Chú ạ, anh có ba đứa con. Đứa đầu, đảng viên đang là cán bộ nhà nước; đứa kế, đảng viên …
Vạn đi học tập cải tạo về đã được hơn tháng nhưng không ngày nào mà mẹ anh không xuống nhà để chỉ cho vợ anh nấu món này, món nọ mà thủa nhỏ anh thích để bồi bổ lại sức khỏe cho anh, sau hai năm bị nhốt trong tù cải tạo, trông ốm và xanh xao quá ! Như lời mẹ anh bảo. Lần này cũng như những lần trước, anh nghe rõ mồn một tiếng mẹ anh ở dưới bếp đang chỉ cho vợ anh cách nấu món mắm ruốc xào, rồi nói:
- Con nì, món thịt xào mắm ruốc sả ớt ni hồi nhỏ anh Vạn thích dữ lắm. Hồi đó mạ có biết mô ? Có lần nấu món ni, anh ăn xong rồi nằm dài ra thở, mạ sợ anh bị trúng độc, quay quắt cả lên, thấy vậy anh nói:
- Xin mạ đừng lo. Con không có đau chi mô, chỉ vì mắm ruốc ngon con ăn no quá nên bị tức bụng, nằm nghỉ một chút thì sẽ hết thôi.
Lòng thương con của mẹ anh cũng như những người mẹ Việt Nam khác, lúc nào cũng dạt dào, bao la … chất chứa trong lòng, hễ có dịp biểu lộ thì dù bất cứ hoàn cảnh nào và bất kể con lớn hay nhỏ đến đâu cũng không thể nào ngăn nổi được lòng thương con lai láng của mình. Vì dưới mắt của người mẹ, con lúc nào cũng còn bé nhỏ nên phải cần có bàn tay chăm sóc của mẹ thì mới an lòng. Vạn cũng không tránh được thứ tình cảm thiêng liêng và thường tình này dù đã có vợ hai con. Việc xuống nhà để chăm sóc Vạn hàng ngày, vì thương anh là con út – giàu út nhờ, nghèo út chịu – là một lẽ nhưng anh không nghĩ đó là lý do duy nhất, bên cạnh phải còn điều gì đó mà mẹ anh đang thắc mắc nhưng không tiện nói hay chưa khám phá ra được.
Vạn đang nghĩ vẩn vơ về thái độ hơi lạ lùng của mẹ mình, thì từ dưới bếp vọng lên hòa trong tiếng bầm sả, ớt là tiếng trò chuyện giữa mẹ và vợ anh thật nhỏ, phải chú ý lắm mới nghe được:
- Con nì.
- Dạ, mạ nói chi mạ ?
- Vài ngày nữa mạ phải về Huế để kỵ mệ lớn nhưng mạ lo cho anh quá nên mạ đi không yên !
- Mạ lo chi rứa mạ ? Anh đã đi học tập cải tạo rồi mà mạ còn lo chi nữa ?
- Chính anh đi học tập cải tạo về, mạ mới lo. Răng rứa mạ ?
- Bộ con không thấy anh Vạn con thay đổi sao ?
- Dạ không. Con có thấy chi mô ?
- Con thiệt vô tâm ! Anh thay đổi rứa mà con không thấy !
- Thay đổi răng mạ ?
- Hơn tháng nay, mạ xuống chăm sóc thấy thái độ anh khác lạ quá. Ít nói, ít cười mà ngồi mô cứ thẩn tha, thẩn thờ như người mất hồn. Có hỏi thì nói, không hỏi thì thừ người ra như đang ở mô mô ! Không như trước ngày đi cải tạo, như con đã biết đó, anh Vạn con là người hay nói, cười luôn miệng nhưng chừ thì chẳng nói, chẳng rằng !
- Con nì. Dạ. Mạ nghĩ khi anh đang còn học trong đó chắc họ đã chích thuốc chi cho anh nên anh mới khờ khờ, dại dại như rứa. Con thấy có đúng không ?
- Dạ, mạ nói rồi con mới dám nói ra, con cũng thấy như rứa mạ. Dám lắm mạ ơi, họ chích thuốc để khi về “ngụy” hết còn biết gì nữa để mà chống với đối. Bởi rứa trước khi mạ đi, mạ nói cho con để con để ý, nếu thiệt như rứa, con phải liệu mà chạy trị cho anh. — Dạ.
