main billboard

Các giọng nam ca mùi thì có rất nhiều, nhưng giọng thiên phú mà khi cất lên là “trời sầu đất thảm” thì có lẽ giọng ca Thanh Sang phải được xếp hàng số một.

thanhsang

Nghệ sĩ Thanh Sang trong vở "Tình anh bán chiếu".

Các giọng nam ca mùi thì có rất nhiều, nhưng giọng thiên phú mà khi cất lên là “trời sầu đất thảm” thì có lẽ giọng ca Thanh Sang phải được xếp hàng số một. Bên cạnh giọng ca trời cho, Thanh Sang còn để đời với nhiều vai diễn thuộc hàng kinh điển của sân khấu cải lương.

Trong làng cải lương, không ai không biết đến nghệ sĩ Út Bạch Lan với giọng ca được mệnh danh là “Sầu nữ". Không phải những giọng ca nữ khác không u buồn, nhưng nói về độ mùi mẫn bi ai thì rõ ràng không ai vượt qua được Sầu nữ Út Bạch Lan. Còn nếu nhìn vào các giọng ca nam, ca mùi thì có rất nhiều, nhưng giọng thiên phú mà khi cất lên là “trời sầu đất thảm” thì có lẽ giọng ca Thanh Sang phải được xếp hàng số một. Bên cạnh giọng ca trời cho, Thanh Sang còn để đời với nhiều vai diễn thuộc hàng kinh điển của sân khấu cải lương.Bỏ đời ngư phủ theo nghiệp cầm ca

Nghệ sĩ Thanh Sang tên thật Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Gia đình ông làm nghề chài lưới, rất nghèo khổ, lại đông con, mà ông lại là con trai một, nên cái gánh nặng gia đình tự nhiên trở thành một áp lực vô hình đè nặng lên ông, để phải tìm mọi cách đổi đời cho gia đình bớt khổ.

Nếu ai có dịp về Phước Hải sẽ không khỏi ngậm ngùi khi nói tiếng chia tay với vùng duyên hải thơ mộng này. Núi non hùng vĩ đứng bên bờ biển bao la của vùng Phước Hải đã kết tinh thành một giọng ca buồn miên man nhưng đầy khí khái của cậu bé tên Thu.

Thuở nhỏ, Thanh Sang học ca vọng cổ theo tiếng đờn của danh cầm Văn Vĩ trên đài phát thanh, 12 giờ khuya hằng đêm mà ông nghe ké được từ nhà hàng xóm. Khi biết ca rồi, ông bèn năn nỉ mấy thầy đờn tập giùm những lúc họ rỗi rảnh. Về diễn xuất cũng vậy, vẫn theo đà của thế hệ vàng, nghề ca hátđược truyền theo kiểu nghề dạy nghề, Thanh Sang ngồi cánh gà coi riết rồi thuộc hết thảy các vai tuồng, kể cả vai nữ. Để rồi lại “trông mong” có nghệ sĩ nào bị đau ốm để được lên đóng thế.

Mới hơn 14 tuổi ông đã bắt đầu theo nghiệp tổ. Cái áp lực khi ấy đối với ông nặng lắm, bởi đã bỏ nghề cá và bỏ xứ theo nghiệp hát ca thì phải làm sao có chút đỉnh thành công, nếu không thì còn mặt mũi nào dám trởlại nhìn mặt xóm làng. Áp lực nặng đến mức mà Thanh Sang từng ví chuyến đi của mình như : “Kinh Kha qua sông Dịch”.

Con đường khởi nghiệp của Thanh Sang cũng lắm gian nan. Ông kể, chờ hoài mà mấy anh kép chánh không chịu bệnh, chỉ có kép phụ bị làm khó làm dễ rồi xin nghỉ để mới được cho đóng thế vai phụ. Những vai phụ đầu tiên của chàng trai tuổi đôi mươi lại là vai lão. Lúc trẻ tên tuổi Thanh Sang gắn với vai lão nhiều hơn.

