Mẹ tôi là hình ảnh lớn nhất, là nhân vật vĩ đại nhất, là người đàn bà số một trong cuộc đời tôi...
Mẹ tôi là hình ảnh lớn nhất, là nhân vật vĩ đại nhất, là người đàn bà số một trong cuộc đời tôi. Ấy chết! Hãy thận trọng nếu là con trai, vì người đàn bà khác bên cạnh sẽ bắt bẻ ngay. Thật ra người con nào cũng có thể viết về mẹ của mình những dòng chữ ấy, chẳng thấy sai một tí nào. Nhất là khi người mẹ của họ đã không còn có mặt trên thế gian này nữa.
Mẹ tôi vĩ đại đối với tôi ra sao, đã thể hiện qua câu nói “Con Là Hơi Thở Của Mẹ“, khi bà cụ rơm rớm nước mắt thốt ra. Tôi lặng người thầm nghĩ, nếu hơi thở kia bị ai đó khống chế hay thất lạc nơi phương trời nao làm sao mẹ tôi sống nổi. Tôi là nhân vật quan trọng đến như thế nào đối với mẹ tôi, mời các bạn hãy đọc đoản văn dưới đây trích trong thiên trường ca viết về mẹ của tôi.
Mẹ tôi quê ở Hải Dương, nơi nổi tiếng với bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng và Vải Thiều cùi dầy ngọt thanh, ngọt mát, ngọt đến lịm cả lòng người. Nếu ngày xưa tướng An Lộc Sơn bên Trung Quốc mỗi lần đến thăm người đẹp Dương Quí Phi, đều phải bò lên tận đỉnh núi nào đó hái cho được trái Vải Lệ Chi làm quà tặng nàng, không biết có ngon được như trái vải thiều quê mẹ của tôi. Lúc còn bé khi nghe mẹ kể về các món ăn nơi xứ Bắc, tôi mơ tưởng miên man vì tâm hồn thuộc loại thích ăn uống, nhưng con sông Bến Hải đã vô tình chia cắt giấc mộng thích nhâm nhi các món ăn đặc sản của tôi.
Lúc bà mới lớn, khi hoa vừa hé nụ, đã nổi tiếng đảm đang và xinh đẹp. Nhà ông bà ngoại lại giàu, có môn bài buôn bè ở Hải Dương, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Mới mười ba tuổi đã có người đi sêu Tết để dạm ngõ, chắc cũng môn đăng hộ đối, nên ông bà ngoại tôi mới nhận quà. Mẹ tôi lo lắm, chỉ sợ bị bắt đi lấy chồng, khi mình chỉ thích ra sông ôm cây chuối tập bơi, cho chuồn chuồn cắn rốn để mau biết bơi. Bên kia đi sêu Tết những mấy năm, có một năm đem đến một cặp ngỗng trắng, nhưng may mắn thay, con ngỗng đực không biết trở chứng sao lại lăn quay ra chết. Ông bà ngoại tôi nghĩ là điềm không lành, nên đã trả lại hết lễ vật. Thế là mẹ tôi thoát nạn.
Bác Diệp là chị kế trên mẹ tôi, lúc mười lăm tuổi cũng bị bắt gả chồng. Hôm đưa dâu, kiệu hoa vừa ra khỏi làng, có anh chàng họa sĩ trẻ cứ lăn xả vào đám rước dâu, nhất định đòi gặp cô dâu chỉ để hỏi một câu là có còn yêu anh nữa không. Cô dâu chỉ biết ôm mặt khóc, rồi kiệu hoa vẫn tàn nhẫn thẳng bước đưa nàng về nhà chồng.
Mấy năm sau loạn lạc nổi lên, ông bà ngoại tôi phải bỏ ruộng vườn chạy lên thành thị, nên không có cơ hội kiếm chồng cho mẹ tôi nữa. Lúc quân đội Nhật đầu hàng, quân của Tưởng Giới Thạch sang tước khí giới, họ chiếm hết nhà dân để đóng quân. Lũ con nít hay chế nhạc để chế nhạo đoàn quân Tàu phù, một lũ phù với thủng chỉ đi quấy nhiễu dân.