- À, thì ra là vậy. Nghĩ đến việc bị chích thuốc khi còn trong trại cải tạo đã làm cho anh tự cười thầm. Thuốc thăm nuôi của cải tạo viên chúng còn tìm đủ mọi cách để giữ lại một số lớn, đã không đủ cho chúng bán để chia nhau, thì lấy đâu thuốc thừa để chích cho phí ! Mà chúng cần gì phải chích cho mệt, trước sau gì rồi cải tạo viên nào cũng đều khờ cả người ra, vì phải làm việc nặng quá sức mà lại thiếu ăn. Điều hoài nghi của mẹ anh, một người vốn dĩ tối ngày chỉ biết tề gia, nội trợ đã làm anh ngạc nhiên: lạ thực, chúng mới vào có hai năm kể từ ngày “hồ hỡi, phấn khởi giải phóng của những ngày đầu (?), thế mà giờ đây chỉ mới sau hai năm thôi, những gì chúng đã tuyên truyền trong hằng mấy mưới năm về cái được gọi là “con đường giải phóng, con đường cách mạng, khoan hồng, độ lượng …” để tạo niềm tin tưởng vào lòng dân miền Nam đã trở thành công dã tràng, đã tan tành theo mây khói. Phải chăng sự lật lọng của chúng qua lệnh kêu gọi chồng, con họ đi tập trung học tập cải tạo chỉ 10 ngày hay 1 tháng, thế mà lại bị nhốt ở một nơi đèo heo, hút gió nào đó chẳng biết ngày về, đã làm cho sự nghi ngờ của họ vốn dĩ đã có từ lâu mà giờ đây trở thành sự thực và lại càng rõ nét hơn.
Tiếng chén bát khua vào nhau đã làm Vạn giật mình và quay mặt hướng vào nhà, thì ra buổi cơm đã sẵn sàng. Gia đình anh đang quây quần bên mâm cơm chiều thì chợt mẹ anh reo lên khi thoáng thấy một bóng người vừa bước vào cửa:
- A, anh Thu kìa. Anh đi mô mà ghé lại nhà mấy em chiều rứa ?
- Dạ, thưa O, con vô đây đi công tác tiện ghé thăm O và gia đình chú thím Vạn.
- Anh ăn cơm chưa ? Tiện bửa, ăn cơm với O và mấy em luôn.
Sau lời mời của mẹ Vạn, anh Thu đã tự nhiên và ra vẻ thân mật, liền ngồi vào ăn chung ngay. Thái độ này khiến Vạn hơi ngạc nhiên, vì dường như đã có gì hơi khác trong cung cách của anh so với lần trước đây ghé thăm khi Vạn vừa mới cải tạo về được một tuần.
Dù thái độ của anh có đổi đôi chút nhưng với Vạn hố ngăn cách với người anh cô cậu này vẫn còn đó, nhất là sau lần ghé thăm ngắn ngủi đầu tiên qua trao đổi:
- Chú ạ, anh muốn nói cho chú biết, nền kinh tế trước đây của Mỹ - Ngụy là nền kinh tế phồn vinh giả tạo nên rất bấp bênh, do đó để có cuộc sống ổn định hơn anh khuyên gia đình chú nên đi kinh tế mới và chừng năm, ba năm sau, ở đó cũng có điện, máy hát, truyền hình, … như ở đây vậy.
- Cám ơn anh. Hiện tại em chưa quyết định gì được cả vì còn đợi xem họ có lưu dung cho dạy học lại không cái đã, vả lại những thứ anh vừa nói em hiện đang có, nên cần gì phải đi xa mà kiếm cho cực anh !
Tiếng khen thịt xào mắm ruốc sả ớt của anh Thu, ngon quá, lâu lắm bửa nay mới được ăn lại đã cắt dòng tư tưởng của Vạn, và đồng thời làm anh phải hơi ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt anh Thu, mà trước đó Vạn cố tránh cho bớt bực, để xem đây là lời khen thật hay chỉ để lấy lòng ? Lời ấy có vẻ thành thật.
