Vết tàn nhang ẩn hình của bà cũng đã được cô con dâu bướng bỉnh mà lắm nghĩa tình… phá mất!
Chicago đang vào hè. Trời nóng như lửa đốt. Độ F trên bản chỉ nhiệt ghi tới 100. Khu phố chợ Việt Nam ngập nóng. Con đường chính Broadway chạy theo hướng Nam – Bắc vẫn tắc ách như mọi ngày. Người ta đi nhà hàng, đi chợ, đi khám bệnh, đi làm giấy bảo lãnh, đi chích ngừa, mua băng nhạc, mua thuốc Bắc, mua hàng Hồng Kông… cũng hầu hết tập trung ở con đường này để rẽ vào các chỗ họ cần đến. Những người đàn bà, đàn ông chờ đợi tại phòng khám “Bwoaway Medical Dental Associater” đông kín. Có lẽ vì phòng mạch này là của vợ chồng, anh em bác sĩ Việt Nam thuận lợi cho người ấp a tiếng Mỹ, cũng có lẽ là phòng mạch này hấp dẫn bởi dòng chữ in đậm dưới trang quảng cáo: “Nhận tiền mặt, thẻ tín dụng, các loại bảo hiểm PPO, HMO, Medicaid, Medicare” mà phòng mạch Mỹ không dễ dãi như thế. Một người đàn bà trung niên, dáng dấp quý phái bước lại quày tiếp bệnh nhân:
- Con có hẹn 10 giờ 30.
- Cô hẹn bác sĩ nào? Bác sĩ K hả? Rồi! Chờ chút tới liền. Cô hẹn bác sĩ nhi đồng? Bác sĩ nhi đồng không làm hôm nay, chiều thứ tư lại khám được hông? Rồi…
Từng người chờ khoảng nửa tiếng thì được trợ lý gọi vào phòng. Tranh thủ thời gian chờ đợi, người đàn bà sang trọng ấy quày quả đi chợ rồi quay lại văn phòng bác sĩ với một bị đồ. Một chập sau, chị trở ra ngoài, bấm phôn. Chị ta che mặt bằng cái mũ lụp sụp nên không ai thấy mặt chị đang sầm còn trời thì đang chang chang nắng lột da. Thằng con chở chị ta về nhà. Ngang qua bản xăng dầu, nó kêu:
- Mẹ! Xăng hơn 3 đô 99 rồi.
- Kệ cha nó đi! Chiến tranh là mục tiêu cho lái xăng dầu, súng ống làm giàu. Can hệ chi đến con. Có ngon thì mai sau ra làm ông thủ tướng này, tổng thống nọ mà ngăn chiến tranh. Lái xe cho cẩn thận. Xe nào muốn vượt thì để nó vượt cho cảnh sát rượt thí cha nó.
Thằng bé… tá hỏa. Mẹ đang nổi quạu cái gì đây? Nó đánh trống lảng cho chắc:
- Mẹ không ghé chợ mua gì cho bà nội sao?
- Mẹ đang đau cái mặt gần chết đây! Không vào chợ được. Ăn gì mà chả xong. Ở Việt Nam, bà nội nhận tiền của cha mày trợ cấp hàng tháng nhưng chỉ ăn mỗi trầu và cơm nguội. Không biết tiền kia sắm vàng cất hay cho cháu, cho con dâu, con gái hết rồi?
Thằng nhỏ im re. Nó lấy hướng Bắc chạy theo đường 294 về nhà và thuận tay mở nhạc đùng đùng. Người mẹ kiểm tra lại cái túi, mấy xấp lá trầu xanh mướt trong bọc ni lông còn nguyên, chị thở phào, quay lại quạt thằng con:
- Tắt đi không! Mày giống hệt cha mày. Đi tới đâu, thiên hạ biết đến đó. Nãy đi cắt tóc, mua gì? Nói mẹ nghe thử. Mua thêm đĩa nhạc nữa phải không? Sách không mua coi, cứ nhay tiền vào nhạc với phim ảnh. Mẹ không sẵn tiền cho mày phung phí tào lao như thế nữa đâu, liệu hồn!
