main billboard


“Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo, địa ngục vô môn hữu khách tầm“
(Thiên đường có lối không người đến, địa ngục không có cửa lại lắm kẻ đi tìm !) (*)

heaven or hell

Hai câu thơ nghe được trong DVD làm tôi nhớ lại những trò chơi thuở nhỏ. Sau này thế nào thì tôi không biết nhưng vào tầm năm sáu tuổi trở lên vào những thập niên năm sáu mươi của thế kỷ trước, không ai lại chưa từng chơi trò “ thiên đàng và địa ngục “. Đó là một bầy con nít nắm chéo áo rồng rắn đi vòng vèo chui vào cái cổng làm bằng hai bàn tay nắm chặt giơ cao của hai đứa con nít lớn nhất, cả đám vừa đi vừa hát :

    - Thiên đàng địa ngục hai bên, ai khôn ai dại, khôn dại mà ra …..

Bài hát dài nhưng lâu quá tôi quên mất nhưng nhớ rõ ràng câu cuối cùng :

    - ….đến khi gần chết được lên thiên đàng …àngggggg….!

Chữ đàng được kéo dài âm điệu cho đến khi đứa nhỏ ở vị trí cuối cùng đi đến thì cánh cổng bằng hai cánh tay hạ xuống chặn lại. Nó bị kéo đến một chỗ thật xa bọn trẻ đang đứng để hỏi muốn theo ai và chỉ được chọn một trong hai. Cả hai nhân vật mang danh hiệu thiên đàng, địa ngục đã được thỏa thuận và giữ kín từ đầu. Dĩ nhiên là đứa nhỏ sẽ đi theo ai nếu thấy thích, cũng có khi vì đó là chị hay anh của mình. Sau khi quyết định đứa bé trở về đứng cạnh bên người nó đã chọn và trò chơi tiếp tục cho đến đứa cuối cùng. Có những đứa thích đứng chung với nhau nhưng không thể chọn đúng ý nên đành đứng sang bên kia. Sau khi đếm hết số lượng theo mình, cả hai sẽ tuyên bố thiên đàng hay địa ngục thắng cuộc. Phe thua đứng tiu nghỉu nhìn bên kia nhảy nhót vỗ tay hò reo vì có quyền làm bất cứ gì theo thỏa thuận trước đó, có thể nhéo tai người thua, hoặc bắt cõng đi cả chục vòng sân chơi. Vì vậy có khi cả hai tuy là bạn thân nhưng phải đành chia cách bởi không biết đích xác ai đại diện cho thiên đàng và địa ngục.

Đó là trò chơi vô tâm thời thơ ấu, lớn lên khi đã hiểu biết dĩ nhiên ai cũng chọn đường đi đến thiên đường với bao hăm hở và hy vọng. Nhưng khoảng cách hai bên mong manh như sợi tóc và không phải ai cũng dễ dàng được vào nơi mình mơ ước, khi thiên đường khép cửa người bị từ chối bỗng thấy mình hụt hẫng, chới với tuyệt vọng. Tâm trạng trong những tháng ngày còn lại quả thật nặng nề, mù mịt như đang trong vực sâu tăm tối. Dù rằng cửa địa ngục vô hình nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng cảm giác rơi xuống địa ngục là có thật !.

oOo

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm lại quê nhà. Trong thời gian ở lại, thường lệ mỗi sáng hai vợ chồng tôi đều từ nhà cô em vợ chạy xe vào thành phố. Trước kia vùng này bên quân đội gọi là vành đai phòng thủ Saigon, đất đai chỉ toàn ruộng xấu chen lẫn cỏ lác, bây giờ thành đất vàng khi những tập đoàn ngoại quốc mang tiền về đầu tư xây biệt thự cao cấp, khu thương mại, những tòa nhà cao tầng và gọi là khu đô thị mới.Từ đây, muốn vào khu trung tâm Quận 1 phải qua một trong những chiếc cầu bắc ngang phụ lưu của nhánh sông Saigon là cầu kênh Tẻ, cầu Tân thuận hoặc cầu Khánh hội.