Đúng như câu “Tái ông thất mã”, cuộc đời mà, trong cái rủi thì ắt hẳn có cái may, cũng chính nhờ đóng vai lão mà Thanh Sang đã đạt đến đỉnh cao vinh quang khi đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm vào năm 1964, giải thưởng cải lương danh giá nhất tính đến hiện tại. Vai diễn đưa Thanh Sang đến với giải thưởng cao quí này là vai Tạ Tốn trong vở “Cô Gái Đồ Long”.

Đây là một vai diễn rất khó, vì người diễn bị mất đi một vũ khí diễn xuất lợi hại nhất của người nghệ sĩ trên sân khấu, đó là đôi mắt, do Tạ Tốn là một nhân vật mù. Hơn nữa đây là một nhân vật có tuổi, mà lại cùng với bao sóng gió của cuộc đời, Tạ Tốn lại càng trở nên già nua với ngổn ngang tâm sự. Như tổ nghiệp đã cố tình sắp đặt, giọng ca của Thanh Sang rất hợp với nhân vật Tạ Tốn này: giọng ca u buồn, đong đầy tâm sự, nhưng luôn có một xung lực phi thường, cách diễn của Thanh Sang lại rất chừng mực, nên đã thể hiện xuất sắc vai diễn này.

Có vẻ ban tổ chức của giải Thanh Tâm đã có lý khi quyết định trao huy chương vàng cho Thanh Sang, vì đến hiện tại vai Tạ Tốn vẫnđược xem là “vai của Thanh Sang”, bởi chưa thấy ai đóng qua được. Sự có lý của ban tổ chức giải Thanh Tâm còn được khẳng định thêm, khi năm 1964 cùng với Thanh Sang thì nữ nghệ sĩ Lệ Thủy cũng nhận giải thưởng cao quí này. Và đến hiện tại, hai nghệ sĩ này đã thật sự vượt mong đợi của những người trao giải với những thành công không thể nào rực rỡ hơn nữa trên sân khấu cải lương.

Thanh Sang -Thanh Nga: Đôi bạn diễn “xưa nay hiếm”

Thanh Sang từng tâm sự rằng, khi còn trẻ thì được giao đóng vai già, còn khi lớn tuổi lại được chọn đóng vai kép trẻ. Quả thật vậy, và sự chọn lựa này của các đạo diễn dành cho Thanh Sang không phải là không có lý, bởi cái vai già ông đóng khi trẻ cũng thành công, mà cái vai trẻ ông đóng khi già cũng lại rất thành công.

Nói về vai kép chính trẻ trung đầu tiên của Thanh Sang phải nhắc đến vai Đông Nhật trong vở Tuyết Phủ Chiều Đông. Đây cũng là một cơ duyên, bởi khi ấy ở đoàn Ngọc Kiều của ông bầu Hoàng Kinh, anh kép chánh Hùng Cường vừa đánh người phải đi hầu tòa, nên Thanh Sang được chọn thế vai cho Hùng Cường, và con đường kép chánh của Thanh Sang bắt đầu từ đó.

Thế nhưng,để gọi là thành công rực rỡ, tức tạo được dấu ấn trong lòng người mộ điệu cải lương, thì phải chờ đến khi Thanh Sang về đoàn Thanh Minh -Thanh Nga của bà Bầu Thơ, mẹ của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Ở đó, tổ nghiệp dường như đã có ý đền đáp cho thái độ làm nghệ thuật nổi tiếng nghiêm túc của bà Bầu Thơ bằng cách ban cho đoàn hát của bà một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ Thanh Sang -Thanh Nga.

