Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra....
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...
(Ơn Nghĩa Sinh Thành của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước )
Ba Mẹ yêu quý,
Mỗi năm con đều dự định viết cho mẹ cho ba, nhưng lúc nào những dự định cũng bị bám bụi vì những quyến rũ khác. Có rất nhiều bài hát về mẹ nhưng công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ không thể nào gói gọn trong một bài hát hay một bài thơ. Nếu mang ơn mẹ mà không nói về cha là một thiếu sót rất lớn. Nay con xin mượn bài hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" để tự nhắc nhở mình về đạo làm người, đạo làm con. Lời bài hát thật chân thành, da diết làm sao! Nó đã cho con cảm xúc chân thật về công ơn ba mẹ sâu đậm.
Thường ngày con quá bận rộn với đời sống riêng của con và đôi khi không để ý những gì xảy ra xung quanh, nhưng khúc hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" đã rung động trái tim con và làm con bồi hồi nhớ về ngày xưa. Bài học vở lòng đầu tiên con học từ mẹ là:
"Ơn cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."
Con hỏi núi Thái Sơn cao cỡ nào, mẹ lại diễn tả là nó cao lắm, cao đến nỗi lẫn vào trong mây mà con không thể nào thấy đỉnh của nó được. Công cha to lớn vô kể hơn cả ngọn Thái Sơn kia. Con lại hỏi ngọn Thái Sơn ở đâu, mẹ lại hắng giọng giải thích là nó ở xa, xa lắm, mình không thể đi xe một ngày mà tới được. Tình mẫu tử thì dạt dào như nước đầu nguồn, không bao giờ khô cạn. Và mẹ kết luận bài học vở lòng đầu tiên làm người - làm con phải hiếu đạo, phải biết vâng lời ba mẹ, thương yêu anh chị em, có lòng nhân với mọi người xung quanh. Dương Thiệu Tước cũng sử dụng bài ca dao này tạo nên chủ đề chính trong nhạc của ông. Một sự so sánh tượng trưng công cha nghĩa mẹ đã được lặp lại hai lần để nhấn mạnh hơn.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Cảm ơn mẹ cha cho con hình hài này để hiện diện trong cuộc đời này. Dòng nhạc đã đưa con về dòng sông tuổi thơ, thưở con còn là cát bụi. Mẹ mang nặng tới 9 tháng 10 ngày, rồi khi sinh con lại gặp bao nhiêu trắc trở . Khi bác sĩ quyết định mổ, phần trăm nguy hiểm về mẹ rất nhiều nếu cứu con sống, nhưng mẹ đã không ngần ngại đem lại sự sống cho con. Cảm ơn Thượng đế, cả mẹ và con đều tai qua nạn khỏi. Con có vết thẹo trên màng tang, thế mà mẹ cứ áy náy mãi vì bác sĩ nếu lỡ tay một chút nữa là con bị mù. Cho nên con rất quý cơ thể mà mẹ cha đã tặng cho con, cố giữ gìn nó không bị tàn phế.
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng
Cảm ơn mẹ cha đã nuôi dưỡng con. Tiếng đàn bầu, đàn tranh não nuột làm con cảm nhận được những khó khăn tiếp nối khó khăn dường như đã là số phận của mẹ. Sinh con khó là thế, nuôi con cũng không dễ. Vì hậu quả của việc mổ xẻ, mẹ phải uống thuốc trụ sinh, thế là dòng sữa ngọt ngào của mẹ bị khô. Con không uống sữa lon, mẹ phải tán cháo và các loại rau quả trên một miếng vải mùng cho con. Con tuyệt nhiên nhè ra, mẹ phải nhai và mớm cho con. Những việc này con chỉ nghe lại qua lời chọc ghẹo của các dì, các cậu "Bé Ti kén ăn từ hồi lọt lòng mẹ, hèn chi mà khô đét hơn con khô mực!" Mẹ thì lo lắng cho con vì không bú sữa mẹ được thì sẽ kém thông minh. Con rất ghét đậu và rau cỏ nhưng mẹ bắt con phải ăn, nhiều bữa ăn mẹ phải cầm roi. Nuôi con khổ là thế nhưng con có nào hay. Vì ba vắng nhà thường xuyên, mẹ một mình vừa chăm sóc con, vừa cặm cụi trên chiếc máy may.
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...
Cảm ơn mẹ đã chăm sóc con khi con ốm đau, bệnh tật. Âm hưởng trầm buồn của âm nhạc dân tộc như đánh động vào tâm thức của con. Cho con ăn uống đã khó khăn là thế, mà nuôi con khỏe mạnh còn khổ gấp trăm ngàn lần thế nữa. Mỗi lần con bệnh là mẹ lo lắng chạy ngược chạy xuôi. Mẹ dỗ dành con uống thuốc. Thuốc đắng con cứ nhè ra, mẹ phải dụ kẹo. Bình thường con không được ăn kẹo vì mẹ sợ hư răng con. Viên thuốc lớn quá, mẹ phải cà nhuyễn ra cho con, khổ nỗi thuốc cà ra càng khó uống, mẹ phải kiên nhẫn dỗ dành con. Khi con nằm trong bệnh viện, khi con tỉnh dậy thấy mẹ bên cạnh xoa xoa tay con. Má của mẹ hóp lại thấy rõ. Mẹ không biết tiếng Anh, y tá nói mẹ không hiểu, mẹ càng lo lắng hơn. Con phải năn nỉ mẹ ở nhà, đừng lo lắng nhiều. Mẹ nói thà mẹ ở bên cạnh con không hiểu tiếng anh tiếng u, nhưng thấy con bình yên thì mẹ mới an tâm được, còn hơn ở nhà như ngồi trên đống lửa. Nỗi đau đớn về thể xác của con lúc đó thì ít mà thấy mẹ lo nhiều quá làm con phải chảy nước mắt. Ôi tình mẹ cứ dạt dào tưới mát đời con!