- Mẹ! Thời buổi này ít ai ngồi đọc sách như mẹ đâu. Thiên hạ chụm vào màn hình hết ráo. Tụi con không nghe nhạc thì nghe cái gì đây? Nghe ngâm thơ của mẹ chắc? Chết lỗ tai con. Ủa? Sao hôm nay mẹ càu nhàu dữ thế?
Không im được nữa, chị chửi um:
- Bà mẹ! Cà tới cà lui mà mấy cái tàn nhang này có bớt đâu chớ? Lại phỏng mặt lên! Rõ ngu! Lái xe đi! Nhìn cái gì!
- Ai bảo mẹ cà làm gì? Mẹ để nguyên vậy ai dám nói mẹ xấu, con… chém!
- Á! Khí khái gớm! Không cà à? Không cà cho cha mày về Việt Nam kiếm gái mười lăm về làm… bạn với con hả? Không thấy bây giờ con gái Việt Nam hễ nghe Việt kiều là tươm tớp, tươm tớp dù có đáng tuổi ông nội chúng cũng nhào vào. Cha mày thì lại chưa đến tuổi ông nội. Cũng tại bà nội mày trữ dưỡng ba mày nên ổng hư làm đời mẹ khổ. Hừ. Coi chừng xe! Chạy ôm cua quặp phải coi chừng mất trớn lạng vào len của người ta, bay cha xuống hồ Michigan.
- Mẹ ngồi yên đi! Không lái mà cứ la hoài sao con lái? Lại trù ẻo nữa.
- Tichket 75 đô ít sao con? Hùm! Mẹ làm một ngày chưa tới. Không nói nữa.
May hồn hôm nay mẹ đau mặt nên đau miệng luôn, chớ mà bình thường, lên xe, mẹ kêu thằng con tắt nhạc nhưng mẹ lại “mở đài” riêng của mẹ thấy mà hãi hùng! Chạy nhanh mẹ cũng la, chạy chậm mẹ cũng ràm, còn kẹt xe thì… phải biết! Chao! Mẹ chửi người chi đông thế! Đẻ chi đẻ nhiều thế. Mới mười ba, mười bốn tuổi cũng xúm vào ăn chơi sa đọa mà đẻ. Tốn tiền chính phủ. Tiền chính phủ cũng là tiền của mẹ đóng thuế nên mẹ chửi cái quân nào ăn không ngồi rồi trên xương máu của mẹ. Mẹ nói rằng mẹ chửi giùm cho những người phải đóng thuế gần chết như mẹ mà chẳng hưởng được cái quyền lợi gì trước mắt. Nằm chờ tiền xã hội khi già chắc gì mẹ sống nổi đến cái tuổi đó vì lo nghĩ thuế má bực mình quá không già mau, chết lẹ mới là… thánh thần! Còn đường sá? Hùm. Chính phủ thu thuế hàng ngày hết máu luôn mà đường làm không rộng cho xe chạy. Kẹt xe thì tốn xăng, tốn thời gian mà “thời gian là vàng bạc”, hùm, sao người ta không để cho mẹ làm… tổng thống!
Nghe ràm đến đấy là thằng bé cười bể bụng luôn. Tổng thống như mẹ thì năm mươi tiểu bang Hoa Kỳ có mà tiêu ra nước! Thằng bé muốn cà khịa rằng mẹ đi cà tàn nhang tiền mất, tật mang không nhiều gấp trăm lần cái tichket cảnh sát phạt nhưng lưỡi nó vừa bung ra đã kịp cuốn vào trong. Nói lúc này có mà chết với mẹ. Không dại. Nó gật gù theo tiếng nhạc rốc vặn nhỏ hết ga. Chị chàng lim dim rồi ngủ mất vì hơi máy lạnh trong xe được thằng con khôn ngoan mở hết công suất áp cái nóng từ ngoài chực chui vào xe làm bạn với bà mẹ đang có trong người ngọn núi Merapi phun lửa ở Indonesia.
oOo
Bà ngồi ngóng ra cửa. Bà không biết hôm nay sao nhà này nóng quá! Ở Việt Nam “nắng tháng tám, nám trái bưởi” cũng đâu có nóng lột da như thế này? Cửa mở. Thằng Tèo chở má đi chợ về. Nó mới bước vào nhà đã dợm chân:
- Sao nóng quá trời trời! Mẹ tắt máy lạnh hả?
- Ừ.
- Có nội ở nhà sao mẹ tắt máy?
