Người thanh niên thì thầm “Mẹ ơi đêm nay con đã đàn bài Mẹ hiền yêu dấu, Mẹ có nghe con đàn tặng Mẹ không?...
Riêng tặng chị Lê Lan, với 1 bông hồng để nhớ về người mẹ mới qua đời tháng tư 2014, và các bạn Sư Phạm Sài Gòn khóa 13.
Thái Anh - QNA là cây bút quen thuộc, cô đã có nhiều bài cho SaiGon-Echo, lần này là 1 bài viết về tình mẫu tử, tình yêu của mẹ dành cho người con trai nhân ngày Hiền Mẫu. SE mong đón nhận thêm những sáng tác mới của Thái Anh.
Con trai thương yêu của mẹ,
Mẹ không biết đến bao giờ con mới đọc được những dòng tâm tình nầy, khi ấy mẹ còn ở cạnh bên con, hay mẹ đã nằm yên dưới lòng đất lạnh lâu rồi. Nhưng dù có thế nào, mẹ vẫn muốn viết ra đây những tâm tình sâu lắng của một người mẹ đối với đứa con trai yêu dấu nhất đời mình.
Năm .. lúc bố mẹ còn ở Việt Nam chờ xuất ngoại sang Hoa kỳ, thời gian nầy mẹ có mang anh của con, mẹ hồi hộp nao nức chờ ngày được nhìn thấy đứa con đầu lòng mẹ đã mang nặng suốt 9 tháng 10 ngày, mẹ khao khát được nghe tiếng oe oe thơ ngây của trẻ thơ cất tiếng khóc đầu đời.Mẹ đã chuẩn bị từng tấm tả lót, từng đôi vớ màu xanh da trời thật đẹp, những bộ quần áo trẻ sơ sinh cũng màu xanh, tất cả đều là một màu xanh hy vọng, vì mẹ vốn đã thích màu xanh, có lẽ do lúc học trường các ma soeur, đồng phục của trường là áo dài màu xanh da trời, màu áo của Đức Mẹ Maria. Lúc có mang anh của con, mẹ đâu biết được sẽ là trai hay gái, nhưng với mẹ con nào cũng là con của mẹ hết; lại nữa ở Việt Nam lúc đó chi phí siêu âm rất mắc, mỗi tháng mẹ đi khám bác sĩ, họ nói thai nhi bình thường nên mẹ bố mẹ cũng an tâm. Tới ngày chuẩn đoán sẽ sinh mà mẹ không thấy triệu chứng gì hết, bố đưa mẹ tới bệnh viện và tại đây người nữ y tá trưởng quen gia đình đã giữ mẹ nằm lại chờ quyết định của bác sĩ. Lúc đó mẹ linh cảm như có cái gì không ổn cho cái thai, mẹ thấy bác sĩ và bố ra ngoài nói chuyện lâu lắm, khi trở vào bố chỉ nói với mẹ là bác sĩ cho hay mẹ lớn tuổi sợ sinh khó nên bệnh viện giữ nằm lại để theo dõi có chuyện gì cũng có sẵn phương tiện kịp cứu chữa.
Rồi sau đó do một sự tình cờ, mẹ đã gợi chuyện với cô y tá trực buổi tối để hỏi thăm về tình trạng thai của mẹ. Cô y tá tưởng mẹ đã biết hết nên cũng không dấu , sốt sắng giải thích cho mẹ rõ tình trạng em bé trong bụng mẹ, dù mẹ có sinh ra được thì em bé cũng khó sống được vì thai nhi bị trục trặc gì đó. Cô còn cho biết em bé là con trai, cô an ủi mẹ đừng buồn, sau nầy sẽ có con khác. Những lời cô nói mẹ nghe như tiếng sét ngang tai, hết rồi bao nhiêu hy vọng, tưởng tượng ngày mẹ bồng trên tay đứa con thương yêu do mình mang nặng đẻ đau. Mẹ âm thầm ôm nỗi đau đớn suốt đêm hôm đó. Sáng hôm sau bố vào, mẹ nói mẹ đã biết hết mọi chuyện về em bé trong bụng, mẹ kêu bố nói với Bác sĩ làm cách nào cho mẹ sinh càng sớm càng tốt, mẹ không muốn kéo dài sự tuyệt vọng thêm nữa. Rồi người ta cũng chích thuốc cho mẹ sinh mau, mẹ lúc đó như người mất hồn, không nói gì thêm nữa, mặc bố và mọi người lo toan mọi việc. Khi về nhà khoảng hai tuần sau bố con mới kể lại mọi sự tình cho mẹ rõ, bố đã nhờ bác gái (chị dâu của bố) và dì con(em gái của mẹ) lo hậu sự cho anh con. Ngày mẹ từ bệnh viện về nhà, trong lòng buồn bã vô cùng, mẹ không khóc nỗi lúc đó nữa. Bố con và mọi người trong nhà rất tế nhị, đem cất tất cả những vật gì có liên quan đến trẻ sơ sinh để tránh cho mẹ sự xúc đông không tốt cho sức khoẻ cuả sản phụ mới sinh.
