Nhưng đâu đó, lại có những người cha từ bao nhiêu năm qua vẫn mòn mỏi, khắc khoải chờ đợi tiếng gọi “Ba ơi!” “Bố ơi!” từ những đứa con thân yêu của mình...
Hôm nay ngày Father's Day, ngày của những người cha. Người ta có thể thấy nào hoa, nào quà, nào lời chúc mừng, lời cám ơn của con cái gửi đến cho người đã góp phần cho mình hình hài, cuộc sống hôm nay.
Người ta thấy ánh mắt hạnh phúc, và nụ cười mãn nguyện của những đấng sinh thành.
Nhưng đâu đó, lại có những người cha từ bao nhiêu năm qua vẫn mòn mỏi, khắc khoải chờ đợi tiếng gọi “Ba ơi!” “Bố ơi!” từ những đứa con thân yêu của mình - những đứa con bị bức khỏi vòng tay cha, vòng tay mẹ trên bước đường vượt biên từ mấy mươi năm về trước.
Ông Tăng Bảo Cang, người vẫn đang miệt mài mong ngóng tin con gái mình từ 29 năm qua, là một trong số những người cha đau khổ đó.
Tăng Bích Hằng, người con gái mà ông Tăng Bảo Cang đi tìm từ gần 30 năm qua. (Hình: tangbichhang.com)
***
Ngày Lễ Tạ Ơn năm 2011 cũng là ngày phóng viên Người Việt nhận được điện thoại của một người đàn ông tên Tăng Bảo Cang, cư dân thành phố Westminster, tuổi gần 70.
Ông gọi đến chỉ muốn xin cách liên lạc với ông Trương Văn Hào, cũng là một người cha, xuất hiện trong bài báo “Vượt biên, bị cướp biển, thất lạc: Cha và con đoàn tụ.”
Ông Hào trải qua hành trình hơn 20 năm tìm kiếm đứa con trai bị thất lạc lúc đi vượt biên. Và ông Hào đã tìm được, sau 34 năm biệt ly.
Sự may mắn của ông Trương Văn Hào vừa làm sống lại trong lòng ông Cang niềm hy vọng có một ngày mình cũng đón được con gái trở về, vừa thôi thúc ông muốn đặt chân đến Thái Lan để mong tìm một cơ may như người cha tên Trương Văn Hào đã có.
Con gái ông Cang, Tăng Bích Hằng, tính đến hôm nay, cũng được 42 tuổi. Cô sinh ngày 13 Tháng Ba, 1971. Cô bị hải tặc Thái Lan giằng khỏi tay cha mang đi khi cô được 13 tuổi.
Ký ức đau thương
“Tâm trạng của tôi khi đó là gì hả? Tôi chỉ còn biết gào thét cùng biển cả và mưa gió, tại sao ông trời lại gây nên cảnh tình đó!” Một ngày trước Father's Day 2013, ông Cang nhớ lại giây phút kinh hoàng của đời ông.
Ông Cang cùng vợ và hai người con, một trai một gái xuống tàu đi vượt biên từ Mỹ Tho, cùng 110 người khác, trên chiếc tàu mang số 1346.
Sau 4 ngày lênh đênh trên biển, bị nhiều tàu lớn từ chối không vớt, đến ngày thứ năm thì tàu ông gặp nạn: hải tặc Thái Lan.
“Chúng cướp mọi thứ trên tàu, và lục soát mọi người để kiếm thêm tài sản.” Ông kể. “Khi đó, vợ tôi bị say sóng, không còn biết gì nằm bên trong tàu, tôi ôm đứa con gái của mình trên boong. Những người thanh niên thì bị chúng ném xuống biển.”
Theo lời ông Cang, khi bọn hải tặc muốn lục quần áo con gái ông để tìm kiếm thêm của cải, cô không muốn vì “mắc cỡ,” ông Cang dang tay bảo vệ con gái mình cũng bị chúng đánh. Cuối cùng, Tăng Bích Hằng bị giằng khỏi tay ba cô.
“Con tôi cùng với ba đứa con gái khác, một đứa 14 tuổi, hai đứa 18 tuổi bị chúng mang đi.”
Hôm đó là ngày 26 Tháng Mười, 1984, lúc tàu ông Cang đang trôi dạt trên vùng vịnh Thái Lan, thuộc miền Nam Thái Lan.
