấy !


Ấy, người cha trầm tỉnh khả kính của Loan dễ thương như vậy. Trong những đứa con, Loan biết mình được nuông chìu chăm sóc đặc biệt. Có chuyện gì thắc mắc khó nói, Loan thường lựa lúc cha nàng thư thả để vấn kế ; cũng như những lúc có nhu cầu Loan không ngại xin tiền riêng của cha.


Ông chậm rãi tiến lại góc phòng, trân trọng mở túi xách vải bố của mình, lôi ra một đống giấy tờ và tem thư.


Mẹ nàng nhìn thấy chu chéo lên :

- Ôi trời đất ơi ! Giờ này mà ông còn khiêng những của nợ này về nhà làm gì nữa ?


Ba nàng yên lặng tiếp tục lựa, sắp lại cho ngay ngắn những giấy tờ, vật dụng khác nhau.


Mẹ sốt ruột dục ông :

- « Người ta » sắp vào kiểm sóat thành phố đến nơi ! Ông liệu mà thanh tóan sớm những của nợ ấy đi, không thì sẽ mang họa vào thân !


Cha đang mãi mê với những kỷ niệm thân thiết của đời mình, nghe mẹ nói thế hơi giật mình, ngước nhìn vợ, điềm tỉnh :

- Tôi biết mà mình ! Bộ tem Ngư - Tiều - Canh - Mục này mới in mẫu, chưa phát hành. Tem in đẹp và màu sắc trang nhã. Tôi có thể giữ lại, xem cách mạng có lâm thời cần đến chăng ?


Loan biết cha mình là một ông chủ sự cần mẫn, đầy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Ông thành thật nghĩ nghề bưu điện, phụ trách vịệc phát hành tem thư chẳng có gì đáng là là tội ác phản động chống đối cách mạng. Cả hồ sơ nhân viên thuộc phòng ông trách nhiệm cũng nên giữ lại, nếu cách mạng cần việc phát hành tạm thời tem thư thì ông cũng đã có sẵn mẫu và chuyên viên cho việc in ấn.


Mẹ Loan sắc sảo hơn chồng :

- Ông thật thà quá đi thôi ! Tính mẫn cán thời cũ đó không đúng mốt cách mạng đâu. Mọi sự rồi sẽ đổi mới cả. Ai thèm xài những thứ thuộc « chính quyền phản động » của ông. Hơn nữa cách mạng người ta đâu có rảnh tay để nhìn nhỏ đến vẻ đẹp của mấy con tem, con cò !


- Nhưng mà…


Ông bỗng ngừng câu nói của mình lại, cúi đầu suy nghĩ. Vợ ông có lý hơn cách suy nghĩ cổ lổ của ông :

- Cám ơn bà ! Tôi bối rối qúa nên nghĩ không ra đàng. Bà nói đúng, tôi phải thủ tiêu mọi thứ ngay tức khắc, trước khi « người ta » vào tiếp quản thành phố.


Ông bắt đầu bằng hồ sơ nhân viên. Ông cuộn lại từng xấp nhỏ, nhét vào lổ cầu, đẩy qua con thỏ xuống hố tự họai. Ông thành công một hai đợt. Nhưng có cái gì vướng lại làm nước dội không trôi.


Mẹ Loan lại phải can thịệp :

- Không khéo ông làm nghẹt lổ cầu thì khổ. Để thủng thẳng tôi kiếm cho ông một thau nhôm lớn. Ông chất giấy tờ trong ấy vào bếp đốt, sẽ kín đáo hơn.


Cha nàng tỉnh hẳn ra, gật đầu từ tốn đốt ra tro những gì thân thiết đã gắn chặt với đời ông từ gần ba chục năm qua.