Đi trên cầu tầm nhìn trước mắt bị che chắn bởi những tòa nhà cao tầng lô nhô đủ kiểu và kích cỡ, nhưng tất cả dường như đều có một màn sương mù bao phủ. Ban đầu tôi cứ nghĩ có thể tại mình đi vào sáng sớm nên trời vẫn còn nhiều sương chưa tan. Nhưng phải đi như thế vì nếu chỉ cần trễ khoảng một giờ là lọt vào khoảng thời gian người người đi làm, trẻ con đi học, tôi lại không quen đường nên khó thể chen vào dòng xe ồ ạt như thác chảy. Mất gần hai tuần lễ tôi mới có thể quen với cách lạng, lách khi đi xe gắn máy ở VN ! Dắt xe ra khỏi nhà phải sẵn sàng tư thế sẽ bị cơn lũ xe cộ hối hả cuốn thúc sau lưng xô đẩy trôi theo dòng chảy của nó, mặc tình cho các xe khác chen lấn hoặc chạy ngang dọc, thậm chí có chiếc chạy ngược chiều hoặc muốn đâm sầm vào vào xe mình.Bà xã ngồi đàng sau cứ thót tim hồi hộp trong bụng và cằn nhằn :

    - Trời ơi ! Người ta và xe cộ ở đâu mà nhiều quá thể, lúc nhúc ngược xuôi chen nhau “trên từng centimet“, lăm le tông cho gẫy chân mình bất cứ lúc nào.

Vài ngày sau, có hôm đi trễ cho dù nắng đã lên tôi vẫn nhìn thấy màn sương mù bao phủ lửng lơ, đích thị là khói bụi từ hàng trăm ngàn chiếc xe gắn máy đã bốc lên che mờ các dãy cao ốc xa xa ở tận bên trong thành phố.
Thảo nào người Saigon đi ra đường đa số trùm kín mặt mày, tay chân và không chỉ là đàn bà con gái, cánh mày râu cũng không ít ; ngoại trừ những ai ngồi xe hơi nhưng cửa đều phải đóng kín mít.

Những ngày đầu mới về mặc dù đang là tháng giêng, mùa lạnh nhất trong năm nhưng Saigon vẫn nắng nóng. Cũng may, trong tuần lễ cuối cùng tôi ở lại, do áp suất nhiệt đới của cơn bão biển thổi vào nên có những đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, không gian mới trở nên mát mẻ đôi chút.

Nhiều người đã than rằng cảm thấy lạc lõng trên chính quê hương đất nước mình. Thật vậy, tôi cũng không khác gì họ khi đi tìm kỷ niệm qua khung cảnh cũ mong gợi nhớ hình ảnh ngày xưa và đã hoàn toàn thất vọng. Về lại căn nhà cũ đã từng sinh sống hơn nửa đời người, tôi vẫn không nhận ra bởi toàn bộ đổi thay tất cả, thậm chí đến viên đá lát đường, vỉa hè ngày cũ cũng không còn. Nếu không có bảng số nhà mới trên đó ghi thêm số cũ nằm phía dưới, tôi vẫn không biết mình đang đứng trước cửa ngôi nhà ngày xưa tôi đã sinh ra, cũng là nơi chính tay tôi chôn cuống nhau khi cắt rốn con tôi.

Đang trong tâm trạng buồn tình về những thay đổi của Saigon ngày trước, mở laptop đọc thấy tin buổi họp mặt của các OC còn ở lại VN tổ chức sớm hơn dự định vài hôm, trước ngày tôi lên máy bay trở lại Bắc Mỹ. Quả là may mắn vì nhân cơ hội này tôi sẽ được gặp cùng lúc tất cả bạn bè. “Tao vẫn còn nhớ đến mày !“. Câu nói chân tình tha thiết đến lạ, tựa đề tôi đọc trên diễn đàn cho thấy thế, thời gian tuy đã làm thay đổi mọi thứ từ vật chất cho đến con người nhưng vẫn còn ít nhất một thứ không hề đổi thay, lay chuyển. “Tình bạn của những người OCS“. Có lẽ đây là niềm vui nhất trong tôi kể từ hôm về lại quê nhà.

