...đào thoát bằng đường biển là phương cách được lựa chọn bởi đa số những người Việt muốn bỏ nước ra đi...
“Tam thập lục kế, đào vi thượng sách.” Câu nói cổ xưa ấy của người Trung Hoa vẫn thường trở về trong tâm trí những người Việt đang tuyệt vọng dưới chính quyền mới của người cộng sản sau khi Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam) thua trận vào tháng Tư năm 1975. Và đào thoát bằng đường biển là phương cách được lựa chọn bởi đa số những người Việt muốn bỏ nước ra đi, kể cả gia đình tôi. Cuộc trốn thoát khỏi Việt Nam của chúng tôi là một hành trình kỳ lạ với tất cả những bất trắc hiểm nghèo của nó. Nếu không vì tự do, và không vì mưu cầu cơ hội cho con cháu mình được sống trong một xã hội có nhân quyền, nhân phẩm, thì chúng tôi đã không liều lĩnh như thế, và đã không phải đau khổ mà quyết định bỏ lại mọi thứ, mọi nguời thân yêu để ra đi.
MỘT QUYẾT ĐỊNH THẬT KHÓ.
Cân nhắc lợi hại, hơn thiệt giữa ra đi và ở lại thật chẳng hề dễ dàng đối với chúng tôi. Một mặt, viễn ảnh một chân trời mới ở đó tự do, cơ hội, giá trị con người không phân biệt tín ngưỡng, v.v. được bảo đảm cho mọi người, có sức cuốn hút không cưỡng lại được. Mặt khác, điều khó khăn nhất đối với vợ tôi là phải từ giã người mẹ già bảy mươi thân yêu. Bà không muốn đi với chúng tôi, vì e không chịu nỗi gian khổ của chuyến đi. Và không ai biết được khi nào chúng tôi sẽ trở về – nếu có bao giờ chúng tôi còn có được cơ may trở về – để thăm lại bà. Rồi còn những lo âu khác, như hiểm nguy của hành trình trên biển, xứ lạ quê người, phong tục, văn hóa, ngôn ngữ, v.v. Chúng tôi băn khoăn liệu mình có đến được bến bờ, và rồi có đương đầu được với mọi khó khăn ở một xã hội mới không. Nhưng dù sao, chúng tôi phải ra đi, vì tự do, vì cơ hội tiến thân cho con em. Và chúng tôi đã làm một quyết định đau lòng – có lẽ một quyết định đúng đắn.
TẠI ĐIỂM XUẤT PHÁT
Mỗi giây phút tại điểm xuất phát dường như lâu bằng những ngày, những tháng, hay những năm. Vợ tôi, hai con chúng tôi, 8 và 10 tuổi, cậu em vợ, đứa cháu vợ 11 tuổi, cậu em họ của vợ, và tôi, cùng với những người khác, tất cả phải lẩn trốn ba ngày trong rừng dọc bờ biển được chọn trước, để chờ chiếc ghe do một người trong tổ chức của chúng tôi đem đến. Chiếc ghe được dự trù sẽ đến một ngày sau khi chúng tôi đến nơi. Do tình hình trên đường đi, ba ngày sau nó mới đến được. Mặc dù đã được báo trước về sự chậm trễ này, không ai trong chúng tôi có thể an tâm. Mọi người bắt đầu lo sợ bị lộ, bị bắt. Tôi cố hết sức trấn an những người đồng hành bằng cách nói về những kinh nghiệm của mình trong các tình huống căng thẳng mình đã gặp trước kia, mặc dù thật mỉa mai là chính tôi cũng chẳng tin mấy những gì mình nói. Trực giác của một cựu quân nhân khiến tôi nghĩ rằng kế hoạch đào thoát của chúng tôi đã thất bại. Tình thế này tương tự như hoàn cảnh tác chiến. Giờ giấc tại mục tiêu phải càng chính xác càng tôt, không thì hỏng hết. Điều tệ hại nhất là lảng vảng tại vùng mục tiêu quá lâu. Nhưng chúng tôi chẳng có đường nào rút lui mà không bị bắt. Chúng tôi chỉ còn biết nằm tại đó và cầu trời mọi sự sẽ êm xuôi, và chiếc ghe sẽ đến. Muỗi rừng, côn trùng, đói, khát, tất cả họp lại làm chúng tôi khốn khổ thêm. Cuối cùng, vào khoảng 5 giờ chiều ngày thứ ba, chiếc ghe của chúng tôi đến như một khúc khải hoàn. Nhiều người trong chúng tôi khóc vì vui mừng và vì những tình cảm lẫn lộn. Chúng tôi từ biệt Việt Nam, có lẽ mãi mãi.