Thằng Huấn, em trai kế của nàng từ nảy giờ trốn biệt trong phòng cũng tỉnh ngộ theo cha, gom những áo quần nhà binh và chiếc mũ lưởi trai có thêu một bông mai vàng xuống bếp đốt. Mùi vải khét lẹt xông lên làm nó hỏang. Nhưng còn cách nào khác ? Những nhà bên cạnh không là công chức cũng ngụy quân. Họ cũng làm như cha con Huấn. Khói luồn ra những khe cửa đóng kín mít, mùi khét lẹt.


Loan nhìn cảnh « xóa bỏ tàn tích ngụy » ấy chạnh nhớ đến chồng. Đến giờ này Nghị cũng chưa về đến nhà, không biết tính mệnh chàng có nguy hiểm gì không ?


Chờ đến tối mịt cũng không thấy Nghị trở về. Loan nóng ruột đến nhà người trung sĩ truyền tin ở khu Ông Tạ vẫn thường theo sát mỗi bước hành quân của chồng. Hòa cho biết ở trại quân quản thị trấn Phú cường, các binh sĩ tiểu đòan trình diện đã được cấp giấy cho về nhà. Anh ta không biết số phận của Nghị. Nhưng tin đồn là hình như có một số sĩ quan chỉ huy của tiểu đòan đã bị giữ lại thẩm cung. Loan hơi lo sợ vì thành tích của Nghị đã từng đánh tan tác tiểu đòan địa phương nổi danh của địch. Sau chiến công vang dội ở Bến Sắn, anh lại được chuẩn tướng tư lệnh Sư đòan điều thẳng về nắm tiểu đòan « Mộc châu » ngày xưa đã từng oanh liệt ở ngoài Bắc.


Loan tự nhủ lòng rằng với tình thế này, chẳng có thể làm gì hơn được là chờ đến sáng hôm sau sẽ lên Phú Cường dò la tin tức chồng. Chiều hôm trước Nghị còn đường hòang ôm hôn con, vổ vai trấn an từ biệt nàng cho một cuộc hành quân bình định.


Anh nai nịt gọn gàng, dáng tư lự nhưng qủa quyết :

- Tình hình đã xấu đến mức nguy hiểm ! Anh sợ một kết cuộc bi thảm. Các đơn vị tiền tuyến đã tan vở hoặc tháo chạy hàng lọat. Cuộc chống đở của quân ta đã rõ ràng vô vọng. Nhưng bổn phận và trách nhiệm anh vẫn cố thi hành. Còn nước còn tát ! Đó vẫn là phương châm đời anh. Mình phải chiến đấu đến hơi thở và sức lực cuối cùng. Thành bại là việc của số phận. Chỉ có điều anh lo lắng cho tính mệnh và tương lai của em và con. Anh đã căn dặn người thượng sĩ thường vụ. Nếu có biến cố nào em hãy hỏi ông ấy giúp cho.


Sau đó Nghị ra sân tập họp, cho lệnh hành quân.

Loan nhìn theo bóng chồng dẫn quân ra khỏi doanh trại, hướng về phía quốc lộ. Nàng ghi nhận hình ảnh kiêu hùng sau chót ấy của chồng, lòng lo ngại, quặn thắt. Linh tinh báo cho nàng biết những giờ phút cuối cùng của tự do và binh nghiệp của chồng đang ùn lại, phủ vây đòan quân ra đi một lần chót…

xxx


Nghị chỉ huy đại đội trừ bị của tiểu đoàn dè dặt tiến trên lộ 13 về phía ấp Mỹ Hưng.


Ấy là vào những ngày cuối tháng tư năm 75. Chiến cuộc đã chuyển hướng rất bất lợi cho phía Việt Nam Cộng hòa. Tin thất trận và di tản chiến thuật dồn dập bay về thị trấn Bến Cát nơi tiểu đòan anh trú đóng, làm xôn xao lòng quân.