Đôi bạn diễn thành công đến mức mà đến hiện tại, dù có bình luận thế nào, tranh cãi ra sao, thì hễ nhắc đến Thanh Sang người ta lập tức nghĩ ngay đến Thanh Nga, mà hễ bàn về Thanh Nga thì lại nghĩ ngay đến Thanh Sang. Cả hai đều có giọng trầm buồn, đầy nội lực, cách ca cách diễn rất chừng mực, cách làm nghệ thuật rất nghiêm túc, nên sự ăn ý trên sân khấu đã đạt đến mức hoàn hảo.

Năm 1978, Thanh Nga bất hạnh qua đời, sự ra đi này là một tổn thất không gì bù đắp nổi đối với sân khấu cải lương, bởi đó là sự ra đi của một nữ nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu. Thế nhưng mất mát cho cải lương còn ở chỗ: sự ra đi của Thanh Nga cũng khiến cho sân khấu cải lương mất một đôi bạn diễn thuộc hàng “xưa nay hiếm”.

Trần Minh -Thanh Sang: Ca nội tâm, diễn chân phương

Vỡ tuồng Bên Cầu Dệt Lụa đã mang đến hai hình tượng thuộc hàng đẹp nhất cho sự thủy chung son sắt. Nếu Thanh Nga xuất sắc với vai nàng tiểu thư Quỳnh Nga dám vượt khuê môn đến chăn tằm dệt vải bên cầu để lấy tiền cho người chồng hứa hôn lên kinh ứng thí, thì Thanh Sang cũng đáp lại bằng vai diễn để đời với một hàn sĩ Trần Minh, bị nhạc trượng tương lai ruồng bỏ do chê gia thế bần hàn, đến độ mẹ ruột bị hành hạ đến uất ức mà mang bệnh chết.

Trong nghịch cảnh ấy, lòng thù hận của Trần Minh đối với nhạc trượng đã được hóa giải bằng tấm chân tình của người vợ hứa hôn Quỳnh Nga. Để rồi, khi đỗ trạng nguyên, bị vua dùng quyền uy tối thượng ép chàng phải cưới công chúa, Trần Minh đã từ chối cái ngôi phò mã cao sang, thậm chí sẵn sàng chấp nhận cái chết để giữ cho vẹn thủy toàn chung với người vợ tào khang Quỳnh Nga ở quê nhà.

Lớp diễn Trần Minh đối đáp với vua và công chúa giữa trào đình là một lớp diễn xuất thần của Thanh Sang. Nét khẳng khái, sự quyết liệt, cách đối đáp chân thật mà uyên bác, thâm thúy mà giản đơn đã được Thanh Sang thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế: nhẹ nhàng vì Thanh Sang có lối diễn chừng mực không phô trương, tinh tế vì Thanh Sang biết khai thác tối đa thế mạnh của giọng ca đầy nội tâm để biểu đạt hết cái thần của nhân vật.

Một nét đáng chú ý trong lớp diễn này, nhất là đoạn Trần Minh ca hai câu vọng cổ đối đáp với vua khi vua mang gươm lệnh ra dọa nếu Trần Minh từ chối ngôi phò mã thì sẽ phải mất đầu: đây là một lớp diễn rất khó. Khó trước tiên là về cách diễn xuất phải làm sao bộc lộ được sự quyết liệt từ chối nhưng phải giữ được đạo quân thần, chứ không phải từ chối của một kẻ bình dân, mà là từ chối của bậc trạng nguyên có ăn có học.

Cái khó thứ hai mà cũng là cái khó chính, đó là lời bài ca trong lớp diễn. Hai câu vọng cổ mà Trần Minh ca đối đáp với vua hàm chứa rất nhiều điển tích, mà phải chi điển tích là những câu chuyện dài thì còn có thể nắm cốt chuyện mà nhớ, đằng này lại liên quan đến một loạt các tên tuổi lấy từ Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu. Chẳng hạn như đoạn đối thoại có những lời như sau:

“Muôn tâu, thánh như Ngũ đế, nhân như Tam Vương, mạnh như Ô Hoạch, dõng như Mạnh Bôn Hạ Dục mà còn phải chết, trên đời có ai thoát khỏi chết đâu mà thần phải sợ”.

