main billboard

Kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 và Lễ Cha, viết về Ba tôi, người chiến sĩ VNCH ..


Linh vnch 1


1- Ba kính yêu

Từ những ngày kinh hoàng cuối tháng 4 năm 75, những ngày tang tóc đớn đau phẫn hận đổ chụp xuống quê hương, tôi và gia đình cũng như hàng triệu quân dân cán chính miền Nam đành bó tay đầu hàng số mệnh để ở lại chịu chung tai ách với dân tộc trong một cuộc đổi đời bi thương nghiệt ngã.

Đã hết rồi những tháng ngày thong dong cắp sách đến trường, giảng đường thư viện giờ đã lui vào ký ức, sách vở bút nghiên nay đã thuộc về quá khứ, tôi buồn bã tạ từ thủ đô về làng quê tập tành làm thôn nữ. Than ôi! “sương buồn ôm kín non sông” chứ có riêng gì thành phố, cuộc sống đồng quê bây giờ cũng chẳng còn phẳng lặng bình yên như xưa, người dân quê một nắng hai sương nhọc nhằn đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm nay càng thêm khốn khó vất vả bội phần dưới chế độ mới.

Nơi tôi và gia đình ở là một xã nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa, sau 30-4 nhiều người từ các tỉnh miền Trung chạy loạn vào đã chọn nơi này làm chỗ dừng chân nên dân cư đông đúc hơn trước. Người khá giả còn chút của cải thì bỏ ra mua ruộng vườn canh tác, người không đủ khả năng thì đi làm thuê, cấy mướn mà thôi. May mắn làm sao ba tôi đã giải ngũ mấy năm trước, sau khi đã phục vụ 25 năm trong quân lực VNCH, ông đã tính tóan chu đáo và cần kiệm dành dụm để có một căn nhà nhỏ và ruộng vườn nên cuộc sống chúng tôi tương đối dễ chịu dù phải chân lấm tay bùn, suốt ngày dãi dầu ngoài đồng ruộng mà người vất vả cực nhọc trăm bề là ba tôi, người đàn ông duy nhất trong nhà vì ông anh tôi lúc đó đang ở Sàigòn.

Ba tôi, cái cột trụ của gia đình, những tưởng sẽ được hưởng những ngày về hưu thoải mái ở đồng quê với vườn ruộng, nào ngờ “trải qua một cuộc bể dâu” ông đã phải lao tâm lao lực đổ mồ hôi sôi nước mắt dãi dầu mưa nắng. Có những buổi sớm tinh mơ mới có 4 giờ sáng ông đã một mình thức dậy lôi 2 con bò ra sân đạp lúa, còn mợ con tôi ba để ngủ thêm một tiếng đồng hồ nữa. Ba tôi kể, tội nghiệp 2 con bò vừa kéo cái trục cán lúa vừa ngủ gục vì dậy sớm quá, khi bình minh vừa chiếu những tia nắng đầu tiên trên thôn xóm là gia đình tôi đã sẵn sàng để phơi lúa. Có những đêm hôm khuya khoắt, một mình ba tôi vác cuốc đi thăm ruộng để đắp lại những lỗ rò do cua đào hoặc do người muốn lấy trộm nước vào ruộng của họ. Rồi những buổi cày bừa giữa trưa nắng chang chang, 2 con bò còn thay nhau nghỉ ngơi chỉ một mình ba tôi lặn lội dưới bùn. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn xúc động vì những ngày tháng ấy ba tôi làm lụng cực khổ biết bao mà hầu hết hoa lợi bị đánh thuế rất cao, rất nặng. Nhìn chiếc xe bò chở những bao lúa ra trụ sở Xã đóng thuế mà đau lòng xót ruột cho mồ hôi nước mắt bị bóc lột.