Một điều may mắn xảy đến khi đó là do có một chiếc máy bay cứ bay lần quần trên đầu, nên tàu hải tặc Thái Lan bỏ đi. Ông Cang cùng mọi người cuối cùng đến được đất liền Malaysia vào ngày 27 Tháng Mười, 1984.
“Bao nhiêu ngày ở Pulau Bidong là bấy nhiêu ngày mỗi chiều vợ chồng tôi ra ngồi trên các hòn đá trước bãi biển mà ngóng trông mà than khóc.” Người cha kể tiếp. “Vợ tôi bắt đầu ăn chay trường từ những ngày tháng đó cho đến tận hôm nay.”
Ông Tăng Bảo Cang mặc áo in hình con gái mình trong quá trình đi tìm kiếm con ở Thái Lan. (Hình: Chụp lại từ Youtube)
Nuôi hy vọng bằng những lời tiên đoán về định mệnh
Sau 3 tháng ở Pulau Bidong và thêm 3 tháng ở Philippines, gia đình ông Tăng Bảo Cang, khi đó chỉ còn lại 3 người, cũng đặt chân đến được mảnh đất tự do vào năm 1985.
Gần ba thập niên trôi qua, nhưng dường như những gì liên quan đến đứa con gái bị bắt đi một cách tức tưởi như vậy vẫn như còn in sâu nhớ kỹ trong ký ức người cha này.
Ông Cang tiếp tục câu chuyện khi không khí quanh đại lộ Bolsa đang tưng bừng màu sắc của lễ hội mừng Father's Day, mừng 25 năm thành lập Little Saigon, “Đến Mỹ ngày hôm trước thì hôm sau mẹ tôi đã đưa tôi đến chùa Phật Tổ ở Long Beach để hỏi vị thiền sư ở đó về số phận con gái tôi.”
“Tôi hỏi ngay lập tức 'khi nào tôi có thể gặp lại con tôi?' - 'Khi nó trên 40 tuổi.'” Vị sư ở chùa đã trả lời như vậy, không chút đắn đo.
“Nghe ông sư nói như vậy, thật sự trái đất như sụp đổ trước mắt tôi. Con tôi khi đó mới 14 tuổi, mà ông lại nói rằng phải đến sau 40 tuổi tôi mới có thể gặp lại nó! Cõi lòng tôi tan nát hết!” Ông nói và cười, che đậy một nỗi đau.
Là một Phật tử, ông Cang đặt niềm hy vọng của mình vào sự tiên đoán của những đấng thiêng liêng.
Cất nỗi đau vào một góc trong tim, ông Cang bắt đầu quay trở lại với cuộc sống đời thường để mưu sinh.
Ông Trời thích trêu ngươi con người, nhưng ông Trời cũng không khi nào ép người ta phải vào tận ngõ cùng của cuộc sống. Nỗi đau bị bắt đi đứa con gái đang trong độ tuổi thành thiếu nữ của vợ chồng ông Cang được khỏa lấp phần nào bằng sự thành công của ông trong công việc kinh doanh tại Mỹ.
Tuy nhiên, cũng chỉ nguôi ngoai vài năm, là ông Tăng Bảo Cang lại tìm mọi cách để làm sao có được tin tức Tăng Bích Hằng.
Từ Tháng Bảy, 1989, trên báo LA Times đã có bài viết về quyết tâm đi tìm kiếm tung tích con gái mình của ông Tăng Bảo Cang. Thời điểm đó, ông Cang đã sẵn sàng tặng $7,500 cho bất cứ ai có tin tức để tìm ra Tăng Bích Hằng. Người cha này có một niềm tin mãnh liệt rằng con gái ông vẫn còn sống, nhất định vẫn còn sống, hiện ở một nơi nào đó.
“Tôi phải chờ đến khi trở thành công dân Mỹ, có quốc tịch thì mới trở về Bangkok, nhưng bạn bè tôi ở Thái Lan sẽ trao phần thưởng đó cho bất cứ ai mang con gái tôi còn sống an toàn đến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Bangkok.” Ông Cang phát biểu trên tờ LA Times.
Không chỉ vậy, người cha quá thương con này tiếp tục làm công việc gửi thư kêu cứu, nhờ sự giúp đỡ từ khắp mọi nơi mà ông có thể, từ Mỹ qua đến Thái Lan, và cả báo trong nước cũng đăng bài về sự tìm kiếm con gái của ông.