Chúng ta thấy, dẫu là người có học cao, khi ca đoạn này cũng phải học thật kỹ, nếu không khi đang ca trong lòng bản vọng cổ, không có thời gian đâu mà suy nghĩ nhiều, nên việc nói nhanh mà nhầm lẫn tên là rất khả dĩ. Ấy thế nhưng ở Thanh Sang cách diễn xuất rất tự nhiên, cách ca rất trôi chảy, lời ca trong nét diễn, nét diễn trợ lời ca, cho thấy đó thật sự là một Trạng Nguyên thuộc lào kinh sử, chứ không phải là một anh kép hát đang vừa ca vừa vắt óc nhớ lời hoặc ca một cách vô hồn, không hiểu gì về tên những nhân vật mà minh đề cập.

Xuất thân hàn vi nên Thanh Sang không được ăn học nhiều, nhưng Thanh Sang luôn chịu khó tự trao dồi kiến thức, và khi ca diễn ông có thể hiểu trọn vẹn những tích tuồng mà mình tham gia đóng. Trong giới cải lương, Thanh Sang được mệnh danh là người có hiểu biết rộng, thông tuệ nhiều thứ. Thế mới thấy được sự phấn đấu phi thường đáng trân trọng của nghệ sĩ Thanh Sang, một sự phấn đấu mà không phải những ngườiđược xem là trí giả đôi khi còn không có. Thế mới thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này nên soi vào đó để tự trao dồi, trao dồi không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn cả những kiến thức sử xanh cần thiết.

Lớp diễn để đời khác trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa là đoạn Trần Minh đỗ trạng nguyên xong về lại quê xưa, nhưng xin phép vua không làm lễ vinh quy bái tổ rình rang như thông lệ, mà lại chọn cách xếp cờ êm trống, mặc áo cơ hàn mang bầu rượu nhạt đến tìm gặp người bạn tri giao là hàn sĩ Nhuận Điền. Nghệ sĩ Thanh Tú thủ vai Nhuận Điền đã cùng Trần Minh -Thanh Sangđể lại cho đời một tình bạn tri âm tri kỷ đúng nghĩa.

Đặc biệt, khi Nhuận Điền ngạc nhiên thấy Trần Minh đã là trạng nguyên mà còn mang rượu mua ở quán nghèo tại quê hương đến mời bạn, Nhuận Điền hỏi: “Giờ đã là trạng nguyên rồi mà còn uống được rượu quán nghèo nơi xóm cũ à?”,Trần Minh -Thanh Sang vô vọng cổ câu 5 để trả lời: “Uống chớ đại huynh, tuy rượu quán nghèo mà nồng nàn hương vị, xin kính cẩn nâng ly mời tri kỷ, mượn chén rượu ngày xưa cho tròn vẹn… thâm ….tình”. Giọng ca Thanh Sang trầm ấm, trữ tình, chứa đầy tâm sự, nên chỉ với bốn chữ: “Uống chớ đại huynh” thôi thì người nghe cũng có thể hiểu được trọn vẹn nổi lòng của nhân vật rồi. Chỉ bốn chữ đơn giản như thế mà đến giờ phút này, đã có không ít nghệ sĩ trích lại đoạn nói trên, nhưng chưa thấy ai đạt đến trình độ: “Bốn chữ nói lên tất cả” như Thanh Sang.

