Đột nhiên Loan hỏi: Xin lỗi, mẹ của anh có phải là… có phải là bà Hai người Huế ? Còn anh, tên anh là Thái ?...
Chuông điện thoại reo, nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ tối Quỳnh đoán là điện thoại từ Mỹ. Đúng vậy, Loan cô bạn học rất thân của Quỳnh từ hồi Trung học, mới liên lạc được với nhau từ hơn nửa năm nay:
- Hallo…
- Quỳnh hả, Loan đây !
- Ừ, Quỳnh đây !
- Quỳnh ơi, Quỳnh và gia đình có khỏe không ?
- Vẫn thường ! Trước đây mấy tuần mình có gọi thăm Loan, nhưng không có ai ở nhà !
Loan cười, tiếng cười reo vui bên kia đầu dây điện thoại:
- Đúng vậy, Loan bận quá vì chuẩn bị lo đám cưới cho thằng Phước, ông trưởng nam của mình năm nay đã 38 tuổi rồi. Xin lỗi Quỳnh nhé, mình không dám mời Quỳnh vì xa xôi quá sợ làm bồ bận lòng, nên mình trốn vậy. À, hè này Quỳnh có dự định về Việt Nam không ? Mình thì phải đi, đưa thằng con trai và con dâu về thăm gia đình và thăm mộ bà nội, bà ngoại ruột và bà ngoại nuôi nữa…
- Loan ơi, mình nhớ ngày trước Loan có kể thoáng qua cho mình nghe về bà mẹ nuôi với những đoạn trường đầy nước mắt đó phải không ?
- Được, nếu Quỳnh muốn nghe thì mình kể, chuyện dài lắm, truân chuyên lắm. Quỳnh ơi, lúc làm lễ gia tiên cho hai cháu, tự dưng mắt mình hoa lên bởi những dòng lệ tuôn dài trên má, mình không sao cầm được nước mắt. Hình ảnh của hai bà mẹ hiện rõ trong tâm tư mình – nhất là má Hai, người Mẹ Nuôi của mình. Nếu không có má Hai mở lòng từ bi nuôi dưỡng từ lúc thằng bé còn trong bào thai thì chắc mình không có thằng con trai hiếu nghĩa để được ngày vui như hôm nay. Cái cảm giác hạnh phúc chan hòa trong từng giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má Quỳnh ạ!…
….
- Quỳnh ơi, câu chuyện xảy ra từ năm 1969, lúc đó mình mới 24 tuổi, cũng là năm cuộc đời mình bước sang một ngõ rẽ để thực sự đi vào đời. Không còn ở tuổi vui đùa hồn nhiên với các anh chị em, với bạn bè như ngày nào còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Các bạn mình phần đông đã chọn được những con đường tình đầy hoa lá cỏ cây, có vui, có buồn, có hờn giỗi, có dỗ dành nũng nịu làm cho tình yêu thêm thơ mộng muôn màu, muôn vẻ. Riêng mình, ngược lại không được quyền chọn lựa. Mình mồ côi cha, mẹ mình rất khó khăn và nghiêm khắc với con gái – nhất là con gái đầu lòng như mình. Bà quan niệm, chị cả phải là một tấm gương sáng cho các em noi theo. Thế cho nên mình không dám cãi lời mẹ bất cứ một chuyện gì, vì sợ làm mẹ mình buồn. Mình được giáo dục theo Khổng Mạnh. Sống vì danh dự tổ tiên, dòng họ, ông bà luôn ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hiếu đạo phải đáp đền thì mới đúng nghĩa làm người con hiếu thảo trong gia đình và người công dân tốt ngoài xã hội…
Rồi một cuộc hôn nhân tiền định lại đến với mình vô tình cưỡng buộc, không một lần gặp gỡ, không một cuộc hẹn hò, không có lần bốn mắt nhìn nhau ngập ngừng e thẹn. Sau này mình mới biết, Thuận đã theo đuổi mình và mẹ anh ta đã từng thăm hỏi, dò la tìm hiểu về mình. Bà ta đã kiên nhẫn, hết lòng thuyết phục những người bà con dòng họ của mình. Mẹ mình chưa nhận lời cầu hôn của bà mà bà đã làm thông gia với cả họ nhà mình. Bà chìu lụy kiên nhẫn đến mức đáng thương như vậy, bởi vì anh ta là người con trai mà ông bà thương quý nhất !
Cuối cùng mình không thể cưỡng lại quyết định của mẹ mình cùng với những lời khuyên nhủ của bà con dòng họ nhà mình “thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”, nhưng nào ai biết bến nào đục, bến nào trong ? Mẹ Loan nghĩ rằng đó là bến trong, vì mẹ Thuận cũng là người hiền đức và gia đình giàu có tiếng tăm tốt trong thành phố; nên mẹ Loan quyết định gả con gái mình để hy vọng rằng sau này sẽ được sung sướng và hưởng được phước báu của cha mẹ chồng…
Rồi mình phải về làm dâu nhà ấy: Được hơn nửa năm, ông bà già thấy mình hiền lành, ăn ở đối đãi tử tế với mọi người, biết kính trên nhường dưới và không tham lam của cải, nên ông bà quyết định mua một căn nhà cho tụi mình vào Sàigòn lập nghiệp. Nhà rộng lớn, nên có vài anh chị em trong gia đình cùng ở chung, có em còn đi học và có anh chị đã đi làm. Sau đó ông bà lại sang thêm một cửa hàng ở quận 11 để cho tụi mình buôn bán, vì lương của chồng mình, một thư ký, không bảo đảm nuôi gia đình. Cha chồng, là một phú thương, thường bảo “phi thương bất phú”, không buôn bán thì không làm giàu được. Ông buộc Loan cũng phải bỏ nghề gõ đầu trẻ, vì tiền lương không nhiều.