Buổi sáng đến chỗ hẹn là tầng gác của một nhà hàng bình dân, bên cạnh bạn bè thân quen tôi đã từng gặp trước khi rời đất nước. Nay có thêm những khuôn mặt lạ, nghe tên nhưng chưa biết bởi không cùng khóa cũng như cùng đơn vị sau khi ra trường. Tất cả đều bồi hồi cảm động khi gặp mặt. Có những người ở rất xa tận cùng mỏm Cà mau, người trên cao nguyên xứ sở mù sương, người ở miền Trung khô cằn đầy bão lũ, vì xa xôi cách trở nên cả năm chưa có dịp gặp lại một lần.

Nhìn về những người đang sống ở quê hương, ngoại trừ những viên chức đầy quyền thế đương thời, bên cạnh các công tử, tiểu thư đỏ mặc hàng hiệu đi “con siêu xe“, số ít những đại gia bụng phệ, mặt nung núc thịt toàn ngồi máy lạnh, đi xe hơi sang trọng nên béo trắng. Còn lại đại đa số người dân họ cũng giống như các bạn tôi, hầu như trên khuôn mặt ai cũng in những nếp nhăn khắc khổ, khô xạm đen đúa vì dãi dầu mưa nắng trong cuộc mưu sinh.

Riêng có một điều duy nhất tôi nhận thấy nơi bạn bè mình dù ở nơi đâu, đã vượt qua cánh cửa thiên đường hay đang trong chin tầng địa ngục, tất cả đều giống nhau ở mái tóc điểm sương in dấu thời gian. Họ không bao giờ quên được những kỷ niệm một thời trai trẻ vào tuổi đôi mươi ngày xưa, khi cùng chung nhau ăn ngủ sinh hoạt dưới mái trường huấn luyện ở tận bên bờ Đại Tây Dương của nước Mỹ. Thuở ấy trong lòng ai cũng đầy ắp hoài bão về tương lai sự nghiệp và yêu đời với giấc mộng hải hồ. Đến nay dẫu đã trải qua bốn mươi lăm năm tình đồng đội thân thiết ấy không hề phai nhạt.

Vậy mà bây giờ số phận mỗi người mỗi khác !

Điển hình như bạn tôi, Lâm T Liêm là một trong số những người lính biệt hải có nhiệm vụ đổ bộ lên các hòn đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa vào đầu năm 1974, đụng độ trực diện với hải pháo của tàu chiến Trung Cộng trước khi chúng xâm lăng tiến chiếm toàn bộ quần đảo. Anh kể lại : “Sau cơn mưa pháo, tất cả phải rời đảo bằng chiếc bè cao su chiều ngang vẻn vẹn một mét rưỡi, dài hai mét chứa mười lăm người chen nhau ngồi bó gối cùng hai mươi lít nước ngọt còn lại, dập dềnh trôi dạt trên biển gần hai tuần lễ. Nhờ ở thời điễm này có những cơn gió mùa đông bắc từ biển thổi vào đã đưa chiếc bè vào gần đất liền nên may mắn còn sống sót.“

Sau 1975 anh cũng giống như bao nhiêu bạn bè cùng cảnh ngộ cũng phải khăn gói vào tù. Ngày tôi rời đất nước cứ tưởng tất cả những người bạn còn lại sẽ lần lượt đến phiên được phỏng vấn để ra đi về miền đất hứa trong chương trình HO. Nào ngờ hơn hai mươi năm không gặp ; những bạn Sơn, Liêm, Toàn, Chấn, Trung và nhiều người khác nữa, trên hành trình vượt qua vũ môn đã thất bại đớn đau, hụt hẫng tương lai khi trước mắt mình cánh cửa vào thiên đường đã khép lại.