Ấy vậy mà bạo quyền có để cho yên đâu, họ bày ra trò Hợp Tác Xã để cướp ruộng đất, trâu bò của nông dân, đúng là cộng sản! Chưa vừa lòng, bọn họ còn đuổi những ai có liên hệ với chính quyền VNCH đi vùng Kinh Tế Mới, lẽ dĩ nhiên gia đình tôi làm sao thoát được!! Ba tôi lại phải suy nghĩ tìm cách nào an toàn nhất để đối phó. Theo tính toán của ba, gia đình tôi chia hai, ba và tôi đi Kinh Tế Mới, mợ và em gái tôi lúc này đã bỏ học thì ở lại tuỳ theo tình hình rồi sẽ thu xếp đi sau. Ngày lên xe rời bỏ làng quê, tôi vừa ngậm ngùi vừa uất ức cái chế độ đã dồn chúng tôi đến bước đường cùng. Tuy nhiên khi tài xế dừng lại nhiều lần dọc đường để đón thêm bạn hàng kiếm tiền bỏ túi, cha con tôi nảy ra ý định nói dối ông tài rằng cần ghé vào chào người bà con sống trong xóm gần đó để trốn luôn, bỏ lại tất cả đồ đạc trên xe, bác tài bấm còi nhiều lần để gọi nhưng chúng tôi không trở lại. Hai cha con hồi hộp đi vòng vòng trong xóm mà bụng đánh lô tô, sợ gặp bọn du kích thì khốn, May thay mọi sự trôi chảy, chúng tôi đón chuyến xe “lam” chót về thành phố Nha Trang. Thế là cha con bắt đầu cuộc sống trốn tránh ở nhờ nhà những người quen vào ban đêm, đi lang thang vào ban ngày rồi nhắn tin cho mợ và em gái tôi cùng bỏ nhà quê lên phố bắt đầu cuộc sống vô gia cư để tìm đường vượt biên.

Lúc nào thì ba tôi cũng là người dẫn đầu như con gà mẹ dắt díu bầy con líu ríu theo sau. Mợ con chúng tôi rất lo sợ cho ông, dù gì chúng tôi cũng là đàn bà con gái ít bị để ý, ít có nguy cơ bị bắt hơn. Nói sao cho hết những ngày lang bạt cơm hàng cháo chợ, bất đắc dĩ đóng vai khách nhàn du ngồi hóng gió trên bãi biển Nha Trang - nhưng có lòng dạ nào mà ngắm cảnh - để tìm mối manh, mãi đến đêm khuya mới kẻ trước người sau trở lại nhà người quen mà đêm đêm hằng lo sợ bị xét nhà. Rồi Chúa thương cũng thoát khỏi chế độ cộng sản bạo tàn sau mấy lần bị lừa gạt.

Sang đến đất Mỹ được nhà thờ Tin Lành bảo trợ về tiểu bang lạnh giá Michigan, ba tôi tiếp tục đi làm đủ thứ việc để bắt đầu lại bằng hai bàn tay trắng, thế rồi ba mợ cũng mua được một căn nhà ấm cúng với vườn rau nho nhỏ ở sân sau.

Mãi đến khi hơn 70 tuổi ba tôi mới về hưu, xin nghỉ việc để dọn về San Jose sống cùng con cháu nội ngoại. Ở vùng đất ấm Cali ba tôi hiếm khi vắng mặt trong những cuộc biểu tình hoặc sinh hoạt chống cộng, nay dù đã già yếu lại bị nặng tai nhưng không phải vì thế mà ba tôi không quan tâm đến tình hình quê nhà và cụ cũng có những nhận xét xác đáng về các ông Thiện ông Ác trong cộng đồng San Jose.

Nhân ngày Father’s Day, tôi muốn vinh danh ba tôi, một người gia trưởng gương mẫu, một người ông hiền lành, cần cù, nhẫn nhịn, chẳng bao giờ to tiếng với ai nhưng phải mang những nỗi buồn sâu kín vì đàn con cháu. Con xin mượn một câu trong bài Thánh Ca quen thuộc để gửi đến ba thay lời kết cho tâm tình này: “ ….Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ của con, công lao là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn…”. Ba ơi, chúng con kính yêu Ba!