- Bộ ngoài đó không có mắm ruốc sao ? Dạ có O, nhưng làm chi có thịt như ri để ăn !
Vừa nói anh Thu vừa bẻn lẻn nhìn Vạn .
- Anh nói chi ngụy rứa ? O nhớ không lầm là hồi năm 45 khi vừa đậu tú tài xong, họ cho đi làm tham biện lại không chịu cứ nằng nặc đòi đi làm cách mạng, dễ chừng cũng đã mấy chục năm rồi, nếu không làm lớn cũng làm nhỏ thì làm răng đến nỗi không có lấy miếng thịt để xào với mắm ruốc sả !
- Dạ có nhưng hiếm vì phải mua theo tiêu chuẩn. Vả lại cở con thì …
Không để cho anh Thu nói hết câu, mẹ Vạn vừa khoác tay, vừa ngắt lời :
- Thôi, thôi đừng nói nữa, anh ăn đi kẻo nguội, mất ngon. Lần ni anh đi công tác bao lâu ?
- Dạ một tuần. Nếu không gì trở ngại, lần ni ngày đi công tác thì chiều về ăn cơm và ở lại chơi với các em cho đến khi hết công tác rồi về, có được không ? Vì ngày mai O phải về Huế để cụ kỵ O Lớn. Trước khi trả lời, anh Thu liếc mắt nhìn Vạn nhưng thấy Vạn vẫn không tỏ thái độ gì phản đổi nên anh nói:
- Dạ được, O cứ đi đi, con sẽ ở lại chơi với chú thím Vạn trong suốt thời gian công tác để anh em tụi con có dịp tâm sự hầu hiểu nhau nhiều hơn. Khi nghe anh Thu nói như vậy, Vạn tự cười và nhủ thầm : không biết có thông cảm nổi không đây ?
***
Đã bốn ngày qua, bữa nào cũng như bữa nấy vợ chồng Vạn chỉ nói chuyện qua loa để cho có chuyện nói trong lúc ăn cơm chiều chung với anh Thu, rồi Vạn xin kiếu để lên gác đọc sách. Hôm nay cũng như những ngày trước, sau khi cơm xong Vạn định chào anh Thu để đi thì anh nói:
- Chú cho anh lên gác chơi với chú đêm nay được không ? Vì ngày mai hết công tác là anh phải về ngay ngoài đó vào buổi chiều.
- Dạ được anh.
Sau khi hai anh em vừa ngồi xuống đối diện với nhau trên sàn gác, không để cho Vạn kịp mở lời, anh Thu đã vội vã lên tiếng như muốn trút bỏ một nỗi niềm mà nó đang ray rứt trong anh:
- Chú Vạn, anh biết mấy hôm nay chú cố ý tránh anh. Anh không buồn chú đâu mà anh chỉ buồn cho anh thôi !
Vạn làm ra vẻ tự nhiên như không có gì cả và trả lời :
- Không, em có tránh anh đâu, chỉ vì đang đọc lở dở cuốn sách đó thôi. Hơn nữa trong thời gian qua sống với vợ chồng em, anh có làm gì cho tụi em buồn đâu nhất là khi mạ em lại không có ở đây thì có anh, tụi em vui là đằng khác. Tại sao anh lại nói anh buồn mà lại buồn cho chính anh là sao?
- Chú đừng giấu anh. Anh biết chú thím quý anh, dù đang thiếu trước hụt sau nhưng không vì thế mà không chăm sóc chu đáo cho anh trong những ngày ở lại đây để đi công tác, điều này làm anh vô cùng hổ thẹn khi nghĩ lại, lần đầu tiên gặp chú anh đã dối lòng để khuyên chú nên đi kinh tế mới.