Nhìn chung thì tình hình chiến sự ở đây tạm lắng so với các nơi khác. Hình như các lực lượng chủ lực của Việt cộng đang đổ dồn vào mặt trận Phú Hòa đông hoặc Củ Chi, quyết dứt điểm căn cứ Đồng Dù của sư đòan 23 bộ binh nhằm hình thành mũi tấn công chủ lực từ hướng Tây Bắc đánh thẳng về giải phóng Sài Gòn. Nhưng anh biết rõ sự yên tỉnh ở mặt trận Đông Bắc này chỉ là bề mặt cho những ý đồ hình thành một mũi dùi khác tấn công Sài Gòn từ Chơn Thành qua Bến Cát.


Theo tin tức tình báo thu lượm được thì những nhóm du kích địa phương đã đứng dậy khắp nơi. Chúng xâm nhập các vùng ven, thậm chí xuất hiện treo biểu ngữ xách động nổi dậy ngay trong lòng các thị trấn. Tiểu đòan của Nghị nhận được lệnh phải bảo vệ bằng mọi giá trục giao thông chiến lược 13 giữa Bầu Bàng - Bến Cát - Thủ Dầu Một. Anh phải nhổ các chốt cắm của Việt cộng và đánh đuổi chúng ra khỏi các vị trí xung yếu án ngữ trục lộ…


Mặt trận lớn cũng đã nổ bùng ở miệt Củ Chi về phía Tây Bắc. Chỉ vài giờ sau anh được tin căn cứ Đồng Dù của Bộ chỉ huy sư đòan 23 bộ binh thất thủ. Anh được lệnh bỏ Mỹ Hưng, giao ấp lại cho đại đội Địa phương quân trấn giữ, về tăng cường giữ thị trấn Thủ Dầu Một.


Anh dò dẫm tiến quân dọc theo bìa quốc lộ, sắp về đến Phú Cường thì nhận được quân lệnh buông súng của tướng Hạnh, quyền Tổng tham mưu trưởng Quân đội Vịệt nam cộng hòa. Trước đó qua đài bán dẫn của người hạ sĩ quan truyền tin anh đã nghe lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.


Anh cầm nước mắt cho lệnh đơn vị tan hàng tại chỗ. Chưa bao giờ trong đời một chiến sĩ anh phải chứng kiến cảnh đầu hàng nhục nhã và cuộc tan rã thảm thương của các binh sĩ thân yêu dưới quyền, được gọi bằng một danh từ mới toanh trong quân sử là « cuộc rã ngũ tại chổ »


Cơn hoảng lọan tâm thần đã bùng nổ dữ dội với quân lệnh chết người trong một giai đọan cực kỳ đen tối của đất nước. Một cái chết lạnh gía len khắp châu thân từ sĩ quan cho đến binh sĩ thuộc cấp. Không ai nói với ai một lời. Nghị đứng chết trân trên một mô đất cao nhìn đòan quân dũng mảnh của mình đang tự hủy trong cái chết tức tưởi, tủi nhục. Súng đạn vất ngổn ngang thành đống. Người ta lột lon lá, tháo ba lô, cởi quân phục ra vất bừa bãi trên vệ đường. Rồi cứ thế, đoàn quân bại trận với may ô và quần đùi xà lỏn nối đuôi nhau vào thị trấn.


Nghị là người cuối cùng cởi bỏ quân phục. Anh xếp chúng lại ngay ngắn, trân trọng đặt chúng xuống bên vệ đường, bên trên để chiếc nón sắt có vẻ chiếc mai bạc, bên cạnh là cây colt chỉ huy. Anh không khóc nhưng một nổi nghẹn ngào uất ức tràn lên chặn siết lấy cổ họng. Anh đứng nghiêm chào gỉa từ những kỷ niệm thiết thân đã gắn bó đời mình.


Ngày hôm qua anh là người chiến thắng ở ấp Mỹ Hưng. Chưa kịp ăn khao binh sĩ thì hôm nay anh bị buộc phải vất súng đầu hàng ! Lúc anh còn sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến. Và tòan bộ binh sĩ dưới quyền anh hầu như còn nguyên vẹn tinh thần chiến đấu cho tự do. Anh nghĩ đến Lâm và hơn mười binh sĩ thân yêu đã ngã xuống giờ thứ hai mươi lăm dưới lệnh xung phong của anh. Họ chết cho ai ? Cho bọn tướng tá bất tài hèn nhát đã tháo chạy với vàng, hột xòan và những túi đô la vơ vét được của chúng, hay cho một ước vọng to lớn tận tụy với dân với nước được biểu hiện qua một chiếc mai bạc nhỏ bé nhưng trong sáng của nhân cách người chiến sĩ có bổn phận chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng được sống tự do ?