- Tắt khỏi hao điện. Nội mày mới ở Việt Nam qua thì làm gì biết nóng chớ?
- Mẹ thiệt tình! Nội già đó mẹ!
Nó xông đến hộp điều khiển nhiệt độ. Nó vặn qua chữ cold, máy lạnh tức thì chạy ầm ầm.
- Nội nóng không nội? Chút xíu mát liền hà.
Mẹ hứ rồi mở tủ lạnh nhét thứ đã mua vào đó rồi hỏi bà mẹ chồng ăn gì chưa cho đủ thủ tục rồi dong thẳng lên phòng. Thằng Tèo biết mẹ không ưa nội từ thời ở bên đó. Mẹ kể: Nội lúc nào cũng bênh vực mấy bà dâu khác mà ruồng rẫy mẹ. Thậm chí, đất cát, nhà cửa nội cũng chẳng chia cho. Không hiểu sao, mẹ ghét nội mà bằng lòng cho ba bảo lãnh nội qua chơi. Mẹ một lần lý giải mà thằng Tèo quên:
- Để nội mày qua đây cho biết thiên đàng Mỹ với người ta. Cho biết con trai bả sống, làm lụng sung sướng như thế nào để bả không phải lấy tiền con trai trải nợ họ hàng. Cho bả biết, không có con dâu cày như trâu, nhịn ăn, nhịn mặc như con gà tre chỉ có cái lông này thì con trai bả có thể gởi tiền về Việt Nam ngàn này qua ngàn kia, cây vàng này qua cây vàng nọ mà còn kêu không đủ. Ở Mỹ cho biết mùi… Mỹ mới oách!
Thằng Tèo thương người già nên thương nội. Nó chẳng hiểu lòng dạ người lớn ra sao nhưng nó thấy mẹ đối xử với nội chẳng xấu lắm nhưng hơi kỳ cục, hơi xa cách. Ba nó thì cứ chúi đầu vào công việc rồi tối về như tối nay hỏi nội chỉ mỗi một câu: “Má ở nhà có buồn không? Ăn gì nói vợ con nó mua cho” rồi chúi mũi vào ti vi xem người ta vật lộn chảy máu, chảy mũi. Vô tư đến thế! Bà nội nhìn thằng con. Nó không như bà tưởng tượng. Bà nghĩ rằng vợ chồng nó ít ra cũng có ngày thứ bảy, chủ nhật như người ta để xum họp gia đình hay đi chơi, đi ăn uống cái gì đó! Nhưng bà thấy chẳng ngày nào chúng nó ăn chung một lần. Bà phải ăn cơm có một mình. Con dâu bà nấu xong, không có thằng Tèo sai mang cho nội thì nó mang hết để trên bàn, nhẹ nhàng:
- Má ăn đi! Ăn xong để đó rồi đi ngủ. Má muốn coi ti vi chiếu Việt Nam cho đỡ nhớ nhà thì kêu thằng Tèo mở VTV4 coi đài Hà Nội thôi. Ở đây không phải như Cali, truyền hình Việt Nam không phát đầy đủ các đài Việt Nam. Má muốn coi nhạc, cải lương hay Bao Công thì cứ nói thằng Tèo, con đây chẳng rành máy móc.
Vậy là nó cũng tử tế lắm rồi. Bà đâu đòi hỏi gì nữa nhưng bà thấy buồn quá. Mà bà từ xưa cũng cứ thích người ta theo ý bà. Con dâu nào chẳng theo bà là bà từ. Chống bà thì bà cắt. Bà từng kêu với con trai:
- Để má về đi con. Thèm trầu, nhớ hàng xóm nữa. Ở bên ấy còn nuôi con gà, con heo để làm vui. Bên này nóng lạnh chịu không thấu. Má già rồi, muốn chết ở quê nhà con à.
- Má chết ở đây cũng đâu có sao nhưng tướng má thì chục năm nữa chưa xi nhơ gì đâu! Thèm trầu thì mua trầu ăn. Trầu bây giờ nhập nhiều rồi không phải khan hiếm như trước. Em!
- Gì?
- Mua trầu cho má chưa?
- Quên rồi! Cuối tuần đi mua.
Chị lẩm bẩm một mình: “Ăn gì không ăn, lại ăn trầu! Trầu ngon lành gì đâu chớ?”