Hỏi thăm mới biết tất cả đều gặp trở ngại khi vào gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn họ. Câu hỏi không thể trả lời được xoay quanh vấn đề “Có đang bị Cộng sản đàn áp và ngược đãi không ? Hãy trưng ra bằng cớ !“ Vậy ra những năm tháng tất cả sĩ quan VNCH bị tập trung giam cầm và đã bỏ xác trong các trại cải tạo chưa đủ là bằng cớ cho phái đoàn Mỹ tin rằng họ đã bị đàn áp và ngược đãi bởi chính quyền Cộng sản ? Kết quả vĩ đại và thành công nhất của những trại tập trung cải tạo của CS là đã biến con người sống trên đất nước mình dù với câu chuyện bình thường nhất cũng phải sợ sệt, không dám nói lên sự thật về hoàn cảnh hiện tại.

Mọi người đều biết ngồi bên cạnh viên chức phỏng vấn có ít nhất một người thông dịch và họ là ai rồi ? Trước khi vào phòng từ ngoài cửa cho đến bên trong dày đặc cán bộ công an trong vai các viên chức hành chánh. Ai dám lên tiếng xác nhận điều này, dĩ nhiên sau đó họ bị bác đơn và từ chối.

Người bị oan ức đau đớn hơn hết là Toàn, sau khi không tìm được lý do bắt bẻ vì thời hạn đi tù trên ba năm anh có đủ, người phỏng vấn cho rằng giấy ra trại của anh là giấy giả để từ chối. Người ta thừa biết để hoàn tất hồ sơ yêu cầu xin đi ra khỏi nước theo diện HO, trước khi nộp đơn phải qua nhiều tra xét của quan chức công an. Từ cửa ải thấp nhất là xác nhận của công an khu vực rồi đến phường khóm, xã ấp, quận huyện và thành phố, cho đến cơ quan có thẩm quyền cao nhất là Bộ nội vụ. Chẳng lẽ họ không phát hiện giấy tờ của anh là giấy giả ? Giống như giọt nước làm tràn ly, khiến lòng tự ái dâng trào, anh đứng lên xé toạc tờ giấy ra trại và bỏ về với thái độ bất cần. Dù không được đi nhưng anh cũng đã thể hiện sĩ khí bất khuất cuối cùng của người lính VNCH trước mặt những người đại diện cho đất nước đã từng phản bội đồng minh của mình.

 Là người đã từng trải qua hai lần bị đánh rớt khi gia đình tôi vào gặp viên chức, đại diện cho quốc gia mình xin đi định cư theo chương trình đoàn tụ gia đình. Sau tám năm nộp đơn chờ trong mỏi mòn, cuối cùng chúng tôi cũng được gọi lên phỏng vấn. Qua theo dõi và nghe lời đồn đoán của những người đi trước nên gia đình tôi rất thận trọng trong từng cách ăn mặc và cử chỉ thái độ. Đến đúng giờ để chờ gọi tên, vào phòng ngồi ở vị trí được chỉ định để đợi gặp người quyết định số phận của mình. Thời gian kéo dài trong hồi hộp cuối cùng rồi cũng đến. Ngoài cửa bước vào phòng là một ông to béo khệnh khạng tiến đến, cặp tay một cô gái ngoài đôi mươi mặc váy đầm đi bên cạnh, thoạt nhìn tôi tưởng ông bị bệnh đi không nỗi nên nhờ cô gái dìu đi. Nhưng té ra không phải, nhìn lại mới biết do ông ta dìu cô gái ngồi vào vị trí bên cạnh trước, rồi mình mới ngồi xuống chiếc ghế giữa bàn làm việc. Sau này khi ra ngoài bà xã hỏi tôi.

    - Em nghe người ta nói ở nước ngoài đàn ông “ galant “ với phụ nữ bây giờ mới thấy. Đó có phải là “ lady first hay first lady “ gì đó mà người bên Tây đề cập đến phải không anh ?