Cũng cùng tâm trạng như anh, nhưng can đảm hơn, một thiếu úy trung đội trưởng và một hạ sĩ quan trẻ, độc thân, nhiều nhiệt huyết với lý tưởng tự do đã không chịu đầu hàng. Hai anh em gom một số súng đạn và lương thực của đồng bạn vứt bỏ lại, đi sâu vào bưng biền. Anh cúi đầu gỉa từ họ, lòng hơi xao xuyến và buồn. Anh thấy mình hèn nhát, nhưng cảm nhận không còn sự lựa chọn nào khác. Người vợ trẻ và đứa con thơ dại còn cần anh.


Vài binh sĩ Việt cộng xuất hiện trên ngả tư đường vào thành phố chận tóan bại quân đưa về nơi trình diện Nghị hơi ngán, tách ra một con đường nhỏ khác vòng ra xóm ngòai. Nhưng hầu như mọi ngã đường đều bị phong tỏa. Một toán « ba mươi » mang băng đỏ trên cánh tay giải giao anh về khu tập trung. Ban Quân quản của những người chiến thắng trú đóng trong sân ngôi trường tiểu học gần đó. Mỗi « ngụy quân » được cấp phát một mảnh giấy nhỏ xé vội từ những tập vở học trò với khuôn dấu của đơn vị Việt cộng tiếp quản. Đó là chứng chỉ tạm « đã trình diện và được cách mạng khoan hồng »


Người hạ sĩ quan Việt cộng ngồi giữa bàn trình diện nhìn anh hỏi cấp bậc.


Anh bình thản trả lời :

- Thiếu tá Nguyễn văn Nghị, tiểu đòan trưởng « Mộc châu »…


Hắn có hơi ngỡ ngàng với cái tên gốc Bắc kỳ của tiểu đòan, nhìn anh chăm chú, bảo chờ, rồi đứng dậy rời bàn vào bên trong phòng hiệu trưởng nơi có bàn giấy một sĩ quan đang ngồi xem xét hồ sơ. Hắn bàn bạc một lúc với thượng cấp rồi trở ra gọi anh vào phòng làm việc.


Người Thượng úy chỉ huy đơn vị trú phòng còn trẻ lắm, khỏang chừng hai mươi lăm tuổi, lịch sự mời anh ngồi. Anh ta lấy cung sơ khởi, cẩn thận ghi chép những lời khai của anh về tổ chức đơn vị, từ sư đòan trở xuống cấp cấp trung đòan, tiểu đòan, đại đội…cùng tên tuổi các cấp chỉ huy, vị trí đóng quân hiện tại... Qua cung cách, anh cảm thấy người thượng úy này có vẻ cởi mở, không sắt máu như người ta vẫn có sẳn mặc cảm về hình ảnh những bộ đội Việt cộng. Có lẽ tại anh ta cũng là một người chiến sĩ. Giữa hai người đàn ông mặt đối mặt đã từng có một trận tuyến ngăn cách hai tầm đạn, hai vị thế địch thủ. Nhưng bây giờ Nghị bại trận, cam phận tù hàng binh, tương quan đó đã đổi chiều, tính cách thù địch giảm nhẹ đi. Vả lại nhiệm vụ tiếp quản một địa phương đối với một sĩ quan đại đội trưởng chiến đấu chỉ là công việc giai đọan trong lúc chờ tổ chức chính quyền lâm thời.