Vạn không biết anh Thu đang nói thực hay muốn dò xét tư tưởng mình đây nên đã trả lời theo chiều của anh khuyên lúc trước:
- Không, anh nói đúng đấy chớ. Anh có thấy nhà em có gì thay đổi không? Trông có vẻ rộng ra phải không ! Phải, em vừa bán cái tủ lạnh tuần rồi để sống. Cứ ngữ này mãi, cuối cùng sẽ không còn gì nữa để bán, thì lúc đó cuộc sống của gia đình em sẽ lâm vào sự bế tắc chẳng biết xoay sở vào đâu ! Điều anh đã nói, không sai. Nền kinh tế Mỹ-Ngụy chỉ là nền kinh tế phồn vinh giả tạo, do đó bây giờ nghĩ lại lời khuyên “chân tình” của anh trước đây có lý quá, vì chỉ có đi kinh tế mới mới có lối thoát và chỉ cần vài, ba năm sau không những cuộc sống được ổn định mà em lại còn có những thứ em đã bán và sẽ bán, thì tội gì mà không đi phải không anh? Sở dĩ em chưa dứt khoát đi là còn chờ kết quả về sự lưu dung, nếu không, chắc cũng đã đi rồi thì anh em mình hôm nay đâu còn có dịp để …
Đến đây dường như anh Thu không còn chịu nỗi giọng giả vờ hăng say nhưng đầy mỉa mai của Vạn nữa, nên đã ngắt lời:
- Chú Vạn. Chú cho anh xin, thôi đừng nói nữa. Kinh tế mới không như chú nghĩ đâu !
Vạn giả bộ trố mắt đầy vẻ ngạc nhiên nhìn chăm chăm vào anh Thu, nói:
- Anh nói lạ chưa ? Đây là lời khuyên của anh mà ! Tại sao bây giờ lại nói không như em nghĩ, mà không như em nghĩ thì thực sự nó ra làm sao ?
Anh Thu trả lời nhưng không dám nhìn thẳng vào mặt Vạn:
- Đi kinh tế mới, đối với họ là đem con bỏ chợ để trả thù, để cho bây sống ra sao thì ra và cuối cùng chỉ đi vào chỗ chết mà thôi. Do đó chú nên cố bám lấy thành phố mà sống cho dù sau này không làm lại được nghề cũ thì kiếm việc khác, vì anh biết với khả năng của chú cũng không khó khăn lắm đâu.
Vạn nhìn trừng trừng vào mặt anh Thu khi anh vừa dứt lời giải thích và hỏi :
- Thế tại sao lúc trước anh lại khuyên em đi kinh tế mới ?
Anh Thu vừa thở dài buồn bả vừa nhìn xuống sàn để tránh đôi mắt giận dữ của Vạn đang nhìn mình,im lặng một hồi rồi nói :
- Chú tha lỗi cho anh. Sự dối lòng của anh đối với chú lúc đầu, là kết quả của ba mươi năm anh đã bỏ cả tuổi thanh xuân của mình, để đi làm “cách mạng” với hy vọng giải phóng dân tộc để đem lại no cơm, ấm áo cho dân. Nhưng sự no cơm, ấm áo cho dân đâu thì chưa thấy mà chỉ thấy ở chế độ đã gieo rắc vào lòng mọi người nỗi kinh hoàng, sự phập phồng lo âu, lòng nghi kỵ để rồi từ đó tố cáo lẫn nhau, kể cả người thân của mình và … còn nhiều thứ khác nữa.
Nghe anh Thu hơi ngập ngừng ở chữ “và”, Vạn đánh hơi được chắc có điều gì ẩn uất đây nên đã gợi ý bằng cách hỏi:
- Nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn như cáí gì anh ?
Anh Thu không trả lời ngay vào câu hỏi, chỉ ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Vạn một hồi rồi với vẻ mặt đanh lại, chua xót nói:
- Chú biết không, hồi đó ba mạ anh “ngu” quá đã cho anh học hết tú tài nên giờ này chỉ là cán bộ cấp tỉnh quèn, nếu không học như thằng H.M.G thì anh đã là ủy viên trung ương đảng như nó rồi !
Đến đây bao nhiêu nỗi bực tức chất chứa bấy lâu nay trong lòng Vạn đang vơi dần đi để nhường lại cho sự ngậm ngùi và nỗi thương xót cho người anh họ đã vì lý tưởng lên đường đi theo tiếng gọi của quê hương. Nhưng có ngờ đâu đã bị những người cộng sản lừa gạt để đưa vào con đường phục vụ cho một chủ nghĩa vô luân … giờ đây, là cán bộ đảng viên, dù chỉ mới năm mươi mấy nhưng mái tóc đã bạc gần hết cộng thêm khuôn mặt hơi dài, đôi má hóp cùng với lưỡng quyền cao đã làm cho đôi mắt sâu lại càng sâu hơn nên trông anh ốm yếu, tiều tụy và hốc hác quá chẳng khác nào một kẻ ốm đói ! Trước hình ảnh này, có ai ngờ đâu ba mươi năm trước đây anh thuộc về loại “con nhà”, loại cậu Tôn: Tôn Thất Thu, của một thời lên xe xuống ngựa, thế mà bây giờ …!