Quỳnh ơi, tụi mình mừng quá, nhưng chưa kịp dọn đến đó buôn bán thì sóng gió đã dồn dập đến với mình, bởi vì gia đình chồng đông con, dòng họ đông đảo không làm sao tránh khỏi sự tranh giành tiền bạc của cải, ganh tỵ hơn thua. Thêm nữa ba mẹ Thuận lại đặt tất cả niềm tin vào mình, nên những người này sợ rằng gia sản nhà chồng dần dần sẽ vào tay tụi mình hết. Từ đó đột nhiên có nhiều tiếng đồn xấu xa có liên quan đến danh dự mình; hẳn phải do một vài anh em trong nhà chồng có ác tâm muốn hạ uy tín của mình. Ngoài ra họ còn tung những tin ghê gớm là mình không đoan chính, có liên hệ tình cảm với người khác khi chồng vắng nhà, rồi dèm pha đứa con trong bụng chưa hẳn là con của Thuận. Chuyện thất nhơn ác đức như vậy mà người ta vẫn làm được! Ôi chung quy cũng vì tiền, vì tranh giành của cải mà thôi! Mình nghĩ, ban đầu bà mẹ chồng cũng hoang mang nghi ngờ…
Trong thời gian đó mình lại thường bị thai hành, không ăn uống được; người mình trở nên xanh xao vàng úa. Mình không dám liên lạc để tỏ bày tâm sự với mẹ ruột của mình. Mình biết, nếu mẹ và các em mình biết được hoàn cảnh làm dâu với trăm cay nghìn đắng của mình thì chắc chắn mẹ mình sẽ hối hận và đau khổ vô cùng; nhưng mẹ mình cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ mang thêm những tủi hận chồng chất ngút ngàn cay đắng ấy không làm cho sự khổ đau trở nên hạnh phúc được!… Có lẽ nghiệp duyên này đã gieo từ nhiều đời nhiều kiếp, mãi đến kiếp này mình mới trả cho xong.
Quỳnh nôn nóng cắt lời bạn, rồi hỏi:
- Thế rồi bồ giải quyết làm sao ?
Đầu dây bên kia có tiếng thổn thức của Loan:
- Trong hoàn cảnh bi thương đó, Quỳnh ơi, mình nghĩ đến chuyện quyên sinh. Mình thường tự nhủ, chỉ cần uống vài chục viên thuốc Optalidon là xong một đời; nhưng còn đứa con trong bụng. Cái chủng tử này có tội tình gì đâu mà phải chết oan theo mẹ hay sao ? Mình không dám nghĩ đến chia tay ông Thuận vì sợ gia đình mình mang tiếng không tốt. Ông Thuận, dù chẳng yêu thương gì mình cho lắm, nhưng cũng không đến nỗi tệ bạc. Anh ấy chỉ có tội nặng nhất là quá nhu nhược, biết vợ mình bị hàm oan mà không hết lòng bênh vực hay có lời mạnh dạn giải bày với mọi người; không chia xẻ nỗi đau tinh thần làm giảm phẩm giá của vợ mình. Ôi, cái oan gia nghiệp chướng của mình quá nặng, nợ nần chưa trả xong nên kiếp này còn phải trôi lăn thêm trong cõi ta bà nghiệt ngã !
Vì vậy, mình bàn với ông Thuận phải dứt bỏ hết những gì đeo đẳng thị phi oan trái. Tụi mình quyết dọn ngay ra khỏi căn nhà tranh chấp đó, không màng đến cửa hàng mà cha mẹ chồng đã dành cho tụi mình. Đó là những mầm mống tan rã của tình anh chị em, là nỗi khổ đau cho tụi mình và cũng là nỗi bất hạnh do lòng tham sân si của những người trong gia đình chồng. Ông Thuận dù biết ra riêng là khổ, nhưng vẫn nhất quyết theo mình và tuyệt đối giấu không cho cha mẹ biết.
Trong túi hai đứa chỉ có vài ngàn đồng bạc. Số lễ vật ngày cưới như nữ trang, hột xoàn Loan đã gởi cho mẹ chồng giữ hộ. Mình thật thà ngây ngô như vậy, bởi nghĩ người đời ai cũng tốt, không ngờ lại gặp cảnh thê lương đến với mình. Bây giờ mình làm sao đến gặp mặt để xin lại của hồi môn khi mình nhất định ra đi. Mình nghĩ, nhân nghĩa không ra gì thì của cải cũng như con số không thôi.
Từ đó, ngày ngày mình đến sạp báo đọc cọp mục rao vặt cho thuê nhà để tìm phòng trọ hay lang thang ở các xóm lao động để tìm thuê nhà. Không có phòng hay nhà cho thuê với giá rẻ theo túi tiền của mình cả. Mình đã đi tìm nhà từ Tân Định lên Phú Nhuận, rồi qua Gia Định Lăng Ông Bà Chiểu. Thất thểu đi tìm, mệt mỏi thì ghé lại công viên để nghỉ ngơi; đói bụng thì mua khúc bánh mì gậm đỡ. Ôi chua xót vô vàn, nhưng cũng đành nuốt nước mắt, mình chỉ biết cầu nguyện Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ. Thuận vẫn đi làm, riêng mình đã nghỉ dạy, nên thường mỗi buổi chiều tụi mình hẹn gặp nhau ở một nơi không nhất định để tá túc qua đêm, ở một ngôi đình, trong một ngôi cổ tự nào đó cũng được… Có ai ngờ một năm trước đây mình được nghe những lời khen chúc tụng nào là đẹp, là giàu. Bây giờ thì „đoạn trường ai có qua cầu mới hay“.