Thế nhưng, trong vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, khi nhắc đến Quỳnh Nga -Trần Minh, người mộ điệu nghĩ ngay đến đoạn Quỳnh Nga đến tiễn Trần Minh lên đường lai kinh ứng thí. Nàng mang đến cho chàng gói hành trang, lộ phí, mà điều đáng quý là tất cả những thứ đó đều do tự tay nàng làm ra sau khi rời khỏi lầu son gác tía trong phủ quan huyện của cha nàng để đến dựng quán bán vải bên cầu. Ý nghĩa nhất lúc này đó là chiếc áo ngự hàn mà nàng đã thức suốt bao đêm để dệt bằng “tơ tâm sự”. Thanh Nga ca hai câu vọng cổ để trao gói hành trang, thì Thanh Sang sau đó cũng ca hai câu vọng cổ đáp tạ chân tình. Đoạn ca này cả hai đã thật sự đạt trình độ thượng thừa về ca diễn. Đặc biệt về ca, tất cả những tình cảm cần thể hiện đãđược đôi nghệ sĩ ngọc ngà này của sân khấu cải lương đưa hết vào trong lời ca.

Đáp lại Quỳnh Nga -Thanh Nga, Trần Minh -Thanh Sang đã ca như vầy: “Quỳnh Nga ơi nhận vật trao tay ta nghẹn ngào muốn khóc, rừng rực lửa yêu đương ta nguyện cùng ai thề giữ vẹn chữ …chung…tình”. Những chữ “Quỳnh Nga ơi nhận vật trao tay ta nghẹn ngào muốn khóc” được Thanh Sang đưa hết tình cảm vào đó. Với giọng ca đầy nội lực và nội tâm của Thanh Sang, chỉ với mấy chữ mở đầu này cũng đủ để khán giả cảm được sự rưng rung nước mắt trong lòng của bậc trượng phu Trần Minh, không cần phải xem thêm động tác gì nữa.

Giọng ca của Thanh Sang rất thích hợp cho những vai nội tâm cao, đây là một ưu thế của ông, nên ông đã triệt để khai thác, và khai thác một cách xuất sắc cho đoạn ca này. Nhiều nghệ sĩ thế hệ sau ca diễn lại đoạn này, nhưng do giọng ca thiếu nội lực, do không có được làn hơi đầy nội tâm như Thanh Sang, hoặc do diễn hơi bị lố, nên chưa thấy có ai thể hiện xuất thần đoạn này như Thanh Sang.

Thành công của Thanh Sang trong Bên Cầu Dệt Lụa đến mức mà khán giả miền Tây thường biết đến tuồng cải lương này qua tên Trần Minh Khố Chuối, và hình tượng một Trần Minh nghèo khổ hiếu học, vẹn thủy toàn chung đã đi vào đời sống thường nhật của người Nam Bộ, bởi rất thường khi gặp một người nam nghèo khổ có chí học hành thì nhiều người gọi ngay đó là “Trần Minh khố chuối”.

Thi Sách -Thanh Sang: Đỉnh cao của nét diễn bi hùng

Một vai diễn để đời nữa của Thanh Sang là vai Thi Sách trong vở Tiếng Trống Mê Linh cũng đóng cặp với Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Nếu trong vai Trưng Trắc, Thanh Nga đã tạo ra những đỉnh cao nghệ thuật mà cho đến giờ này chưa nữ nghệ sĩ cải lương nào vượt qua, thì Thanh Sang cũng đã “gây khó dễ” cho thế hệ sau với vai Thi Sách, bởi đến hiện tại chưa thấy ai tiếp bước một cách xứng tầm cho vai diễn này. Và hễ nhắc đến Thi Sách trong Tiếng Trống Mê Linh là người mộ điệu nghĩ ngay đến Thanh Sang.

Lớp diễn để đời cho cả hai nghệ sĩ bậc thầy này là lớp Trưng Trắc -Thanh Nga tế sống Thi Sách -Thanh Sang trước cửa thành Luy Lâu. Số là Thi Sách bị Tô Định bắt đem lên giàn hỏa để uy hiếp buộc Trưng Trắc lui quân. Thế nhưng, vận mệnh non sông chỉ còn ở trận đánh đó thôi, chỉ còn ở thời cơ đó thôi. Nợ nước tình nhà đè nặng lên vai Trưng Trắc. Thanh Nga đã xuất thần trong lớp diễn tế sống chồng với hai câu vọng cổ thuộc hàng “quỷ khốc thần sầu”. Thi Sách -Thanh Sang cũng không hề lép vế với bạn diễn. Trên giàn hỏa, Thi Sách-Thanh Sang khảng khái khuyên vợ đặt việc nước trước tình nhà để tấn binh diệt giặc. Thanh Sang cũng đã ca hai câu vọng cổ thuộc hàng “thần sầu quỷ khốc”.