- Thôi con! Má không ăn cũng được. Vợ chồng bây khổ cực, má biết rồi. Ba má thằng Tèo làm gì mà má tính tới, tính lui cũng hết mười ba, mười bốn tiếng mới về. Thằng Tèo học cả ngày cũng không thấy mặt. Làm gì dữ thế con? Hại cái sức khỏe.
- Không làm sao được má. Tiền nhà thiếu thì coi như khỏi có cái nhà luôn. Không mượn ai được bạc ngàn để đóng tiền nhà đâu!
Bà lặng lẽ. Cuộc sống xứ này sao đìu hiu hút gió quá thể. Ngọn rau, cọng cỏ cũng chẳng có mà hái nấu đại nồi canh như bên mình. Bà đi vì bà thương thằng con trai mà cũng vì tò mò coi thử thằng con bà làm gì mà có tiền cho bà, cho anh chị em nó nhiều đến thế. Thương nó nhưng chẳng nghĩ té ra, nó khổ như thế này. Nhà nó thứ gì cũng có. Tất cả những tiện nghi trong nhà mà ở bên Việt Nam, người bình dân nhìn tới cũng chắt lưỡi hít hà, chẳng qua chỉ là những thứ cần phải có cho một căn hộ thuê huống hồ nhà ở. Cuộc sống của nền văn minh như có thứ gì không thật. Nó chỉ là lớp mặt nạ bên ngoài để che đậy một cuộc sống chạy vạy với thời đại và tiền bạc để sống. Không tiền là không sống được ở những nơi hiện đại như thế này! Vậy thì tiền đâu mà nó có để gởi về Việt Nam?
- Ba nhịn tùm lum đó nội. Ba chẳng la cà mấy quán cà phê. Ba xài đôi giày cũ mèm đến thúi quắc cái chân luôn làm má chửi hoài. Má con thì chẳng đời nào đi mua sắm thứ chi. Má cho con mặc toàn đồ hiệu “garaseo” không hà.
- Hiệu “garaseo” là sao?
- Là đồ cũ người ta không xài hay mua mà không xài đến, người ta bỏ thùng rác thì uổng nên bán rẻ cho ai thích thì mua. Hàng đó, người ta bày trong chỗ để xe (garage) nên gọi “garage sale” đó mà. Thứ gì cũng có. Thậm chí mấy máy móc này, ba rinh từ đó về đây, sửa chút đỉnh lại, xài tiếp.
Bà nội lắc đầu, thờ sài sườn sượt. Thằng Tèo hồ hởi không để ý đến bà nội:
- Có những thứ tốt lắm nội. Người ta dọn nhà đi nên chẳng vác theo. Bỏ lại hết. Những thứ đó gọi là “moving sale”. Cuối tuần bớt nóng, con chở nội đi tới mấy chỗ đó, vui như ngày hội không trăng. Bảo đảm. Mà nội hơi đâu mà lo. Ba nuôi nội dư xăng mà.
Nói xong, nó dúi vào vai nội. Bà vuốt tóc thằng cháu như từng vuốt tóc thằng con trai thời bé dại. Ngày bà còn đi gánh từng bó rau muống bán chợ, ba thằng Tèo vẫn chạy theo đưa bà ra một đoạn đường và chờ bà ở ngõ về để mua cho nó trái bắp. Tháng ngày trôi đi tuồn tuột thì bà chợ nhận thấy rằng bà sắp mất thằng con ngày nào nếu như không có thằng cháu này trám vào chỗ hổng đau tới xương của bà! Bà muốn đi về nhưng sợ nó buồn. Thiệt ra chân bà quen đi bộ khắp làng, khắp xóm với cái áo rách vai hay sờn chỉ dù có tiền Mỹ, bà cũng chẳng thay cái mới khiến cho người ta cười thằng con bà đi Mỹ nhưng nghèo kiết xác đến nổi không lo cho mẹ nổi bộ đồ. Con vợ nghe được nổi sung thiên, ràm với chồng chín ngày, chín đêm. Bà đâu có biết. Bà mà đi về, bà chỉ nghĩ đơn giản: Không khéo nó nhằn vợ nó thì mình càng mang tiếng làm tan vỡ hạnh phúc con mình. Bà chẳng mấy buồn vì khổ mà bà thấy tủi tủi tấm thân. Con nuôi cha mẹ có gì mà trái đạo nhưng sao bà thấy bà không nên tiếp tục cuộc sống nương náu bên thằng con mà những chuyện nhỏ tới lớn phải do vợ nó cáng đáng. Ngày xưa, bà lạt lẽo với nó thì nay, nó không quá ư nhạt nhẽo với bà là phước rồi còn gì. Bà nghĩ tới ngày thằng cháu bà ra đời, mẹ con nó nằm trong cái chòi tranh lạnh lẽo vì hờn giận mẹ chồng mà lòng bà nhão ra! Nếu con vợ nó không tốt, sao bà có những ngày tháng không phải là gánh rau muống, không phải là nuôi con gà, thả con heo? Vậy sao mà bà cứ muốn phải làm một điều gì đó cho bả bời lòng bà, bà mới cam?