Tụi mình trở nên lang bạt, vô gia cư; hơn cả tháng trời mình chỉ biết cầu nguyện ơn trên Trời Phật gia hộ cho mình sớm tìm được một chỗ che nắng che mưa. Có lẽ do lòng thành khẩn cầu nguyện chư Bồ Tát Quán Âm độ trì, nên tình cờ gặp người quen mách cho mình một địa chỉ. Mình đến ngay căn nhà ở xóm Gà Gia Định. Chị Sáu, chủ nhà trạc tuổi 40, chị đồng ý cho mình thuê một phòng ở phía sau với giá rẻ. Mừng quá, mình hẹn 2 ngày sau sẽ dọn đến và trả tiền thuê luôn.
Đúng hẹn, mình dọn đến. Nhưng oái ăm thay, chị ta đổi ý không cho thuê phòng nữa, vì “thấy” mình đang có thai. Chị Sáu nói:
- Hôm trước cô mặc quần tây nên tôi không thấy “bụng” của cô. Nhà tôi đơn chiếc, chứa người có thai vào ở chung thì mang xui xẻo đến cho gia đình tôi!
Mình năn nỉ đủ điều cũng không lay chuyển lòng dạ sắt đá của chị chủ nhà. Ông Thuận từ trước đến nay hầu như chẳng muốn mở miệng cầu cạnh đến ai, nhưng trong hoàn cảnh này ông cũng xuống nước van xin, nhưng trước sau như một chị chủ nhà một mực từ chối. Cuối cùng ông Thuận dìu mình ra khỏi nhà. Nước mắt như mưa, mình cảm thấy kiệt lực vì vô vọng, nên đành ngồi bệt trước cửa nhà không gượng dậy nổi. Ông Thuận ngồi bên cạnh, cặp mắt thất thần, không biết lấy lời gì để an ủi vợ. Bà con lối xóm nghe tiếng khóc, hiếu kỳ đến xem.
Bỗng nhiên có một bà cụ đến ngồi bên cạnh, cầm tay mình nhỏ nhẹ hỏi:
- Tại sao cô khóc ? Cô ở đâu đến đây? Có oan ức gì không ?
Giọng Huế nhẹ nhàng. Mình còn nghẹn ngào chưa kịp trả lời thì chị Sáu nói:
- Bác Hai ơi, con không cho cô cậu mướn phòng nên cô khóc mà thôi !
- Tôi nghe cô Sáu có ý cho thuê phòng từ lâu. Hôm ni có người đến thuê, sao cô lại nỡ từ chối, làm cho người ta khổ sở như rứa hỉ ?
- Tại vì…, tại vì hôm trước cháu không thấy cô ta có bầu, nên đồng ý cho cô ấy thuê. Nay mới biết. Bác Hai ơi, chứa người có bầu ở chung nhà xui xẻo lắm !
Giọng bà Hai hơi trách móc:
- Cô Sáu nói vậy chứ, không có trẻ con thì làm sao có người lớn chứ ! Sau này có con nít thêm vui cửa vui nhà, có gì đâu mà xui với xẻo chứ !
Bà Hai quay qua vuốt vai an ủi Loan:
- Cô Sáu không cho thuê thì cô cậu đi kiếm nhà khác thuê chứ ngồi đây mà khóc làm chi !
Loan mếu máo trả lời:
- Thưa bác, cháu đã đi tìm thuê nhà gần 2 tháng mà không thuê được, vì tụi cháu ít tiền quá bác à. Khi được chị Sáu đồng ý, cháu mừng quá, tưởng đời mình từ đây bớt khổ, nhất là cái thai ngày càng lớn. Không ngờ lại đến nông nổi này…
Bà Hai quan sát kỹ ông Thuận và mình, sau đó mới đỡ mình ngồi dậy và nói:
- Hai cháu vô nhà bác nghỉ một lát. Nhà bác cũng ở sát đây thôi !
Tụi mình theo bà như người mất hồn. Vào nhà bà rồi mà tụi mình vẫn cứ khoanh tay đứng xớ rớ một góc, trong khi bà Hai đi lấy nước lọc cho tụi mình uống, bà nói:
- Ngồi xuống ghế đi hai cháu. Uống miếng nước cho khỏe rồi từ từ nói chuyện.
- Dạ…
Bà Hai nhìn thẳng vào mặt hai đứa mình, rồi hiền lành hỏi:
- Bác hỏi thật hỉ, trông các cháu cũng hiền hậu dễ thương; cứ nói thiệt cho bác nghe, có phải hai đứa lỡ thương nhau, ăn ở “có bầu” mà hai bên cha mẹ không đồng ý, nên dẫn nhau đi trốn phải hôn ?
- Dạ, dạ…
- Không dạ thưa gì hết, trả lời đúng hay không mà thôi ! Nếu đúng thì bác cho tụi bây ở lại đây một đêm, sáng mai dẫn nhau trở về nhà thưa lại với cha mẹ đôi bên để xin ngay hỏi cưới, đừng làm như vậy mà mang tiếng tăm không tốt cho cả hai gia đình đó nghe !