Linh vnch 2

 

2. Tôi không quên anh, người chiến sĩ VNCH


Những ngày đầu làm quen với cuộc sống đồng quê tôi vụng về lúng túng làm sao! Nhìn mấy cô thôn nữ thoăn thoắt cấy lúa mà tôi thán phục và thầm ước phải chi mình được như họ. Hôm đi gặt lúa lần đầu, tôi mang đồ bộ và xắn quần lên cao sợ ướt, vừa bước xuống ruộng đã bị những gốc rạ cứng xước vào làm bắp chân trầy trụa , hèn chi các cô gái địa phương mặc quần đen thả ống dài xuống mà trước đó tôi cứ thắc mắc. Đi đường gần đến chỗ mấy con bò, con trâu ăn cỏ bên đường tôi cũng dừng lại vì khiếp sợ những đôi sừng cong vút, tôi sợ những lưỡi liềm sắc bén cứa vào tay khi gặt lúa nên làm rất chậm chạp. Có lần một con đỉa bám vào bắp chân khiến tôi hoảng hốt quơ quơ cái liềm để gạt nó ra, đỉa thì không rớt mà liềm cắt vào chân chảy máu. May nhờ có bà con chỉ dạy, nhất là sự kiên nhẫn bảo ban của ba tôi nên dần dần tôi cũng biết nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt lúa, trồng khoai v.v.. Vì không làm được việc nặng nhọc như ba mợ nên thỉnh thoảng tôi miễn cưỡng phải đưa bò đi ăn cỏ trong vườn nhà ở cuối làng. Có lần tôi đổi hướng đưa bò lên ngọn núi gần nhà chứ không vào trong xóm nữa, đường lên núi quanh co, dây leo chằng chịt, khúc khuỷu gập ghềnh nhưng tôi không ngại vì đã được ba tôi dắt đi chặt củi mấy lần rồi, và tôi cũng không cảm thấy sợ hãi như hồi mới về.

Tới một chỗ hơi rộng rãi và khá bằng phẳng với nhiều cỏ, tôi cột dây mũi bò vào một cành cây thấp rồi thả cho chúng quanh quẩn ở đó, còn tôi tìm một tảng đá ngồi chờ. Giữa khung cảnh tịch mịch lặng lẽ của núi rừng, tôi cảm nhận được nỗi cô đơn ngút ngàn mà thường khi bận rộn lao động mệt nhọc nên không nghĩ tới. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên bát ngát bao la, nhìn xuống xa tít dưới kia là làng mạc ẩn hiện trong đám cây xanh, một mình tôi giữa trời bơ vơ với muôn ngàn nỗi suy tư, thắc mắc. Tương lai mình rồi sẽ ra sao? Cuộc sống cứ thế này mãi cho đến khi nào? Bao nhiêu mộng mơ tuổi trẻ đã tan theo mây khói rồi chăng? Tôi tuyệt vọng cảm thấy mình như bị mắc bẫy, càng vùng vẫy càng bị thắt chặt, thôi đành quay về thực tế: còn đợt đổi tiền nào không nhỉ, chẳng biết khi nào lại khăn gói đi lao động khai hoang với đoàn Thanh niên đây?

Bỗng dưng tôi nhớ đến hai câu thơ chẳng biết tác giả là ai nhưng diễn tả thật đúng tâm trạng tôi lúc đó:

Lên cao trông thức mây hồng
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương!

