Bây gìờ mấy chục năm qua rồi, mỗi lần nhớ lại đêm Giáng Sinh đầu tiên năm ấy...
An đã trải qua một thời thơ ấu với gia đình thật may mắn, lúc đó ba đi làm cho một hãng xuất-nhập-cảng tư nhân, chủ là một gia đình người Pháp gốc Hoa, cái tên Chú Hỏa (Hui-Bon-Hoa) hồi đó ở Sài gòn ai mà không biết tiếng, họ giàu có cả dòng họ từ tổ tiên cho đến con cháu. Cái khu phố ở đường Phó-Đức-Chính, trước năm 1975 có một biệt thự to lớn như một lâu đài xây cất kiểu Âu Châu đã là một huyền thoại cho biết bao câu chuyện huyền bí, chả trách một hãng phim thời đó đã lấy bối cảnh của ngôi nhà nầy để dựng thành phim “Con ma nhà họ Hứa” chiếu ở Sài gòn, và An đã có dịp được xem qua.
Khi ba vào làm ở hãng thì chủ nhân là một thanh niên người Pháp còn rất trẻ, không biết là con cháu đời thứ mấy của chú Hỏa, ba hay kể về người chủ nhỏ nầy với mẹ mỗi khi cả nhà quây quần bên mâm cơm tối. Ba gọi là “thằng Philip con”, “nó” giống y chang người Pháp phảng phất đôi nét Á đông, tuy còn trẻ mà “nó” rất biết cách điều hành hãng, “nó” đối xử với nhân viên cấp dưới thật tốt, thưởng phạt công bằng. Đặc biệt ông chủ con nầy rất nể trọng ba, nhờ lợi điểm đầu tiên là ba nói được tiếng Pháp trôi chảy (vì hồi đó An có nghe kể ba học chương trình Pháp tới hết cấp 2 mà chưa thi trung học Pháp), rồi ba còn nói và hiểu được kha khá tiếng Hoa, hồi đó gia đình ông nội ở quê sống chung trong làng với rất nhiều gia đình người Hoa, và với tiếng Việt, ba có thể là thông dịch viên giữa chủ nhân và nhân viên trong hãng, vì thế ba rất được lòng “ông chủ con”. Hơn nữa tính ba làm việc ngăn nắp trật tự và tinh thần trách nhiệm rất cao, ba lại cương trực thẳng thắn không kiêu ngạo phách lối với mọi người vì được chủ tin dùng. Mỗi lần “ông chủ con” vắng mặt trong hãng, ông ta rất yên tâm giao phó mọi việc cho ba, và lần nào ba cũng chu toàn nhiệm vụ nên chủ đối xử rất hậu hĩ với ba, cuộc sống gia đình cũng nhờ đó đỡ vất vả, các con của ba được ăn học đầy đủ.
An nhớ lúc An lên năm, mẹ cho An đến học mẫu giáo của một trường nhỏ trong xóm nhà An. Gọi là trường chứ thật ra chỉ là nhà của một cô giáo ở độc thân, An nghe người lớn gọi là cô Tám. An thấy cô cũng lớn bằng mẹ, nhà của cô nhỏ xíu, vuông vức, có cái gác nhỏ ở trên; bên dưới cô kê chừng năm, sáu dãy bàn học. Cô chỉ dạy mẫu giáo, là lớp sắp chuẩn bị vào lớp một trường công, An đoán chắc hồi trước cô đã từng dạy học, vì An học cô không thấy chán, ngược lại thích là khác. Cô dạy a, b, c cho học trò, rồi cô dạy hát, mấy bài hát trẻ con hồi đó An rất thích. Cô còn tập cho tụi An mấy bài hát ngắn tiếng Pháp thật dễ thương, cô giải thích nghĩa tiếng Việt cho tụi An hiểu. Trong lớp cô phía trên tấm bảng có treo bức hình người đàn bà rất đẹp tay bồng đứa trẻ xinh xắn, cô nói là hình Đức Mẹ bồng Đức Chúa, cô còn nói cô đạo Chúa nữa, có lúc cô còn hát cho cả lớp nghe những bài hát thật dài, giọng cô cao vút thánh thót, cô nói là bài hát trong nhà thờ do các ca đoàn trình diễn. Lúc đó An không hiểu cô nói gì hết, chỉ thấy là mỗi lần nhìn hình Đức Mẹ, An thấy thật dễ chịu, có cảm giác lâng lâng mà An thật khó diễn tả. An thích học trường cô Tám để mỗi ngày vào lớp An say mê nhìn hình Đức Mẹ, vì nhà An đâu có treo hình nầy. Có lần An hỏi mẹ thì mẹ nói” nhà mình đâu có đạo Chúa con ạ !”. Sau đó An vào lớp một trường tiểu học gần nhà, không còn học trường cô Tám nữa, nhưng An vẫn thường đi bộ ngang qua nhà cô Tám, ghé vào thăm cô, để được nhìn bức ảnh “Đức Mẹ bồng Đức Chúa” mà ngày đó An rất thích.