Mình nhỏ nhẹ trả lời:
- Dạ không đúng như vậy bác à ! Chúng cháu là hai vợ chồng có cưới hỏi đàng hoàng, nhưng mà…, nhưng mà thưa bác, chúng cháu có hoàn cảnh khó nói. Trong nhất thời chưa tiện trình bày cho bác rõ…
- Rứa à !
Rồi bà Hai buông tiếng thở dài:
- Chắc là có điều khúc mắc đáng thương đây ! Thế quê quán của các cháu ở đâu, dù sao cũng nên trở về kẻo cha mẹ trông ?
Loan rươm rướm nước mắt:
- Không giấu gì bác, chúng cháu quê ở Ninh Thuận, nhưng sống chung với các anh chị em ở Sàigòn, bởi vì bất hòa nên chúng cháu phải ra đi để tránh thị phi cho gia đình. Chúng cháu không muốn cho cha mẹ hai bên biết được, sợ làm buồn lòng các bậc sinh thành. Cháu tính lúc nào thuê được nhà và tìm được công ăn việc làm ổn định, chúng cháu mới báo tin cho cha mẹ biết…
Bà Hai lấy trầu cau ra nhai rồi hỏi:
- Thế trước đây hai cháu làm nghề gì để sinh sống?
Ông Thuận bây giờ mới bình tĩnh trả lời, có lẽ câu nói mà mình cho là có kết quả ngoài sức tưởng tượng:
- Thưa bác, hiện cháu đang làm thư ký hành chánh tại Xã An Nhơn. Hôm nay tưởng thuê được nhà, nên cháu xin phép nghỉ để phụ vợ cháu dọn nhà. Không ngờ cái thai của vợ cháu làm cho công chuyện dở dang. Còn vợ cháu trước đây là giáo viên cấp tiểu học, nhưng từ khi xảy ra câu chuyện anh em cãi vã nhau, nên vợ cháu xin nghỉ dạy luôn…
- Tại sao lại làm như thế chứ ! Nghề giáo là một nghề cao quý, thiên chức của một nhà giáo đáng được người đời kính nể trọng vọng lắm… !!!
Bà Hai ngắm kỹ Loan, rồi gật đầu hỏi:
- Các cháu tên chi rứa hè ?
- Cháu tên Loan, chồng cháu tên Thuận.
Bà Hai lấy tay ngoắt Loan lại gần và trìu mến nói:
- Loan à, trước đây bác cũng đi dạy học ở Huế, bác nghĩ cuộc đời của mình chỉ gắn liền với nơi chôn nhau cắt rốn cho đến già. Không ngờ, bác trai có lệnh thuyên chuyển vào Sàigòn, nên bác cũng phải đi theo dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì xa quê, lạ cảnh lạ người. Tại nơi này, bác lại tiếp tục cái nghề gõ đầu trẻ, vì bác rất yêu nghề giáo cháu ạ. Từ đó bác lập nghiệp tại đây. Cháu cũng nên tìm cách xin đi dạy lại…
- Dạ…
Bà Hai trầm ngâm một lúc, rồi thì thầm nói với Loan mà hình như bà muốn nói cho chính bà nghe mà thôi:
- Từ khi bác trai về với cõi Phật, bác một mình trong căn nhà này, đôi lúc cũng cảm thấy buồn bã trống trải lắm. Bác chỉ có một cháu trai lớn, đã lập gia đình và đang sinh sống ở Huế. Năm nay bác đã bảy mươi rồi, mỗi khi trái gió trở trời chỉ biết trông cậy vào bà con lối xóm mà thôi. Có lẽ vong hồn bác trai linh thiêng xui cho ta hôm nay gặp gỡ hai cháu…
- Dạ…
Bà Hai hít vào một hơi thở thật dài, trầm ngâm suy nghĩ rồi quyết định:
- Thôi, hai cháu nếu chưa tiện trở về thưa với cha mẹ hai bên, thì bác cho ở tạm nơi này một thời gian, khi nào thuê được nhà thì dọn đi.
Mừng quá, Loan vội quỳ xuống cảm tạ. Thấy vậy ông Thuận cũng vội quỳ theo. Nước mắt rưng rưng, Loan nói:
- Thưa bác, xin bác nhận một lạy của chúng con. Nhờ hoàng thiên cứu giúp, hôm nay chúng con mới gặp được một người đầy lòng nhân ái và từ bi giúp đỡ cho hai con trong lúc tuyệt vọng này…
Bà Hai vội đỡ mình dậy và cảm động nói:
- Tụi bây làm tao cũng muốn khóc luôn !
Nghe xong, mình ôm bác khóc nức nở, khóc vì cảm động, khóc vì vui mừng sung sướng… Miệng nói, tay bà mở cửa phòng ra chỉ:
- Đó, có bộ sa-lông nhỏ hai ghế, giường ngủ và tủ đựng quần áo, lu đựng nước và bếp nấu ăn. Nếu hai con ở đây thì bác đem tủ đựng thức ăn ra phía trước gần giường ngủ của bác, vì bác ăn chay trường không nấu nướng gì nhiều. Còn các con có đồ đạc gì nhiều không?
- Dạ không. Chúng con chỉ có một cái bàn viết và quần áo; không có giường ngủ, chỉ để nệm dưới sàn thôi.
- Nếu không có giường thì nằm cái giường ni, bác mua để dành cho con cháu có vô thăm thì nằm ngủ. Ngày mai hai con cứ dọn tới ở tạm.