Nhà ông bà ngoại tôi tương đối lớn nên không tránh khỏi cảnh bị chiếm đóng. Tên quan ba Tàu phù, thấy mẹ tôi xinh đẹp cứ đòi ông bà ngoại tôi gả cho hắn làm vợ. Mỗi lần gặp mẹ tôi, hắn chỉ đôi má lúm hạt gạo của bà rồi nói:
Cái lỗ lỗ phèng à! Lẻng lẻng tố à!
Mẹ tôi sợ phát khiếp, phải chạy ngay lập tức. May quá, đoàn quân Tàu phù được lệnh rút quân.
Mẹ tôi hay kể chuyện, lúc bà mười lăm tuổi đã lanh lợi đi buôn hàng chuyến từ vùng Tề ra vùng “Cụ Hồ“, nếu trót lọt lời vô số kể, còn không sẽ bị lột sạch nhẵn, chưa kể tù tội. Muốn ra vào tự do, phải có hai thông hành, lỡ bên nào biết được thôi đành buông tay. Mẹ tôi cười thật tươi, khi kể đến đoạn gần trạm kiểm soát bà kiếm gốc cây cổ thụ thật to khoét lỗ giấu thông hành phía bên này vào và đổi thông hành bên kia ra, đến trạm kiểm soát đi thật ung dung. Tôi ngồi nghe cứ tròn xoe mắt lên thán phục. Bà nói:
Mẹ nhớ mãi câu nói của bà ngoại, ở đời phải như con dao Phay, lạng chỗ nào cũng được con ạ!
Mẹ tôi hay gọi ông bà ngoại tôi là Thầy Đẻ tiếng gọi của vùng Hải Dương.
Mẹ tôi sinh ra trong thời ly loạn, làm gái thời chiến phải chịu nhiều khổ đau thăng trầm theo vận nước. Nghĩa là lúc nào cũng phải sửa soạn khăn gói để đi tản cư, hết từ quê lên tỉnh, từ vùng “Cụ Hồ“ ra đến vùng Tề, làm sao dám nghĩ đến chuyện lứa đôi, mặc dù bà có con mắt phượng sắc như dao cau và biết têm trầu cánh phượng, công dung ngôn hạnh hội đủ mọi điều.
Tuy nhiên duyên nợ ba sinh của bà đến ngày đến tháng vẫn lò dò tìm gặp tận nơi. Kẻ ở Thái Bình, người nơi Hải Dương, nhờ loạn lạc đã gặp nhau tại Hà Thành ba mươi sáu phố phường với Hồ Tây thơ mộng. Chính tại nơi này bố mẹ tôi đã hẹn hò nhau đi dạo và ăn những đĩa bánh tôm thơm phức, gọi một đĩa bánh xơi hết một rổ rau. Dư âm những lời kể của mẹ tôi đã ám ảnh tôi suốt quãng đời, cho đến khi được đặt chân lên đất mẹ nhìn mấy đĩa bánh tôm vàng óng với hai con tôm nằm dựng đứng. Tôi muốn sà vào hàng quà nếm thử mùi vị quê hương, nhưng Ni Sư trong phái đoàn đã bám sát các Phật tử thật chặt chẽ. Không cho thiện nam ngã vào hàng cầy tơ và tín nữ trượt vào hàng bún ốc bánh tôm. Chỉ cho ăn bằng mắt và ý căn, còn thực tế được đãi món bánh đúc chấm tương, thôi thế cũng xong.
Mẹ tôi rất tin tướng số, về đời mình Bà hay than vãn, tuổi Thìn cao số lại Mậu Thìn, Canh cô, Mậu quả, thảo nào góa chồng sớm. Trong cung Phu lại có sao Tuần Triệt chiếu, sao này đi tới đâu là tan nát đời hoa tới đó. Thân nhàn nhưng tâm không nhàn, cả đời lo nghĩ. Đúng là hồng nhan đa truân, lại mang cái tên Lan nữa. Tôi nghe xong lá số tử vi của mẹ mà phát khiếp, nghĩ lại phận mình tuổi rắn mà được Quí Tỵ, các cụ chẳng bảo trai Nhâm, nữ Quí hay sao. Lại chẳng hồng nhan, có đẹp gì đâu mà trời phải ganh với ghét, còn tên thì chỉ là hương của hoa Lan thôi, chắc số phải khá hơn.