Không bi thương sao được khi miền Nam thân yêu bỗng một sớm một chiều tan đàn xẻ nghé, mất mát đau thương. Một quân lực VNCH dũng mạnh với các chiến sĩ anh hùng xả thân gìn giữ đất nước, bảo vệ dân lành, thế mà đồng minh đành lòng bán đứng nên phải tan hàng trong tức tưởi, phải giã từ vũ khí trong uất hận. Bây giờ những anh hùng ngã ngựa đó đang ở nơi nào, đã theo tàu rời bỏ quê hương trong cơn loạn lạc hoặc bị giam cầm trong các trại lao động khổ sai hay đang trốn tránh trong núi rừng để lập khu chiến chống lại bạo quyền? Tôi giật mình nhớ lại mình đang ngồi trên núi mà thỉnh thoảng vẫn nghe bà con đồn rằng có kháng chiến quân rút vào làm căn cứ. Tự nhiên tôi bỗng nhìn dáo dác xung quanh, không có gì cả! Chỉ có tiếng hai con bò gặm lá sột soạt, tiếng gió xào xạc trên cành, tiếng chim gọi đàn rời rạc. Tôi bâng khuâng tự hỏi liệu có khi nào các anh kháng chiến quân bắt gặp mình nơi đây, khi đó phải đối xử thế nào, lỡ họ sợ lộ tông tích mà bắt mình đi theo thì làm sao. Bối rối và lo lắng một thoáng rồi tôi tự trấn an: sẽ chẳng có gì xảy ra đâu, nếu gặp mình sẽ tình nguyện làm người yểm trợ, tiếp tế hoặc liên lạc cho các anh, dù sao đó cũng là một cách đóng góp tích cực và thực dụng nhất, chẳng phải đã có lúc mình cũng muốn làm một cái gì đó để chống lại bọn cộng sản đã cưỡng chiếm miền Nam yêu dấu đó sao! Tôi cảm thấy bình tĩnh lại không còn lo sợ hồi hộp nữa, mà trái lại còn có ý mong chờ xen lẫn băn khoăn thắc mắc: họ có đông người không nhỉ, các anh ấy sinh sống làm sao, bao giờ thì xuất đầu lộ diện, lỡ bị phát giác chắc là khốn khổ với bạo quyền. Suy nghĩ miên man đến lúc phải đưa bò về, tôi gỡ dây mũi bò mà mắt nhìn chừng quanh quất, dường như có những đôi mắt từ trong bụi rậm đang quan sát theo dõi mình. Ồ, chỉ là chuyện tưởng tượng thôi, tôi gạt đi những âu lo mơ hồ rồi đưa bò xuống núi mà bước chân dường như trĩu nặng.

Sau này vườn tược không thiếu cỏ nên tôi chẳng còn dịp lên núi nữa nhưng lòng vẫn vấn vương bao thắc mắc suy tư về những chiến binh kiêu hùng, không chấp nhận ra hàng giặc. Những ngày giông bão, những cơn mưa đêm tầm tã cũng khiến tôi lo lắng cho các anh, những “người hùng không chân dung”. Mấy tháng sau nghe tin đồng bào Thượng ở tuốt trong vùng núi cuối làng, chứ không phải ngọn núi mà tôi từng đến, họ lên núi lấy măng đã phát hiện và báo cho công an xã bắt được mấy kháng chiến quân trong rừng, tuy nhiên bọn chúng đã âm thầm chuyển các anh đi giam giữ nơi khác chứ không để dân làng thấy.

Tôi bàng hoàng xúc động, tưởng chừng như người thân của mình vừa bị bắt, thương cho những người lính sa cơ thất thế qúa! Các anh ơi, vì đâu nên nỗi, nước mất nhà tan, thân mình tù tội! Những người dân lành mà ngày xưa các anh hy sinh tuổi xuân, dâng hiến cuộc đời để bảo vệ nay cũng thân sơ thất sở, nổi trôi lưu lạc. Người lây lất vùng Kinh Tế Mới, kẻ bỏ xác trong đại dương, người ở lại trên quê hương nhưng chẳng khác nào trong nhà tù lớn, kẻ ra đi mang thân phận lưu vong nơi đất khách quê người. Hết rồi, mất tất cả rồi các anh ơi, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ phai nhạt lòng yêu mến và biết ơn sự hy sinh cao cả của các anh chiến sĩ Quân Lực VNCH, nhờ sự chiến đấu anh dũng của các Anh mà chúng tôi, những người hậu phương mới được hưởng cuộc sống tự do dân chủ trong 20 năm, một quãng đời tươi đẹp đáng ghi nhớ nhất trong cuộc sống của mình.

Bây giờ dù sống trên một đất nước tự do, nhưng không quên đồng bào đang lầm than dưới sự đàn áp kềm kẹp của một chế độ phi nhân, độc đảng toàn trị, tôi vẫn luôn dành lòng kính phục đến những “người lính già xa quê hương”, dù nay các anh chỉ là “những người lính không quân trang” nhưng tinh thần vẫn hăng hái, vẫn gắn bó cùng đồng bào đấu tranh không mệt mỏi không ngưng nghỉ cho một nền dân chủ tự do ở quê nhà.

Xin gửi đến các anh lời chúc chân cứng đá mềm để có ngày trở về đất nước thân yêu không còn bóng giặc cộng.