Thời gian là liều thuốc lãng quên hiệu nghiệm nhất, mọi việc sau đó trở lại bình thường, chỉ có mẹ là người trong cuộc nên mỗi lần nhớ đến anh con , tim mẹ vẫn thắt lại khi nghĩ đến đứa con mới sinh đã lìa bỏ bố mẹ, mẹ không được nhìn rỏ giọt máu mình đã tạo hình.Khi đã là cha mẹ rồi mình mới hiểu được tâm trạng người làm cha mẹ, mẹ mới thấy thương bà ngoại đã mang nặng đẻ đau đến 9, 10 đứa con; mới cảm được nỗi đau đớn khi phải bỏ đi một đứa con nào mà mình đã banh da xẻ thịt ra nó, người ta hay nói người đàn bà đi biển một mình là vậy !! Lúc đau khổ như thế, mẹ ước ao có bà ngoại bên cạnh để mẹ được ôm bà mà khóc, để được bà an ủi, chia xẻ nỗi đau, vì chỉ có mẹ mới cảm thông được với con gái của mẹ. Bà ngoại có bốn người con gái,nhưng vô phước thiệt thòi vô cùng cho bốn chị em của mẹ, vì bà ngoại đã không có mặt trong ngày vui nhất đời của đứa con gái nào: ngày vu quy của con gái. Dì ba con bốn lần sinh, bốn lần gần ngày chuyển bụng một mình ngồi xe đò từ rẫy về nhà ông ngoại chờ sinh. Con thơ mới được đầy tháng dì ba đã vội vã bế con trở về rẫy lo phụ chồng cho kịp mùa thu hoạch. Tội nghiệp mấy đứa con của dì lớn lên từng ngày trong thiếu thốn, vì không muốn con bị thất học, dì ba bấm bụng xót xa để con lội bộ mổi ngày mấy cây số dầm mưa dãi nắng đi học. Còn dì tư, lúc sinh con cả hai đứa đều sinh khó phải mỗ, lúc mẹ vào thăm, dì con ứa nước mắt tuổi thân than thở “phải chi còn mẹ !!”. Rồi đến dì út, sau cùng là mẹ, cả bốn chị em đều sinh con một mình, không có mẹ bên cạnh, chỉ có bốn chị em chia xẻ với nhau nỗi mất mẹ sâu xa đó. Riêng về phần mẹ, nỗi sợ hãi vì mất đứa con đầu lòng luôn ám ảnh mẹ, lại thêm thời gian đó cuộc sống cũng khó khăn, bố đang xúc tiến việc xuất ngoại, nên bố mẹ không nghĩ đến có đứa con khác đó nữa.