Bố tôi mất quá sớm khiến mẹ tôi trở thành góa phụ một con với bao sầu mộng. Bao nhiêu tình thương, hy vọng cả một đời bà dồn hết lên tôi, mong sao tôi học hành nên người để khỏi phụ lòng Bố tôi nơi chín suối. Thế là tuổi ấu thơ của tôi được rèn luyện kỹ càng trong kỷ luật và đạo đức. Phải đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng, ngoan ngoãn lễ phép. Mỗi lần làm lỗi bị quì gối úp mặt vào tường, nghe mẹ dạy dỗ với toàn những câu ca dao tục ngữ kiểu:
Nuôi con chẳng biết dạy răn.
Thà rằng nuôi lợn béo lăn lấy tiền.
Tôi không muốn mẹ tôi phải chối bỏ địa vị một cô thiên kim tiểu thơ để đi nuôi lợn cho béo lăn quay ra lấy tiền, nên đã tỏ thiện chí biết phục thiện không dám làm phiền lòng mẹ. Vốn liếng ca dao tục ngữ của tôi ngày nay còn đủ dùng cũng nhờ những bài văn mắng yêu hay mắng dạy, chứa đầy những câu ca dao tình tự dân tộc của mẹ tôi. Bà nhất định đòi thủ tiết thờ chồng, không thèm yêu ai khác ngoài bố tôi, thế mới gây vấn đề nho nhỏ trong hội đồng gia tộc của cả đôi bên nội ngoại. Chẳng là tôi thuộc dòng Thị Mẹt không thể lo việc hương hỏa khói nhang, sau này tuổi già sức yếu chẳng lẽ lại vác mặt đến ở nhờ con rể không tiện chút nào. Mãi đến năm tôi mười ba tuổi, mẹ tôi thay vì bước chân lên thuyền Bát Nhã đã lỡ dại leo lên thuyền hoa hầu kiếm thêm một mụn con trai để an ủi tuổi già. Nhưng vì số bà thuộc diện cây có một quả nên chẳng sinh nở gì thêm, tôi vẫn là nhân vật số một trong trái tim bà.
Ngày tôi nhận được học bổng quốc gia sang xứ Phổ Lỗ Sĩ du học là ngày vui nhất trong đời của mẹ tôi. Ngày mẹ tôi có thể thắp một nén hương trên bàn thờ bố tôi để bàn giao việc mình đã làm xong bổn phận nuôi con, bố tôi có thể ngậm cười nơi chín suối được rồi. Còn đoạn sau cứ để mặc Đời cua cua máy. Đời cáy cáy đào, đã xa rời tầm tay của bà thật rồi. Tôi là niềm hãnh diện của bà, tôi là tất cả cuộc đời bà.
Ngày tôi đòi chính thức hóa cho mối tình đôi lứa với một chàng sinh viên cùng tỉnh mới thật giật gân. Mẹ tôi nhận hung tin, choáng váng cả người, phải uống vội một viên thuốc hạ tăng-xông. Không còn ra thể thống gì nữa, mới mười chín tuổi đầu, sang Đức chưa đầy năm tháng, đã đòi lấy chồng. Nhớ ngày nào còn hứa với Mẹ, học xong con mới lấy chồng, Mẹ đừng lo! Ít nhất cũng phải hai mươi lăm tuổi. Mà bây giờ như thế đấy!
Không chậm trễ, Mẹ tôi lấy vé xe đò vào ngay Sài Gòn điều tra lý lịch cậu con rể tương lai. Cầm bản cáo trạng trong tay, Bà phải uống thêm hai viên thuốc hạ tăng-xông, nghĩa là cân lượng gấp đôi.
Mẹ tôi đã cẩn thận đi xem tuổi hai trẻ, lần này Bà hài lòng lắm. Không gì tốt bằng, Chàng tuổi Mèo lại sinh ngày mồng một tết, trai mùng một, gái đêm rằm, vía Ngài Di Lặc chắc cười cả ngày. Bà chêm câu “Con rắn nó quấn con mèo tốt lắm“. Tôi mạng Thủy, chàng mạng Mộc, cây đại lâm mộc mà gặp nước thì tha hồ lớn mạnh. Cũng may hợp tuổi hợp mạng nên hai trẻ mới được tác thành, chứ không chàng công tử Sài Thành tối ngày chỉ xách xe đi tán gái đã bị cho văng.