Cả hai đã gặp nhau ở một điểm, mà lại là điểm quyết định cho giá trị thật sự của vai diễn, đó là: sự bi hùng. Trưng Trắc -Thanh Nga tế sống chồng trước ba quân nên không thể “bi lụy” được, còn Thi Sách -Thanh Sang lên tiếng khuyên vợ trước ba quân cũng phải dằn niềm riêng mà quyết chí vì nghĩa lớn của dân tộc.

Như đã nói, thế mạnh của Thanh Sang là có một giọng ca biểu lộ nội tâm rất tốt, bởi vậy Thanh Sang đã vận dụng thế mạnh này một cách tuyệt vời cho vai Thi Sách và đặc biệt là cho đoạn trên giàn hỏa.

Trong đoạn ca kêu gọi Trưng Trắc-Thanh Nga tiến quân, Thi Sách -Thanh Sang ca như vầy: “Ta cám ơn tất cả đã tạm đình binh để kéo dài mạng sống cho ta dù trong phút giây ngắn ngủi. Nhưng nàng hãy ra lệnh cho nghĩa binh anh dũng hãy nổi trống đồng lên. Hãy nổi trống tấn công đi…”. Sáu chữ “Hãy nổi trống tấn công đi” của Thi Sách -Thanh Sang âm vang, uy vũ, nhưng lại rất chan chứa tâm tình. Uy vũ vì là lời ra lệnh với tư cách chủ tướng dành cho thuộc cấp, chan chứa thâm tình vì thuộc cấp chẳng ai khác là người vợ tào khang, bảo vợ tấn binh tức đồng nghĩa với việc âm dương hai ngã, nhưng biết làm sao hơn khi mà “Sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể. Tất cả đều không có đáng kể. Mà điều đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương”.

Nội tâm bi hùng đó đã được thể hiện một cách trên cả tuyệt vời qua giọng ca đầy nội tâm của Thanh Sang. Và sáu chữ “Hãy nổi trống tấn công đi” thật đơn giản, dễ ca, nhưng mỗi khi nghe Thanh Sang ca sáu chữ này, người nghe ắt hẳn không khỏi giật mình về “độ bi hùng” trong giọng ca Thanh Sang. Để đạt được trình độ bi hùng thượng thừa như Thanh Sang trong vai Thi Sách thì đến hiện tại chưa thấy có ai.

Một giọng ca “trời sầu đất thảm”

Thanh Sang có giọng trầm, đầy nội lực, man mác u buồn nhưng không bi lụy. Như đã nói, đây là một giọng ca rất thích hợp cho các vai có nội tâm cao. Nói về ca vọng cổ, thì giọng ca này cũng đúng cái bản chất của bài ca vọng cổ: “Chân phương hoa lá”. Tức ca vọng cổ là phải ca chân phương, không điệu đà thái quá, không làm dáng dư thừa, mà phải có sao ca vậy, giống như câu hò lời ru Nam Bộ, mộc mạc mà ngọt ngào, ru hồn người nghe một cách dịu êm. Thế nhưng, chân phương không có nghĩa chết cứng, mà phải biết dùng giọng ca trời cho và sự điêu luyện trong nhịp nhàng, cùng với cách sắp chữ, nhấn nhá để tạo hoa lá cho bài hát, qua đó tạo dấu ấn riêng cho mình.