Sau đó, bố mẹ đến Hoa kỳ theo diện HO, gia đình bên bố, bà nội và các bác, cô, chú của con hầu hết đã ở Mỹ từ lâu, nên lúc đầu bố mẹ được sự giúp đỡ của mọi người rất nhiều, từ việc cho ở chung nhà, đến việc chở đi làm giấy cư trú cần thiết. Mẹ vẫn chưa dám nghĩ đến việc có con lần nữa, vì mẹ vẫn còn bị ám ảnh lần sinh con trước. Mấy năm sau bố mẹ ra ở riêng, hai vợ chồng cùng đi làm suốt từ sáng đến chiều tối, cũng chưa dám nghĩ chuyện có thêm một thành viên nữa trong gia đình. Mãi đến 6 năm sau mẹ mới mang thai con, thời gian đầu mẹ cũng lo sợ vô cùng, rủi lại bị như lần sinh trước nữa. Mẹ cầu nguyện ngày đêm, van vái bà ngoại phù hộ cho mẹ sinh con được vuông tròn. Mẹ đi bác sĩ, người ta hết sức cẩn thận , do mẹ có cho bác sĩ biết tình trạng lần sanh trước, bà bác sĩ đặn dò, cho thuốc bỗ đủ thứ. Đến tháng thứ tư, bác sĩ đề nghị mẹ thử nước trong bụng để cho biết chắc chắn hơn về thai nhi. Từ lúc thử nghiệm đến lúc có kết quả phải mất hai tuần lễ, mẹ đếm từ ngày trong lo âu, hồi hộp. Ngày chờ đợi cuối cùng, buổi trưa từ chỗ làm mẹ gọi đến văn phòng bác sĩ hỏi kết quả, cô y tá nói chưa có, mẹ run lắm. Từ đó mẹ không làm được việc gì nữa, chỉ sốt ruột ngồi chờ tiếng chuông reo hỏi tên mẹ. Gần 4 giờ chiều, người ta cho biết kết quả, tim mẹ như muốn rớt ra khỏi lồng ngực, mẹ hỏi dồn dập làm cô y tá phải trấn an mẹ ngay bằng nụ cười đầu tiên và lời chúc mừng em bé rất bình thường là bé trai, có vẻ lanh lắm. Mẹ buông phịch người xuống ghế không kịp cám ơn cô y tá đã báo tin lành cho mẹ; rồi như chưa tin hẳn ở tai mình, mẹ ngẩn ngơ ngồi yên một lúc lâu, các bạn làm chung thấy sắc mặt mẹ xanh xao vội xúm lại hỏi thăm, mẹ bật khóc òa như đứa trẻ, mọi người xúm lại an ủi vỗ về.
Mẹ như chợt tỉnh lại, bật cười giữa hai hàng nước mắt còn chảy dài trên má, mẹ kể lại chuyện cho mọi người nghe, nghe xong ai cũng ôm mẹ chúc mừng vui vẻ, từ lúc đó nỗi lo âu trong mẹ mới nhẹ đi. Mẹ gọi điện thoại báo tin cho bố đang ở chỗ làm, chắc bố cũng sốt ruột lo lắng không thua gì mẹ. Mẹ nghe giọng nói bố vui lên, có tiếng thở phào nhẹ nhỏm bên kia đầu giây điện thoại, chắc bạn bè của bố cũng đang xúm lại chúc mừng bố. Tối hôm ấy bố mẹ thật vui, bố chở mẹ đi ăn ngoài, lâu lắm bố mẹ mới có một buổi tối hạnh phúc như thế! Thời gian sau đó mẹ cũng bắt đầu mua sắm quần áo em bé, dù ở Mỹ không thiếu một thứ gì hết, nhưng mẹ vẫn muốn tự tay mẹ may lấy cho con trai những bộ đồ ngộ nghĩnh dễ thương. Mẹ chuẩn bị mọi thứ cho con trai yêu của mẹ. Thời gian mang nặng rồi cũng qua, lúc đẻ đau đã tới. Mẹ bắt đầu hơi đau bụng, giữa khuya bố chở mẹ vào bệnh viện, chờ suốt ngày hôm sau chưa sinh, mẹ thấy lo sợ, nỗi ám ảnh lần trước vụt tới, bố cố gắng an ủi mẹ. Cuối cùng chiều tối hôm ấy bác sĩ quyết định giải phẩu đem con ra, trước khi mẹ lã người thiếp đi vì mệt, mẹ còn kịp nghe tiếng trẻ khóc oe oe và mơ hồ có tiếng nói của bác sĩ”con trai 6 lbs 9”.