- Tèo! Mẹ con sao không thấy xuống ăn cơm?
- Mẹ đi cà tàn nhang nên phồng cái mặt rồi.
- Cà sao? Sao cà?
- Nội chẳng biết đâu. Mẹ nói mẹ sợ ba về mê gái Việt Nam nên mẹ đi cà tàn nhang cho láng, trẻ lại để ba khỏi… thả dê, nội à.
Chữ “thả dê”, nó xuống giọng như thể ba nghe thấy. Bà thở dài lần nữa. Cũng tại bà hết. Ngày con nhỏ Mỹ Tho theo ba thằng Tèo khóc kể với bà một chết, một sống xin bà nhận nó làm dâu con, bà chùn lòng nên chấp nhận. Sự việc đổ bể, con vợ nó giận bà mấy năm trời không nhìn mặt. Bà thương con trai mà ra cả. Thương nó lắm nên không nhìn ra sự thiệt thòi của đứa con dâu chẳng xấu người, không rác rưởi nết na. Bà thương con trai nên chìu nó từ thời tấm bé. Một cái chén ăn cơm xong, nó cũng không rửa nổi huống hồ những chuyện cuốc đất trồng khoai! Nếu như có đứa con gái nào bám theo nó, khóc lóc nữa chắc bà cũng… xiêu lòng. Bà thương con mình nhưng chẳng nghĩ tới con người ta là thế. Bà có hay đâu, con dâu bà như đi guốc trong bụng bà nên nó phỉnh phờ ra phết! Nó giả như chẳng để tâm nhưng ngấm ngầm cho bà thấy tội nghiệt làm mẹ không công bằng của bà. Nó vẫn chịu cho chồng chu cấp tiền cho bà nhưng lại đi tắt từng ngọn điện, tiện tặn trong từng công việc mua sắm như chứng nhận sự tiết kiệm không thể trách cứ vào đâu được khiến bà lòng như có kiến lửa. Nó không càm ràm bà nhưng im lặng đi ngược những gì chồng nó biểu làm cho bà khiến bà lại như ngồi trên chông. Châm chẳng được, chích chẳng xong thì mong gì bà ở yên. Nhưng bà ra đi vì lý do gì? Nó đâu bạc đãi bà? Băng hình tuồng hát nào cũng có đầy. Ăn uống chẳng thiếu món gì. Tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn. Trầu hôm nay không có, ngày sau nó mua mấy chục xấp tha hồ mà ăn! Nó trả lời với chồng là quên mua trầu cho bà nhưng trầu, bà thấy chễm chệ trong tủ lạnh hồi nào! Máy lạnh buổi trước, nó tắt thì hôm sau, nó mở cả đêm. Bà tìm không ra cái lý do gì để bà ra đi mà ở lại thì nhột nhạt quá! Có lẽ cái ngày xưa “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa bà và cô con dâu này đã làm bà nhột? Suy nghĩ mãi, hết phương kiếm chuyện, bà ngủ phứt cho rồi.
Phòng bên, hai vợ chồng chị đang vào cuộc chiến.
- Ai biểu đi cà rồi về nhà đổ quạu? Ai chê em đâu mà cà với cán? Mệt quá đi! Chuyện cũ nhắc hoài làm người ta… nhớ lại…
- Gì??
- Ô không! Anh nói là em đừng nhắc chuyện cũ được không?
- Nãy giờ có ai nhắc gì? Tại lòng có mụt ghẻ nên lòng nhột! Hứ.