Đứng lên chào hai người chờ họ cho phép ngồi xuống. Sau khi lật hết tập hồ sơ trước mặt chán chê, ông ta mới ngẩng đầu lên nhìn tôi hỏi những câu về gia đình, tên tuổi. Vì ông ta nhìn mặt mình nên tôi nghĩ rằng ông ta hỏi tôi. Theo phản xạ tôi thốt ra câu trả lời bằng tiếng Anh bởi tưởng rằng ông ta xét xem gia đình mình có thể nghe, hiểu được ngôn ngữ xứ sở mình xin đi đến hay không, theo như kinh nghiệm nhiều người đã trải qua. Dè đâu ông ta gay gắt phẫn nộ bảo tôi phải chờ cô gái bên cạnh nói trước rồi tôi mới được nói sau. Do cô ta ngồi im và không tự giới thiệu mình là người thông dịch, cũng như cho biết tôi không được phép tự trả lời thẳng dù có đủ khả năng. Cô gái thấy ông ta giận dữ với chúng tôi thì kín đáo liếc mắt, nhếch mép cười, có lẽ cô ta biết trước kết quả và hài lòng với nó, nên sau vài câu hỏi qua loa ông ta xếp lại hồ sơ và lắc đầu từ chối hẳn hoi sau khi cho biết ; Hồ sơ tôi thiếu tờ giấy hứa thu nhận tôi vào làm việc của ít nhất là một công ty đặt tại nước họ và cô thông dịch kiêu kỳ kia chẳng cần thèm nói thêm câu nào nữa theo đúng bổn phận của cô ta. Chúng tôi bước ra, đôi chân nặng như đeo đá và tâm hồn nặng trĩu. Im lặng thẩn thờ trên đường, bước chân đi theo quán tính để về nhà, tựa hồ như người đi trong đêm tối đánh mất đóm lửa le lói dẫn đường. Vợ tôi nhận xét :

    - Em chưa hề tiếp xúc với người Tây phương cũng như bước chân ra ngoại quốc. Em chỉ đọc qua sách báo nghe ca tụng về một xã hội văn minh, lịch sự, bình đẳng và nhân ái. Nhưng lần đầu tiên đối mặt với một viên chức người da trắng tự hào là công dân một đất nước được thế giới ngưỡng mộ, em chỉ thấy ông ta hống hách, xử dụng quyền lực như một tên bạo chúa thời phong kiến, chưa cho phép thì bất cứ ai cũng không được lên tiếng, nếu có trót dại vi phạm vì không biết là bị chém đầu ngay không thương tiếc.

Có lẽ với thất bại lớn lao như thế nên vợ tôi có tâm trạng giống như người vừa nhận được bản án tử hình dù chỉ trong trí tưởng. Nhiều năm sau khi ra được nước ngoài, có cơ hội đọc được nhiều bài báo tường thuật về những cuộc phỏng vấn, thanh lọc đầy bất công trong các trại tị nạn, có người đã tự tìm lấy cái chết để phản đối cũng như nói lên nỗi tuyệt vọng của mình. Tôi hoàn toàn cảm thông và hiểu được cảm giác của họ tại sao lại có can đảm hành động như vậy.

Không cam tâm với kết quả vừa qua, tôi suy nghĩ cố gắng tạo cho mình cơ hội bằng cách viết một lá thư, trình bày hoàn cảnh của mình và gửi thẳng đến đại diện tòa lãnh sự đặt tại Singapore. May mắn thay, một năm sau chúng tôi được gọi lên phỏng vấn lại. Với kinh nghiệm của lần đầu chúng tôi biết ứng phó với tình hình hơn. Không còn phải vào phòng riêng chờ như trước, lần này chúng tôi được gọi tên đi vào một gian sảnh rộng, nhiều bàn làm việc đặt chung quanh theo hình vòng cung. Trước mỗi bàn có xếp nhiều ghế ngồi dành cho mỗi gia đình chờ tiếp xúc với phái đoàn. Lần này viên chức có nhiệm vụ phỏng vấn là một thanh niên không còn trẻ, bên cạnh là cô thông dịch chưa đến ba mươi nhưng cung cách cởi mở vui vẻ. Anh chàng có mái tóc vàng và nước da trắng đang ngồi dựa ngửa trên ghế, ngước mắt nhìn chúng tôi có vẻ chán chường nhưng cũng mời ngồi, rồi lật xấp hồ sơ trước mặt và nói bằng tiếng Pháp, vừa hỏi vừa ngáp dài ngáp vắn. Trông thái độ cho thấy anh ta phải miễn cưỡng ngồi để xét từng hồ sơ một cách mệt mỏi bởi đêm qua chắc không ngủ. Qua người thông dịch anh ta hỏi về nghề nghiệp hiện tại, tôi đáp là làm nghề thợ mộc xây nhà cửa. Cô gái chưa vội dịch lại mà kín đáo nhắc tôi nhiều lần với câu : “… nghề mộc chạm, phải là mộc chạm không ?“. Tôi lắc đầu không phải, thừa hiểu cô gái muốn giúp đỡ tôi nhưng trong hồ sơ đã ghi rõ làm nghề mộc xây dựng rồi nên tôi không dám nói khác đi sợ cho rằng không thành thật. Anh ta lật tới lui hồ sơ, nên tôi thoáng thấy trong đó có lá thư mình đã gửi khiếu nại trước đó. Cuối cùng anh ta nói qua thông dịch rằng tôi không có tờ giấy hứa hẹn sẽ được nhận làm việc tại nước mình sắp đến nên anh ta không thể chấp thuận. Tôi phân bua với cô gái :