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Cảm ơn mẹ đã cho tặng cho những món ăn tinh thần vô giá. Tạo cho con hình thể này khó khăn là thế, mẹ còn phải lo tới phần hồn của con nữa. Con vốn bướng bỉnh từ hồi bé. Mẹ lúc nào cũng vừa nghiêm vừa uyển chuyển để uốn nắn con từng ly từng tí. Mẹ vừa là thầy vừa là bạn của con. Mỗi sáng mẹ thức dậy từ gà gáy, lo xắt rau cho heo ăn, và sau đó là đánh thức con dậy để học bài . Dù con có bao nhiêu bằng cấp, rành bao nhiêu ngoại ngữ, bài học vỡ lòng bằng tiếng mẹ đẻ do mẹ dạy vẫn khắc đậm trong tâm khảm của con: "O tròn như quả trứng gà . Ô thời đội mũ . Ơ thời có râu". Tấm bảng đen đầu tiên con có cũng là một tặng phẩm vô giá từ mẹ. Mẹ nhờ người ghép những mảnh gỗ nhỏ lại, rồi mẹ lấy giấy nhám đánh lên cho nó đỡ xù xì, sau đó mẹ lại cặm cụi dùng than đen đánh lên. Con rất tự hào về cái bảng đen đó, và con lúc nào cũng giành quyền làm cô giáo của đám con nít trong làng vì con có cái bảng đen. Mẹ bận rộn trong việc sinh nhai thế mà mẹ lúc nào cũng tranh thủ dành chút xíu thời gian ít ỏi của mẹ mà làm đồ chơi cho con. Mùa mưa thì mẹ ngồi nắn đủ loại tượng bằng đất sét. Mùa hè thì mẹ cặm cụi gọt giũa những thanh tre để làm diều. Trung thu thì mẹ giúp con làm lồng đen ngôi sao. Khi mẹ kể chuyện Trần Minh khố chuối vì nghèo mà bắt đom đóm thay đèn dầu để thức khuya học bài, con thắc mắc và mẹ con mình lại canh chừng bắt đom đóm rồi bỏ vào vỏ trứng gà. Mà ngày đó có được một miếng trứng chiên là cả một gia tài. Thế mà mẹ đã cố gắng cho con một bữa sáng thật ngon lành với món trứng ốp la rồi mẹ cẩn thận rửa vỏ trứng và phơi. Thế giới cổ tích qua mẹ đã cho con một thế giới thần tiên với những bài học luân đạo đức luân lý mà mẹ đã khéo léo lồng vào từ Cây Tre Trăm Đốt tới Tấm Cám. Trong xóm, phải nói lũ con nít lúc nào cũng ghen tị với con vì con lúc nào cũng có đồ chơi do mẹ làm đẹp nhất, và con biết nhiều chuyện cổ tích nhất.
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Cảm ơn mẹ cha đã kiên nhẫn uốn nắn con để con thành nhân. Và cứ thế dòng nhạc cứ trôi vào lòng con, đánh thức những tiềm thức đẹp đẽ về mẹ, về ba. Con biết mẹ đau khổ nhất thời gian không phải con bệnh mà thời gian ba trở về từ trại cải tạo. Mẹ cứ thở dài và tự trách mình là dạy con không chu đáo nên con có thái độ ngỗ ngược với ba như thế. Mẹ phải nhờ các dì, các cậu nói chuyện, phân tích cho con hiểu hơn. Ba lúc đầu rất xa cách và trầm lặng, mẹ thì buồn bã vì con ngỗ nghịch. Lòng kiên nhẫn của ba mẹ đã cho đủ thời gian để đã làm cho con nhận rõ đâu là hư đâu là thực. Ba mẹ đã mang sự bao dung của mình mà cảm hóa con, không để con sai đường lạc lối trước khi quá muộn màng. Ba mẹ đã không để cho con lớn lên như loài cỏ dại, cũng như không để cho con là tội đồ của chính bản thân mình.
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...
Càng về cuối bài hát, âm thanh trở nên réo rắt dường như đã chuyển đạt xong thông điệp cho con. Ơn ba mẹ không thể nào gói gọn trong câu "Ba năm dưỡng dục, chín tháng cưu mang" được. Ơn và nghĩa của ba mẹ phải nói là cả đời, cho dù cả đời này con có trả ơn cũng không thể nào trả hết công sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ được. Nhìn đi nhìn lại cuộc đời của con có quá nhiều ân huệ, nhờ ba mẹ mà con thành người và giúp con nhận ra những lỗi lầm của mình để mà tu mà sửa kịp thời. Con cảm ơn ba mẹ đã giúp con vượt qua những cơn giông bão cuộc đời. Một bài hát về lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, một đạo lý rất bình thường của chúng ta, thế nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã thành công phối hợp một cách tài tình ca dao và điệu nhạc dân tộc . Dòng nhạc của ông đã đánh động tâm thức của con một cách sâu sắc cái cảm giác được yêu thương, được bảo bọc từ ba mẹ. Con cảm ơn ba mẹ, nhất là mẹ đã cho con hình hài này, trí tuệ này, nhân cách này.
Con,
Bé T