Sau đó, mẹ ở nhà với con được 6 tháng, thời gian đầu vết mổ mới chưa lành, mẹ chảy nước mắt vì đau mỗi lần ngồi bế con cho bú hay tắm cho con. Con trai mẹ lúc nhỏ thật dễ tính không biết lạ người, ai đưa tay bế cũng đòi qua, ai kêu đến cũng toét miệng cười. Mẹ trân quý con vô cùng, bố con đã chụp biết bao là hình của con treo khắp nhà, hai đồng tiền sâu bên má làm con của mẹ tươi hẳn lên mỗi khi con cuời. Con được 6 tháng thì mẹ đi làm lại, mỗi ngày đặt con vào carseat chở đi gửi trước khi tới chỗ làm, mẹ đã tập cho con nghe những bài hát về cha về mẹ, mẹ truyền cho con tình thương các đấng sinh thành qua các bài nhạc, những câu chuyện kể cho con nghe để ru con vào giấc ngủ. Con biết nói bập bẹ mẹ dạy con hát đỏ đẻ bài hát “Cho con”. Chở con trên xe, mẹ cho con nghe quen bài Tình Cha, bài Lòng Mẹ. Mẹ muốn truyền hết cho đứa con yêu quý những tâm tình của mẹ gói ghém làm gia tài mẹ để lại cho con sau nầy. Mẹ đã tìm kiếm những bài hát có nốt nhạc cho con tập đàn khi con bắt đầu học violin ở trường Mỹ. Mẹ đưa con đi học tiếng Việt, cho con đi tham gia những hoạt động từ thiện, mẹ muốn con không quên tiếng Việt của mình, nguồn gốc của con là người Việt-Nam, dù con đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cả đời mẹ, mẹ dâng tặng hết cho con, đứa con yêu quý nhất đời. Con đàn những nốt đầu tiên bài “Mẹ hiền yêu dấú” cho mẹ nghe, mẹ đã khóc vì sung sướng, con tôi còn nhỏ đã biết làm vui lòng mẹ, mẹ cám ơn con, con yêu.
Mẹ còn nhớ lúc con lên 5 tuổi, sắp đi học mẫu giáo, lần đó con cứ bị sốt cao hoài, uống thuốc không giảm sốt, bác sĩ gia đình bảo mẹ đưa thẳng con vào bệnh viện xin cấp cứu; tại đây người ta thử máu thấy số lượng bạch cầu trong máu con tăng cao, họ sợ con bị viêm màng não nên đề nghị thử nước trong tủy . Bố mẹ cắn răng ký tên đồng ý mà lòng đau như cắt, đứng bên ngoài phòng nghe tiếng con khóc vì đau đớn khi bị đâm kim vào đốt xương sống mà tim mẹ thắt lại nhói đau, mẹ ôm bố khóc ròng vì quá thương con, bố con cũng đỏ hoe hai mắt, nhưng nhờ thế mới yên tâm khi có kết quả con chỉ bị sốt cao thôi, nằm bệnh viện vài ngày rồi về nhà, bố mẹ vui mừng như chính mình mới vừa thoát khỏi một cơn bệnh thập tử nhất sanh. Sau đó, cũng từ lần bệnh nặng nầy của con mà mẹ quyết định không đi làm cả ngày nữa, chỉ làm buổi sáng thôi sau khi đưa con đến trường; mẹ muốn dành nhiều thì giờ chăm sóc cho đứa con trai thương yêu duy nhất của mẹ. Thời gian 13 năm học của con, từ mẫu giáo đến xong trung học, mẹ luôn đưa đón con mỗi ngày, hai mẹ con đã có với nhau biết bao là những chia sớt vui buồn về những câu chuyện kể của con về trường lớp, thầy cô, bạn bè. Mẹ vui sướng khi nghe con khoe thành tích học tập tốt; mẹ an ủi, khuyên nhủ mỗi lần thấy con tan học về với vẻ mặt kém vui. Câu danh ngôn của Tây phương đã nói “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt xão nhất chính là trái tim người Mẹ” quả là không sai vậy !
Cuộc đời mẹ đã trải qua quá nhiều sự mất mát, chia lìa. Mẹ biết mai mốt rồi mẹ cũng sẽ xa con, đi một lần không về nữa. Sau nầy lớn lên, có gia đình, có con cái, rồi làm cha làm mẹ, con mới hiểu được những tâm tình của mẹ khi viết những dòng nầy. Có thể con sẽ đọc, mà cũng có thể con cũng sẽ không bao giờ cầm trên tay tập giấy nầy, nhưng dù thế nào mẹ cũng muốn trang trải ra đây những nỗi niềm sâu kín của mẹ, cho lòng mẹ được thanh thản, nhẹ nhàng trong ngày mẹ bước đi xa, về nơi có những người thân yêu, bà ngoại, dì tư, cậu út và có anh con, đứa con đầu tiên mà không bao giờ mẹ hình dung được vóc dáng, không gọi được tiếng con trìu mến, thương yêu...