    - Cô nghĩ xem, họ biết cái tờ giấy đó tôi không thể nào có được bởi tôi đang ở tại đây và là người Việt Nam. Làm sao công ty nào đó ở nước ngoài biết tôi ra sao mà dám xác nhận thuê mướn tôi, trừ phi tôi là nhà phát minh nổi tiếng cả thế giới biết tên.

Cô gái đồng tình và nói :

    - Đó chỉ là cái cớ, là cái cớ của họ để đánh rớt thôi.

Tức giận trong lòng, tôi nhờ cô gái xin phép cho trực tiếp nói với anh ta bằng tiếng Anh. Được chấp thuận tôi bèn đứng lên nói to :

    - Tôi rất thất vọng vì bị ông từ chối. Ông gửi giấy mời tôi lên để rồi ông lại từ chối vì tôi không có tờ giấy hứa việc làm. Ông thừa biết tôi không có tờ giấy đó và không ai có khả năng để có được. Ông đòi những thứ mà ông biết chắc chắn tôi sẽ không có. Vậy ông gọi chúng tôi vào đây để làm gì ?

Tôi cầm lấy một tờ giấy đang để trên bàn giơ lên, vỗ vào nó và nói tiếp :

    - Đây là tờ giấy, dù nó có hứa hẹn điều gì chăng nữa nó vẫn là một tờ giấy, tự nó không nói lên được gì cả. Quan trọng là bản thân tôi, vợ con tôi có chịu đi làm việc khi sang bên ấy không kìa. Tôi nhận được giấy mời, các ông cho tôi bao nhiêu hy vọng và bây giờ vào đây các ông làm tôi thất vọng bấy nhiêu. Nếu đã từ chối vì tôi không đủ điều kiện theo yêu cầu thì đừng cho tôi vào đây đễ phỏng vấn, tất cả chỉ làm mất thì giờ của chúng tôi và cả của ông nữa. Cám ơn ông đã tiếp tôi, xin chào ông.

Tôi vốn là người không giỏi về khoa ăn nói, vậy mà lần này cơn giận khiến tôi nói một mạch thật trơn tru những gì tôi đang nghĩ. Nói xong vợ chồng con cái chúng tôi đứng lên đi thẳng ra cửa. Khi ngang qua khung cửa kính lớn bên hông, vợ tôi bất giác nghiêng đầu nhìn vào phòng và trông thấy người phụ nữ Tây phương ngồi xét hồ sơ người khác ở bàn bên cạnh, giờ đang đứng trước mặt viên chức ban nãy vừa phỏng vấn tôi, vừa lật hồ sơ vừa nói gì đó với anh ta.