Lúc chồng tôi cõng cậu con trai đầu lòng về thăm ông bà nội ngoại vào thời kỳ đổi đời, thiên hạ chê cơm chỉ đòi ăn bo bo trộn sắn và cây cột đèn nếu biết đi cũng phải tìm cách vượt biên. Mẹ tôi nhìn cháu ngoại lòng nghẹn ngào chỉ muốn sang đoàn tụ thật mau.
Sau chuyến gặp lại mẹ tại quê nhà, tôi quyết tâm lo giấy tờ cho mẹ tôi sang đoàn tụ. Oái oăm thay, đơn nào cũng bị chính phủ Đức từ chối, với lý do tôi đã trưởng thành, không cần có mẹ bên cạnh cũng sống đuợc. Trong khi ấy, đơn của bố mẹ chồng tôi lại được chấp thuận từ lâu, nhưng ông bà cụ già quá không di chuyển được. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn vào Sài Gòn làm dâu hộ tôi, lo mướn người chăm sóc ông bà cụ.
Hai vợ chồng cùng đi làm, lại vác theo hai đứa con đi gửi nhà trẻ, lê thê lếch thếch thật mệt. Nhu cầu bà ngoại sang gấp để trông cháu càng cấp bách, chúng tôi vặn đầu bức trán nghĩ kế làm sao cho Sở Ngoại Kiều ở Berlin đóng dấu cho vào.
Chắc nhân duyên đã chín mùi, hôm ấy tình cờ, chồng tôi đọc báo thấy ông Thị trưởng Berlin bỏ nhiệm sở để ứng cử chức vụ Tổng Thống. Ông mới lên thay thế, hôm nay có giờ tiếp các đồng bào gặp khó khăn muốn khiếu nại. Chỉ đợi có thế, tôi hiên ngang đến Tòa Đô Sảnh lấy số ngồi chờ, chờ hoài chờ mãi từ hai giờ chiều đến gần bảy giờ tối vẫn chưa tới phiên. Trong thời gian chờ đợi, tôi ngắm nghía tòa nhà, nơi một vị Tổng Thống đẹp trai của xứ Mỹ đã tuyên bố một câu bất hủ: Tôi là một người dân Berlin. Trên lan can của Tòa Đô Sảnh, trước bao tiếng reo hò của hàng vạn người dân Tây Bá Linh, khi bức tường ô nhục vừa mới dựng lên.
Sắp đến giờ đóng cửa, tôi là người chót được ông Tân Thị Trưởng bắt tay tiếp chuyện. Sau một màn kể lể, tâm trạng người con một duy nhất muốn được gần mẹ thiết tha như thế nào, làm ông ta cảm động, giới thiệu một nhân viên trong đảng của ông lo vấn đề này.
Vài tuần sau, mẹ tôi được thông hành và chiếu khán đến Berlin. Ngày trùng phùng đã đến, ra đón mẹ ở phi trường chỉ có tôi và thằng cháu ngoại lớn, chồng tôi viện cớ phải ở nhà chăm sóc cậu bé bị lên trái rạ. Bà cụ mang hành lý nhiều như đi dọn nhà, từ tranh sơn mài đến bát đĩa kiểu, cái gì cụ cũng khuân sang hết.
Có một cái gì là lạ làm thay đổi thái độ của chồng tôi, chàng nhiều lúc thật lạnh nhạt với bà mẹ vợ. Một đám mây đen đang bao phủ lên gia đình tôi, chàng chỉ sợ hai mẹ con về phe với nhau để tấn công chàng, bà mẹ vợ sẽ san sẻ tình thương của vợ chàng. Từ những ý tưởng đó cuộc sống của chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Nếu nói là cái Nghiệp giữa tôi với chàng thì sự có mặt của mẹ tôi là Cộng Nghiệp, nói cho dễ hiểu là đi trả nợ tập thể.