Khi An bắt đầu vào lớp đệ thất của bậc trung học, An học trường của các Soeur Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, trường nằm khuất trong một góc ngó ra ngã ba đường Nguyễn Biểu và Phan văn Trị thuộc Quận 5 ( trước 1975). Ban Giám-Đốc nhà trường toàn là các Nữ Tu của Dòng; trường nhỏ nhưng đủ các cấp lớp từ tiểu học cho đến trung học, nghiã là từ mẫu giáo cho đến lớp đệ nhất. Ngoài ra trường còn có nhận học sinh nội trú nhưng không nhiều, phần lớn là học sinh từ đệ thất trở lên, có một ít em nội trú cấp tiểu học nữa.Trường còn có khu nhà tập để nhận các chị muốn vào tu ở Dòng, các chị phải qua một thời gian dài vừa học văn hóa chung với học sinh ngoại trú như An, vừa học giáo lý của Dòng và tập sống đời sống đạo như các Soeur trong Dòng.
Năm An mới vào lớp đệ thất ( hồi đó còn gọi đệ thất là lớp 6, đệ lục là lớp 7…) thì trường đã đổi tên là Trường Trung-Tiểu Học Tư Thục Thánh-Linh từ lúc nào rồi, An được biết trường hồi đó đã từng có tên tiếng Pháp là L’ecole de Saint-Esprit. Trường chia ra từng khu riêng rẽ, khu tiểu học, khu trung học, khu nhà nội trú, khu nhà tập cho các chị đệ tử, khu nhà ở của các Soeur... mỗi khu đều giữ được vẻ yên tĩnh không bị ồn ào bởi khu tiểu học của các em nhỏ. Có lẽ vì muốn tránh mọi phiền toái có thể xảy ra, nên từ đệ thất trở lên trường chỉ nhận nữ sinh, tuyệt đối không nhận nam sinh. Vì trường An học là trường đạo, nên mỗi sáng vào lớp trước khi bắt đầu các tiết học thì cả lớp phải làm dấu thánh giá và đọc một bài kinh ngắn. Lúc đầu An đâu có thuộc bài kinh nào nên chỉ đứng yên nghe các bạn khác đọc, nhưng dần dần rồi An cũng thuộc và đọc theo. Mỗi tuần An còn có học giờ giáo lý về đạo do môt Cha dạy. Trường còn có một nhà nguyện nhỏ rất ấm cúng nhưng không mất vẻ trang nghiêm thành kính. Hồi đó mỗi lần có dịp vào nhà nguyện, bên trong có tượng Đức Mẹ lớn mặc áo xanh da trời rất đẹp, vẻ trang trí chung quanh cũng toàn màu trắng và xanh, tạo cho An một cảm giác thật bình an nhẹ nhàng. Có lẽ vì từ nhỏ An đã ảnh hưởng nhiều của mẹ An vì bà rất thích màu thiên thanh, và An cũng đã thích giống mẹ. Thêm nữa đồng phục của trường cho học sinh trung học là áo dài màu xanh. An còn nhớ lúc gần ngày tựu trường, người dì em gái của mẹ vốn là thợ may đã may cho An hai chiếc áo dài bằng vải, hồi đó gọi là vải petit là loại