Ngày hôm sau một người quen trong nhóm chờ sắp phỏng vấn chạy đến nhà báo tin. Những người hiện diện quanh đó hôm qua họ nói tôi là “anh hùng“. Bởi từ trước đến giờ ai cũng khúm núm, thậm chí hồi hộp run rẩy trước người định đoạt số phận của mình, chưa ai dám to tiếng với viên chức phỏng vấn mình. Cô thông dịch ngày hôm qua kể lại:

    - “ Sau khi gia đình này đứng lên đi ra thì ngay lập tức bà trưởng đoàn ở bàn bên cạnh bước qua hỏi chuyện, viên chức phụ trách cho biết họ thiếu tờ giấy hứa cho việc làm khi sang bên kia. Bà xem xét lại hồ sơ và nói ‘Tuy không có giấy đó nhưng người ta đã đủ thang điểm cần thiết theo yêu cầu thì cho người ta đi đi.’ Không dám cãi nhưng anh này nói để về anh ta xem lại. Kinh nghiệm cho biết, nếu bà trưởng đoàn nói thế tức là đã đương nhiên chấp thuận hồ sơ này rồi. Có ai quen với gia đình này thì nói cho biết là họ sẽ được đi đó “.

Ngay những ngày đầu vừa sang bên này, nhìn khắp cảnh vật tôi nhận thấy một điểm giống nhau, hầu như tất cả nhà cửa đa số đều làm bằng gỗ. Vậy mà khi gia đình tôi vào phỏng vấn lại bị từ chối nhập cư với lý do nghề mộc xây dựng, đất nước này họ không cần ? Đúng như lời cô gái thông dịch đã nói khi họ muốn bác bỏ ai đó “ …. Đó chỉ là cái cớ thôi “. Sau nhiều lần có việc cần phải tiếp xúc với các viên chức làm việc cho nhà nước nơi đây, nhận được thái độ cư xử thật bình đẳng, lịch sự. Khác hẳn những viên chức sở di trú ngày nào tôi đã gặp.Tôi hiểu thêm một điều, những bình đẳng, tự do, bác ái chỉ xảy ra ở đất nước đang hành xử quyền đó cho người dân mà thôi.

 Đôi vợ chồng già là hai người khách cuối cùng đẩy cửa bước vào phòng họp mặt. Vài tiếng lao xao chào người mới đến thì ra đó là gia đình của Thạch H Hồng, đàn anh trước tôi bốn khóa. Tình cờ hai người lại ngồi phía bên kia bàn tiệc trước mặt tôi. Trước kia chưa có dịp quen biết nay mới gặp, thấy anh là người có hình dáng “xuống sắc“ nhất trong những người có mặt. Anh mặc chiếc áo màu đen rộng phủ lên tấm thân gầy nhom, đen đủi. Khuôn mặt dài nhọn khắc khổ nhô ra đôi má hóp, cái miệng móm mém dường như không còn chiếc răng nào. Người phụ nữ ngồi cạnh cũng hom hem không kém, qua những lời bộc bạch tôi mới biết anh không có vợ con và người phụ nữ đi cùng là chị ruột của anh. Bẩy năm trong trại cải tạo đã khiến anh trở thành một người không tỉnh táo như bây giờ.

Không biết khi vào phỏng vấn ra sao, nhưng theo lời bà chị kể anh chỉ nói toàn tiếng Anh. Qua bao nhiêu năm, còn nhớ được ngôn ngữ này có thể là do quán tính nhưng chưa đến nỗi kém sáng suốt ! Có thể anh biết rằng nếu nói tiếng Việt làm sao trình bày hết hoàn cảnh của mình. Tiếc thay người phụ trách phỏng vấn đã không hiểu tình thế nên vội vàng đánh rớt cho rằng anh bị tâm thần, với cú sốc lớn lao này khiến người tỉnh cũng trở thành người điên thật sự và buông đời chìm mãi trong vô thức.Có lần tình cờ tôi đọc đâu đó bài viết nói rằng : “ … người ta khi rơi vào biến cố lớn lao hay tuyệt vọng về điều gì đó thường rơi vào trạng thái trầm cảm, nó làm cho con người từ chối thực tại, sợ hãi chạy trốn, ẩn nấp trong xó xỉnh khi có ai nhắc đến tên mình. Y học ngày nay cho rằng đây là giai đoạn đầu của tâm thần.” Tiếc thay những gì người chị anh kể cho tôi nghe, anh đều trong trạng thái giống như những gì tôi đã đọc.