Đến hôm nay tôi mới nhận rõ vấn đề, không thể để bộ ba ở chung trong một mái nhà, chỉ gây ra thảm cảnh mà thôi. Tôi muốn vừa có chồng, vừa có mẹ, không thể nào toàn vẹn được, nhất là người mẹ suốt đời hy sinh cho con, xem con là hơi thở của mẹ, là lẽ sống đời mình.
Bất cứ việc gì xảy ra trên đời đều có mặt tốt và mặt xấu, tôi phải tận hưởng cái diễm phúc của người con được gần mẹ. Tôi sắm sửa quần áo mới cho mẹ, mua thật nhiều bánh kẹo, Sô-cô-la thứ thượng hảo hạng cho mẹ thưởng thức. Chẳng là trong thời kỳ sau giải phóng, ai cũng thèm ngọt. Kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng, mẹ tôi chỉ sau vài tháng được con gái trả hiếu, đã mắc bệnh đường, thật là khổ tâm.
Hai mẹ con thường hay tâm sự, tỉ tê đủ chuyện từ cổ đến kim. Chả trách gì người ta cứ đòi phải có con gái để về già cho đỡ cô đơn. Người xưa có câu Một mẹ già bằng ba người ở , mẹ tôi trổ tài nấu nướng, làm những món ăn Việt Nam thật đặc sắc cho con cháu vui lòng. Thấy con cháu ngon miệng ăn sạch nhẵn, bà quên hết mệt nhọc. Nhưng cũng có hôm mắt hoa tăng-xông máu lên, nêm nếm không hợp khẩu vị, con cháu chê không thèm ăn, làm cụ buồn biết mấy.
Mẹ tôi thích làm vườn, trồng hoa, đặc biệt nhất là hoa thược dược. Mỗi năm đến mùa thược dược nở, thiên hạ đi ngang vườn nhà tôi đa số đều dừng lại ngắm và có người bạo gan dám mời mẹ tôi về trồng hoa cho vườn nhà họ, đòi trả công hậu hỹ.
Mẹ tôi kể chuyện rồi xuống giọng bảo:
Mẹ chỉ đi làm đầy tớ không công cho con cháu thôi, chứ trả bao nhiêu mẹ cũng chả thèm.
Ôi! Đóa hoa thược dược đã gắn liền với hình ảnh của mẹ tôi, để người con gái dù bao nhiêu năm mất mẹ, thấy hoa vẫn tưởng như mẹ đang còn sống ngồi tuốt những con sâu trên đọt lá.
Trời cũng có lúc nắng lúc mưa, con người sao tránh khỏi lúc vui lúc buồn. Nhất là ở chung với một nữ tướng nắm mọi uy quyền như mẹ tôi, khiến chồng tôi có cảm giác là quyền làm chủ gia đình của chàng đã bị tước đoạt. Khi trâu bò húc nhau, ruồi muỗi như tôi chỉ có nước thở dốc.
Trước khi cho lâm chiến, tôi xin kể sơ qua về thành tích của hai đấu thủ. Mẹ tôi từ lúc di cư vào Nam, đã là chủ nhân của gia đình, một tay gầy dựng nên sự nghiệp, quyền thu phát đều nắm trong tay. Bà có đôi mắt rất sắc, nhìn thủng được mọi việc.
Cậu tôi là em trai út của bà, di cư vào trong này chỉ có hai chị em, mẹ tôi đóng vai chị cả quyền huynh thế phụ, phải lo cho cậu em yêu quí được yên bề gia thất bà mới yên tâm.
Cậu tôi là lính truyền tin, tay nghề rất cao, lúc tôi năm tuổi cậu đã được gửi sang Mỹ học tập. Tôi còn nhớ, thời đó cậu đã gửi về tặng tôi những con búp bê mặc áo lông cừu, chân đi giày cao gót thật đẹp.
Cậu mải lo đánh mọt không chịu nghĩ đến chuyện vợ con, tuổi đời qua nhanh, khiến mẹ tôi càng cuống quít tìm em dâu thảo. Bà làm mai hết cô con gái bà cụ tráng bánh cuốn đầu ngõ, đến cô bạn nhỏ dễ thương làm chung Sở Tạo Tác ở Đà Lạt. Dĩ nhiên cậu tôi chê cô giáo con cụ tráng bánh cuốn, vì cô ta khó tánh, mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm.