Đâu phải ngẫu nhiên mà giọng ca Út Trà Ôn đi vào huyền thoại. Nghe Út Trà Ôn ca, ta thấy ngay đó là một giọng ca chân phương, nhưng những cung bậc tình cảm đa dạng của cuộc đời đã được nghệ sĩ bậc thầy này đưa vào bài ca trọn vẹn. Bởi thế mà, đến hiện tại, cái mỹ danh Vua ca vọng cổ vẫn thuộc về Út Trà Ôn.

Lúc thiếu thời, Thanh Sang mê giọng ca Út Trà Ôn và thường bắt chước ca theo. Khi theo nghề, lối ca Thanh Sang bị ảnh hưởng nhiều bởi Út Trà Ôn, từ cách sắp chữ, đưa hơi, nói chung là rất chân phương và hoa lá. Thế nhưng, Thanh Sang được trời phú cho một giọng ca rất riêng, cùng với sự phấn đấu không ngừng, Thanh Sang đã tạo được nét riêng cho mình. Cũng như các nghệ sĩ thành danh thế hệ vàng của sân khấu cải lương, giọng ca của Thanh Sang không nhầm lẫn với ai được, không cần nhìn, chỉ cần nghe cất hơi là người mộ điệu biết ngay đó là Thanh Sang.

Giọng Thanh Sang trầm, buồn man mác, một cái buồn mà người nghe không cảm thấy bị ngột mà là bị lây từ từ, để rồi càng nghe càng thấy thấm, mà thấm từ từ, nói chung là buồn, buồn lắm. Đây là một điểm đáng chú ý nhất trong giọng ca Thanh Sang, mà thiết nghĩ trong giới nam nghệ sĩ, chỉ có Thanh Sang mới được trời phú cho một giọng ca đạt đến “độ sầu” như vậy. Nghe Thanh Sang ca vọng cổ ta dần cảm được cái gọi là “trời sầu đất thảm”.

Nếu nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan được mệnh danh là“Sầu Nữ”, thì xin tặng cho Thanh Sang hai chữ: “Sầu nam”. Sầu nam ở đây không có nghĩa là Thanh Sang chuyên đóng vai bi, vai sầu, mà là giọng ca của Thanh Sang cũng giống như giọng ca Út Bạch Lan, dù rằng một nam một nữ, nhưng cả hai giọng ca đều có một “ma lực” gieo rắc u sầu để người nghe không sầu theo cũng không được.

Thanh Sang không ca lẻ vọng cổ nhiều, nhưng đã ca thì ca lấy chắc. Chúng ta chỉ cần nghe lại một số bài cũng đủ thấy được độ sầu của giọng ca Thanh Sang: Mồ em Phượng (Viễn Châu), Nhớ mẹ hiền (Viễn Châu), Người đánh đàn trên bắc Mỹ Thuận (Viễn Châu).

Năm 2001, Thanh Sang bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi, sau đó phải vắng bóng trên sân khấu sáu bảy năm trời. Đến năm 2007, được bạn bè và đồng nghiệp cổ vũ, giúp đỡ, Thanh Sang đã tổ chức live show mang tên: “Năm mươi năm một tình yêu nghệ thuật” tại Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, do Cải lương chi bảo Bạch Tuyết làm đạo diễn. Lần “tái xuất giang hồ này” của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn càng khẳng định tính nghiêm túc trong nghề nghiệp của Thanh Sang. Được biết, khi ấy dù mọi người lo lắng sức khỏe không cho phép ông hát được trọn vẹn trên sân khấu, nhưng ông kiên quyết không hát nhép, và tuyên bố ca trực tiếp thì dù có chết trên sân khấu cũng được.

Ôi đáng kính thay một tấm lòng vì nghệ thuật! Nếu tất cả nghệ sĩ đều có một tấm lòng như thế thì cải lương chắc hẳn sẽ không bị cho là khủng hoảng như bây giờ, bởi như không ít người thường nói, không phải khán giả bỏ cải lương, mà có nhiều nghệ sĩ đang bỏ và đang giết lần mòn cải lương vậy.