Mình nghĩ, chắc bà là hiện thân của Mẹ Quan Thế Âm thị hiện cứu tụi mình…
Có tiếng Loan từ đầu dây bên kia hỏi vọng sang:
- Quỳnh ơi, Quỳnh còn thức nghe mình kể chuyện đó không ? Hay là đã nằm ngủ queo râu rồi hả ?
Quỳnh nói, giọng cũng sụt sùi nước mắt:
- Mình vẫn thức nghe bồ kể chuyện đây !
- Quỳnh à, trong đời mình có lẽ đây là đêm đầu tiên mình nằm ngủ yên giấc trong một căn nhà hết sức xa lạ, nhưng lại ấm áp tình người.
- Rồi sao nữa ?
Quỳnh nôn nóng hỏi.
- Những ngày sau đó, thực tình mình chẳng có ý đi tìm thuê nhà nữa. Mình quyết ở lỳ cho đến khi nào bà Hai chuyển tâm đổi ý, một là đuổi tụi mình đi hay là bà cho ở chung nhà. Thật tình trong thâm tâm mình đã coi bà Hai như là bà mẹ nuôi của mình. Mình đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Có lẽ nhờ vào kinh nghiệm nấu ăn mà mình đã học ở mẹ mình, nên bà Hai thường tấm tắt khen ngợi. Gần gũi, quen thuộc, trao đổi những chuyện hàng ngày, dần dần mình thấy bà Hai vui vẻ quyến luyến mình hơn. Mong rằng tụi mình đem đến niềm vui cho bà.
Một hôm nhân mùa Vu Lan, mình làm một mâm cơm và thức ăn theo đúng khẩu vị của bà, ông Thuận mua một bó hoa hồng về nhà trao tặng cho bà. Bà ngạc nhiên hỏi lý do tại sao. Tụi mình trân trọng thưa với bà:
- Thưa bác cho phép chúng con được gọi bằng má. Vì hôm nay là ngày Vu Lan báo hiếu, chúng con chưa có cơ hội trở về báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hai bên, chúng con cũng ân hận lắm; nhưng cũng may chúng con nhờ ơn trên Trời Phật còn có thêm một bà mẹ khác, đó là má. Thưa má, má có biết không ? Vậy má cho chúng con được dịp tạ ơn đã cưu mang và cứu khổ chúng con trong những ngày bơ vơ không nơi nương tựa…
Bà nhìn tụi mình long lanh nước mắt, nhưng giọng nói không giấu được sự cảm động:
- Tao có hứa cho tụi bây ở nhờ một thời gian ngắn, nhưng cũng đã khá lâu sao tụi bây không đi tìm thuê nhà khác hỉ ?
Giọng có vẻ trách yêu. Mình thật thà nói:
- Thưa má, chúng con ở nhờ nhà má, bây giờ đã quen hơi bén tiếng của má rồi, nên không muốn dời đi nơi khác. Vả lại…
- Vả lại thế nào ?
- Vả lại thấy má không ai chăm sóc, để má ở một mình thì chúng con không yên tâm… Má chỉ có một con trai, xin má xem con như con gái nuôi của má.
Bà Hai bỗng phì cười:
- Trước nay tao ở một mình không nghĩ đến điều này, bỗng dưng có tụi bây đến đây, đời sống của tao tự nhiên thay đổi. À, à… mà vắng tụi bay coi bộ tao cũng buồn lắm thì phải… !
Ông Thuận bỗng nói một câu tưởng không ăn nhập vào đâu, nhưng lại thấy có kết quả bất ngờ:
- Như vậy má cho tụi con thuê luôn căn phòng này đi nha, má hả!
- Ủa, từ trước tao có hứa cho tụi bây thuê mướn chi mô ! Tao chỉ nói cho tụi bây ở tạm mà thôi. À, … à ở tạm mà.
Rồi bà vừa cười vừa nói:
- Cứ ở tạm hí !
…
Kể từ ngày đó, với danh nghĩa là “người ở tạm” mình làm quản gia cho bà, nấu ăn, giặt giũ quần áo; còn ông Thuận vẫn sáng đi làm, chiều tối trở về. Đến tháng, ông Thuận lãnh lương, mình chỉ giữ một phần để lo chợ búa; phần còn lại mình nhờ bà Hai “giữ” giúp. Mình vin lý do, để dành tiền lo cho “cháu ngoại của má” sắp ra chào đời. Bà cười sung sướng để lộ hàm răng sún hết mấy cái, hai mắt híp lại, cầm lấy tay mình chửi thề một cách âu yếm:
- Tổ cha tụi bây, tự nhiên tao sắp có cháu ngoại rồi hỉ. Cháu của tao, biết rồi, khổ lắm. Hôm kia rảnh rỗi, tao đã xé cho cháu của tao một số tã bó đít. Còn phải lo nhiều thứ nữa!
Rồi bà nói tiếp :
- Để bồi dưỡng cho cháu ngoại, tao đi chợ nấu cho mi một nồi cháo thịt bò mới được…
Loan lật đật can ngăn:
- Thôi má ơi, tốn tiền lắm, để con cố ăn cơm cũng được !
- Mô được. Lâu quá không đi chợ tao cũng nhớ mấy gian hàng quà vặt của mấy mụ hàng xóm; dịp này tao đi thăm họ luôn. À mà Loan nì, con đã đặt tên cho đứa nhỏ chưa ?
- Dạ chưa ! Con tính nhờ má đặt cho cháu một cái tên gì đó, má nghĩ thế nào ?