Những hàng chữ chợt đứt đoạn ở đây, tập giấy rơi xuống đất, chàng thanh niên ngẩng mặt lên mắt nhòe lệ, anh cúi xuống bên giường nơi có người mẹ thương yêu đang nằm bất động, không hay biết đứa con trai yêu dấu vừa trở về bên cạnh mẹ, anh khẻ thì thầm “Mẹ ơi, mở mắt nhìn con, nghe con nói mẹ ơi, con đã đọc và đã hiểu hết những gì mẹ muốn nhắn nhủ lại cho con qua những dòng nầy”, nhưng lời nói của anh đã quá muộn màng….mẹ đã bước lên chuyến xe cuối cùng trong đời rồi, chuyến xe khởi hành không bao giờ trở lại nữa…
Vào dịp lễ hiền mẫu mỗi năm, một hội phụ nữ Việt Mỹ tại thủ đô tị nạn Little Saigon có tổ chức một đêm dành cho các bà mẹ qua các thế hệ, có cụ tuổi đã đến hơn 100, cháu chắt đầy nhà; cũng có những bà mẹ còn rất trẻ, tất cả các bà mẹ cùng hội tụ nhau ở một điểm là gương hy sinh vô bờ bến cho con. Những tấm gương hy sinh của các bà mẹ qua các thời đại từ thời bình đến thời chiến lần lượt được ban tổ chức trân trọng ghi công. Phần văn nghệ với những bài hát về mẹ thật là súc tích, cảm động. Tiếng người MC chợt vang lên; Thưa quý vị, đến đây là một tiết mục hết sức độc đáo và có ý nghĩa trong đêm nay, đó là màn độc tấu violin bài Mẹ hiền yêu dấu sẽ được một đứa con trang trọng dành tặng cho các bậc hiền mẫu có mặt tối hôm nay, và cũng để tưởng nhớ người mẹ kính yêu của anh đã qua đời, xin mời quý vị thưởng thức..”
Một thanh niên còn rất trẻ bước ra sân khấu, áo sơ mi xanh da trời, thắt cà vạt cũng màu xanh nhưng đậm hơn màu áo, trên ngực áo trái có cài một hoa hồng trắng nhỏ, dấu hiệu của những người con đã mất mẹ. Tay cầm chiếc đàn violin, anh cúi đầu chào mọi người rồi khẻ so dây kéo những nốt nhạc đầu tiên.Cả khán phòng bỗng im thinh thích, mọi người như đắm hồn theo tiếng violin lúc trầm lúc bỗng, réo rắt vút cao nhưng buồn bã. Người nhạc sĩ như xuất thần, say sưa đàn , không để ý chút nào đến mọi việc chung quanh. Anh đang đàn bản nhạc mà lúc xưa mẹ anh rất thích, tối nào anh tập đàn, trước khi anh cất đàn vào hộp, bao giờ mẹ anh cũng yêu cầu anh dạo bài nhạc nầy, bài nhạc mà chính bà đã bỏ thì giờ thu vào băng cassette 90 phút chỉ duy nhất một bài nầy thôi do một ca sĩ tí hon hát. Mẹ muốn anh thuộc lòng cả lời hát và cả nốt nhạc của bài.
Mỗi lần chở anh trên xe, lần nào mẹ cũng cho anh nghe đi nghe lại bản nhạc duy nhất nầy, đến nỗi anh thuộc lòng từng nốt và khi tập violin, anh đã chơi thuộc lòng bài nầy một cách dễ dàng. Anh mãi mê đàn, bên tai anh mơ hồ có tiếng mẹ đang nói “con yêu, mẹ đang đứng bên con nghe con đàn , con cứ tiếp tục đàn nữa nhé”. Trước mặt anh là nét mặt hiền từ của mẹ đang dịu dàng cười nhìn anh, như mãn nguyện vì con trai đã làm vui lòng mẹ. Rồi mẹ vẫy tay chào anh, mẹ đi nhé , mẹ cám ơn con đã đàn cho mẹ nghe, mẹ quay lưng thong thả bước đi, như không nghe tiếng anh vói theo, mẹ ơi mẹ đừng đi..