- Tánh em, anh còn lạ gì.
- Không lạ thì quen. Thôi đi ngủ đi. Mai chở má đi chùa nữa đó cho bả sám hối gì thì sám. Đi chùa Trúc Lâm cho gần.
- Em và má có chuyện gì hả? Chuyện xưa bỏ đi mà, để bụng làm chi cho tàn nhang mọc tùm lum. Em kỳ quá. Má nuôi anh từ hồi nhỏ tới lớn, bả sống mấy lăm hơi nữa mà em!
- Ai làm gì đâu trời? Tui chẳng cung cúc tận tuỵ bà mẹ chồng “tử tế” với tui đến nơi, đến chốn là gì? Anh hỏi má đi. Tui có gì cho bả phiền thì tui… vô chùa sám hối luôn với bả. Bả nhớ nhà hay nhớ mấy đứa cháu ngoại, cháu nội của bả thì có! Trời à! Tui chạy đi đâu cũng mang tiếng bất nghĩa với mẹ chồng. Ngày xưa, tui ra ở bụi thì cũng mang tiếng là cứng đầu với mẹ chồng nên gông tròng vào cổ cho khổ tấm thân. Miệng thiên hạ thúi như vậy đấy là vì ai? Vì bả rêu rao tui khắp xóm đó. Vậy thì chốn nào cho tui yên tấm thân mà nuôi con đây hử? Tui xấu bụng nhưng có kẻ chẳng đẹp đẽ gì ở tấm lòng, ngọt sớt cái miệng nhưng đụng chuyện thì liệng gánh chạy tuốt.
Anh ngủ mất. Tính chị, anh cũng dư biết, nói cho hung nhưng bụng bồ tát. Mặc cho chị ca hát với cái mặt tàn nhang phồng, anh mau chóng chìm vào giấc ngủ. Không sử dụng chiêu này thì đài phát thanh bên cạnh phát ra rả cho tới sáng. Giả thành thiệt khi anh ngủ thật hồi nào chẳng hay. Người vô tâm nằm đâu ngủ đó là đấy. Bởi vậy, những u uất gì, nằm đêm, chị lãnh đủ. Lòng chị dập bầm như trái mồng tơi. Nhưng đêm nay khác với mọi đêm, khi chị rớm chân rón rén ra khỏi phòng thì anh… mở mắt, dò theo… Chị sang phòng bên cạnh. Thằng con nằm ngủ khì, sướng bắt chết. Nếu để nó thấy chị chiến tranh lạnh với ba nó, với nội nó hoài, chị e rằng một ngày không xa, chị mất thằng con như bà nội nó mất ba nó. Chị đắp lại cái mền cho con mà nghe thương đứt ruột. Nó vui sướng gì đâu khi nhốt nó mãi trong cái nhà với bốn bức tường vôi để ngừa nó đi chơi lêu lổng. Nhốt người nhưng không thể nhốt lòng. Chị thấy mình như vô lý nhưng thương con thì phải vậy. Khi nào nó lớn, nó hiểu lòng mẹ như chị đây nhiều hơn vì sao, chị ít khi biểu hiện tình cảm yêu thương, lời nói nhỏ nhẹ nhiều. Chị gay gắt với con cho nó lo học hành. Thời buổi bây giờ, con cái hư hỏng không còn chuyện lạ. Đắp mền nhẹ cho con, chị vuốt mái tóc nó. Tóc giống thằng cha căng chú kiết nào mà cứ rối bòng lên. Lại tốn tiền mua keo. Hùm. Chị quay ra. Chân chị bỗng khựng lại ở phòng bà mẹ chồng. Bà nằm cong queo chắc vì máy lạnh. Lạnh mà không chịu kéo mền đắp. Thiệt tình. Chiếc mềm mỏng rơi xuống sàn. Chị dợm chân bước đi cho hả dạ nhưng tiếng thằng con lúc ban sáng níu chân chị lại: “Nội già đó mẹ”. Chị chạnh lòng. Thôi! Bấy nhiêu đó đã nư rồi. Giận mẹ chồng thì cũng nên thương thằng chồng, thương thằng con mà bỏ qua. Lúc má chị còn sống, bà nghe chuyện mẹ chồng ức hiếp con mình nhưng bà vẫn khuyên con: “Nhịn nhường mà sống, con à. Con ngang bướng cũng một phần lỗi con!”. Người ta đang ở với mình thì mình cũng nên tử tế một chút. Không nói gì cứ lầm lũi thì chẳng khác nào đuổi khéo người ta. Chị cúi xuống nhặt cái mềm mỏng, phủ lên mình bà mẹ chồng mà không thấy mình đánh mất cái “nư” của mình. Nghe tiếng thở của bà đều đều, chị trở về phòng như trút gánh nặng đeo trên người dai dẳng hơn chục năm nay. Thì ra, khoảng cách còn lại từ lâu không bước tới vẫn phải có những cuộc chiến tranh lạnh để đo tiếng lòng. Lòng dạ sắt đá của con người nếu co lại lúc tuổi trẻ thì phải giãn ra khi tuổi già.