Hình như chiến trận căng thẳng dài ngày cũng làm cho anh ta mệt mỏi. Trong chiến thắng hôm nay, những buồn vui của cuộc đời son trẻ nơi đất Bắc đã có những hy sinh và khổ đau lẩn lộn với vinh quang. Trước một sĩ quan địch tù binh cấp bậc cao hơn đang thận trọng cân nhắc từng câu trả lời anh ta phải luôn miệng trấn an, khuyên nhủ Nghị phải thành thật khai báo để được ơn khoan hồng của cách mạng. Nghị biết thừa đi rằng người Việt cộng nào cũng bài bản như những con vẹt. Nhưng qua dáng vẻ chất phát của người sĩ quan đại đội trưởng trẻ Việt cộng đang nắm giữ sinh mạng anh, Nghị yên tâm cảm nhận rằng anh ta không ác độc, dù những niềm tin không lay chuyển vào cách mạng mà anh ta cứ lập đi lập lại. Những lời hứa khoan hồng long trọng lại có vẻ ngây ngô.

Cứ thế Nghị làm việc cho đến xế chiều mới xong.


Một người binh sĩ cần vụ gõ cửa đi vào, chào người thượng úy :

- Thưa đại đội trưởng, Thiếu úy Tiển cũng vừa làm việc xong với tên đại úy ngụy. Chờ lệnh đồng chí !


Người thượng úy nói gọn :

- Cho nó vào !


Cánh cửa mở ra, người cần vụ dẫn Đại úy Hùng, tiểu đòan phó của Nghị vào phòng. Anh quay lại đưa tay bắt theo thói quen. Nhưng Hùng không nắm lấy tay anh, đứng nghiêm vào thế, đưa tay lên chào Nghị theo kiểu nhà binh.


Nghị cười méo xệch, nói đở :

- Quân cách không còn nữa, chào làm gì…đại úy ? Bây giờ chúng mình chỉ còn là anh em đồng chung số phận.


Người thượng úy Việt cộng có hơi cau mặt lại, nhưng anh ta chợt hiểu ra thói quen nhà binh, thông cảm nở một nụ cười nói với Nghị:

- Ông Đại úy tiểu đòan phó chào Thiếu tá tiểu đòan trưởng một lần cuối trong đời cũng phải thôi ! Tôi đặc cách cho phép. Nhưng chỉ một lần này thôi nhé ! Kể từ đây các anh không được xưng hô với nhau bằng cấp bậc nữa, vì chế độ của các anh đã bị xóa sổ. Vị thế của các anh bây giờ là tù binh. Các anh nghe rõ không ?


- Rõ ! Cả Hùng và anh cùng đáp lý nhí.


Người Thượng úy vổ tay làm hiệu. Binh sĩ cần vụ vào nhận lệnh dọn thêm hai suất ăn. Ba phần lương khô được dọn ra ngay trên bàn làm việc :

- Tôi đang chờ lệnh cấp trên giải quyết trường hợp của hai anh. Tạm thời tôi mời các anh dùng bữa. Có lẽ các anh đói lắm rồi, vì từ sáng đến giờ hình như các anh chưa ăn gì thì phải ?


Nhưng đến giữa bữa ăn, người thượng úy ngừng lại nhìn khách mời bất đắc dĩ :

- À tôi quên hỏi là đơn vị các anh hành quân ở đâu hôm qua ?

- Ấp Mỹ Hưng, thưa anh !


Mặt người Đại đội trưởng Việt cộng bỗng sa sầm lại :

- Tôi cũng từ Mỹ Hưng về đây ! Các anh giỏi, đã chiến thắng chúng tôi hôm qua. Đại đội phó của tôi hy sinh với mười hai đồng chí khác. Tội ác tày trời của các anh đấy ! Đôi bàn tay của bọn giết người các anh đã vấy máu cách mạng !