vải dệt sợi rất mịn, không mỏng lắm cũng chẳng dày cộm như vải kaki. Lúc An xúng xính trong chiếc áo dài đầu tiên trong đời, cả nhà ai cũng bật cười làm An mắc cở chết được, chỉ muốn chui góc nào trốn cho xong. Rồi khi đến trường, thấy chung quanh các bạn khác ai cũng mặc giống nhau, nên dần An cũng đỡ ngượng ngùng khi mặc áo. Trường còn có chương trình gia nhập phong trào sinh hoạt Thanh-Sinh-Công (Thanh-niên Học sinh Công-giáo) họp mặt nhau mỗi chiều thứ bảy mỗi tuần để sinh hoạt văn nghệ, để trao đổi kinh nghiệm học tập hay có những buổi đi làm thiện nguyện như đi thăm cô nhi viện hay những buổi văn nghệ gây quỹ mua quà, viết thư quỹ lạo các chiến sĩ tiền đồn nhân dịp Noel hay xuân về. Học ở một trường đạo nên An có dịp thường xuyên tham gia vào các buổi lễ bên đạo, và An mới nhớ ra là những bài hát mà hồi đó Cô Tám hay hát cho tụi An nghe là những bài hát của các ca đoàn hát trong nhà thờ. Trong các buổi lễ, tiếng hát của các ca viên cất lên quyện vào tiếng piano đệm thánh thót réo rắt dễ chinh phục lòng người. An rất thích cái không khí yên ắng của ngôi nhà nguyện nhỏ trong trường, có nhiều lần đi ngang qua không biết có một sức thu hút nào khiến An phải bước vào bên trong giây lát. An có cái cảm giác quen thuộc khi thấy lại bức ảnh Đức Mẹ bồng Đức Chúa, gương mặt thánh thiện hiền từ trong tà áo màu thiên thanh. Cái cảm giác bình yên nầy An đã có hồi An còn học ở trường Cô Tám, nhưng hồi đó An còn nhỏ quá đâu biết tại sao, bây giờ vào học trường các Soeur, An đã tìm lại được cảm giác bình yên đó. An có đem chuyện nầy kể lại cho Soeur hướng dẫn lớp , Soeur nói vây là An đã được ơn kêu gọi của Đức Mẹ, Soeur kêu An về xin phép gia đình cho theo đạo Chúa, và sau nầy nếu được thì An có thể trở thành như các Soeur, nghĩa là một Nữ Tu sống đời phục vụ. Soeur phụ trách rất thương An, Soeur nói qua việc hướng dẫn lớp, Soeur thấy tính An rất thích hợp cho việc tu tập sống trong tu viện, Soeur đã tạo điều kiện cho An tham gia các buổi lễ trong nhà nguyện. Suốt 7 năm của bậc trung học ở trường, năm nào An cũng được Cha dạy môn giáo lý khen là học sinh giỏi môn nầy. Cuối cùng khi rời trường An vẫn chưa trở thành một con chiên mới, An biết mình đã phụ lòng của Soeur phụ trách, nhưng hình như ở trong An vẫn có cái gì vướng mắc đã khiến An còn ngập ngừng chưa quyết định.