- Ừ hí, tên chi hỉ ? À… à…, tên Phước, nếu là con trai mi nghe được không ?
Loan reo lên hết sức vui mừng:
- Hay, hay, thiệt hay và có ý nghĩa quá má à ?
- Mi thử nói cho tao nghe coi !
- Thưa má, trong cơn hoạn nạn gần như tứ cố vô thân, chúng con gặp được má bao bọc giúp đỡ, điều này không gọi là phước, thì gọi là gì ? Phước, đúng là phước rồi ! Phước, Phước. Cháu của má là Phước!
Bà Hai chặt lưỡi lầm thầm khi bước ra khỏi nhà:
- Mà hình như tao cũng có phước khi gặp tụi bây…
…
Bà Hai đưa Loan đi sinh ở nhà thương Từ Dũ. Khi Loan vào phòng sinh, bà ngồi yên lặng kiên nhẫn, tay lần chuỗi hạt, miệng khấn thầm Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn. Ông Thuận thì đi tới đi lui nôn nóng, sốt ruột luôn nhìn đồng hồ. Hình như thời gian trôi qua thật chậm. Hơn tiếng đồng hồ sau, cửa phòng sinh xịch mở, cô y tá ló đầu ra hỏi:
- Ai là thân nhân của cô Loan ?
Cả bà Hai và Thuận đều nói lớn:
- Tôi… tôi, tôi là má của Loan đây ! …
- Tôi, tôi là chồng của nàng ! Con trai hay con gái thưa cô?
Cô y tá nói lớn:
- Con trai, 3 ký 2. Mẹ tròn con vuông. Chúc mừng ông… Ô hay! Có phải anh… là anh Thuận không ?
- Vâng, tôi là Thuận ! Còn cô.., cô là Hồng quê ở Ninh Thuận phải không?
- Dạ phải !
Má Hai mừng quá miệng lầm thầm niệm Phật, trong khi Thuận vội vàng theo chân bà vào thăm Loan nên không nghe tiếng cô y tá Hồng nói vọng theo:
- Ngày mai tôi về thăm Ninh Thuận, tôi sẽ nhắn tin mừng cho ông bà nội của cháu bé rõ !
Mặc dù đời sống của Loan vô cùng chật vật, bà Hai với số tiền hưu giới hạn, ngày hai bữa cơm thanh đạm nhưng thằng Phước thì được nuôi ăn nuôi bú rất kỹ lưỡng nên nó rất bụ bẫm, khuôn mặt giống cha – đúng là khuôn mặt của ông nội, Loan thầm nghĩ như vậy.
Từ ngày có thêm thằng bé, công việc nhà bề bộn thêm, tuy nhiên tiếng cười tiếng khóc của nó đã đem lại cho gia đình bà Hai thêm sức sống. Bà khuyên Loan dẹp cái quầy trước nhà bán cà-rem, bánh kẹo cho con nít trong xóm, vì chẳng có lợi bao nhiêu mà thêm vất vả, Loan nên dành thì giờ đó để lo cho thằng Phước. Thằng bé được Má Hai cưng chiều, bồng ẵm suốt ngày, đi cùng xóm. Ở đâu, với ai bà cũng khoe thằng cháu ngoại cưng của bà.
Bà thật sự thương Loan như con gái kể từ ngày Loan kể hết đầu đuôi câu chuyện tại sao vợ chồng Loan phải bỏ ngôi nhà chung và cơ sở kinh doanh do cha mẹ chồng mua cho vợ chồng Loan đứng tên. Bà Hai không ngờ Loan lại hy sinh tất cả để giữ thể diện cho gia đình chồng, chịu đựng búa rìu dư luận để không làm mất thanh danh của gia đình mẹ ruột. Bà chỉ khuyên Loan một ngày nào đó phải trở về quê để trình bày với hai gia đình những âm mưu bất chính của anh em trong nhà hầu lấy lại danh dự cho cá nhân mình… Loan thưa với bà, đợi cho thằng Phước cứng cáp rồi sẽ dẫn về thăm nội ngoại…
Dự tính chưa thực hiện được, thì vào một buổi chiều có người khách lạ tìm đến hỏi thăm bà Hai:
- Thưa bà, có phải đây là nhà của bà Hai không?
Nhìn vóc dáng và gương mặt, bà Hai nghĩ ngay đến một người, nhưng bà cũng hỏi lại:
- Ông hỏi bà Hai, nhưng ở đây nhiều người tên Hai, không hiểu là ông tìm bà Hai nào?
- Dạ, bà Hai người Huế, có cho một gia đình mướn phòng !
- Có lẽ ông hỏi lầm nhà rồi ! Ở đây tôi không cho ai mướn phòng trọ cả ?
Ông già đứng phân vân, rồi ngần ngại nói tiếp:
- Thằng chồng tên Thuận và con vợ tên Loan. Không hiểu bà Hai có biết ai trong xóm có hai cái tên này không ?
Bây giờ bà Hai mới giả bộ kêu lên:
- Thế tại sao ông không nói sớm ! Đúng, ở chung với tôi có hai vợ chồng đứa con nuôi của tôi, cùng tên đó. Không hiểu có phải là người ông muốn kiếm không ?
- Bây giờ mấy đứa đi đâu rồi ?
Bà Hai, giọng hờn giỗi:
- Hồi tụi nó gặp trắc trở khốn khổ, không thấy ai quan tâm. Sao bây giờ lại có người tha thiết như rứa !