Nghị thấy tình hình bỗng chuyển thành bất lợi cho hai anh em, nhất là trong cảnh tranh tối tranh sáng này, tính mệnh mình chỉ như chỉ mành treo chuông, vội đỡ lời :

- Thưa anh, đó chỉ tại chiến tranh. Về phía chúng tôi, thương vong còn nặng hơn. Một quyền đại đội trưởng trẻ tuổi cùng mười bảy binh sĩ hy sinh, tám bị thương !


Người chiến thắng hình như không nghe lời bịện bạch, mặt đổi sắc, đột ngột đứng dậy, đập bàn đến đánh rầm, chỉ mặt Nghị :

- Các anh ngoan cố ! Đã biết thua đến đít vẫn hung dữ chống trả lại. Còn lẻo mồm nữa chứ ! Rồi các anh sẽ phải trả lời với cách mạng !


Bữa cơm bất đắc dĩ bỗng chấm dứt đột ngột, nặng nề. Người chiến thắng trước mặt anh không còn vẻ dịu dàng thông cảm nữa. Nghị biết rõ từ nảy giờ không phải anh ta đóng kịch. Khuôn mặt bằng phẳng và đôi mắt với tia nhìn thật thà cho thấy anh ta cũng biết thương người dưới ngựa, biết thông cảm về hai chiến tuyến đối địch nhau giữa những người anh em chỉ là một ngẩu cảnh thương đau của đất nước. Giữa hai phía không có mối thâm thù dân tộc. Ý thức hệ đã phân chia họ ra hai chiến tuyến đối nghịch. Những kẻ cuồng tín giáo điều của đảng lãnh đạo đã hà vào tai họ những khẩu hiệu, dí súng vào tay họ bảo bắn đi, giết đi kẻ thù xâm lược và bọn tiếp tay phản cách mạng, thuộc một giai cấp khác còn tàn ác, nguy hiểm hơn kẻ thù chiếm nước.


Nhưng sẽ có một lúc nào trong cuộc chiến cam go nhức nhối, những người chiến sĩ Bắc quân có thể tự hỏi phải chăng tất cả những người Việt mặc áo trận rằn ri ở trong các thị trấn, thôn ấp, đồn trại miền Nam đều là một bọn sát nhân man dã không chút tình đồng lọai, đồng bào ? Dĩ nhiên anh ta không đi đến chổ phản động để phủ nhận đường lối tuyên truyền chính thống của đảng. Nhưng câu trả lời có thể là không. Con người không phải là một cổ máy luôn thu nhận và phát sóng theo tín hiệu. Trong một giây phút thư giản tình cảm, tâm hồn nó có thể rung động với cái đẹp của một dòng sông quê hương chảy êm trong hoa cỏ mùa xuân, nghiêng mình bên thôn ấp êm đềm một chiều mùa thu vàng lá. Nó sẽ nhận ra được những người đồng bào bên kia sông cũng là anh em. Cảm nhận hòa bình ấy cũng sẽ sống dậy lúc chiến tranh kết thúc. Khi bóng quân thù không còn vướng bận tầm mắt của những người chiến thắng vì những bộ đồ trận đã được cởi bỏ, súng đạn của phía bên kia đã được xếp lại. Những sĩ quan, binh lính bị gọi là ngụy đã cúi đầu chấp nhận thân phận, sắp hàng ra trình diện họ. Những tình cảm anh em đồng bào như thế vẫn có thể chớm lên được trên khuôn mặt một thượng úy bộ đội trẻ, thư sinh như người chiến thắng đang ngồi ăn trước mặt anh, chứ sao không ?


Nhưng chỉ trong một chốc lát, ánh mắt của người đối diện chớm lên vài tia sát khí. Cái nhìn của anh ta bỗng trở nên dữ dằn. Phần chiều sâu ẩn dấu hình như bị khuấy động, vì nửa mặt tâm tư ấy chưa bao giờ được tự do. Nó luôn bị xách động bởi một khẩu hiệu ác mộng, mang tính trấn áp. Cái thiện mong manh chỉ được ngủ yên trong chốc lát. Nghị tự hỏi một tâm cảnh có thể phức tạp đến thế chăng ? Từ tình người đến thù hận giai cấp giả tạo chỉ vỏn vẹn một giây phút ngắn ngủi. Mọi chuyện đã có thể đổi thay, chỉ vì một chiến tuyến mà người ta đã dựng lên giữa lòng người vẫn hiện diện. Và cuộc chiến nội tâm khó soi thấu được hết những ngỏ ngách tăm tối sâu thẳm của nó. Anh chợt nghĩ đến xuất ăn ân huệ của những người tử tù trước khi ra pháp trường. Anh rùng mình tự trấn an : « Mọi chuyện phú cho số mệnh! »