Sau khi tốt nghiệp trung học, An ghi danh học Văn-khoa, có những ngày học buổi chiều, sau giờ tan lớp, An đạp xe dọc theo con đường Cường Để, ngược lại hướng trường Văn khoa, cuối đường thật vắng vẻ, yên tĩnh, nơi đây tọa lạc Dòng Tu Kín, An hay vào ngôi nhà nguyện nhỏ nằm trong khuôn viên tu viện, bên trong có tượng Bà Thánh Têrêsa đặt nằm trong một lồng kính to trong suốt, pho tượng trông như người thật đang nằm ngủ, nét mặt bà Thánh thật thánh thiện nhân từ. Chiều nào cũng vậy, khoảng 5 giờ là có lễ cho các nữ tu, tiếng chuông đổ vang lên An nhìn vào phía xa xa bên trong tu viện, các nữ tu xếp hàng dài chậm rãi vừa đi vừa lần chuỗi đọc kinh. Lần nào cũng thế An nhìn cho đến người cuối đi khuất mới đứng dậy về, An thấy tâm trạng buồn buồn, làm sao các nữ tu lại chịu đựng nỗi cuộc sống lặng lẽ như vậy nếu không có một ơn kêu gọi đặc biệt vì họ còn quá trẻ, dù tính An cũng rất thích sự yên tĩnh, lặng lẽ, nhưng để quyết định chọn một cuộc sống thầm lặng như thế An cũng không dám, có lẽ An còn nặng lòng trần nhiếu quá. An còn nhớ lúc học lớp đệ tứ, cuối năm đó có cô bạn cùng lớp đã từ giã bạn bè để vào sống đời nữ tu trong một tu viện ở Đà lạt, bạn bè ai cũng lưu luyến cô vì cô học rất giỏi theo chương trình Pháp từ nhỏ, gia đình lại giàu có, vậy mà cô bỏ hết để chọn con đường trở thành một nữ tu. An không biết tin cô bạn từ lúc đó, không biết cô có đi hết con đường đã chọn không ?...
Trong gia đình An, bố mẹ chỉ thờ cúng tổ tiên ông bà, chứ không chọn theo một tôn giáo nào, vì thế khi An theo học trung học ở một trường đạo bố mẹ cũng không phản đối, ngay cả hai đứa em kế An cũng theo học Trường Nguyễn Bá Tòng của các Cha, nên trong nhà An và hai em nói chuyện có vẻ hợp nhau hơn, An kể chuyện các Soeur, còn hai em nói về các Cha, những câu chuyện rất tương đắc. Sau nầy An với em gái hợp tánh nhau hơn với em trai, hai chị em hay nói chuyện đạo với nhau. Sau năm 1975, vì thời cuộc gia đình An cũng như bao gia đình khác ở miền Nam lâm cảnh ly tán mất mát, thời gian nầy An và em gái do sự giới thiệu của người bạn, hai chị em hay vào nhà thờ Đắc Lộ gặp chị linh hướng ở đây để sinh hoạt cùng chị học hỏi về đạo, hình như có một cái gì đã thôi thúc hai chị em An tìm đến Chúa. Chị linh hướng thật dễ thương, chị đã hết lòng hướng dẫn hai chị em. Cuối năm 79, em gái An có cơ hội đi vượt biên với gia đình người quen, nó quyết định xin chị linh hướng nói với Cha sở nhà thờ Đắc Lộ năm đó là Cha Linh cho nó làm lễ rửa tội đêm Giáng Sinh. Nó muốn mang theo trong lòng một đức tin vững mạnh trước khi bắt đầu chuyến đi định mạng. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Chị linh hướng, cùng sự thông cảm của Cha sở, đêm Giáng Sinh năm ấy hai chị em đã trở thành hai con chiên mới của Chúa, hai chi em An trong bộ áo dài trắng tinh khiết quỳ trước bàn thờ lãnh nhận ơn Thánh, An đã khóc vì cảm động khi Cha rót nước rửa tội lên đầu An, giọt nước Thánh và giọt nước mắt đã hoà lẫn vào nhau trong khi An mỉm nụ cười sung sướng…Sau lễ một số ít bạn bè của hai chị em đã họp mặt chung vui. An đã chọn tên thánh là Têrêsa, bà Thánh nằm trong lồng kiếng ở tu viện Dòng Kín năm nào, vị Thánh Nữ mà An đã hết lòng kính phục và mong muốn được sống như đời sống của Bà, dù chỉ giống một phần rất nhỏ nhoi khiêm nhường.
Bây gìờ mấy chục năm qua rồi, mỗi lần nhớ lại đêm Giáng Sinh đầu tiên năm ấy, An vẫn còn cảm nhận được nỗi xúc cảm trong giây phút linh thiêng đó. An đã không có được cái hạnh phúc cùng đi lễ Giáng Sinh với gia đình, bao năm rồi vẫn chỉ mình An lặng lẽ cô đơn đi lễ một mình, ở Việt Nam rồi ở Mỹ vẫn một mình một bóng, như cái hạnh-phúc nữa vời đang hiện hữu trong An…