GIỮA BIỂN KHƠI
Đại dương mênh mông quá và tàn nhẫn quá. Chúng tôi là một nhóm 54 con người – đàn ông, đàn bà, và trẻ con – trên một xuồng máy bằng gỗ nhỏ bé không có mui dài khoảng 8 thước, rộng khoảng 1,6 thước. Chúng tôi ngồi chật như cá hộp. Chiếc ghe nhỏ cứ nhô lên, nhào xuống trên lưng những con sóng giận dữ. Thuyền chở khẳm, chúng tôi chỉ cách mặt nước khoảng 50 cm, và mỗi lần một đợt sóng ập đến, nó bắn nước khắp người chúng tôi. Nhưng, nhờ trời, biển những ngày đó không động lắm. Trời nắng tốt. Suốt ba ngày chúng tôi chạy về hướng Mã Lai, với rất ít nước uống trong ghe. Chúng tôi chỉ mang theo khoảng 37 lít nước cho 54 người. Như tôi đã đề cập trên đây, thuyền của chúng tôi gặp khó khăn trên đường đến bãi xuất phát. Để dễ dàng đi qua những trạm kiểm soát của cộng sản, tài công đã vứt xuống sông hầu hết những vật dụng cần thiết cho chuyến đi của chúng tôi, những món đồ nếu tìm thấy trong ghe chắc chắn sẽ tố giác với nhân viên trực gác là chúng tôi đang mưu toan một cuộc vượt biển. Mỗi người trong chúng tôi chỉ được phát khoảng 60 mili lít nước một ngày. Cả trẻ em cũng phải tuân theo “điều lệ nước”. Chúng tôi phải dự phòng nước trong trường hợp không đến được Mã Lai trong thời gian dự trù. Hầu hết mọi người trong gia đình tôi đều dành phần nước của mình cho bé gái của tôi, đứa nhỏ tuổi nhất và yếu đuối nhất trong gia đình. Chúng tôi rất lo lắng cho sự sống còn của cháu. Cậu con trai 10 tuổi của tôi bắt đầu uống nước tiểu của chính mình. Nhiều người lớn bắt chước nó, để chế ngự bớt cơn khát dữ dội. Thật đau đớn khi nghĩ rằng chúng tôi đang trôi nổi trên sóng nưóc mà lại sắp chết vì thiếu nước! Điều tệ hại nhất là mỗi ngày chúng tôi bị phơi dưới ánh nắng như thiêu đốt. Cơ thể chúng tôi bị mất nhiều nước vì những đợt nóng dữ dội vùng nhiệt đới. Vào cuối ngày thứ ba của hành trình, khi bé gái của tôi và vài đứa trẻ khác đang ngắc ngoải như sắp ngất lịm, thì chúng tôi trông thấy một chiếc tàu ở quãng xa, một chiếc tàu trắng in hình trên nền biển xanh bao la. Đó là lần đầu tiên chúng tôi mục kích được sự sống tren mặt đại dương bao la trong ba ngày đi trên biển. Chúng tôi biết mình đang ở hải phận quốc tế. Niềm hy vọng làm rạng rỡ mọi khuôn mặt. Chúng tôi sẽ xin cứu, hoặc cùng lắm sẽ có nưóc uống. Những tàu lớn bao giờ cũng có nhiều nước uống. Khi chiếc tàu đến trong tầm quan sát được mọi vật trên tàu, chúng tôi bắt đầu vẫy tay. Nó tiếp tục tiến gần chúng tôi, đoạn dừng lại ở một khoảnh cách, có vẻ như sợ làm ghe chúng tôi chìm vì những đợt sóng lớn do tàu gây ra nếu nó tiến gần chúng tôi quá. Chúng tôi cho ghe cặp bên hông tàu. Người ta thòng một thang dây xuống, và tôi là người leo lên, và tiếp chuyện với vị thuyền trưởng. Đó là một thương thuyền của Á Rập, tên là SALAH ALDEEN, nhưng thuyền trưởng là người Anh. Ông ta từ chối cứu chúng tôi, bảo rằng ông không được phép. Nhưng ông ta cho nước uống, lấy bao nhiêu cũng được. Chúng tôi không cảm thấy cần thực phẩm, mặc dù đã sáu ngày không ăn. Vì quá khát nước, chúng tôi không cảm thấy đói. Cho nên, chúng tôi đã lấy những gì mình thèm nhất: nước uống, một ít trái cây, và nhiên liệu. Các thủy thủ muốn cho chúng tôi thức ăn hộp, nên chúng tôi lấy một ít. Tôi nhờ viên sĩ quan hải hành, cũng là người Anh, cho biết điểm đứng chính xác của ghe chúng tôi. Thì ra, chúng tôi đang ở điểm giữa Việt Nam và quần đảo Borneo của Nam Dương. Chúng tôi đã lạc đường vì chạy quá xa về hướng Đông Nam, thay vì hướng Tây Nam đi Mã Lai như chúng tôi đã hoạch định. Vì thế, chúng tôi đang ở xa Mã Lai hơn lúc khởi hành. Đêm ấy chúng tôi tiếp tục hành trình, sau khi đổi đúng hướng, lòng tự hỏi liệu có đến nơi được trước khi máy hư, hoặc trước khi một trận bão thình lình thổi qua vùng. Chúng tôi không có máy dự bị. Chúng tôi thấy nhiều đèn của tàu bè rãi rác trong đêm. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy biển đen như thế. Thế rồi máy ghe bỗng ngừng hẳn. Mọi cố gắng khởi động máy đều thất bại. Mọi người biết rằng điều rắc rối lớn – có thể là điều rắc rối chết người – cuối cùng đã đến. Chúng tôi đánh tín hiệu cấp cứu (S.O.S) bằng cái đèn pin có công suất mạnh do một thủy thủ Á Rập tốt bụng đã tặng tôi lúc ở trên tàu. Chỉ một chiếc tàu đáp lại tín hiệu kêu cứu của chúng tôi bằng cách nháy đèn. Chúng tôi tiếp tục bấm tín hiệu cấp cứu, và tiêp tục chờ suốt đêm. Chẳng có gì xãy ra. Thế rồi, sáng sớm chúng tôi thấy một chiếc tàu đến. Ở một khoảng cách vừa phải nó dừng lại. Một chiếc na-nô được thả xuống nước, và một thủy thủ chèo về phía chúng tôi để buộc một đầu dây thừng vào ghe chúng tôi. Ghe được kéo về phía chiếc tàu và chúng tôi được cứu. Đó là một chiếc tàu Pháp, tàu TOURVILLE của công ty hàng hải Chargeurs Réunis. Nó đã đáp lại sự kêu cứu trong đêm của chúng tôi, và đã chờ đến sáng để đến cứu chúng tôi.
Trong khi leo những bước thang dây lên con tàu nhân đạo Tourville, chúng tôi không khỏi ngoáy cổ nhìn lại chiếc ghe trung thành nhỏ bé của mình nằm lại thật tội nghiệp, bé tí như một món đồ chơi dưới kia, giữa Thái Bình Dương. Một thủy thủ với cái rìu trong tay, bước xuống chiếc ghe và bổ nó mấy nhát. Ghe từ từ chìm xuống nước, mang theo tất cả nước uống mà chỉ mấy phút trước đây chúng tôi còn trân quí hơn châu báu quí giá nhất thế giới. Hai điều đầu tiên tôi cảm được khi đã đặt chân lên sàn tàu cứu nạn là sự an toàn và tự do. Không còn sợ chìm xuồng, sợ bão tố, sợ cá mập; những giờ phút khắc khoải đã qua rồi. Tất cả chúng tôi đều cảm động trước tấm lòng của thủy thủ đoàn tàu Tourville. Phải chăng đó là tình người? Có thể chẳng bao giờ tôi trả lời được câu hỏi này, nẩy sinh từ đáy lòng mình lúc ấy, nhưng với chúng tôi con tàu Tourville là vị anh hùng nhân đạo của mình. Tôi bước vào sàn tàu, và tôi biết rõ một điều: cửa vào THẾ GIỚI TỰ DO vẫn rộng mở; chỉ có lối thoát khỏi ĐỊA NGỤC thì vẫn hẹp, vẫn đóng kín như tự bao giờ, và sẽ mãi mãi như thế. Xem như đại diện cho 54 thuyền nhân vừa được tàu Tourville cứu trên biển, tôi được đưa vào văn phòng thuyền trưởng, vì ông ta muốn gặp tôi. Điều đầu tiên ông ta nói với tôi là chúng tôi đã liều thân đi tìm tự do, thì bây giờ chúng tôi đã có tự do rồi đấy. Nhân danh tất cả đồng hành trên chiếc xuồng nhỏ bé của chúng tôi, tôi cám ơn ông đã cứu vớt. Trong cuộc đàm thoại, tôi được biết thân mẫu ông ta là người Việt, và thân phụ là người Pháp, và trước 1975 tàu ông chạy trên hải trình giữa Bắc Phi và Sài Gòn. Ông nói dạo ấy cứ 2-3 tháng thì tàu Tourville lại một lần cập bến Sài Gòn, và ông không lạ gì con phố Tự Do, và phố Nguyễn Huệ.
Hai mươi bốn giờ hải hành nữa – trên một con tàu thoãi mái hơn, an toàn hơn, và lớn hơn nhiều – đã đưa chúng tôi đến Singapore, tại đó Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc đã tiếp nhận chúng tôi.