Trong khi bà Hai đi lấy nước mời khách thì Loan bồng con về nhà. Loan khựng lại khi gặp mặt:
- Ô kìa ba ! Sao ba biết… ba biết con ở đây mà đến tìm ???
Vâng, ông khách đó là ba của Thuận, là cha chồng của Loan. Loan tất tả bồng con vào nhà và giới thiệu với má Hai:
- Thưa má, đây là ba của anh Thuận !
Và quay sang bà Hai, Loan nói:
- Thưa ba, đây là má Hai, má nuôi của chúng con!
Rồi Loan nói thêm:
- Không có má Hai nuôi chúng con, thì chúng con đã chết gần năm nay rồi, và ba cũng chẳng bao giờ có thằng cháu nội này cả !
Loan đưa thằng bé cho ông ẵm và nói:
- Thưa ba, đây là thằng Phước – tên do má Hai của con đặt để ghi nhớ cái phước đức của ngày chúng con may mắn gặp má !
Bà Hai cười cười nói:
- Khi gặp ông tôi đã nhận ra ngay là ông nội của thằng Phước, vì khuôn mặt cháu và thằng Thuận giống ông như khuôn đúc ! Thế mà có người ác mồm ác miệng tung tin con gái nuôi của tôi có chồng rồi mà còn lẳng lơ với người khác… Ui chao cái điều vu khống dơ bẩn vô lý thậm tệ như rứa mà cũng có người tin nên không muốn nhìn mặt thằng cháu nội đó chớ !
Ông nội của Phước chống chế:
- Tôi đâu hề có ý nghĩ như vậy mà bà nói oan cho tôi. Có điều…
Bà Hai hừ lên một tiếng, rồi nói:
- Có điều chi thì ông cứ nói cho tôi rành được hôn?
- Có điều, ngay khi cô y tá tên Hồng về quê báo tin, bà nội của cháu vào Saigon đến nhà thương Từ Dũ ngay để…
- Để coi mặt thằng bé có giống bên nội hay không… ? Thật tình tôi không hiểu mấy người suy nghĩ như thế nào !
Nghe Má Hai hỏi ông nội như thế, mình cảm thấy tội nghiệp cho cha chồng vì trước đây ông ta luôn nghĩ tốt và tin tưởng mình chứ không nghe lời những người xấu muốn ám hại mình!
Quỳnh nôn nóng cắt ngang lời kể của Loan:
- Rồi sau đó thế nào ?
Khi ông Thuận đi làm về, hai cha con gặp nhau. Ông Thuận khóc mùi mẫn, chắc ông nghĩ rằng ông đã chịu cực khổ quá nhiều! Ông là con nhà giàu, trước đây ông được cha mẹ cưng chiều và cung phụng đầy đủ, nên ông cảm thấy mấy năm gần đây theo vợ lưu lạc mà thấy tủi thân.
Ông nội của Phước an ủi và nghiêm khắc nói:
- Vợ con còn khổ hơn con trăm điều mà nó có hề than vãn như con đâu ! Con hãy bàn với vợ mau mau dẫn nhau trở về quê…
Loan kể tiếp:
- Nhưng mình nhất định không chịu về. Mình không muốn chung đụng với anh chị em trong gia đình nữa. Mình nói với ông Thuận, lúc nào tụi mình có đủ điều kiện thuê nhà riêng thì mình mới dọn đi.
Tiếp theo chuyến viếng thăm của ông nội thằng Phước thì lại có những lần thăm viếng của hai bà nội, ngoại. Nên sau đó mình cũng dẫn thằng Phước, lúc đó cũng đã biết đi, về thăm quê nội và ngoại; nhưng chỉ được vài ba ngày lại phải trở về Sàigòn vì thằng cu Phước cứ nằng nặc đòi về bà ngoại… nuôi mà thôi !
Tuy nhiên sau chuyến về thăm nội ngoại này, cuộc đời mình lại bước qua một khúc quanh mới. Ông Thuận đã âm thầm thuê một ngôi nhà khác gần trường tiểu học. Sau này ông mới thú thật với mình, căn nhà này cũng do ông bà nội của Phước mua và cho tụi mình ở như là một nghĩa cử để chuộc lại lỗi lầm của ông bà đã đối xử với mình…
Ngày mình từ giã má Hai ra đi cũng não nùng như ngày mình mới đến xóm này. Mình cảm thấy như sẽ đánh mất vĩnh viễn một cái gì quý giá; mặc dầu tụi mình vẫn thường xuyên dẫn cháu Phước đến thăm bà ngoại Hai như những năm tháng cũ với những kỷ niệm vui buồn vẫn ấm ức theo dòng lệ…
Mình ổn định được chỗ ở mới chưa được bao lâu thì tình trạng chiến tranh càng ngày càng căng thẳng. Thành phố Sàigòn như trong cơn sốt. Các tỉnh miền Trung lần lượt rơi vào tay cộng sản, bà con di tản về Saigon, thủ phủ cuối cùng của miền tự do. Nhưng rồi Sàigòn cũng bỏ ngỏ cho quân đội cộng sản chiếm đóng. Ông Thuận cùng với cán bộ, sĩ quan các cấp đi trình diện học tập cải tạo. Bơ vơ, lạc lõng, sợ hãi, nghi kỵ, mất niềm tin…
Khi Loan dẫn cháu Phước đến thăm má nuôi, thì nhà bà đã bán cho một gia đình di tản từ miền Cao nguyên về Sàigòn; Loan hỏi thăm, thì bà con lối xóm cho hay bà đã được gia đình người con trai rước về quê để phụng dưỡng; không để lại địa chỉ, mà thật tình trong giai đoạn hỗn loạn đó chẳng ai dám cho ai biết chỗ ở của mình. Thế là Loan mất liên lạc với má Hai từ đó…
Mấy năm sau, tình trạng tạm ổn, Loan xin chính quyền mới giấy phép di chuyển dẫn thằng Phước về Huế để tìm bà má nuôi, Loan còn nhớ mang máng là anh Thái con bà Hai ở thôn Vỹ Dạ. Gần như nhà nào trong xóm Loan cũng tìm đến hỏi thăm tin tức của má Hai, của gia đình anh Thái. Không ai cho Loan một tin chính xác, họ nói hình như thế này, hình như thế nọ…
Quỳnh hỏi một câu thừa thải:
- Cho đến khi gia đình bồ vượt biên, bồ cũng không tìm được bà má Hai à ?