Ông lập trang mạng www.tangbichhang.com với mong mỏi trong số muôn vạn người, trong một tình cờ nào đó có thể có một thông tin nào hữu ích cho ông.
Người cha này chia sẻ, không cần giấu giếm che đậy, “Hình như không có ông thầy bà thầy nào nổi tiếng về tử vi bói toán mà tôi chưa tìm đến. Tôi dựa vào đó để có thêm niềm tin, để nuôi hy vọng.”
Những lá số tử vi, những lời tiên đoán, những lời diễn giải về số mệnh của Tăng Bích Hằng được ba cô cất giữ một cách cẩn trọng, như giữ một tín vật gì đó liên quan đến con mình.
Về Thái Lan tìm con
Tìm con từ những năm tháng đó, nhưng chủ yếu bằng báo chí, bằng các tổ chức thiện nguyện, bởi như ông nghĩ, “Thái Lan mông lung quá mình biết đến đó bắt đầu tìm như thế nào.”
Tuy nhiên, hành trình về Thái Lan tìm con của ông Trương Văn Hào ở New York đã cho người cha này thêm niềm tin, thêm hy vọng.
Cuối Tháng Tư, 2012, từ Mỹ, ông Cang cùng người cháu của mình bay qua Thái Lan. Tại đó, ông gặp ông Trương Văn Hào và ông Ngô Văn Việt, người cha cũng may mắn tìm gặp lại được người con trai bị bắt cóc sau 32 năm mà báo Người Việt vừa đưa tin hôm đầu tháng, để lần mò những thông tin.
Hơn 2 tuần lễ đi qua nhiều vùng nhiều tỉnh, cả ông Cang và ông Việt khi đó đều không có được thêm manh mối nào, dù ông đã phân phát không biết bao nhiêu là những tấm card in hình và thông tin về con gái mình.
“Tôi đi tìm con ở tuổi của một người ngấp nghé 70 nhưng lòng thương con cho một tinh thần và một sức khỏe dẻo dai. Không có tin tức gì, nhưng dù sao tôi cũng đã đi qua 10 ngôi chùa ở Thái Lan để góp thêm lời cầu nguyện cho con gái mình. Tôi tin là ở một nơi nào đó con tôi sẽ nghe được lời cầu mong của tôi.” Ông Cang nói, rất tự tin.
Ông Tăng Bảo Cang (giữa) trong ngày đi đón con của ông Ngô Văn Việt,
"Hôm nay, đi đón con của bạn mà tôi cũng ngỡ như gặp được con của mình. Anh Việt cho tôi niềm vui, niềm hy vọng là tôi cũng sẽ tìm được con của mình."
***
Ngày gia đình ông Ngô Văn Việt, người cha tìm được con trong bài báo “Con bị bắt cóc 32 năm gặp lại gia đình tại Mỹ,” ra phi trường LAX để đón người con trai của họ từ Thái Lan sang sum họp, ông Tăng Bá Cang cũng có mặt.
Như ông Cang tâm sự, “tôi đến phi trường để chia sẻ niềm vui với anh Việt. Niềm vui của gia đình anh Việt khiến tôi nghĩ rằng cũng sẽ sắp có niềm vui cho tôi. Tôi đã đi tìm con gái tôi gần 30 năm rồi. Hôm nay, đi đón con của bạn mà tôi cũng ngỡ như gặp được con của mình. Anh Việt cho tôi niềm vui, niềm hy vọng là tôi cũng sẽ tìm được con của mình.”
“Thật sự gần hai tuần nay lòng tôi có một niềm vui kỳ lạ lắm, nó khác hẳn tâm trạng tôi gần 30 năm qua. Người ta nói chắc với tôi rằng tôi sắp gặp lại con mình trong vinh hiển, có người còn khẳng định là trong Tháng Bảy này con gái tôi sẽ đến tìm tôi.” Ông nói, mắt lấp lánh niềm vui khi chiều xuống dần.
Ngày Lễ Cha năm sau, biết đâu ông Tăng Bảo Cang, và nhiều người cha khác nữa, sẽ có nụ cười mãn nguyện khi nghe tiếng “Ba ơi!” từ những đứa con thất lạc của mình.