TRẠI TỴ NẠN SINGAPORE
Bảy giờ sáng ngày 14-5-1981 thương thuyền Tourville cập bến Singapore và bàn giao cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc 54 thuyền nhân được cứu trên biển ngày hôm trước. Một xe buýt chở tất cả chúng tôi về trại trại tỵ nạn tọa lạc tại:
25 Hawkins Road
Sembawang, Singapore 2775
Trại này là một trong các trại tỵ nạn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thiết lập trong vùng Đông Nam Á để giúp tái định cư làn sóng thuyền nhân Việt cuồn cuộn đổ ra Biển Đông sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam Việt Nam tháng Tư 1975. Trại này cũng là trại chuyển tiếp để người Việt tỵ nạn từ trại Galang, thuộc Indonesia, đổi chuyến bay trên đường đi địmh cư ở các đệ tam quốc gia.
Không phải tất cả mọi người trong nhóm chúng tôi, mà văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Singapore gọi chỉ danh là Nhóm tàu Tourville, đều lên đường đi định cư cùng một đệ tam quốc gia, và cùng một lúc, vì do những yếu tố đoàn tụ gia đình và những tiêu chuẩn khác nhau. Gia đình tôi, sau khi xin định cư ở Mỹ và được chấp nhận, là những người cuối cùng trong nhóm rời Singapore. Trong 5 tháng ở trại tỵ nạn này, tôi đã tình nguyện giúp văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn trong những công việc hằng ngày như dẫn người đi các sứ quán liên hệ làm thủ tục định cư. Hoặc có khi đưa trại viên bị bệnh bất thường đi bệnh viện chữa trị.
Trại tỵ nạn Singapore độc đáo, không giống các trại tỵ nạn khác. Thuyền nhân đến được trại này đều do các tàu lớn cứu trên hải trình các tàu này ghé ngang Singapore, và mỗi ghe được cứu mang tên chiếc tàu đẫ cứu họ, như là một cách chỉ danh trong hồ sơ tỵ nạn của trại. Chẳng hạn, nhóm những người thuộc ghe chúng tôi có tên gọi là “tàu Tourville”. Người tỵ nạn tại trại Singapore không được trợ cấp bằng thực phẩm như người tỵ nạn trong các trại khác ở Đông Nam Á. Thay vào đó, họ được cấp phát hiện kim hằng tuần để tự mua thực phẩm. Có 2 tiệm tạp hóa ngay trong trại để phục vụ nhu cầu mua sắm cần thiết cho dân số trại. Trong trại cũng có một bệnh xá để cung cấp thuốc men và cấp cứu cho người tỵ nạn. Trại lại có các lớp dạy Anh ngữ cho người lớn và trẻ em, và giáo viên là phu nhân của các nhân viên ngoại quốc có nhiệm sở tại Singapore; các bà tình nguyện dạy không lương để giúp người tỵ nạn. Hằng ngày, từ 10 giờ sáng đến 10
giờ tối trại viên có thể rời trại đi khắp nơi tại Singapore, và thậm chí có thể vượt qua cây cầu biên giới sang Mã Lai thăm chơi, và mua sắm, v.v. Điều đáng nói về trại tỵ nạn Singapore là tàu của nước nào cứu thuyền nhân đưa vào Singapore thì phải chịu trách nhiệm định cư họ tại quốc gia mình, trừ phi những thuyền nhân đó hội đủ điều kiện đoàn tụ gia đình ở một nước khác. Vì thế, nhiều cựu quân nhân QLVNCH rơi vào trại Singapore đã không còn cách nào xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ, chỉ vì họ không được tàu Mỹ vớt, hay vì không có thân nhân ở Mỹ thuộc diện đoàn tụ gia đình bảo lãnh. Đó chính là trường hợp của tôi. Nhưng, may thay, sự kiện tôi là một cưu quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt của QLVNCH đã cho tôi đủ yếu tố trở thành loại 2 (những người cộng tác với người Mỹ trong thời chiến), đáp ứng được đòi hỏi của luật di trú Mỹ để được tỵ nạn. Ở trại tỵ nạn Singapore quy chế loại 3 (cựu quân nhân của QLVNCH) không áp dụng cho tiêu chuẩn định cư ở Mỹ, tuy nó được áp dụng ở các trại khác tại Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, v.v.
VỀ PHÍA BẾN BỜ MỚI
Gia đình tôi xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ và đã được chấp nhận. Sau 5 tháng ở trại tỵ nạn Singapore, chúng tôi đáp máy bay đến đất nước tái định cư của mình.
Giã từ Singapore, trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trên đường đi tìm tự do, chúng tôi khởi hành về phía bến bờ mới, Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ ngày 20-10-1981, qua phi cảng nhập cảnh San Francisco, như vậy Philadelphia ngày hôm sau.