- Đúng vậy, khi đến bến bờ tự do mình vẫn thường đi Chùa cầu nguyện cho má Hai của mình, phần để cho lòng mình được bình an trở lại, phần nữa, nếu má Hai đã quá vãng thì cũng được siêu thăng Tịnh Độ và mình vẫn hằng xin má “sống khôn, thác thiêng” cho mình được gặp lại má một lần dù là trong cơn mộng…
- Rồi sao nữa ?
Giọng Loan trở nên vui vẻ:
- Nhưng rồi mộng lại trở thành sự thật Quỳnh ơi. Quỳnh biết không, hai năm trước đây mình trở về thăm nhà, cùng với mấy đứa em để lo giỗ mẹ mình đã mất cách đây ba năm. Chuyến bay ngừng ở Bangkok 2 tiếng để rước khách từ Pháp về Việt Nam. Hai người Việt lên máy bay, chỗ ngồi của họ cùng dãy với mình. Qua lời chào hỏi, mình biết là hai vợ chồng người Huế. Chị vợ rất cởi mở, dễ thân mật hỏi mình chuyến về thăm quê. Mình cho họ biết mình về làm đám giỗ bà già. Chị cười nói:
- Chúng tôi cũng về… thăm mẹ đây !
- Anh chị sướng nhỉ, còn có mẹ để về thăm viếng !
Bây giờ người chồng mới xen lời:
- Chị tha lỗi cho. Nhà tôi hay nói giỡn. Chuyến này chúng tôi chỉ về Huế thăm mộ mẹ. Bà mất đã hơn ba mươi mấy năm rồi !
- Ồ, xin lỗi !
Loan mơ mơ màng màng:
- Về Huế… mẹ mất đã hơn ba mươi năm rồi…! A, anh chị xuống Tân Sơn Nhất rồi về Huế ngay hay sao?
- Không, chúng tôi còn phải đến Xóm Gà Gia Định để tìm một gia đình con nuôi của mẹ tôi hồi trước.
Loan giựt mình cảm thấy như có một điều gì linh ứng, rồi trấn tỉnh hỏi:
- Xin lỗi, anh có quen biết… quen biết với gia đình người con nuôi của… mẹ anh hồi đó không?
- Không, rất tiếc là tôi không biết gì hết ! Theo lời di ngôn, chúng tôi phải tìm cho ra người con nuôi của mẹ. Chúng tôi đã tìm kiếm nhiều năm mà chưa có tin tức !
Đột nhiên Loan hỏi: Xin lỗi, mẹ của anh có phải là… có phải là bà Hai người Huế ? Còn anh, tên anh là Thái ?
Cả Thái và vợ đều trố mắt nhìn Loan:
- Chị biết mẹ tôi hả ?
- Biết. Tôi là con nuôi của Má … Má Hai đây. Cảm ơn Trời Phật đã tìm được tin tức của Má Hai rồi! Má, má ơi, hồi đó má về quê sao má không báo cho con hay biết gì cả !!!
Rồi Loan vội ôm cả anh chị Thái chung vòng tay và nước mắt tràn trề.
Loan ôm mặt khóc nức nở, khóc vì sung sướng, khóc để bù vào những tháng ngày nhớ thương bà má nuôi; khóc vì còn có dịp để tỏ bày những ăn năn hối hận…
- Thế chị là chị Loan…
Loan không còn nghe gì nữa. Hình ảnh phúc hậu của má Hai ngày trước hiện ra rất rõ trong tầm trí nhớ của Loan.
…
Đây bát cơm đầy nặng nghĩa ân
Người ơi, đây ngọc với đây lòng
Đây tình còn đượm trong tha thiết
Ơn nghĩa sinh thành chưa trả xong.
Chuyện của Loan chấm dứt từ lâu, thế mà nước mắt của Quỳnh vẫn còn từ từ lăn dài trên má. Quỳnh cầu nguyện cho Loan được tròn nguyện ước, bình an dẫn con trai và con dâu về đảnh lễ trước mộ má Hai – không có bà bảo bọc nuôi dưỡng trong lúc bơ vơ thì chắc gì đã có ngày hôm nay! Quỳnh cũng nguyện thầm “Mẹ ơi, con sẽ về thăm mộ mẹ lần nữa để đáp đền ơn sâu nghĩa nặng…”.
Nuôi con mới biết sự tình,
Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.
Đúng như lời Hòa Thượng Thích Như Điển Phương Trượng chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, thuyết giảng “Tình thương là một việc không thể giải đáp trọn nghĩa” vậy.