Hai bộ đội hình như đã chực sẳn ở bên ngoài xô cửa bước vào, dí súng vào lưng hai người sĩ quan địch bại trận, kè họ ra một chiếc jeep nhà binh Mỹ đậu trong sân trường. Hùng và Nghị bị áp tải về Sở công an ! Người hạ sĩ quan trưởng tóan giải giao vào trạm gác ký giấy, xong quay ra, lên xe về lại đơn vị. Hai người công an mặc thường phục ra nhận hai tội phạm dẫn vào một văn phòng ở sân trong. Một công an khác cũng mặc thường phục, nhưng có dáng chỉ huy, bảo hai người công an vũ trang canh giữ bên ngòai chờ ông ta làm việc tạm với các tội nhân.


Phần cung này cũng chẳng có gì đặc biệt hơn phần cung với người thượng úy đại đội trưởng. Nhưng lý lịch ở đây lấy kỷ hơn. Ngoài hoạt động bản thân, phải khai gốc gác đến tận ba đời. Tiếp đó là phần kiểm kê tang vật. Tất cả giấy tờ tùy thân cũng như đồng hồ, nhẫn cưới, vật dụng tư trang đều bị tịch thu, khai tạm giữ.


Hai người công an vũ trang ở bên ngòai chờ thủ tục xong vào dẫn hai anh em về phòng tạm giam. Bên trong căn phòng mờ mờ tối đã thấy lố nhố người trong ngày đầu đổi đời. Già có trẻ có. Quan quyền cũ lẩn lộn với bọn hạ lưu trộm cắp. Người sang cả ngồi bó gối ôm đầu cạnh những con người rách mướp, lam lủ. Tất cả bị đồng hóa như nhau là rác rưởi xã hội, tàn dư phản động của một chế độ từng ngự trị trên đất này và bây giờ bị gọi dưới một danh từ khinh bạc xách mé là « ngụy ». Xã hội ngụy đồi trụy, sĩ quan quân lính ngụy ác ôn, công chức hành chánh ngụy tham ô hiếp đáp dân lành. Tất cả bọn chúng đều cùng một « duột » !


Nhà giam im lặng như tờ. Trên nét mặt hốc hác của những người bị cầm giữ hiện rõ nổi sợ hãi những bất trắc khôn lường vì chuyên chính của chế độ cực quyền cộng sản đâu phải là chuyện tuyên truyền ! Họ lặng lẽ nhìn hai người tù mới đến, chợt ngỡ ngàng với thân phận hiện tại của mình. Tiếng chìa khóa mở cửa kêu lách cách, lách cách. Hai người công an vũ trang cho lệnh : « Vào săm ! »


Nghị bước qua khung cửa hẹp có chấn song sắt. Một tiếng đóng sầm khô khốc dội thẳng vào óc nảo. Anh cúi đầu xuống, tâm hồn rả rời và thân thể giá lạnh. Anh đã mất hết kể từ giờ phút này. Lý tưởng, sự nghiệp, danh dự, gia đình, hạnh phúc. Tư cách và nhân phẩm của một con người bỗng chốc bị phủ nhận thật cay đắng, tàn bạo. Khi lịch sử lạnh lùng điểm một thời khắc bi thảm, đầy kịch tính cho những người bị buộc phải đầu hàng không điều kiện.


Một cuộc đời vừa vĩnh viển khép hẳn lại sau lưng Nghị.