Mẹ tôi thật là có mắt nhìn người, khi đã chấm tính tình cô bạn làm chung sở cho cậu em mình. Bà tỏ oai quyền người chị cả, viết thơ bảo cậu em khi nào nghỉ phép nhớ về đi xem mắt vợ. Chị bảo lấy là phải lấy, không cần tìm hiểu lôi thôi hết thì giờ rồi. Lớn lên trong gia đình lễ giáo, cậu tôi tuân theo lời chị một cách răm rắp.
Cũng tại mẹ tôi lựa người đúng quá, nên chẳng ai dám nghĩ đến chuyện phản đối. Về sau nhắc đến chuyện này, mẹ tôi cười bảo:
Không làm thế cậu mày đến bây giờ vẫn chưa chịu lấy vợ, lúc nào cũng vịn cớ lương quân ngũ, nuôi thân chưa xong lấy đâu nuôi vợ con.
Mẹ tôi lúc nào cũng than vãn về tướng số đời mình, phải chi sanh làm đàn ông đã leo lên chức tướng chứ không phải vừa. Thế là trong nhà có hai chủ tướng, họ cứ dàn trận cãi nhau tối ngày. Tôi phải giữ vai trung lập, không được ra mặt bênh vực bên nào. Phải làm bia lãnh đạn và chịu nhận mọi nhức nhối đến từ hai phía, phải cân nhắc câu “Bên Tình bên Hiếu, bên nào nặng hơn“.
Tôi đã kiếm cách cho mẹ tôi ra ở riêng, sau khi khuyên nhủ thiệt hơn đủ điều, cụ đã siêu lòng. Nhưng đến khi hẹn đi xem phòng, cụ lại thoái thác, viện cớ tiếng tăm không biết, ở một mình chẳng thà về Việt Nam còn hơn. Cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy, vì ước nguyện của cụ là được chết trên tay con cháu.
Trong nhà tôi lúc ấy, chắc phải treo hai câu đối ở hai bên, bên trái 3 chữ Khổ Khổ Khổ, bên phải 3 chữ Nhẫn Nhẫn Nhẫn. Trong tiếng Hán, chữ Nhẫn được viết bằng hình một trái tim nằm phía dưới, bên trên là một gạch thẳng hình lưỡi dao ấn trên trái tim. Nhẫn nghĩa là khi lưỡi dao ấn xuống tim, ta cũng không được la, tim cũng không được quyền rỉ máu.
Cho dù tối qua đau khổ đến đâu, nhưng sáng thức dậy vẫn thấy mẹ và chồng đầy đủ là tôi vui rồi. Làm như thế giới vẫn bình yên, chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Khoảng đầu năm Tỵ, mẹ tôi xem số tử vi bảo tôi năm tuổi, nên có một đứa con ẩn tuổi mẹ rất tốt. Tôi nghe cũng bùi tai, muốn kiếm thêm một thị mẹt cho có nếp có tẻ, lúc có bầu đã chịu khó đi mướn bộ phim Từ Hi Thái Hậu về xem, nhưng chỉ vài tuần sau bác sĩ đã cho biết lại là con trai nữa.
Đứa con thứ ba của chúng tôi ra đời, lúc bức tường ô nhục bị đổ, cả một hệ thống ý thức hệ của Đông Âu sụp đổ. Thiên hạ phá tường tràn qua như thác đổ, gia đình tôi đẩy xe đưa cậu nhỏ ngủ say, ra chứng kiến cảnh lịch sử, nhìn thiên hạ cụng ly ôm nhau chảy nước mắt, thật là cảm động.
Lời tiên đoán của mẹ tôi có phần đúng, đứa con ẩn tuổi mẹ sẽ cứu mẹ khỏi mất job. Sau khi thống nhất đất nước, xứ Đức đã tốn kém khá nhiều tiền để nuôi phía bên kia. Các hãng xưởng làm ăn thua lỗ, tìm cách thải nhân viên. Tôi nhờ sinh con nên được bảo vệ trong thời gian này.