Tiếng đàn bỗng đứt ngang, không có những nốt nhạc chậm chậm để kết thúc bài, ngưới thanh niên như vừa chợt tỉnh cơn mê, trở về hiện tại, lặng lẽ cúi đầu chào khán giả rồi quay lưng đi vào không nói một lời nào ; nhưng nếu có ai tinh mắt nhìn thì lúc cúi đầu chào tạm biệt khán giả, chàng trai đã lấy tay lau thật nhanh ngấn lệ đọng trên mắt sau làn kính trắng. Cả khán phòng có vẻ ngạc nhiên, không hiểu lý do nào tiếng đàn đột ngột ngưng không có đoạn kết. Một phút yên lặng qua đi rồi tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên cả phòng, mọi người vừa thưởng thức một bản nhạc độc tấu tuyệt vời, tiếng đàn không điêu luyện chuyên nghiệp, nhưng thật có hồn và cảm động, vì người biểu diễn đã để hết tâm tình vào bài nhạc, bài nhạc của một người con yêu mẹ, muốn làm vui lòng mẹ, dù mẹ đã xa cách anh đời đời.
Đêm hôm ấy, không ít các bà mẹ hiện diện đã rơi lệ cảm động tình con thương nhớ mẹ, cũng không ít những người con thấy thương mẹ nhiều hơn, muốn làm vui lòng mẹ hơn; nhưng có ai biết được những tâm tình uẩn khúc nào đã khiến tiếng đàn tuyệt vời như thế, chinh phục cảm tình sâu đậm của người nghe nhạc. Nếu có biết chăng thì chỉ duy nhất người thanh niên đã chơi đàn, một đứa con suốt đời thương nhớ mẹ, đã tự hứa với lòng mỗi năm vào ngày lễ mẹ, vào tháng 5, cũng là tháng có ngày sinh nhật của mẹ, anh sẽ dạo violin bài “ Mẹ hiền yêu dấu” để tặng mẹ, vì mẹ đã hứa sẽ về với anh trong ngày lễ mẹ mỗi năm để nghe anh đàn bài nhạc mẹ yêu thích nhất.
Trên đường lái xe về nhà người thanh niên thoảng nhớ lại trong quá khứ có rất nhiều lần mẹ đã nói với anh: “sau nầy trước khi mẹ mất mà con không về kịp gặp mẹ , thì con ráng nhớ lời mẹ dặn là trước khi đưa mẹ đi hãy đàn cho mẹ nghe bài nhạc mẹ yêu thích nhất, bấy nhiêu đó cũng đủ ấm lòng mẹ ở thế giới bên kia”. Người thanh niên thì thầm “Mẹ ơi đêm nay con đã đàn bài Mẹ hiền yêu dấu, Mẹ có nghe con đàn tặng Mẹ không? Ở nơi nào xa xôi Mẹ có thấy vui, thấy ấm lòng?! Anh ngước mắt nhìn lên trời cao tối đen với muôn ngàn vì sao lấp lánh, tự nhủ không biết có ngôi sao nào là Ngôi-sao-Mẹ yêu quý của anh không, bất chợt anh khẻ đọc nhỏ bốn câu thơ kết cuộc của bài thơ Khói trắng mà lúc nhỏ Mẹ đã hay đọc cho anh nghe như bài hát ru cho anh ngủ:
Nguyện cầu Đức Phật và danh Chúa,
rủ đức từ-bi xuống phước lành
Mẹ sống muôn đời cùng vũ trụ
Ngôi sao Mẹ ngự giữa Thiên-Đình.
Hình như có giọt nước nào rơi ướt ngực áo bên trái của anh, phải chăng là giọt mắt nhớ thương của đứa con đang nghĩ về mẹ; hay là giọt nước mắt mãn nguyện của hồn mẹ linh thiêng khi thấy con trai yêu dấu của bà nay đã thành-nhân-chi-mỹ.