Trong văn học sử đã ghi lại không ít giai thoại về những văn nhân yếm thế khi rơi vào thất bại trên đường hoạn lộ, hoặc bó tay trước cảnh “ quốc phá gia vong “ thường trốn tránh hiện tại qua men rượu, chỉ còn biết uống rượu để tiêu sầu như Cao Bá Quát :

“ Vạn tống nhất sinh duy hữu tửu “.( Dứt hẳn một cuộc đời chỉ có rượu )
“ Dữ nhỉ đồng tiêu vạn cổ sầu “. ( Cùng với mày ta tiêu tán nỗi buồn ngàn năm )

Từ đầu đến cuối bữa tiệc tôi không thấy anh nhìn ai và hé răng nói lời nào. Chỉ uống cạn hết ly này đến ly khác giống như người đi trong sa mạc cần nước, như đang hóa thân trong bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

- “ Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
Trời đất mang mang, ai là tri kỷ ?
Lại đây cùng ta, cạn một hồ trường !

“ Nào ai tỉnh, nào ai say. Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây..”

Một người bạn hàng năm thường xuyên về thăm quê nhà, có lần kể lại trong buổi họp mặt bạn bè. “ Tôi chưa từng tưởng tượng anh ấy ngày trước là một OC, đã từng đi du học ở Hoa kỳ vào cuối thập niên sáu mươi, đầu của năm bảy mươi. Những khoảng thời gian này chỉ có những thanh niên ưu tú, giỏi giang mới được chọn đi. Còn bây giờ thì ….lực bất tòng tâm rồi !. Giờ chỉ còn trông cậy vào sự chăm sóc của người chị nghèo khổ cho đến hết quãng đời còn lại. “

Câu nói đã khiến tất cả những ai hiện diện cũng phải ngậm ngùi cho hoàn cảnh.
“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế.”

oOo

 Hơn hai chục năm cuốn cờ rời bỏ đất nước Việt Nam, những tưởng khi trở lại người Mỹ phải khôn ngoan hơn dè đâu vẫn còn ngây thơ, ấu trĩ trước những người Cộng sản lắm mưu mô, xảo quyệt. Viên chức Mỹ ngồi ghế phỏng vấn đã bác bỏ nhiều hồ sơ, từ chối cho ra đi với những người lính chiến thực sự, những người bị đàn áp hành hạ bởi chế độ CS ; Nhưng lại ngờ nghệch mở rộng tay dễ dàng thu nhận bộ hạ, tay chân của những viên chức CS thứ thiệt. Những người này trước khi trao danh sách cho Mỹ đã lựa chọn hồ sơ nào có nhiều năm tù sẽ là điều kiện được dễ dàng chấp thuận. Họ ngụy tạo tất cả giấy tờ cần thiết sao cho tên người của họ vào gia đình này. Khi người đứng đầu hồ sơ phát giác những cái tên lạ ghép vào gia đình mình, ngạc nhiên toan lên tiếng phủ nhận thì đã bị viên công an gằn giọng “ Muốn đi hay muốn ở lại ? “. Ngày ra phỏng vấn không biết có phải vì vô tình chăng, hồ sơ có người đi kèm lại được viên chức Mỹ thông qua dễ dàng. Vì an nguy và tương lai các con người cha đành phải im lặng trước sự thật. Có bao nhiêu hồ sơ bị gán ghép như thế để Cộng sản đưa người của họ vào nước Mỹ theo diện HO ? Một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác.

Ba mươi chín năm đã trôi qua, vết thương ngày nào vẫn không thể lành được. Dù rằng các bạn tôi và những người còn đang ở lại cố gắng tiếp tục chật vật, vất vả với đời sống riêng của mỗi người. Họ chỉ biết tự an ủi mình bằng câu “Tri túc, tiện túc“ và sống kiêu hãnh giống như suy nghĩ của Uy viễn tướng quân. Ngày trước khi khoác lên mình bộ quân phục không phải để tìm vinh quang và bây giờ dù thời thế biến mình thành người thất bại vẫn không chút nào hổ thẹn.