Cái ngu trong đời là đem tiền dành dụm về Việt Nam xây nhà. Lúc đầu tôi phản đối kịch liệt đề nghị của chàng, bản chất lẳng lơ của chàng mà cho về có nước vỡ nợ. Chàng tìm cách áp đảo tinh thần tôi, cho rằng tôi vì ghen bóng ghen gió đã bỏ qua nhiều cơ hội làm giàu. Tôi chẳng muốn làm giàu, chỉ mong được sống gần chồng con như thế này là quá đủ rồi, nên kế hoạch nhà cửa chẳng đi đến đâu.
Nhưng tránh trời cũng không khỏi nắng, đến ngày đến tháng con ma nghiệp vẫn dẫn xác đến đòi. Năm đó mẹ tôi xem số tử vi bảo tôi năm nay ngoài bốn mươi sẽ phát về điền địa, nhà cửa. Bà có chuyện về Việt Nam một thời gian dài, nếu tiện sẽ xem xét tình hình ra sao.
Đang sống thảnh thơi, mẹ tôi viết thơ sang báo tin hãy sửa soạn tiền nong mang về cho bà xây nhà. Chúng tôi rất tin tưởng vào tài năng xây nhà và đầu óc kinh doanh của mẹ tôi, nên bà bảo sao chúng tôi làm theo răm rắp.
Nhà xây đã xong, chỉ cần trang bị các phòng tắm vào là có thể cho các công ty ngoại quốc vào thuê. Trúng mối chỉ cần cho thuê hai năm là gỡ vốn lại ngay.
Nghe như một bài thơ, tiền rải đầy dưới đất, chỉ cần cúi xuống nhặt lên xài mà thôi. Ấy thế mà cúi xuống bị gẫy lưng, đứng lên không được.
Mẹ tôi phải về lại xứ Đức để xin gia hạn thông hành, tưởng rằng mọi việc sẽ đơn giản, chỉ cần vài tuần nghỉ ngơi là cụ lại trở về Việt Nam làm áp-phe tiếp.
Ai dè hôm ra Sở ngoại kiều xin đóng dấu, mẹ tôi bị tịch thu thông hành và bị truy tội đã rời khỏi xứ Đức quá sáu tháng. Bằng chứng là con dấu chiếu khán của sứ quán Việt Nam in rành rành trên giấy.
Mọi lần xin chiếu khán cho mẹ, tôi đều yêu cầu xin giấy rời. Không hiểu sao lần này bận việc gì, tôi lại để chồng tôi dẫn xác sang làm công tác này. Chàng nóng tánh ngồi chờ lâu đâm quạu, lôi thôi gì với nhân viên nhà nước không dặn họ kỹ càng để họ đóng thẳng vào trong thông hành.
Mẹ tôi bị cầm chân tại Berlin, giấy tờ chỉ vỏn vẹn một tờ giấy tạm trú do luật sư xin hộ. Bao nhiêu công trình xây dựng ở Việt Nam đành bỏ dở.
Mẹ tôi mới lắm mối tơ vò, bị tù giam lỏng tại nhà. Tối ngủ không yên, một thời gian sau phát bệnh nan y. Tôi lúc ấy đã xin nghỉ việc, ở nhà săn sóc mẹ.
Phải nói thời gian ấy, người nào trong gia đình tôi cũng là một dũng sĩ can đảm mới cầm cự nổi với bao sóng gió của cuộc đời.
Mẹ tôi sau hơn hai năm tranh đấu mãnh liệt với Sở ngoại kiều và với căn bệnh hiểm nghèo. Phía Sở ngoại kiều bà đã thắng, họ cấp thông hành mới cho ở hợp pháp, nhưng căn bệnh hiểm nghèo đành chịu thua. Bác sĩ khuyên nên thực hiện các ước mơ cuối cùng. Tôi quyết định dẫn mẹ về Việt Nam một chuyến sau cùng, bỏ mặc chồng con đang chơi vơi bên bờ vực thẳm.
Đến đây tôi có thể cho kéo màn chấm dứt đoản văn viết về mẹ, sẽ êm đềm và nhẹ nhàng cho người đọc hơn phải nghe những điều diễn tả về đoạn cuối của một đời người. Chỉ biết rằng kể từ đây, trong những ngày Lễ Vu Lan tôi phải đeo một bông hồng trắng trên áo thật là tủi thân.