Sau lời thố lộ tâm tình cay nghiệt đó, Vạn muốn ngỏ lời để biểu lộ sự thông cảm của mình đối với anh Thu nhưng lại thôi, vì nó chẳng thể diễn tả được hết những gì Vạn muốn nói nên chỉ nhìn anh với đôi mắt đầy thiện cảm. Sự im lặng của hai người đã làm cho căn gác đang vào đêm yên lặng lại càng yên lặng hơn. Sự yên lặng này dường như cũng đang đồng lõa với Vạn trong ngậm ngùi để chia sẻ cho nỗi lòng của anh Thu đã ôm ấp trong bao nhiêu năm nay, đến giờ mới có người để thổ lộ mà nghiệt ngã thay người đó lại là người em họ mới vừa đi học tập cải tạo về !
Bỗng anh Thu ngước lên nhìn Vạn với vẻ mặt khắc khoải cùng đôi mắt buồn vời vợi rồi chậm rãi nói:
- Lần này vào đây công tác nhiều ngày hơn lần trước, anh đã có dịp đi tham quan nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn thì mới thấy được sự phồn vinh thực sự của nó qua các cơ sở thương mại, qua các xí nghiệp sản xuất, qua các nhà cao tầng ở đường Nguyễn Huệ mà cứ mỗi lần ngước cổ lên để nhìn thì không lần nào nón cối của anh lại không rơi xuống đất …
Nói đến đây, anh dừng lại để cố nén cơn xúc động đang len lén trong lòng, rồi cầm và xiết tay Vạn nói:
- Chú ạ, anh có ba đứa con. Đứa đầu, đảng viên đang là cán bộ nhà nước; đứa kế, đảng viên đang học đại học và đứa út, đoàn viên đang học trung học. Nếu nói cho chúng nghe những điều mắt thấy, tai nghe của anh về sự phồn thịnh thực sự của Sài Gòn, thì chúng sẽ phủ nhận ngay và cho đó là sự phồn vinh giả tạo. Sự phủ nhận này không làm cho anh quan tâm, điều đáng làm cho anh lo ngại hơn là khi nói ra những điều đó, chúng sẽ đánh giá anh: “chỉ mới vào trong đấy có bấy nhiêu ngày mà bố đã mất quan điểm rồi”. Do đó anh chỉ có thể nói thật với mụ vợ anh nhưng phải đợi đêm khuya gà gáy ó o lận, vì ban ngày sẽ bị tai vách, mạch rừng của ba hộ gia đình cùng sống chung trong một nhà.
***
Tiễn anh Thu về ngoài ấy vào một buổi chiều cuối đông trong sân ga vắng lặng. Bầu trời thấp giăng đầy mây xám. Cơn gió heo may lành lạnh thoảng qua, lay động các ngọn cỏ đang ngơ ngác ở hai bên vệ đường rày. Tiếng chim kêu chim chíp lạc lỏng gọi đàn đang vang vọng đâu đây. Vạn đứng bất động vẫy tay chào tạm biệt mãi cho đến khi âm thanh của còi tàu nhỏ dần, nhỏ dần và hình ảnh của anh Thu nhòa tan và mất hút dần trong mắt Vạn. Nhưng lạ thay lần đưa tiễn này, Vạn đã không có được tâm trạng bùi ngùi, xúc động như những lần tiễn đưa người thân trước đây, mà ở Vạn giờ chỉ còn lại nỗi xót xa thương cho nỗi niềm của anh Thu khi lời tâm sự chân tình trước khi giã từ vẫn còn văng vẳng bên tai :
- Chú ạ, anh có ba đứa con. Đứa đầu, đảng viên đang là cán bộ nhà nước; đứa kế, đảng viên …