Chị thở hắt! Không đụng vào anh nhưng chị thấy đôi tay anh như mở ra để ôm chị vô lòng. Lần thứ hai trong đời sau ngày tân hôn, chị thấy mặt mày chị nóng bừng, ửng đỏ. Cái màu đỏ không chút đau đớn như khi chị đi phá mấy cái mụt tàn nhang sáng nay. Thì ra, phá nó cũng chính là chị phá được cái tàn nhang ẩn hình làm chị mang tiếng xấu lòng với mẹ chồng chục năm trời căng thẳng. Chị gỡ tay anh ra, lầm bầm:
- Khốn kiếp! Nằm ngủ mê ôm con nào nên mới ôm mình đây. Thả dê cả trong giấc ngủ. Thiệt là hết nói nổi!
Thằng chồng khốn kiếp nở nụ cười thầm cám ơn vợ nhưng chỉ bóng đêm nhìn thấy mà thôi!
oOo
Bà thức giấc, chiếc mền mỏng bung ra. Bà biết rằng có ai đó đã đắp cho bà đêm hôm. Cha con thằng Tèo thì chỉ được cái miệng ngọt nhưng ngủ khèo thì chỉ có một người mà thôi. Bà lần xuống nhà dưới khi cái máy sấy đồ cũng ngừng quay. Qua khung cửa, bà thấy con dâu đang xếp lại từng cái quần, cái áo cho bà. Con không đẻ, dâu không thương nhưng kết cuộc thì cái gì cũng nó. Vốn cũng là người cứng cựa, bà nhất định không để lộ ra ý nghĩ hối tiếc của bà. Có tiếng chó sủa từ nhà hàng xóm “hầu hầu” vọng lại làm bà lộn xộn hết tâm can. Ở đây cũng có tiếng chó, tiếng chim, cũng có những bông hoa rực rỡ sau ngày hè nắng bốc lửa. Bà nhìn thấy cả những con sóc nâu dễ thương đang nhảy chùm chụm trước nhà. Còn những con thỏ mắt to đen lay láy cứ trừng trừng nhìn bà như thách một cuộc thi chạy. Bà thấy những con bướm bướm vàng rực với xanh đỏ lượn lờ bên mấy bụi bông hồng cái nào cái nấy to như cái chén, cái tô. Đất tốt thế mà người ta không cho trồng trọt trong vườn, Thiệt uổng phí quá! Con ngỗng trời đột nhiên bay vù lên không “ét” một tiếng làm bà hết vía. Quên phứt là mình đang làm mặt ngầu với con dâu, bà chửi:
- Tổ cha mày ngỗng!
Cô con dâu nghe được, nó phì cười hùng hục trong phòng xếp đồ. Bà thấy mình… hớ một vố làm mày, làm mặt.
Hôm nay, bà bưng chén cơm, cái chén cơm sao mà thơm tho và lần đầu tiên, bà thấy nó ngon hơn bao giờ hết! Rồi bà nhai miếng trầu, bà cũng cảm nhận hương vị trầu hôm nay cũng cay hơn, nồng hơn, mặn mà như miếng trầu ở quê hương. Bà không réo gọi thằng con mua vé về Việt Nam nữa.
Mùa đông cũng đã về mang theo những ánh đèn lấp lánh cho một mùa Giáng Sinh. Vết tàn nhang ẩn hình của bà cũng đã được cô con dâu bướng bỉnh mà lắm nghĩa tình… phá mất!